Chương 10
Phần II

 
Dũng đưa cho mọi gười trong nhà xem tờ cáo phó nói:
-May ra thì kịp
Rồi chàng móc túi lấy ra cuốn lịch, giở vội vàng đến trang kê giờ xe lửa. Chàng hỏi vú già:
-Đã sửa soạn va ly chưa?
Vú già đáp:
-Xong rồi cậu ạ. Tôi lấy cái va ly nhỏ vì cái va ly lớn bà Hai mượn.
-Bà Hai mượn làm gì? Sao không cho tôi biết...
-Bẩm cậu, bà Hai cùng đi Thanh thủy, bà Huyện là chị ruột bà Hai.
-Thế bà đi chưa?
-Bẩm cậu, bà Hai cũng sắp lên tỉnh để ra ga đi chuyến lần này.
Dũng bảo đầy tớ ra phố huyện gọi xe. Mọi người trong nhà đều cho việc Dũng phải đi ngay để kịp đưa đám bà Huyện là một việc rất tự nhiên vì từ lúc nhận được giấy cáo phó Dũng làm như Độ, con bà Huyện là người bạn rất thân của mình. Thật ra Độ đối với Dũng chỉ là một người bạn học cũ, từ ngày cách biệt ít khi Dũng nghĩ tới.
Vú già nói:
-Cả cô Loan cũng đi với bà Hai.
-Thế à?
Dũng tỏ vẻ hơi khó chịu. Chàng hỏi vú già:
-Thế cậu Quỳnh đâu?
-Cậu Quỳnh đã đi trước, từ khi bà Huyện ốm
Dũng mỉm cười:
-Các bà bao giờ cũng dềnh dàng nhưng chuyến này thì khó hòng thoát.
Vú già nói:
-Bà Hai vừa hỏi tôi xem cậu có đi thì để bà ấy cùng đi cho tiện.
Dũng nói:
-Biết ngay mà. Nhưng tiện thì không tiện tí nào... Thế vú sang thưa với bà Hai rằng tôi cũng có đi và nói với bà sửa soạn mau mau lên mới kịp tàu.
Từ sáng Dũng đã biết là bà Hai sẽ đi Thanh Thủy với Loan, nên khi nhận được giấy cáo phó, Dũng vui sướng như vừa được một tin mừng. Chàng chỉ mong có dịp rời khỏi nhà, nên tờ cáo phó ấy đối với chàng chẳng khác nào một tờ giấy thả một người tù đã lâu ngày. Nhất là chàng sẽ được cùng đi với Loan và trong mấy ngày được sống gần Loan ở một nơi phong cảnh đẹp.
Không ai nghi ngờ gì cả, thấy Dũng cuống quýt, ai cũng cho là tại chàng hấp tấp vì sợ lỡ giờ tầu không kịp tới đi đưa đám. Khi ra cổng Dũng đã thấy bà Hai và Loan ngồi trên xe đang đợi. Chàng không dám nhìn Loan, vì chàng không dám sung sướng vội. Tự nhiên chàng sinh ra gắt gỏng với người nhà.
-Sao không gọi những người kéo khỏe. Ngữ này thì bao giờ mới tới tỉnh.
Loan nói:
-Còn kịp chán, anh Dũng ạ
Khi xe ra khỏi cổng làng, Dũng thở dài. Chàng nghĩ thầm:
-Một cuộc du lịch thần tiên bắt đầu
Dũnb bảo xe đi lùi lại sau. Loan đối với chàng lúc đó có vẻ là lạ khác mọi ngày: Chiếc khăn mới làm cho nước da Loan trắng hơn và màu phớt hồng ở gò má rõ hơn. Thỉnh thoảng Loan đưa tay ra phía sau vuốt lại mớ tóc xõa xuống gáy. Dũng nói:
-Đã lâu lắm tôi không đi đâu xa
Loan vờ như chưa nghe rõ để lấy cớ quay lại hỏi Dũng và nhìn mặt Dũng được tự nhiên. Nàng nói:
-Em cũng thế.
Từ miệng nói cho đến vẻ mặt nhìn của Loan, Dũng thấy nàng như muốn thầm bảo Dũng:
-Em cũng như anh sung sướng được đi như thế này.

*

Bốn giờ chiều tới ga Hà Nội. Ra bến ô tô, hỏi mới biết là không còn xe đi Trung Hà nữa. Bà Hai bảo Dũng thuê hộ xe vào ấp Thái Hà để lại chơi bà phán Lợi. Loan nhất định không nghe, Dũng cũng một mực ngăn không nên lại nhà bà Phán. Bà Hai cười hỏi:
-Hai anh em chỉ được cái về hùa với nhau. Không lại bà phán thì ngủ ở đâu bây giờ?
Dũng đáp:
-Bác không lo. Cháu thuê buồng ở ô-ten bác nghỉ cho đỡ mệt.
Loan mừng rỡ:
-Phải đấy. Rồi ăn cơm xong, ta đi xem Hà Nội. Anh tính từ thuở bé tôi chưa xuống Hà Nội bao giờ.
Dũng ngạc nhiên:
-Thế à. Tôi không ngờ đâu. Ăn cơm xong, tôi sẽ đưa bác và cô đi xem.
Nhưng ăn xong,bà Hai kêu mệt và nhức đầu rồi bảo Loan đưa về phòng nằm nghĩ.Loan nhìn Dũng thất vọng.Bà Hai bảo Dũng:
-Bây giờ anh có cần đi đâu có việc thì cứ đi, cả đêm qua tôi thức thành thử buồn ngủ quá.
Loan nói:
-Con thì lạ nhà khó lòng mà ngủ được. Anh Dũng ở lại cho vui, chắc anh cũng chẳng có việc gì cần ở Hà Nội.
Nàng đứng dậy nói:
-Ra cửa đứng xem phố Hà Nội một lúc cho vui vậy.
Nửa giờ sau Dũng cũng ra cửa. Loan hỏi:
-Anh sắp đi đâu bây giờ?
Dũng đáp:
-Tôi lại đằng người anh em bạn, lâu ngày không gặp
Loan bỗng như chợt nhớ ra điều gì hỏi Dũng:
-Phố hàng bông thợ nhuộm có gần đây không nhỉ?
Dũng đáp liền:
-Gần đây, cô hỏi làm gì?
-Em có người chị em bạn, chị Lương, ở đấy. Em muốn lại chơi, nhưng sợ lạc đường.
Dũng nói:
-Tôi cũng đi qua phố ấy, để tôi đưa cô lại. Khi về, cô về một mình.
Loan nhìn vào trong nhà, ngần ngừ. Dũng nói:
-Chắc bác ngủ rồi.
Loan rón rén bước ra phố. Nàng thấy quả tim đập mạnh và sợ hãi toan trở về. Nàng tự hỏi:
-Có nên không?
Dũng nói:
-Cô đi mau lên chứ.
Không nghĩ ngợi, Loan bước liền tiến lên đi cạnh Dũng. Thấy hàng phố đông người qua lại, dần dần nàng trở nên mạnh bạo. Nàng nói:
-Vui quá nhỉ.
Tới đầu phố, Dũng bảo Loan đi rẽ sang một con đường lớn hơn, hai bên toàn cửa hàng sáng trưng. Hai người yên lặng đi, không nhìn ngang nhìn ngửa, hình như có việc gì vội vàng lắm.
Loan hỏi:
-Còn xa không anh?
-Còn xa lắm.
-Thế sao lúc nãy anh bảo gần đây
Dũng đi chậm lại:
-Cô có vội đến thăm cô Lương lắm không?
-Chẳng vội lắm.
-Thế thì cần gì gần với xa
Hai người yên lặng đi. Dũng thấy chân mình lúc đó bước một cách nhẹ nhàng và gót giầy nện mạnh bạo trên hè phố. Trong lòng vui sướng nên cứ tự nhiên chàng muốn bước một lúc một nhanh hơn. Loan cũng cố bước mau nhưng theo không kịp.
-Em đi không quen, đã thấy mỏi cả chân... Hay thôi, nếu xa thế thì chẳng cần lại đấy nữa.
Dũng đứng lại và dưới ánh đèn chàng thấy trán Loan lấm tấm mồ hôi:
-Chắc cô vừa mệt vừa bực.
Chàng cố lấy giọng tự nhiên nói:
-Hay ta vào hàng uống nước cho mát... rồi lại đi nữa.
