Kết luận

Sài Gòn là đất hưng vương, căn bổn phát tích Nguyễn Triều. Pháp chiếm năm 1859. Pháp bị lật năm 1945. Tiếp theo là cuộc trưởng thành, cách mạng, độc lập.
Lịch sử Sài Gòn có lắm đoạn vẻ vang:
Không có bàn tay người Việt tô điểm, không thịt xương người Việt làm nồng cốt, không máu huyết người Việt làm xi mon, chưa chắc Sài Gòn có bộ mặt mới xinh như ngày nay.
Có người quen tánh lý luận, chê lớp tiền bối lựa Sài Gòn làm kinh đô là thất sách, vì xa biển. Sao không chọn Vũng Tàu Ô Cấp, đủ sơn, đủ thuỷ, tàu bè dễ ghé dễ lui. Một nhà chuyên môn kiêm bác sĩ nói với tôi: "Vũng Tàu cát bời rời, đất không chơn đứng, xây nhà không bền chắc; ở ngay mũi súng, khó phòng thủ. Thiếu nước ngọt, bị phủ vây thì nguy to".
Sài Gòn, trái lại:
Có mội nước lọc dưới đất cát, đủ cung cấp nước ăn quanh năm, khéo tiết kiệm không lo thiếu nước.
Sông Đồng Nai, thác Trị An ở gần: dẫn nước tốt dễ dàng.
Sài Gòn là đất núi, có chơn đứng, xây cất nhà bao nhiêu từng cao đều được;
Sông Nhà Bè quanh co uốn khúc, vì vậy mà hiểm, binh giặc kéo đường thuỷ, đủ thời gian lập thế thủ; nhờ khuất gió mạnh, bến được yên, tàu đậu không sợ bão tố.
Đứng giữa các mối đường, sự giao thông thuận tiện;
Ngày nay có sân bay rộng lớn khang trang, Sài Gòn nối liền với hoàn cầu trong nháy mắt.
Như một viên bảo ngọc, càng ngày càng quý, Sài Gòn hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị tối tân.
Xuân Mậu Tuất (1958) - Xuân Canh Tý (1960)
VƯƠNG HỒNG SẾN

Xem Tiếp: ----

Nhắc lại, sau khi nhà Minh bên Trung Quốc bị nhà Mãn Châu thay thế, thì năm 1680, bọn di thần Minh triều như Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thắng Tài, v.v… tự xưng người "Trường Phát" (tóc dài) không khứng đầu hàng Thanh triều, vì họ ghét tục dân Mãn Châu cạo đầu gióc bín (để đuôi sam như đuôi lừa). Bởi rứa, theo sử chép lại, các tướng ấy dìu dắt độ ba ngàn tinh binh trung thành với cựu trào, lướt sóng trên năm mươi, sáu mươi chiến thuyền vượt trùng dương tìm xuống miền Nam, xin đầu hàng chúa Nguyễn, vì dân Nam cũng để tóc dài và trung thành với đạo Khổng Mạnh như họ. Đứng trước tình trạng khó xử này, chúa Hiền Vương trong lòng bối rối không vừa, vì kỳ trung chúa chẳng muốn gần gụi đám vong thần bất trị ấy; nhưng với trí tinh khôn có thừa, ngoài mặt chúa giả cách niềm nở tận tình. Chúa bày tiệc khoản đãi quân sĩ nhà Minh rồi "tống khứ" họ xuống miền Đông Phố, cho họ được phép chiếm cứ vùng Đồng Nai thưở đó tuy thuộc lãnh thổ Khơ Me, nhưng Miên Vương tỏ ra không bận tâm nhiều đến vùng hoang địa ranh mức tầm ruồng nầy. Như thế, nhơn một mũi tên, chúa Nguyễn bắn được hai chim; một đàng, được lòng người Tàu vì làm cho họ có chỗ dung thân, đàng khác nhơn cơ hội, mượn tay tha nhơn, mở rộng bờ cõi một cách hoà bình, không tốn hao binh sĩ; thật là ngón ngoại giao sắc cạnh khôn bì.
