Vào tháng 8 -1968, Trung Tướng Đỗ Cao Trí vừa mới được tái ngũ, phục hồi cấp bậc sau mấy năm bị thất sủng lại được Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III vùng 3 Chiến thuật, một vùng lãnh thổ đông dân, bao trùm cả thủ đô Sài Gòn, có nhiều yếu tố tế nhị. Rồi hơn một năm sau, tướng Trí lại được giao trách nhiệm Tổng Chỉ huy Chiến dịch vượt biên. Thực ra tướng Trí chẳng phải là thân tín của tướng Thiệu mà chính vì tình hình chiến sự ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có các cấp lãnh đạo quân sự tài giỏi để đối phó với cộng quân. Tướng Trí được đánh giá là một tướng can đảm và có thực tài chỉ huy tác chiến.
Như chúng ta đều biết, sau chính biến 1- 11- 63 tình hình chiến sự VNCH xấu đi rõ rệt. Về mặt chính trị thì đầy bất ổn qua các vụ chỉnh lý, âm mưu đảo chánh, biểu tình chống chính phủ và quan trọng nhất là vụ Phật giáo đấu tranh miền Trung bùng nổ dử dội gây nên một cơn bão chính trị...Về quân sự thì hạ tầng cơ sở Cộng Sản gia tăng xâm nhập vào nông thôn sau khi hệ thống ấp chiến lược bị phá bỏ. Cộng Sản Bắc Việt tăng cường xâm nhập bộ đội cùng chiến cụ vào miền Nam kể cả Cam Bốt và Lào, mở nhiều cuộc đánh phá các đồn bót các đơn vị phòng thủ của VNCH và nhất là đợt Tổng công kích Tết Mậu thân 1968, đánh vào tất cả tỉnh thị xã của ta kể cà Sài Gòn và cố đô Huế nhằm cướp chính quyền, chiếm miền Nam. Tuy Cộng quân bị thất bại nặng nề nhưng chúng vẫn không chùn bước mà còn gia tăng mức độ và cường độ chuyển quân và chiến cụ vào miền Nam trong âm mưu tiến hành chiến tranh xâm lược VNCH. Trước tình thế đó, buộc Tổng thống Thiệu phải cấp thời xem xét chấn chỉnh các chức vụ Tư lệnh Sư Đoàn, Quân đoàn và ông đã bổ nhiệm Trung tướng Đỗ Cao Trí giữ chức vụ Quân đoàn III thay thế Trung tướng Lê Nguyên Khang, đồng thời cử Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh chỉ huy Quân Đoàn IV vì hai tướng Trí và tướng Thanh được coi là tài giỏi nhất trong hàng ngũ tướng lãnh củaVNCH. Chính Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam cũng công nhận như vậy.
Riêng về tướng Trí, ngay khi đảm nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III, ông bắt tay ngay vào việc sắp xếp lại nhân sự và cung cách làm việc tại bộ Tổng tham mưu Quân Đoàn đồng thời chú trọng đặc biệt đến biện pháp chấn chỉnh khả năng chiến đấu của ba Sư đoàn 5,8, và 25 Bộ binh được coi là có phần yếu. Bất kể những trở ngại khó khăn và ông đã thành công chỉ sau một năm quyết tâm thực hiện. Từ đó tướng Trí nổi danh là một tướng lãnh nghiêm khắc, can đảm và có thực tài chỉ huy quân sự, nên ông lại được Tổng Thống Thiệu tin cậy thêm rồi cử làm tổng chỉ huy chiến dịch vượt biên.
