- Lại lăn hột gà nữa à? Tôi đã nói là dẹp đi rồi mà. - Văn xua tay nói. Thiên Ân tỉnh bơ đặt khay thuốc có quả trứng gà nóng hổi xuống cái bàn nhỏ: - Tôi không biết, cô Liên vẫn sai bác Lương luộc trứng, cô bảo tôi đem vào cho anh, cùng với cữ thuốc, mỗi ngày một trứng. Anh không lăn là quyền của anh, tôi vẫn phải mang vào. Văn nhăn mặt đầy phiền toái: - Có đem vào tôi cũng không lăn. Còn thuốc thì làm ơn cứ để trong phòng này luôn cho tôi cần gì phải mỗi ngày mang vào phát từng cữ vậy? Đây là nhà tôi chứ đâu còn là bệnh viện đâu? Thiên Ân trề môi: - Tôi cũng đâu có muốn đóng vai y tá cho một bệnh nhân khó chịu như anh, tại cô Liên sợ anh uống lộn, uống không đúng. Văn trừng mắt: - Lộn sao được mà lộn? Thì cứ để toa thuốc đây cho tôi. Tôi chỉ tâm thất lạc trí nhớ một chút thôi chứ đâu phải là mất trí, hoá khùng đâu. Thiên Ân nhe răng cười hì hì phớt lờ vẻ bực bội của anh: - Vậy sao? Anh đi mà nói với cô Liên như vậy đó. Đừng phàn nàn với tôi mất công. Tôi chẳng có thẩm quyền gì trong chuyện này. Văn sầm mặt nhưng không biết làm sao phát tán, anh tức giận quay mặt đi. Cô gái chanh chua này đã nắm được yếu điểm của anh. Không hiểu sao trong chuyện dưỡng bệnh này, anh không thể ý kiến gì với cô Liên được. Cô cứ kiên quyết cho rằng cách làm của cô cách chăm sóc của cô là tốt nhất với anh. Khi nghe cô bảo thuốc thì cô giữ, mỗi ngày giao cho Thiên Ân mang vào phòng anh, anh đã phản đối nhưng có phản đối cả buổi chỉ hoài công. Cô Liên thủ cựu một cách kiên quyết quá chừng. Ngay cả lý do chân anh băng bột khó lên xuống thang lầu, cô quyết định tạm đưa anh về phòng của nội cũng vậy, anh phản đối không được vì nội cũng đứng về phía cô. Chỉ có cái chân thôi mà trong nhà ai cũng làm như anh yếu ớt lắm cần phải chăm sóc như một đứa trẻ không bằng. Văn thở ra bực bội. Đây là gia đình của anh vậy mà mới về ngày đầu, anh đã thấy không thoải mái rồi. - Nè! Cái tằng hắng và tiếng gọi trống không của Thiên Ân làm Văn nhăn mặt quay lại. Cô đã kéo ghế ngồi gần anh như sẵn sàng làm phiền anh lâu hơn. Tay cô chìa ra trước mặt anh một ví da đàn ông màu nâu sẫm. - Cái gì vậy? - Quên bẵng cơn bực tức và lời xua đuổi thẳng thừng đã có sẵn trên môi. Văn ngạc nhiên hỏi. Thiên Ân đáp dấm dẳng: - Còn cái gì nữa. Ví tiền của anh. Trả lại cho anh đó. - Của tôi? Văn máy móc cầm cái ví da có vẻ quen thuộc ấy, xoay xoay trên tay anh ngờ ngợ ngắm nhìn: - Cái này... của tôi thật à? Cô gật đầu: - Ừm, hôm qua nói đi nói lại mà anh không tin, bây giờ tôi đem xuống làm bằng chứng cho anh tin. Tôi đã giữ nó khi đưa anh vào bệnh viện. Trong đó có giấy tờ có sẵn tên tuổi, địa chỉ của anh chứ tôi không có biết về anh nhiều lắm đâu. Giờ tôi trả cho anh, anh kiểm lại đi. Văn nhìn cô một thoáng rồi mở nó ra. Có một chỗ để lồng ảnh nhưng không có bức ảnh nào ở đó. Thấy anh ngẩng lên, cô hiểu ngay ý nên vội vàng thanh minh: - Không phải tôi lấy ra đâu nhé. Từ lúc tôi thấy nó lần đầu tiên thì nó đã trống trơn như vậy rồi. Ngoài một ít tiền để đóng tiền thuốc cho anh, tôi không lấy cái gì ra hết. Văn lẩm bẩm: - Sao lạ vậy? Tôi có bạn gái, có em gái, có mẹ và dượng mà, chẳng lẽ tôi không lồng hình ai hết? Thiên Ân nhún vai nhìn ra cửa sổ nói bâng quơ: - Tôi có biết đâu. Chắc bạn gái nhiều quá, không