Dịch giả : Thượng Trí
Chương 5
PHẦN MỘT
NHỮNG NGUYÊN LÝ HIỆP KHÍ ĐẠO

 

ĐIỂM DUY NHẤT NƠI BỤNG DƯỚI

SEIKA NO ITTEN
Hợp nhất được thể xác và tinh thần khi cơ thể bạn đang nghỉ ngơi và yên lặng, là một chuyện: nhưng làm được như thế khi cơ thể bạn đang chuyển động, lại là một chuyện khác, và khó hơn rất nhiều. Chỉ hợp nhất được thể xác và tinh thần khi cơ thể yên lặng và không làm như thế được khi cơ thể đang chuyển động, thì đó chẳng phải là một sự hợp nhất đích thực. Bởi lẽ muốn sống thì ta phải làm việc, ta phải có thể duy trì sự hợp nhất tinh thần và thể xác cả lúc ta đang nghỉ ngơi cũng như lúc ta đang hoạt động.
Trong vô số những kỹ thuật ta dùng trong Hiệp Khí Đạo, lúc nào ta cũng tập luyện thế nào để khỏi làm khuấy động sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác. Cái chìa khóa cho phương pháp đó là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, trong Nhật ngữ gọi là seika-no-itten. Điểm này quan trọng không những trong Hiệp Khí Đạo mà còn trong mọi việc ta làm trong đời.
Trước khi giải thích thế nào là seika-no-itten, ta thử cùng nhau khảo sát một vài nguyên lý và sự kiện.
l. TINH THẦN ĐIỀU KHIỂN THỂ XÁC
Khi ta xử dụng hoặc tinh thần hoặc thể xác ta, ta thường không mấy khi để ý tới, nhưng sự thực thì hai yếu tố này có liên hệ với nhau như thế nào? Cho dù ta thấu triệt được sự quan trọng của sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác, nhưng nếu ta không hiểu được mối tương quan của hai yếu tố đó thì ta cũng chẳng thực hiện nơi sự hợp nhất đó. Khi ta đang ngồi yên lặng, cho dù ta không nghĩ tới thể xác ta, nếu ta có thể hợp nhất được tinh thần ta, thì cả thể xác lẫn tinh thần ta sẽ tới được một trạng thái hợp nhất. Tuy nhiên lý do ta không thể hợp nhất được hai yếu tố đó khi ta đang chuyển động là vì ta không hiểu mối tương quan giữa thể xác và tinh thần và vì ta không biết cách xử dụng chúng cho đúng cách.
Cả tinh thần lẫn thể xác đều có những qui luật riêng của chúng. Tinh thần thì vô hình, vô sắc, vô hương, và bay bổng từ nơi này đến nơi khác một cách hoàn toàn tự do. Ta vừa nghĩ là nó ở chỗ này thì đột nhiên nó lại bay đi ngàn trùng đến chỗ khác.
Trái lại, thể xác thì hữu hình, hữu sắc, hữu hương, và sự chuyển động của nó thì hữu hạn. Giữ cho hai yếu tố tách biệt đó luôn luôn hợp nhất là một điều rất khó. Ta nhận thức được rằng ta phải lấy một trong hai yếu tố đó làm trung tâm nỗ lực của ta và hợp nhất nó, nhưng điều này lại dẫn ta tới vấn đề là: lấy cái nào làm trung tâm điểm? Tất nhiên ta không thể phân cách thể xác ra khỏi tinh thần, nhưng trên bình diện chức phận ta có thể tự hỏi rằng: có phải tinh thần điều động thể xác, hay thể xác điều động tinh thần? Tùy theo lối giải thích của ta thế nào về điểm này mà ta có được những phương pháp tập luyện khác nhau.
Trước hết, ta thử khảo sát cái quan điểm cho rằng thể xác điều động tinh thần xem sao. Ai có thể buộc một người vào một điểm mà ở đó tinh thần bất động không? Tất nhiên là không thể được. Khi thể xác bị buộc lại, thì tinh thần lại càng chuyển động hơn. Một bác sĩ bảo một bệnh nhân ngồi thật yên, không động đậy, nhưng chính vì vậy mà tinh thần bệnh nhân lại càng xao động hơn.
Như bất cứ người nào đã tập cách ngồi tham thiền nhập định biết, khi ta ngồi yên, chăm chú, thì lúc đầu có hằng ngàn sự việc cứ bay lượn trong đầu ta. Nói tóm lại, ta nhớ đến những chuyện tầm thường như là ta đã cho người hàng xóm vay ba đấu thóc ba năm về trước, vân vân. Ta không thể nào tập trung tinh thần vào một điểm bằng cách trói buộc thể xác lại được.
Có lẽ có nhiều người cho rằng thể xác làm chủ tinh thần bởi lẽ khi thể xác mệt mỏi thì tinh thần cũng buồn bã, và khi thể xác khỏe mạnh thì tinh thần cũng trở nên vui vẻ. Tất nhiên, bởi vì tinh thần và thể xác có quan hệ với nhau, cho nên thể xác phải có ảnh hưởng vào tinh thần ; nhưng riêng điều đó mà thôi không cho phép ta nói rằng thể xác điều khiển tinh thần. Có nhiều người gặp một hạnh phúc nào đó thì bỗng trở nên khỏe mạnh hơn, và bỗng qua khỏi một cơn bệnh, nhưng, cùng một cơ thể cường tráng đó, nếu họ gặp một chuyện lo buồn lớn lao nào đó, họ có thể già hẳn đi trong một đêm thao thức. Nói ngắn lại, nếu thể xác điều khiền tinh thần, thì khi thể xác già đi, tinh thần cũng phải già đi, và khi thể xác trở nên suy nhược, thì tinh thần cũng phải yếu đi và không thề lấy lại sức được.
Thế giới bên ngoài ảnh hưởng vào con người, nhưng thế giới bên ngoài lại luôn luôn thay đổi và bất định. Thể xác bị ảnh hưởng và điều khiển bởi thế giới bên ngoài thay đổi đó. Nếu thể xác điều khiển tinh thần, thì ta luôn luôn ở trong một trạng thái bất ổn, chứ không đời nào có thể có được một sự hợp nhất tinh thần và thể xác.
Hiệp Khí Đạo vận hành từ cái huấn lệnh cho rằng tinh thần điều khiển thể xác.
Những nhà thôi miên thường bảo bệnh nhân rằng: bây giờ ông không thể đứng dậy khỏi ghế được, và bệnh nhân quả nhiên không đứng dậy được, bởi vì nhà thôi miên kia đã nhồi vào trong trí người đó cái ý niệm ràng hắn không thể đứng dậy noi. Đây là kết quả của sự ảnh hưởng mạnh mẽ vào tiềm thức của bệnh nhân màø nhà thôi miên đã khiến cho hắn không thể đứng dậy nổi. Người ta thường nói rằng chỉ những người nào ngu độn hoặc mắc bệnh điên mới không thể bị thôi miên bởi vì những người này không thể hiểu nhà thôi miên muộn nói gì và không thể nghĩ đến cái điều mà nhà thôi miên muốn họ nghĩ đến. Người có tánh bướng bỉnh, ngoan cố cũng vậy.
Cho dù không có nhà thôi miên, bạn cũng có thể thử làm một mình bạn. Bạn hãy ngồi lên ghế, và nghĩ: « Tôi không thể đứng dậy khỏi cái ghế này được ». Rồi bạn thử đứng lên coi. Có lẽ bạn không thể đứng dậy được. Thử đặt hai tay lên đùi và nói thầm một mình rằng bạn không thể nhắc tay lên nổi. Nếu bạn cố thử làm, bạn sẽ thấy rằng quả thật bạn không thể nhắc tay lên nổi. Trong trí bạn, mặc dù bận không để ý đến, tinh thần hạn đang hoạt động thế nào đó để bạn không nhấc tay lên, và rồi bạn không thể nhấc nổi thật. Đó là bằng chứng tinh thần điều khiển thể xác.
Một vị bác sĩ khi bảo bệnh nhân phải nằm thật yên lặng, nếu không thì bệnh sẽ nặng hơn, chỉ làm cho tinh thần bệnh nhân xao động hơn mà thôi.
Ngược lại, nếu vị bác sĩ đó nói rằng, không sao, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và cố đừng nên động đậy cơ thể thì ông ta có thể tạo ra một bầu không khí thuận lợi để cho bệnh nhân chóng khỏi bệnh.
Bởi vì tinh thần điều khiển thể xác, cho nên khi thể xác già đi, chưa chắc tinh thần đã già theo.
Những người tuy già mà vẫn lanh lẹ và khỏe mạnh luôn luôn là những người có một tinh thần sảng khoái và vững mạnh. Nếu bạn cực lực tin tưởng rằng tuy thể xác đau yếu, tinh thần vẫn chưa chắc đã suy yếu, rằng tuy thể xác suy nhược, tinh thần vẫn chưa chắc suy nhược, thì bạn sẽ luôn luôn có thể vượt qua mọi bệnh hoạn, mọi khó khăn.
Đến đây, ta thử xét một vài cuộc trắc nghiệm mà ai cũng có thể được, để giải thích công dụng của tinh thần trong liên hệ với thể xác.
THÍ DỤ 1
Hai đầu ngón tay trỏ đụng nhau tự nhiên
Chập hai tay lại với nhau như trong hình 3a.
Để chừa hai ngón tay trỏ ra ngoài.
1. Nhìn chăm chú vào hai ngón tay trỏ: Nếu bạn nghĩ rằng chúng sẽ đụng nhau, thì rồi thế nào chúng cũng đụng nhau thực (hình 3b). Đừng cố nghĩ rằng bạn phải làm cho chúng đụng nhau. Cứ để mặc cho hai ngón tay việc đó. Chỉ thử coi xem sức mạnh tinh thần bạn có thể làm chúng đụng nhau được hay không mà thôi.
Hãy nghĩ là bạn đang tập trung tinh thần bạn một cách phục tùng. Hai ngón tay bạn sẽ tự nhiên đụng nhau ngay tức thì. Nếu bạn thắc mắc hoặc nghi ngờ, thì bạn hay cứ để cho hai ngón tay đụng nhau, rồi lại tách rời chúng ra.
Có nhiều công ty thường dừng lối trắc nghiệm này với những nhân viên mà công ty định mướn vô làm để thử xem tính tình họ có dễ chịu hay khó chịu. Những người mệt nhọc vì làm việc quá nhiều, hoặc những người nhu nhược thường không thể làm cho hai ngón tay đụng nhau được. Đây là một cách dễ dàng để xem bạn có thể tập trung tinh thần đến mức nào.
