Nói là nhờ đảng, nhờ nhà nước nuôi giùm chứ tháng nào gia đình tôi không phải gửi tiền tiếp tế. Tù mà không được tiếp tế cứ gọi là đói vều mỏ ra cho coi. Cách đây vài năm tôi từ Sài Gòn ra trại tù Thanh Xuân thăm chị, tôi được ông anh họ chở đi bằng xe gắn máy, qua bao đường phố chính đến vùng ngoại ô xa xôi, từ những tòa nhà cao ngất ngưởng đến những dãy phố cũ xì, lụp xụp, nghèo nàn.Anh họ tôi dừng xe trước một quán nước dọc hai bên đường dẫn vào trại giam.Người chủ quán là một chị phụ nữ khá duyên dáng khoảng ngoài 30 tuổi, tươi cười mời tụi tôi uống nước. Chị hất hàm hỏi anh tôi muốn thăm đợt đầu hay đợt sau, chị nhìn đồng hồ rồi nói:- Đợt đầu chỉ còn chừng hai mươi phút nữa là đến giờ, muốn nhanh thì đưa sổ liền để chị còn đi nộp.Anh tôi quay hỏi tôi thích gặp chị Năm đợt đầu hay đợt sau. Dĩ nhiên là tôi muốn gặp ngay đợt đầu và luôn cả đợt sau. Anh tôi móc cuốn sổ thăm nuôi, kẹp vài chục ngàn đồng đưa cho chị chủ quán. Ở Hà Nội việc thăm nuôi tù nhân dễ hơn trong Nam nhiều, chỉ cần có tiền thì muốn gặp lúc nào cũng được. Mua một cuốn sổ, thòi "chứng minh nhân dân" ra, chịu khó chờ đợi thì sẽ được gặp. Không giống như trong Nam phải có giấy xác nhận của công an phường nơi mình cư ngụ mới được vào cổng trại tù.Sau khi nhận sổ, chị ta đội nón và te te đi ra ngoài, hướng về phía trại giam. Chỉ khoảng mười phút, chị ta trở lại, đưa ngón tay cái lên ra hiệu xong rồi! Tôi ngồi nhìn ra phía ngoài đường, trời nắng chang chang. Mấy quán bên cạnh, các bà, các ông cũng đang ngồi chờ đợi tới giờ vào thăm thân nhân của họ, mấy bà ngả nón ra quạt phành phạch, nét mặt mệt mỏi, lo âu.Còn khoảng ít phút nữa, chị chủ quán thúc dục tụi tôi đi vào đó trước để dành chỗ ngon lành hầu dễ nói chuyện với người nhà mình. Anh em tôi dắt nhau vào phòng chờ cách đó một quãng ngắn. Trong phòng chờ có cả căng tin bày bán đủ thứ để mình mua gửi vào trong cho người nhà, họ không cho mang thức ăn ở ngoài vào để bán được hàng, ngoại trừ quần áo, chăn mền. Đến giờ gặp mặt, một ông công an đọc to tên danh sách phạm nhân được dẫn ra đợt đầu, ai nghe tên thân nhân của mình thì phải dạ thật to rồi bước ra phía trước, nhận lại cuốn sổ và đi vào một cái cửa khác dẫn tới chỗ gặp mặt phạm nhân. Chị tôi cũng có trong danh sách đợt đầu, anh em tôi nhanh nhẹn tìm một chỗ tốt để nhìn cho rõ mặt.Khoảng vài phút sau, phạm nhân được công an dẫn ra, họ ào đi tìm người thân của mình, tiếng gọi nhau í ới. Chị tôi mặc bộ quần áo tù màu trắng sọc đen đã cũ mèn trông xộc xệch. Nhìn thấy tôi, chị lao lại miệng mếu máo, nước mắt lưng tròng, thò bàn tay lên trên lưới sắt để tôi có thể chạm được tay chị. Chỉ mới hơn năm bị tạm giam nơi đây mà chị tôi trông tàn tạ, mặt nám đen xì từng mảng thấy mà thương, khóc khóc, mếu mếu kể lể mọi điều, than thân, trách phận… Tôi đưa ngón tay trỏ lên ngang mặt và ra lệnh:- Nín! Không được khóc! Tự mình làm thì tự mình chịu chứ còn than thân trách phận gì nữa. Oan uổng lắm sao? Bảo mãi không nghe. Ở Sài Gòn ăn không ngồi rồi được tôi nuôi sướng gần chết, không chịu, hám tiền về cái xứ khỉ ho đó lao đầu vào con đường chết, còn khóc cái nỗi gì!Chị tôi im re, lau nước mắt không dám khóc nữa, bắt đầu qua bài ca con cá. Khi trở về lại quê nhà, tôi đã cảnh cáo chị, đừng có hám tiền làm chuyện dại dột lỡ bị bắt tụi tôi không có thời gian đi thăm nuôi, xa xôi lắm, ai mà ra tận ngoài Bắc thăm được. Chị tôi còn ngoan cố: "Mặc kệ tao, lỡ có bề gì tao tự vận chết để khỏi liên lụy đến ai…". Chị to họng vậy, chứ đến lúc bị bắt thì có dám đâu, miệng kêu gào oan uổng, nhưng tôi tin chuyện đó chị tôi làm thật. Mặc dù tôi tuyên bố từ bỏ chị, thế mà khi chị bị bắt tôi lại là người lo lắng nhất, đích thân bay từ Sài Gòn ra Hà Nội thăm viếng. Còn thì gửi tiền ra nhờ người thân thay mình tiếp tế cho chị từ mấy năm qua.Chị tôi lén công an đưa cho tôi hai bức thư viết sẵn nhờ chuyển vào cho anh chồng hờ bị bắt trước đó mấy tháng, còn dặn dò tôi:- Em thăm nuôi anh cho cho chị với nhé, gia đình anh nghèo lắm, khổ lắm…!Tôi bực mình gắt lên:- Thân mình lo chưa xong, còn lo cho người khác! Làm như tôi giầu có lắm ấy! Cấm lần sau không được nhắc đến tên đó nữa! Đàn ông mà hèn!Tôi không trực tiếp tham dự phiên tòa xử chị, nhưng anh và chị họ tôi có đến, kể lại rằng chị tôi không nhận tội nhưng anh chồng hờ hèn nhát đích thân chỉ vào mặt chị tôi đổi thừa là chủ mưu. Dù không bắt được quả tang, không bằng chứng thuyết phục nhưng tòa vẫn xử chị tôi 20 năm tù giam, còn anh chồng hờ ngồi gỡ 18 cuốn lịch. Vợ chồng với nhau còn cạn tầu ráo máng như vậy…thế mà còn dặn dò tôi phải đi thăm nuôi thì thật là…rõ khùng! Chị dặn tôi đủ thứ mua gửi vào cho chị, thức ăn, thuốc uống, quần áo, son phấn, giày dép…hằm bà lằng đủ thứ đủ loại. Nghe nhắc đến son phấn tôi bật cười hỏi lại:- Trong tù mà cũng còn điệu nữa! Làm đẹp cho ai ngó?