"Sự cùng quẫn cuối cùng của con người, đấy chính là cơ hội của Chúa" Chương 1.1 Đường hun hút nhựa. Trời hanh. Nắng vàng ươn ao. Gió nhạt. Chiếc xe tải chạy trước rũ bụi vào mặt Hoàng. Anh lăm le tìm cách vượt, không thể được, đành chịu tụt lại khoảng 300m. Còn sớm, chừng độ chín giờ, đến đầu đường sân bay, Hoàng hỏi thăm một cảnh sát giao thông mặt xanh mét màu rau muống. Chiếc dùi cui uể oải chỉ về khu nhà lá lợp tôn. Nơi gửi xe. Hoàng đi lượn vòng quanh mấy lượt, hình như ba tiếng nữa mới có chuyến của INTERFLUC về. Gã hải quan nói ngọng chử l. Có mùi bánh mỳ chua thiu thiu của pa tê. Căng tin của sân bay ngột ngạt người. Các cô bé bán hàng được đô thị hoá trong bộ đầm tíu tít, Hoàng tiến lại phía quầy. - Chị làm ơn bán cho chén lẻ rượu trắng. Nữ mậu dịch viên dẫm chân lên thùng “333”, khinh bỉ nhìn khách hàng: - Cả chai. - Thưa, bao nhiêu ạ? - Hai nghìn mốt. - Gửi chị, rất cảm ơn chị. Mậu dịch viên nữ uất ức, một thằng ngộ độc lịch sự, xỉ mũi đầy bi phẫn vào gầm quầy. Hoàng xách chai Lúa mới ngồi xuống góc bàn trống. Khói thuốc quẩn tiếng chí choé. Nhấp nhổm ăn, nhấp nhổm nuốt. Từng khuôn mặt bồn chồn nhếch nhác. Hoàng uống lơ đãng nhìn, người ngồi cạnh xoay lại. Một ông trung niên mặc áo đại cán, cổ áo cáu bẩn. - Tôi hỏi nhờ, anh cĩmg đón người nhà từ nước bạn về. - Vâng, bác dùng một chén. - Cám ơn, chà khí nóng. - Xin bác cứ tự nhiên. - Cái anh Lúa mới này cồn khiếp, đúng phải ăn kèm cái gì. Ông ta đứng lên, hoá ra hơi lùn, lon ton chạy về phía đầu hành lang. Một bà nhà quê với ba đứa nhóc nhinh nhỉnh khoảng mười một mười hai ngồi quanh mấy cái tay nải. Ông trung niên khoa tay chỉ trỏ, bà kia vội vàng mở tay nải thâm rút ra hai bọc lá chuối, một bọc giấy báo, rồi tong tả chạy về chỗ Hoàng. - Kính bác hút thuốc. Hoàng lấy bao Hero châm một điếu, đưa hai tay mời. Ông trung niên một tay gỡ lá chuối, thỉnh thoảng đưa tay mút mồm. Một bọc xôi lạc. Bọc kia toàn thịt gà chia hai phần. Nửa luộc nguyên hai đùi, hai lườn và cả miếng tướng phao câu. Nửa rang lổn nhổn dư lại của món luộc. - Anh dùng khoát đạt, đàn ông cả mà. Ông ta rút túi áo ra mấy nhánh hành sống. Đằng kia, bà dáng nhà quê và mấy đứa nhóc cũng dùng bữa. Một chai nhỏ đen đen, chắc tương. Bọc giấy khéo léo được gỡ, toàn cơm gạo đỏ. Bà ta vuốt sạch cơm dính trên tờ báo, gấp lại đút vào tay nải. Ông trung niên đã xong chén thứ tư, hùng hồn lắm. Hình như là trưởng ban bảo vệ xã. Mấy đứa trẻ từ xa thỉnh thoảng ngước nhìn trộm về bàn bố. Hoàng vẫy tay gọi. Cả ba đứa đùn đẩy không đứa nào chạy tới. Ông trung niên ngoảnh lại, trợn mắt gừ một tiếng. Mấy đứa bé tái xanh, cơm vẫn nghẹn ở cổ lập cập đến. - Bọn này gấu lắm, nhất quyết cứ đòi đi đón chị. Con mẹ nó định chiều cho đi cả. Tôi bắt phải gắp thăm, ba đứa ở nhà khóc rinh lên. Mẹ chúng nó, thế mới dân chủ chứ. Chắc là dậy từ hai giờ sáng. Chắc là đi xe tải. Chắc là đi bộ vào đây. Hoàng đùm xôi lẫn thịt gà thành một gói đưa cho đứa lớn nhất. - Mang ra kia ăn nghe chưa. Bố với chú không ăn món này. Bác ạ, mình là đàn ông khoát đạt sang đến cửa khẩu nước bạn phải xài đồ Tây. Tôi hân hạnh thết bác. Ông trung niên ngần ngừ nhón lại miếng thịt đùi. - Chú nói vậy thì cầm về mấy mẹ con ăn luôn. Này, nhớ phần bố cái phao câu. Hoàng gọi đĩa nguội. Dăm bông mỡ viền đã vữa. Xúc xích thâm tím, giữa hai lát cắt là xác con nhặng tổ bố nằm khá lãng mạn. Hai bánh mỳ chua. Miếng pa tê ung ủng mùi sông Tô Lịch. Vui vẻ quá, người Tây văn minh thật. Hoàng