Đến quán hàng nước bà Nhài, Trúc bảo Dũng: -Đằng nào cũng chậm rồi. Ta rẽ vào Ý Dương thăm anh Cận và cho anh ấy biết tin. Anh nghĩ sao? Dũng đáp: -Tùy đấy. Nhưng về sợ tối. Trúc nói: -Đêm nay có trăng. Với lại đã lâu lắm chưa đến thăm anh Cận; không biết anh Cận có quen Tạo không? -Hình như có. Nếu có quen thì vì Phương. Tới nơi vừa gặp lúc cụ chánh Mạc và Cận đương ngồi ăn cơm. Cận đứng vội lên dáng dấp luống cuống, không kịp bắt tay Dũng và Trúc, chỉ sang gian bên cạnh, mời luôn: -Hai anh ngồi chơi bên này. Dũng hơi lấy làm lạ, không hiểu, cứ tiến đến gần bà chánh rồi vừa lễ phép vừa thân mật cất tiếng chào như mọi lần. Đứng nói chuyện một lúc lâu, chàng mới để ý nhìn vào mâm cơm, trong mâm chỉ có một đĩa dưa và một bát nước dưa vàng nổi trắng như bột phấn. Dũng lúc đó mới hiểu cử chỉ của Cận và vẻ mặt ngượng nghịu của bà Chánh khi đáp lại những câu hỏi thăm của chàng. Dũng cũng thấy ngượng, chàng vội quay mặt đi rồi bước sang gian bên, nói với cận: -Anh sang ăn cơm đi. Cận mời: -Hai anh sang ăn cơm luôn thể. Sợ Trúc nhận lời, Dũng phải nói ngay: -Chúng tôi vừa ăn xong. Uống nước thôi. Đi nhiều khát nước quá! Đưa mắt nhìn quanh, Dũng nhận thấy nhiều chứng cớ về sự sút kém của nhà Cận. Chàng đoán là có việc gì khác thường đã xảy ra và định bụng ít nữa sẽ hỏi Cận cho biết rõ. Uống xong chén nước, Dũng bảo Trúc: -Ta ra vườn chơi đi. Cụ chánh nói: -Lâu không thấy các cậu lại câu cá. Bây giờ khối cá to. Trúc cười nói: -Chắc là to hơn con cá anh... Xuân câu được độ nào. Trúc nói khác đi vì không muốn nhắc đến tên Thái. Như cái máy, Dũng đi về phía cây khế ở bờ ao. Chàng nhớ đến lúc đứng nói chuyện với Loan hôm Thái đi. Chàng tưởng như mình đã phải xa Loan gần một năm rồi và muốn được thấy mùi hoa khế để nhớ lại Loan hôm đó, sống lại cái giây phút thần tiên, đứng với nàng dưới gốc khế, mùa thu năm ngoái. -Ai vào vườn hái trộm khế thế kia? Tiếng nói thanh thanh và tiếng cười giòn của một người con gái làm Dũng và Trúc giật mình quay lại. -À, ra anh Dũng, anh Trúc Tuy đã lâu không gặp, Trúc cũng nhận ra tiếng Hà và ngạc nhiên hết sức vì cách ăn nói tự do của nàng. Hà tiến lại gần, Trúc thấy nàng lớn khác hẳn trước. Cặp môi không cười mà vẫn tươi, hai vết lõm đồng tiền ở má và đôi mắt đen lánh, đuôi cúp xuống, có vẻ thơi ngây tinh nghịch khiến Trúc khi nhìn mặt Hà rồi không lấy làm lạ về cách ăn nói của nàng nữa: Một người có vẻ mặt, có dáng điệu như nàng thì tự nhiên lời ăn tiếng nói phải nhanh nhẩu và lơi lả như vậy. Dũng và Trúc thấy dễ thân với Hà ngay và đối với một người như nàng không thể giữ điệu bộ đứng đắn, trang nghiêm được. Hai người cùng chạnh nghĩ đến