2. Bây giờ bạn hay chăm chú nghĩ rằng bạn không thể nào làm cho hai ngón tay đụng nhau được và rồi bạn cứ thử làm mà xem, bạn sẽ không thể làm chúng đụng nhau, cho dù bạn hết sức cố gắng. Tuy nhiên, nếu bạn còn một chút xíu lòng tin rằng hai ngón tay lúc trước đã đụng nhau thì bây giờ chúng cũng sẽ đụng nhau, thì chúng sẽ hơi hơi gần vào với nhau. Bạn phải gạt hẳn cái tin tưởng đó ra khỏi tâm trí bạn. Trong trường hợp này, nhiều người thiếu lòng tự tin cũng sẽ để cho hai ngón tay đụng nhau rồi tách chúng ra nhiều lần.
THÍ DỤ 2
Vòng tròn không thể bẻ gãy nổi
Người A làm một vòng tròn bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ như trong hình 4a.
Người B dùng cả hai ngón tay trỏ và hai ngón tay cái mình để cố làm vòng tròn đó tách ra.
1. Nếu A cố giữ hai ngón tay mình thật chặt cứng lại, thì hắn sẽ không có cách nào ngăn cản B bẻ gãy vòng tròn đó (hình 4b).
2. Nhưng nếu A không giữ hai ngón tay chặt cứng lại, mà chỉ tập trung tâm trí vào ý tưởng rằng cái vòng tròn của hắn là một vòng tròn bằng sắt không ai có thể bẻ gãy nổi, thì B sẽ khó lòng mà bẻ gãy đặng, (hình 4c). Cho dù nếu B có thể kéo hai ngón tay A ra một chút, nhưng chừng nào A giữ vững được tinh thần mình và tập trung được, thì hai ngón tay hắn sẽ lại dính vào với nhau.
Trong thí nghiệm này, B không được dùng sức mà kéo hay ngón tay của A ra ngay. Chừng nào A giữ tinh thần mình được bình tĩnh thì một sự tấn công đột ngột như thế không thể nào có kết quả được. Thường thường, một áp dụng bất ngờ trên cơ thể hoặc trên một phần nào của cơ thể khiến cho tinh thần người đó đột nhiên bàng hoàng xao động.
Nếu điều này xảy ra, thì đó không phải là một trắc nghiệm hữu hiệu về sức mạnh tinh thần. Trong cả thí dụ 1 lẫn thí dụ 2, bạn phải từ từ và bình tĩnh làm cứng hai ngón tay bạn và dùng sức mạnh.
Làm như thế, bạn sẽ có thể biết được khi nào bạn xử dụng tinh thần bạn và khi nào bạn không xử dụng. Nếu A giữ vững được tinh thần trong suốt tất cả những lần lặp đi lặp lại trong cuộc trắc nghiệm đó, B có thể thử dùng toàn lực mình một cách bất ngờ, nhưng rất có thể hắn sẽ chẳng bẻ gãy nổi vòng tròn đó. A chỉ cần nghĩ rằng tinh thần mình đang di chuyển qua ngón tay mình, là nó sẽ di chuyển.
THÍ DỤ 3
Cánh tay không thể bẻ gãy nối
A bước một nửa bước về phía trước và giơ thẳng cánh tay ra. B dùng cả hai tay để cố bẻ cánh tay A ở chỗ khuỷu tay. (B cũng nên thận trọng: đừng cố bẻ ngược cánh tay A, vì có thể gây ra thương tích).
1. Lúc đầu, A nắm tay lại thực chặt, lên gân cánh tay, và nghĩ rằng B không thể nào bẻ nổi. Nếu hai người có sức mạnh gần tương đương, B sẽ có thể bẻ cánh tay A rất dễ dàng (hình 5a).
2. Lần này A xoè bàn tay mình ra, duỗi cánh tay và để nó tự nhiên (đừng lên gân), và tập trung vào sức mạnh tinh thần của mình, và tưởng tượng nó đang lưu chuyển qua cánh tay mình và nhảy đi vạn dặm phía trước mặt (hình 5b).
Chừng nào A cứ tiếp tục nghĩ như thế, thì B sẽ không tài nào bẻ nổi tay A, cho dù B cố gắng đến mấy. Nếu A là một người mới tập B nên xử dụng sức mạnh mình một cách từ tốn, chớ nên xử dụng một cách đột ngột, để xem xem sức mạnh tinh thần của A có đang hoạt động hay không. Nếu B vô ý xử dụng sức mình đột ngột, thì tư tưởng A sẽ bị mất tính cách liên tục, và B sẽ có thể bẻ được cánh tay A. Bạn cũng đừng nên bận tâm nhiều về điểm này, bởi vì một khi bạn đã làm quen với thí nghiệm đó, bạn sẽ có được một tinh thần mạnh đến độ không một ai có thể làm gián đoạn giòng tư tưởng của bạn nổi. Nếu B to lớn hơn A, thì A cũng chớ nên quan tâm đến, nếu không B sẽ có thể bẻ cánh tay mình được ngay.
Trong động tác 2, A phải xoè bàn tay mình ra, bởi lẽ nếu nắm lại, thì ta sẽ làm mất đi cái ý tưởng rằng sức mạnh của tinh thần ta đang lưu chuyển « đi vạn dặm phía trước mặt » từ những đầu ngón tay ta.
Một khi bạn đã làm chủ được cái quan niệm về sức mạnh lưu chuyển ra phía ngoài, thì bạn sẽ có thể nắm tay lại hoặc duỗi ngón tay ra, tùy ý mà B vẫn không bẻ gập cánh tay bạn nổi. Điều này không liên quan gì đến hình thù của bàn tay bạn. Mặc dù bạn gập cánh tay bạn lại, như trong hình 5c, nếu bạn nghĩ rằng sức mạnh tinh thần đang ùa xô tới đầu ngón tay mình, thì cánh tay bạn sẽ không thể ai bẻ nổi.
Sức mạnh của tinh thần là sức mạnh thực sự. Nếu bạn tin rằng sức mạnh tinh thần bạn đang tràn ra, thì nó tràn ra ngay, tuy rằng bạn không thể nhìn thấy nó bằng đôi mắt bạn được. Trong những thí nghiệm này, nếu sức mạnh tinh thần bạn đang lưu chuyển qua cánh tay bạn, thì cố mà bẻ nó cũng giống như là cố bẻ một vòi rồng chữa lửa đang có nước chảy qua.
Bởi bạn càng có thể tập trung tinh thần bạn bao nhiêu thì bạn lại càng mạnh bấy nhiêu, cho nên bạn hãy lên gắng tập luyện. Đức tin là sức mạnh đó vậy.
Theo danh từ của Hiệp Khí Đạo, chúng tôi gọi cánh tay mà có sức mạnh tinh thần chảy qua, là cánh tay không thể bẻ được.
Khi sức mạnh tinh thần của một người đang trào ra ngoài, hay lưu chuyển ra phía ngoài, và tinh thần người đó được hợp nhất, thì chúng tôi nói là người đó đang « đẩy khí ra ngoài ». Khi sức mạnh tinh thần người đó ngừng lại ở một nơi như nắm tay chẳng hạn, chúng tôi nói là người đó đang « ngừng khí » của hắn lại. Khi người đó kéo cái sức mạnh tinh thần của hắn vào trong, chúng tôi nói là người đó đang « kéo khí của hắn vào » Chúng tơi sẽ có dịp trình bày thêm về khí với đầy đủ chi tiết, nhưng nơi đây chúng tơi cũng cần phải lưu ý rằng người có lòng tự tin là người đang ở trong một trạng thái đẩy khí mình ra ngồi, và người thiếu lòng tự tin là người đang kéo khí mình vào trong.
THÍ DỤ 4
Cái cầu bằng thân người
A nằm thẳng trên mặt sàn hai chân duỗi thật thẳng và hay cánh tay cũng duỗi thẳng theo thân mình (hình 6a). B nâng đầu A lên ở nơi gáy, và C nâng chân A lên. Hai người này (B và C) nhấc bổng A lên.
1. Nến A chỉ nằm duỗi thẳng hoặc lên gân toàn thân mình, khi B và C thử nhấc bổng hắn lên, thì thân hắn sẽ gập lại ở chỗ mông (hình 6b).
2. Nhưng nếu A để cho thân hình tự nhiên, thoải mái, và tập trung vào ý tưởng rằng có một thanh thép đang xuyên qua mình hắn từ đầu cho tới các ngón chân, hay có thể tập trung vào ý tưởng rằng toàn thân hắn đã biến thành một thanh thép, thì B và C sẽ có thể nhấc bổng A lên như trong hình 6c.
3. Kê hai cái ghế ở một khoảng cách vừa bề dài thân thể của A. Đặt đầu và vai A trên một ghếvà hai cẳng trên ghế kia. Cả thân thể của A tạo thành một cái cầu bắc qua hai chiếc ghế (hình 6d).
4. Hai hay ba người sau đó cưỡi lên phần giữa một thanh thép cứng, thì chừng ấy hắn vẫn có thể mang được ba, có khi bốn người như vậy. Sức nặng của tất cả những người cưỡi lên A, đều đi lên bụng hắn, nhưng hắn sẽ không cảm thấy nặng lắm.
Một người xử dụng sức mạnh tinh thần của mình có thể mang sức nặng của ba người dễ như bỡn.
Thí nghiệm trên đây cho ta biết tinh thần có thể điều động thể xác như thế nào, và sức mạnh tinh thần của ta lớn đến đâu. Mới đầu, hãy để một người ngồi lên bạn, rồi sau đó dần dần tăng lên hai, ba... người. Nếu cái tư tưởng nói rằng thân thể bạn hóa thành một thanh thép đang nửa chừng cuộc thí nghiệm vụt biến mát, thì tất cả đều ngã xuống đất hết. Cho nên hãy duy trì cái tư tưởng đó suốt cuộc thí nghiệm. Vì thí nghiệm này không có hại gì đến cơ thể, cho nên ai cũng có thể thử nó được. Bạn hãy thử xem để có được một lòng tự tin về sức mạnh tinh thần của bạn, bởi lẽ không lời nói nào tốt bằng bằng chứng cụ thể.
Tuy rằng các nhà thôi miên thường dùng thí nghiệm đó, bởi vì người bị thôi miên chỉ có thể làm thí nghiệm đó thành công khi dưới ảnh hưởng của thôi miên mà thôi, cái điều mà họ làm đó chẳng có gì đáng khoe khoang. điều quan trọng là chính bạn có thể tự mình làm được khi tỉnh táo và đừng dựa vào một người nào khác. Tăng cường thân thể bạn bằng khí, như chúng tôi nói theo Hiệp Khí Đạo, là điều ta có thể làm được khi ta tỉnh táo, hoặc ngay cả khí ta đang đi dạo.