vừa uống vừa hút thuốc liên tục. Mù mịt khói. - Bác dùng thêm đĩa xúp nữa ạ. Hoàng mời. Vài mảnh cá ươn lều bều cạnh mấy càng cua bể lạnh ngắt ngâm trong vũng nước sền sệt ấm. Cô mậu dịch viên bưng đồ ăn thêm ra nhìn hai vị khách tươi cười, cố giấu vẻ hoảng hốt. Trạm xá sân bay đông chặt những thực khách đang nằm cấp cứu. Hoàng lưỡng lự như là cười. Dạ dầy xã đội trưởng là không thể đùa được. Vâng, bác phải tráng miệng ạ. Đét-xe một cốc vại sữa Mộc châu mà hiển nhiên đã quá đát. Bỗng người ta nhao nhao, í ới gọi nhau. Có cô bé xinh lắm mặc quần thụng, không hiểu đón anh hay bố, mừng nhẩy cẫng lên, cạp quần rộng suýt tụt. - Về rồi, về rồi. Ông trung niên không kịp cám ơn lao ra chỗ vợ. Ba thằng nhóc sau bữa ngon lành, đã đeo tay nải trong tư thế trực chiến. Cả nhà hùng dũng áp sát hàng rào sắt ngay chỗ cửa ra vào. Hoàng thanh toán tiền, lững thững đi ra chỗ cột vắng. Rượu này cồn thật, suốt sáng anh chưa ăn thứ gì. Đám đông tiếp tục ồn ào. Phía trong phòng Hải quan đã xuất hiện những người con có thời gian phải xa đất nước. Quê hương hài lòng âu yếm ôm đàn con bụ sữa. Tất thảy đều xúng xính trong những bộ đồ còn thơm mùi bơ tươi. “Anh ơi”, “Bố ơi”, “Chị ơi”. Đất mẹ gào lên lo lắng. “Cẩn thận cái va ly”. “Bố ơi, bố có mấy cái túi”. Hoàng cũng đã nhìn thấy thằng em. Nó vẫn vậy, hơi gầy. Tâm chen ra khỏi đám đông, anh dễ dàng nhận ra ông anh trai. - Xong hết thủ tục chưa. - O.K. Tâm chỉ có hai túi du lịch to. Hoàng cúi xuống khoác giúp em một cái. Anh oằn vai loạng choạng. - Tưởng nó nhẹ, đá chắc. Tâm cười, hàng ria dãn đều trông hiền lành hơn. Năm năm bằn bặt, bây giờ hai anh em mới gặp nhau. Tâm rút trong túi áo khoát ra chai Whisky dẹt. - Anh uống trước đi. - Rất mừng được gặp em. Tâm nhấp một ngụm lấy lệ. Mấy năm ở Tây không làm tửu lượng anh tăng bao nhiêu. Có tiếng khóc thút thít rồi nức nở. Bà dáng nhà quê đang ôm chầm một thiếu nữ. Cô gái áng chừng mét bẩy, tóc xù. Bộ ngực thì chính cả người Đức cũng phải mơ ước. Bình tĩnh một lúc, ái nữ hỏi thân mẫu “Bố đâu”. Xã đội trưởng phu nhân giơ tay chỉ về phía nhà vệ sinh công cộng. Không đầy hai chục phút, người ta thấy ông trung niên chạy đi chạy lại về hướng đó tới năm lần. Dọc đường cả hai anh em đều không nói chuyện gì. Hồi Tâm bỏ học để đi Đức, Hoàng cáu lắm, tát em một cái. Tâm kém anh ba tuổi, đang học trường Kinh tế kế hoạch, cuối năm thứ tư Tâm bỏ đi lao động nước ngoài. - Bố mẹ có khoẻ không? Tiếng Tâm lẫn trong gió. Xe chạy tốc độ cao. Đường tốt. - Về hẳn chứ? - Vâng, về hẳn. - Bố mẹ mong em nhiều đấy. - Thì em vẫn viết thư đều mà. Cả nhà ai cũng muốn đi đón. Tính thuê một xe Lada. Hoàng gạt đi. Anh mượn Nhã, cô bạn gái rất thân, cái xe Cub. Xe chạy hết ga. Cây hai bên đường vùn vụt trôi ngược và thời gian vùn vụt trôi xuôi. Năm năm như mơ. Nghe cải lương quá đi mất. Đến đầu cầu Chương Dương công an chặn hỏi. Trạm kiểm sát liên ngành vừa được phong anh hùng cách đây ba hôm. Hai tháng cuối năm bắt tám trăm vụ buôn lậu. Hoàng vẫn để ga ngồi trên yên uể oải nghe Tâm trình bày với tay công an non choẹt. Một lát sau, chẳng hiểu nói gì, chỉ thấy Tâm cười. Nhà đại diện pháp luật cũng tươi bằng ngần ấy. Xe đi. - Mất cho nó bao Cabinette. Về đến nhà đúng năm giờ chiều. Bố xúc động, ông ký nhà băng thời Tây và là cán bộ ngân hàng lưu dung thời ta đã về hưu chào con giai mình bằng tiếng Pháp. Cả bữa cơm đánh đổ chén rượu mấy lần. Mẹ và con bé Phượng khỏi nói. Tâm cười rưng rưng, ngập trong nước