Phương, hồi chưa bị bắt, nhanh nhẹn tươi cười đi hô hào các chị em buôn bán tầy chay một cửa hiệu Khách. Dũng hỏi: -Cô vừa đi đâu mà bồ hôi bồ kê thế kia? Hà đáp: -Em mới đi chợ về. Nhưng bán được đồng nào vui miệng ăn quá hết cả. Đến bực mình. Trúc ngẫm nghĩ: -Ngữ này rồi lại đến chí mạng như chị thôi chẳng kém gì. Chàng nhìn Hà và thấy trong lòng dìu dịu, nảy ra một ý muốn thương mến mơ màng. Hai con mắt và đôi môi của Hà khi nàng cười nói, Trúc nhìn thấy có một thứ duyên vui đầm ấm. Trúc biết là Hà không đẹp lắm nhưng nếu chàng yêu thì Hà là một người con gái có đủ nhan sắc để chàng yêu được. Chàng nhìn Hà chăm chú đợi xem cái ý muốn thương mến của mình có mỗi lúc một tăng không. Đương nói chuyện với Dũng, đoán là Trúc nhìn mình, Hà liếc mắt thật nhanh về phía Trúc xem có đúng không. Một lúc sau đưa mắt nhín Trúc lần thứ hai, thấy Trúc vẫn nhìn mình mà nhìn như có ý dò xét, Hà bắt đầu thấy nóng ở hai tai và ở hai gò má; nàng nói thong thả dần và mất cả vẻ mạnh bạo, tự nhiên khi mới gặp. Sau ngượng quá không chịu được nữa, Hà quay mặt đi ra phía cây khế để lánh Trúc. Nàng hỏi Dũng: -Anh đã ăn được quả khế nào chưa? -Chưa, vì chưa đến gốc khế cô đã kêu ầm lên là có trộm. -Thế à? Càng hay vì anh đỡ mỏi cổ như chị Loan sáng ngày. Dũng hỏi: -Cô Loan vừa sang đây chơi? -Chị ấy sang luôn, có gì mà anh lạ...Chị ấy sang, em mới biết là anh đi vắng mấy hôm nay. Đi biệt tăm biệt tích ở nhà chẳng còn ai biết đâu mà tìm. Không biết anh đã về qua nhà chưa? -Chưa, định vào đây rồi mới về nhà. Dũng đoán là Loan sang đây có ý muốn gặp chàng hay là bảo chàng về ngay vì có việc cần ở nhà. Chàng thầm nhắc lại câu hỏi Hà lúc nãy: "Cô Loan vừa sang đây chơi?" và khó chịu nhìn Hà ngẫm nghĩ: -Mình hỏi thế chứ có lấy làm lạ gì đâu mà Hà lại cho là mình lấy làm lạ. Hà nói: -Cây khế nhà em chị Loan đến chơi bận nào cũng thích mê. Ăn ngọt, mát mà lại thơm. Ngọt nhưng hơi chua, chua một tí, gọi là đủ chua cho ngon thôi. Nàng nhắm mắt, chau đôi lông mày và chép miệng để tả cho hết cái ngon của những quả khế. Trúc cũng bắt chước Hà chép miệng nhắm mắt: -Cô làm như thế đến tôi là người rất ghét khế cũng thích ăn. Hà nói: -Chị Loan bảo tôi rằng thứ gì anh cũng ghét mà hình như anh ghét nhất là phụ nữ. Đứng trước Hà, Trúc thấy ái tình là một thứ không quan hệ gì, hình như nếu chàng muốn yêu Hà thì sẽ yêu ngay và Hà cũng yêu lại chàng dễ dãi như thế. Hai người yêu nhau rồi nếu hết yêu nhau nữa thì thôi, việc đó không phải là việc đáng làm cho ai đau khổ. Chàng nghĩ đến những nỗi băn khoăn, những sự cân nhắc đắn đo của Dũng với Loan và thấy ái tình đối với hai người đó cỏ vẻ cao quý và nghiêm