Loan sẽ gật đầu mỉm cười. Nàng chỉ biết nghe theo Dũng không còn trí đâu để suy nghĩ về hành vi của mình. Trốn mẹ đi đôi với Dũng ở ngoài phố, rồi lại vào hàng ngồi uống nước với Dũng, Loan không biết được rằng thế là làm một việc tự nhiên hay liều lĩnh.
Hàng "cà phê" vắng khách. Chính Dũng cố ý chọn hàng đó, nơi mà trước kia khi còn học ở Hà Nội, chàng đã nhiều lần tới. Dũng nói:
-Vào đây tôi lại nghĩ đến hồi còn đi học. Mỗi lần nhớ nhà, tôi lại rủ anh em đến uống rượu cho đỡ buồn.
Hàng "cà phê" sang trọng quá khiến Loan bẽn lẽn ngồi yên. Dũng hỏi:
-Cô uống thứ gì?
-Tùy anh.
Dũng gọi hai cốc kem và bánh ngọt.
-Tù hãm hơn một năm trời. Bây giờ lại đến ngồi đây, không biết là mình tỉnh hay mê.
Hai người nhìn nhau bâng khuâng. Dũng cúi mặt xuống khẽ đáp:
-Có lẽ mê, nhưng là một giấc mơ đẹp.
Loan muốn cố tìm một câu nói nhưng không biết nên nói câu gì. Nàng không thể cười nói tự nhiên được mà cứ ngồi yên lặng, nàng lại sợ Dũng tưởng lầm rằng nàng không vui lòng.
Dũng nói:
-Bây giờ nghĩ đến nhà quê thật là xa lắc. Giá cứ thế này đi không về nữa thì hay đến đâu.
-Sao lúc nào em cũng thấy anh nói đến đi.
Dũng mỉm cười:
-Ở nhà tôi có nói đến đi bao giờ đâu?
Loan nói:
-Anh không nói đến đi nhưng trông nét mặt anh lúc nào em cũng thấy anh khó chịu, hình như chỉ có đi là thoát.
-Sao cô lại tưởng thế?
-Không phải tại anh, nhưng tại các anh em bạn anh. Hết anh Thái, lại đến anh Xuân, anh Bằng... Hôm em gặp anh ở nhà cụ Chánh là hôm anh Thái về rủ anh Cận đi. Em biết hết. Các anh đừng tưởng giấu được em.
-Chịu cô. Nhưng tôi có định giấu cô đâu. Ở nhà gần gũi nhưng cấm lúc nào được nói chuyện với cô. Gần mà hình như xa nhau lắm.
Ngẫm nghĩ một lúc rồi Dũng nói tiếp:
-Có lẽ phải xa nhau rồi mới gần được.
Bồi đem bánh và hai cốc kem lên. Dũng mời Loan ăn, rồi yên lặng nhìn Loan cầm thìa đưa lên môi. Loan cau mày, rùng mình rồi chép miệng nói:
-Ngon quá nhỉ... Sao anh không ăn đi?
-Ngồi nhìn cô ăn ngon hơn là ăn.
Loan lại nói:
-Lúc nãy ăn cơm cũng thế. Nhưng lúc nãy còn có lý vì em ăn cơm tây lần đầu đối với anh chắc là một thứ trò lạ mặt.
Nàng cười, hai má hơi nhuốm hồng và tinh nghịch nói tiếp:
-Cô em bé của anh quê mùa và trẻ con lắm phải không anh?
Dũng không biết hai tiếng xưng hô "cô em bé" của Loan là do ở thân mật tự nhiên hay cô ngụ ý âu yếm. Chàng nói:
-Lúc này tôi trông cô hơi là lạ, hình như trước mặt tôi có một người con gái mới gặp đã thân ngay, không phải là cô Loan mọi ngày nữa. Tôi mới gặp mà...