- Thì cũng phải ăn diện chứ, còn có cả văn nghệ hát hò này nọ… không thôi sẽ chết dần chết mòn mất!Tôi nhìn xung quanh thấy mấy cô phạm nhân nữ khác cũng điệu ra trò, cũng mắt xanh, mỏ đỏ, chân mày vẽ cong tớn. Có cô tô cặp môi mầu đen xì theo kiểu mô-đen Hàn Quốc, làm tôi lắc đầu buồn cười.Thời gian thăm nuôi đã hết, tôi dúi tiền vào tay chị để hối lộ cho công an hòng xin thêm một xuất thứ hai, nhưng hôm đó gã công an dở chứng không nhận bắt phải đi vào hết. Chị em tôi đành ngậm ngùi chia tay nhau, tôi nói với chị tôi sẽ tới thăm chị nữa trước khi trở về Sài Gòn. Chị kêu tôi mua cơm trắng, một con gà luộc, rau xào và thêm thức ăn gửi vào cho chị liền để hôm nay được một bữa tươi sống. Tôi nghe theo lời chị mua đầy đủ những thứ chị dặn ký tên gửi vào tận phòng cho chị. Tôi và ông anh họ ra về.Tới nhà, tôi mang hai lá thư ra đọc, vừa đọc vừa bật cười vì cái tính lãng mạn của bà chị, với lời lẽ yêu đương nồng thắm, nhớ nhung vời vợi một kẻ ôm ấp gọi là chồng mà khi đứng trước tòa đành đoạn chỉ mặt đổi thừa vợ mình làm chủ mưu. Chuyện này chẳng có gì là lạ, thói đời là vậy! Tôi đã từng chứng kiến cảnh mấy mụ nhà giầu ở quê tôi đi chợ, bất cứ con cá hay miếng thịt nào tươi ngon mà họ lỡ tay làm rớt xuống đất, họ liền vứt bỏ, không thèm lấy nhưng vẫn thanh toán tiền bạc đầy đủ. Nhà xây cho to cho đẹp, lắp camera xung quanh đằng trước đằng sau… đến lúc công an ập vào nhà khám xét, cả mấy chục bánh heroin bị lôi ra, rồi thì vợ tố chồng, con tố cha, bên sui gái tố bên sui trai, thế là cả hai going họ lần lượt kéo nhau vào tù ráo trọi.Khi về đến Sài Gòn, tôi quẳng hai lá thư cho chị Tư tôi rồi bảo: Coi em gái chị viết thư này. Sau khi chị Tư đọc xong. Tôi liền nói:" Chắc tôi phải mang đăng báo Bức thư tình hay nhất trong năm" quá!" Chị Tư tôi cười rũ rượi và nhắc đến lá thư trước viết về địa chỉ nhà tôi ở Sài gòn có đoạn: " Chị, em và các cháu chưa được nếm mùi tù đầy nên không hiểu được đâu. Đúng như lời bác Hồ nói: Một ngày tù nghìn thu ở ngoài…" Má ơi…! Mới bị nhà nước nhốt có hơn năm mà sao chị tôi đã trở nên hâm hấp thế này không biết! Mỗi lần nhớ đến chị là tôi vừa tức, vừa thương, vừa buồn cười.Cháu gái tôi học bài đã xong, ra ngồi cạnh mẹ hóng hớt nói leo. Con bé này giống hệt bố nó ở cái tánh "Ăn tục, nói phét" thành thần. Nó kể chuyện tiếu lâm mà tụi tôi không sao nhịn được cười, cũng chỉ quanh quẩn mấy nhà hàng xóm. Hè vừa rồi cô bé được theo mẹ vào Sài Gòn thăm Dì và các em. Nhưng vì mẹ bị bệnh phải chờ chữa dứt nên cô bé về lại ngoài Bắc trước để chuẩn bị cho cuộc thi chuyển cấp. Bác hàng xóm vừa mới xây xong cái nhà rõ đẹp, mời hẳn thợ dưới Hà Nội lên thiết kế và xây dựng. Một hôm cháu tôi sang chơi ngắm căn nhà mới, nó sộc vào trong toilet xem xét coi thợ Hà Nội xây có đẹp bằng ở Sài Gòn không, nó hết hồn khi thấy trong bồn cầu chứa toàn phân mà không ai chịu dội, vội vàng đóng nắp bồn cầu lại chạy ra hỏi bác:- Bác ơi! Ai đi cầu ở trong đấy mà sao nhiều thế? Lại không chịu dội gớm quá!- Cả nhà chúng nó đi chứ ai vào đó! Chỉ tội cho "con già" phải hầu đổ bô cho chúng nó!- Bác nói gì cháu chẳng hiểu! Sao bác lại phải đi đổ bô!Nghe con bé hỏi, bác nhảy đong đỏng lên chửi mấy thằng thợ xây Hà Nội khốn nạn, chúng điêu ngoa dụ dỗ bác xây "cầu tiêu tự hoại"," tự hoại cái mả cha nhà chúng nó, cứ mấy ngày lại phải lấy xẻng xúc phân ra mang đào hố chôn!". Cháu gái tôi nghe vậy thì lăn ra cười, rồi nó chỉ dẫn cho bác biết cách dội cầu. Khi mọi việc ngã ngũ, bác cứ xoa đầu con bé khen giỏi rối rít: "Đấy! nhờ nó đi miền Nam ra, cái gì nó cũng biết hết! Con này giỏi thật!". Thì ra mấy ông thợ xây Hà nội khi bàn giao căn nhà mới cho chủ không chỉ dậy cách dội cầu, hoặc là có chỉ dẫn mà người nhà không để ý đến, vì quanh năm suốt tháng chẳng đi đâu, cứ quanh quẩn xó nhà nên chưa bao giờ được xử dụng "cầu tiêu tự hoại", Mới ra cơ sự này.Tôi nằm nghe nó kể chuyện mà phải ngồi bật dậy ôm bụng cười rũ rượi:- Mày có xạo không đấy! Làm gì mà đến giờ này (năm 2003) rồi còn không biết cách dội cầu!- Ơ…! Không! Thật mà, cháu nói thật đấy!- Ai mà tin mày cho được?Chị Hai nói thêm:- Thật chứ đùa cái gì! Từ đó đến giờ cứ toàn đi bậy không à, làm gì biết vụ "cầu tiêu tự hoại" để mà dội.Con bé lại kể qua chuyện khác nhưng tôi bảo nó đi ngủ để ngày mai còn đi học. Chị Thanh cũng đứng lên về nhà. Chị Hai tôi đóng cửa tắt đèn đi ngủ. Đêm yên tĩnh, thỉnh thoảng tiếng chó sủa từ xa vọng lại, tiếng côn trùng vẫn kêu rả rích.Tôi nằm đó, cố nhắm mắt dỗ giấc ngủ nhưng vẫn trằn trọc mãi không sao ngủ được. Giờ này tôi mới sực nhớ đến con mình, từ hôm ra Bắc đến nay tôi quên bẵng mất nó, cứ bảo gọi điện thoại về nhà cho con mà khi nhớ tới thì là lúc cu cậu ngủ mất tiêu rồi. Nhớ lúc trước mỗi lần có việc đi công tác xa nhà vài ngày, tôi thường phải đi lén con vì sợ nó khóc đòi theo, mỗi lần gọi điện về hỏi thăm chị tôi cứ bảo:" về lẹ lẹ lên, con mày nó hỏi mẹ một ngày mấy chục lần, ai mà chịu cho nổi!" Có bữa tôi trở về nhà, nhìn thấy tôi cu cậu đứng chống nạnh hách dịch bảo tôi: "Đi đâu mà bỏ con bỏ cái mấy ngày trời!", trông điệu bộ cứ y như ông cụ non làm tôi không nhịn cười được. Tôi là chúa lười học bây giờ đã có hậu bối, Không giống mẹ điểm gì chỉ giống tính