Cạnh cửa chính vào cái hội trường ba gian của tòa soạn báo kê mấy cái ghế gỗ làm chỗ ngồi cho những ai đến họp muộn, hoặc cho kẻ ngồi chờ để được gọi vào làm việc. Lâu ngày, nhiều người ngồi đến nỗi gờ ghế ăn lún vào vữa tường thành lỗ, thành rãnh. Sáng nay thì chỉ mỗi Nhi ngồi, như một người lạ đến cơ quan chờ làm việc vậy. Nhiều người đi qua trước mặt Nhi ra vẻ đang mải chuyện trò, đang dở một suy nghĩ mà không nhận ra Nhi. Nhiều người mặc rặt com lê màu sẫm, dận giày đen, giống trang phục thường thấy ở những đám tang hơn là ở Câu lạc bộ Nhà Báo tổ chức tháng một lần. Mỗi việc Phó chủ tịch tỉnh tới dự sinh hoạt câu lạc bộ đã thấy cái sự không bình thường. Cái sự không bình thường ấy mới sinh ra những sự không bình thường khác mà Nhi nhìn vào đâu cũng thấy. Chúng hữu hình, vô hình và thảy đều lành lạnh. Nhi nhớ cô từng ngồi ở đây hai lần, không hơn. Một lần ngồi chờ bắt thăm săm xe đạp. Cả cơ quan hai mươi chín người, hai mươi sáu cái xe mà Công ty thương nghiệp phân phối cho năm cái săm Sao Vàng. Ai cũng cần vì săm cũ vá nhăm nhít, vì phải đi công tác. Nên không ai nhường ai. Lần khác thì ngồi chờ nhận phần thịt lợn. áp tết, gió bấc lạnh, bụng càng lạnh cứ như thiếu mỡ trong người mà sinh ra cái lạnh vậy. Vẫn những khuôn mặt trong cơ quan, quen đến nhẵn lì nhưng trước chút quyền lợi nó như biến dạng đi theo nỗi mong đợi, hy vọng. Cứ nghĩ mang mang như vậy, Nhi không biết là chẳng còn ai đi qua trước mặt mình nữa. Nhi đứng dậy, đúng lúc một người ló mặt ra cái cửa sổ ở ngay trên đầu cô. - Cô Nhi vào phòng! - Khuôn mặt ấy nói, như ra lệnh. Còn một cái ghế để trống. ấy là chỗ ngồi của Nhi, người ta sắp đặt trước cái vị trí cô được ngồi. Lần đầu tiên Nhi nhận ra những người thân quen, những người từng trọng phục năng lực viết lách của mình lạnh nhạt với mình. Thì đã bao nhiêu lần gặp "con Kỳ nhông" của Sêkhốp trong đời còn ngạc nhiên cái nỗi gì. Người ta phải thay đổi người ta vì người ta. Nhi ngồi xuống, cúi đầu xuống, đầu óc bỗng nhiên căng ra. Trước khi có cái buổi sinh hoạt Câu lạc bộ nhà báo này, Tổng biên tập mặt choắt trán hói đã gặp Nhi. Thay vì khen ngợi sự sâu sắc của Nhi trong các bài viết như nhiều lần gặp trước, ông ta bảo cô là ngựa non háu đá, là kẻ ăn cháo đá bát, đang yên lành bỗng dưng viết một bài báo có ảnh hưởng xấu tới con đường sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ông lại nói cô to gan, mắt bị mộng mị đi kết tội lãnh đạo tỉnh về cái chết của những người nông dân và công nhân ở cống Hòa Hải. Còn bảo, bài báo của cô ra đời được là vì ông đi vắng, tay phó tổng biên tập thì gà mờ. Rồi khuyên cô nhận khuyết điểm cho thành thật. Sau ông Trịnh Hòa là Nguyễn Hoàng Phú. Anh ta đến tận căn phòng 12 mét vuông lợp giấy dầu lúc nào cũng tối lờ mờ, còn mang theo một cân đường, hai hộp sữa. Lúc ấy nhìn anh ta cứng ngắc trong bộ áo quần đen đến bên giường Nhi nằm, từ từ cúi xuống, Nhi cứ nghĩ tới một vị linh mục với cuốn kinh thánh mở sẵn mà tưởng mình sắp chết thật rồi. Phú chẳng đả động gì tới báo biếc, chỉ kể chuyện làng Thượng Cồn, làng