Dũng không nói hết câu vì thấy Loan nhìn chàng lộ vẻ suy nghĩ về câu nói có lẽ đã làm nàng ngạc nhiên. Chàng biết là mình quá lời và lấy làm ngượng vì cái ngầm ý muốn cám dỗ người con gái còn thơ ngây tin ở mình như tin ở một người anh. Dũng cầm miếng bánh ăn và cố lấy giọng tự nhiên xoay câu chuyện ra vẻ khác:
-Chẳng cứ gì tôi. Lúc nào tôi cũng thấy cô như nghĩ ngợi điều gì. Trong lúc miệng cô cười thì hai con mắt cô suy nghĩ, có vẻ lo buồn. Có đúng thế không?
-Chịu anh là tài. Nhưng anh đoán sai tất cả.
Loan chợt nghĩ đến việc nhân duyên của nàng và của Dũng. Nàng đã nhất quyết không lấy Thân, nhưng còn Dũng? Nàng không dám chắc, nàng không dám hy vọng nữa, vì nàng thấy thân phận mình đối với Khánh thấp kém quá. Loan nói:
-Thế là người nào cũng có những sự lo nghĩ, lo nghĩ ngấm ngầm không nói ra mà cũng biết rõ cả rồi.
Nàng nghĩ đến tương lai mù mịt và thấy một nỗi buồn hiu hắt thoáng qua tâm hồn. Nhưng nỗi buồn xa xôi ấy khiến Loan cảm thấy mạnh hơn cái vui sướng hiện thời được ngồi trước mặt Dũng không có gì ngăn cản. Loan nói:
-Lúc nào biết lúc ấy, ngày nào biết ngày ấy, lo nghĩ làm gì đến những chuyện xa xôi chưa đến.
Dũng cười, nói giọng bông đùa:
-Từ nãy đến giờ nói chuyện đến hay, chỉ nói nửa chừng mà hình như rõ ràng cả.
Vì cái tình thế rất mập mờ của Dũng và Loan lúc đó nên những lời nói ra thành rụt rè ý nhị quá, bóng gió xa xôi. Hai người đều khó chịu nhưng không thể nào xoay câu chuyện ra thẳng thắn tự nhiên được.
Mọi người đi ngang qua bàn thấy Dũng mỉm cười chào:
-Lâu mới gặp anh Dũng.
Dũng đứng dậy bắt tay. Thấy bạn đưa mắt nhìn Loan, Dũng giới thiệu:
-Cô Loan, em họ tôi.
Biết là không thể ngồi lâu được nữa và để người bạn Dũng khỏi nghi ngờ mình có ý vội vàng lánh mặt, nên Loan đứng ngay dậy làm như mình đã định về từ trước.
Ra đến ngoài, hai người cứ yên lặng đi, không dám hỏi nhau đi đâu vì nếu hỏi thì câu trả lời tất nhên sẽ chỉ là đi về khách sạn, điều mà không ai muốn cả.
Đến chỗ rẽ vì tắt mấy ngọn đèn điện nên dẫy phố Richaud trông trắng xóa dưới bóng trăng. Loan nói:
-Hôm nay mười sáu.
Dũng nhìn lên mặt trăng cao mà tròn khuất sau lá cây. Ở thành phố nên Dũng thấy mặt trăng có vẻ buồn bã hình như đương nhớ những quãng rộng rãi ở các vùng quê xa xôi, nhớ những con đường vắng gió thổi cát bay lên trắng mờ mờ như làn sương, nhớ những con đom đóm bay qua ao bèo, lúc tắt lúc sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức.... Chàng dịu dàng nói với Loan:
-Thế mà, mới độ nào, cô còn nhớ không những đêm sáng trăng chúng mình còn ngồi ở sân đợi có đom đóm bay qua rồi đứng lên reo: Đom đóm xuống đây ăn cơm với cá.
Loan nói:
-Hình như nó biết chúng mình đánh lừa hay sao nên nó lại càng bay cao già. Lạ thật, đến khi lớn thì mình không biết là có đom đóm đó nữa.
Dũng nói:
-Mình lại để ý đến những cái khác, đi tìm những con đom đóm khác và cũng đánh lừa cho nó xuống.
Loan mỉm cười:
-Mà nó lại càng bay cao.
Dũng nói:
-Có thế mình mới cố đuổi theo nó, mà có thế đời mới vui, mới đáng sống. Bắt được nó thì chán ngay, chỉ là một con bọ mùi hôi, ánh sáng ở bụng đục mờ mờ, chẳng có gì là đẹp nữa.