lười học. Mỗi lần đến giờ học bài là cu cậu xụt xịt, mếu máo, tốn hết nửa hộp khăn giấy để lau nước mắt nước mũi, rồi cứ tí một lại xin phép đi vệ sinh…dậy cho con học mà tôi đâm ra quạu cọ, nổi điên lên chỉ muốn quất cho vài roi. Tôi biết mình nóng tánh "Bụt nhà không thiêng" nên mướn thầy cô về dạy riêng thêm cho cháu. Nhưng cũng chẳng thầy cô nào chịu nổi nó được vài tháng. Lần sửa nhà kỳ trước, tôi phải dọn qua nhà đứa em gái ở tạm một tháng. Bên phòng khách, má chồng em gái tôi cùng đứa con gái ngồi xem ti vi. Bên này tôi dạy con làm toán, một bài toán đơn giản mà giảng mãi nó không hiểu, bực quá tôi quát lên: "Con dốt như vậy mai này sao làm bác sĩ!" Cu cậu mếu máo trả lời: "Thấy máu sợ gần chết đi mà bắt người ta làm bác sĩ cái nỗi gì!" "con mà không chịu khó học bài, cứ lười biếng thế này mai mốt có nước đạp xích lô, hay mẹ cho con nghỉ học đi bán vé số nghen. Bán vé số thì khỏi học bài, chịu không cho nghỉ liền ngày mai…?". Bên phòng khách, má chồng em gái tôi cười khúc khích khi nghe tôi quát nạt thằng nhỏ hù cho nghỉ học đi bán vé số.Bị mẹ hù hoài cu cậu rất sợ học dốt, những câu la mắng của tôi hình như đã ám vào trong đầu óc non nớt của nó, để nhiều lúc chính nó gây ra khó sử cho chính tôi. Một lần dẫn con đi ăn nghêu, sò nướng ở đầu phố, bất thình lình nó hỏi tôi cô bán hàng này ngày xưa học có giỏi không mẹ. Tôi trả lời con là cô học giỏi, nó hỏi ngược lại học giỏi sao lại đi bán nghêu, sò…Làm tôi phải giải thích với con là tại gia đình cô nghèo không có tiền đi học tiếp nên phải lấy việc bán nghêu, sò làm kế sinh nhai. Tôi chỉ các em bé đi bán vé số dạo và nói: "Con thấy chưa! Mấy đứa đó cũng bằng tuổi con mà chúng nó phải vất vả lội ngược xuôi bán vế số kiếm tiền nuôi thân, có bữa còn bị cướp sạch tiền nữa, những hôm không bán được vé số sẽ bị nhịn đói. Con có sợ không?". Cu cậu gật gật đầu. "Vậy thì con phải cố gắng học nghen!". Cũng một lần khác, vào cửa hàng bán máy điện tử, trước mặt người chủ cửa hàng đó nó hỏi tôi: "Mẹ ơi mẹ! Chú này ngày xưa học dốt lắm hả mẹ?" Nó làm tôi quê gần chết vội chống chế: "Sao con lại nói như vậy?" "Vì chú không phải là kỹ sư, bác sĩ!" Tôi lại phải tốn thời gian giải thích thêm cho con hiểu.Cu cậu là con trai mà ăn quà vặt như mỏ khoét. Mỗi lần đón con tan trường, tôi thường đến trễ một chút vì giờ cao điểm không có chỗ chen chân, tới nơi, lần nào cũng thấy nó đứng chổng mông, khum người chìa bàn tay cầm tiền trước mặt người bán quà vặt trước cổng trường mà học sinh đang vây chung quanh chờ tới lượt, nhìn tụi nó, tôi không nhịn được cười. Có lần mê coi bói, tôi đã bỏ con đứng trước cổng trường chờ gần hai tiếng đồng hồ, khi sực nhớ tới con tôi vội quay xe chạy về trường đón, thấy nó đang úp mặt vào bờ tường khóc, tôi chỉ biết ôm con vào lòng xin lỗi rối rít.Biết được mẹ cưng, cu cậu đâm ra làm lừng. Nó dám tuyên bố với mấy người hàng xóm nó là tướng ở trong nhà. Khi mọi người hỏi bộ không sợ mẹ wánh đòn hay sao mà dám nói vậy. Nó trả lời: "Mẹ con đánh cái kiểu Cưng, nhằm nhò gì!" Một lần nó cứ đứng ở trên giường rồi nhẩy xuống đất quậy phá, tôi nói với con đừng nhẩy như vậy lỡ đụng nhằm cây quạt, đổ bể, mẹ đánh chết. Thế mà nó không nghe lời, cứ nhẩy bùm bùm làm cây quạt đổ, gẫy cánh thật. Tôi điên quá la hét rồi quất cho một trận quắn đít. Khi tôi ngồi nghỉ mệt, cu cậu mới bắt đầu mếu máo nói trong nước mắt: "Mẹ ác quá! Mẹ đánh con chảy máu luôn đi!". Đang bực tức mà tôi cũng phải bật cười: "Đánh cái kiểu cưng mà!". Chị tôi thì bảo: "Dạy con kiểu đó, làm sao mà nó sợ!"Tôi vẫn nhớ mãi lúc nó khoảng ba tuổi, nói chưa rành nhưng lại mê hát. Nhà hàng xóm bên cạnh có mở một phòng Karaoke kiếm thêm thu nhập, cu cậu lúc nào cũng thập thò ở bên đó, nhìn trắng trẻo sạch sẽ nên mấy người khách đến hát karaoke rất quí mến. Cu cậu thường được các cô các chú kéo luôn vào trong phòng hát chung cho vui. Một bữa đi làm về tôi được cô chủ nhà gọi sang mắng vốn: " Chị coi, khách kêu coca em vừa rót đầy cho khách, người ta mải mê lựa bài hát, thế là anh chàng thò miệng vào ống hút, hút một hơi cạn luôn cả ly cô ca..làm em cứ nghệt mặt chẳng nói được câu nào". Tôi phải nạt nộ cấm con không cho sang bên đó nữa. Thời đấy đang thịnh hành bản nhạc " Đàn bà" nên nó suốt ngày nghêu ngao: " Ôi đàn bà…ôi đàn bà ", bản nhạc " Trái tim mùa đông" có đoạn " suốt đời anh mãi mãi là người đến sau, nên đành ôm trọn một mối tình câm " thì nó đổi thành " suốt đời anh mãi mãi là người đến trước" đến trước chứ không chịu đến sau.…Buổi sáng hôm sau mấy chị em tôi quanh quẩn ở nhà lo sắp xếp hành lý chuẩn bị ngày mai về Hà nội, tưởng rằng lúc trở về sẽ không có gì để mang thế nhưng giỏ xách nào cũng đầy ắp hàng hóa mà chủ yếu là trà và các loại thuốc lấy từ cây rừng trị bệnh gan, thận, bổ máu…cả những thùng nước quả mơ ngâm đường dùng uống giải nhiệt.