Trong phòng khách lúc nầy chỉ có tôi và Mẫn, chị Phượng đi chợ từ sớm. Thằng Kim thì vác vélo đi dự một cuộc hội thảo của sinh viên. Chỉ còn mình tôi ở nhà. Mẫn đến lúc tôi đang thêu một cái áo gối cho anh Phan. Bây giờ Mẫn ngồi đối diện với tôi. Chị vú vừa đem lên hai ly nước quít vắt. Thứ quít đỏ, bóng vàng, lấp lánh quanh mấy cục nước đá, trông thật ngon lành. Mẫn ngồi, đặt tay lên đùi, mắt ngây thơ đến độ tôi không ngờ đó là một người lính, một người lính đã cầm súng, đã căm thù, phẫn uất. Mẫn vẫn mặt một bộ đồ hải quân trắng, chạy ở cổ những viền xanh. Dáng điệu Mẫn hết sức ngượng ngùng. Hình ảnh một anh lính thủy say rượu, khóc lóc đêm nào thật xa lạ với Mẫn. Mẫn nhìn tôi, thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười. Chúng tôi hỏi thăm nhau vớ vẫn, tôi cố tránh nhắc lại chuyện gặp Mẫn say rượu. Nhưng trong câu chuyện Mẫn vẫn nhắc, rồi ngượng ngập, Mẫn nói: - Chắc chị cười tôi lắm. Tôi hỏi: - Trông Mẫn chắc không lớn hơn tôi đâu phải không? - Tôi mười chín, còn chị? - Tôi cũng vậy. Mẫn lại cười, hàm răng trắng bóng: - Con trai mà bằng tuổi con gái tức là thua rồi đó. Tôi cũng đùa: - Như vậy, Mẫn là em tôi nghe. - Thì tôi vẫn gọi chị là chị từ nãy giờ mà. Qua câu chuyện, tôi biết Mẫn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với chị. Chị Duyên làm ở một sở tư. Chưa có chồng, người tình là Thường. Mẫn vào hải quân năm 18. Mẫn nói: Em là lính tình nguyện mà. Tôi hỏi lý do nào khiến Mẫn vào lính, thì Mẫn nói vì buồn, nhưng sau nầy mới thấy việc đi lính của mình là cần thiết. Mẫn tâm sự với tôi Mẫn chưa có người yêu. Dạo trước có một cô hàng xóm thì cô ta chê Mẫn còn trẻ quá. Mẫn đi lính tưởng khi về cô ta sẽ thấy mình lớn, nhưng khi học xong, về nhà thì cô hàng xóm đã lấy chồng. Mẫn cũng đau khổ một thời gian, làm thơ đăng báo một dạo, nhưng tuổi trẻ dễ quên, bây giờ Mẫn chỉ mê có biển. Mẫn ngỏ ý muốn được mời tôi đi uống nước và tạ ơn bằng một chầu ciné. Tôi từ chối thì Mẫn nói: Chắc chị sợ anh ấy trông thấy hiểu lầm phải không? Để tôi giới thiệu chị với tụi bạn của tôi, lâu lâu chị cho chúng tôi tới thăm chị nghe. Tôi gật đầu. Mẫn bưng ly nước quýt vắt uống cạn. Ly tôi còn nguyên, tôi xẻ bớt cho Mẫn và nhìn Mẫn trìu mến. Thật vậy, Mẫn rất thành thật và hiểu biết. Tôi hỏi về trại lính của Mẫn. Mẫn kể lại những đêm theo bạn bè đi uống nước say về ôm nhau khóc, khi nghe một người bạn mất đi buồn lắm. Tôi hỏi Mẫn có hay đi đánh trận không. Mẫn nói có đi thường. Mẫn theo đạo Thiên Chúa, rất tin ở Đức Mẹ. Lúc nào Mẫn cũng đeo một sợi dây chuyền mang Thánh giá nhỏ. Mẫn nói của bà mẹ để lại. Trước khi bà chết, dặn chị Duyên đeo luôn vào cổ cho Mẫn lúc ấy Mẫn có 4 tuổi. Mẫn hỏi tôi theo đạo gì. Tôi nói đạo Phật. Mẫn nói: Hôm nào tôi theo chị đi chùa, rồi chị đi nhà thờ với tôi nghe. Tôi nói tôi không biết đọc kinh. Mẫn nói Mẫn cũng không biết lạy. Nói chuyện với Mẫn thật tức cười. Mẫn nói nhiều chuyện lắm, toàn là chuyện lính. Tôi nghĩ có me tôi ở nhà chắc bà sẽ ngồi nghe thích thú lắm. Me tôi cứ nghe ai kể chuyện lính tráng, me tôi lại hình dung ra cuộc sống của anh Phan và tưởng tượng rồi nhớ. Nhiều người bạn của ba tôi tới nói chuyện, kể về con họ thời kỳ tập dượt: Me tôi ngẩn