Dịch giả: Cao Việt Dũng, Nguyễn Tiên Phong, Nguyễn Văn A
Chương 12
Lý thuyết Dell về ngăn ngừa xung đột

Thời Xưa đối lại Kịp-Thời [Just-in-Time]

 
Thương mại Tự do là ngoại giao của Chúa: Không có cách nào khác chắc chắn để tập hợp dân chúng trong mối ràng buộc hòa bình.
- Chính trị gia người Anh Richard Cobden, 1857
Trước khi tôi chia sẻ với bạn chủ đề của chương, tôi cần nói một chút về chiếc máy tính mà tôi dùng để viết cuốn sách này. Nó liên quan đến chủ đề tôi sắp thảo luận. Cuốn sách này được viết chủ yếu trên một notebook [máy tính sổ tay] Dell Inspiron 600m, số hiệu 9ZRJP41. Như một phần của sự tìm kiếm cho cuốn sách này, tôi đã thăm nhóm điều hành Dell ở gần Austin, Texas. Tôi chia sẻ với họ các ý tưởng của cuốn sách này và đổi lại, tôi xin một sự biệt đãi: tôi nhờ họ lần vết toàn bộ chuỗi cung toàn cầu đã tạo ra notebook Dell của tôi. Đây là báo cáo của họ:
Máy tính của tôi được hoài thai khi tôi gọi đến số 800 của Dell ngày 2-4-2004, và được kết nối tới đại diện bán hàng Mujteba Naqvi, người lập tức nhập đơn đặt hàng của tôi vào hệ thống quản lí đơn hàng của Dell. Anh gõ vào đó cả kiểu máy tính mà tôi đặt và các đặc tính cụ thể mà tôi muốn có, cùng với các thông tin cá nhân của tôi, địa chỉ giao hàng, địa chỉ thanh toán, và thông tin về thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng của tôi được Dell xác nhận thông qua kết nối work flow của nó với Visa, và rồi đơn đặt hàng của tôi được chuyển cho hệ thống sản xuất của Dell. Dell có sáu nhà máy khắp thế giới –ở Limerick, Ailen; Xiamen, Trung Quốc; Eldorado do Sul, Brazil; Nashville, Tennesee; Austin, Texas; và Penang, Malaysia. Đơn hàng của tôi được chuyển qua e-mail đến nhà máy notebook tại Malaysia, ở đó các bộ phận máy tính ngay lập tức được đặt từ các trung tâm nhà cung cấp hậu cần (SLC-Supplier logistics center) gần nhà máy Penang. Quanh mỗi nhà máy của Dell trên thế giới đều có các trung tâm nhà cung cấp hậu cần, thuộc sở hữu của nhiều nhà cung cấp các bộ phận máy tính Dell. Các SLC này giống như các khu vực dàn cảnh. Nếu bạn là một nhà cung cấp cho Dell ở bất kì đâu trên thế giới, công việc của bạn là bảo đảm SLC của bạn đầy các chi tiết cụ thể sao cho chúng có thể liên tục được chở đến nhà máy Dell cho sản xuất kịp thời [just-in-time].
“Trung bình một ngày chúng tôi bán từ 140.000 đến 150.000 máy tính,” Dick Hunter, một trong ba nhà quản lí sản xuất toàn cầu của Dell, giải thích. “Các đơn hàng đó đến từ trang web Dell.com hoặc qua điện thoại. Ngay khi đơn hàng này tới, các nhà cung cấp của chúng tôi biết về nó. Họ được một tín hiệu dựa vào mỗi bộ phận trong chiếc máy mà bạn đặt, nên họ biết đúng cái nào họ phải giao. Nếu bạn chuyên cung cấp dây nguồn cho máy để bàn, bạn có thể từng phút thấy phải giao bao nhiêu dây nguồn.” Cứ hai giờ một lần, nhà máy Dell ở Penang lại gửi một e-mail cho các SLC khác nhau ở xung quanh để nói mỗi SLC phải gửi đến bộ phận nào, số lượng bao nhiêu trong vòng chín mươi phút tới – và không phải một phút sau. Trong vòng chín mươi phút, xe tải từ các SLC khác nhau ở khắp Penang chạy đến nhà máy của Dell để giao các chi tiết được yêu cầu cho các notebook được đặt hàng trong hai giờ vừa qua. Công việc cứ như thế suốt ngày, hai giờ một lần. Ngay khi các chi tiết đó đến nhà máy, nhân viên của Dell mất nửa giờ để dỡ các chi tiết, ghi mã vạch, và đưa chúng vào các thùng cho lắp ráp. “Chúng tôi biết mỗi chi tiết của mỗi SLC ở đâu trong toàn bộ hệ thống của Dell vào bất kì thời điểm nào,” Hunter nói.
Các chi tiết của notebook của tôi đến từ đâu? Tôi hỏi Hunter. Để bắt đầu, anh nói, máy tính được cùng thiết kế ở Austin, Texas, và ở Đài Loan bởi một nhóm kĩ sư Dell và một nhóm thiết kế notebook Đài Loan. “Nhu cầu của khách hàng, các công nghệ cần đến, và những đổi mới thiết kế của Dell đều được Dell xác định thông qua quan hệ trực tiếp của chúng tôi với khách hàng,” anh nói. “Thiết kế cơ bản của bo mạch chủ và vỏ máy – chức năng cơ bản của máy của bạn – được thiết kế theo các đặc tả bởi một ODM [original design manufacturer] ở Đài Loan. Chúng tôi đưa kĩ sư của mình đến cơ sở của họ và họ tới Austin và chúng tôi thực sự cùng thiết kế các hệ thống này. Nhóm làm việc toàn cầu này mang lại một mối lợi thêm – một chu trình phát triển phân tán toàn cầu hầu như hai mươi tư giờ một ngày. Các đối tác của chúng tôi làm phần điện tử cơ bản và chúng tôi giúp họ thiết kế các đặc tính khách hàng và độ tin cậy mà chúng tôi biết khách hàng của mình muốn. Chúng tôi biết khách hàng rõ hơn các nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh của mình, vì chúng tôi liên hệ trực tiếp với họ mỗi ngày.” Các notebook Dell được thiết kế lại hoàn toàn đại thể mỗi mười hai tháng, nhưng các tính năng mới luôn được đưa thêm vào trong năm – qua chuỗi cung – khi các linh kiện phần cứng và phần mềm tiến bộ.
Khi đơn hàng notebook của tôi tới nhà máy Dell ở Penang, một chi tiết bị thiếu – card không dây – do một vấn đề về quản lí chất lượng, cho nên việc lắp ráp notebook của tôi bị lùi lại vài ngày. Rồi xe tải chở đầy card không dây tới. Ngày 13 tháng Tư, lúc 10:15 sáng, một công nhân Dell Malaysia lấy ra thẻ đơn đặt hàng tự động hiện ra khi tất cả các chi tiết máy được chuyển từ các SLC đến nhà máy Penang. Một nhân viên Dell Malaysia khác lấy một “traveler” ra– một cái khay đặc biệt được thiết kế để đựng và bảo vệ các chi tiết – và bắt đầu ráp tất cả các chi tiết vào notebook của tôi.
Các chi tiết đó đến từ đâu? Dell sử dụng nhiều nhà cung cấp cho khoảng ba mươi bộ phận chủ chốt của notebook của mình. Bằng cách đó, nếu một nhà cung cấp bị phá sản hay không đáp ứng được cầu tăng đột ngột, Dell không bị bỏ rơi loạng choạng. Đây là các nhà cung cấp chính cho chiếc Inspiron 600m của tôi: bộ vi xử lí Intel đến từ một nhà máy Intel hoặc ở Philippines, Costa Rica, Malaysia hay Trung Quốc. Bộ nhớ đến từ một nhà máy do Hàn Quốc sở hữu ở Hàn Quốc (Samsung), một nhà máy do Đài Loan sở hữu ở Đài Loan (Nanya), một nhà máy do Đức sở hữu ở Đức (Infineon), hay một nhà máy do Nhật sở hữu ở Nhật Bản (Elpida). Card đồ hoạ được chuyển đến từ hoặc một nhà máy do Đài Loan sở hữu ở Trung Quốc (MSI) hay một nhà máy do Trung Quốc vận hành ở Trung Quốc (Foxconn). Quạt làm lạnh đến từ một nhà máy do Đài Loan sở hữu ở Đài Loan (CCI hay Auras). Bo mạch chủ đến từ một nhà máy do Hàn Quốc sở hữu ở Thượng Hải (Samsung), một nhà máy do Đài Loan sở hữu ở Thượng Hải (Quanta), hay một nhà máy do Đài Loan sở hữu ở Đài Loan (Compal hay Wistron). Bàn phím đến từ một công ti do Nhật sở hữu ở Tianjin, Trung Quốc (Alps), một nhà máy do Đài Loan sở hữu ở Thẩm Quyến, Trung Quốc (Sunrex), hay một nhà máy do Đài Loan sở hữu ở Suzhou, Trung Quốc (Darfon). Màn hình LCD được làm hoặc ở Hàn Quốc (Samsung hay LG.Philips LCD), Nhật Bản (Toshiba hay Sharp), hay Đài Loan (Chi Mei Optoelectronics, Hannstar Display, hay AU Optronics). Card không dây đến từ một nhà máy Mĩ ở Trung Quốc (Agere) hay Malaysia (Arrow), hoặc một nhà máy Đài Loan ở Đài Loan (Askey hay Gemtek) hay Trung Quốc (USI). Modem được sản xuất bởi một công ti Đài Loan ở Trung Quốc (Asustek hoặc Liteon) hay một công ti Trung Quốc ở Trung Quốc (Foxconn). Pin đến từ một nhà máy Mĩ ở Malaysia (Motorola), một nhà máy Nhật ở Mexico hay Malaysia hay Trung Quốc (Sanyo), hoặc một nhà máy Hàn Quốc hay Đài Loan ở một trong hai nước đó (SDI hay Simplo). Ổ đĩa cứng được làm bởi một nhà máy Mĩ ở Singapore (Seagate), một công ti Nhật ở Thái Lan (Hitachi hoặc Fujitsu), hoặc một công ti Nhật ở Philippines (Toshiba). Ổ đĩa CD/DVD đến từ một công ti Hàn Quốc với các nhà máy nằm ở Indonesia và Philippines (Samsung); một nhà máy Nhật ở Trung Quốc hay Malaysia (NEC); một nhà máy Nhật ở Indonesia, Trung Quốc hay Malaysia (Teac); hoặc một nhà máy Nhật ở Trung Quốc (Sony). Túi đựng máy tính được làm bởi một công ti Ailen ở Trung Quốc (Tenba) hoặc một công ti Mĩ ở Trung Quốc (Targus, Samsonite, hoặc Pacific Design). Bộ chuyển áp được làm bởi một nhà máy Thái Lan ở Thái Lan (Delta) hay một nhà máy Đài Loan, Hàn Quốc, hay Mĩ ở Trung Quốc (Liteon, Samsung, hay Mobility). Dây nguồn được làm bởi một công ti Anh với các nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia, và Ấn Độ (Volex). Thẻ nhớ có thể tháo lắp được sản xuất bởi một công ti Israel ở Israel (M-System) hay một công ti Mĩ có nhà máy ở Malaysia (Smart Modular).