Đầu giờ chiều, tôi cùng em tôi xuống nhà anh Hùng chào từ biệt. Anh Hùng trước đây cũng có một thời sống trong miền Nam, bố anh là dân tập kết và nhận nơi này làm quê hương không trở lại quê nhà sau ngày "miền Nam giải phóng ". Trên anh Hùng còn có một anh trai năm nay gần 50 tuổi vừa mới cưới vợ. Hồi đó tụi tôi nghe anh kể chuyện đi miền Nam của anh mà cười nghiêng ngả. Anh đi xe đi xe vào tới Bình Định thấy người ta bầy bán vú sữa, mua liền cả chục nhưng lại không biết cách ăn cứ ngạm luôn vỏ, chát lè, mồm lẩm bẩm chửi: " vú với chả sữa, nghe thì hấp dẫn mà ăn có ngon lành gì đâu!". Anh ra chợ được mấy bà bán hàng mời mua trái măng cụt, nhìn chằm chằm rồi cười ngất, bấy lâu nay tưởng là trái măng cụt giống hình cây măng bị cụt ngọn không ngờ quả cũng tròn xoe, vậy mà gọi là măng cụt.Nhà anh Hùng ở khu bảo tàng cũ, ngôi nhà hai tầng khang trang đẹp mắt, tầng trệt dùng làm cửa hàng buôn bán quần áo đủ loại. Anh có cô vợ khá xinh, tôi không quen biết vì khi tôi rời quê hương chắc cô bé chỉ mới biết bò. Anh Hùng không già đi bao nhiêu nhưng có vẻ ốm hơn nhiều so với vài năm trước anh ghé Sài Gòn thăm tụi tôi. Anh rót trà mời tụi tôi uống và kể chuyện. Đầu anh lắc lắc thở dài thườn thượt…- Anh ngu quá..lao đầu vào cờ bạc, mất sạch…bị thằng Hiền nó luộc hết. Bây giờ phải làm lại từ đầu.- Ai bảo dại! Ông Hiền là dân cờ bạc bịp, anh chơi kiểu gì cũng chết.Anh lại chép miệng:- Thế mới nói!Anh hỏi tôi về cuộc sống bên Nhật, về chồng, con tôi và rồi như chợt nhớ ra điều gì đó anh vỗ tay cái bộp nói với tôi:- Cái Hân còn nhớ Thuận không? Anh chàng áo đỏ của em ngày xưa đó?Tôi cười không trả lời.- Cũng may em không phải là vợ nó đấy, chứ không thì đời em cũng khổ. Cái thằng thật chẳng ra gì…- Thôi anh đừng nhắc tới hắn nữa. Em nghe đầy lỗ tai rồi!- Chiều nay anh mời mấy đứa đi ăn cơm, xuống nông trường nhá?Tôi nghĩ tới đoạn đường từ đây xuống dưới nông trường mà ái ngại. Đường xá đang bơi móc ra sửa chữa, gập nghềnh, khấp khểnh, bụi bay mù mịt, ngồi trên xe còn sởn gai ốc thì ăn uống cái nỗi gì. Tôi từ chối khéo:- Em tới đây thăm anh và gia đình, rồi chào anh luôn vì tối nay em có hẹn trước với mấy đứa trong lớp. Anh đi ăn chung với con nhỏ này đi, nó rảnh đấy!- Để anh gọi điện cho Hợp rủ đi chung luôn. Khoảng 5 giờ chiều anh ghé đón nhé?- Dạ!Tụi tôi chia tay anh trở về nhà. Chị Tư tôi đang chuẩn bị hành lý đi nhờ xe anh bạn cũ về Hà Nội trước, mang theo cả thằng con. Tôi thấy khó chịu nhưng không có ý kiến, chị tôi lớn rồi tôi không muốn xía vào chuyện riêng tư của chị, chỉ nhắc khéo nhớ cho thằng bé uống thuốc chống say xe.Tôi đứng ở cửa nhìn theo chiếc xe vận tải cho đến khi nó biến mất sau khúc đường quẹo. Chị tôi và thằng nhỏ đi rồi, căn nhà như vắng hẳn đi. Chỉ ngày mai thôi khi tôi cùng em gái đi nốt thì căn nhà này còn buồn hơn nữa.Đúng 5 giờ chiều anh Hùng và anh Hợp có mặt ở nhà chị tôi. Anh Hợp là bạn cùng trang lứa với các anh chị tôi, hồi đó anh coi tôi chỉ là đứa con nít ranh. Anh trông già đi nhiều, cổ rụt lại, vai như gù thêm ra. Trong phố huyện của tôi, có lẽ anh là người thành đạt nhất, có của ăn của để. Nhưng tôi không biết rõ là anh có làm ăn lương thiện không, hay cũng chỉ là dân buôn lậu? Vùng này cứ nhà nào ngoi lên, xây nhà to cửa rộng, mua xe đẹp…thì chém chết cũng là dân buôn lậu ma túy. Tôi không dám khẳng định 100% nhưng ít ra thì cũng đến 90%. Từ ngày tôi về thăm quê cho đến nay chỉ khoảng hơn một năm trời nhưng đã có thêm vài chục mạng bị tóm cổ, trong đó có Hà bạn học của tôi và chị ruột nó. Ngay cả anh Hùng cũng đang bị truy nã, và còn nhiều người bỏ trốn không biết phiêu bạt nơi nào. Nghĩ tới là tôi cảm thấy ngao ngán.Mọi người đi được một lúc thì Bành chạy xe lên đón tôi xuống nhà. Nhà Bành vẫn ở khu bờ hồ, chỉ khác một chút là đã di chuyển ra gần đường hơn để mở cửa hàng buôn bán tạp hóa. Vợ Bành còn kiêm thêm nghề bán thịt heo. Tôi bước vào nhà thì thấy các bạn đã lố nhố ở trong đó. Đào đang bằm thịt vịt để làm tiết canh. Hồng và Hoa đang chiên chả giò. Nga, vợ của Bành đang lúi húi rót rượu vào chai. Thấy tôi bước vào nó ngẩng lên nhìn rồi cười thật tươi. Vừa lúc đó có tiếng con nít khóc ré lên, Nga vội đứng dậy chạy vào trong phòng dỗ cho con ngủ, tôi cũng bước vào theo. Vợ chồng Bành sanh được hai đứa con trai rất kháu khỉnh, trông cũng du côn du đảng y như bố. Tôi cứ tưởng tượng thằng nhỏ ngồi sau xe bố nó chở đi học, miệng phì phèo điếu thuốc lá như lời Hậu kể là tôi lại lắc đầu cười. Còn đứa bé gái này được vợ chồng Bành xin ở đâu đó về nuôi thêm.Tôi đến được một lúc thì Hậu cũng xuống tới, Con nhỏ này coi vậy mà chịu chơi ghê, chỗ nào cũng có mặt. Và tiếp theo là Chiến chạy xe tới. Các bạn có mặt đầy đủ, tụi tôi chải chiếu ra giữa nhà và dọn mâm lên. Bạn bè quây quần, cười nói râm ran. Chiến vẫn cứ bám theo ngồi cạnh tôi để khoe khoang về sự thành đạt của mình. Anh chàng cứ mở miệng ra là thao thao bất tuyệt về những dự án lớn của công ty nó, rồi thì sẽ mở một chi nhánh trên này cho bạn bè có công ăn việc làm…và trước khi về Hà Nội để lại ít tiền cho quĩ lớp…Tôi ngứa "mỏ" tính độp cho vài câu nhưng rồi lại thôi vì dù sao nó cũng có lòng gửi cho cô giáo cả triệu đồng tôi còn đang giữ ở trong túi. Tôi