Nếu bạn chỉ đọc sách này mà thôi, và cho đù bạn hiểu được những điều nói trong sách, thì những tài liệu ở đây sẽ chẳng làm cho bạn mạnh hơn.
Bạn phải thử làm những thí nghiệm đó với một vài bạn hữu để xem xem tinh thần bạn điều khiển được thể xác bạn đến mức nào, và xem xem tinh thần bạn mạnh mẽ đến đâu.
Ngay cả những chuyện nhỏ mọn tầm thường hằng ngày cũng có thể vào trong đầu bạn và tác động trong cơ thể bạn. Nếu bạn nghĩ bạn là người xấu thì rất có thể sẽ trở nên xấu. Nếu bạn nghĩ bạn có một căn bệnh kinh niên, thì căn bệnh đó sẽ rất có thể chẳng khi nào rời bạn nữa. Bạn phải dùng đầu óc bạn và theo một quan điểm tích cực.
Một khi bạn đã hiểu được rằng tinh thần điều khiển thể xác, bạn sẽ bắt đầu học theo cách hợp nhất tinh thần để có thể hợp nhất tinh thần và thể xác, và để có thể làm thế nào cho thể xác bạn vâng lời tinh thần. Bạn nên biết rằng chính sức mạnh tinh thần, chứ không phải sức mạnh thể xác, là cái ta phải tập trung ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nói cách khác, ta nạp đầy cái điểm đó bằng khí.
II. CÁCH XỬ DỤNG TINH THẦN MỘT CÁCH TỰ DO VÀ KHÔNG HẠN CHẾ
Giờ ta đã hiểu rằng tinh thần điều khiển thể xác, ta thử hãy luyện tập cách xử dụng tinh thần ta một cách tự do và không hạn chế. Mỗi kỹ thuật trong Hiệp Khí Đạo đều dựa lên quan niệm cho rằng tinh thần điều động thể xác. Khi ta muốn quật ngã một đối thủ không phải là ta muốn quật ngã thể xác hắn. Ta lôi kéo tinh thần hắn đi, và thể xác hắn tự nhiên phải đi theo, bởi lẽ tinh thần dẫn đi đâu thì thể xác phải đi theo đó. Khi một người A sắp sửa ngồi xuống một chiếc ghế, thì tinh thần hắn được hướng về chiếc ghế. Nếu B kéo sắp sửa kéo ghế. và A định thôi không ngồi xuống nữa, mà A vẫn ngã như thường. Thể xác có trọng lượng, nhưng linh hồn không có. Một thiếu niên hay một thiếu nữ biết Hiệp Khí Đạo có thể quật ngã một người đàn ông lớn hơn là vì lẽ tinh thần điều động thể xác.
Tuy rằng trong Hiệp Khí Đạo ta học kỹ thuật và học cách lôi kéo tinh thần của đối thủ ta, nhưng trước khi có thể điều khiển được tinh thần người khác một cách tự do, thì ta phải có thể điều khiển tinh thần ta một cách tự do đã.
Ai cũng tưởng rằng mình có thể điều khiển được mình một cách tự do, nhưng thực ra không phải lúc nào ta cũng có thể làm được cái ta nghĩ.
Chẳng hạn, tức giận có lý do thì không sao, nhưng đến khi lý do cho sự tức giận đó đã đi rồi, thì sự tức giận cũng phái đi chứ. Nhưng rất nhiều người lại không thể lấy lại được bình tĩnh. Họ đâm ra cáu lây đến những người chung quanh chẳng liên quan gì đến nguyên nhân đầu tiên của sự cáu giận đó.
Nếu có điều gì khó chịu xảy ra ở sở làm, thì tốt hơn hết là để nó lại nơi đó. Chẳng có lý nào cứ lo âu phiền muộn gì về nó, rồi mang nó về nhà để làm khổ vợ con làm gì. Khi bạn cáu giận, bạn phải có thể mỉm cười về sựï cáu giận đó khi đã xong. Bất cứ người nào cũng có kinh nghiệm hằng ngày về sự không thể điều khiển thể xác mình làm theo điều mình muốn. Nếu bạn có làm bếp, đôi khi bạn vô ý cắt vào ngón tay bạn, điều này thực là tức cười ; chẳng ai lại cố ý cắt tay mình bao giờ, nhưng thể xác ta nhiều khi lại trái với ý ta.
Bất cứ ai mới tập Hiệp Khí Đạo cũng có cảm tưởng rằng hắn đã không bao giờ tưởng tượng được là thể xác và tinh thần hắn lại có thể không làm theo điều mình muốn. Khi nào bạn tới giai đoạn có thể xử dụng cả hai yếu tố đó một cách tự do, thì đó mới là lần đầu tiên bạn có thể trình diễn những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo một cách đúng đường. Nếu ta không huấn luyện thân thể ta, thì nó sẽ không mạnh, và ta sẽ không thể làm cho nó chuyển động lanh lẹ được. Tinh thần ta cũng thế!
Nếu ta không huấn luyện nó, cũng không thể dùng nó cho có hiệu quả hoặc làm cho nó chuyển động lanh lẹ được. Chỉ có luyện tập và thực hành ta mới có thể tập trung ý thức của ta nơi nào ta muốn.
Trước hết, hãy tập trung ý thức ta vào cái bàn.
Sau đó, bất thình lình ngó đến cánh cửa. Hoàn toàn tập trung vào cánh cửa và gột bỏ hẳn cái bàn ra khỏi óc bạn. Khi qua được giai đoạn này rồi, thì bạn mới có thể lái tâm trí bạn khỏi một điều gì làm bạn bực bội và tập trung toàn thể tinh thần bạn vào một điều gì làm bạn vui thích. Vì không còn một chút tức giận nào nữa trong óc bạn, cho nên bạn sẽ có thể mỉm cười một cách hết sức thành thực.
Không kể bạn bận rộn đến mấy chăng nữa, nếu bạn có thể tập trung toàn thể tâm trí bạn vào một việc, rồi lại tập trung nó vào một việc khác tiếp ngay sau đó cho đến khi xong việc, thì bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bị lãng trí cả. Bạn sẽ không bao giờ than phiền rằng bạn bận quá, mà vẫn chẳng làm xong được việc gì hết. Nếu bạn không thể di chuyển hoàn toàn sự tập trung ý tưởng đó được, thì bạn sẽ không thể học được những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo với nhiều đối thủ cùng một lúc. Thường thường thân thể bạn di chuyển cùng với kỹ thuật. Bạn phải có khả năng di chuyển tinh thần bạn một cách bất thình lình từ đối thủ này sang đối thủ khác. Chính vì lý do này mà bạn phải luôn luôn coi đối thủ của bạn là người duy nhất bạn đang đối diện. Nếu tinh thần bạn còn vương vấn lại với người đối thủ trước của bạn, dù chỉ một chút xíu, thì bạn sẽ thấy bạn bị phân trí, và rồi sẽ bị một số đối thủ hạ hạn ngã ngay.
Khi hướng tinh thần bạn về một điểm nào đó, bạn phải cho kèm theo sức mạnh. Nếu bạn có thể tập trung toàn thể tâm trí bạn, thì bạn sẽ có ngay sức mạnh. Để tôi xin đan cử một thí dụ.
THÍ DỤ 1
Di động tinh thần bạn tới đầu một chiếc gậy.
A bước tới đằng trước một nửa bước, tay mặt cầm một chiếc gậy, hướng mũi gậy về phía B. B nắm lấy đầu gậy đó và cố đẩy nó lại phía A.
1. Nếu A lên gân tay mặt (hình 7a), thì B có thể đẩy chiếc gậy về phía A một cách dễ dàng.
2. Nhưng nếu A nắm chiếc gậy nhè nhẹ và tập trung toàn thể tinh thần mình vào đầu kia của chiếc gậy, thì B không thể đẩy nó được (hình 7b).
Trong 1, B có thể đẩy chiếc gậy về phía A, bởi vì khi A nắm chặt lấy chiếc gậy, hắn đã vô tình tập trung toàn thể tinh thần hắn ở cái nơi mà hắn nắm lấy. Trong 2, bất thình lình hắn di chuyển tinh thần hắn tới đầu kia của chiếc gậy, làm cho sức mạnh tinh thần hắn di động tới đầu đó, và khiến cho B không thể đẩy chiếc gậy về phía A được. Khi làm thí nghiệm này, lúc đầu bạn nên tập trung tinh thần bạn ở đầu kia của chiếc gậy, rồi bất thình lình đem nó trở về đầu này, nơi tay bạn đang nắm. Làm như thế bạn sẽ thấy rõ cái tác dụng của sự tập trung tinh thần.
Nếu thấu hiểu được cái thuật di động tinh thần bạn từ nơi này đến nơi khác một cách bất thần, thì cho dù bạn lo lắng đến mấy chăng nữa, thì bạn có thể di động tinh thần bạn tới một cánh đồng xa vắng mông mênh hoặc tới khoảng trời đầy sao xa thẳm, và rồi thì những sự vật nhỏ mọn chung quanh bạn sẽ biến đi mất.
Di động tinh thần cũng còn có những tác dụng tương tự vào cơ thể bạn nữa.
THÍ DỤ 2
Cánh tay nặng
A giơ thẳng cánh tay mặt ra phía trước, và B dùng một tay đẩy cánh tay A lên trời.
1. Nến A để cánh tay mình tự nhiên, không lên gân, và tập trung tinh thần vào cạnh dưới của cánh tay (nét vẽ đậm trong hình 8a), thì B sẽ không thể đẩy nó lên được dễ dàng.
2. Trái lại, nếu A tập trung tinh thần vào cạnh trên của cánh tay (nét vẽ đậm trong hình 8b), thì B có thể đẩy nhẹ cánh tay A lên trời được.
Chỉ bằng cách đổi cái nơi mà ta tập trung tinh thần ta, ta có thể làm cánh tay ta nặng hay nhẹ.
Thân thể ta nói chung cũng vậy. Nếu ta tập trung tinh thần ta ở trên đầu, thì toàn thân ta sẽ nhẹ bổng, và có thể nhấc lên được một cách dễ dàng. Nếu ta tập trung vào phần dưới của cơ thể ta, thì nó sẽ trở nên nặng ra và khó nhấc lên được.