Chiến dịch vượt biên sang lãnh thổ Cam bốt được dự trù vào thượng tuần tháng 4 năm 1970 là do hai phía chính phủ VNCH và Hoa Kỳ đều có chung một nhận định là từ lâu Cộng sản Bắc Việt đã thiết lập nhiều căn cứ hậu cần và căn cứ địa trên đất Cam Bốt cũng như Lào, để từ đó xuất phát các cuộc pháo kích, tấn công vào lãnh thổ VNCH, phía Hoa Kỳ nhận định thêm rằng, tình hình Cam Bốt đương suy sụp nặng nề. Tướng Long Non sau khi lật đổ chính phủ của Hoàng thân Sihanouk, xua quân tấn công Cộng quân, nhưng lại bị phản công rất mãnh liệt khiến cho quân của tướng Long Non khó có thể chống đỡ nổi. Nếu Cộng quân chiếm được Cam Bốt thì VNCH sẽ bị đe dọa nặng nề. Điều này là một trở ngại lớn cho kế hoạchViệt Nam hóa chiến tranh và việc rút quân Mỹ về nước. Vì vậy Tổng thống Thiệu và Tổng thống Nixon đồng thuận là đã đến lúc mở các cuộc hành quân vượt biên để tấn công triệt hạ các sào huyệt của quân Cộng sản Bắc Việt trên đất Cam Bốt, tạo đieu kiện cho VNCH đưa Việt kiều hồi hương và ngăn chận các hành động tàn sát dã man người Việt trên lãnh thổ Cam Bốt đồng thời yểm trợ quân sự cho tướng Long Non giải tỏa áp lực cuả Cộng sản...
Chiến dịch được chính thức mở màn ngày 13 - 4 - 70 và được tổ chức thành năm cuộc hành quân liên tiếp nhau lấy tên là Toàn Thắng 41,42,43,44, và 45 do tướng Đỗ Cao Trí tổng chỉ huy với lực lượng tham chiến lên đến cấp quân đoàn gồm nhiều binh chủng của QLVNCH như Bộ Binh, Biệt Động quân, Thủy quân lục chiến, Nhảy dù, Thiết giáp, Pháo binh, Công binh v.v... Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh với nhiệm vụ sử dụng Quân đoàn IV mở các cuộc hành quân Cửu Long yểm trợ cho chiến dịch. Mục tiêu chính là khai thông sông Cữu Long từ Việt Nam đến tận thủ đô Nam Vang để cho các tàu của Hải quân Việt Nam đưa Việt Kiều hồi hương. Tiếc thay ngay những ngày đầu tổng phát hành quân yểm trợ cuộc hành quân Toàn Thắng 42 cuối tháng 4- 70, khi tướng Thanh bay vào lảnh thổ Cam Bốt để điều động chỉ huy các đơn vị tham chiến thì chiếc trực thăng của ông đụng mạnh vào chiếc Cobra phát nổ đâm nhào xuống đất và tướng Thanh tử nạn. Thiếu tướng Ngô Du được cử thay thế tướng Thanh tiếp tục chỉ huy các cuộc hành quân Cửu Long 1,2,và 3 yểm trợ cho chiến dịch vượt biên. Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh được truy tặng Trung tướng. Trong những tháng chỉ huy cuộc hành quân Toàn Thắng. Tướng Trí ngày đêm hăng say phục vụ chiến đấu không mệt mỏi. Ông luôn luôn có mặt tại chiến trường bất kể mọi hiểm nguy, theo sát tình hình các trận địa, có phản ứng nhanh và sáng suốt. Từ chỗ ông có những hành động và cử chỉ huynh đệ chi binh đã làm cho binh sĩ cảm phục mà nức lòng chiến đấu thật can trường dũng cảm. Đó là yếu tố đưa tới thắng 1ợi to lớn cho chiến dịch vượt biên năm 1970 của QLVNCH, triệt hạ nhiều cơ sở hậu cần cũng như căn cứ địa của quân Cộng sản Bắc Việt. (Thái Thụy Vy và các cố vấn Mỹ Liên Đoàn có dự buổi khao quân mừng chiến thắng Snoul, Cam Bốt tại Quân Đoàn III)
Trong chiến dịch nầy Tư lệnh Đỗ Cao Trí nổi danh là một Tướng lảnh tài năng và dũng cảm, luôn luôn có mặt tại trận địa bất kể hiểm nguy, có tầm nhìn chiến thuật sắc bén, quyết định sáng suốt và mau lẹ, được quân sĩ ca tụng là một vị tướng anh hùng của chiến trường.