nói với nó:- Mày có điều kiện thì giúp bạn bè với, đừng giống như thằng Hưng, coi không đẹp chút nào cả.Tôi và Chiến không ai bảo ai cùng đưa mắt nhìn về phía Trung. Trung người ốm yếu khỏng kheo, một mắt chột, một chân đi cà sặt cà sẹo, trông thật tội nghiệp. Ấy vậy mà cũng bị thằng Hưng lừa cho một quả mất cả chì lẫn chài vì cái vụ xuất khẩu lao động sang Đài Loan, cả Bành, Đào và Hiển nghe đâu cũng dính chùm trong vụ đấy, mặt đứa nào đứa nấy cứ bạc cả ra. Bành còn kể cho tôi nghe em Hoài đang tấm tức khi bị thằng Hưng ăn chặn tiền mua chiếc xe chở khách. Tôi thì bật cười vì cả lũ bị thằng Hưng lừa gạt mà không đứa nào dám lên tiếng. Khi có mặt nó ở đây đứa nào cũng cứ cụp mặt xuống, chỉ dám xì xào với nhau, tôi hỏi có chuyện gì chúng nó đều lảng đi cả. Chiến có vẻ ghét Hưng ra mặt.- Thằng Hưng coi vậy mà bẩn tính nhỉ? Tính toán quá hói mẹ nó cả đầu rồi còn đâu.Bành đưa tay lên vuốt mái tóc mình, lên tiếng:- Em gái đừng nói thế, đụng chạm tới anh.Cả lũ chúng tôi nhìn nó rồi cùng phá lên cười. Tiếng cười rộ làm đứa bé đang ngủ giật mình khóc ré lên. Nga phải bỏ bát cơm chạy vào dỗ con. Bọn tôi vẫn tiếp tục bữa ăn. Hiền Póm gắp vào chén tôi miếng thịt gà luộc, tôi nhìn Hiền bỗng phì cười quay sang phía Hiển:- Hiển! Tao biết tiệm của mày ở kế nhà cái Hiền. Tối mày có mò sang nhà nó gõ cửa không đấy?Hiển mặt đỏ tía tai chối đay đảy:- Làm gì có, làm gì có.- Thôi! Đi tìm vợ ở đâu cho xa! Bạn bè giúp đỡ giùm nhau đi mà…Hiền cũng thêm vào:- Mình bảo nhiều lần rồi, lấy ai cũng vậy, lấy mình đi mình cảm ơn.Lại một tràng cười nữa phát ra như muốn vỡ tung căn nhà. Hiền coi vậy mà lận đận chuyện chồng con, đã hai đời chồng nhưng vẫn phải ôm con nuôi một mình. Hậu thì thào bên tai tôi chỉ Đào rồi cười khúc khích:- Hân, Mày nhớ bữa tối nọ mày chọc thằng Đào làm con rể tao không?Tôi nhìn Hậu lắng nghe.- Con nhỏ chị nằm trong phòng nhưng chưa ngủ,chị nghe lén những gì tụi mình nói, chị ức lắm vì bị ghép đôi với chú.Tôi cười vỗ vai Hậu rồi bảo:- Nói với nó là mấy cô, mấy chú giỡn, không thôi nó tưởng thật nó lại ghét thằng Đào đấy.Bữa cơm đã tàn, chúng tôi mỗi đứa một tay thu dọn chén bát cho gọn để lấy chỗ ngồi uống trà, tán gẫu. Chiến có tí rượu vào thì mặt đỏ bừng khua chân múa tay nói huyên thuyên đủ chuyện, cứ nhăm nhe móc bóp ra để lại tiền cho quĩ lớp. Thấy vậy tôi lên tiếng:- Ừ, mày để nhiều nhiều một tí, có đứa nào gặp khó khăn thì trích ra giúp cũng tốt.Nhưng chỉ nghe nó nói mà không thấy nó để lại tiền. Lúc này đã hơn chín giờ tối, tụi tôi chia tay nhau ai về nhà nấy. Hiển níu tôi xin số điện thoại bên Nhật, nói bảo khi nào lên cơn hâm nó sẽ gọi cho tôi. Tôi tưởng nó nói chơi ai ngờ nó gọi cho tôi thật. Một buổi tối tôi đang ngồi coi ti vi thì điện thoại reo, chồng tôi nhấc máy nghe rồi chuyển sang cho tôi. Đầu giây bên kia là tiếng của Hiển, tôi giật mình vội bảo nó cúp máy đi tôi sẽ gọi lại. Nhưng nó nói đang ở bưu điện với lại "tao gọi mày trả tiền có sao đâu " làm tôi bật cười. Nó nói vậy chứ Nhật Bản làm gì có collect call. Mấy đứa khác cũng nhao lên xin địa chỉ, số điện thoại của nhau. Chúng nó nói với tôi nhớ thỉnh thoảng liên lạc về đừng có mất tăm mất tích như hồi trước nứa nhé. Tôi hứa với các bạn sẽ liên lạc thường xuyên nhưng rồi tôi lại chẳng thực hiện, mà toàn là tụi nó gọi sang cho tôi. Tôi nghĩ mình thật tệ.Hồng chở tôi về nhà giúp. Chia tay nhau trước cửa, Hồng dúi vào tay tôi món quà nhỏ nói:- Giữ lấy làm kỷ niệm, đừng quên mình nhé!Tôi im lặng nắm chặt tay bạn không nói nên lời. Hồng thở dài:- Rốt cuộc rồi không đi thăm Hiền được. Chẳng biết…- Nếu có thời gian, Hồng nên thu xếp đi thăm nó một lần và cho Hân gởi lời hỏi thăm với nhé.Hồng gật đầu và quay xe ngược lại rồi chạy đi. Tôi nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất dạng rồi mới đi vào nhàTrong nhà cháu gái tôi vẫn còn đang học bài. Chị Hai thì ngồi trên ghế xa lông xem tivi. Em gái tôi cũng đã về và đang nằm co ro trên giường trùm mền kín mít. Nghe tiếng tôi, nó thò đầu ra nhắc:- Lo ngủ sớm đi chị ơi. Sáng mai 5 giờ xe đến đón rồi đấy!Tôi xem lại hành lý một lượt, coi có bỏ quên thứ gì không rồi ra ngoài rửa mặt để còn đi ngủ sớm. Chỉ còn nốt tối nay thôi, sáng mai chị em tôi đi rồi, không biết có còn dịp trở lại thăm quê nữa không, hay lần này ra đi là mãi mãi xa cách. Tôi nằm im, nhắm mắt lại, cố dỗ giấc ngủ, nhưng mãi cũng không ngủ được. Trời đã về khuya, mọi thứ đều tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng hơi thở đều đặn vang lên xung quanh và tiếng côn trùng kêu rả rích. Tôi bỗng nhớ Thùy quá, chẳng biết giờ này Thùy đã ngủ chưa? Và nó có thao thức nhớ tôi như tôi đang nghĩ về nó không. Ước gì thời gian quay ngược trở lại, tôi nhất định sẽ kéo nó vào Sài Gòn với tôi để cuộc đời của nó đỡ tang thương như vầy. Tôi không thể ngờ được một đứa con gái trước kia xinh đẹp như nó mà nay lại trở nên xấu xí đến tệ. Không thể hiểu nổi…?.Rồi tôi lại nhớ đến Hiền, nhớ ngày nào ba đứa tôi đi làm cỏ lúa cho nhà Hiền, Hiền dắt theo cả con bò cho đi ăn