ngơ. Ừ, thằng Phan con tôi cũng thế. Thỉnh thoảng me tôi lại nói về anh Phan với chúng tôi và hỏi những câu mà chị em tôi không biết trả lời sao. Chẳng hạn như: Hôm nay mưa, chẳng hiểu thằng Phan có mang áo mưa đi không? Hoặc: Không biết nó có đem theo kim chỉ để kết khuy nút? Hay: anh Phan chúng mầy có mập bằng cậu Lương con ông Hải không? Anh Phan mầy ăn ít nhất cũng tới bốn bát cơm, tập dượt mệt lắm. Thư nào của anh Phan về, me tôi cũng hỏi: Nó hỏi thăm mẹ bao nhiêu dòng? Nó có hỏi me gầy béo không? Vì thư tới là chúng tôi tranh nhau đọc trước để mặc me tôi đứng lóng ngóng mà sốt ruột. Tôi nói với Mẫn: Hôm nào Mẫn tới nói chuyện cho me tôi nghe, me tôi thích nghe chuyện lính lắm. Tôi cũng có người anh sĩ quan. Mẫn e ngại: Bà gặp tôi chắc không ưa đâu. - Không, me tôi dễ tính lắm. Bây giờ me tôi gặp ai mang quân phục cũng nhìn ra anh Phan tôi hết. Mẫn nghe tôi nói câu đó có vẻ buồn, chắc Mẫn đang nghĩ tới cảnh mồ côi của mình. Tôi nói lơ chuyện khác. Mẫn nói chuyện không dứt, hơn một tiếng đồng hồ sau mới về. Mẫn đi rồi, tôi trở lên gác ngồi viết thư cho anh Phan. Tôi nói cả nhà mong anh lắm, nhất là me, me hoảng quá rồi. Tôi viết ngắn, bởi ngoài sự nhớ mong và tin tức gia đình ra, tôi chẳng còn gì để nói với anh nữa. Tôi dán phong bì xong thì me tôi và chị Phượng về. Thấy hai cái ly còn bầy trên bàn me tôi hỏi: - Hoàng tới hả? Tôi trả lời: - Không, người lính hải quân mà con kể với me đó. Me tôi à một tiếng rồi nhắc: - Con gặp Hoàng nhớ nhắc lại ăn cơm nghe, buổi chiều đó. Tôi mới sực nhớ ra mấy hôm nay vì nhiều chuyện quá, tôi cũng quên không báo tin bữa chả giò của me tôi đãi cho anh Hoàng biết. Tôi xin phép đi ngay bây giờ, tôi nói đi rồi còn bỏ thư cho anh Phan. Me tôi nói: Không biết ngày mai nó có về không. Bà nói xong mắt đỏ hoe. Chị Phượng nói: me thật là kỳ có vậy cũng khóc. Me tôi đưa tay quệt ngang. Chị Phượng cúi xuống giỏ đồ lấy một bọc nhỏ để lên bàn, tôi hỏi cái gì, chị đáp: Mua cho anh Phan, hai túi thuốc lá Lucky. Nhân tiện, tôi đem cất vào tủ và lấy xe vélo ra cổng. Me tôi còn dặn với: Nhớ nói với nó, mai tới ăn nghe. Tôi ghé qua Xuyến nói chuyện một lát trước khi tới Hoàng. Xuyến sụt sùi kể cho tôi nghe về việc bặt tin người yêu. Anh ấy đóng ở Pleiku. Và Xuyến hỏi thăm về Hoàng. Mầy sướng quá. Hoàng của mầy chưa phải đi. Tôi nói cũng sắp. Xuyến hỏi: Mầy không buồn à? Tôi cười. Buồn hay không cũng vậy. Xuyến hỏi tôi đã ôn hết bài cho năm học tới chưa. Tôi trả lời ầm ừ, thật ra mấy hôm nay tôi đã chểnh mảng quá. Hoàng ngạc nhiên và trách tôi hoài: Em đã bớt ham học rồi đó. Gắng cho đậu năm nay, để còn tính chuyện chúng mình nữa chứ. Tôi nép vào vai Hoàng, cầm chặt tay Hoàng mà không trả lời được. Xuyến hỏi tôi đã coi hết tập Thiên long bát bộ 4 chưa, cho Xuyến mượn. Tôi bảo chưa. Mấy hôm nay tôi chưa cầm lại nó. Xuyến rót nước mời tôi, kéo tôi lên phòng chỉ cho tôi coi món quà của người yêu gửi về tháng trước. Một cây thánh giá đan bằng tre thật nhỏ. Xuyến phàn nàn đáng lẽ anh ấy phải giữ cái nầy để cầu may, anh ấy là người công giáo. Tôi kể chuyện Mẫn cho Xuyến nghe. Xuyến ngạc nhiên và chịu quá: Mầy thật liều, đôi lúc như điên. Tôi nghĩ tôi không điên một chút nào hết và tôi cũng