trọng quá. -Có lẽ vì tình cảnh éo le của hai người bị bao nhiêu thứ ràng buộc. Cận ở trong nhà đi ra, bảo Hà: -Chưa thấy người đã thấy tiếng nói. Trúc tiếp theo: -Mà chưa thấy tiếng nói đã thấy tiếng cười. Hà nói với Cận: -Cười cho vui nhà, còn hơn cả ngày cứ lầm lì, trông đến khó chịu, ăn mất cả ngon. Nàng cười và tiếp theo: -Có lẽ vì thế nên em hay ăn quà, chừa mãi không chừa được. Hà nói cười tự nhiên quá nên Dũng và Trúc không thận thấy vẻ khó chịu của Cận về cô em gái ăn nói quá tự do. -Thôi, cô vào mà ăn cơm, tôi còn để phần cơm đấy. Dũng nghĩ ngay đến nồi cơm trộn khoai và bát nước dừa. Hà nói: -Xin phép hai anh. Vừa nói xong, Hà quay mặt đi và cúi đầu ho rũ rượi. Nàng cười luôn theo và nói một mình: -Chưa ăn đã sặc. Trúc nhìn theo Hà đi nhanh nhẹn bên bờ ao, dáng người hơi gầy và mấy tiếng ho của Hà làm chàng thốt nghĩ đến Phương. Cận cũng vừa có cái ý nghĩ buồn rầu ấy vì không phải lần đầu Hà ho như vậy, nhưng muốn dối mình, chàng mỉm cười, nói: -Chắc tại cô hàng quà nào mong chứ gì. Khi Hà đi xa rồi, Dũng hỏi Cận: -Anh có biết Tạo không? Cận không đáp lại câu hỏi của Dũng, chàng nhìn hai người ngẫm nghĩ một lát rồi nói: -Dáng chừng hai anh vừa lên đưa đám Tạo. -Thế ra anh cũng biết à? Anh có quen Tạo không? -Tôi biết, biết anh ấy ốm đã lâu, biết anh ấy mới mất hôm kia. Yên lặng một lát, rồi Cận buồn rầu tiếp theo: -Kể như anh ấy thì chết là thoát. Chúng tôi vẫn mong anh ấy chết ngay để khỏi ốm đau khổ sở mãi. Duủng để ý đến hai chữ "chúng tôi" nhưng chàng không hiểu nghĩa. -Chúng tôi biết anh ấy ốm mà đành chịu không thể lên thăm nom anh ấy được. Anh ấy cũng chẳng khỏi nào nhưng ít ra có người bên cạnh an ủi vẫn hơn. Song tôi chắc anh ấy cũng hiểu rõ địa vị khó xử của các anh em vì không thấy anh ấy viết thư cho ai cả. Dũng nói: -Anh ấy có viết thư cho tôi. Nhưng tôi và anh Trúc lên tới nơi thì anh vừa mất. Đi đưa đám, ngoài ông chủ ấp ra, chỉ có tôi và anh Trúc, không có ai nữa. Lúc đó, Dũng mới hiểu nghĩa hai chữ "chúng tôi" là Cận và nhiều anh em nữa đã cùng Tạo có liên lạc mật thiết, vì sợ hỏng việc nên không đám đến đưa đám Tạo. Chàng nói: -Tôi chỉ biết nhận được thư thì tôi không kịp nghĩ ngợi xa gần gì nữa cả. Cận nói: -Anh thì không sao. Anh đi như đi đưa đám một người quen. Anh đến tự nhiên được mà cũng chẳng ai nghi ngờ gì được anh. Câu nói của Cận tình cờ lại nhắc Dũng nghĩ đến rằng chỉ vì gia thế cao sang nên bấy lâu chàng không được các bạn cho dự vào những cuộc hành động ngấm ngầm của họ. Chàng ngỏ lời trách Cận: -Từ độ anh Thái mất, tôi đã bảo anh đừng động chạm gì tới những việc ấy nữa, sao anh không nghe tôi? Cận nói: -Đâu có phải lỗi