Bản giao hưởng chuỗi cung này – kể từ đơn đặt hàng qua điện thoại của tôi cho đến sản xuất, rồi giao hàng đến tận nhà – là một trong những kì quan của thế giới phẳng.
“Chúng tôi phải cộng tác rất nhiều,” Hunter nói. “Michael [Dell] đích thân biết CEO của các công ti này, và chúng tôi liên tục làm việc với họ để cải tiến quá trình và cân đối cung/cầu theo thời gian thực.” Định hình cầu liên tục diễn ra, Hunter nói. “Định hình cầu” là gì? Nó hoạt động thế này: Vào 10:00 sáng giờ Austin, Dell phát hiện rất nhiều khách hàng đặt các notebook với ổ cứng 40 gigabyte từ buổi sáng nên chuỗi cung của nó sẽ bị thiếu trong vòng hai giờ.
Ngay lập tức tín hiệu này được chuyển sang phòng marketing của Dell và sang trang web Dell.com và đến tất cả các nhân viên trực điện thoại nhận đơn đặt hàng. Nếu bạn tình cờ gọi điện đặt máy tính Dell vào lúc 10:30 sáng, đại diện Dell sẽ nói với bạn, “Tom ạ, hôm nay là ngày may mắn của anh! Trong giờ tới chúng tôi sẽ chào các ổ đĩa 60 gigabyte cho notebook anh muốn – mà chỉ với giá cao hơn loại ổ 40 gig có 10 đôla. Và nếu anh hành động bây giờ, Dell sẽ tặng thêm anh túi xách đi kèm, vì chúng tôi đánh giá rất cao anh như một khách hàng.” Trong vòng một hay hai giờ, bằng cách sử dụng các khuyến mãi như vậy, Dell có thể định hình lại cầu về bất cứ phần nào của bất cứ notebook hay máy để bàn nào để thích ứng với cung dự định trong chuỗi cung toàn cầu của nó. Hôm nay bộ nhớ có thể được giảm giá, ngày mai sẽ có thể là CD-ROM.
Quay về câu chuyện chiếc notebook của tôi, ngày 13 tháng Tư, lúc 11:29 sáng, toàn bộ các chi tiết đã được đặt vào các thùng kiểm kê just-in-time [kịp thời] ở Penang, và chiếc máy được lắp bởi A. Sathini, một thành viên của nhóm, “người tự tay bắt vít tất cả các chi tiết từ gom các bộ phận đến nhãn mác cần thiết cho máy của Tom,” Dell nói vậy trong báo cáo sản xuất gửi cho tôi. “Sau đó máy được gửi xuống băng chuyền để đi đến phòng thử nóng, nơi các phần mềm mà Tom muốn được tải vào.” Dell có dãy máy chủ khổng lồ chứa các phần mềm mới nhất của Microsoft, Norton Utilities, và các ứng dụng phổ biến khác, được tải vào mỗi chiếc máy tính mới theo sở thích cụ thể của khách hàng.
“2:45 chiều, phần mềm của Tom đã được tải xong, và [được] chuyển bằng tay sang dây chuyền đóng gói. 4:05 chiều, máy của Tom [được] đặt vào xốp bảo vệ và một hộp, với một nhãn chứa số đơn đặt hàng, mã theo dõi, loại hệ thống, và mã chuyển hàng. 6:04 chiều, máy của Tom được đưa lên một pallet với một bản kê khai cụ thể, để thiết bị Merge biết được khi nào máy sẽ tới, nằm trên pallet nào (trong số hơn 75 pallet, mỗi pallet chứa 152 máy), và địa chỉ mà Tom muốn máy được chuyển tới. 6:26 chiều, máy của Tom rời [khỏi nhà máy Dell] để đi về phía sân bay Penang, Malaysia.”
Sáu ngày một tuần Dell thuê một máy bay China Airlines 747 bay từ Đài Loan để chuyển hàng từ Penang đến Nashville qua ngả Đài Bắc. Mỗi chiếc 747 chở hai mươi nhăm nghìn notebook Dell, nặng tổng cộng 110.000 kg, hay 50.000 pound. Đó là chiếc 747 duy nhất từng đậu ở Nashville, ngoại trừ máy bay của Air Force One, khi có tổng thống đến thăm. “Ngày 15 tháng Tư, 2004, vào lúc 7:41 sáng, máy của Tom đến [Nashville], cùng với những chiếc máy tính Dell khác từ Penang và Limerick. 11:58 sáng, máy của Tom [được] cho vào một cái hộp to hơn, đi đến dây chuyền đóng hộp để lấy thêm các phần bên ngoài cụ thể mà Tom đã đặt.”
Mất mười ba ngày kể từ khi tôi đặt hàng. Nếu giả như không có chậm linh kiện ở Malaysia khi đơn đặt hàng của tôi đến nơi, thì thời gian kể từ khi tôi gọi điện đặt hàng cho đến khi notebook được lắp ở Penang và chuyển đến Nashville chỉ mất bốn ngày. Hunter nói toàn bộ chuỗi cung cho máy tính của tôi, kể cả các nhà cung cấp của các nhà cung cấp, dính đến khoảng bốn trăm công ti ở Bắc Mĩ, châu Âu, và chủ yếu châu Á, nhưng với ba mươi tay chơi chủ chốt. Dù vậy, bằng cách nào đó, tất cả đều đồng bộ với nhau. Như Dell báo cáo: Ngày 15 tháng Tư, lúc 12:59 chiều, “máy của Tom được chuyển từ [Nashville] và đến hãng giao nhận UPS (thời gian giao hàng 3-5 ngày, tùy Tom chọn), số hiệu theo dõi của UPS là 1Z13WA374253514697. Ngày 19 tháng Tư, 2004, lúc 6:41 chiều, máy của Tom đến Bethesda, MD, và được kí nhận.”
Tôi kể cho bạn câu chuyện về chiếc notebook của tôi để kể một chuyện khác lớn hơn về địa chính trị trong thế giới phẳng. Với tất cả các lực đã nêu ở chương trước vẫn đang cản trở sự làm phẳng thế giới, hoặc có thể thực sự đảo ngược tiến trình, người ta phải thêm vào một mối đe dọa truyền thống hơn, và đó là nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh theo lối cũ, lay chuyển thế giới, phá hủy nền kinh tế. Có thể là Trung Quốc sẽ quyết định một lần cho mãi mãi là loại bỏ Đài Loan với tư cách một nhà nước độc lập; hoặc Bắc Triều Tiên, vì sợ hãi hay điên rồ, sử dụng một trong các vũ khí nguyên tử của nó chống lại Hàn Quốc hay Nhật Bản; hoặc Israel và một Iran sắp-có-vũ-khí-hạt-nhân đánh lại nhau; hoặc Ấn Độ và Pakistan cuối cùng tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Những xung đột này và các xung đột địa chính trị cổ điến khác có thể nổ ra bất kì lúc nào và hoặc làm chậm sự làm phẳng thế giới lại hay làm gồ ghề nó một cách nghiêm trọng.
Chủ đề thật sự của chương này là bằng cách nào những mối đe doạ địa chính trị đó có thể được làm dịu đi hoặc bị ảnh hưởng bởi các hình thức cộng tác mới, do thế giới phẳng cổ vũ và đòi hỏi – đặc biệt bởi xâu chuỗi cung. Sự làm phẳng thế giới là quá mới mẻ với chúng ta để có thể rút ra được bất kì kết luận dứt khoát nào. Cái chắc chắn, tuy vậy, là khi thế giới phẳng ra, một trong những màn kịch hấp dẫn nhất để xem trong các quan hệ quốc tế sẽ là sự tác động lẫn nhau giữa các mối đe doạ toàn cầu và các chuỗi cung toàn cầu mới nổi lên. Sự tương tác giữa các mối đe doạ cổ xưa (như Trung Quốc đối lại Đài Loan) và các chuỗi cung kịp thời (như Trung Quốc cộng Đài Loan) sẽ là một nguồn nghiên cứu phong phú cho ngành quan hệ quốc tế trong các năm đầu thế kỉ XXI.
Trong Chiếc Lexus và cây Ôliu, tôi đã lập luận rằng ở chừng mực mà các nước cột nền kinh tế và tương lai của họ vào hội nhập và thương mại toàn cầu, nó sẽ hoạt động như một sự kiềm chế tiến hành chiến tranh với các nước láng giềng. Đầu tiên tôi nghĩ đến điều này là cuối các năm 1990, khi, trong các chuyến đi, tôi nhận ra là hai nước cùng có các cửa hàng McDonald’s chưa bao giờ tiến hành chiến tranh chống nhau kể từ khi mỗi nước có McDonald’s. (Không tính đụng độ biên giới nhỏ và nội chiến, vì McDonald’s thường phục vụ cả hai bên.) Sau khi khẳng định điều này với McDonald’s, tôi đã đưa ra cái mà tôi gọi là Lí thuyết các Vòm cửa Vàng về Ngăn ngừa Xung đột. Lí thuyết các Vòm cửa Vàng cho rằng khi một đất nước đạt một mức độ phát triển kinh tế nào đó và có một tầng lớp trung lưu đủ lớn để hỗ trợ cho một hệ thống cửa hàng McDonald’s, nó sẽ trở thành một đất nước McDonald’s. Và người dân trong các nước McDonald’s không còn muốn chiến tranh nữa. Họ thích đứng xếp hàng mua burger hơn. Trong khi điều này hơi hài hước, điểm nghiêm túc mà tôi thử đưa ra là khi các nước được kết vào tấm vải thương mại toàn cầu và nâng cao mức sống, mà có một mạng lưới đặc quyền kinh tiêu McDonald’s trở thành biểu tượng, thì chi phí chiến tranh cả với người chiến thắng và kẻ chiến bại trở nên cao đến mức không thể chấp nhận nổi.
Lí thuyết McDonald’s này đứng khá vững, nhưng giờ đây khi gần như tất cả các nước đều đã có McDonald’s, trừ các nước xỏ lá nhất như Bắc Triều Tiên, Iran, và Iraq thời Saddam Hussein, với tôi có vẻ lí thuyết này cần được cập nhật cho thế giới phẳng. Theo tinh thần đó, và lại hơi hài hước, tôi đưa ra Lí thuyết Dell về Ngăn ngừa Xung đột, mà bản chất là sự tới và phổ biến của các chuỗi cung toàn cầu kịp thời trong thế giới phẳng là sự kiềm chế còn lớn hơn đối với chủ nghĩa phiêu lưu địa chính trị so với sự tăng mức sống nói chung mà McDonald’s tượng trưng.
Lí thuyết Dell quy định: Không hai đất nước nào cùng là phần của một chuỗi cung toàn cầu lớn, như của Dell, sẽ có bao giờ gây chiến tranh với nhau, chừng nào họ vẫn ở trong cùng chuỗi cung đó. Vì người dân được gắn vào các chuỗi cung toàn cầu lớn không muốn tiến hành chiến tranh kiểu cổ nữa. Họ muốn giao các hàng hóa và dịch vụ kịp thời – và hưởng thụ mức sống tăng lên đi cùng với nó. Một trong những người có cảm giác tốt nhất về logic ở sau lí thuyết này là Michael Dell, người sáng lập và chủ tịch Dell.
“Các nước này hiểu được tiền bù rủi ro mà họ có,” Dell nói về các nước trong chuỗi cung Á châu của ông. “Họ khá cẩn thận để bảo vệ quyền lợi hợp lí mà họ đã xây dựng nên hoặc bảo chúng ta vì sao chúng ta không phải lo [về chuyện họ làm bất cứ điều phiêu liêu nào]. Niềm tin của tôi sau khi đến Trung Quốc là sự đổi thay đã diễn ra ở đó là vì lợi ích tốt nhất cho cả thế giới lẫn Trung Quốc. Một khi người ta đã nếm cái mà anh thích gọi là gì cũng được – sự độc lập kinh tế, một lối sống tốt hơn, và một cuộc sống tốt hơn cho con cái họ – họ vồ lấy nó và không muốn từ bỏ nó.”
Mọi loại chiến tranh hay bất ổn chính trị kéo dài ở Đông Á hay Trung Quốc “sẽ có một ảnh hưởng ớn lạnh rất lớn lên các khoản đầu tư vào đây và lên tiến bộ đã được tạo ra ở đó,” Dell nói, rồi nói thêm ông tin các chính phủ ở khu vực hiểu điều này rất rõ. “Chúng tôi đã làm rõ cho họ rằng sự ổn định là quan trọng cho chúng tôi. [Bây giờ] không phải là nỗi lo hàng ngày đối với chúng tôi… Tôi tin rằng khi thời gian và tiến bộ tiếp diễn ở đó, nguy cơ về một sự kiện thật sự gây hỗn loạn giảm xuống theo hàm số mũ. Tôi không nghĩ ngành chúng ta có được đủ uy tín vì cái tốt chúng ta đang làm ở các khu vực này. Nếu bạn kiếm được tiền, có hiệu quả và tăng mức sống của bạn, bạn sẽ không ngồi rồi suy nghĩ, Ai đã làm điều này cho chúng ta? hay Vì sao cuộc sống của chúng ta tồi vậy?”
Có nhiều sự thật trong điều này. Các nước mà công nhân và các ngành tham gia vào một chuỗi cung toàn cầu lớn đều biết rằng họ không thể ngừng lại một giờ, một tuần, một tháng cho chiến tranh mà không phá vỡ các ngành và các nền kinh tế khắp thế giới và do đó chịu rủi ro mất chỗ của họ trong chuỗi cung đó trong một thời gian dài, điều có thể là vô cùng tốn kém. Với một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, là phần của một chuỗi cung toàn cầu cũng giống như khoan đúng mạch dầu – thứ dầu không bao giờ cạn. Và vì thế, bị loại khỏi một chuỗi cung như vậy bởi vì bạn khởi động một cuộc chiến tranh giống như các giếng dầu của bạn bị cạn hay bị ai đó đổ ximăng vào. Chúng sẽ không hề trở lại sớm.
“Bạn sẽ phải trả giá rất đắt cho điều đó,” Glenn E. Neland, phó chủ tịch mua sắm toàn cầu của Dell, nói, khi tôi hỏi ông điều gì sẽ xảy ra nếu một thành viên chính của chuỗi cung ở châu Á quyết định đánh nhau với hàng xóm của mình và phá vỡ chuỗi cung. “Nó sẽ không chỉ bắt bạn phải quỳ gối [hôm nay] mà bạn sẽ còn phải trả giá rất lâu – bởi vì đúng bạn không còn giữ được chút uy tín nào nếu bạn chứng tỏ bạn sẽ hành động vô trách nhiệm. Và Trung Quốc bây giờ mới chỉ bắt đầu để phát triển một mức độ uy tín trong cộng đồng kinh doanh mà nó tạo ra một môi trường kinh doanh trong đó bạn có thể phát đạt – với luật lệ minh bạch và nhất quán.” Neland nói rằng các nhà cung cấp thường hỏi ông có lo về vấn đề Trung Quốc và Đài Loan không, vấn đề đe dọa nảy ra chiến tranh ở nhiều thời điểm trong nửa thế kỉ qua, nhưng câu trả lời chuẩn của ông là, ông không thể tưởng tượng họ “làm bất cứ gì hơn là diễu võ dương oai với nhau.” Neland nói ông có thể nói trong các cuộc trò chuyện và giao thiệp với các công ti và chính quyền trong chuỗi cung của Dell, đặc biệt là Trung Quốc, rằng “họ nhận ra cơ hội và thật sự khao khát tham gia vào cùng các thứ mà họ thấy các nước khác ở châu Á làm. Họ biết ở cuối cầu vồng có một món lời kinh tế lớn và họ thật sự muốn cái đó. Năm nay chúng tôi sẽ tiêu khoảng 35 tỉ đôla để sản xuất các linh kiện, và 30% số đó [là ở] Trung Quốc.”
Nếu bạn theo dõi sự tiến hóa của các chuỗi cung, Neland nói thêm, bạn thấy sự thịnh vượng và ổn định mà chúng thúc đẩy đầu tiên ở Nhật, sau đó ở Hàn Quốc và Đài Loan, còn bây giờ là ở Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, và Indonesia. Một khi các nước đã gắn vào các chuỗi cung toàn cầu này, “họ cảm thấy mình là một phần của cái gì đó lớn hơn việc kinh doanh của riêng họ nhiều,” ông nói. Một buổi chiều tại Tokyo, Osamu Watanabe, CEO của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), giải thích cho tôi bằng cách nào các công ti Nhật chuyển rất nhiều công việc kĩ thuật và sản xuất ở mức thấp và trung bình sang Trung Quốc, thực hiện công việc sản xuất cơ bản ở đó, rồi mang trở về Nhật Bản để lắp ráp. Nhật Bản làm việc đó bất chấp di sản cay đắng về ngờ vực giữa hai nước, mà việc Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc trong thế kỉ vừa qua đã làm tăng lên. Về lịch sử, ông lưu ý, một nước Nhật mạnh và một Trung Quốc mạnh đã có một sự tồn tại chung khó nhọc. Song ngày nay đã khác, ít nhất là lúc này. Tại sao không? Tôi hỏi. Lí do khiến bạn có một nước Nhật mạnh và một Trung Quốc mạnh vào cùng một thời điểm, ông nói, “là nhờ vào chuỗi cung.” Đó là [tình huống] cả hai đều thắng.
Rõ ràng, vì Iraq, Syria, Nam Lebanon, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Afghanistan, và Iran không là phần của bất cứ chuỗi cung lớn nào, tất cả họ vẫn là các điểm nóng có thể bùng nổ bất kì lúc nào và làm chậm hay đảo ngược sự làm phẳng thế giới. Như câu chuyện về chiếc notebook của tôi chứng thực, sự thử thách quan trọng nhất của Lí thuyết Dell về Ngăn ngừa Xung đột là tình thế giữa Trung Quốc và Đài Loan – vì cả hai đều gắn sâu vào nhiều chuỗi cung quan trọng nhất thế giới về máy tính, điện tử gia dụng, và ngày càng tăng, về phần mềm. Đại đa số các chi tiết máy tính của mọi công ti lớn đều đến từ miền duyên hải Trung Quốc, Đài Loan, và Đông Á. Ngoài ra, riêng Đài Loan hiện nay có hơn 100 tỉ đôla đầu tư ở Trung Hoa đại lục, và các chuyên gia Đài Loan điều hành nhiều công ti sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc.