mắt của mẹ và em gái. Đây là quà của bố này, đây là quà của mẹ này. Còn đây là quà của em Phượng. Hoàng uống dè dặt, im lặng thanh toán chai Whisky. Thỉnh thoảng anh mới được uống rượu ngon. Chủ nhật Tâm rủ Hoàng ra khách sạn Du lịch uống bia. Tháp rùa ngơ ngác nhìn Hà Nội đang quen dần buôn lậu và tập tọng nghiện ngập. Đàn ông đã biết bật nắp Heineken và đàn bà cũng quen với vị Coca. - Mọi chuyện vẫn vậy. Bố hơi lẫn. Mẹ già đi, em gái nhớn lên và nhà vẫn lụp xụp. - Anh uống nhiều rượu hơn. - Anh không làm phiền ai cả. - Em biết. Em đâu có nói chuyện này, em đã có ít tiền, khoảng năm chục cây. - Bao nhiêu? - Chừng năm mươi lạng vàng. Hoàng tò mò nhìn em giai qua cốc bia. - Anh khỏi lo, mọi chuyện đều hợp pháp. Em sẽ xây lại nhà và mở Café. Con bé Phượng hai lần thi trượt đại học là quá đủ. Nó sẽ bán hàng. - Liệu có làm hỏng nó không. Tâm cười rít hơi thuốc dài. Hai ông anh đều cưng cô út. Khách sạn bắt đầu đông khách. Bia ở đây bán kèm nhẹ nhàng. Hai cốc bia hơi và một đĩa xào. Thịt lợn thì tươi nhưng hành thì ôi. Lác đác những cô bé mặc đầm lẫn trong đám đông những chàng diện Veston. Hà Nội của anh. Tâm cười khẩy. Suýt nữa vì nó mà mình bỏ mạng nơi đất khách. Không hiểu vì sao, hồi đánh đồng hồ lậu qua Stuttgarter, Tâm nhớ nó bật khóc. Duy nhất chỉ một lần. - Thuỷ và anh thế nào. - Bình thường. - Có khi cuối năm em cưới vợ. - Tuyệt vời, năm nay mẹ yếu quá. - Sẽ trước anh à. Hoàng đột nhiên thở dài. - Anh muốn cái gì nằng nặng. - Thôi mà, mẹ làm cơm chiều. Tâm mở chai Trúc Bạch mới. Muốn uống thêm bia hơi thì lại phải kèm một đĩa xào. Hoàng lưỡng lự. - Lâu lắm anh không gặp Huyền. - Ừ em cũng không nhận được thư - Tâm hơi cười - Cũng đánh rơi vài thằng nhóc ở bên ấy. Hoàng nhìn chai rượu bầy mẫu, tự nhẩm xem đã từng được nếm loại nào. Chín trên mười ba. Một chỉ số dễ chịu. Có tiếng choe choé. Cô nàng đong bia đang cãi nhau với khách. Mấy đồng nghiệp xúm vào can. Nàng bị đẩy khuất xuống bếp, vài câu chửi sót được quạt trần thổi hắt ra. Một viên chức già trích tiền lương uống bia trộm giấu vợ ngồi gần Hoàng, để cốc xuống nhăn mặt. - Trời ơi, về bao giờ thế này. - A, Trần Bình - Tâm cười tươi và kèm theo là kiểu ôm hôn không có trong phong tục người Việt - Đây là anh giai mình. Hoàng bắt tay phiên bản các tài tử nam đóng vai chính trong những phim lãng mạn Hồng Kông. Trắng trẻo. Sống mũi thẳng rất hợp với kính Tây Đức. Tâm gọi thêm ba chai bia và đĩa bồ dục chần. - Mình uống nhiều quá rồi. - Chút chút, gọi là tái ngộ. Trần Bình uống một hơi hồn nhiên, đứng lên gập mình kiểu cách. - Mình thật sự xin phép, đang đi cùng mấy người bạn. - Uống đi đã, sắp tới tôi có việc cần ông. - O.K. Mai chắc chắn mình qua. Chào anh. - Chào anh. Tâm uống. Rút khăn mùi xoa chấm chấm lên ria. - Bình được đấy. Hồi ở Berlin, em toàn phải đánh hàng nhờ cầu nó. - Bình uống được rượu không. - Ông già nó cỡ Thứ trưởng, trùm đám Đông Âu. - Về đi không mẹ mong. Phố xá hai bên lên đèn. Chiều buông nhạt. Chương 1.2 Hoàng đến đón Thuỷ về học trễ mất mười phút. Cô đi đi lại lại quanh cánh cửa cổng trường. Thỉnh thoảng bọn cùng lớp tan ngang, Thủy quay mặt đi giấu vẻ nhăn nhó. May mà bọn con trai ở lại đá bóng. Trong trường nhiều người biết Hoàng. Ðơn giản Thuỷ là hoa khôi của cả khoá. Cái buổi đầu tiên Hoàng công khai đến đón, mọi người nhao nhao lắm. "Trông đẹp trai nhưng như thế nào ấy". Vâng, rượu uống hàng lít thì bình thường người thế nào được. Thuỷ suýt bật miệng rên rỉ. Chắc