Tenet và McLaughlin cùng hiểu rõ rằng họ không muốn viết một diễn văn về chính trị hay bầu cử. Văn vẻ sẽ phải nhường chỗ cho con số. Hai người cũng không muốn viết một văn bản có tính chào hàng hay tiếp thị. Và kết quả là 40 trang khô khan, đầy số liệu và các ghi chú nguồn thông tin, được gửi tới Nhà Trắng ngày 22/1/2003. Nó được coi là tuyệt mật. Tổng thống quyết định trao các bằng chứng này cho những luật sư kinh nghiệm, để họ có thể dùng chúng tạo thành lý do thuyết phục (cho chiến tranh). Văn bản được trao cho phó của bà Rice, ông Stephen J. Hadley (tốt nghiệp Luật học ở Yale 1972) và trưởng trợ lý của Cheney tên là I. Lewis "Scooter" Libby (tốt nghiệp luật Columbia 1975). Họ tới trụ sở CIA mang theo một đống câu hỏi. Cơ quan tình báo trả lời bằng văn bản. Theo như nhận thức của Libby, CIA đã cáo buộc Saddam Hussein sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt và có quan hệ với các phần tử khủng bố. CIA đã thu thập thông tin tình báo về WMD Iraq từ nhiều chục năm. Không có gì để nghi ngờ về quan điểm của CIA: Báo cáo NIE hồi tháng 10 khẳng định Hussein có vũ khí sinh hoá, và Tenet đã đoan chắc lý do này như đinh đóng cột. Libby tin rằng cơ quan tình báo, vốn phải đánh hơi và đánh giá quá nhiều thông tin, đôi khi đã bỏ sót hoặc phóng đại những thông tin không cụ thể. Tuy nhiên, ông vẫn cần xem xét kỹ càng. Ngày 25/1/2003, Libby trình bày rất lâu trong phòng họp của Nhà Trắng, với sự hiện diện của Rice, Hadley, thứ trưởng ngoại giao Armitage, thứ trưởng quốc phòng Wolfowitz, giám đốc thông tin Nhà Trắng Dan Bartlett và thư ký cuộc họp Michael Gerson. Mặc dù ra chính thức rời Nhà Trắng, Karen Hughes (cố vấn thông tin của tổng thống) cũng có mặt. Karl Rove, cố vấn chính trị đi ra đi vào trong thời gian họp. Tay cầm một tập giấy dày, Libby trình bày phiên bản mới nhất của cáo trạng chống Saddam Hussein. Ông ta bắt đầu bằng một phần dài nói về thông tin vệ tinh, nghe lén và điệp báo cho thấy những nỗ lực (của Iraq) nhằm lừa dối và giấu diếm. Các thứ (vũ khí) đã được đào lên, chuyển đi nơi khác và lại được chôn xuống. Libby bắt đầu mỗi đoạn bằng một kết luận đanh thép - Hussein sở hữu vũ khí sinh hoá, đang sản xuất và che giấu chúng; mối quan hệ của ông ta với mạng lưới Al-Qeada của Osama bin Laden vừa nhiều vừa thân thiết. Libby cho hay Mohammed Atta, kẻ chỉ huy vụ tấn công 11/9, được cho là đã gặp một quan chức tình báo Iraq ở Prague tới 4 lần. Một nguồn tin khác lại cho hay chỉ có 2 cuộc gặp, và không chắc họ gặp ở Prague hay không, và cũng không chắc có gặp quan chức Iraq hay không. Libby trình bày khoảng một giờ rưỡi. Armitage thất kinh trước những điều mà ông cho là phóng đại quá xa và ngoa ngôn. Libby đưa ra những kết luận tồi tệ nhất, chỉ dựa vào những mảnh thông tin rời rạc và sự liên hệ mỏng manh. Ngược lại, Wolfowitz, người vốn từ một năm trước đã tin rằng Iraq có âm mưu tinh vi nhằm chống Mỹ, đánh giá Libby đã đưa ra một cáo trạng hoàn hảo. Ông ta nhắc lại lời của bộ trưởng quốc phòng Rumsfeld rằng không có bằng chứng không có nghĩa là sự việc không tồn tại. Phản ứng quan trọng nhất là của Karen Hughes. Là người kinh nghiệm trong xử lý thông tin, bà cho rằng phần trình bày của Libby không đạt. Những kết luận đưa ra ở phần đầu mỗi đoạn là quá nhiều và nặng. Cần phải để người dân tự đi đến kết luận. Vậy thì ai sẽ là người công bố cáo trạng này? Rice và Hadley tự hỏi. Văn bản cần phải được đọc trước LHQ, nên quan chức ngoại giao cao nhất, ngoại trưởng Colin L. Powell là lựa chọn thích hợp nhất. Hadley còn có những lý do khác để chọn Powell. Thứ nhất, để có được lòng tin lớn nhất, phương cách tốt nhất là nghịch đảo, và ai cũng biết là Powell có quan điểm mềm dẻo về Iraq. Thứ hai, Powell nhận thức rất rõ về uy tín cũng như danh dự của mình. Ông ấy sẽ xem xét cẩn thận thông tin tình báo. Thứ ba, một khi Powell đã chuẩn bị làm gì, ông sẽ dễ dàng thuyết phục được người khác. "Tôi muốn ông làm việc này", Bush nói với ngoại trưởng. "Ông có uy tín để làm việc này". Powell bị đôn lên làm một việc mà không ai có thể làm.