biết phải lồng hình ai. Lờ đi lời nói cạnh khóe của cô, Văn mở tiếp các ngăn nhỏ ra. Những tấm thẻ tín dụng, bằng lái xe, giấy chứng minh, và những tờ bạc vừa tiền Việt vừa tiền Mỹ. Thiên Ân gãi tay chìa tiếp một tờ giấy nhỏ. Văn đón lấy nhìn và ngạc nhiên vì không hiểu: - Cái gì nữa vậy? - Là kết toán chi phí mà tôi... xài tạm trong ví của anh đó. Tiền đô thì tôi không dám đụng tới, nhưng mớ tiền Việt thì tôi có lấy một ít để đóng tiền viện phí, tiền chụp X-quang, vô nước biển, tiền thuốc chích... Toàn xài cho anh. Xin lỗi vì có ghi luôn hai ổ bánh mì, mấy ly trà cho tôi. Khi người nhà anh đến thì mới hết chi. Tôi ghi ra đầy đủ anh cứ coi lại. Văn bỏ tờ giấy ghi chi chít các con số của cô qua bên: - Cám ơn em, tôi không để tâm mấy chuyện vặt vãnh đó đâu. Không thấy cái bĩu môi của cô, anh chăm chú vào mấy tấm danh thiếp, thẻ chứng minh và bằng lái xe. Anh thừ người ra lẩm bẩm: - Vậy tôi thật sự tên là Nguyễn Nam Văn. Thiên Ân nhướng mắt: - Thì phải rồi. Anh nghi ngờ à? Giấy tờ có hình anh đàng hoàng mà. Không lầm đâu. Có cần lấy kiếng cho anh soi rồi so sánh không? Cô quẹt mũi: - Tuy bây giờ mặt mũi anh bị sưng bầm tím lịm thấy ghê nhưng nếu nhìn kỹ thì cũng nhận ra được đó. Văn nhếch một bên chân mày như không coi câu chế nhạo khiêu khích của cô vào đâu. Anh ngắm nghía săm soi mãi mấy thứ giấy tờ của chính mình thật kỹ rồi chép miệng: - Địa chỉ cũng ghi ở đây. Trước nay tôi đúng là sống ở đây. Thiên Ân cười: - Anh mà thấy có chút lạ là vì anh đang ở phòng ông nội anh thôi. Nếu chân anh không bị thương, anh đã có thể về lại phòng mình trên lầu, như vậy còn quen thuộc dễ nhớ, dễ nhận ra hơno qua. Cô thông báo với một giọng đều đều: - Người bạn trai của em bị mất máu khá nhiều, nhưng nhóm máu thích hợp với anh ta bệnh viện chỉ còn một ít, chỉ sợ... - Ảnh nhóm máu gì hả chị? - Thiên Ân ngắt lời. - Máu O. Thiên Ân nói ngay: - Em cũng nhóm máu O. Người y tá nhìn cô: - Em nói vậy là ý muốn cho máu à? - Dạ. - Nhưng em cũng đang bị thương? - Hồi nãy bác sĩ cũng nói em không sao, chỉ bị rách da trên trán chút thôi. Em nghĩ rút một ít máu cũng không có hề gì. Cô y tá hơi ngần ngừ: - Để tôi hỏi qua ý kiến bác sĩ đã, em chờ ở đây đi. Trong khi cô y tá vào phòng để trao đổi với bác sĩ, Thiên Ân dựa vào lưng ghế chờ đợi với vẻ sốt ruột, cô chỉ mong sao mình có thể giúp một chút sức để người đàn ông tốt bụng tên Văn qua được chuyện này. Chợt nhớ đến cái ví tiền của Văn mà khi nãy cô lấy từ túi quần anh và nhét vào túi xách của mình để phòng hờ đóng tiền thuốc men, viện phí. Thiên Ân lấy nó ra săm soi. Chiếc ví màu nâu thật đẹp. Cô tò mò mở ra xem. Ví không có bức ảnh nào, ngăn ngoài có vài tờ mỹ kim, một xấp tiền loại năm mươi ngàn. Ngăn nhỏ còn lại đựng vài tấm thẻ tín dụng, vài thứ giấy tiờ. Thiên Ân lấy ra tấm Chứng minh của anh, bên cạnh cái hình quá nghiêm trang là một hàng chữ in, cô lẩm bẩm theo: - Nguyễn Năm Văn, sinh ngày... Thường trú tại... Cô chắt lưỡi. Chà, anh chỉ mới hai mươi tám, thì ra khi nãy cô đã khai thêm cho anh hai tuổi rồi. Theo như giấy tờ thì anh ở Thủ Đức. Trong ví không có tấm danh thiếp nào. Thiên Ân thừ người ra, không có danh thiếp làm sao cô gọi điện báo tin cho người nhà anh biết đây? Đôt nhiên như nhớ ra, cô cốc vào đầu mình một