Không ngạc nhiên là Craig Addison, cựu tổng biên tập tạp chí Electronic Business Asia, viết một tiểu luận cho tờ International Herald Tribune (29-9-2000) nhan đề “Một ‘Tấm lá chắn Silic’ bảo vệ Đài Loan khỏi Trung Quốc.” Ông lập luận rằng “Các sản phẩm dựa vào Silic, như máy tính và các hệ thống mạng, tạo nên nền tảng của các nền kinh tế số ở Mĩ, Nhật Bản và các nước phát triển khác. Trong thập kỉ vừa qua, Đài Loan đã trở thành nhà sản xuất phần cứng công nghệ thông tin lớn thứ ba thế giới, sau Mĩ và Nhật. Sự xâm lấn quân sự của Trung Quốc chống Đài Loan có thể cắt một phần lớn cung các sản phẩm này của thế giới… Một diễn tiến như vậy có thể xoá đi hàng ngàn tỉ đôla giá trị thị trường của các công ti công nghệ niêm yết ở Mĩ, Nhật và châu Âu.” Cho dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc, như cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, người từng có thời là bộ trưởng bộ điện tử, có bỏ sót việc cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đã hội nhập ra sao trong chuỗi cung máy tính thế giới, họ chỉ cần hỏi con mình để được cập nhật. Con trai Giang Trạch Dân, Jiang Mianheng, Addison viết, “là một đối tác trong một dự án sản xuất phiến bán dẫn ở Thượng Hải với Winston Wang thuộc Grace T.H.W. Group của Đài Loan.” Và không chỉ có người Đài Loan.
Hàng trăm công ti công nghệ lớn của Mĩ hiện nay có hoạt động R&D ở Trung Quốc; một cuộc chiến tranh phá vỡ chúng không chỉ khiến các công ti chuyển nhà máy của họ đi nơi khác mà còn là một mất mát lớn về đầu tư R&D ở Trung Quốc, mà chính phủ Bắc Kinh đã đặt cược vào để thúc đẩy sự phát triển của nó. Một cuộc chiến tranh như vậy cũng có thể, phụ thuộc vào nó nổ ra thế nào, khiến Mĩ tẩy chay rộng rãi hàng hóa Trung Quốc – nếu Trung Quốc tiêu diệt nền dân chủ Đài Loan – việc này sẽ dẫn đến xáo động kinh tế nghiêm trọng bên trong Trung Quốc.
Lí thuyết Dell trải qua thử thách thực đầu tiên vào tháng Chạp 2004, khi Đài Loan tổ chức bầu cử quốc hội. Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) ủng hộ độc lập của Tổng thống Trần Thủy Biển được dự kiến chiến thắng cuộc đua lập pháp trước đối thủ chính, Đảng Dân tộc chủ nghĩa, chủ trương quan hệ gần gũi với Bắc Kinh. Trần bố trí cuộc bầu cử như một cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất của ông để viết một hiến pháp mới, hiến pháp sẽ chính thức khẳng định độc lập của Đài Loan, chấm dứt hiện trạng cố ý mập mờ. Nếu giả như Trần chiến thắng và đi tới với chương trình nghị sự của mình biến Đài Loan thành tổ quốc của chính nó, trái với duy trì hưu cấu hiện trạng rằng nó là một tỉnh của đại lục, nó đã có thể dẫn đến tấn công quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan. Mọi người trong khu vực đều nín thở. Và điều gì đã xảy ra? Bo mạch mẹ [Motherboards] đã chiến thắng đất mẹ [motherland-tổ quốc]. Đa số người Đài Loan đã bỏ phiếu chống lại các ứng cử viên lập pháp thuộc đảng cầm quyền ủng hộ độc lập, để đảm bảo DPP không có được đa số trong nghị viện. Tôi tin thông điệp mà các cử tri Đài Loan muốn gửi không phải là họ không bao giờ muốn Đài Loan độc lập. Mà là họ không muốn phá vỡ nguyên trạng ngay bây giờ, cái đã rất có lợi cho rất nhiều người Đài Loan. Các cử tri dường như hiểu rõ họ đã trở nên gắn bó với đại lục đến thế nào, và họ đã khôn ngoan lựa chọn duy trì sự độc lập de facto [thực tế] của mình, hơn là cố ép sự độc lập de jure [về pháp lí], việc có thể đã kích sự xâm lấn của Trung Quốc và một tương lai hết sức không chắc chắn.
Cảnh báo: Cái tôi đã nói khi tôi đề nghị lí thuyết McDonald’s, tôi có thể nhắc lại thậm chí còn hăm hở hơn với Lí thuyết Dell: Nó không biến các cuộc chiến tranh thành lỗi thời. Và nó không đảm bảo rằng các chính phủ sẽ không tiến hành các cuộc chiến tranh ưa chọn hơn, ngay cả các chính phủ là phần của các chuỗi cung lớn.
Gợi ý như vậy là quá ngây thơ. Nó chỉ đảm bảo rằng các chính phủ mà đất nước sa vào các chuỗi cung toàn cầu sẽ phải suy nghĩ ba lần, chứ không phải hai, về việc tham gia vào bất cứ thứ gì trừ một chiến tranh tự vệ. Và nếu họ vẫn chọn đi vào chiến tranh dù sao đi nữa, cái giá họ sẽ phải trả là mười lần cao hơn cái giá của một thập kỉ trước và có lẽ mười lần cao hơn bất cứ gì mà các nhà lãnh đạo của nước đó nghĩ đến. Một chuyện là mất McDonald’s của bạn. Chuyện hoàn toàn khác là tiến hành một cuộc chiến tranh làm bạn mất đi chỗ của mình trong chuỗi cung toàn cầu thế kỉ XXI, vị trí sẽ có thể không trở lại trong một thời dài.
Trong khi trường hợp thử thách lớn nhất của Lí thuyết Dell là Trung Quốc đối lại Đài Loan, sự thực là Lí thuyết Dell đã tự chứng tỏ mình ở một mức độ nào đó trong trường hợp Ấn Độ và Pakistan, bối cảnh trong đó tôi lần đầu tiên nghĩ về nó. Tôi tình cờ ở Ấn Độ năm 2002, khi các chuỗi cung dịch vụ kịp thời [just-in-time] của nó đã vấp vào một thứ địa chính trị đậm tính thời-xưa – và chuỗi cung đã thắng. Trong trường hợp Ấn Độ và Pakistan, Lí thuyết Dell đã chỉ hoạt động ở một bên – Ấn Độ – nhưng nó vẫn có một ảnh hưởng lớn. Ấn Độ đối với chuỗi cung tri thức và dịch vụ của thế giới như Trung Quốc và Đài Loan là đối với các chuỗi cung sản xuất. Đến giờ các độc giả của cuốn sách này đã biết hết các điểm nổi bật: trung tâm nghiên cứu lớn nhất ngoài Mĩ của General Electric nằm ở Bangalore, với một nghìn bảy trăm kĩ sư, nhà thiết kế, và nhà khoa học Ấn Độ. Bộ vi xử lí của nhiều máy điện thoại di động có nhãn hiệu được thiết kế ở Bangalore. Thuê một ôtô từ Avis trực tuyến? Nó được quản lí ở Bangalore. Lần vết hành lí bị lạc của bạn trên máy bay của Delta hay British Airways được thực hiện ở Bangalore, và công việc kế toán hậu trường và bảo trì máy tính cho rất nhiều hãng toàn cầu được thực hiện từ Bangalore, Mumbai, Chennai, và các thành phố Ấn Độ lớn khác.
Đây là cái đã xảy ra: Ngày 31 tháng Năm, 2002, người phát ngôn của chính phủ Mĩ Richard Boucher đưa ra lời khuyến cáo: “Chúng tôi khuyên các công dân Mĩ hiện đang ở Ấn Độ rời khỏi đó,” vì triển vọng một cuộc đọ sức bằng vũ khí hạt nhân với Pakistan đã trở nên rất thực tế. Cả hai nước tập trung rất đông quân ở biên giới, các báo cáo tình báo ám chỉ rằng cả hai có thể đánh đòn vũ khí hạt nhân, và CNN chiếu hình ảnh những dòng người chạy khỏi Ấn Độ. Các hãng toàn cầu Mĩ, đã chuyển hoạt động hậu trường và R&D sang Bangalore, căng thẳng cao độ.
“Tôi đang lướt Web thì nhìn thấy lời khuyến cáo về Ấn Độ, vào một buổi chiều thứ Sáu,” Vivek Paul, chủ tịch Wipro, công ti quản lí hoạt động hậu trường của nhiều công ti đa quốc gia Mĩ từ Ấn Độ, nói. “Ngay khi nhìn thấy, tôi nói, ‘Quái thật, mọi khách hàng của chúng ta sẽ có cả triệu câu hỏi đây.’ Đó là ngày thứ Sáu trước một kì nghỉ cuối tuần dài, cho nên suốt cuối tuần chúng tôi ở Wipro đã phát triển một kế hoạch kinh doanh liên tục dự phòng cho tất cả các khách hàng của chúng tôi.” Trong khi các khách hàng của Wipro thích thú nhìn công ti xoay xở ra sao trong tình hình nước sôi lửa bỏng, nhiều trong số họ tuy nhiên thấy sợ. Điều này không có trong kế hoạch khi họ quyết định để outsource nghiên cứu và hoạt động quyết định đến sứ mạng sang Ấn Độ. Paul nói, “một CIO của một trong các khách hàng lớn ở Mĩ gửi e-mail cho tôi nói, ‘bây giờ tôi mất rất nhiều thời gian để tìm các nguồn thay thế cho Ấn Độ. Tôi không nghĩ ông muốn tôi làm điều đó, và tôi cũng không muốn làm vậy.’ Tôi chuyển ngay thư đó cho đại sứ Ấn Độ ở Washington và bảo ông chuyển cho người có trách nhiệm.” Paul không muốn nói với tôi đó là công ti nào, song tôi đã xác nhận qua các nguồn tin ngoại giao rằng đó là United Technologies. Và rất nhiều công ti khác, như American Express và General Electric, với hoạt động hậu trường ở Bangalore, đã phải lo lắng ngang thế.