tại tôi, Vì chị Phương tôi nên tôi bị nghi ngờ oan uổng. Khi nọ đã nghi ngờ rồi thì tôi tưởng chỉ có mỗi một cách thôi: Phải làm thực những điều họ nghi cho mình. Vì không làm thực cũng phải chịu như làm thực. Như vậy tội gì... Nghe Cận nói, chàng đoán được việc đã xảy ra cho Cận mới đây. Cận nói: -Có lẽ cũng chẳng bao lâu tôi không thể dạy tư được nữa, vì mất hết học trò... Muốn yên thân, nhưng không thể yên được. Cận chép miệng lắc đầu nhìn Dũng và Trúc một lúc lâu rồi nói: -Hai anh vào trong nhà uống nước. Tí nữa quên. Tôi độ này làm sao ấy, như người mất hồn. Đi được một quãng. Cận quay lại nói: -Chung quy chỉ tại cô Hà nhà tôi. Cô ấy táo bạo mà lại nhẹ dạ quá. Chưa làm được việc gì đã nói luôn miệng:"Ăn cơm nắm với muối chắc là ngon. Càng đỡ tốn quà". Trúc mỉm cười và chú ý lắng tai nghe. Tự nhiên chàng thấy vui; có lẽ vì tại Hà đã coi sự sống và các công việc rất quan trọng như là những sự bông đùa không đáng quan tâm. Câu nói đùa "ăn cơm nắm với muối chắc là ngon", đối với Hà biết đâu không là câu nói thật. Thốt nhiên chàng đứng dừng lại, nhìn xuống đất. Một ý tưởng thoáng qua óc: -Hay có lẽ Hà biết là mình sắp chết, mà cũng chết về bệnh lao như chị. Hai con mắt long lanh sáng và đôi gò má đỏ tươi trong bột mặt xanh và hơi gầy của Hà làm chàng nghĩ tới vẻ mặt của nhiều người con gái ho lao chàng đã được thấy. Chàng nghiệm rằng người nào cũng có một thứ duyên quyến rũ và gợi người ta nghĩ đến những vẻ đẹp mong manh có nhiễm cái buồn xa xôi của những sự thương tiếc không bao giờ nguôi. Trúc lấy làm lạ rằng sao cái ý tưởng thương hại vu vơ ấy lại làm cho chàng đau khổ đến thế. Chàng thấy có một cảm giác mới lạ không biết là buồn hay vui, hình như trong lòng chàng vừa nở ra một bông hoa màu biếc, sắc hoa gần lẫn với bóng tối mờ mờ tím một buổi chiều đông nào đã xa và rất buồn. Lúc đó trời chưa tối hẳn nhưng bóng người đã thấy in trên sân trăng. Bên cạnh cái bờ nước con, mấy cái chỉnh sành treo úp những tấm mo cau cuốn tròn làm Trúc nghĩ đến những người con gái yên lặng đi theo sau một chiếc áo quan. -Sao không thắp đèn treo lên, cô Hà? Biết là đèn treo đã hết dầu từ lâu, nhưng Cận cứ hỏi vậy để Hà tìm cách trả lời. Hà nói: -Hết dầu từ đời nào rồi còn gì. Em phải ăn mò. Đuợc cái chỉ có mỗi một món ăn nên dễ gắp không sợ lẫn. Câu nói thẳng thắn của Hà khiến Dũng không lấy làm khó chịu ngượng ngập về sự nghèo nàn của nhà Cận. Dũng thấy Cận muốn che đậy cảnh nghèo của Cận cũng như chàng đã bao lần muốn giấu giếm cảnh giàu sỗ sàng của mình. Trúc bảo Cận: -Để sáng trăng thế này thì hơn. Hà dọn mâm xong, ra ngồi ở bực cửa, gần ba người. Cụ Chánh vẫn ngồi yên trên