Nhắc lại, được lịnh Chúa Nguyễn, tướng Dương Ngạn Địch kéo quân xuống chiếm đóng vùng Mỹ Tho trên sông Tiền Giang (Mékong); còn Trần Thắng Tài, Huỳnh Tấn, và Trần An Bình thì đem bổn bộ binh mã đến chiếm cứ vùng Biên Hoà, trên con sông Đồng Nai. Vì không nói được chữ "đ" nên họ vẫn gọi "Đồng Nai" ra "Nồng Nại".
Khi người Khơ Me đụng độ với người Tàu thì đã lấy làm bực mình vì phong tục khác xa, không dè đến khi ăn chung ở lộn với dân "duồng", họ lại càng thêm khó chịu. Họ ngầm ghét đám dân "Đồn điền" mới.
Lần hồi, không cử động binh đao, mà người Cam Bốt (Campuchia) tự rút lui về miền thượng Lục Chân Lạp (Haut Cambodge) bỏ đất hoang Thuỷ Chân Lạp (Basse Cochinchine) cho mặc tình người Trung Quốc và Việt Nam tha hồ khai phá. (Cái nghiệp "hay hờn mát" và "ưa giận quàng xiên" của người Miên đến nay vẫn chưa bỏ. Tỷ dụ như lối năm 1920, dân Miên và dân Việt đua nhau khai thác xin khẩn đất hoang dọc theo kinh xáng mới đào vùng Phước Long và Vĩnh Qưới (Rạch Giá) để làm ruộng. Mỗi khi đôi bên không thuận nhau về quyền tiên chủ sở đất nào, thì người Miên thường thách đố người Việt hãy đồng lòng đem sở đất tranh chấp "hiến nạp" ngon lành cho viên chức sở tại, như vậy thì họ sẽ hết giận, báo hại quan thinh không phát tài ngang! Nhưng người Việt đâu chịu làm vậy và thường có cách khéo giải hoà với bạn Miên khỏi "làm giàu vô cớ" cho quan! Duy ngày nay, còn giận ai nữa mà Miên vẫn cất nhà xây mặt tiền vào vườn, ít chịu xây mặt ra đường cái hay ngó ra con sông tấp nập?
Nhắc lại năm Giáp Dần (1674), Chúa Hiền đã tầng sai binh xuống can thiệp vào việc nội bộ nước Miên do Nặc Ông Non cầu cứu dẹp hộ binh Xiêm. Đến khi vua Miên thấy cảnh ở Sài Gòn bị kẹp giữa hai gọng kềm "Chệc", bèn cầu cứu với triều Huế, Chúa Hiền nhân cơ hội ấy để sai nha trảo xuống dàn xếp… Thêm một cơ hội may mắn đến cho triều Huế là vào năm 1688 giữa người Tàu Mỹ Tho và người Tàu Cù Lao Phố sanh ra sự bất hoà lớn. Chúa Hiền khi ấy đã mất, nhưng Ngãi vương nối ngôi không kém sự trí mưu. Huỳnh Tấn giết Dương Ngạn Địch, binh chưa lại nghỉn thì kế bị Chúa Ngãi ra tay trước, giết Huỳnh Tấn, dẹp tan đám giặc khách sót lại ở Mỹ Tho mà làm chủ tình thế hai thị trấn tân tạo Mỹ Tho và Cù Lao Phố (Biên Hoà).
Chúa thừa thắng cho binh tướng kéo rốc lên Cam Bốt tới trước thành Gò Bích, Miên Vương một mặt dẫn phi tần về thành U Đông, mặt khác sai sứ nạp biểu. Chúa Ngãi cho dân, quân về an dinh lập trại Bến Nghé. Công việc ấy gọi là "đồn dinh”.