Dũng nhìn bóng hai người in trên đường; bỗng hai cái đầu theo nhịp bước lúc mau lúc chậm như đuổi nhau. Chàng nói:
-Chúng mình đâm ra bàn chuyện triết lý cao xa và khó hiểu.
Hai người đi ngang qua phố hàng Bông thợ nhuộm, nhưng Dũng không cho Loan biết gần đến cửa hội chợ. Dũng bảo Loan rẽ về tay trái. Đường vắng, bóng cây lưa thưa chạy trên tấm áo trắng của Loan. Hai người cùng nghĩ đến sự vô lý của một cuộc đi xem Hà Nội ở những phố vắng nhất, nhưng đều làm như mãi câu chuyện không để ý tới phố xá.
Đi ngang qua trước một dãy nhà cao lớn, Dũng bảo Loan:
-Mấy năm trước tôi ăn cơm trọ ở đây.
-Anh ở trọ sang thế này kia à?
-Chuyện, đây là nhà cụ thượng Đặng. Tôi biết cô Khánh từ độ ấy.
Thấy cửa mở và có đèn sáng, hai người chậm bước lại, tò mò nhìn vào trong, Loan nói:
-Họ sang ghê.
Dũng nói mỉa mai:
-Cùng thế cả. Nhà tôi không sang à?
Loan quay lại nhìn Dũng:
-Chỉ có nhà em là nghèo thôi
Nàng chép miệng tiếp theo:
-Kể giàu thì cũng dễ chịu hơn, có phải không anh?
Dũng nói:
-Cô tưởng thế.
Yên lặng một lúc rồi chàng nhắc lại:
-Trước tôi cũng tưởng thế hay nói cho đúng tôi không tưởng gì cả. Nhưng dần dần....
Chàng không biết có nên ngỏ cho Loan biết những ý nghĩ không hay gì của mình đối với chính người mà đáng lẽ mình phải yêu, phải trọng. Chàng nói một câu bình phẩm chung:
-Giàu một cách thẳng thắn cũng đã khó chịu rồi, huống hồ giàu một cách không xứng đáng.
Người ta ngoài cái ăn mặc còn cái liêm sĩ.
Loan hỏi:
-Thế ra những người làm qua mà gian là không có liêm sĩ.
-Tôi không định nói thế. Vả lại cũng chẳng biết thế nào mà nói. Tôi chỉ biết.... tôi chỉ thấy sự giàu sang của tôi, của cả nhà tôi... như là một cái nhục. Tôi thấy thế, nên tôi mới đau khổ.
Loan nhìn Dũng lo sợ:
-Sao anh hay nghĩ lôi thôi thế... Em cho cứ như anh thì một đời khổ. Lúc nào em cũng thấy anh băn khoăn về những chuyện không đâu. Sao không được mất như độ ngồi chờ bắt đom đóm.
Thật ra Dũng cũng không lấy điều đó làm đau khổ lắm như ý Loan tưởng, nhưng chàng muốn nói quá ra để gợi lòng thương của Loan, mong Loan để tâm đến chàng hơn.
-Nhưng khổ nhất là tôi sống trơ vơ ở trong gia đình. Bởi với tôi chỉ có tình bạn là quý nhất, thế mà các bạn tôi toàn ở xa cả... Gần tôi chỉ có...
Dũng ngập ngừng không dám nói hết câu. Loan đỡ lời:
-Em cũng thế. Gia đình em tuy êm ấm, nhưng chỉ có những người yêu mình mà không có người hiểu mình.
Câu nói của Loan phân tách người yêu với người hiểu khiến Dũng trở nên mạnh bạo. Chàng nói tiếp câu nói dở:
-Gần tôi chỉ có anh Trúc và cô. Nhưng anh Trúc thì ít khi được gặp, còn cô thì tuy gặp luôn nhưng gặp cũng như không. Giá cô đối với tôi cũng như một người bạn trai.
Loan nói:
-Cứ nói như thế.
Rồi Loan nói luôn thật mau để khỏi có một lúc yên lặng ngẫm nghĩ rất khó chịu sau mấy tiếng trơ trẻn ấy:
-Từ ngày bỏ học về, em hình như không có bạn nữa. Cũng may mà có chị thảo. Nếu không, em cũng như tù giam lỏng, quá anh nữa. Đấy, như hôm nay, giá không có bà bà mất thì cũng chẳng được sổng chân đi xem tỉnh Hà Nội.
