Ngày 2/1/2002, Giám đốc CIA George J. Tenet gặp Phó tổng thống Cheney - theo yêu cầu của Phó tổng thống - để báo cáo về những việc mà cơ quan tình báo có thể làm trong vấn đề Iraq. Trong những tháng sau 11/9/2001, đối với Tenet, Iraq không phải là ưu tiên quan tâm so với chống khủng bố. Tuy nhiên, với một quan chức khác đi cùng ông tới cuộc họp, tình hình không như vậy. Tên của quan chức đó chỉ được nhắc đến bằng bí danh, Saul, trưởng nhóm tác chiến Iraq. Bên trong vụ Cận Đông của CIA, nơi phụ trách công tác tình báo ở những nước khó khăn và nhiều bạo lực nhất, nhóm tác chiến Iraq thường được gọi bằng cái tên "thùng rác". Nhân viên của nhóm gồm những người mới toe, người có "phốt" hoặc các ông bà già chờ về hưu. Kể từ khi nhận trách nhiệm quản lý bộ phận này tháng 8/2001, Saul đã cải tổ hoàn toàn lập trường của CIA trong vấn đề Iraq. Ở tuổi 43, Saul từng nhiều năm đảm nhận các vị trí bí mật, nhạy cảm và là nhà điều hành ở nhiều cơ sở của CIA trên khắp thế giới. Saul sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Cuba. Cha của Saul từng nhúng tay vào một trong những thất bại nhớ đời nhất của CIA - vụ Vịnh Con lợn năm 1961, trong đó hơn 1.200 kẻ lưu vong Cuba đã bị những người bạn CIA cho rớt ở bờ biển. Saul thường nói với đồng nghiệp: "Việc tôi ở đây là kết quả của một điệp vụ mật thất bại của CIA". Giờ đây Saul có một thông điệp rõ ràng cho Cheney về các chiến dịch bí mật và về Saddam Hussein. Ông ta khẳng định chiến dịch mật không thể lật đổ Saddam Hussein. CIA không phải là giải pháp. Chế độ ở Iraq được chuẩn bị chu đáo để đối đầu với đảo chính. Hussein lên nắm quyền sau một vụ đảo chính. Ông ta từng đập nát nhiều chiến dịch lật đổ. Nếu anh là một đơn vị quân đội và có trong tay đạn dược để tiến hành đảo chính, anh không có xăng để chạy xe tăng. Nếu anh có xăng, anh lại không có đạn. Không một ai ở Iraq có đủ thế lực để tiến hành đảo chính. Chỉ có chiến dịch quân sự và xâm lược, mà trong đó có tay CIA trợ giúp, mới có cơ lật được Hussein, Saul khẳng định với Cheney. Cơ quan tình báo đã có những bài học qua các chiến dịch lật đổ bí mật, và thất bại rõ ràng thuộc về CIA. "Chúng ta có vấn đề lớn về uy tín", Saul nói. Với người Kurd, người Shiite, những người ngấm ngầm phản đối Saddam Hussein, người Mỹ cần chứng tỏ được sự nghiêm túc quyết tâm lật Hussein. Chuẩn bị một chiến dịch xâm lược lớn chính là tín hiệu cho họ thấy sự nghiêm túc của người Mỹ. Saul chỉ ra những vấn đề có thể gặp phải khi trình bày trước LHQ, trong khi bí mật thông báo cho Jordan và Ảrập Xêút biết Mỹ sẽ lật đổ chế độ Saddam. Họ cần có chính sách quốc gia và cần có cách giải thích tương tự nhau. Một yêu cầu nữa là CIA không thể duy trì lâu dài một chương trình hành động bí mật. Chính quyền Iraq có thể phát hiện những người được CIA tuyển mộ. Cần phải hành động nhanh. Cheney đã quen với việc tiếp những báo cáo viên đầy tham vọng, với những lời đao to búa lớn và hứa hẹn rằng cơ quan của họ có thể hoàn thành tốt công việc. Nhưng lần này, thông điệp của CIA hoàn toàn trái ngược. CIA có đánh giá lạ lùng, và kết luận họ không thể làm được việc. Bush và Rumsfeld sau đó được thông báo lại buổi làm việc giữa Cheney với Saul. Saul còn nói rằng mạng lưới các nguồn tin của CIA ở bên trong Iraq rất mỏng. Tương tự như bỏ một lá phiếu ủng hộ, coi chiến dịch quân sự là giải pháp khả thi duy nhất để gột sạch Saddam Hussein, CIA góp thêm lực đẩy cho guồng quay đưa Mỹ đến chiến tranh Iraq. Nó còn đóng góp những điều khác nữa: thiết lập mạng lưới thông tín viên bên trong Iraq, những người mà cuộc đời họ còn bị đe doạ chừng nào chế độ Saddam Hussein còn tồn tại; cung cấp bằng chứng cho cái mà chính quyền Bush sau này lấy làm lý do gây chiến - Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt.