Toa xe thư viện

Khi các học sinh trở lại trường sau ngày nghỉ đông, các em thấy một điều thật tuyệt diệu, mới lạ, đã hò reo vui sướng. Đối diện toa xe lớp học là một toa xe mới, bên cạnh luống hoa gần phòng họp. Trong thời gian các em nghỉ đông, nó đã trở thành một thư viện! Ry-ô-chan, người bảo vệ, mà ai cũng quý mến và việc gì cũng làm được, rõ ràng đã làm việc rất tích cực. Anh đã đặt nhiều ngăn sách vào toa xe, ngăn nào bây giờ cũng đầy ắp những sách đủ các loại, màu sắc rất đẹp. Có cả bàn ghế để ngồi đọc nữa.
Thầy hiệu trưởng nói:
- Đây là thư viện của các em. Các em có thể đọc bất cứ quyển sách nào. Các em đừng ngại là có một số sách dành riêng cho những lớp nào đấy. Các em có thể đến đây bất cứ lúc nào. Các em có thể mượn sách về nhà. Nhưng khi đọc xong, các em nhớ mang trả lại. Nếu nhà em nào có sách, và nghĩ rằng các em khác cũng nên mượn đọc, các em có thể mand đến đây, thầy rất hoan nghênh. Dù thế nào, thầy cũng mong cá em đọc càng nhiều càng tốt.
Thế là các học sinh đồng thanh reo lên:
- Vậy thì buổi học đầu tiên hôm nay là buổi học ở thư viện.
Thấy các em đều rất náo nức, thầy hiệu trưởng tươi cười nói:
- Các em đều muốn thế chứ? Được thôi!
Nghe câu ấy, toàn bộ học sinh Tô-mô-e cả thảy năm mươi em xếp hang đi vào toa xe thư viện. Các em háo hức chọn sách và tìm chỗ ngồi, nhưng chỉ đủ chỗ cho một nửa, các em khác đành phải đứng, hệt như một toa tàu đông, với nhiều người đứng đọc sách. Thật là một cảnh tượng rất vui. Các học sinh đều mừng rỡ. Tôt-tô-chan đọc chưa thật tốt nên em chọn một quyển sách có bức tranh rất đẹp. Khi mọi người ai nấy đều có sách cầm tay rồi và bắt đầu giở sách, to axe bỗng nhiên yên ắng hẳn. Nhưng chỉ một lúc thôi, những âm thanh lẫn lộn đã phá tan sự yên lặng. Một vài em đọc to, một vài em hỏi nhau nghĩa các chữ không biết, các em khác lại muốn đổi sách. Tiếng cười nói tràn ngập cả toa tàu. Một em vừa bắt đầu xem một cuốn sách nhan đề: “những bức tranh biết hát”, vừa vẽ một cái mặt, vừa đọc to câu thơ có nhiều vần điệu đệm theo bằng một giọng ê a:
Vòng tròn và dấu chấm. Vòng tròn và dấu chấm.
Mấy vạch chéo thành cái mũi; lại một vòng tròn và dấu chấm nữa.
Ba sợi tóc, ba sợi tóc, ba sợi tóc – úi chà!
Nhanh như cắt, thành một bà nội trợ béo.
Đến chữ “úi chà”, phải vẽ một vòng tròn thành khuôn mặt và vẽ ba nửa vòng tròn khi hát “nhanh như cắt”. Nếu vẽ đúng nét, kết quả sẽ là khuôn mặt của một người phụ nữ béo tròn, để tóc kiểu Nhật cổ.
Ở trường Tô-mô-e các học sinh được phép học các môn học tuỳ theo trật tự mà các em thích. Nếu các em bị ảnh hưởng do các việc làm của người khác thì thật phiền. Các em được rèn luyện thói quen tập trung vào công việc mình làm, mặc những việc xung quanh. Cho nên không ai để ý đến các em đang hét to khi vẽ bà nội trợ. Một hay hai em cùng tham gia; nhưng tất cả các em khác đều tập trung vào sách của mình.
Quyển của Tôt-tô-chan hình như là chuyện dân gian. Chuyện kể về một cô gái, con nhà giàu không sao lấy được chồng vì lúc nào cô cũng đánh trung tiện. Cuối cùng bố mẹ cô cũng kiếm cho cô được một tấm chồng, nhưng trong đêm tân hôn, cô hồi hộp qúa đến nỗi đã đánh trung tiện một cái to hơn bao giờ hết, và hơi đó đã thổi bật chú rể ra khỏi giường, quay bảy vòng rưỡi trong phòng và rơi xuống bất tỉnh nhân sự. Về sau, cuốn sách ấy luôn luôn được nhiều em tìm đọc. Tất cả các em học sinh của trường ngồi chật ních trong toa xe, hăm hở đọc sách dưới ánh nắng ban mai chiếu qua cửa sổ. Hình ảnh ấy chắc phải khiến thày hiệu trưởng hài lòng.
Cả ngày hôm ấy, các em ở trong toa xe thư viện.
Sau đó, khi các em không thể ra ngoài được vì trời mưa, và nhiều lần khác nữa, thư viện đã trở thành một nơi tụ hội rất thích của các em.
Một hôm thày hiệu trưởng nói:
- Tôi nghĩ là ta nên thuê xây một buồng tắm ở gần thư viện.
Là vì các học sinh mải mê đọc sách quá nên cứ cố nhịn cho đến phút cuối cùng mới chịu chạy ra nhà vệ sinh ở xa phòng họp, mặt mày nhăn nhó trông đến khổ.