Với nhiều công ti toàn cầu, “phần chủ yếu của công việc kinh doanh của họ bây giờ được hỗi trợ từ đây,” N. Krishnakumar, chủ tịch MindTree, một hãng outsourcing tri thức hàng đầu Ấn Độ khác ở Bangalore, nói. “Nó có thể gây hỗn loạn nếu có rối loạn.” Tuy không muốn can thiệp vào hoạt động ngoại giao, ông nói thêm, “Cái chúng tôi giải thích với chính phủ, qua Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ, là tạo một môi trường hoạt động ổn định, có thể tiên liệu được giờ đây là chìa khóa cho sự phát triển của Ấn Độ.” Đấy quả là một sự giáo dục thật sự cho các nhà lãnh đạo cao tuổi của Ấn Độ ở New Delhi, những người vẫn chưa ý thức được đầy đủ việc Ấn Độ đã trở nên quyết định ra sao đối với chuỗi cung tri thức toàn cầu. Khi bạn quản lí các hoạt động hậu trường cốt tử cho American Express hoặc General Electric hoặc Avis, hoặc có trách nhiệm tìm tất cả hành lí thất lạc của British Airways hay Delta, bạn không thể nghỉ làm một tháng, một tuần, thậm chí một ngày cho chiến tranh mà không gây ra những đổ vỡ ghê gớm cho các công ti đó. Một khi các công ti đó đã cam kết outsource các hoạt động kinh doanh hay nghiên cứu sang Ấn Độ, họ kì vọng sẽ ở lại đó. Đó là một cam kết quan trọng. Và nếu địa chính trị gây ra một đứt gãy nghiêm trọng, họ sẽ bỏ đi, và họ sẽ không dễ dàng quay lại. Khi bạn đánh mất loại thương mại dịch vụ này, bạn có thể mất nó vĩnh viễn.
“Cái kết thúc biến cố trong thế giới phẳng mà ông miêu tả,” Paul giải thích, “là bạn chỉ có một cơ hội để làm đúng nếu có cái gì đó sai. Vì sự bất lợi khi sống trong một thế giới phẳng là bất chấp tất cả các cam kết và thứ đẹp đẽ và lối ra khỏi các rào cản mà bạn có, mọi khách hàng đều có nhiều lựa chọn, và vì thế ý thức trách nhiệm mà bạn có không phải chỉ xuất phát từ mong muốn làm điều tốt cho khách hàng của bạn, mà còn là một mong muốn tự bảo toàn.”
Chính phủ Ấn Độ hiểu được thông điệp. Có phải vị trí trung tâm của Ấn Độ trong chuỗi cung dịch vụ của thế giới là nhân tố duy nhất khiến thủ tướng Vajpayee phải hạ giọng và lùi khỏi bờ vực? Dĩ nhiên không. Chắc chắn còn có các nhân tố khác nữa – đáng kể nhất là tác động ngăn chặn của kho vũ khí hạt nhân riêng của Pakistan. Song rõ ràng là vai trò của Ấn Độ trong các dịch vụ toàn cầu là một nguồn thêm quan trọng cho sự kiềm chế hành vi của nó, và nó được New Delhi tính đến. “Tôi nghĩ nó thức tỉnh rất nhiều người,” Jerry Rao, như đã nói ở trên ông đứng đầu hiệp hội thương mại công nghệ cao Ấn Độ, nói. “Chúng tôi tiến hành hết sức nghiêm túc, và chúng tôi cố gắng chỉ ra là điều này rất tai hại cho việc kinh doanh của Ấn Độ. Nó rất tai hại cho nền kinh tế Ấn Độ… [Nhiều người] đến khi đó vẫn chưa nhận ra chúng tôi đã hội nhập đột ngột thế nào vào phần còn lại của thế giới. Bây giờ chúng tôi là các đối tác trong một chuỗi cung hoạt động hai mươi tư giờ một ngày, bảy ngày một tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm.”
Vivek Kulkarni, lúc đó phụ trách công nghệ thông tin của chính phủ địa phương Bangalore, bảo tôi năm 2002, “Chúng tôi không dính đến chính trị, song chúng tôi làm cho chính phủ chú ý đến các vấn đề mà ngành IT Ấn Độ có thể phải đối mặt nếu có chiến tranh.” Và đấy là một nhân tố hoàn toàn mới cho New Delhi để cân nhắc. “Mười năm trước, [vận động hành lang của các bộ trưởng IT từ các bang khác nhau] chưa hề tồn tại,” Kulkarni nói. Bây giờ đó là một trong các công việc vận động hành lang quan trọng nhất ở Ấn Độ và là một liên minh mà không chính phủ Ấn Độ nào có thể bỏ qua.
“Với tất cả lòng kính trọng cần có, việc [đóng cửa] các cửa hàng McDonald’s sẽ không làm hại bất cứ gì,” Vivek Paul nói, “nhưng nếu Wipro phải đóng cửa, chúng tôi sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của nhiều, rất nhiều công ti.” Không có ai trả lời điện thoại ở các call center. Nhiều trang thương mại điện tử được hỗ trợ từ Bangalore sẽ tắt ngấm. Nhiều công ti lớn dựa vào Ấn Độ để bảo trì các ứng dụng máy tính then chốt hay quản lí các phòng nhân lực hay hóa đơn của họ sẽ bị kẹt. Và các công ti này không muốn tìm người thay thế, Paul nói. Thay đột ngột là rất khó khăn, vì tiếp quản các hoạt động hậu trường hàng ngày quyết định đến sứ mạng của một công ti toàn cầu đòi hỏi rất nhiều đào tạo và kinh nghiệm. Nó không giống với việc mở một quán ăn nhanh. Chính vì thế, Paul nói, khách hàng của Wipro bảo ông, “‘Tôi đã đầu tư vào ông. Tôi cần ông thật trách nhiệm với lòng tin mà tôi đặt vào ông.’ Và tôi nghĩ điều đó tạo ra một áp lực khổng lồ lên chúng tôi, nên chúng tôi phải hoạt động theo cách đầy trách nhiệm… Bất thình lình trở nên còn rõ hơn là, có nhiều lợi bằng lợi ích kinh tế hơn là bằng lợi ích địa chính trị. [Chúng tôi có nhiều hơn để được từ xây dựng] một tầng lớp trung lưu sống động, giàu có hơn có khả năng tạo ra một ngành xuất khẩu, hơn là có thể có được bằng một cuộc chiến tranh tự-thỏa-mãn-cái-tôi với Pakistan.” Chính phủ Ấn Độ cũng nhìn quanh và nhận ra rằng tuyệt đại đa số một tỉ người Ấn Độ đang nói, “Tôi muốn một tương lai tốt hơn, chứ không phải nhiều lãnh thổ hơn.” Khi tôi hỏi đi hỏi lại giới trẻ Ấn Độ làm việc tại các call center xem họ nghĩ gì về Kashmir hay một cuộc chiến tranh với Pakistan, họ phẩy tay với cùng câu trả lời: “Chúng tôi có việc tốt hơn để làm.” Và họ có thật. Mĩ cần phải ghi nhớ điều này khi cân nhắc cách tiếp cận chung của nó đối với outsourcing. Tôi sẽ không bao giờ chủ trương chuyển việc làm của một số người Mĩ ra nước ngoài chỉ để nó sẽ giữ cho Ấn Độ và Pakistan hòa hảo với nhau. Nhưng tôi sẽ nói rằng trong chừng mực quá trình này diễn ra, được dẫn dắt bởi logic kinh tế nội tại của nó, nó sẽ có một ảnh hưởng địa chính trị tích cực. Chắc chắn nó sẽ khiến thế giới trở nên an toàn hơn cho trẻ con Mĩ.
Tất cả các nhà lãnh đạo kinh doanh Ấn Độ mà tôi đã phỏng vấn đều lưu ý rằng trong trường hợp có hành động khủng bố hoặc xâm lược của Pakistan, Ấn Độ sẽ làm tất cả để tự vệ, và họ sẽ là những người đầu tiên ủng hộ điều đó – Lí thuyết Dell thế là tan tành. Đôi khi chiến tranh là không thể tránh khỏi. Nó bị ứng xử liều lĩnh của người khác áp đặt lên bạn, và bạn đơn thuần phải trả giá. Nhưng Ấn Độ, và hi vọng cả Pakistan, càng dính sâu vào các chuỗi cung dịch vụ toàn cầu, họ sẽ càng có ít khuyến khích để chiến đấu bất cứ gì ngoài đụng độ biên giới nhỏ hoặc một cuộc khẩu chiến.
Ví dụ về khủng hoảng hạt nhân Ấn Độ - Pakistan năm 2002 chí ít cũng cho chúng ta một chút hi vọng. Không phải General [tướng] Powell mà là General Electrics mang lại sự ngừng bắn.