Tập trung tinh thần ta vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới cũng tương tự như tập trung sức mạnh của ta vào chỗ đó. Vấn đề là không được lên gân và làm căng bụng dưới của bạn ; vô ích. Chỉ cần tập trung tinh thần bạn ở đó, bụng dưới bạn sẽ trở nên cứng rắn như thép. Tuy rằng Hiệp Khí Đạo dạy ta phải để cơ thể ta tự nhiên, đừng lên gân, nhưng không có nghĩa là nó sẽ làm cho ta mềm yếu đi. Trái hẳn lại. Với Hiệp Khí Đạo, tuy rằng trong những điều kiện bình thường cơ thể bạn được rãn ra và mềm đi, bạn có thể bất thình lình tập trung tinh thần bạn vào bất cứ nơi nào trên cơ thể bạn và làm cho nó cứng như thép. Bạn có đạt tới một tình trạng co rãn sức lực (elasticity of power) nó khiến cho bạn gạt đi bất cứ cú đấm nào của đối thủ.
Tác dụng của tinh thần trên máu thì đặc biệt hiển nhiên. Nếu bạn tập trung vào sự lưu chuyển của máu ngược lên đầu bạn, thì máu sẽ lưu chuyển lên đầu thực sự. Máu bạn sẽ tụ tập trên đầu khiến cho đầu trở nên nặng hơn và làm nhức nhối. Trái lại nếu tập trung toàn thể tâm trí bạn vào sự lưu chuyển của máu xuôi xuống cơ thể bạn, thì máu sẽ chảy xuôi xuống thực sự, và đầu bạn sẽ nhẹ bổng hẳn đi. Khi ta học nhiều, máu ta thường thường tập trung ở đầu. Tập trung tinh thần làm cho máu chảy xuôi xuống là một lối nghỉ ngơi tốt nhất. Những người khó ngủ thường thường bị lạnh chân và tay bởi lẽ máu thường tập trung ở đầu. Trong trường hợp này cũng vậy, bạn chăm chú làm cho máu chảy xuống cơ thể, thì bạn sẽ ngủ được ngay. Người bị bệnh nằm ở giường và không làm gì được cũng nên tập cách làm cho máu lưu chuyển đều hòa và tự nhiên từ phần này đến phần kia cơ thể, sẽ thấy khoẻ khoắn hơn lên. Thay vì lo phiền về bệnh của mình, nếu người bệnh biết cách áp dụng tinh thần mình vào toàn cơ thể, hắn sẽ thấy mau khỏi bệnh.
Mặc dù lúc đầu khó thể tưởng tượng được là máu bạn đang từ từ chảy xuôi xuống từ đầu bạn, qua hai vai, ngực, dạ dầy, bụng dưới, và chia làm đôi xuống hai đùi, và cuối cùng tới chân, nhưng nếu thực sự tập luyện thì bạn sẽ ý thức được sự lưu chuyển đó của máu. Bạn có thể dùng phương pháp này để làm cho các ngón chân bạn nóng hổi khí nào chân bạn bị lạnh.
Hồi tôi ở Hạ-uy-di, tôi được mời đến giải thích và biểu diễn Hiệp Khí Đạo cho một đại hội bác sĩ y khoa từ khắp nơi trên thế giới. Khi biểu diễn xong, một số bác sĩ xúm đến tôi và hỏi: « Người ta nói ông có thể dùng ý chí của ông để thay đổi nhịp máu lưu thông, nhưng thực ra thì nhịp máu lưu thông là do những dây thần kinh tự động điều khiển. Nhất định ông không thể tự ý thay đổi nhịp máu chảy được. Ông có thể vui lòng cho chúng tôi đo mạch máu ông được không? » Một vài vị bác sĩ lấy đồng hồ ra và đo mạch máu tôi thực: phút đầu là 91, phút thứ hai là 70, và phút thứ ba là 81. Các bác sĩ đều đồng ý là mạch máu tôi có thay đổi nhịp thiệt, và hỏi tôi bằng cách nào tôi có thể làm được như thế.
Sự thực thì chẳng khó gì. Bất cứ người nào đang cáu giận hoặc ngạc nhiên về một chuyện gì thì mạch máu hắn tự nhiên nhanh hơn lên. Cũng thế, bất cứ ai đang bình tĩnh, như lúc chúng ta vừa thức dậy buổi sáng chẳng hạn, thì mạch máu chậm lại. Khi ta muốn mạch máu ta nhanh lên, thì ta chỉ việc tập trung tâm trí vào bắt ta phải cáu giận, và nó sẽ chạy nhanh. Ngược lại, nếu tập trung tâm trí ta vào một trạng thái giống như lúc ta vừa thức đậy thì mạch máu ta sẽ chậm lại ngay. Lúc tôi giải thích như thế cho các vì bác sĩ biết, thì tất cả đều thử thí nghiệm theo tôi nói, nhưng không một ai có thể thay đổi được nhịp máu chạy của mình cả.
Một vị bèn hỏi tôi: « Tôi đang bình tĩnh. Làm thế nào để tôi hóa cáu giận bây giờ? » Tôi đáp: « Xin bác sĩ hãy tập Hiệp Khí Đạo và đạt tới một giai đoạn mà bác sĩ có thể xử dụng tinh thần bác sĩ một cách tự do ». Mọi người đều cả cười và đồng ý. Cái khó không phải là thay đổi cách nhịp lưu chuyển của mạch máu, mà là thay đổi tinh thần bạn một cách tự do. Làm cho mạch máu chạy nhanh lên khi nó đang chạy nhanh thì khó hơn là làm cho nó chạy chậm lại, nhưng mục đích chính của bạn là phải làm cho nó chạy chậm lại, bởi lẽ nếu bạn làm được như thế thì bạn sẽ chẳng coi vào đâu tất cả những dọa nạt, tất cả những gì làm bạn giật mình.
Cũng còn có một phương pháp khác để thay đổi nhịp chạy của mạch máu bạn. Nếu bạn hết sức cố gắng tập trung vào cách làm cho máu chảy lên đầu, thì mạch máu bạn sẽ chạy nhanh lên. Nếu bạn làm tâm thần bạn thoải mái, thơ thới, và đồng thời cố gắng tập trung vào cách làm cho máu chảy xuôi xuống cơ thể, thì nhịp mạch máu bạn sẽ chậm đi.
Nên nhớ là, cho dù bạn có thấu hiểu được đâu là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, nhưng nếu bạn không thể tập trung tất cả tinh thần bạn vào chỗ đó thì bạn cũng chưa hẳn thành công. Mục đích là bất cứ khi nào hễ nói tới cái điểm duy nhất nơi bụng dưới là bạn có thể lập tức tập trung tinh thần bạn vào điểm đó. Khi tập Hiệp Khí Đạo, phải luôn luôn nhớ tới mục đích này. 
III. TRỌNG TÂM CỦA MỘT VẬT – PHẦN DƯỚI CỦA VẬT ĐÓ
Trọng tâm của mọi vật là ở phần dưới của vật đó: đây là một quy luật của vũ trụ. (Chú ý: câu « quy luật của vũ trụ » không có gì là khó khăn về mặt triết lý cả. Bất cứ gì khiến cho ai cũng phải nói là: « Cái đó có lý», thì là một quy luật về Hiệp Khí Đạo của vũ trụ. Ta cũng có quyền gọi cái nguyên lý của ta nói rằng tinh thần điều động thể xác là một quy luật của vũ trụ.)
Bởi lẽ thân thể con người cũng là một Vật – hay một đối tượng–, cho nên khi thân thể không chuyển động, thì trọng âøm của nó và của mọi thành phần nó là ở nơi nào thấp nhất. Đây là cái thế tự nhiên nhất. Như trong hình 8a, tinh thần được tập trung ở phần dưới cùng của cánh tay duỗi đó, và vì thế cánh tay khó lòng mà đẩy lên nổi. Thực ra,cho dù ta khôngt tập trung tinh thần ta ở phần dưới đó, nếu ta cứ để tự nhiên, thì trọng tâm của cánh tay vẫn là ở chỗ đó và khiến cho khó lòng đẩy cánh tay lên được. Tuy nhiên, ở con người, cái tinh thần nó khiến cho cơ thể cử động đó hay bay nhảy chỗ này sang chỗ khác mà không ở yên một chỗ, và do đó trọng tâm cũng không ở yên tại một chỗ mà đáng lý nó phải ở. Khi ta nói một người bình tâm, ta muốn nói là người mà tinh thần của hắn được ở yên tại một chỗ và trọng tâm của hắn được ở yên tại một chỗ nhất định. Người đó có thể duy trì cái thế của mình vững chảy như một tảng đá.
THÍ DỤ 1
Khuôn mặt không thể nâng lên được.
A quỳ xuống ngay ngắn, đúng cách, và B để tay vào cằm A, dùng sức đẩy đầu A lên (hình 9).
Giả thử nếu trọng tâm ở phần dưới cằm A, thì B không thể nào đẩy đầu A  lên nổi. Giả thử nếu B dùng sức mà đẩy hai tay A khỏi đầu gối hắn thì B cũng không thể nào làm như thế đặng. Và nếu giả thử B lại muốn nhắc hai đầu gối A lên, hắn cũng không thể nào làm vậy được dễ dàng nữa bởi vì những trọng tâm của đầu gối A ở tại phần dưới cùng đầu gối. Nếu tinh thần bạn bình tĩnh, thì thân thể bạn sẽ ở trong điều kiện đó. Bạn nên nhớ rằng vị trí tự nhiên không những là vị trí đúng đường nhất, mà còn là vị trí mạnh mẽ nhất. Tuy rằng bạn có vẻ bình tĩnh, nếu B có thể nâng đầu bạn, hai tay bạn và hai đầu gối bạn lên được, ấy là chỉ bề ngoài bạn bình tĩnh mà thôi, chứ sự thực bên trong bạn không bình tĩnh.
Ngay trong lúc ta di chuyển, ta phải luôn luôn giữ cái trọng tâm của cơ thể ở nơi phần dưới cùng. Có nhiều người đứng trong thang máy và khi thang máy bất thình lình đi xuống thì có cảm tưởng hầu như dạ dầy họ đang nhẩy lên ngực. Điều này được giải thích là trọng tâm của thân thể họ đang đi ngược lên phía trên. Khi thể xác anh đi xuống thì trọng tâm của anh cũng phải đi xuống theo. Những người bị say sóng nặng bao giờ cũng là người mà trọng tâm của họ thường xuyên di chuyển ngược chiều với trọng tâm của con tàu. Khi con tàu nhô lên thì trọng tâm của họ chìm xuống, và khi con tàu chúi xuống thì trọng tâm của họ lại nhô lên: khi con tàu nghiêng sang bên phải, thì trọng tâm của họ nghiêng sang bên trái, và ngược lại. Dĩ nhiên lên như thế làm cho người đi tàu biển cảm thấy khó chơi. Nếu bạn luôn luôn giữ trọng tâm bình tĩnh và cứ để cho nó tự nhiên lên xuống theo nhịp của con tàu, thì bạn sẽ không bị say sóng.
