Ngày chủ nhật, Hoàng đến với gia đình tôi để ăn một buổi cơm thường, có món giả cầy me tôi nấu. Ba tôi ăn rất nhiều và nói rằng thức ăn me tôi làm càng ngày càng ngon. Hoàng nói: Con tưởng hôm nay sẽ được ăn món chả giò. Me tôi nói: Món đó me chờ Phan và Nghĩa về mới nấu. Me đã nói để dành là để dành. Me tôi xưng me với Hoàng làm tôi muốn khóc. Lúc đó Hoàng nhìn tôi, tôi cúi mặt xuống. Tôi cũng thoáng thấy mặt Hoàng âm u hẳn lại. Hoàng đã nhận lệnh gọi đi Thủ Đức. Và thời gian còn lại là thời gian riêng của chúng tôi. Ngoài thời gian Hoàng đi lo giấy tờ, ăn ngủ, chúng tôi không rời nhau nửa bước. Một đôi khi Kim bắt Hoàng chở nó đi một vài nơi, rủ Hoàng dự một cuộc hội thảo sinh viên, Hoàng cũng đưa tôi theo. Kim cho thế là không được. Nó nói ra thế nhưng chúng tôi không giận. Đến hồi Kim biết yêu, nó sẽ nhớ lại và buồn cười nó. Ba me tôi và ba me Hoàng lại gặp nhau thường hơn. Chắc về cuộc hôn nhân của tôi và Hoàng. Các cụ muốn trước khi đi Thủ Đức, chúng tôi làm đám cưới. Nhưng chúng tôi, cả tôi cả Hoàng đều không muốn, chưa muốn thế? Kéo dài tình nhân hoài cũng không được. Nhưng lấy nhau giữa lúc nầy chả hơn gì? Ba me tôi và ba me Hoàng cũng tùy ở chúng tôi. Trong lúc nầy, trong hoàn cảnh nầy, không ai nỡ nói với chúng tôi một câu nào ép buộc. Tôi mua cho Hoàng một bộ kiếm hiệp. Hoàng hỏi tôi rằng tặng chàng thứ đó với ý nghĩ gì? Tôi nói với Hoàng để anh giết những thời giờ phiền nhất. Hoàng nói thì giờ buồn phiền nhất là của tôi, tôi cần phải giết hết thì giờ phiền muộn. Tôi hứa với Hoàng là tôi sẽ bỏ hết thì giờ vào việc học hành. Tôi nói thế nhưng không mấy tin tưởng ở lời hứa của mình. Tôi rủ Hoàng đến thăm bà mẹ già và cô em gái của Phụng, người bạn của anh Nghĩa. Đúng như tôi đoán mẹ của Phụng rất già, tuổi trên năm mươi nhưng khắc khổ và đầy phiền muộn. Sự xuất hiện của chúng tôi ban đầu đã làm cho bà cụ và Thu ngạc nhiên, nhưng sau đó khi hiểu ra, chính bà cụ lại vui mừng rơi lệ: Thằng Phụng, bà cụ nói, nó đi biền biệt ít khi về lắm. Mỗi kỳ lương nó đều gửi về để nuôi tôi và em nó. Mẹ con tôi sống thui thủi buồn lắm cô cậu ạ. Bà kể một hồi về đứa con trai rồi lại nói về quê hương. - Tôi muốn chết mà chưa chết được. Tôi đợi thằng Phụng đưa tôi về Bắc cái đã. Hòa bình đã sắp tới chưa cô cậu. Hoàng và tôi không biết trả lời sao, bà cụ lại thở than rằng đánh nhau hăng để kết thúc đó. - Tôi tưởng vào đây mẹ con sống yên, ai ngờ nó phải đi lính đánh giặc. Rồi họ vào đây mình biết chạy đâu. Lý luận của cụ già khiến tôi vừa xót xa vừa tức cười. Hoàng nói chuyện với bà cụ, còn tôi lân la trò chuyện với Thu. Thu năm nay mười sáu tuổi, dáng gầy, buồn bã. Nhưng Thu có đôi mắt thật long lanh, tôi đoán Thu thông minh lắm. Nói chuyện với Thu, tôi hiểu tâm trạng Thu và thương Thu như chính em gái mình. Ngày chủ nhật rồi cũng qua, rồi ngày thứ hai cũng qua nốt. Nhưng ngày tháng còn lại nhắc nhở luôn luôn sự xa cách. Sáng thứ ba, Hoàng phải đi lo giấy tờ một mình. Tôi ngồi ở nhà với chị Phượng. Hai chị em đọc lại một bài một bài thuộc lòng cũ từ thời lớp tư, tả cảnh chiều quê thanh bình. Trong bài có nói tới mái tranh, khói chiều, con đường làng với những trẻ chăn trâu. Cảnh đó làm gì còn trên quê hương chúng tôi lúc nầy nữa.. Chị Phượng đem rổ may ra. Tôi thấy chị ấy ngồi thêu