tan làm lại ngồi chết vào quán rượu. - Anh xin lỗi. Kèm theo ngữ điệu âu yếm là mùi cồn thoang thoảng. Không thèm nhìn. Thuỷ quay ngoắt bước dài trên vỉa hè đất. Cái túi may bằng vải thô thêu mấy chữ Pháp, lủng lẳng mạnh theo nhịp bước. Hoàng đần mặt. Anh tắt máy, dựng chân chống xe rồi chạy với theo. Sắp đến giờ tan tầm, đường kha khá đông và tất nhiên vài kẻ hiếu sự đã nhận ra cảnh đuổi bắt tình yêu. Hoàng vội bước hụt chân ngã đánh "uỵch". Ðám đông đang nhậu rượu ở các quán xung quanh phá ra hả hê. Thuỷ hốt hoảng quay lại vừa tức vừa buồn cười. Cô phủi quần áo cho Hoàng. - Mắt mũi để đâu thế hả. Hoàng nhăn nhó. Anh vịn vai Thuỷ lê từng bước, khó khăn lắm Hoàng mới đạp được cần khởi động. Thuỷ nhìn Hoàng bỗng nghi nghi. Anh ta rất hay giở trò bợm. Ða phần cô không đoán được thật giả. - Còn đau nữa không. Hoàng liên tục rền rĩ những tiếng nghe rợn người. Thuỷ vẫn chưa chịu ôm eo anh. - Anh có bớt rên đi không. - Người anh làm sao thế này, hay là xuất huyết nội. - Uống cho nó lắm vào. - Ðâu, anh có uống gì đâu. - Nếu anh còn chối là xuống đi bộ đấy. Hoàng thua. Kinh nghiệm của hai năm yêu nhau cho thấy tốt nhất là im lặng. Hoàng bâng quơ: - Xe thằng Tâm đấy, nó mới mua. Vẫn không bắt chuyện. Con đường chạy dọc công viên vào các khu tập thể lớn, 16h30, người tan tầm đông vô kể. Hoàng đi xe tài tử. Thuỷ cứng người vì sợ đành ôm chặt lấy anh. - Tối nay em có bận không. - Bình thường. - Ði chơi đi. Trơ tráo lắm, giời ạ. Thuỷ dằn giọng. - Tối nay cũng có chuyện muốn nói với anh. Ðến gần lối rẽ vào ngõ nhà Thuỷ, Hoàng dừng xe lại. - Anh vào xin phép bố mẹ đi, đằng nào mà chẳng phải thổi cơm chiều. Hoàng vào số, cái DD70 lượn ngoằn ngoèo. Ngõ nhỏ nhiều ổ gà. Những lần đi chơi với nhau, Thuỷ thường bảo anh chờ từ ngoài, cái xe đạp của Hoàng lỏng lẻo đến phát sợ. Bố Thuỷ không ưa Hoàng. Ngay từ đầu và đến giờ cũng vậy. Ông là giáo viên cấp III, dạy môn gì thì Hoàng cũng chẳng rõ. Quá khứ phóng túng, mặc dù Hoàng cố giấu, vẫn in vài nét đậm lên phong độ. Kỹ sư tâm hồn, đánh rơi một phần ba tuổi thanh xuân ở vùng sơn cước Tây Bắc, gườm gườm nhìn gã thanh niên ứng cử làm con rể. - Anh với cái Thuỷ nhà này là bạn trong lớp hay ngoài vỉa hè. - Dạ, thưa bác, cháu đi làm rồi. May quá, Hoàng vừa kịp nuốt hai chén tống đầy ở quán nhỏ chênh chếch đầu ngõ. Ben Johnson muốn đoạt giải đành phải tọng doping. - Cái Thủy có nói chuyện về anh. Lớn rồi tôi không cấm. Hừm, thanh niên bây giờ văn minh thật. - Dạ, thưa... - Tôi nói là tôi không cấm, thế nhưng... Ông giáo bắt đầu. Lạy Chúa, quán tính nghề nghiệp đẩy cuộc nói chuyện kéo dài đúng một tiết. Thuỷ đang ngồi may, cô nhận hàng gia công cho mậu dịch, bị gãy kim bốn lần. Ðêm ấy trước khi đi ngủ, Hoàng phải xin mẹ mấy viên Seduxel. Thuỷ hỏi Hoàng "Bố thế nào". Hoàng cười "Bố hiền". Thuỷ bảo "Bố không ưa anh vì cụ ghét những đứa hay uống rượu". Hoàng nhăn mặt. "Ôi dào, trâu buộc ghét trâu ăn". Thủy rũ ra cười. Bố mẹ Thủy đều có nhà. Con bé út đang nhặt rau. - Cháu chào hai bác ạ. Nhạc phụ ầm ừ lấy lệ. Nhạc mẫu xởi lởi. Bà thật xấu. Ðã mắng cả ngành di truyền học bằng cách đẻ cô con gái tuyệt sắc. Hai mươi nhăm năm trước, nàng sơn nữ thượng nguồn Ðà Giang phải lòng chàng miền xuôi thầy giáo huyện. Một tình sử tương đối phổ cập trong thập kỷ sáu mươi. - Cậu Hoàng đấy à. Hôm nay ở đây ăn cơm nhớ. Tan làm cô tạt qua chợ mua được mớ cá ngon quá. - Dạ, cháu xin phép. Mai có anh bạn cùng cơ quan đi Thụỵ Sĩ. Gia đình anh ấy làm cơm, cháu phải tạt qua. - Bên cơ quan anh hay được đi thật đấy. Thế cái Thuỷ, mày ăn chiều không. Thuỷ đã thay bộ đồ ở nhà, đang lúi húi dưới bếp. Cô cầm rá gạo đi lên khẽ nháy mắt với Hoàng. - Vâng. Con cứ thổi cơm xong đã. - Nghĩa là mày không ăn chứ gì. - Vâng. Thuỷ trả lời nhỏ, chăm chú vo gạo. Vẻ tập trung hao hao theo phong cách của tượng Rodin. Lích kích mãi, sáu rưỡi hai người mới đi nổi. Trăng sớm, đang thu lành lạnh. Thủy ôm sát anh âu yếm vuốt tóc. Ði xe máy dễ chịu hơn đi xe đạp. - Anh có biết em yêu anh không. - Suýt nữa anh định nói câu ấy. - Mấy giờ anh phải trả xe. - Thằng Tâm tối nay cũng không bận. Hai người đỗ xe trước một quán nhỏ ở phố Hàng Buồm. Quán cũ kỹ và đồ mồi ngon. Thỉnh thoảng khi có nhiều tiền Hoàng lại ra đây. Lần cuối cùng cách chừng năm tháng. Quán thưa khách, ấm cúng mùi xào nấu. Hoàng gọi chim quay và cua rang muối. Thủy nhìn anh. - Anh không được uống rượu đâu. - Ơn Chúa, đúng là những câu có cánh. Hoàng nằm trong quy chế của dry law(1), anh cũng đang trong thời kỳ bảo dưỡng sức khoẻ. Một cô bé khá xinh, chắc con ông chủ quán, bê đĩa sa lát và hai lon "333" khẽ đặt xuống bàn. - Này bé, cho chú xin một ly rượu trắng thật lớn để trộn rau. Cô bé quay vào sau quầy, khẽ liếc Hoàng, cầm ra một chai trong vắt. Thủy cắn môi, chẳng còn muốn nói. Cũng có lần Hoàng hứa tuyệt đối không uống. Ðược đâu chừng mười ngày. Hoàng rót bia cho Thủy. Rót rượu cho mình vào ly cao chân, cẩn thận nhấp một ngụm với vẻ mặt tuẫn tiết của các thánh tử vì đạo. - Anh Hoàng. - Vâng, anh xin nghe. - Chúng ta không thể sống thế này mãi được. - Tất nhiên, theo anh nên có một thằng nhóc để cải tiến tình hình. - Chúng mình có nhau đã được hai năm. Và lúc nào em cũng thấy anh tạm bợ. Dạo mới yêu chẳng hiểu sao em lại coi là hay hay. Nhưng bây giờ em lớn rồi. Chỉ ba tháng nữa em sẽ tốt nghiệp. Anh Hoàng, anh có nghe em nói không. Ðã khi nào anh tự hỏi, cho đến bây giờ trong tay mình đang có cái gì. Hoàng nhấc ly xoay xoay. Ðúng là một giáo cụ trực quan đầy tính sinh động. - Anh yêu em. - Vẫn một điệp khúc. Anh đừng làm em chán. Cô bé con chủ quán dọn đồ ăn ra bàn. Bầy rất khéo. Hoàng lấy dao, cắt miếng lườn chim vào bát Thuỷ. Cô nhai như nhai rơm. - Em buồn lắm. - Sáng danh Chúa. - Vứt cái ông Chúa của anh đi. Hoàng tranh thủ uống nốt ly rượu. - Lạy Chúa, xin Người bỏ qua tội báng bổ của nàng. Chắc hôm nay em có môn nào phải thi lại rồi. Hoàng tự an ủi. Rít thuốc anh nhả những vòng quánh khói thuốc thật tròn. Quán đã dần dần đông người. Ngồi sát Hoàng một bà béo quá. Ngày mới quen nhau, Thuỷ rụt rè theo Hoàng vào quán này. Mưa mùa hạ xối xả. Hoàng vừa gọi món ăn vừa nơm nớp ngầm đếm lại tiền. Hôm ấy anh uống nhiều lắm nhưng không say. Ðôi mắt của Thuỷ long lanh theo những chuyện anh kể. Lần đầu tiên cô yêu. Cả hai cùng cầu giời cho mưa thật to. Và mưa cũng thật lâu. Chàng âu yếm ngắm khuôn mặt xinh xắn của nàng. Mình sẽ làm lại từ đầu. Không bao giờ uống rượu nữa. Mình sẽ chăm chỉ và thật ngoan. Trước cái đẹp đột ngột người ta thường nẩy sinh những ý nghĩ tích cực. - Cách đây vài hôm anh Tâm gặp em. Ði cùng với anh gì trăng trắng. Toàn nói chuyện về anh thôi. - Em uống ít bia nữa nhé. Hoàng nhấp rượu. Thuỷ uống một hơi hết cốc bia đầy. Bà béo bàn bên quay lại nhìn. - Hay anh bỏ làm đi buôn, vay thằng Tâm ít vốn vậy. - Tuỳ anh, em chán lắm rồi. - Trông em hơi mệt. - Không hiểu sao em lại yêu anh. Rất nhiều lần em tự hỏi mình. Anh biết không. - Có