Thầy hiệu trưởng thường đề nghị các bậc cha mẹ cho con em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất khi đến trường Tô-mô-e. Ông muốn các em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất để khi có bẩn, có rách cũng không sao. Ông cho rằng, trẻ em không dám chơi đùa vì sợ bẩn hoặc rách rách quần áo rồi bị mắng, thì thật đáng hổ thẹn. Có những trường tiểu học gần Tô-mô-e, học sinh nữ mặc đồng phục lính thủy, học sinh nam mặc áo vét cao cổ và quần soóc. Các học sinh Tô-mô-e đi học mặc quần áo thường và các em được phép của các thầy cô giáo chơi đùa thả cửa, không cần chú ý gì đến quần áo của mình. Thời đó, quần không được bền như quần bò bây giờ, do đó cậu nào cũng mặc quần vá và các học sinh nữ mặc váy hay áo liền váy làm bằng loại vải bền nhất.Những lúc rỗi, Tôt-tô-chan thích chui dưới hàng rào vườn và các mảnh đất bỏ không của những người khác, nên không phải bận tâm đến quần áo là rất hợp với em. Thời ấy có rất nhiều hàng rào dây thép gai, lắm khi sát đến tận mặt đất. Để chui dưới một hàng rào như vậy, bạn phải đào đào bới bới như một con chó. Dù cẩn thận đến mấy, quần áo của em bao giờ cũng mắc vào dây thép gai và rách. Một lần, em mặc cái áo váy bằng vải mút-xơ-lin đã cũ, xơ cả ra, cả cái áo bị rách toạc từ trên xuống dưới. Mặc dù áo đã cũ, em biết, mẹ rất quý cái áo đó. Vì thế, em phải vắt óc nghĩ xem nên nói như thế nào. Em không đủ can đảm nói với mẹ là áo rách vì vướng dây thép gai. Em nghĩ tốt hơn hết là bịa ra một câu chuyện không thể nào tránh làm rách áo được. Cuối cùng em nghĩ được câu chuyện thế này:- Khi con đang đi trên đường, - em nói dối khi về đến nhà,- nhiều trẻ con lạ đến ném những con dao vào lưng con. Vì thế áo của con rách ra như vậy.Nhưng trong khi nói, em tự nghĩ cách trả lời các câu hỏi thêm của mẹ. Cũng may, mẹ chi nói:- Thật ghê gớm quá nhỉ.Tôt-tô-chan thở phào nhẹ nhõm. rõ ràng mẹ thấy rằng trong hoàn cảnh như vậy, em khó giữ được toàn vẹn bộ áo váy mà mẹ ưa thích.Lẽ dĩ nhiên, mẹ không tin câu chuyện em kể. Nếu dao ném vào lưng, thì không những áo bị rách mà em cũng phải bi thương. Vậy mà em lại hình như không sợ một chút nào. Mẹ biết ngay đây là câu chuyện bịa. Tuy nhiên, việc bịa một cớ như vậy không phải là điều Tôt-tô-chan quen làm. Mẹ nhận thấy em đã phải rất khổ tâm về cái áo và điều đó khiến bà bằng lòng. Nhưng có một điều bấy lâu nay mẹ vẫn muốn biết, và đây là một dịp tốt. Mẹ nói:- Mẹ có thể hiểu được, áo con bị dao làm rách, nhưng tại sao mà ngày nào quần con cũng bị rách?Mẹ không thể hiểu nổi cái quần có viền đăng-ten của Tôt-tô-chan hôm nào cũng bị rách đít. Bà có thể hiểu quần bị lấm bùn, mòn đũng, nhưng làm sao hiểu được quần nào cũng rách bươm ra như thế.Tôt-tô-chan nghĩ một lúc rồi nói:- Mẹ biết đấy, khi bới dưới hàng rào, khó mà giữ cho váy không mắc vào đấy và khi chui qua chui lại khó mà giữ đươc quần khỏi móc. Vả lại, còn phải làm trò: "Xin lỗi, cho phép tôi vào chứ" và "Thôi, xin chào tạm biệt" từ đầu hàng rào này sang đầu kia, cho nên quần áo rách là phải.Mẹ thật sự không hiểu nhưng nghe rất vui. Mẹ hỏi:- Có vui không?Ngạc nhiên về câu hỏi của mẹ, Tôt-tô-chan nói:- Sao mẹ không thử xem. Rất vui, và thế nào quần áo của mẹ cũng rách!Trò chơi Tôt-tô-chan rất thích và thấy rất lý thú diễn ra như thế này:Trước hết, bạn phải tìm một khoảng đất trống rộng, xung quanh có hàng rào dây thép gai. Trò "Xin lỗi, cho phép tôi vào chứ" đòi hỏi bạn phải nhấc chỗ dây thép có gai, đào một cái hố, chui xuống dưới, rồi lại đào một cái hố nữa, lần này bạn lùi ra và nói: "Thôi xin chào tạm biệt". Như thế, mẹ thấy rất rõ là váy Tôt-tô-chan được xắn lên khi em lùi ra, do đó quần mắc vào dây thép gai. Việc làm này cứ phải làm đi làm lại nhiều lần - đào đào, bới bới, dưới dây thép gai với trò: "Xin lỗi, tôi vào được chứ?", rồi lùi ra qua một cái hố mới với trò: "Thôi xin chào tạm biệt" và cứ mỗi lần như thế, quần áo, váy xống lại bị rách. Tôt-tô-chan đi đi lại lại ngoằn ngoèo chữ chi rất tài tình, đào đào bới bới dưới rào dây thép gai từ đầu nọ đến đầu kia. Thảo nào, quần của em rách hết cả.Một trò chơi như vậy, chỉ làm cho người lớn mệt và chẳng có gì là lý thú cả, lại lý thú đến thế đối với trẻ em, thật là kỳ lạ! Nhìn Tôt-tô-chan, tóc, tai, móng tay đầy đất cát, mẹ không thể không cảm thấy muốn đuợc như thế. Và cũng không thể không thán phục thầy hiệu trưởng. Việc ông đề nghị để các em mặc quần áo mà các em tha hồ làm bẩn là một ví dụ nữa chứng tỏ ông hiểu các em như thế nào.