cỏ. Hồng cứ đòi leo lên lưng bò cưỡi, nhưng cô nàng lại mặc cái áo mầu đỏ, tôi còn nhớ cái áo mầu đỏ ấy có thêu một cái nấm ở trước ngực trái, và cũng vì cái áo này mà cô giáo chủ nhiệm đã gọi riêng Hồng nhắc nhở Hồng không nên mặc áo đó. Áo thêu gì kỳ cục, hết chỗ thêu rồi hay sao lại thêu ngay vào chỗ "ấy". Mỗi lần leo lên lưng bò là con bò lại lồng lên hất Hồng ngã xuống. Tôi bảo với Hồng đừng dại dột, bò rất ghét màu đỏ, không tin thì cứ thử đứng trước mặt nó, coi chừng nó húc lòi ruột. Hồng có vẻ không tin cứ sấn sổ đòi leo lên lưng nó nữa. Lần này bị nó hất văng ra xa, lồm cồm bò dậy nhưng không lết đi được, chân đã bị gẫy. Hiền cõng Hồng chạy phăng phăng qua cả những cái cầu khỉ nhỏ tí ra tận ngoài đường quốc lộ để xin nhờ xe đưa Hồng đi bệnh viện. Tôi lẽo đẽo ôm quần áo chạy theo sau, mệt muốn bở hơi tai. Tôi cũng không hiểu sao lúc ấy Hiền lại có sức mạnh đến như vậy. Hồng phải bó bột cái chân gẫy mất sáu tháng mới bình phục. Những ngày Hồng nằm nhà, tôi thường sang chơi và kể chuyện cho Hồng nghe, lâu lâu còn giúp Hồng thọc cây đũa ngoáy vào bên trong chỗ chân bị bó bột vì Hồng kêu ngứa quá chịu không nổi.Nhà tôi hồi đó cũng nuôi một con bò, thỉnh thoảng tôi có nhiệm vụ phải dẫn bò đi thả cho ăn cỏ. Trời nắng ấm thì không sao, chỉ việc dắt bò đến một bãi cỏ rộng, thả ở đó cho nó tự đi ăn rồi chui vào chỗ mát đọc truyện. Nhưng những ngày mưa thì việc chăn bò là cả một cực hình, chán không thể tưởng được. Vì con bò này mà mẹ tôi bị bố tôi lôi ra la mắng mất mấy tháng khi ông được về nghỉ phép, chẳng vì mẹ tôi đã bị bà Dì mang một ông tài xế quen xuống dụ bà bán sợi dây chuyền năm chỉ vàng hai bốn đeo ở cổ để mua bò về chăn nuôi thêm. Thế nhưng con bò mua hết năm chỉ và tốn hơn một năm chăm sóc mà khi bán ra chỉ đủ tiền mua lại có ba chỉ vàng. Mẹ tôi bỏ không kinh doanh bò nữa. Tôi đỡ phải tốn công đi giữ bò cho mẹ.Tôi lại nhớ đến những ngày còn đi học, nhớ sáng nào cũng bị mẹ réo gọi từ khi đài tiếng nói Việt nam phát oang oang trên cái loa cột trên cây đa cổ thụ ở phía sau nhà cho đến chương trình phát thanh quân đội nhân dân Việt nam thì tôi mới bật dậy, phóng ra ngoài trạn nước, rửa mặt đánh răng và vơ vội mấy cuốn tập trên bàn rồi cong đuôi chạy tới trường cho kịp giờ học, đôi khi vội quá tôi không kịp chải đầu, cứ thế túm tóc cột gọn bằng chiếc kẹp ba lá mua của mấy bà buôn từ Hà Nội lên đi đổi dép nhựa cũ. Ngày còn đi học, tôi được mệnh danh là con rùa của thế kỷ vì cái tội chuyên đi học trễ. Năm này qua năm nọ, thứ hai đầu tuần nào tôi cũng bị nêu danh trước cột cờ vì đi học muộn. Có lần tôi đứng thập thò phía dưới, bị thầy hiệu trưởng phát giác, thầy nhéo tai đưa lên tận hàng trên nêu tên làm gương cho các bạn khác. Thế nhưng chứng nào tật ấy tôi không bỏ được…Miên man nhớ tới chuyện cũ, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.Giật mình tỉnh giấc vì tiếng chuông đồng hồ báo thức. Chị em tôi lồm cồm bò dậy, xách thêm cái bình thủy nước nóng ra phía ngoài rửa mặt. Trời còn tờ mờ, gió thổi lạnh cắt da, rừng núi một mầu đen sậm. Tôi ngao ngán tiếc rẻ cái chỗ nằm ấm cúng hồi nãy, bụng thì rủa thầm cái bọn nhà xe sao lại chạy sớm thế. Đang ngủ ngon lành mà phải thức dậy thế này. Hơn 5 giờ sáng một tí, đã có tiếng Dì tôi léo nhéo ngoài cổng:- Hân ơi! Các cháu đi chưa?Tôi chạy ra mở cổng:- Lạnh thế này mà Dì lên đây làm gì cho cực?- Thì đưa tiễn chị em bay đi.Được một hồi, xe cũng lại đón. Tụi tôi xách hành lý chất lên xe rồi bịn rịn chia tay mọi người. Xe dừng lại trước khu cửa hàng ăn uống, nơi trước kia mẹ tôi công tác. Ở đấy một người đàn ông đưa một chị phụ nữ lên xe. Tôi nhận ra anh Thùy, hàng xóm cũ, vội lên tiếng chào:- Anh Thùy! Anh có khoẻ không?Anh Thùy khựng lại, nhìn tụi tôi rồi à lên:- Chị em cái Hân hả? Ra đây sao không lên nhà anh chơi.- Tụi em có tới nhưng hôm đó anh đi vắng.- Đây là chị Thanh, bạn học ở Nha Trang ra đấy. Chị em đi chung vui vẻ nhé. Khi nào có điều kiện ra đây chơi.Anh Thùy chia tay tụi tôi và xe lại đi chạy rước khách lòng vòng tới hơn sáu giờ mới chính thức hướng về Hà Nội. Vẫn theo đường cũ xe chạy bon bon, con dường này không phải là đường quốc lộ chính nên ít có làng mạc, chỉ thấy toàn là rừng núi. Lần này tôi không uống thuốc chống say vì chỉ còn có một viên tính để dành cho em tôi nhưng bên cạnh chỗ tôi ngồi có cô bé hành khách cứ ói liên tục làm tôi cũng chực ói theo, đành lôi ra uống nốt. Xe chạy chừng vài tiếng bỗng dừng lại ở chỗ đồng không mông quạnh, bác tài lên tiếng hối hành khách có nhu cầu gì thì nên xuống xe giải quyết cho lẹ. Tôi hiểu ý bác nên vọt xuống vội, tìm một khu vườn kín đáo giải quyết nỗi buồn muôn thủa. Dù sao thì nơi này còn sạch sẽ gấp bội hơn những căn nhà "vệ sinh thời mở cửa". Gần đến Hà Nội, xe dừng lại ở một quán gần cây xăng. Quán này không bán cơm, chỉ bán mấy thứ ăn nhẹ như bánh gai, nem chua và nước uống. Đã hơn 12 giờ trưa, tụi tôi bụng đói cồn cào nhưng cũng chẳng có gì để ăn. Ngồi chung một bàn, chị Thanh nói chuyện với chúng tôi về quê mình:- Khiếp thật! Sau bao nhiêu năm mà chẳng thay đổi gì em nhỉ? Vẫn nghèo nàn y như hồi đó.Tôi chỉ mỉm cười không nói gì thêm. Chị chép miệng thở dài:- Chị đi họp ở Hà Nội, tiện lên đó mấy ngày thăm bạn bè cũ. Nhưng như thế này thì chắc chẳng muốn về nữa đâu. Đường đi nguy hiểm quá. Tôi lái sang chuyện khác:- Chị ở nha Trang có gặp anh Hưng không?