Chính vì tác phong chỉ huy sáng chói của tướng Trí đã làm các Tướng lãnh đồng bạn của ông tức tối, khó chịu. Họ vạch lá tìm sâu trong lúc trận chiến đồn điền Chup bùng lên dử dội nhất, gian khổ và dầu sôi lửa bỏng. Họ bảo rằng tướng Trí chỉ muốn tạo tiếng tăm anh hùng cho chính mình. Trong lúc họ đang ngồi trong văn phòng êm ấm, ngồi thiền!!!
Mặc dầu đời sống cá nhân của ông bị tai tiếng nhưng ông vẫn là một tướng lãnh tài giỏi nhất của QLVNCH trên chiến trường.
Hai nhà báo Mỹ David Fulghum và Terrence Mailand và các quan sát viên Quốc tế trong đó có tướng độc nhản Do Thái Moshé Dayan đã nhận định và đánh giá hai tướng lãnh tài giỏi của QLVNCH là Tướng Nguyễn Viết Thanh và Tướng Đỗ Cao Trí là Two fighting Generals trong cuốn The Vietnam Experience South Viet Nam on trial xuất bản tại Hoa Kỳ. Nội dung khái quát là...Đầu năm 1970, Bộ Tư lệnh MACV Sài Gòn đưa ra một bản tường trình ngắn có tính cách phê bình một số Tư lệnh Sư đoàn yếu kém về khả năng chỉ huy (dựa theo nhận xét của các cố vấn cao cấp quân sự Hoa kỳ). Tổng thống Thiệu đã loại một số sĩ quan được coi là trung thành với tướng Nguyễn Cao Kỳ bằng hai vị tướng giỏi tại hai vùng chiến thuật đông dân nhất và có nhiều yếu tố chính trị tế nhị. Hai tướng Trí và Thanh được thống tướng Westmoreland ca ngợi là hai vị tướng tài giỏi nhất của QLVNCH (as the best ARVN Division commanders).
Tại Quân Đoàn III, tướng Trí rất hăng say tích cực làm việc. Ông quyết tâm chỉnh đốn ba Sư đoàn 5, 18, và 25 Bộ Binh trở thành tinh nhuệ. tướng Trí có bản lãnh quyết hoàn thành mọi việc bất kể những trở ngại khó khăn. Bằng chứng là không tướng lãnh nào dám phật lòng chính phủ và Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn, nhưng Tướng Trí đã can đảm thay thế hai Tư lệnh Sư đoàn kém khả năng là thân tín của Tổng thống Thiệu mà không gặp phải một phản ứng nào từ phía dinh Độc Lập.
Ngay trong những ngày đầu chiến dịch, tướng Thanh chỉ huy bốn lực lượng đặc nhiệm Bộ Binh Thiết giáp của Quân đoàn IV mở trận đánh từ phía Nam lên phía Bắc, bắt tay các lực lượng của tướng Trí, đang Tổng chỉ huy càn quét các căn cứ địa Cộng quân trong vùng Mỏ Vẹt.
Tai nạn bất ngờ xảy ra trong nội địa Cam Bốt 10 dặm. Chiếc trực thăng chở ông đụng nhầm chiếc Cobra của Mỹ khiến tướng Thanh tử nạn. Đây là cái chết đầu tiên của một tướng lãnh ngoài mặt trận. Để ngưởng mộ và tri ân vị tướng anh hùng lỗi lạc, quân sĩ thuộc quyền tướng Thanh hết lòng chiến đấu trên chiến trường Cam Bốt để đem lại chiến thắng dâng lên hương hồn cố Trung tướng NguyễnViết Thanh.
Cái chết của tướng Thanh làm cho mọi người bùi ngùi thương tiếc. Tư lệnh chiến trường Đỗ Cao Trí ca ngợi ông như một anh hùng của Quốc Gia.
Tướng Thanh đã nêu gương sáng chói.