Chúng ta mang những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

INFOSYS ĐỐI LẠI AL-QAEDA

Thật không may, ngay cả GE chỉ có thể làm được bấy nhiêu. Bởi vì một nguồn mới gây bất ổn địa chính trị đã nổi lên trong các năm gần đây, mà ngay cả Lí thuyết Dell cập nhật cũng không thể cho sự kiềm chế nào. Đó là sự nổi lên của các chuỗi cung toàn cầu bị đột biến – tức là, các diễn viên phi nhà nước, những kẻ tội phạm hay khủng bố, học cách dùng tất cả các yếu tố của thế giới phẳng để tiến hành chương trình gây bất ổn cao độ, thậm chí hư vô. Lần đầu tôi nghĩ đến điều này khi Nandan Nilekani, CEO của Infosys, dẫn tôi đi thăm trung tâm hội thảo từ xa ở đại bản doanh Bangalore của hãng ông, mà tôi đã kể ở chương I. Khi Nandan giải thích cho tôi Infosys làm thế nào có thể tập hợp chuỗi cung toàn cầu của nó trong nháy mắt cho một cuộc họp ảo trong phòng đó, một ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi: Ai khác nữa dùng open-sourcing và xâu chuỗi cung rất sáng tạo như vậy? Câu trả lời, dĩ nhiên, là al-Qaeda.
Al-Qaeda đã học để dùng nhiều công cụ cộng tác toàn cầu mà Infosys sử dụng, nhưng thay cho tạo ra các sản phẩm và thu lợi từ đó, nó lại tạo ra hỗn loạn và tàn sát. Đây là một vấn đề đặc biệt nan giải. Thực ra, nó có thể là vấn đề địa chính trị đau đầu nhất đối với các nước thế giới phẳng muốn tập trung vào tương lai. Thế giới phẳng – đáng tiếc – lại là bạn của cả Infosys và al-Qaeda. Lí thuyết Dell sẽ không hề hoạt động chống lại các mạng lưới khủng bố Islamo-Leninist phi hình thức này, bởi vì bọn chúng không phải là một nhà nước với một dân cư buộc các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình hay với một lực lượng vận động hành lang kinh doanh nội địa có thể hạn chế chúng. Các chuỗi cung toàn cầu đột biến này được hình thành cho mục đích phá hoại, không phải vì lợi nhuận. Bọn chúng không cần các nhà đầu tư, chỉ cần lính mới, người cho tiền, và nạn nhân. Thế mà các chuỗi cung đột biến, di động, tự tài trợ này sử dụng tất cả các công cụ cộng tác do thế giới phẳng cung cấp – open-sourcing để gây quỹ, tuyển người theo, kích thích và truyền bá tư tưởng; outsourcing để đào tạo lính mới; và xâu chuỗi cung để phân phối công cụ và bọn đánh bom liều chết để làm nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh Trung tâm Mĩ [lực lượng phản ứng nhanh ở vùng trung đông, trung Á, bắc Phi của Mĩ] có một cái tên cho toàn bộ mạng lưới ngầm này: Caliphate [Lãnh địa vua Hồi] Ảo. Và những kẻ lãnh đạo và sáng chế của nó hiểu thế giới phẳng cũng giỏi như Wal-Mart, Dell, và Infosys.
Trong chương trước, tôi đã cố giải thích rằng bạn không thể hiểu được sự xuất hiện của al-Qaeda một cách cảm xúc và chính trị nếu không dẫn chiếu đến sự làm phẳng thế giới. Ở đây tôi muốn lập luận rằng bạn không thể hiểu được sự xuất hiện của al-Qaeda về kĩ thuật nếu không dẫn chiếu, vẫn vậy, đến sự làm phẳng thế giới. Nhìn chung toàn cầu hóa từng là bạn của al-Qaeda theo nghĩa nó giúp củng cố một sự hồi sinh của bản sắc và sự đoàn kết Hồi giáo, khi tín đồ Hồi giáo ở một nước có khả năng nhìn thấy và đồng cảm với cuộc chiến đấu của anh em cùng đạo ở một nước khác – nhờ Internet và truyền hình vệ tinh. Đồng thời, như đã được chỉ ra ở chương trước, quá trình làm phẳng này đã làm tăng cảm giác tủi hổ ở một số khu vực trong thế giới Hồi giáo về sự thực rằng các nền văn minh mà một thời thế giới Hồi giáo cảm thấy mình cao hơn – Hindu, Do Thái, Thiên chúa giáo, Trung Quốc – giờ đều vượt lên trước nhiều nước Hồi giáo, và ai cũng thấy điều đó. Sự làm phẳng thế giới cũng dẫn đến quá trình đô thị hóa và nhập cư ở mức độ lớn sang phương Tây của nhiều đàn ông Hồi giáo trẻ, thất nghiệp, và thất vọng, và đồng thời làm cho các mạng open-source phi hình thức của những thanh niên này dễ hình thành, hoạt động, và kết nối với nhau hơn. Đấy chắc chắn là một ân huệ cho các nhóm chính trị Hồi giáo cực đoan ngầm. Có một sự phát triển tràn lan của các chuỗi cung phi chính thức chung này trên khắp thế giới Arập-Hồi giáo ngày nay – các mạng lưới nhỏ gồm những người chuyển tiền qua các hawala (các mạng lưới tài trợ trao tay), người thì tuyển qua hệ thống giáo dục thay thế như madrassas, và người thì liên lạc qua Internet và các công cụ khác của cách mạng thông tin toàn cầu. Hãy nghĩ về nó: Một thế kỉ trước, bọn vô chính phủ bị giới hạn về khả năng liên lạc và cộng tác với nhau, để tìm những người đồng tình, và tụ tập với nhau cho một hoạt động. Ngày nay, với Internet, không còn là vấn đề. Ngày nay ngay cả Unabomber [kẻ đánh bom một mình] cũng có thể tìm được bạn để nhập vào một consortium nơi “sức mạnh” của hắn sẽ được nhân lên và củng cố bởi những người khác có một thế giới quan lệch lạc hệt như của hắn.
Điều mà chúng ta đã chứng kiến ở Iraq còn là một đột biến tai ác hơn của chuỗi cung đột biến này – chuỗi cung tự sát. Kể từ đầu cuộc xâm chiếm của Mĩ vào tháng Ba 2002, hơn hai trăm kẻ nổ bom tự sát đã được tuyển ở Iraq và từ nơi khác trong thế giới Hồi giáo, được đưa đến biên giới Iraq bởi một hệ thống ngầm nào đó, kết nối với những kẻ làm bom ở đó, và rồi lao vào các mục tiêu Mĩ và Iraq, theo yêu cầu chiến thuật hàng ngày của các lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở Iraq. Tôi có thể hiểu, nhưng không thể chấp nhận, ý nghĩ rằng hơn ba mươi bảy năm Israel chiếm đóng khu Bờ Tây có thể dẫn một số người Palestine đến cơn điên giận tự sát. Nhưng cuộc chiếm đóng của Mĩ ở Iraq mới chỉ được vài tháng trước khi bắt đầu vấp phải chuỗi cung tự sát này. Làm sao tuyển được nhiều thanh niên “từ trên kệ [hàng]” sẵn sàng tự sát vì sự nghiệp của jihad, mà nhiều người trong số đó còn không phải là người Iraq? Và bọn họ thậm chí không nhận diện bằng tên hay muốn được danh tiếng – chí ít trên cõi đời này. Sự thực là các cơ quan tình báo phương Tây không có manh mối gì về chuỗi cung tự sát ngầm, dường như có một kho vô tận lính mới này hoạt động ra sao, và về cơ bản làm cho quân đội Mĩ ở Iraq lúng túng. Dù vậy, theo những gì chúng ta biết, Caliphate Ảo này hoạt động giống hệt các chuỗi cung mà tôi đã miêu tả ở trên. Hệt như khi bạn nhấc một món từ kệ hàng tại một cửa hàng giảm giá ở Birmingham lên, một món khác được sản xuất ở Bắc Kinh, như thế bọn bán lẻ tự sát vừa triển khai một kẻ đánh bom tự sát ở Baghdad, một kẻ khác được tuyển mộ ngay và được nhồi sọ ở Beirut. Trong chừng mực chiến thuật này lan tràn, cần phải suy nghĩ lại cơ bản học thuyết quân sự của Mĩ.
Thế giới phẳng cũng là một ân huệ to lớn cho al-Qaeda và bè lũ, vì cách mà nó cho phép kẻ nhỏ hành động lớn, và cách nó cho phép các hành động nhỏ – chỉ giết một vài người- để mang lại hiệu ứng lớn. Đoạn video khủng khiếp về các chiến binh Hồi giáo chặt đầu phóng viên tờ Wall Street Journal Danny Pearl ở Pakistan được truyền trên Internet khắp thế giới. Không nhà báo nào ở bất kì đâu xem hay thậm chí chỉ đọc tin mà không cảm thấy khiếp sợ. Nhưng các đoạn video chặt đầu đó cũng được dùng làm công cụ tuyển mộ. Thế giới phẳng giúp bọn khủng bố truyền sự khủng bố của chúng dễ dàng hơn nhiều. Với Internet bọn chúng thậm chí không cần qua một hãng tin phương Tây hay Arập nào mà có thể phát thẳng đến máy tính của bạn. Tốn ít dynamite hơn nhiều để truyền nỗi lo lớn hơn rất nhiều. Hệt như quân đội Mĩ từng o bế các nhà báo, chuỗi cung tự sát cũng o bế bọn khủng bố, theo cách riêng của chúng, để kể cho chúng ta câu chuyện bên phía chúng. Đã bao nhiêu lần tôi tỉnh dậy buổi sáng, bật Internet, và đối mặt với hình ảnh video về một kẻ cầm súng đeo mặt nạ dọa chặt đầu một người Mĩ – tất cả được mang đến cho tôi nhờ ơn trang chủ AOL? Internet là một công cụ hết sức hữu hiệu để gieo rắc tuyên truyền, các lí luận âm mưu, và các điều giả dối thô kệch, vì nó kết hợp một tầm với khổng lồ với lớp sơn bóng công nghệ làm cho mọi thứ trên Internet bằng cách nào đó có vẻ đáng tin hơn. Đã bao nhiêu lần bạn nghe ai đó nói, “Tôi đọc được trên Internet mà,” cứ như thế là đủ cho một lí lẽ? Thực ra, Internet có thể làm cho các thứ tồi tệ hơn. Nó thường dẫn đến nhiều người hơn bị phơi ra cho các lí luận âm mưu điên rồ.