- Chị cũng nghe nói nhưng chị chưa gặp.Anh Hưng cũng là hàng xóm của tôi hiện đang là giảng viên trường nhạc ở Nha Trang. Anh Hưng có giọng hát khá hay và anh cũng là ca sĩ chuyên hát nhạc dân tộc. Tôi có ra Nha Trang vài lần và gặp anh ở đấy. Sau khi nối lại được liên lạc, thỉnh thoảng có dịp vào Sài Gòn, anh vẫn thường đến nhà thăm tụi tôi.Xe lại tiếp tục lên đường, qua bao nhiêu cánh đồng, làng mạc, phố phường. Cuối cùng xe cũng dừng lại bến xe Thanh Xuân. Tôi và em gái kéo hành lý ra phía cổng đón taxi về nhà bác tôi ở Phố Bạch Mai. Căn nhà nằm trong khu tập thể ngõ Mai Hương cũ. Chị họ tôi đã về nhà trước để mở cửa. Chị họ tôi nay ngoài ba mươi tuổi nhưng vẫn còn độc thân, có mở tiệm uốn tóc ở gần chợ trời. Chị họ tôi dáng người nhỏ nhắn, cao ráo, nước da trắng hồng, xinh đẹp nổi tiếng cả khu phố vậy mà chẳng hiểu sao không lấy được chồng. Tôi chỉ sợ chị tôi bị ế, cứ dục chị mãi mà lần nào chị cũng nhe răng cười trừ. Thật là rõ chán!Vẫn căn nhà cũ, nhỏ xíu, được xây thêm một lầu. Từ ngày bác tôi mất, căn nhà được dọn lại gọn ghẽ hơn xưa. Không còn mùi xú uế khai nồng bốc lên như lần tôi về thăm chị tôi mấy năm trước. Bên phía tay phải đặt bàn thờ trên có hình bà ngoại và bác tôi. Tôi bước lại rút mấy cây nhang ra đốt rồi cắm lên bàn thờ, miệng khấn vái bà và bác có linh thiêng về phù hộ cho gia đình gặp nhiều may mắn. Bác gái tôi đang ở dưới Hải Phòng thăm bà con. Chị họ tôi vội gọi ngay điện thoại kêu mẹ về gấp. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bác gái tôi đã có mặt ở nhà. Bác bảo với chúng tôi:- Tưởng bác trai bay mất, bay không về đây nữa chứ.- Sao lại không về. Bác nào chẳng là bác. Bà con dòng họ, tụi cháu còn ai nữa đâu.Căn nhà này đối với tôi rất thân thuộc. Những ngày còn đi học, thỉnh thoảng hè đến tôi vẫn được mẹ cho về Hà Nội chơi. Tôi nhớ hồi đó bác tôi vốn làm bác sĩ ở bệnh viện, còn mang cả condom về thổi lên làm bóng bay cho tụi tôi chơi. Tôi thích nhất là được ăn kem, trên rừng rú nơi tôi ở làm gì có kem mà biết ăn. Một lần được mẹ đưa cho năm xu ra ngoài đầu ngõ mua kem, mua được cây kem rồi, thấy nó bốc khói nghi ngút cứ chu mỏ ra thổi lấy thổi để. Thổi cho đến lúc cây kem tan mất thì lăn ra khóc bắt đền ông bán kem um xùm trời đất. Nhiều lúc nhớ lại, tôi cứ bật cười khúc khích vì sự ngu dốt của mình. Cũng tại khu nhà này, tôi còn có biết bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên được. Hồi đấy cả khu tập thể chỉ có duy nhất một căn nhà cầu công cộng chia làm bốn phòng. Mỗi lần phải vào đấy là tôi lại rợn hết cả tóc gáy vì mùi hôi thối bốc lên và cả lũ giòi ngo ngoe bên dưới. Ở Hà Nội, phân cũng có thể bán được, có hẳn một đội quân đi mua phân, mua tro bếp, mua lông vịt…hằm bà lằng thứ gì cũng mang bán. Nhưng cái đội ngũ đi mua phân người là ám ảnh tôi nhiều nhất. Tôi tò mò muốn xem họ mua phân ra sao nên theo bác tôi ra đó xem, eo ơi thật khủng khiếp khi thấy một ông thò cả cánh tay vào trong hố phân ngoắng để kiểm tra chất lượng loại phân mình mua, nhấc cánh tay lên tôi còn nhìn thấy vài con giòi bám ngo ngoe trên đó, ông ta gật đầu khen phân tốt, ông ta chỉ rửa cánh tay qua loa rồi cầm ổ bánh mì ăn ngay tại chỗ. Khiếp quá tôi chạy tọt vào trong nhà, trong bụng nghĩ thầm dân Hà Nội gì đâu mà bẩn thế.Bây giờ đã tiến bộ vì nhà nào cũng có cầu tiêu riêng trong bếp, nhưng mỗi khi bước vào tôi vẫn có cảm giác ghê ghê.Chị họ tôi đi chợ mua thức ăn, hôm nay chị đãi tụi tôi bữa lẩu hải sản. Cả nhà quây quần ăn uống vui vẻ. Tôi lại mang điện thoại ra gọi cho Hưng, nhưng nó vẫn khóa máy. Ngay từ lúc về đến Hà Nội, tôi gọi cho nó rất nhiều lần, tôi muốn tối nay nó đưa tôi đến thăm cô giáo cũ và giao luôn "của nợ" mà tôi vẫn giữ bên mình từ mấy ngày trước. Lòng tôi vẫn thấp thỏm lo sợ bị công an phát hiện thì oan gia, thế nhưng gọi hoài mà nó vẫn khóa máy. Tôi nôn nóng đứng ngồi không yên, tôi đâu biết nhà của cô, làm sao có thể đến đó một mình được, chẳng lẽ lại ôm vào Sài Gòn. Cả ngày hôm sau tôi gọi mà máy của anh chàng vẫn cứ ò í e ngoài vùng phủ sóng. Tôi quýnh hết cả lên, ngày mai tôi phải lên tầu vào Thanh Hóa thăm chị Năm, vé tầu đã mua rồi không thể thay đổi được. Lòng dạ ngổn ngang thì anh Quí và chị Hạ tới, mắt tôi sáng lên hỏi anh, chị có biết nhà cô giáo tôi không. Nhưng cả hai đều lắc đầu làm tôi thất vọng. Bỗng chị Tư tôi có ý kiến là gọi điện hỏi thăm thầy giáo cũ, chắc thầy biết nhà của cô. Và thật may mắn thầy đã chỉ cho tôi tường tận đường đến nhà cô giáo tôi. Chúng tôi lên đường ngay lập tức vì lúc đó đã gần 9 giờ tối rồi.Anh Quí chở tôi cùng thằng nhóc cháu, anh bạn chị Tư tống ba cùng chị Hạ. Chúng tôi nhắm hướng trường đại học An Ninh chạy thẳng. Tôi giữ chặt chiếc giỏ sách trước ngực, trước khi đi bác tôi có dặn cẩn thận kẻo bị giựt. Đường phố vẫn còn đông người, xe chạy loạn xà ngầu trên phố, mùi hôi khai từ cống rãnh bốc lên thoang thoảng. Đối với tôi Hà Nội chẳng có gì đẹp, chẳng có gì nên thơ trong những bài hát mà tôi đã từng nghe. Mùa xuân đến, mưa phùn lất phất, lạnh thấu xương nhưng đường phố lẹp nhẹp dơ bẩn phát khiếp. Thế mà có nhạc sĩ nào đó đã viết lên được khúc nhạc tuyệt vời: " Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông khăn em bay đìu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi ta bên nhau một chiều tan lớp…Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về… Hà nội mùa này chiều không buông nắng phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô, quán cóc liu xiu một câu thơ, Hồ tây, hồ tay… tím mơ. Hà nội mùa này còn bao nỗi nhớ, ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, hơi ấm trao nhau tuổi thơ ngây…tưởng như, tưởng như… còn đây! "Chạy được một khúc tụi tôi lạc nhau, tôi cứ ngoái đầu ra phía sau tìm kiếm xe chị Tư tôi nhưng không thấy, tôi giật áo anh Quí cho xe chạy chậm lại nhưng mãi cũng chẳng thấy đâu. Tụi tôi tấp vào trước cửa trường Đại Học An Ninh chờ, Vừa lúc ấy điện thoại của tôi reo vang, tôi móc máy ra nghe thì đó là điện thoại của chồng tôi gọi về. Anh vốn lo lắng cho tôi vì hơn cả tuần không liên lạc. Anh Quí dựng xe chạy ra phía ngoài mua sắn luộc, mang vào đến nơi cười hề hề nói với tôi:" Con bé bán hàng kia tưởng anh chạy xe ôm, nó hỏi hôm nay bác chạy có đắt khách không? " Làm tôi phá ra cười. Chúng tôi đứng chờ độ hơn 15 phút thì xe chị Tư tới. Cả đám quẹo vào con hẻm lớn bên hông trường và chạy thẳng vào bên trong, đến khúc có mấy nhà cho thuê bi a, tụi tôi tấp đại vào một căn hỏi thăm và may mắn thay đúng là căn nhà của cô giáo tôi.Cuối cùng tôi cũng gặp được cô. Bao năm xa cách, cô hôm nay trông già xọm hẳn đi, gương mặt vêu vao, quần áo xộc xệch. Bên cạnh bàn tiếp khách là một cái giường đơn, chồng cô đang nằm ở đó nhỏ thó như một em bé lên năm. Trông thật tội! Cô nói chuyện với tôi mà nước mắt lưng tròng, cô cứ phải quay đi lau nước mắt. Đời cô sao lại khổ thế…! Tôi tiện tay chụp một tấm ảnh cô rồi đưa cho cô coi trên màn hình máy camera. Cô nhìn hỏi:- Mụ nào thế?Thì cô chứ ai, em vừa chụp mà.- Ối giời ơi, khiếp quá. Đấy Cô còn không nhận ra mình nữa là…! Tưởng con mụ nào.Chuyện trò khá lâu, đã hơn mười giờ tối rồi, tôi đứng lên từ giã cô về để cô nghỉ ngơi, sớm mai cô còn đi dạy học. Tôi móc trong giỏ một bao thơ đựng tiền, lá thư Nhung viết và gói nhỏ thuốc phiện đưa cho cô nói:- Thay mặt cho các bạn, em mang ít tiền trích từ quỹ lớp cho cô, số tiền nhỏ nhoi mong cô đừng từ chối. Và tí thuốc phiện cho chú, Các bạn kiếm được sẽ gửi xuống sau.Cô cầm gói thuốc phiện mắt sáng lên, cảm ơn rối rít. Còn gói tiền thì cô dãy nảy lên:- Nhiều tiền thế này cô không dám nhận đâu. Trời ơi! Lớp tan từ lâu rồi ở đâu còn quỹ nữa mà trích. Cô không nhận đâu.- Của lớp thật mà. Cô không nhận, chẳng lẽ em mang luôn vào Sài gòn xài à. Thôi cô nhận đi cho em và các bạn vui.Cô khóc òa lên ôm tôi thật chặt, nói trong nước mắt:- Cô không biết phải nói sao nữa. Cô cảm ơn em và các bạn thật thật nhiều. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" em à. Hãy giữ gìn sức khoẻ nghe em. Sức khoẻ quan trọng lắm. Cho cô gửi lời hỏi thăm bố mẹ và chồng con em nữa, nhớ thỉnh thoảng viết thư cho cô nhé.Tôi đi về mang một cảm giác buồn vời vợi. Hình ảnh chú nhỏ xíu nằm cong queo trên chiếc giường đơn độc làm tôi xót thương. Giá như tôi nhát chết vứt cái gói thuốc phiện ấy đi thì chú sẽ phải chịu đau đớn thêm nhiều ngày lắm. Tôi không biết cái đau của người bị bệnh ung thư hành hạ như thế nào, nhưng nghe nói là khủng khiếp lắm.Bây giờ chú đã an nghỉ ngàn thu. Cầu mong linh hồn chú được ngậm cười nơi chín suối. Qua điện thoại của Chiến tôi còn được biết sau ngày chú mất, đứa con trai riêng được toàn quyền thừa hưởng căn nhà đã nhẫn tâm đuổi cô giáo tôi đi, Tôi cố ý tìm lại cô nhưng không có địa chỉ. Chỉ hy vọng cô giáo tôi có can đảm vượt qua được mọi khó khăn.Sáng hôm sau, chị họ rủ tôi đi ăn bún ốc, một quán bún ốc nổi tiếng ở Hà nội. Tôi ngồi sau xe, chị tôi chạy lòng vòng qua nhiều con phố, tôi cũng chẳng để ý gì đến. Cuối cùng chị dựng xe bên hè phố, khóa cổ cẩn thận, chỉ tôi vào ngồi ở cái bàn trong một hẻm nhỏ, hai tô bún ốc được bê ra, thơm phức, bốc hơi nghi ngút. Tôi gắp rau xà lách và rau kinh giới được cắt nhỏ bỏ vào trong tô, ăn ngon lành và xì xúp húp nước. Tô bún thật là ngon tuyệt, tôi ăn một lúc hai tô mà vẫn còn thòm thèm. Trả tiền xong, chị họ tôi chở tôi đến tiệm của chị gội đầu.Tiệm của chị khá khang trang nằm ngay trên mặt tiền của phố. Tụi tôi vừa đến thì khách khứa kéo lại rất đông, chị tôi và mấy cô thợ làm không kịp nghỉ tay. Tôi ngồi đó chờ đợi gần trưa chị tôi mới có thời gian chở về. Ba giờ chiều hôm đó, chị em tôi cùng chị Hạ lên tầu hỏa vào Thanh Hóa để kịp sáng hôm sau đi thăm chị Năm đang bị giam giữ ở đó.