Về nguồn gốc phát sinh Thái Cực Quyền (TCQ), có nhiều thuyết khác nhau mà cho đến nay chưa có thuyết nào đưa ra được kết luận xác thực. Căn cứ vào một số thuyết cũ, đều cho rằng người sáng chế ra môn này là Trương Tam Phong, người ta chưa xác quyết được là đã có một Trương Tam Phong thực hay không? Quê quán ở đâu? Có biết vũ thuật không? Phát minh ra TCQ như thế nào? Trong các loại thư tịch cổ (sách, bản văn, hành chính, v.v...) cũng không có sự ghi chép thống nhất; có loại thư tịch mà nội dung vẫn là thần thoại, không thể tin cậy. Tiên sinh Ðường Hào, một bậc tiền bối trong giới võ thuật, cũng nhận định: "Các thuyết cũ bảo TCQ được sáng chế bởi Trương Tam Phong vào thời kỳ suy vi của triều Bắc Tống (mà cũng có thuyết bảo là Trương Tam Phong thời Nguyên mạt Minh sơ). Nhận định nầy không đúng, tại vùng Trần Gia Câu không hề có truyền thuyết gì về một Trương Tam Phong nào cả. Căn cứ vào kết quả tìm tòi được ở Trần Gia Câu, người ta phát hiện TCQ ở đó có đại bộ phận động tác (gọi là thức tử) rút ra từ môn "Quyền Kinh" được tập đại thành bởi một tướng lãnh trứ danh nhà Thanh là Thích Kế Quang mà môn "quyền kinh" của Thích Kế Quang lại dựa vào 16 loại quyền pháp trong dân gian mà biến thành. Do đó mà có thể nói: TCQ bắt nguồn từ dân gian, trãi qua sự phát triển liên tục mà thành vậy". "TCQ của vùng Trần Gia Câu bắt đầu xuất hiện vào đầu triều nhà Thanh. Hoàng đế Sùng Trinh của triều nhà Minh mạt niên từng khuyến khích văn nhân luyện võ, vào thời ấy có Trần Nguyên Bình là người văn võ kiêm toàn. Nghiên cứu quyển kinh Hoàng Ðình của Ðạo gia (quyển kinh này nói về thuật hô hấp), và tham chiếu môn quyền kinh của Thích Kế Quang, cho đến đầu đời nhà Thanh, sáng tạo xong TCQ Trần Gia Câu. Thế rồi về sau TCQ của Trần Gia Câu được một người họ Dương học lại, đem đi truyền thụ tại vùng Hà Bắc và dựng nên TCQ Dương gia rất nổi tiếng."