không thể điên lúc nầy. Tôi mĩm cười với Xuyến: Nhảm quá, thôi tao đi. Tôi lên xe, tới nhà Hoàng. Hoàng đi vắng, me Hoàng nói: Nó đi hỏi vụ đi Thủ Đức. Nó hỏng rồi con ạ. Người ta vừa đọc tên nó trên đài phát thanh.Tôi lặng người đi một lát. Mẹ Hoàng nói: Con vào trong nầy với bác một tí. Tô đi theo bà vào trong phòng khách, vào phòng ngủ, bà đưa cho tôi xem một tấm ảnh đã chụp với hai đứa con trai, anh Nguyên và Hoàng. Anh Nguyên bây giờ đang ở Bắc, cũng có thể đã vào Nam. Bà nghẹn ngào: Bác không tin dị đoan, nhưng chụp ảnh chung ba người xấu lắm. Tôi biết mẹ Hoàng đang nghĩ gì và nước mắt cũng muốn chảy. Tôi vội vàng nói: - Thôi xin pháp bác cháu về. Nhờ bác nhắn hộ anh Hoàng ngày mai, buổi chiều sang con ăn cơm. Ba me con dặn con sang mời anh ấy. Chiếc xe bỗng như nặng nề hơn, máy nó nổ hết sức uể oải. Chụp ảnh ba người xui lắm, tôi, chị Phượng và anh Phan cũng có chụp chung một tấm. Đừng nghĩ tầm bậy. Quyên. Anh Phan sẽ về. Và Hoàng nữa, chàng đang nghĩ gì, đang vui buồn những gì. Tôi mong gặp Hoàng, để tôi nhìn chàng và tôi sẽ hiểu, chắc chắn vậy. Một hồi còi bỗng vang lên đâu đó. Tôi lính quýnh phanh xe cho sát vào lề đường, hai thanh sắt chặn môt khúc đường rầy đã buông xuống. Mãi nghĩ vơ vẩn suýt nữa tôi đâm sầm vào. Tiếng còi xe lửa tới thật mau rồi một con tàu ầm ầm chạy qua. Tôi nhìn lên những toa tàu chật những người lính trẻ. Chà cô nhỏ xinh quá. Lên đây đi với anh em. Tuýt với anh em ơi. Rồi Hoàng cũng như họ, cũng như thế đó. Tôi nhìn theo mãi những khuôn mặt đó và nước mắt bỗng chảy ra dàn dụa... Khi tôi trở về, thì ba tôi đà ngồi ở sa lông và cắm cúi đọc báo. Tôi định lên gác thì ba tôi gọi lại: - Quyên, con đi đâu về đó? - Dạ con tới nhà anh Hoàng mời anh ấy mai sang ăn cơm. Chỉ nói được tới đó, tôi lại nghẹn ngào. Ba tôi hỏi: - Quyên, có chuyện gì vậy? Tôi cố thu hết can đảm để không khóc: - Đài phát thanh họ đã kêu anh ấy nhập ngũ. Ba tôi cười, nhưng tôi thấy nụ cười đầy nhẫn nhịn: - À vậy hả? Thì có gì đâu mà buồn nào. Tôi nghĩ tới anh Phan, tới anh Nghĩa, tới Mẫn, tới những người lính đã ngồi trên một toa tàu, và hổ thẹn. Tôi thật ích kỷ. Anh Hoàng, Quyên ích kỷ quá. Tôi nhìn ba tôi và thấy vẫn nghèn nghẹn ở trong cổ họng. Me tôi đi tới đứng đằng sau ba tôi: - Liệu ngày mai Chúa nhật thằng Phan có về? Ba tôi nhìn me tôi, ánh mắt chia sẻ thương mến. Ông nói, giọng cố hết sức vui vẻ: - Cái bữa tiệc chả giò của bà phải không? Bà cứ làm ngon đi, cha con tôi sẽ "hâm mộ" hết. Me tôi xuống bếp, tôi bỏ lên gác. Còn lại ba tôi ngồi một mình, tôi có cảm tưởng ba tôi đang cúi xuống trang báo mà không đọc một dòng nào hết. Thằng Kim đã chực sẵn trên gác, thấy tôi nó cười hì hì: - Chị đây rồi. Cho em tiền, chiều đi xem đá banh đi. Giọng nói nó đã vỡ hẳn và đang lớn dần đây. Tôi nghĩ nó sẽ kế tiếp Hoàng lên đường, và sau đó... Tôi mở cái ví lấy ra tờ hai chục. Kim chê ít quá nhưng cũng cầm. Để chốc nữa em xin chị Phượng, chị hết tiền rồi phải không. Các chị đừng mách mẹ em bị mắng nghe. Tôi nhớ tới khuôn mặt Mẫn, không lớn hơn thằng Kim bao nhiêu mà đã biết cầm súng. Quyên tuổi trẻ. Tuổi trẻ của máu me. Tuổi trẻ của bom đạn. Tuổi trẻ của tan nát. Ô hay. Tôi có đáng lãng mạng quá không nhỉ.