“Hệ thống truyền bá mới – Internet – chắc để truyền đi cái phi lí hơn là cái hợp lí,” lí thuyết gia chính trị Yaron Ezrahi, chuyên về tương tác giữa các phương tiện truyền thông và chính trị, nói. “Vì cái phi lí chứa đựng nhiều cảm xúc hơn, đòi hỏi ít tri thức hơn, giải thích được nhiều thứ hơn cho nhiều người hơn, dễ tiếp nhận hơn.” Đó là vì sao thế giới Arập-Hồi giáo ngày nay đầy rẫy các lí luận âm mưu – và thật không may điều đó cũng xảy đến với nhiều khu vực ở thế giới phương Tây. Các lí luận âm mưu giống như một thứ ma tuý đi thẳng vào mạch máu bạn, khiến bạn nhìn thấy “Ánh sáng.” Và Internet là cái kim tiêm. Thanh niên đã thường dùng LSD để giải thoát. Ngày nay họ chỉ cần lên mạng. Ngày nay bạn không triệt hạ, bạn tải xuống. Bạn tải xuống cái quan điểm chính xác, khẳng định mọi thành kiến riêng của bạn. Và thế giới phẳng khiến cho tất cả việc đó dễ dàng hơn rất nhiều.
Gabriel Weimann, một giáo sư về truyền thông ở Đại học Haifa, Israel, đã thực hiện một nghiên cứu sâu sắc về việc bọn khủng bố sử dụng Internet và cái mà tôi gọi là thế giới phẳng, được Viện Hòa bình Mĩ công bố vào tháng Ba 2004 và được trích đăng lại trên YaleGlobal Online ngày 26-4-2004. Ông đưa ra các điểm sau:
Trong khi mối nguy mà chủ nghĩa khủng bố mạng gây ra cho Internet thường xuyên được bàn đến, mối đe dọa do bọn khủng bố sử dụng Internet gây ra lại ít được biết đến một cách đáng ngạc nhiên. Một nghiên cứu mới đây kéo dài sáu năm cho thấy các tổ chức khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng đang sử dụng tất cả các công cụ mà Internet cung cấp để tuyển mộ, gây quỹ, và tung ra chiến dịch gây sợ hãi trên phạm vi toàn cầu. Cũng rõ ràng là để chiến đấu chống lại nạn khủng bố một cách hiệu quả, chỉ ngăn các công cụ Internet của chúng là chưa đủ. Quét qua Internet trong năm 2003-04 chúng tôi đã phát hiện sự tồn tại của hàng trăm website phục vụ bọn khủng bố theo những cách khác nhau, tuy có đôi khi trùng lặp… Có vô số ví dụ về [bọn khủng bố] dùng phương tiện không bị kiểm duyệt này thế nào để phổ biến thông tin đánh lạc hướng, để đe dọa, gieo rắc sợ hãi và tuyệt vọng, và phổ biến các hình ảnh khủng khiếp về các hành động mới xảy ra. Từ 11-9-2001, al-Qaeda đã trang trí các website của mình bằng một loạt tuyên bố về một “cuộc tấn công lớn” sắp tới vào các mục tiêu Mĩ. Các cảnh báo này được các phương tiện thông tin truyền lại rất nhiều, giúp tạo ra một cảm giác kinh sợ và bất an khắp thế giới, đặc biệt là ở Mĩ…
Internet đã mở rộng đáng kể cơ hội cho bọn khủng bố được thiên hạ biết đến. Cho đến khi xuất hiện Internet, hi vọng của bọn khủng bố để được thiên hạn biết về sự nghiệp và hoạt động của chúng phụ thuộc vào việc thu hút sự chú ý của truyền hình, đài phát thanh, hay các ấn phẩm. Việc bản thân bọn khủng bố trực tiếp kiểm soát nội dung các website của mình cho phép chúng có thêm cơ hội để tạo dựng được hình ảnh mà các độc giả mục tiêu cảm nhận về chúng và giả mạo hình ảnh của chúng và bóp méo hình ảnh của kẻ thù. Phần lớn các website khủng bố không ăn mừng các hành động bạo lực của chúng. Thay vào đó – bất chấp bản chất, động cơ, hay địa điểm của chúng – phần lớn các website khủng bố nhấn mạnh hai vấn đề: những cấm đoán đối với tự do ngôn luận; và hoàn cảnh khó khăn của các chiến hữu của chúng những người hiện là tù nhân chính trị. Các vấn đề này cộng hưởng mạnh với những người ủng hộ chúng và cũng được tính toán để khơi gợi cảm tình từ người xem phương Tây, coi trọng tự do ngôn luận và không tán thành các biện pháp bịt miệng cánh chính trị đối lập…
Bọn khủng bố đã tỏ ra không chỉ thành thạo về marketing trực tuyến mà còn tinh thông về khai thác dữ liệu từ khoảng một tỉ trang trên WWW, mạng toàn cầu. Chúng có thể học từ Internet về lịch trình và địa điểm của các mục tiêu như các phương tiện vận tải, các nhà máy điện nguyên tử, các tòa nhà công, cảng biển và sân bay, thậm chí cả các biện pháp chống khủng bố. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, một tài liệu đào tạo của al-Qaeda tìm được ở Afghanistan dạy rằng, “Sử dụng các nguồn chung một cách công khai mà không cần đến các cách thức phạm pháp, có thể thu thập được ít nhất 80% tất cả thông tin cần thiết về kẻ thù.” Một chiếc máy tính thu được của al-Qaeda chứa các đặc điểm kĩ thuật và kiến trúc của một đập nước, được tải về từ trên mạng và có thể cho phép các kĩ sư và kế hoạch gia của al-Qaeda mô phỏng sự vỡ đê thảm khốc. Trong các máy tính thu được khác, các nhà điều tra Mĩ tìm thấy bằng chứng rằng các nhân vật điều hành al-Qaeda đã dành thời gian vào các website cung cấp phần mềm và hướng dẫn lập trình cho các chuyển mạch số vận hành các mạng lưới điện, nước, giao thông, và liên lạc.
Giống nhiều tổ chức chính trị khác, các nhóm khủng bố dùng Internet để gây quỹ. Al-Qaeda, chẳng hạn, luôn luôn phụ thuộc nặng vào các khoản quyên góp, và mạng lưới gây quỹ toàn cầu dựa vào một quỹ từ thiện, các tổ chức phi chính phủ, và nhiều thiết chế tài chính khác sử dụng các website và các phòng chat, và các diễn đàn trên Internet. Các chiến binh tại cộng hòa Chechnya li khai cũng sử dụng Internet để đưa công khai số tài khoản ngân hàng cho các cảm tình viên đóng góp. Và tháng Chạp 2001, chính phủ Mĩ tịch thu tài sản của một quỹ từ thiện đóng ở Texas vì có quan hệ với Hamas.
Ngoài việc quyên tiền trực tuyến, bọn khủng bố tuyển người cải đạo bằng cách dùng đầy đủ công nghệ website (âm thanh, hình ảnh số, v.v…) để nâng cao việc trình bày thông điệp của chúng. Và cũng giống như các website thương mại thu hút người vào thăm để xây dựng danh sách khách hàng của mình, các tổ chức khủng bố cũng lấy thông tin của những người thăm website của chúng. Các khách quan tâm nhất đến sự nghiệp của tổ chức hay thích hợp cho việc thực hiện công việc của nó sẽ được tiếp xúc. Những kẻ tuyển mộ cũng có thể sử dụng nhiều công nghệ Internet tương tác hơn để lang thang các phòng chat hoặc quán cyber cà phê, tìm các thành viên dễ tiếp thu từ công chúng, đặc biệt là thanh niên. Viện SITE, một nhóm nghiên cứu chống khủng bố đặt trụ sở tại Washington chuyên theo dõi liên lạc Internet của al-Qaeda, cung cấp các chi tiết gây ớn lạnh của một đợt tuyển mộ công nghệ cao được tung ra năm 2003 nhằm tuyển mộ lính đi Iraq để tấn công các lực lượng Mĩ và liên quân ở đó. Internet cũng cho bọn khủng bố một phương tiện kết nối rẻ và hiệu quả. Nhiều nhóm khủng bố, trong đó có Hamas và al-Qaeda, đã trải qua một chuyển đổi từ các tổ chức có tôn ti chặt chẽ với các lãnh tụ được chỉ định thành các quan hệ chi nhánh của các chi bộ nửa độc lập, không có thứ bậc chỉ huy đơn nhất. Thông qua Internet, các nhóm liên kết lỏng lẻo này có khả năng giữ liên lạc với nhau – và với các thành viên của các nhóm khủng bố khác. Internet không chỉ kết nối các thành viên của cùng các tổ chức khủng bố, mà cả thành viên của các nhóm khác nhau. Chẳng hạn, hàng chục website ủng hộ chủ nghĩa khủng bố nhân danh jihad cho phép bọn khủng bố ở các nơi rất xa nhau như Chechnya và Malaysia trao đổi ý tưởng với nhau và những thông tin như chế tạo bom, xây dựng các chi bộ khủng bố, và tiến hành tấn công ra sao… Những kẻ điều hành al-Qaeda dựa rất nhiều vào Internet trong việc hoạch định và điều hành các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín.