Nàng cười nói tiếp:
-Thế mà mải vui chuyện nên quên cả xem nữa.
Ánh trăng đương mờ bỗng sáng hẳn lên. Gió đưa tà áo Loan kẽ chạm vào tay khiến Dũng sực nghĩ mình đi sát gần bên Loan quá. Chàng nhớ đến hôm lễ thọ và cái mơ ước được đi chơi với Loan trong vườn cỏ thơm, gió đưa tà áo nàng phơ phất chạm vào bàn tay êm như một cánh bướm... Dũng không dám quay mặt nhìn Loan, chàng chỉ thấy bên chàng có một bóng trắng hoạt động nhẹ và thơm, lúc sáng hẳn lên dưới ánh trăng, lúc mờ đi trong bóng cây lưa thưa. Dũng nghe rõ tiếng chân bước của Loan nhịp nhàng xen với tiếng chân chàng bước.
quả tim chàng đập mạnh... Chàng trông thấy trước mặt bàn tay hơi run run của Loan, hôm nào, cời những quả đậu non trong rá, chàng nhớ đến cái cảm tưởng ngây ngất được thấy đôi môi Loan mềm và thơm như hai cánh hoa hồng, bao nhiêu thèm muốn ngấm ngầm bấy lâu trong một phút rạo rực trổi dậy. Bốn bàn chân vẫn bước đều đều... Chàng nghĩ nếu có lúc đó ngừng lại thì Loan sẽ cũng theo chàng ngừng lại; chàng sẽ đưa cánh tay đỡ lấy Loan và miệng chàng sẽ nói câu mà chàng vẫn thầm nhủ với Loan đã bao lần trong giấc mơ:
-Anh sẽ yêu em trọn đời.
Sự yên lặng của Dũng khiến Loan thốt nhiên giật mình lo sợ. Nàng nói:
-Ta phải nghĩ đến về thôi. Mẹ em mà thức dậy thì chắc mẹ em mong lắm đấy.
Ngừng một lát, nàng nói tiếp:
-Để khi về sẽ lại thăm chị Lương. Bây giờ khuya rồi, đến thăm không tiện.
Dũng nói:
-Anh cũng đương nghĩ như em.
Chàng vội đưa tay lên miệng:
-Chết chửa! Xin lỗi cô.
Loan sung sướng: Cứ gọi thế cho thân mật. Anh không là anh của em hay sao?
Về đến khách sạn, Loan hỏi người bồi:
-Có ai hỏi chúng tôi không?
-Bẩm, từ lúc cậu mợ đi đến giờ không ai hỏi cả.
Dũng và Loan nghe gọi hai tiếng cậu mợ, đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Dũng nói:
-Đừng gọi thế, chúng tôi là hai anh em... Trong buồng có hỏi không?
-Bẩm không.
Dũng đứng đợi ở ngoài cửa, nghe ngóng. Một lát sau tiếng bà Hai hỏi Loan:
-Con chưa đi ngủ? Tao mệt quá, ngủ được một giấc ngon.
-Thưa mẹ, còn sớm. Con đứng ở cổng xem phố vui quá mẹ ạ.
Bà Hai hỏi:
-Anh đâu?
Loan đáp:
-Thưa mẹ, anh con dễ cũng đi ngủ rồi.
Loan mở cửa gọi bồi. Thấy Dũng còn đứng đấy, nàng lấy ra ra hiệu bảo Dũng về buồng ngủ. Dũng để mấy ngón tay lên miệng làm như đã đoán được ý của Loan bảo không được cất tiếng nói; thực ra chàng muốn dùng cách kín đáo ấy để hôn vọng Loan, không cho Loan hiểu.
Dũng để nguyên cả quần áo, lên giường nằm. Chàng vắt tay lên trán mở mắt nhìn đỉnh màn rồi chép miệng, thở mạnh luôn mấy cái, sung sướng nhắc lại những câu Loan nói dối mẹ:
-Con xem phố vui quá mẹ ạ; anh con dễ đã đi ngủ rồi.