Có một số người cũng có một cảm giác tương tự khi họ phải nói trước một đám đông. Trọng tâm của họ bất thình lình đi ngược lên khiến cho máu họ cũng lưu chuyển ngược lên đầu, và họ quên hết mọi điều muốn nói. Những lúc đó, ta phải luôn luôn giữ trọng tâm của ta bình tĩnh và nói như thường ngày.
Khi ta đã giơ cánh tay lên, thì hạ nó xuống rất dễ dàng bởi lẽ trọng tâm của cánh tay ở phần dưới cùng cánh tay. Thế mà cũng có nhiều người, ngay cả khi đang muốn đấm xuống hoặc chặt xuống, lại để trọng tâm của họ ở phía trên cao. Khi trọng tâm của ta ở dưới thấp, thì nó làm cho cú đấm xuống mạnh hơn, nhưng nếu ta để trọng tâm ở một vị trí cao và lại muốn đấm xuống, thì ta chỉ làm hao tổn sức mạnh của ta mà thôi.
THÍ DỤ 2
Trọng tâm ở phần dưới cánh tay.
A bước chân trái một nửa, bước về phía trước và duỗi tay mặt thẳng trước mặt. Mặc dù B cố tình muốn đè cánh tay A xuống, A sẽ không để cho hắn làm nổi.
1. B không thể đè cánh tay A xuống được cho dù lên gân đến mấy chăng nữa bởi lẽ trọng tâm của cánh tay B được đặt ở cạnh phía trên cánh tay, (hình 10a).
2. Nhưng nếu cánh tay B để tự nhiên, không lên gân, và tập trung trọng tâm cánh tay hắn ở phần cạnh dưới nó, thì hắn có thể đè cánh tay A xuống được. Lúc ấy, tất cả sức nặng của cánh tay đều đồn vào khắp cánh tay, khiến nó đè xuống dễ dàng và đồng thời kéo theo cánh tay A xuống hình 10b), bất kể A để bao nhiêu sức mạnh của mình vào cánh tay, hoặc chống đỡ đến mấy. Điều quan trọng là B phải giữ trọng tâm cánh tay mình vào phần dưới cùng của cánh tay.
Trong Hiệp Khí Đạo, cho dù chỉ chặt một cánh tay xuống, trọng tâm ở phía dưới cùng và bàn tay tự nhiên hạ xuống. Đây là do ở cái thái độ cho rằng mỗi lần giơ tay lên và duỗi chân ra là phải làm một cách tự nhiên và hợp với những qui luật của vũ trụ. Vì lẽ đó, bất cứ ta làm gì trong Hiệp Khí Đạo, tuy rằng đối với người ngoài thì trông có vẻ dễ dàng, nhưng thực ra có nhiều sức mạnh kinh khủng.
Tuy nhiên rất khó mà luôn luôn giữ trọng tâm ở phần dưới cùng. Muốn làm được như thế, ta phải làm chủ được cái điểm duy nhất nơi dưới bụng. Nếu ta giữ trọng tâm của phần trên cơ thể ta ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó và để các phần khác của cơ thể tự nhiên thì trọng tâm của những phần này sẽ tự nhiên tụ vào những phần dưới cùng của chúng, và toàn thân sẽ ở thế quân bình.
IV. THẢ LỎNG DÂY THẦN KINH
Cũng như sợi dây cung cứ căng mãi thì tất sẽ dãn ra, con người ta không bao giờ có thể chịu căng thẳng được mãi mãi và thường xuyên. Cố nhiên, ở những chỗ không có gì làm bạn khó chịu thì bạn có thể để thả lỏng thần kinh bạn được dễ dàng, nhưng ở trong những tình trạng xáo trộn, hỗn độn như của thế giới hiện nay, mà một việc này chưa được làm xong thì thì việc khác đã tới, thì bạn rất khó lòng có thể lúc nào cũng để mình thoải mái đặng. Bởi thế cho nên ta cần phải biết cách làm cho thể xác và tinh thần ta thoải mái được bất cứ khi nào ta muốn, và bất cứ nơi nào.
Cố nhiên, mặc dù ta khó lòng mà thoải mái được khi ta bận rộn, nhưng cũng có một số người có tính hay vội vã đến nỗi họ không tài nào thoải mái nổi ngay cả khi ở trong một bầu không khí thích hợp. Những người này lúc nào cũng nóng nảy và lại dễ thấm mệt. Đứng trước một biến chuyển nào quan trọng là họ lính quýnh và mất bình tĩnh ngay. Học sinh khi đi thi thường không thể trả lời những câu hỏi mà ngày thường thuộc làu làu. Các nhà thể tháo trước một buổi trình diễn hay tranh giải vô địch nào đó hay bị mất bình tĩnh, rồi đâm ra bị thua cuộc Tất cả đều do sự không biết cách làm hệ thống thần kinh mình được thả lỏng.
Tại sao người ta lại cảm thấy không thể thoải mái được khi một việc gì lớn sắp xảy ra? Trước hết, quan niệm đó đã nảy ra từ một ảo tưởng rằng khi ta thoải mái là ta yếu đuối. Sự thực thì khi bạn biết cách thoải mái đúng lối, thì bạn rất mạnh, như sẽ thấy trong những thí dụ sau này. Những giây phút quan trọng và thử thách trong đời ta đòi hỏi ta phải thoải mái, bởi vì thoải mái làm ta trở nên mạnh.
Thứ nhì, người ta không biết cách, hoặc có cảm tưởng là không thể thoải mái được.
Thoải mái nghĩa là để cho mình được tự nhiên và để cho mọi sự việc cứ ở trong cái điều kiện tự nhiên của chúng. Ta chỉ có thể thoải mái được nếu ta có thể làm cho mọi sự vật yên tọa trong chỗ của chúng. Cái chỗ đúng để cho trọng tâm phần trên thân thể ta yên tọa là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Trước nhất, phải tìm cho được cái nơi, cái điểm duy nhất mà trọng tâm thân thể ta thường yên tọa. Để cho trọng tâm nghỉ vào chỗ đó, và để cho phần trên cơ thể ta được tự nhiên, thì trọng tâm của mọi phần khác của cơ thể sẽ được nghỉ vào đúng chỗ của nó trong một trạng thái thoải mái toàn thể. Nếu một người không biết nhà ở đâu ma về cả. Thì cho dù ta bảo người đó về nhà đi, hắn cũng không làm sao về nổi. Nếu bạn không biết cái chỗ để yên tọa sức mạnh của bạn, thì dù chúng tôi có bảo bạn thoải mái đi, bạn cũng không thể biết cách thoải mái thế nào cả. Khi ta luyện tập những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo, ta luôn luôn giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, ta luôn luôn giữ những trọng tâm của ta nghỉ vào đúng chỗ của chúng, và ta luôn luôn duy trì một tình trạng thoải mái toàn diện để ta có thể phát lộ cái sức mạnh tối đa của ta và thực hiện những kỹ thuật cho đúng lối. Vì lý do đó, cho nên trong những giây phút thử thách hay trong những lúc quan trọng, ta lại càng thoải mái được hơn. 
V. THẤU TRIỆT ĐIỂM DUY NHẤT NƠI BỤNG DƯỚI
Khi đã nhận thức được rằng, cả trong khi xử dụng tinh thần ta một cách tự do lẫn trong khi giữ những trọng tâm của ta ở chỗ của chúng, cái điểm đuy nhất nơi bụng dưới đó tuyệt đối cần thiết, thì bước thứ hai là phải học cách làm chủ, hay chế phục được, và tập luyện cái điểm đó.
Từ ngày xưa, người Á đông thường lấy cái chỗ hõm của bụng làm quan trọng và coi nó là nơi sinh trưởng của sức mạnh con người. Tuy nhiên họ cũng đã tin nhầm rằng chỉ cần tập trung sức mạnh cơ thể ở nơi bụng dưới là có thể tạo nên một chỗ bụng hõm mạnh mẽ. Họ đã không thấy rằng khi tập trung tinh thần vào miền đó, thì không những ta sẽ có được một bụng dưới mạnh, mà ta còn có thể phát lộ được một sức mạnh phi thường. Nếu bạn chỉ làm căng phình bụng bạn, thì dần dần bạn cũng sẽ làm căng phình ngực bạn nữa, và rồi nếu cứ tiếp tục như vậy mãi, thì bạn sẽ bị nhức nhối ngực và máu sẽ dồn hết lên đầu. Ta không nên quên rằng chính tinh thần mới điều động thể xác.
Bởi vì chỗ hõm ở bụng là một miền, cho nên nó không thích hợp được với sự tập trung tinh thần.
Vì lẽ đó tôi đã chọn một điểm nơi bụng dưới, một điểm duy nhất cách lỗ rốn chừng 5 phân ở bụng dưới đó, và kêu nó là điểm seika-no-itten, nghĩa là điểm duy nhất nơi bụng dưới. Tập trung tinh thần ta vào nơi đó, ta có thể tạo được một bụng dưới mạnh mẽ. Trong Hiệp Khí Đạo, ta gọi sự tập trung tinh thần đó là nhận khí xuống, hay là tập trung khí vào điểm duy nhất nơi bụng dưới. Đứng trên quan điểm của quy luật có liên quan đến cơ thể mà thôi, thì điểm đó là nơi mà trọng tâm của phần trên cơ thể phải tụ vào. Đứng trên quan điểm của quy luật tinh thần, thì đó cũng là nơi mà tinh thần phải được tập trung vào. Nó là một điểm chung cho cả tinh thần lẫn thể xác. Một khi bạn đã làm chủ được nó đúng cách, thì đó là lần đầu tiên bạn sẽ có thể hợp nhất thể xác và tinh thần bạn được rồi đó, và chừng nào bạn có thể luôn luôn duy trì cái điểm duy nhất đó, thì chừng ấy bạn sẽ có thể chuyển động với một tinh thần và thể xác hợp nhất rồi vậy.
Cái điểm duy nhất nơi bụng dưới sự thực là cái điểm then chốt trong việc hợp nhất thể xác và tinh thần.
Bạn luôn luôn nhớ phải làm toàn thân thoải mái để làm chủ được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nếu bạn lên gân cánh tay thì tinh thần bạn sẽ rời bỏ cái điểm duy nhất để chạy lên cánh tay.
Nếu lên gân chân, cũng vậy. Như chúng tôi đã nói, thoải mái bao giờ cũng mạnh. Cứ duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đã nói, và để toàn thân bạn nghỉ ngơi. Khả năng thoải mái và cái điểm duy nhất nơi bụng dưới bao giờ cũng đi song song với nhau.
Tôi sẽ xin giải thích lý do tại sao trong một phần sau, nhưng bây giờ tôi muốn quí bạn hiểu rằng khi nào nhắc đến « câu điểm duy nhất nơi bụng dưới », là bạn phải thả lỏng mọi giây thần kinh, mọi thớ thịt trên cơ thể bạn ngay tức khắc.