Đông, như cái sợi tơ tình dăng dít thời xưa ấy là quan trọng nhất. Nhi ậm ờ nghe, ậm ờ đáp. Đoạn rồi Phú cũng phải nói ra cái dẫn anh ta đến: "Bài báo ấy mà... Tôi đánh giá là viết theo sự thật, có điều rằng nó chưa nên ra đời lúc cả tỉnh đang sôi nổi khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Sự đã rồi, như bát nước đã đổ, không sửa được. Tôi đã thu hồi số báo có bài của Nhi để yên cái chuyện đi, nhưng bọn nó đã phát hành năm trăm bản. Tôi nể Nhi đưa cho Nhi tập tài liệu cống Hòa Hải, Nhi giữ im cho, chuyện ấy chỉ tôi và Nhi biết thôi. Nhi nghe tôi nói không?" Mệt bã người, Nhi vội nói: "Tôi nghe, tôi nghe rồi, sẽ không nhắc đến tên anh đâu". - Bắt đầu làm việc! - Cái loa ở góc phòng giật lên bốn tiếng, chắc vì âm ly chưa điều chỉnh kịp. Nhi ngó quanh. Bàn ghế xếp hình chữ U. Người ta dù muốn hay không cũng chẳng tránh được ánh mắt nhau. Và kẻ yếu bóng vía thì khó gạt ra khỏi đầu ý nghĩ là kẻ khác đang theo dõi mình, đang đánh giá mình. Từ bao giờ có cách xếp bàn ghế kiểu này. Kẻ nào nghĩ ra nó không thể là tình cờ. Người ta đang nhìn Nhi, không chỉ là cảm giác nữa rồi. Ông Phó chủ tịch tỉnh đang nhìn Nhi, cái nhìn sâu thẳm, lạnh băng, vận hết sự từng trải ra Nhi cũng không đoán được ông ta đang nghĩ gì. Rồi nhiều đôi mắt khác nữa, nhác về phía nào cũng thấy chúng, cũng lạnh băng cả ra. Người Nhi sẽ đông cứng, nếu cứ thấy thứ mắt kia, Nhi nghĩ vậy, biết vậy, nên dán cái nhìn vào cái bục gỗ, ván cong vênh lùm lùm như bụng người đàn bà chửa đẻ. Trên tấm ván ấy là một cái máy ghi âm. Hai sợi dây điện một xanh một đỏ xoắn vào nhau, loằng ngoằng trên nền nhà lát gạch nâu chạy về phía loa thùng cuối phòng. Ông Trịnh Hòa nực nội trong bộ com lê chật căng, vừa nói vừa nghiêng đầu sang phải, sang trái làm những sợi tóc mềm bay lơ phơ: - Thưa đồng chí Phó chủ tịch tỉnh kính mến, thưa đồng chí Nguyễn Hoàng Phú, thưa đồng chí... thưa đồng chí... Cứ thế kéo dài vài phút rồi tiếng vỗ tay ran ran. Cái máy ghi âm bắt đầu chạy xè xè. Giọng nói của ông Trịnh Hòa bỗng cao hơn, gấp gáp hơn: - Hôm nay chúng ta trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, không né tránh, không khoan nhượng, không nể nang cá nhân về bài báo "Một tai nạn đáng tiếc" của đồng... của cô Nguyễn Thị Kim Nhi. Mục đích là qua Câu lạc bộ này các nhà báo chúng ta rút kinh nghiệm, thêm một lần nữa hiểu về vai trò trách nhiệm của người làm báo với nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đầu tiên tôi trân trọng kính mời đồng chí Phó chủ tịch truyền đạt ý kiến. Ông Quảng chống hai tay vào bàn đứng dậy. Nguyễn Hoàng Phú nâng cái mi cờ rô trên bục xuống đặt lên tấm vải hoa đỏ trước mặt ông Quảng. Ông là người duy nhất trong phòng không mặc com lê. Cái áo vải ka ky bốn túi cài khuy cổ, tóc mềm, da mặt trắng, miệng vừa phải, mũi cao gần khoằm. Ông không giống nông dân vùng đồng chiêm trũng dù gốc gác ông ở đồng chiêm thật chứ chẳng phải bịa bọt gì. Ông vào bộ đội, đi đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, lên chức trung đội trưởng rồi đại đội trưởng. Đeo lon