một ông sư già đạo cao đức trọng trụ trì một tu viện lớn khi ốm nặng gọi tay đệ tử cưng nhất đến hỏi: "Sau khi thầy chết các con sẽ làm gì". Vị đệ tử trả lời: "Con không biết" ông sư già lại gặng hỏi vị đệ tử tát thầy một cái rồi bảo: "Nằm yên mà ngủ đi, hỏi ngu lắm". Vị sư già yên tâm mà tịch diệt cõi niết bàn. - Anh chửi em hả. - Anh yêu em. Thuỷ nhìn bâng quơ, cổ cô nghèn nghẹn. Quán vắng mà lại không có nhạc. Cũng chẳng hiểu làm sao. - Về đi. - Còn sớm lắm chưa đến tám rưỡi. - Em về đây. Hoàng kêu tính tiền. Cô chủ quán trả thừa anh một nghìn rưởi. Ðen tình đỏ bạc. Hoàng đi xe chầm chậm. Ðoạn đường ngắn mà có tới bẩy đôi trai gái hôn nhau. Gió khuya lá rụng. Ðầu anh hâm hấp như sốt dở. Hôm nay uống nhiều quá. Một ngã tư. Hai ngã tư. Hoàng tăng ga. - Ði uống cà phê không em. Anh quay lại, định nói đùa thêm. Thuỷ đang khóc, nước mắt ướt đẫm má. Hoàng đạp phanh quành tay ôm cô. Ông già đi xe đạp đằng sau bật chửi tục. Chỉ vì tránh, suýt nữa ông ta lao vào vỉa cống. - Em làm sao vậy. Im lặng. Hoàng hôn nước mắt người yêu. - Anh sẽ không bao giờ nói nữa. Anh nghe em. Thủy vẫn thổn thức. Chợt nhiên cô nhấc đầu khỏi vai anh, giọng khàn khàn: "Chúng mình đi về đi". ---------- (1)dry law: luật cấm rượu ở Mỹ Chương 1.3 Trời chợt nhạt nắng. Nhà mới làm xong còn nồng mùi vôi tường. Có phòng khách. Có phòng riêng cho bố mẹ. Phí tổn vượt quá ước tính của Tâm, anh phải bỏ thêm gần năm triệu. - Phượng, mày ra đây anh nhờ. Ðang ngồi sau quầy sẽ dự định là bán giải khát, cô em vứt cuốn “Tình sử Algielic”, chạy lại. - Mày xem cân chưa. - Dịch sang trái một tý. Ðược rồi. Anh không có ảnh người mẫu thời trang à? - Có hai cái. - Ảnh ca nhạc cũng nhàm rồi, mà bây giờ ai lại đi treo ảnh đá bóng. - Vặn bé nhạc đi, mẹ trong nhà đang mệt. Tâm ngắm Dieter Bohlen. Ca sĩ thời thượng của nhóm Modern Talking. Tóc loà xoà, ánh mắt của dân Bôhêmiêng. Tướng thằng này đúng dáng hát rong. Tâm thích Beatles. Anh dán thêm vài ba cô gái đùi dài, cười rất tươi với chai Cocacola. Trông tàm tạm, có vẻ quán cà phê lắm. Ðã bán nửa tháng mà khách hàng vẫn chỉ là bạn Tâm. Có đứa trả tiền, có đứa chẳng trả. Cả nhà ăn cơm, bố hỏi: - Liệu có lỗ không con. Hoàng tủm tỉm. Mẹ cười buồn. Liên tiếp một tuần bà không phải rửa cái cốc nào. Con bé Phượng lúc đầu háo hức bây giờ cũng hơi ỉu. Một sáng chủ nhật ế khách cũng như bao nhiêu ngày khác trong tuần, Bình đến. - Mình có tí việc phải vào trong kia. Xong hết rồi chứ. Tâm khoát tay chỉ vòng quanh. Cố ghìm thở dài bằng cách nhả hơi thuốc. - Từ hôm mở hàng ông là người thứ mười sáu. - Ði với mình. Ra đến cửa gặp Phượng vào. Trông thấy Bình mặt cô bé run run ửng đỏ. Bình và Tâm vào quán Long lùn. Bar nào của Hà Nội bây giờ cũng ngập đầy bọn choai choai. Trệu trạo nhai kẹo cao su, hút ba số thở khói vào tai bạn gái để hai đứa cùng cười. Một vài bàn đầy vỏ Heineken, cả chai nguyên Jonhny Walker. Chắc có đứa vừa đi xuất khẩu lao động về. Tìm mãi mới có bàn trống. Cô bé "xẹc via" bôi nhiều phấn đi lại. Tâm nhìn sâu vào cổ áo khoét rộng. Nàng không mặc đồ lót. Cái ngấn ngực trắng của tuổi mười chín. - Cho anh hai chai bia. - Dạ, chỉ có băm ba thôi. Tâm dùng bật lửa mở nút. Cô bé ngồi kế bên tò mò nhìn. Gặp cái nhìn lại rất dạn của Tâm ngượng ngùng quay đi. Bình cho đá vào cốc. Tâm hút thuốc. Vườn thật đẹp. Nhiều hoa và những cây cảnh lạ. Ở một góc kê màn hình video 20 inches. Ðứng ở bar, một tay thanh niên đẹp giai, cổ thắt nơ đen. Hà Nội những năm