Lúc mới đầu, chắc bạn không có một ý niệm rõ ràng về cái điểm duy nhất đó ở chỗ nào trên phần dưới bụng. Thỉnh thoảng tôi có nhận được thư của bạn đọc muốn biết xem cái điểm đó ở bên trong da bụng hay ở bên ngoài da bụng, hoặc có người lại gửi cho tôi những hình vẽ thân thể con người và yêu cầu tôi ghi bằng mực đỏ cho biết đâu là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nghĩ như vậy chẳng đi đến đâu cả.
Nếu bạn biểu diễn một vài thí nghiệm dưới đây luôn và đúng đường, thì bạn sẽ có thể biết được khi nào luôn cái khí của bạn được dồn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đã nói. Bạn sẽ thấy rõ ràng đó là cái điểm duy nhất và cái điểm đó như thế nào lúc khí được dồn vào đó.
Tuy phải cần hai người mới có thể trình diễn được một chuyển động trong những thí nghiệm dưới đây, nhưng không ai nên trình diễn với mục đích để tự phụ là mình đã có chuyển động hay không. Phải luôn luôn nhớ rằng cái mục đích duy nhất của những thí nghiệm này là giúp ta chế phục được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Sự bất cẩn và sự hay vạch lỗi của đối thủ mình ra để đùa cợt không tốt đẹp và vô ích bởi lẽ nếu đối thủ bạn chưa trưởng thành trong Hiệp Khí Đạo, thì bạn sẽ làm cho người ấy mất thăng bằng tinh thần ngay tức thì. Và nếu như vậy thì hắn sẽ mất đi ngay sự tập trung tinh thần ở điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, và cuộc thí nghiệm sẽ tức khắc trở nên vô hiệu quả. Dù sao, thì ta làm những thí nghiệm đó để học cách chế ngự cái điểm duy nhất. Nếu tinh thần ta ngay lúc đầu đã bị khích động, thì ta sẽ chẳng bao giờ thành công được.
Tất cả những thí nghiệm dưới đây phải được diễn ra trong những trường hợp giống nhau để chúng cho ta biết xem cái điểm duy nhất có được duy trì hay không. Điều này lúc mới đầu có thể biết được khi một người từ từ lấy sức mạnh vào cánh tay và ấn vai đối thủ mình xuống. Trong cả hai trường hợp, đối thủ đã lên gân toàn thể cơ thể hắn, và hắn đã dồn khí vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.
Lúc đó họ sẽ biết rằng chính đó là cái điều kiện phải được cảm thấy khi ta hiểu được thế nào là điểm duy nhất đã nói. Rồi dần dần họ sẽ tấn tới, và phải hết sức để ý đặng giúp nhau trong việc tìm cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.
THÍ DỤ 1
Đẩy lui vai trái.
A đứng thẳng, chân trái bước về phía trước nửa bước, B lên gân cánh tay mặt và dùng sức đẩy vai trái của A bằng những đầu ngón tay (hình 11a).
1. Nếu A lên gân ở vai hoặc ở toàn thân mình, thì B có thể bẻ gẩy cái thế đứng của A dễ dàng và đẩy lui được nửa trên thân thể hắn. B vẫn sẽ có thể đẩy hắn được cho dù A lấy toàn lực vào chỗ hõm ở bụng. Dùng sức lực thể xác ở bụng dưới là một lỗi lớn.
2. Nếu A duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì B không dễ gì mà đẩy lui hắn nổi. Muốn duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, bạn phải để cho toàn thân được thoải mái, và nghĩ với tất cả ý lực rằng trọng tâm của bạn là ở cái điểm duy nhất đó, và mặc kệ mọi nơi khác. Nếu B bất thình lình dùng toàn lực, thì A phải bước lui chân trải một bước về phía sau trong khi vẫn chăm chú đến cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Lúc đó thì sức mạnh của B sẽ tất nhiên bị hụt. A sẽ không nhận được một chút nào sức mạnh đó của B (hình 11b), nhưng B có thể sẽ lao về đằng trước và không thể quay mình lại kịp.
Cánh tay không thể bẻ gẫy nổi.
Chúng tôi đã giải thích thí nghiệm này ở hình 5, nhưng lần này A chỉ việc giơ thẳng bàn tay trái mình về phía trước mà không cần tập trung sức mạnh tinh thần mình cho nó phóng đi ngàn dặm vào không gian. Nếu A duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì B cố gắng đến mấy cũng không thể bẻ gập cánh tay A vào được. Nói cách khác, nếu bạn duy trì được cái điểm duy nhất đó, cho dù bạn không nghĩ rằng sức mạnh tinh thần bạn đang phóng ra ngoài, thì khí sẽ cũng phóng ra từ toàn cơ thể bạn. Nếu đối thủ bạn bẻ gập được cánh tay bạn, thì đó là khí đã thôi không phóng ra nữa và bạn đã không duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.
Trong đời sống hằng ngày, không phải lúc nào ta cũng nghĩ được rằng sức mạnh của ta đang phóng đi ngàn dặm từ tay ta hoặc từ chân ta. Hơn nữa, cũng chẳng cần luôn luôn nghĩ như vậy, bởi lẽ nếu ta duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì lúc nào ta cũng ở trong một điều kiện mà khí được phóng đi từ toàn thân ta. Hơn nữa, nếu khí mà không phóng ra từ thân thể ta, thì mặc sức ta cố gắng thế nào đi chăng nữa, ta cũng sẽ không thế nào duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đặng. Tuy chữ dùng khác nhau, nhưng phóng khí ra và duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới chỉ là một. Cái khả năng để cho thân thể ta được thoải mái, sự duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và sự phóng khí ra ngoài: tất cả chỉ là một việc.
Đối thủ đẩy bạn ra phía sau nơi cổ tay.
A đứng trong cùng một thế như trên, giơ tay ra phía trước và cổ tay cong xuống. Dùng một bàn tay, B thử đẩy bàn tay A ngược lên theo hướng vai A (hình 12).
Nếu A cầm cự thật lực, thì B sẽ hoặc đẩy hắn lùi được ra phía sau, hoặc bẻ gập được cánh tay hắn nơi khuỷu tay. Nếu A lên gân cánh tay mình, thì B lại càng đẩy được hắn dễ hơn. Bởi lẽ bạn đang đứng, cho nên tuy là đối thủ bạn đẩy vai bạn, hắn vẫn không tài nào bẻ gẫy thế đứng của bạn được ; nếu bạn giơ cánh tay trái ra phía trước trong cái thế « cánh tay không bẻ gẫy » được đó, bạn sẽ đứng vững vàng đến nỗi đối thủ bạn không thể lay chuyển bạn nổi.
Tuy nhiên nên bạn cầm cự kịch liệt, khi bạn bắt đầu giơ cánh tay lên thì cái ý tưởng « giơ lên » đó vào trong óc bạn, và trọng tâm của cánh tay đổi chỗ lên phía trên. Vô tình, bạn đã lên gân cánh tay bạn, là bạn bỗng mất đi sự tập trung tinh thần vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Hơn nữa, khi bạn uốn cong cánh tay lên, thì bạn rút khí vào. Những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo rất nhiều khi đòi hỏi ta phải phóng khí ra và làm cong cổ tay ta. Vai có bắp thịt ; sự chuyển động của cánh tay phải không được ảnh hưởng gì đến cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nếu bạn giữ vững được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, và giơ tay lên tự nhiên, thì trọng tâm cánh tay phải được ở vào phần dưới cánh tay, và khí phải được phóng ra đều đặn và luôn luôn.
Khi làm cổ tay cong xuống, nếu bạn không kéo khí vào, mà chỉ giương mu bàn tay ra để cho khí phóng ra, thì đối thủ sẽ không thể đẩy lui bạn được.
THÍ DỤ 4
Đứng một chân.
A đứng trong cái thế ở hình 12, cánh tay trái giơ ra đằng trước và chân trái co lên (hình 13).
B dùng sức đẩy bàn tay trái của A ngược lên hướng vai. Người nào cố hết sức cầm cự, thì sẽ té chúi ra phía sau ; có người chỉ vừa co chân lên đã đứng không vững rồi và té ngửa ra phía sau, mặc dù không có ai đẩy họ hết.
Nếu bạn để ý quá vào việc co chân lên, thì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới sẽ đổi chỗ lên phía trên, khí sẽ rời cánh tay bạn, và bạn sẽ mất thăng bằng. Cứ để mặc cho những bắp thịt phía dưới đùi làm cái việc co cẳng lên. Việc co cẳng lên đó phải không được gây một ảnh hưởng nào hết vào cái duy nhất nơi bụng dưới. Nếu bạn giữ vững cái điểm duy nhất đó, để cho khí phóng ra từ cánh tay bạn, và co cẳng lên, thì đối thủ bạn sẽ không thể đẩy bạn té lui ra đằng sau đặng. Nếu bạn có một mình, và nếu bạn cứ làm theo lời chúng tôi vừa nói, thì bạn sẽ có thể đứng một chân mà không run rẩy gì cả.
THÍ DỤ 5
Cả hay tay giơ lên trời.
A đứng hai chân cách xa nhau chừng nửa bước, hai tay giơ lên trời. B dùng tay đẩy nhẹ vào nơi giữa ngực A (hình 14).
Cũng vậy, nếu A cố sức cầm cự thì hắn sẽ rất dễ té lui về phía sau. Khi giơ tay mà cái điểm duy nhất nơi dưới bụng cũng đổi chỗ lên phía trên, thì A sẽ té ra đằng sau.
Giả thử có người dùng dao hoặc súng uy hiếp bạn, bắt bạn giơ tay khỏi đầu, thì bạn có thể né tránh được tầm súng và cướp ngay lấy vũ khi của kẻ uy hiếp đó nếu bạn giữ vững được điểm duy nhất nơi bụng dưới và đứng vào một thế vững vàng để có thể di chuyển hông bạn một cách dễ dàng khi bạn giơ hai tay lên khỏi đầu. Lẽ dĩ nhiên, cái nguy hiểm là ở chỗ bạn để cho cái điểm duy nhất đó rời lên phía trên và như thế bạn không thể di chuyển được hông bạn. Trong Hiệp Khí Đạo, lối xử dụng hông mình tối ư quan trọng ; nhưng để xử dụng nó cho tự do và mạnh mẽ, thì bạn phải giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Cho dù bạn muốn giơ tay lên, hạ tay xuống, hay đi một đường vòng tròn, thì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó phải luôn luôn ở vào thế thăng bằng và luôn luôn ở tại một chỗ.
