Đường đông nghẹt người và xe. Trước mặt tôi là hai em học sinh đèo nhau trên một chiếc xe đạp. Tôi nhận ra họ là nhờ ở tấm biển hiệu đeo trước ngực khi một em ngoái lại nhìn tôi. Các em cứ nhất định chạy giữa lòng đường mặc dù tôi đã nhiều lần bóp còi xin vượt. Tôi thấy em ngồi sau đấm lưng có ý bảo em đằng trước nhường đường cho tôi nhưng em kia vẫn không chịu.Rồi tôi tìm cách vượt qua được hai chàng ngang bướng này. Nhưng không đầy một tích tắc sau, lại nghe đánh xoảng một tiếng. Ngoái lại. Trời ơi, một phụ nữ với đứa con nhỏ ngã sóng soài trên mặt đường. Hóa ra bánh trước xe honda của chị móc phải bánh sau chiếc xe đạp cuả hai em kia. Mọi người xúm lại. Tôi cũng quay lại. Người mẹ mặt mày xám ngoét. Còn đứa trẻ thì mặt mũi đầy máu, nằm bất động như một xác chết... Chiếc xe đạp của hai em học sinh cũng bị ngã nhưng cả người lẫn xe vẫn không hề gì...Trong lúc mọi người xúm lại bế cháu bé lên xe đi cấp cứu thì tôi nghe em học sinh ấy trả lời câu hỏi của ai đó:- Tôi không biết. Hai xe đụng nhau... Lỗi trước hết bao giờ cũng thuộc về xe gắn máy. Còn xe đạp là xe thô sơ. Phải ưu tiên chứ!Hiện nay trên đường phố, hiện tượng xe xích lô, xe đạp cứ hàng ba hàng bốn, nhởn nhơ, dung dăng dung dẻ giữa đường, mặc kệ những xe có động cơ đi phía sau phải tìm cách luồn lách để vượt lên là điều phổ biến, diễn ra thường xuyên và khắp nơi. Nếu những người này vì không hiểu luật giao thông, hoặc vì ngang bướng, thích quậy phá, thì còn có phần thông cảm được. Chứ nếu cứ cậy thế ta đây thô sơ, ta đây đối tượng cần chiếu cố của xã hội để rồi đòi mọi người phải ưu tiên, là điều không thể chấp nhận được. Trạng thái tâm lý này không ra Chí Phèo, cũng chẳng phải A.Q. Không biết nên gọi là gì? Mong các nhà giáo đừng bỏ qua nó.