tháng không có mình đã ra vậy đấy. Thay đổi bao giờ cũng tốt hơn. - Ðây là mẫu mực à. - Không hẳn. Một trong vài ba mô hình tiên tiến. - Bia bán bao nhiêu. - Lãi ròng mỗi chai khoảng bốn trăm. Trung bình ngày bốn chục chai. Và thực ra bia cũng chỉ là thu nhập phụ. Tâm này, mình xin lỗi. Cậu áng được khoảng hai chục cây không. - Cậu khuyên mình dẹp cà phê à. - Phải, bỏ đi. Sắp tới mình xin vào chỗ ông già. Lang thang mãi hơi mệt. Mình có một số nơi làm ăn quen biết. Ðịnh nhường cậu một ít. - Bao nhiêu phần trăm lãi sẽ phải chia đưa cậu. - Tuỳ. Mình tin vào tình bạn. - Lúc nào có thể bắt đầu. - Uống nữa không. - Cậu kêu rượu nữa đi. - Nếu phải đặt trước, khoảng một nửa tất cả của cậu. - Cờ bạc mình ham mà. Hơn nữa, mình cũng tin vào tình bạn. - Nào, cụng ly. Tâm chợt thấy vai trái tê nặng. Hình như có ai nhìn. Thật xoáy thật căng. Duy nhất chỉ một người. Anh hơi ngoái. Ðúng nàng, có cái gì đấy thấy nhói trong tim. Tâm uống cạn ly rượu, chắc em lấy chồng rồi. Hai mươi ba tuổi, năm năm đi xa, tháng nào cũng đôi lần, nàng quấy rầy giấc mơ của anh. Chẳng lần nào anh mơ được hôn, gã đàn ông ngồi cùng nàng mặc diêm dúa, uống nước xoài. Ngày xưa, đôi khi mình cũng uống nước xoài. Chó chết. Ðã nhận ra mình, em không quay lại nữa. Cái nhìn trượt mênh mông vào hư vô. - Ông già mình sẽ về hưu, nếu không chịu thay chiến thuật. Ðến tầm tuổi nào đấy người ta bị lẫn. Ông cụ vẫn tin là ông cụ đúng. Những người làm quan khi về hưu thi thoảng chơi cây cảnh. Hoặc cãi nhau với đài hoặc làm thơ. Cô bé có cổ áo khoét rộng tiến tới gần bàn của nàng. Gã đàn ông trả tiền. Một xấp tiền chẵn. Khi đếm trả gã cẩn thận lựa những tờ cũ. Nàng quay lại. Tâm cười buồn. Nàng rùng mình đi vội ra. Gã đàn ông khệnh khạng ngón tay xoay xoay chiếc chìa khoá xe Cub buộc con búp bê tết bằng len. Nhận ra hay không nhận ra. Nàng đi và để lại một quầng khói mỏng. Tâm rít hơi thuốc. Ðiếu ba số mới châm cháy một vệt. Tàn trắng chạy thẳng một vệt, không gãy. - Chúng mình đi đi. Cậu sẽ được gặp một trong những sếp nhớn. Bình nhấp rượu. Ly bỏ dở còn chừng hai phần ba. Tâm nhìn mặt rượu sóng sánh trong ly. Anh Hoàng bao giờ cũng uống rượu cả cặn. Gọi chữ là gì. Dĩ tận vi độ. Hà Nội tàn thu. Con trai hiền hơn, con gái xinh hơn và các quán cà phê đèn mờ nhiều hơn. Tâm và nàng đi lang thang suốt cả chiều. Tất nhiên là hút thuốc. Tất nhiên là nàng khóc. Tất nhiên là nàng khóc. Lúc sụt sịt, Lúc oà ra lúc nức nở. Giữa những điếu thuốc, Tâm cắn môi. Cái răng sứt từ hồi bé ngã cây để lại một vành khuyết ở môi dưới. Bình ấn chuông ngôi nhà tầng trát đá rửa có giàn hoa ti gôn. Có tiếng chó sủa. Bình nhìn qua lỗ cửa vào sâu trong sân. Chẳng có một xe nào cả. Người cần gặp không có nhà. Bình quay ra nói. Tâm mặt nhợt nhạt nghe loáng thoáng. Hình như sân quần vợt Khúc Hạo. Hà Nội tàn thu. Ðợt xuất khẩu đi Ðức cuối cùng trong năm. Bãi cỏ hồ Tây bị nắng hanh đầu đông làm xám khô. “Mấy tháng anh sẽ quên em.“ “Anh không biết.” “Em mong có con.” “Anh xin. Em mới mười tám. Mọi chuyện sẽ qua đi. Rồi những chuyện tốt lành sẽ đến với em. Thôi nào. Ðừng khóc nữa.