những chiếc khăn tay. Tôi nghĩ tới công việc đó do tôi làm. Ừ, sao tôi không ngồi thêu cho Hoàng những chiếc khăn tay như chị Phượng thêu cho anh Nghĩa. Nhưng tôi buồn nản và lười biếng lắm. Chị Phượng thấy tôi nhìn thì chị cười nói là chị định thêu cho Hoàng đó, có hơn hai tá khăn thêu cho anh Phan và anh Nghĩa vẫn còn nguyên chưa gửi ra mặt trận được. Tôi cảm động nhìn chị ngồi thêu, dáng cắm cúi chịu đựng. Tôi thắc măc hoài không hiểu hai chị em tôi có điểm nào hợp nhau không? Nhưng dù có không giống nhau về tâm tính, tôi vẫn thương mến chị Phượng mãi mãi. Tôi nghĩ là sau nầy tôi có chồng có con, tôi vẫn thương chị Phượng như thế. Chị Phượng thật chu đáo, còn tôi, tôi không nghĩ mua gì cho Hoàng sao? Chắc tôi thua chị Phượng về công việc làm vợ hiền mất rồi. Ý nghĩ đó làm tôi muốn ra phố chọn quà cho Hoàng, tôi thật vô vị, chỉ biết mua thôi. Tôi nói với chị Phượng rồi thay áo đi lên phố. Khi đi qua dãy hàng Tax, tôi mới phân vân không biết nên mua cho Hoàng thứ gì? Một chiếc cà vạt? Một bộ khuy áo? Một áo mưa? Đúng rồi, áo mưa của Hoàng đã bỏ quên trong một hiệu kem chiều hôm trước. Tôi quyết định đi chọn cho Hoàng một cái áo mưa. Và trong khi đi quanh các gian hàng, tôi đã gặp Đông đang đi ngược chiều trở lại. Đông trông thấy tôi thì tươi cười, rồi chào tôi theo ‘’kiểu nhà binh” - Xin trình diện Quyên. Tôi đứng dừng lại nói: - Chào anh Đông. Đông hỏi sao tôi lại đi có một mình. Ý Đông muốn hỏi Hoàng. Tôi trả lời Hoàng bận đi lo giấy tờ. Đông nói: - Giấy tờ để vào Thủ Đức phải không. Tôi đáp phải và nói thêm gia đình tôi, kể cả con và rể đều đi lính hết. Đông nói: - Phải để cho hắn đi chứ. Trai thời loạn mà. Đi lính mới lớn ra được. Tôi cười: - Bộ anh bảo không đi lính là trẻ con ah? - Chứ sao, Quyên coi tôi nè. Trước đây tôi có lớn như giờ đâu? - Anh phải đệm đế giầy cho cao hơn tí nữa kia. Đông cười, xoay xoay cái mũ trên tay rồi hỏi tôi đi đâu. Tôi nói đi mua áo mưa cho Hoàng. Đông nói thật là người đẹp ngây ngô, mua áo mưa để vào quân trường là một chuyện khôi hài không tưởng được. Đông cho tôi biết vào đó người ta phát đủ hết, từ giầy mũ, quần áo. Tôi hỏi Đông nên mua gì cho Hoàng. Đông bày tôi mua một hộp kim chỉ, dao cạo râu, khăn tay chẳng hạn. Những thứ Đông kể tôi không bao giờ nghĩ tới. Nhưng Đông nói đàn ông, nhất là đàn ông chưa vợ, cần những thứ đó lắm. Câu chuyện vui dần. Đông đi với tôi qua các cửa hàng. Và khi tôi cùng Đông từ trong một cửa tiệm tạp hóa bước ra tôi gặp Mẫn. Mẫn nhìn tôi rồi Đông ngơ ngác. Tôi vui vẻ giới thiệu Đông với Mẫn. Tôi mời Đông với Mẫn đi uống nước nhưng Mẫn từ chối: - Chị cho khi khác, tôi còn hẹn với mấy người bạn đứng kia. Tôi nhìn theo tay Mẫn, một nhóm ba bốn thanh niên trạc tuổi Mẫn, đang đứng nhìn về phía chúng tôi. Tôi nói lớn: - Hôm nào Mẫn dẫn các bạn đến nhà chị chơi nhé. Không hiểu sao tôi bỗng nhiên xưng chị với Mẫn và nói xong tiếng đó tôi ngượng chín người. Còn Mẫn hình như không nghe thấy tiếng tôi nói với. Đông hỏi tôi quen với Mẫn như thế nào. Tôi kể trường hợp gặp Mẫn cho Đông nghe. Đông chịu tôi là gan cùng mình. Tôi nói lúc đó tôi không kịp suy nghĩ, nhưng nếu có suy nghĩ tôi cũng làm thế. Đông đùa: - Mấy chàng Hải quân lãng mạn lắm nghe, hiền cũng như biển mà dữ dội cũng như biển. Tôi nói: - Còn Đông