Thuở đó, xứ Cam Bốt có đến hai vua:
- Vua Nhứt, Chánh Vương, ngự tại thành Lo Vek (sách sử Việt âm là "La Bích" hoặc "Gò Bích" (Trương Vĩnh Ký); (trong Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, trang 329, ghi "thành Long Úc", phải Lo Vek này chăng?!)
- Vua Nhì, tức Phó Vương, đóng đo tại Prei Norkor, sau này Sài Gòn.
Một nước hai vua, một xứ hai mặt trời, đây là một tình thế lưỡng lập vạn bất đắc dĩ, không bao giờ tồn tại được lâu. Về sau, nếu có xảy ra sự di dân Khmer tự mình bỏ Thuỷ Chân Lạp rút lui về Lục Chân Lạp, âu cũng vì một lẽ Chánh Vương ngầm muốn để còn một vua đặng dứt hậu hoạn về sau, một lẽ nữa, cũng tại lòng dân Miên mà cũng có tay Trời già ở trong!
Prei Norkor vào thời bấy giờ, là một thôn nhỏ trong rừng già dựa kề một đồn kiên cố, dân cư thưa thớt, nhà cửa lèo tèo, cột cây nóc lá, tập trung trên các gò nổng cao ráo, chung quanh là ao sình nước đọng quanh năm, sâu vô trong nữa thì toàn là rừng rú thiên nhiên đã có từ tạo thiên lập địa, không ai khai phá, đầy rẫy muỗi mòng, đỉa vắt và thú dữ: tây, tượng, hùm beo, khỉ, sấu… Prei Norkor dùng làm nơi đồn trú của Phó Vương Cao Miên (một cái gai trong mắt Chánh Vương).
Việt Sử Trần Trọng Kim nói:
"Năm Mậu Tuất (1658), vua nước Chân Lạp mất, chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn, chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem ba ngàn quân sang đánh ở Mỗi Xuy (nay thuộc Phúc Chánh, Biên Hoà) bắt được vua là Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và phải bênh vực người An Nam sang làm ăn ở bên ấy.
"Năm Giáp Dần (1674), nước Chân Lạp có người Nặc Ông Đài đi cầu viện nước Xiêm La để đánh Nặc Ông Nộn.
"Nặc Ông Nộn bỏ chạy sang cầu cứu ở dinh Thái Khang (nay là Khánh Hoà). Chúa Hiền bèn sai cai cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Đình Phái làm tham mưu đem binh chia ra làm hai đạo sang đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn rồi tiến quân lên vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài phải bỏ thành chạy vào chết ở trong rừng. Nặc Ông Thu ra hàng. Nặc Ông Thu chính là dòng con trưởng nên lại lập làm chánh quốc vương đóng ở Long Úc, để Nặc Ông Nộn đóng ở Sài Gòn, bắt hàng năm phải triều cống.
"Năm Mậu Thìn (1688), Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch, rồi đem chúng đóng đồn ở Nam Khê, làm tàu, đúc súng để chống nhau với người Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu cũng đào hào đắp luỹ làm kế cố thủ và bỏ không chịu thần phục chúa Nguyễn nữa.
"Bấy giờ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn sai quan đem quân đi đánh dẹp, dùng mưu giết được Hoàng Tiến và bắt vua Chân Lạp phải theo lệ triều cống.
Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố (Giản Phố) ra làm dinh, làm huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình.Đặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hoà) và Phiên Trấn dinh (tức Gia Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn Biên (Biên Hoà) thì lập làm xã Thanh Hà: những người ở đất Phiên Trấn (Gia Định) thì lập làm xã Minh Hương. Những người ấy đều thuộc về sổ bộ nước ta”.
(Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, trương 329-330)
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: Nguyễn Học ( Mõ Hà Nội)
Nguồn: Nguyễn Học ( Mõ Hà Nội)
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 29 tháng 8 năm 2007

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--
Truyện Cùng Tác Giả Hơn nửa đời hư Sài Gòn năm xưa Sài Gòn Tạp Pín Lù