thiếu tá ông mới học thêm chữ, chứ trước đó chỉ ngoáy vài chục chữ một lần viết, cơ bản là chữ ký, chục chữ như một, đố kẻ nào giả mạo được. Hòa bình năm 1954, ông chuyển ngành làm cán bộ Phòng Nông nghiệp tỉnh. Lại học, học bổ túc, học trường Trung cấp chính trị. Bằng cấp hẳn hoi. Nhưng mà kiến thức thực tiễn còn quan trọng hơn bằng cấp. Ông nói thế và phấn đấu nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý của mình theo quan điểm ấy. Là thế, nhưng trong cái cặp phồng cứng quai cặp xoắn thêm một cái thép bọc nhựa ông xách theo người, từ cái hồi còn là chủ tịch huyện, rồi lên tỉnh, bao giờ cũng có những cái mảnh bằng đỏ nằm ở chỗ dễ thấy nhất, cứ mở nắp cặp là táp thẳng vào mắt thiên hạ. Nhi nghĩ không biết ý nghĩ đi đến đâu, nếu không được người ngồi cạnh giật áo. Các đồng chí cứ coi tôi đến đây như một nhà báo, một bạn đọc khó tính, một công dân có trách nhiệm. Thế mới có không khí cởi mở, bình đẳng. Hãy nói những gì các đồng chí thấy nên nói, cần nói. Tỉnh tin ở các nhà báo. Nào, anh Hòa cho bắt đầu đi thôi. Một cánh tay... hai cánh tay... rồi ba, bốn, năm... tua tủa những cánh tay giơ lên. Ngọ nguậy nữa. Hồi nào đấy, lâu rồi, tiểu đội thông tin của Nhi bị B.52 vùi, có những cánh tay thọc khỏi lớp đất nâu, cũng ngọ nguậy, cũng tua tủa như thế. Hôm ấy may không ai chết, đất tơi nên đào bới dễ. Lâu sau đó Nhi còn bất chợt thấy những bàn tay ấy vẫy về phía mình. Giờ chẳng còn bàn tay nào vẫy về phía Nhi. Thế mà cứ nghĩ rồi sẽ có. Vậy là nổi lên trong lòng sự chờ đợi. Có thể có một ai đó... Nhi không biết Nguyễn Hoàng Phú đã chuẩn bị kỹ càng, chu đáo khâu nhân sự. Mời ai, không mời ai chẳng phải chuyện đùa. Máy ghi âm chạy xè xè... - Tôi đề nghị Ban biên tập báo kiểm điểm về sự lơi lỏng giáo dục chính trị, tư tưởng cho phóng viên Nguyễn Kim Nhi - Một người trạc bốn mươi lăm tuổi, thẳng đơ gốc cây dựng vững chãi sau bục gỗ, nói sang sảng - Tôi đọc bài "Một tai nạn đáng tiếc" xong thì nghi ngờ là người viết bài này không phải Đảng viên Đảng lao động Việt Nam, không phải phóng viên báo chí Cách mạng. Tôi băn khoăn, tờ báo in bài báo này là báo Hải ngoại. Mười lăm năm tuổi Đảng, một lòng vì Đảng vì dân, thưa đồng chí, tôi thấy xót xa quá, xót xa vì xuất hiện một sản phẩm báo chí như thế. Máy ghi âm xè xè... Một người loắt choắt, đầu to quá cỡ, có cái mũi đỏ như quả cà chua vươn cổ về phía mi cờ rô: - Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch tỉnh kính mến! Tôi nhiệt liệt hoan nghênh cuộc họp kịp thời đầy tính Đảng này. Cần có thêm nhiều cuộc họp thế này để mà uốn nắn, chôn vùi những lệch lạc sai sót trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Bài báo của Nguyễn Kim Nhi là lệch lạc, sai sót. Tác giả có ý đồ dùng từ ám chỉ, dùng câu mang biểu tượng hai mặt. Tôi ví dụ "chất lượng không tốt" chất lượng gì không tốt hả? Chất lượng cán bộ à? Chất lượng Đảng viên à? Chất lượng cuộc sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa à? Rồi tác giả viết "Tôi ra về khi hoàng hôn đã buông, bóng tối bắt đầu loang ra đường". Cái gì là hoàng hôn