thì sao? Đông bảo chứng cớ Đông sợ đàn bà, sợ đến nỗi chừng ấy tuổi chưa dám lấy vợ. Giọng Đông hết sức đùa cợt: Nhiều lúc tôi cũng muốn được một cô để yêu thành thật, nhưng con gái bây giờ ghét lính lắm. Tôi nói nghĩ như vậy là sai, bởi anh Phan tôi cũng lính, anh Nghĩa của chị Phượng cũng lính và Hoàng cũng sắp làm lính nữa. Tôi nói không suy nghĩ: Ai rồi cũng lính hết. Tôi yêu lính lắm. Đông nói: Hoàng hắn không ghen sao? Tôi trả lời hết sức nghiêm trang: Không báo giờ anh ấy ghen như thế. Anh ấy cũng yêu lính như tôi. Câu chuyện lại vòng quanh. Đông nói về chiến tranh, về những người vợ trẻ, những đứa con mồ côi. Đông nói nhiều lắm và tôi nghe như chưa bao giờ nghe. Nhưng những điều nầy anh Phan anh Nghĩa và Hoàng cũng đã nói nhiều lần. Cả Kim nó cũng biết và nhắc tới. Tôi nghĩ tới Kim, tuổi nó mà phải biết nhiều quá, tôi thương nó tới bàng hoàng. Đông vẫn nói bên tai: - Cái chết đối với chúng tôi thường quá, như ăn, như ngủ. Đôi lúc tôi nhìn thằng bạn chết nằm bên cạnh. Tôi cầm tay hắn thấy lạnh ngắt và ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên thấy mình chưa chết hay chưa chịu chết. Câu nói của Đông làm tô nhớ tới lời nói của Xuyến: Anh ấy dạo nầy hết nói tới chuyện tình yêu. Thư anh ấy chỉ tả chuyện đánh nhau, chuyện bạn bè. Chắc khi anh ấy viết thư, một tay vẫn còn cầm súng. Mọi chuyện đã tới lúc buồn bã, tôi cắn môi mà không còn cảm giác nào hết. Hoàng rồi cũng sẽ biết cho tôi như thế? Sẽ mở đầu bằng: “Em yêu, ở đây là mặt trận, ở đây là rừng lá và đồng sình… anh bắn hết sáu băng đạn” hoặc “em yêu, một viên đạn ghim vào cánh tay của anh… vào đầu anh… vào tim anh …” Quyên, Quyên nghĩ gì mà hoảng hốt vậy? Tôi giật mình, chắc dáng điệu tôi lúc đó đang buồn cười lắm: Không, tôi đang… Chắc tại tôi nói chuyện ghê quá làm Quyên sợ phải không? Không phải vậy đâu. Đông cười: Ă, thì ra Quyên nhớ Hoàng. Thật ai được Quyên yêu người đó hạnh phúc nhất đời. Tôi chua chát nghĩ thầm là tôi đâu có thể đem lại hạnh phúc cho Hoàng. Chính chúng tôi dù muốn đêm lại hạnh phúc cho nhau cũng không được nữa. Hoàng sẽ phải đi. Đêm còn nghe tiếng đại bác, ngày còn chém giết, còn dội bom. Không, tôi dù cố gắng cũng chỉ đến thế, và biết tới phiên ai mới là kẻ hy sinh cuối cùng? Anh Phan, anh Nghĩa, Hoàng hay con cái tôi, cháu chắt tôi? Tôi nhìn đồng hồ, đã mười một giờ. Tôi mời Đông về nhà gặp ba me tôi. Nhưng Đông nói: Thôi xin Quyên. Đông bỏ lửng câu nói. Thấy tôi băn khoăn, Đông đưa ngón tay làm bộ lảy cò, cười: Tôi bây giờ chỉ có lảy cò súng làm vui. Vắng nghe tiếng súng thấy nhớ hơn nhớ người yêu. Thôi Quyên về nhé. Thỉnh thoảng tôi sẽ biên thư thăm hai người. Đông gọi xe cho tôi, khi đóng cửa xe Đông nói: Sáng mai tô về đơn vị sớm, chắc không gặp Hoàng được. Nói với Hoàng sẽ gặp nhau ngoài mặt trận. Xe chạy rồi, Đông còn nhìn theo, vẫy vẫy cười. Nụ cười Đông thật dễ dàng và khi cười hai mắt Đông tít lại, đôi mắt lá răm của Đông làm tôi nghĩ tới khuôn mặt của một người đàn bà như chị Vạn chẳng hạn có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt cười tít và đôi môi ăn trầu cắn chỉ. Chắc đó là hình ảnh thân yêu nhất của Đông, và người ta nói rằng người đàn bà có mắt lá răm lao đao về chuyện tình lắm. Về tới nhà, tôi thấy chị Phượng vẫn còn lúi cúi ngồi bên rổ may.