Vì tất cả các lí do này, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được ảnh hưởng địa chính trị của quá trình phẳng hóa thế giới. Một mặt, các nước và các vùng thất bại là các nơi ngày nay chúng ta có mọi động cơ để tránh. Họ không cung cấp được cơ hội kinh tế nào và không còn Liên Xô nào ở đó cạnh tranh với chúng ta về ảnh hưởng lên những nước như vậy. Mặt khác, ngày nay không có gì nguy hiểm hơn là một nhà nước thất bại lại có năng lực băng thông rộng. Tức là, ngay cả các nhà nước thất bại cũng có xu hướng có các hệ thống viễn thông và đường kết nối vệ tinh, và vì thế nếu một nhóm khủng bố lọt vào một nước thất bại, như al-Qaeda từng làm với Afghanistan, nó có thể phóng đại quyền lực của nó lên một cách kinh khủng. Các cường quốc càng muốn tránh xa các nước như thế, họ có thể cảm thấy buộc bị lôi kéo sâu vào đó. Hãy nghĩ về Mĩ ở Afghanistan và Iraq, Nga ở Chechnya, Úc ở Đông Timor.
Trong thế giới phẳng khó hơn nhiều để che giấu, nhưng dễ hơn rất nhiều để được kết nối. “Hãy nghĩ đến Mao vào thời kì đầu của cách mạng cộng sản Trung Quốc,” Michael Mandelbaum, chuyên gia chính sách đối ngoại của đại học Johns Hopkins, nhận xét. “Những người cộng sản Trung Quốc phải trốn trong các hang ở tây bắc Trung Quốc, nhưng họ có thể đi đến bất kì khu vực nào mà họ có khả năng kiểm soát. Ngược lại, bin Laden không thể thò mặt ra, nhưng hắn có thể với tới mọi hộ gia đình trên thế giới, nhờ có mạng Internet.” Bin Laden không thể chiếm được bất cứ lãnh thổ nào nhưng hắn có thể chiếm được trí tưởng tưởng của hàng triệu người. Và hắn đã được truyền thẳng đến phòng khách của mỗi gia đình Mĩ ngay đêm trước ngày bầu cử tổng thống Mĩ năm 2004.
Địa ngục không có quái vật nào đáng sợ hơn một tên khủng bố với một cái đĩa vệ tinh và một Web site tương tác.

QUÁ BẤT AN VỀ MẶT CÁ NHÂN

M ùa thu 2004, tôi được mời nói chuyện ở một nhà thờ Do thái ở Woodstock, New York, nơi từng diễn ra đại hội nhạc Woodstock lừng danh. Tôi hỏi các chủ nhà làm cách nào họ có khả năng có một nhà thờ Do thái ở Woodstock, đủ lớn để hỗ trợ một chuỗi bài giảng. Rất đơn giản, họ nói. Từ 11/9, người Do Thái, và những người khác, chuyển từ New York City đến các nơi như Woodstock, để tránh xa cái mà họ sợ sẽ là nền zero [Trung Tâm Thương mại Thế giới bị đánh 11/9/2001] tiếp theo. Ngay bây giờ xu hướng này là một dòng ri rỉ, nhưng nó sẽ trở thành dòng lũ nếu một dụng cụ hạt nhân nổ ở bất cứ thành phố châu Âu hay Mĩ nào.
Vì mối đe dọa này là mẹ đẻ của tất cả các lực làm gồ ghề, cuốn sách này sẽ không thể hoàn chỉnh mà không bàn về nó. Chúng ta có thể sống với số mệnh. Chúng ta đã trải qua 11/9. Nhưng chúng ta không thể sống với chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Điều đó có thể làm thế giới gồ ghề mãi mãi.
Lí do duy nhất khiến Osama bin Laden không sử dụng một thiết bị hạt nhân ngày 11/9 không phải vì hắn không có ý định mà vì hắn đã không có năng lực. Và vì Lí thuyết Dell không cho chút hi vọng nào để ngăn cản các chuỗi cung tự sát, chiến lược duy nhất chúng ta có là hạn chế các khả năng tồi tệ nhất của chúng. Điều đó có nghĩa cần một nỗ lực toàn cầu nghiêm túc hơn rất nhiều để khống chế phổ biến hạt nhân bằng cách hạn chế cung – mua lại toàn bộ nguyên liệu có thể phân rã đã sẵn có ở đó, đặc biệt ở Liên Xô trước đây, và ngăn chặn việc nhiều nước hơn trở thành có khả năng hạt nhân. Graham Allison chuyên gia ngoại giao quốc tế của Đại học Harvard, trong cuốn sách Chủ nghĩa khủng bố nguyên tử: Thảm họa Cuối cùng Có thể ngăn chặn, phác hoạ đúng một chiến lược như thế nhằm từ chối việc tiếp cận của bọn khủng bố đến các vũ khí và nguyên liệu hạt nhân. Ông nhấn mạnh, điều đó có thể thực hiện được. Đó là một thách thức đối với ý chí và sự tin chắc của chúng ta, nhưng không đối với khả năng của chúng ta. Allison đề xuất một trật tự an ninh quốc tế mới do Mĩ dẫn đầu để đối phó với vấn đề này dựa vào cái ông gọi là “học thuyết Ba Không: Không buông lỏng các vũ khí hạt nhân, Không có vũ khí hạt nhân mới sinh, Không có nhà nước hạt nhân mới.” Không buông lỏng vũ khí hạt nhân, Allison nói, nghĩa là khoá chặt tất cả các vũ khí hạt nhân và nguyên liệu hạt nhân dùng để sản xuất bom – theo cách nghiêm túc hơn nhiều so với chúng ta vẫn làm cho đến ngày nay. “Chúng ta không mất vàng từ [kho dự trữ ở] Fort Knox,” Allison nói. “Nga không mất các báu vật từ sưu tập ở Kremlin. Như thế chúng ta đều biết làm thế nào để chống trộm lấy các thứ cực kì có giá trị đối với chúng ta, nếu chúng ta quyết tâm làm việc đó.” Không có vũ khí hạt nhân mới nghĩa là công nhận có một nhóm các đại gia có thể và có tạo ra uranium và plutonium được làm giàu, mà không gì khác các quả bom hạt nhân vừa sắp được ấp. Chúng ta cần một chế độ không phổ biến đáng tin hơn, đa phương để hút nguyên liệu có thể phân rã này. Cuối cùng, không có nhà nước hạt nhân mới nghĩa là “vạch một đường dưới tám cường quốc hạt nhân hiện thời và quyết định, dẫu cho có không công bằng và vô lí đến đâu, rằng câu lạc bộ đó sẽ không có nhiều hơn tám thành viên đó,” Allison nói, và thêm rằng ba bước này có thể cho chúng ta thời gian để phát triển một chế độ chính thức, bền vững, và được quốc tế tán thành hơn.
Thật hay khi có khả năng từ chối al-Qaeda và bè lũ truy nhập Internet, song, than ôi, điều đó là không thể - mà không hủy hoại chính chúng ta. Chính vì vậy hạn chế khả năng của chúng là cần nhưng không đủ. Chúng ta cũng phải tìm một cách để biết được các ý định tồi tệ nhất của chúng. Nếu chúng ta không thể đóng cửa Internet và tất cả các công cụ sáng tạo và cộng tác từng làm phẳng thế giới, và nếu chúng ta không thể hạn chế truy cập tới chúng, thì việc duy nhất chúng ta có thể làm là tìm cách ảnh hưởng đến trí tưởng tượng và ý định mà người dân đưa đến cho chúng và rút ra từ chúng. Khi tôi nêu ra vấn đề này, và các chủ đề rộng của cuốn sách này, với thầy dạy tôn giáo của tôi, rabbi Tzvi Marx từ Hà Lan, ông đã làm tôi ngạc nhiên khi nói rằng thế giới phẳng mà tôi đang miêu tả làm ông nhớ đến tháp Babel.
Làm sao thế được? Tôi hỏi. “Lí do khiến Chúa cấm tất cả mọi người khỏi tháp Babel và khiến tất cả họ nói các thứ ngôn ngữ khác nhau không phải bởi vì Ngài không muốn họ cộng tác với nhau,” rabbi Marx trả lời. “Lí do là Ngài nổi giận với cái mà họ đang cộng tác với nhau – một nỗ lực để xây một tòa tháp lên đến thiên đường để họ có thể trở thành Chúa.” Đấy là sự méo mó của khả năng con người, cho nên Chúa phá vỡ liên minh của họ và khả năng của họ để liên lạc với nhau. Bây giờ, tất cả các năm muộn hơn này, loài người lại tạo ra một nền tảng mới để nhiều người từ nhiều nơi khác nhau có thể liên lạc và cộng tác với nhau đơn giản và dễ dàng hơn bao giờ hết: Internet. Liệu Chúa có coi Internet là tà đạo không?
“Dứt khoát không,” Marx nói. “Tà đạo không phải là việc loài người làm việc cùng nhau – mà là vì các mục đích gì. Cốt yếu là chúng ta sử dụng khả năng mới này để giao tiếp và cộng vì các mục đích đúng đắn – vì các mục tiêu xây dựng con người chứ không phải vì các mục đích hoang tưởng tự đại. Xây một tòa tháp là hoang tưởng tự đại. Sự khăng khăng của bin Laden rằng hắn có chân lí và có thể san phẳng tòa tháp của bất kì ai khác, người không thèm để ý đến hắn ta, là hoang tưởng tự đại. Cộng tác để cho loài người có thể đạt được toàn bộ tiềm năng của mình là hi vọng của Chúa.”
Làm cách nào chúng ta thúc đẩy được nhiều hơn kiểu cộng tác này là chủ đề của chương cuối cùng.