ở huyện hả? Bóng tối đây là cái gì hả? Bi quan, chán nản thì đã rõ. Còn cả phủ nhận, cả chống đối. Máy ghi âm xè xè. Ôi, cái tiếng xè xè đều đều, lặp lại, đều đều, nếu bình thường nó sẽ đưa con người vào giấc ngủ ngon, đằng này, lúc này nó chẳng ăn nhập, chẳng át, chẳng mờ đi được những điều người ta đang nói dồn dập, nén chặt, xổ tung, vút nhọn, khoan xoáy... - Thưa... - Nhi không ngửng lên nhìn người nói nữa. Là không đủ sức ngẩng đầu, là chán ghét, là thoát khỏi chung quanh, nhấm nháp ý nghĩ riêng? Cái tiếng nói cứ chạy từ mi cờ rô theo sợi dây xanh đỏ để túa ra đầu loa thùng. - Ta có thể kết luận cho rằng: Nguyễn Kim Nhi có thái độ chống đối cách mạng và thái độ ấy đã biểu hiện ra giấy trắng mực đen. Tôi không muốn nói điều đó, nhưng đồng chí Phó chủ tịch tỉnh chỉ thị nói thẳng thắn. Tôi thẳng thắn thế. Tôi hỏi, cái gì đẩy Nguyễn Kim Nhi tới sai lầm ấy. Thành phần ư? Bất mãn ư? Các đồng chí giúp tôi phân tích thêm. Một vấn đề khác nữa, chúng ta cần quan tâm. Đấy là trong công cuộc cách mạng thay trời, đổi đất, xếp đặt lại giang sơn vĩ đại của nhân dân tỉnh ta đã có nhiều phần tử xấu đả kích bằng ca dao, câu đối, truyện cười. Máy ghi âm xè xè. Tiếp một giọng khác, chói gắt: - Bài báo của Nguyễn Kim Nhi là một viên thuốc độc bọc đường. Cô ta nhằm ném ra cho quần chúng nhân dân... Giờ thì Nhi lo lắng thật sự, lo đến lạnh gáy, bởi vì những điều người ta nói về bài báo, về Nhi nó đã nằm cả ra ngoài bài báo, ngoài bản thân Nhi. Cái hôm qua, hôm kia Nhi lấy để vấn an, để cho những suy nghĩ chới với bíu vào là sự hiện thực phản ánh thoạt chốc bay biến. Trong cơn bấn loạn, Nhi đưa mắt nhìn thẳng vào những khuôn mặt chung quanh. Cái nhìn lộ vẻ cầu cứu, mặc nó. Lý trí chửi rủa: Đồ hèn, cũng kệ. Nhi đang lơ lửng, sợi dây giữ Nhi lại trên mặt đất sắp đứt, mà dưới kia thì hun hút trống hoang hoác. - Tôi phản đối ý kiến các bác, các anh - Một giọng trẻ trung vang lên - Các bác, các anh phân tích đánh giá về một tác phẩm báo chí mà không trung thực với chính mình. Quy chụp gần với vu oan giá họa, các đồng chí đã... Đám đông ồn ào, tiếng xô bàn ghế, tiếng la hét. Nguyễn Hoàng Phú áp đến bên bục gỗ, một tay giơ lên giật cái mi cờ rô, tay phải đẩy vào vai anh thanh niên. Anh thanh niên gỡ kính ra lau, đôi mắt bị cận đã lồi càng to ra, ngơ ngác ra. Rồi anh ta lắc đầu rời bục gỗ lách giữa những dãy ghế đi ra khỏi phòng họp. Không khí bỗng lịm đi. - Người ấy là ai? - Ông Quảng quay sang hỏi Trịnh Hòa. - Nguyễn Hưng, sinh viên Trường Sư phạm, khoa Văn - Trịnh Hòa lắp bắp đáp, mặt trông dài dại, đờ đẫn khác hẳn. - Tiếp tục - Tiếng ông Quảng. Máy ghi âm chạy xè xè... Hình như ông Trịnh Hòa tổng kết Câu lạc bộ. Hình như là ông tuyên bố gác bút Nhi. Nhi đã hết cả sợ hãi, hết cả ngạc nhiên, chỉ nghèn nghẹn trong cổ họng và mắt thì như đóng màng, thấy người đi qua trước mặt mà chẳng nhận ra ai. Nhi đi, không biết mình đi nhưng rồi cũng mò ra khỏi được căn phòng, giờ chỉ còn bàn với ghế ngổn ngang, rồi cũng về được nhà. Không dép, để cả mũ vải trên đầu Nhi nằm vật xuống giường và khóc.