Trong tất cả những thí nghiệm trên đây, nếu bạn không sửa soạn cho đúng đường, thì tuy rằng bạn có giữ vững được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, nếu bạn hơi chuyển động tay hay chân một chút, bạn cũng sẽ làm mất đi cái điểm ấy. Cũng như là khí ở trên đỉnh núi, tinh thần và thể xác bạn được hợp nhất rồi, và sau đó lại đánh mất đi sự hợp nhất đó khi bạn đi xuống núi và đi về làng. Lý do là không biết cách chuyển động cơ thể một cách đúng đường lối. Ta có thể chuyển động tay chân ta mà không làm mất đi cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nếu bạn tập luyện cẩn thận, bạn sẽ có thể ở trong một trạng thái hợp nhất tinh thần và thể xác bất cứ bạn đang làm gì.
THÍ DỤ 6
Cúi xuống.
Cho đến đây ta đã để cho A đứng thẳng người và duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, nhưng người ta cũng phải có thể cúi xuống hoặc ngửa ra đằng sau mà vẫn không làm biến mất cái điểm duy nhất đi.
A cúi xuống như là đang buộc dây giầy. B dùng sức đẩy hông A ra đằng trước (hình 15).
1. Nếu A lên gân vai và quên đi mất cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì B có thể đẩy B té chúi ra đằng trước.
2. Trái lại nếu A cúi xuống và vẫn giữ được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, không lên gân vai, thì nếu B đẩy hắn nhè nhẹ, hắn sẽ không lay chuyển được, và nếu B đẩy một cái mạnh, thì A cũng vẫn có thể đứng dậy và bước đi mà không hề bị té.
THÍ DỤ 7
Ngửa người ra đằng sau
A đứng, chân trái bước ra phía trước mặt bước, và ngửa người trước ra đằng sau. B đẩy vài trái A và dìm sức mạnh đẩy hắn té xuống (hình 16).
1. Nếu A lên gân vai, thì B có thể đẩy hắn xuống dễ dàng.
2. Tuy nhiên B sẽ không thể đẩy A xuống dễ dàng được nếu A để hài vai mình tự nhiên và giữ vững cái điểm đuy nhất nơi bụng dưới.
Trong cả hai thí dụ 6 và 7, đủ là cúi xuống hay ngửa ra sau, chừng nào A giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng đước, thì khí sẽ luân lưu trong cơ thể hắn và cho nó sức mạnh và sự dẻo dai của một cây tre non, nhưng nếu A lên gân vai, thì hắn sẽ làm biến mất cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và sức dẻo dai sẽ biến đi và khiến hắn trở thành như một cây tre gẫy.
THÍ DỤ 8
A dựa vào B.
B cúi gập người xuống ở nơi ngang bụng. A tỳ cả hai cánh tay lên lưng B và đè xuống (hình 17a).
Nếu đủ sức nặng của A đè lên lưng B, thì B sẽ té xụm xuống sàn. Nếu A cũng té xụm theo B, thì điều đó chứng tỏ rằng A đã làm mất đi cái điểm duy nhất nơi bụng dưới rồi vậy. Nếu A không làm mất đi cái điểm đó, thì cho dù hắn đè sức nặng mình lên lưng B và cho dù hai cánh tay hắn buông thõng xuống, trọng tâm của mình hắn sẽ ở vào cái điểm duy nhất, và hắn sẽ không té quỵ theo B hình 17b).
Nếu người nào đó đứng dựa người vào một bức tường và khi chẳng may bức tường đổ lại té theo bức tường, hoặc người nào đó đứng dựa vào thành cầu và khi chẳng may thành cầu đổ cũng lại té theo nó xuống sông, ấy là vì họ đã không duy trì được cái điểm đuy nhất nơi bụng dưới đó vậy. Cho dù bạn dựa vào bất cứ một vật gì, chớ bao giờ đặt hoàn toàn tin tưởng vào đó. Dựa dẫm vào các vật là một điều vô ý: bạn phải luôn luôn giữ vững được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới của bạn, nhất đó là một chỗ tự nhiên để cho sức nặng của phần trên thân thể dựa vào. Chỉ vì khi tinh thần chuyển động thì trọng tâm thân thể mới rời chỗ, mà ngay lúc đầu chúng tôi đã nói rằng bạn phải tập trung tinh thần bạn vào điểm đó và làm cho trọng tâm của bạn ở vào vị trí tự nhiên của nó.
Khi bạn đã tới được cái trạng thái này rồi thì bạn hãy nghĩ xem bạn cảm thấy ra sao . Nó phải là một điều kiện hoàn toàn tự nhiên và thoải mái.
Khi bạn hiểu được cái cảm giác đó, thì bạn có thể làm hãy nghĩ đến bất cứ cái gì bạn muốn trong điều kiện đó. Trái lại, khi nào bạn cảm thấy cái điều kiện đó bị đảo lộn, thì bạn phải tự nghĩ: « Đây là lúc ta phải duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới », và rồi bạn quay trở về với cái trạng thái đúng đường đó.
Khi bạn giận dữ, hoặc khi bạn giật mình, ấy là bạn đã làm mất cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.
Điều này thường xảy ra khi vai bạn nhức nhối hoặc khi bạn mệt mỏi. Trong tất cả những trường hợp đó, bạn hay cố duy trì lại cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.
Mới đầu, có thể bạn thấy rằng tuy bạn có thể duy trì được cái điểm duy nhất, nhưng bạn có thể lại làm mất nó ngay tức thời. Có thể cả ngày bạn chẳng nhớ đến nó một lần nào cả, nhưng nếu bạn chăm chỉ tập luyện, thì khoảng thời gian trong đó bạn có thể duy trì được cái điểm duy nhất sẽ tăng lên, và rồi bạn sẽ biết ngay cái phút mà bạn làm mất điểm đó đi. Khi có việc gì quan trọng sắp sửa đến với bạn và bạn bắt đầu hồi hộp, thì bạn sẽ rất có thể thất bại trong việc đó ; nhưng nếu trong cùng một dịp đó mà bạn ý thức được tính cách quan trọng của hoàn cảnh, và quyết định rằng đây là lúc để tập trung vào cái điểm duy nhất nới bụng dưới, thì bạn sẽ bình tĩnh được ngay. Rồi chẳng bao lâu bạn sẽ tới một lúc mà bạn có thể duy trì cái điểm duy nhất đó mà chính bạn cũng chẳng để tâm tới nữa.
Một ông lão bảy mười tuổi ở HẠ-UY-DI cũng tập Hiệp Khí Đạo, và thường luyện cái điểm duy nhất nới bụng dưới trong lúc ông ta đang lái xe hơi.
Lẽ dĩ nhiên nếu chỉ nghĩ tới việc đó trong khi đang đi xa thì không tốt mấy. Ông cụ này vô tình đã tập trung khí ở cái điểm duy nhất vừa đúng lúc thấy một tai nạn sắp sửa xảy ra. Lúc đó ông ta đang lái xe trên một con đường núi thì bỗng nhiên có một chiếc xe vận tải hiện ra ở một khúc quẹo. Trời đang mưa, chiếc xe của ông lão trượt bánh, và hai xe đâm thẳng đầu vào nhau.
Mũi xe của ông cụ bị nát tan tành. Trong những trường hợp tương tự thì tay lái thường đâm thẳng vào ngực người lái xe, nhưng cụ già lái không bị thương một mảy may nào hết. Lúc xem lại thì cụ mới biết là tay lái xe đã bị bẻ cong hẵn lại. Hóa ra trong lúc hai xe húc vào nhau đó, thì chính cụ già đã tự tay mình bẻ cong tay lái mà không biết tại sao hoặc thế nào.
Lẽ dĩ nhiên, bởi vì ông cụ đang duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và cái khí mãnh liệt đã phóng ra từ cơ thể cụ, và hai cánh tay cụ đã trở nên cứng như hai thanh sắt. Cái sức mạnh của hai chiếc xe đâm nhau hướng về phía cơ thể cụ đó đã bị gạt sang qua tay lái xe. Về sau cụ già nói rằng cụ đã có dịp thí nghiệm cái sức mạnh của khí trong một giây phút cực kỳ nguy hiểm.
Sức mạnh của khí lúc mà thể xác và tinh thần đã họp nhất với nhau thì quả là phi thường! Bạn có thể phát lộ cái sức mạnh này ra bất cứ lúc nào nếu bạn luôn luôn duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới bạn.
THÍ DỤ 9
Bài tập chèo đò.
A đứng một chân trái lên phía trước, hai cổ tay cong xuống, hai tay ở ngang tầm thắt lưng. Khi một người ra lệnh thứ nhất, A giơ hai tay ra đằng trước, cổ tay vẫn cong xuống và ngón tay mở ra. Đồng thời A ưỡn ngực ra đằng trước, đầu gối chân trái uốn khuỵu xuống và chân sau hơi duỗi ra (hình 18a).
Khi nghe một lệnh thứ hai, A nắm hai tay lại giống như khi nắm lấy một vật gì và đồng thời kéo ngực vào và kéo hai tay vào ngang tầm thắt lưng (hình 18b), đầu gối chân phải hơi cong lại và chân trái hơi duỗi ra.
Bài tập này, gọi là bài « chèo đò », phải được lặp đi lặp lại nhiều lần theo lệnh đều đặn.
Khi A ở trong vị trí theo hình18a, B dùng sức đẩy cả hai cánh tay A về phía vai. B có thể dùng sức đẩy hai đầu gối, hay lưng, hay đầu A từ phía sau. Nếu nửa người trên A cong về đằng trước, hoặc nếu A lên gân hai cánh tay, hắn sẽ làm mất cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và sẽ run rẩy nếu bị đẩy như thế.
Nếu A giữ nửa người trên trong vị trí theo đường thẳng chấm chấm trong hình18a, và duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì mặc sức B muốn đẩy thế nào thì đẩy, A sẽ khòng hề lay chuyển. Khi A ở trong vị trí ở hình 18b cũng thế, hắn phải giữ nửa người trên của hắn theo đường chấm chấm, và phải duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Trong trường hợp này, cho dù B muốn dùng sức nâng A lên nơi tay, A cũng sẽ không hề lay chuyển bởi lẽ cái trọng tâm của nửa người trên hắn ở phía dưới. Bài tập này (ưỡn ngực ra, kéo ngực vào, giơ hai tay lên, kéo hai tay vào), là một lối luyện tập rất tốt để giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới trong khi những bộ phận khác trên cơ thể đang chuyển động. B phải dùng những thí nghiệm thích hợp để thử cái thế thăng bằng của A trong suốt bài tập. Nếu A giữ vững được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì B sẽ không tài nào lay chuyển hắn nổi.