phản. Dũng đoán là cụ đang giã trầu. Hà nói: -Mấy người ngồi yên dưới bóng trăng tù mù thế này có vẻ một hội kín lạ lùng... Cận ngắt lời em: -Cô nói chẳng giữ gìn ý tứ gì cả. Chàng đưa mắt nhìn vào trong nhà, ý muốn bảo Hà không nên để cụ Chánh nghe thấy những tiếng ấy. Dũng nhớ lại, hôm Thái đến rủ Cận, vì nhà còn mẹ già nên Cận phải cam tâm ở lại nhà bấy lâu. Chàng nhận thấy dây ràng buộc của gia đình bền chặt là chừng nào; cái chết của cụ chánh mà Cận với Hà không bao giờ dám mong đối với hai người sẽ là cách độc nhất để được hoàn toàn thoát ly. Dũng tin chắc rằng độ ba hôm sau, khi cụ Chánh mất, chắc sẽ không có ai biết rõ được Hà đi phương nào. Cụ Chánh còn thì dẫu phải nhịn đói, Cận và Hà cũng không thể bỏ đi nơi khác được. Dũng thấy cái ý muốn thoát ly gia đình của mình chưa biết đến bao giờ mới thành sự thực; chàng có nhiều sự ràng buộc hơn là Cận và Hà. Nhưng có một thứ ràng buộc chặt chẽ nhất là tấm ái tình của chàng với Loan. Chàng ngẫm nghĩ: -Giá Loan cũng có tính liều lĩnh như Hà thì dễ xử đến đâu. Lại còn một thứ phiền nữa: Loan là con một. Dũng quên cả những người chung quanh, ngước mắt nhìn sao trên trời và loay hoay tìm cách thoát ra khỏi tình cảnh ấy. Nhưng chàng chỉ thấy bối rối hỗn độn như những ngôi sao tản mạn trên bầu trời. Bỗng Hà cất tiếng nói: -À anh Dũng này, sáng nay chị Loan sang đây chơi. Dũng giật mình quay mặt về phía Hà, hơi khó chịu: -Cô vừa nói chuyện rồi. -Thế à? Nàng cười khẽ lên một tiếng, tiếp theo: -Thế thì lại hết chuyện nói. Ngồi yên vậy. Cận chợt thấy Trúc đăm đăm nhìn về phía Hà. Miên man, chàng nghĩ đến Phương và Tạo và buồn rầu nhớ đến hôm đưa đám Phương. Hôm đó chàng đã thoáng trông thấy Tạo quay mặt đi vội lấy tay áo gạt nước mắt. -Biết bao nhiêu cặp tình nhân đâu khổ ngấm ngầm. Ngồi yên một lát Hà lại cất tiếng nói: -Nghe đồn anh Trúc vui tính hay nói đùa lắm. Sao hôm nay nghiêm trang quá thế? Dũng nói: -Tại cô nói mất hết cả. Hà nói: -Em phải cái tính hay nói nhiều quá. Ở nhà có hai anh em thì chỉ có một mình em hay nói thôi. Anh Cận em hễ khi nào mở miệng là chỉ cốt để bảo em: "Im ngay đi, Cô Thúy Kiều!". Mấy người cùng cất tiếng cười và trở lại vui vẻ. Hà cười to nhất rồi nàng ôm ngực cúi mặt ho một thôi dài. Thương Hà vì đoán nàng không còn sống bao lâu nữa, nên Trúc lại dần dần thấy ái tình là một thứ nghiêm trọng quá. Chàng sợ nên chàng lại tự nhủ mình rằng có cảm tình với Hà vì thương Hà chứ không phải vì yêu. Trúc tự dối mình, chứ thực ra lúc đó chàng lẫn lộn không biết rõ hẳn lòng mình ra sao? Chàng cố lấy giọng thân mật như người anh nói với em, bảo Hà: -Gió bắt đầu lạnh. Cô nên vào trong nhà ngồi hơn.