cái kêu lên: - Trời, ngu quá. Đúng là quẩn trí rồi, anh ta có địa chỉ mà. Sẵn điện thoại trên bàn mực, cô đánh bạo gọi nhờ. Cầm chứng minh của anh trên tay, cô gọi đến tổng đài nhờ dò số điện thoại theo địa chỉ của anh. Tổng đài thật hữu dụng, số điện thoại của nhà anh được cung cấp chỉ sau vài phút, Thiên Ân bấm số ngay. Chờ đợi tiếng chuông ở đầu dây bên kia đổ dài liên hồi, cô nhìn đồng hồ. Mình đánh thức người nhà anh để báo tin dữ vào lúc bốn giờ sáng đây, cần phải nói nhẹ đi để người ta đừng quá hoảng sợ mà té xỉu mới được. - Alô! Đã có người nhấc máy. Thiên Ân nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng: - Xin hỏi có phải nhà anh Văn không ạ? Một giọng nữ khàn khàn nhừa nhựa vang lên ở đầu dây bên kia: - Ừm, đúng rồi, nhưng nó đi vắng rồi. Cô là ai? Sao lại gọi điện giờ này? Thiên Ân hơi ngập ngừng tìm lời: - Dì ơi, con là bạn của anh Văn, con... đi chung với ảnh từ Đà Lạt về Sài Gòn, nửa chừng thì bị tai nạn. Anh Văn... - Cái gì? Cô... nói cái gì? Thằng Văn... tai nạn? Giọng hoảng hốt ở đầu dây bên kia làm Thiên Ân cũng đâm sợ và cảm thấy như mình có lỗi, cô cố nói cho rõ hơn: - Xin lỗi dì, dì hãy bình tĩnh để nghe con nói. - Nhưng cái gì mà... - Xin dì hãy bình tĩnh lại, anh Văn bị nhẹ thôi mà, không sao đâu. Đầu dây bên kia có tiếng thở dồn, rồi giọng nói như run run cố trấn tĩnh: - Cô... cô nói lại đi, tôi bình tĩnh rồi. Thiên Ân cố tìm lời: - Tụi con trên đường về Sài Gòn thì bị tai nạn, tai nạn nhẹ thôi. - Thằng Văn bị làm sao? - Người đàn bà hỏi ngay. Thiên Ân quyết định chỉ nói một phần thương thế của Nam Văn thôi: - Anh Văn có bị chấn thương ở chân, hiện thời đang được bác sĩ bó bột. Con muốn báo tin để gia đình... Giọng nói kia đã ngắt lời cô: - Bệnh viện nào? Ở đâu? Vừa nghe Thiên Ân nói bệnh viện tỉnh người kia đã cuống quýt đáp nhanh: - Được rồi, chúng tôi sẽ đến ngay. Thiên Ân dạ nhỏ. Gác máy, cô đi trở lại và nhìn vào phòng cấp cứu, bác sĩ trực vẫn tất bật bên giường bệnh cho Văn, cho thấy tình hình của anh vẫn còn khá nghiêm trọng. Có tiếng gọi sau lưng cô, Thiên Ân quay lại. Cô y tá đã trở về bàn trực. - Bác sĩ đã chấp thuận nhưng phải qua kiểm tra xem em có đủ sức và nhóm máu của em có thật sự thích hợp không đã. - Dạ được. Cô y tá gật đầu: - Vậy em theo tôi. Theo người y tá vào một phòng khác kiểm tra. Cuối cùng Thiên Ân được bác sĩ cho phép hiến máu. Nằm dài trên giường cố giữ mình thư giãn để đẩy lui cơn sợ hãi với cái mùi ê te nồng nặc và những cây kim to, cô nhớ đến tấm ảnh chụp ba cô cùng một số nhân viên trong công ty vào dịp hiến máu nhân đạo. Dạo đó, cô đã lồng kính tấm ảnh chụp ba cô nằm trong xe hiến máu lưu động treo lên ở phòng sách, suốt ngày nhìn ngắm mà hãnh diện vô cùng, cứ xem như ba mình là một anh hùng vậy. Giờ đây, cô cũng đang hiếu máu. Máu của cô cứu giúp một người bệnh trong cơn ngặt nghèo nhưng là một người rất tốt mà cô đã mang ơn. Quyết định của cô không hẳn là nhân đạo, mà là một cách trả ơn. Nhờ cứ lan man nghĩ ngợi mà Thiên Ân đã trải qua lần hiến máu đầu tiên trong đời mình thành công. Uống cạn ly sữa người y tá đưa, cô ngủ thiếp đi trên chiếc giường dành cho mình. Trời hửng sáng, khi chiếc băng ca đưa Văn từ phòng cấp cứu qua phòng chăm sóc đặc biệt thì Thiên Ân cũng còn say giấc.