Vị tướng Tư lệnh chiến trường càng hăng say phục vụ chiến đấu không mệt mỏi, chuẩn bị các chiến dịch hành quân rất kỹ càng chu đáo và linh động, luôn luôn có mặt tại chiến trường khích động lòng binh sĩ...
Tướng Trí đã khéo xử dụng chiến thuật Diều hâu và nhị thức Chiến xa Bộ Binh phối hợp nên đã được những kết quả không ngờ. Thật không ai can đảm xông xáo như tướng ba sao Đỗ Cao Trí. Tại chiến trường ông thường mặc đồ rằn ri, đội mủ lưỡi trai, lưng đeo khẩu 38, tay cầm gậy chỉ huy, nhẩy theo toán đổ bộ trực thăng đầu tiên xuống trận địa, hoặc đứng trên pháo tháp xe tăng đốc thúc quân sĩ, miệng hô to Tiến lên, tiến nhanh lên anh em...Quả thật đối với một tướng lãnh tài năng can đảm, khát khao chỉ huy chiến đấu, quyết tâm lập nên những chiến tích oai hùng như tướng Trí thì có xá gì trực thăng có an toàn hay không? Có ngại gì những hiểm nguy nơi tuyến đầu lửa đạn? Chính vì cảm phục tài năng và lòng can đảm của tướng Trí mà Đại tướng C. Westmoreland Tư lệnh QLHK tại Việt Nam đã ghi trong cuốn hồi ký của ông: Tướng Trí là một con cọp ở chiến trường, một tướng Patton của miền Nam Việt Nam (Trí was a tiger in combat, South Vietnam's George Patton).
Một tướng lãnh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam đưa ra nhận xét rằng: Khi quân sĩ VNCH được các cấp chỉ huy tài giỏi lãnh đạo họ sẽ chiến đấu xuất sắc hơn bất cứ quân đội nào khác. Họ chỉ cần cấp lãnh đạo sống chết với họ, làm cho họ tin tưởng thì họ sẽ sẵn sàng hy sinh cho chính nghĩa. Tướng Trí và tướng Thanh là hai tướng có đủ giá trị tài năng đó.
Khi QLVNCH đột nhập tấn công vào các xào huyệt của VC trên phần đất HạLào năm 1971 đã đến lúc có phần lúng túng thì Tổng Thống Thiệu lại quay sang chú ý và triệu hồi tướng Trí về Sài Gòn và ra lệnh cho ông nắm quyền Tư lệnh hành quân tại Lào (hành quân Lam Sơn 719 khai diển ngày 29- 1 -1971 do Trung tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy).
Khi đã có lệnh Tổng thống trong tay, tướng Trí vẫn dùng trực thăng bay đi bay lại hàng ngày quan sát chiến trường. Sau khi cất cánh khỏi Biên Hoà đến bộ Chỉ Huy Tiền phương ở Trảng Lơn, Tây Ninh chỉ một thời gian ngắn, chiếc trực thăng của ông phát nổ nhào xuống đất. Ông là vị tướng thứ hai chết tại mặt trận. Báo Mỹ loan tin: When the ARVN incursion into enemy strongholds in Laos in 1971 began to flounder, President Thieu turned to TRI, calling him to Saigon. Thieu ordered him to assume command of the Laotian operation. His new order in hand. Tri boarded his helicopter. Shortly after leaving Bienhoa, his helicopter lost power and plummeted to the ground, killing Tri and the other passengers.
Ông đã thực hiện chí làm trai. Ở đâu cần là có ông ngay. Tiếc thay ông chưa thực hiện giấc mơ giải phóng quê hương khỏi tay loài quỷ đỏ phải đành để cho Tổ quốc ghi ơn.
Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ vong linh cố Đại tướng Đỗ Cao Trí và cố Trung tướng Nguyễn Viết Thanh, hai anh hùng chống Cộng của VNCH, hai vị Vị quốc vong thân, hai ngôi sao sáng vụt tắt.
California 23 - 2 - 2002 TRẦN ĐÌNH