Khi bạn giơ tay ra như thế, khí sẽ phải phóng ra từ hai tay, nếu không bạn sẽ làm mất đi cái điểm duy nhất và sẽ bị chập choạng khi bị đẩy. Đây không phải là một bài tập về cánh tay. Đó là một bài tập về điểm duy nhất nơi bụng dưới và để phóng khí ra ngoài. Qua bài tập đó, bạn có thể tăng cường hai bên hông bạn.
Bạn không bao giờ được lên gân hai cẳng, và phải luôn luôn cử động thật tự nhiên. Tuy có nhiều người, cố gắng làm cho đúng cách chỉ dẫn, thường hay lên gân hài chân, nhưng sự thực điều đó lại làm cho họ yếu đi. Bạn nên hết sức cẩn thận về điểm này.
THÍ DỤ 10
Bị đẩy từ đằng sau.
A bước chân trái ra đằng trước một nửa bước và đúng theo cái thế ở hình 18a. B dùng sức đẩy hông A ra khỏi thế đứng đó. Nếu A lên gân hai cẳng (hình 19a), thì B sẽ đẩy nổi.
2. Trái lại, nếu A đứng tự nhiên, hai chân thoải mái và giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì B sẽ không tài nào đẩy A nổi (hình 19b).
Cho nên, bạn thấy rằng lên gân tay hoặc lên gân chân bạn sẽ uổng giờ vô ích vậy.
THÍ DỤ 11
Quay hai cánh tay.
A bước chân trái ra đằng trước nửa bước, để hai cánh tay xuôi xuống hai bên mình, và nắm tay lại chặt.
1. Nghe tiếng ra lệnh thứ nhất, A xoè tay ra và vung cánh tay lên ngang tầm mắt (hình 20a).
2. Nghe tiếng ra lệnh thứ hai, A chặt mạnh hai bàn tay xuống như là chặt xuống một vật gì. Rồi hắn nắm hai tay lại và kéo hai cánh tay xuống sườn (hình 20b).
Cũng như trong bài tập trước, B phải thử cái thế thăng bằng của A bằng những thí nghiệm thích hợp. A phải luôn luôn giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho nửa mình trên thật thẳng. Tuy rằng thoạt đầu ai cũng tưởng rằng nếu ta lên gân cánh tay ta, ta sẽ chặt xuống mạnh hơn, nhưng sự thực trái hẳn lại. Nếu ta lên gân, đối thủ ta lại dễ dàng đẩy ta đi. Luôn luôn giữ trọng tâm của nửa mình trên của bạn ở vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và giữ cho nửa mình trên thực thẳng. Giữ thẳng như thế, và lấy nơi khớp vai làm điểm tựa, và chiều dài cánh tay làm đường bán kính, bạn hãy quay hai kéo dài thêm chiều dài đường bán kính trong khi đang cử động, thì bạn sẽ không lập thành được một vòng tròn. Bởi lẽ khí luôn luôn phóng ra từ các đầu ngón tay bạn, cho nên bạn hãy với hai cánh tay ra thực dài, càng dài được đến đâu càng tốt, và như thế bạn sẽ tạo ra được một lực ly tâm rất mạnh.
Sự quay cánh tay đó tự nhiên đến nỗi thoạt đầu bạn sẽ tưởng rằng nó không thể phát sinh ra được nhiều sức lực đến như thế, nhưng sự thực như vậy. Bởi lẽ bạn không lên gân hai cánh tay bạn, cho nên trọng tâm của chúng bao giờ cũng ở nơi thấp. Khi bạn hạ hai cánh tay xuống thấp, cái phạt xuống sẽ rất vô cùng mạnh mẽ, giống như thí nghiệm đã dẫn trong hình 10b. Hơn nữa, bởi lẽ cánh tay bạn luôn luôn không thể bẻ cong được khi chúng duỗi ra, cho nên không một sức nào có thể đẩy nó cong lại được.
Tuy sự quay cánh tay này hết sức là thoải mái, nhưng nó cũng rất khó làm cho đúng. Phương pháp sau đây có thể giúp bạn một phần nào.
1. Đứng tự nhiên, và giữ cho nửa mình trên thực thẳng.
2. Xoè bàn tay trái ra, để cánh tay cho tự nhiên, và hết sức thoải mái. Hết sức nhẹ nhàng và tự nhiên, bạn quay cánh tay bạn ra đằng trước và ra đằng sau, và vai không được cử động.
3. Dần dần bạn tăng cái biên độ (amplitude) của vòng cung do cánh tay bạn lập thành cho đến khi nào các ngón tay bạn lên tới ngang tầm mắt.
Bởi lẽ bạn không được cử động hai vai trong lúc hạ cánh tay xuống, cho nên bạn phải ngừng tay ngang hông, và đừng vung tay xa hơn ra đằng sau.
4. Khi bạn cảm thấy rằng cánh tay trái bạn đang chuyển động theo lực ly tâm, thì bạn quay nó cùng với cánh tay mặt.
5. Giữ nửa người trên cho thực thẳng, và quay cả hai cánh tay và hông bạn đồng thời với nhau ra phía trước và ra phía sau.
Phương pháp trên đây sẽ giúp bạn quay tay được dễ dàng. Chuyển động này là một chuyển động rất quan trọng trong Hiệp Khí Đạo, và vì thế bạn phải tập luyện nó thật đúng lối và thường xuyên.
Khi quay cánh tay như thế thì khí luôn luôn phóng ra từ hai cánh tay bạn.
THÍ DỤ 12
Đổi hướng.
A bước theo bước 1 và 2 như trong thí dụ 11, và rồi bất thình lình quay lẹ ra phía sau bằng cách quay tròn hông sang tay mặt, hai chân vẫn ở vị trí cũ.
Tiếp theo, A đợi ra lệnh (hình 21c). Khi có lệnh ba, A làm như trong thí dụ 11 (hình 21d), và khi có lệnh bốn, bỏ hai tay xuống và quay lẹ sang bên trái trở về vị trí như trong hình 21b. Khi quay hông, A phải luôn luôn nắm hai tay lại ở nơi hông. Thí dụ này chẳng qua là thí dụ 11, giữ hai chân ở nguyên một vị trí, đổi hướng, và quay hai cánh tay ra phía trước và phía sau trong một hướng mới như hệt trong thí dụ 11.
Theo lệnh 1, 2, 3, 4, A phải nhắc đi nhắc lại bài tập này nhiều lần. Khi ra lệnh, B phải dùng sức đẩy hông A ra đằng trước theo vị trí trong các hình 21a, và 21d. Thường thường mấy lần đầu A sẽ đừng vững trong hình 21a, nhưng sau khi đổi vị trí vài lần, hắn có thể sẽ bị chập chững trong hình 21d.
Như thế bởi vì ở hình 21a, A đang ở vị trí đầu tiên, hắn đang giữ được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và tất cả khí của hắn đang phóng ra đằng trước. Sau khi đổi hướng, tất cả khí của hắn không phóng ra trong cái hướng mới nữa: một phần nó vẫn còn đang phóng ra theo cái hướng lúc đầu bài tập. Điều này có nghĩa là khí đã thôi không phóng ra từ tay A nữa, hắn đã làm mất đi cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và khi B đẩy ở hông hắn, thì hắn không thể đứng vững đặng nữa. Tất cả những sự vừa nói sẽ không xảy ra được, nếu A làm cho khí mình phóng ra đang trước, sau khi đổi hướng cũng như trước khi đổi hướng. Như chúng tôi đã nói trước đây, phóng khí ra và duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới là hai điều không bao giờ có thể tách rời nhau được. Nếu bạn không làm cho khí phóng được ra phía mà bạn đang hướng tới, thì bạn sẽ làm đảo lộn cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.
Bài tập này có mục đích phát triển khả năng đổi hướng tinh thần, cũng như giúp cho sự duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Ta không được để tinh thần ta lười biếng. Ta phải huấn luyện thế nào để luôn luôn có thể bắt tinh thần ta hướng tới bất cứ phía nào mà ta muốn.
Ta hãy cho sức mạnh tinh thần ta một trị số là 10. Khi ta đối diện A, ta dùng hết mọi sức mạnh tinh thần của ta, nghĩa là 10 ; nhưng khi ta quay về hướng B, nếu một nửa tinh thần ta vẫn ở lại với A, thì sức mạnh tinh thần ta tất phải giảm xuống 5.
Nếu ta tiếp tục quay về hướng C và D, thì sức mạnh tinh thần ta sẽ giảm xuống số 0. Trong cái thế giới bận rộn ngày nay, hình như ta luôn luôn phải đối diện với nhiều sự việc khi sức mạnh tinh thần ta chỉ có trị số là 0. Tập cách thay đổi hướng tinh thần để có thể chuyển toàn thể tinh thần ta từ hướng này sang hướng khác bất thình lình, thì ta sẽ luôn luôn có một sức mạnh tinh thần ở trị số 10 để đối diện với bất cứ gì xảy đến cho ta. Bất cứ ta bận rộn đến đâu, ta có thể tự huấn luyện để phút chốc có thể làm được tất cả mọi việc từ việc nọ sang việc kia.
Chỉ lúc đó ta mới có thể tới một trình độ mà ta có thể phát lộ mọi sức mạnh của ta cho tới tuyệt đích.
Tuy hướng tinh thần bạn về những gì bạn thích thì dễ dàng hơn, và rất khó mà hướng nó về những việc nhỏ mọn mà bạn không thích, nhưng nếu bạn tập luyện với cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì bạn sẽ có thể hướng toàn thể tinh thần bạn tới được ngay cả những gì bạn không thích.
Bạn phải lặp đi lặp lại những bài tập về cái điểm duy nhất nơi bụng dưới nhiều lần khi nào bạn đã có đủ lòng tự tín. Khi bạn hợp nhất tinh thần và thể xác bạn được, và có thể phát lộ ra sức mạnh nội tại của bạn được rồi, thì bạn sẽ có thể vững tâm chèo lái trên những đại dương nhiều sóng dữ.
Vũ trụ là một vòng tròn vô hạn với một đường kính vô biên. Vũ trụ to lại biến thành một cá nhân ; cá nhân tụ lại biến thành cái điểm duy nhất nơi bụng dưới: điểm đó tụ lại thành một cá nhân, hoặc là vũ trụ. Hãy hợp nhất với khí luôn luôn phóng đi từ vũ trụ, và hãy tụ nó lại ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Hãy học cách xử dụng những lực ly tâm và hướng tâm từ cơ thể của bạn để thu hút khí vào và rồi lại phóng tỏa nó ra ngoài vũ trụ. Làm như thế được, là bạn có thể làm được những kỹ thuật trong Hiệp Khí Đạo.