“ Nước mắt nàng ướt đẫm một bên vai. Tâm hút thuốc. Bao Sông Cầu còn lại một điếu. Mặt hồ vắng không một bóng thuyền. Nắng hanh thì vàng và bầu trời thì rất đục. “Em yêu anh.” “Tha cho anh.” “Em sẽ chờ anh.” “Huyền, em phải hiểu chứ. Anh không muốn đèo em bằng xe đạp và hút thuốc thổ tả này.” “Em chờ anh.” “Tuỳ em. Nếu số phận mỉm cười với chúng ta. Còn trước mắt đừng nên trói mình vào những ảo ảnh viển vông. Anh không muốn dối trá. Khoảng cách về thời gian và không gian sẽ xói mòn cái gọi là tình yêu. Chẳng nhẽ em thích sống với anh bằng trách nhiệm hoặc nghĩa vụ.” “Nhỡ chúng ta có con.” Mây bay. Mặt hồ xanh. Gió nhạt. Và Tâm hút điếu thuốc cuối. “Ðừng doạ anh mà phải tội.” Nàng bật cười. Kiểu cười của trẻ con. Nước mắt lăn tròn quanh má lúm đồng tiền. “Mọi người đều nghĩ anh là dũng cảm. Hôn em đi. Nữa cơ.” Một ông trung niên mặc áo đại cán đứng xa xa nhìn hai người chằm chằm. “Tháng trước em đau bụng muộn, chậm gần một tuần. Mấy hôm rồi chúng mình ở cạnh nhau em giấu. Thực ra cũng hơi lo lo.” Tâm lại cắn môi. Hàng ria mép dài làm khuôn mặt đàn ông của Tâm thêm thiểu não. Nàng dụi vào tóc anh. Ðột nhiên nức nở khóc. “Anh yên tâm. Cứ đi đi. Chẳng có gì đâu. Em đùa đấy.” Trước khi bay ba ngày Tâm mới báo gia đình. Bố anh ầm à ầm ừ. Mẹ rền rĩ. Thực ra Tâm ngủ ngoài nhà nhiều hơn trong nhà. Con bé Phượng hơi ngơ ngác, nó còn bé quá. Tâm ra quán rượu đầu phố tìm Hoàng. Ông anh giai đang độc ẩm. Chén rượu vơi bơ vơ trên bàn rộng. Thoạt đầu Hoàng không hiểu, sau đó nhăn mặt. Gã sinh viên ưu tú của trường Tổng hợp đang thất nghiệp cáu. “Nghĩa là mày bỏ học.” “Vâng.” “Sao mày không nói một tý gì với tao.” “Anh hay bàn lùi.” Hoàng tát em. Tâm cau có nhổ nước bọt, xốc lại cổ áo rồi châm thuốc. “Em xin anh chiếu cố đến Huyền. Bọn em có thể có con. Nếu đúng vậy anh và mẹ đến nhà Huyền đặt hộ em cơi trầu, chắc Huyền không phản đối. Còn không, tất cả anh đừng quan tâm.” Hoàng im lặng nốc nốt chén rượu dở. “Em đi đây.“ “Tao cầu Chúa cho cái máy bay chở những thằng khốn nạn như mày nổ tung khi đạt đến độ cao cần thiết.” Bình phi thẳng xe vào trong sân quần vợt. Những đàn ông, đàn bà ngồn ngộn sự giầu sang mặc bộ đồ tennis trắng. Hoặc đang uống bia, hoặc đang chơi bóng. Ngồi dọc những băng ghế kê sát tường, vài vị đã hồi hưu đang hau háu nhìn đùi non của lũ con gái dửng mỡ mới lớn. Bình dựng xe, tắt máy đến quầy bán đồ uống. Tâm theo sau, hút thuốc. Vài người đứng xa xa vẫy tay chào Bình. - Cho hai lon côca. Bình uống. Hai thiếu nữ cầm vợt, trạc mười sáu mười bảy đi ngang liếc anh. Ðó là hai tiểu thư có mẹ buôn gia súc lớn nhất chợ Ðồng xuân Bác Qua. Thoang thoảng trong mùi nước hoa Pháp còn lẫn hơi phân gà tươi. Bình uống, vẻ mặt cao đạo. Chợt bỏ lon gọi to: - Chị Nhã. Thiếu phụ đang đứng lẫn với đám đàn ông đầu hói bụng tròn bước lại gần. Xấp xỉ ba mươi. Vẻ đẹp đầy sắc sảo tri thức. - Em vừa đến nhà chị. - À dạo này chiều mình hay ra đây. - Giới thiệu với chị Nhã, đây là Tâm. - Chào anh. - Em biết chị, em là em anh Hoàng. Nhã cười tươi. Nét khinh khỉnh bớt đi rất nhiều. - Trời ơi, mình cứ ngờ ngợ. Về lâu rồi sao không lại nhà chơi. - Em bận. Hơn nữa anh Hoàng đi Nha Trang gần tháng rưởi. - Hoàng ra rồi cơ mà. - Vâng anh ấy mới ra. Một tay đàn ông bụng rất tròn. Tướng ngũ đoản. Tuổi ngũ tuần hớt hải chạy vào thấy Nhã, cười nịnh: - Thế mà mọi người bảo Nhã về rồi. - Anh bảo lái xe lên gần cổng trước chờ em đi. - Anh chờ em luôn mà. Tâm nhìn theo cái mông tròn xoay lúc lắc của gã, chợt nhớ chính vị quan chức này hành hạ cái passport của anh đây. Mất thêm gần ba chỉ. - Có chuyện gì đấy Bình. - Cũng không khẩn lắm nhưng mà phải phiền chị. - Thế sáng thứ ba được không? - Tuỳ chị. Tâm đèo Bình. Cái Dream II ở tốc độ vừa phải. Trong nắng hè, cây Hà Nội có vẻ xanh hơn. - Thật là may cậu biết bà Nhã. - Bà với ông Hoàng nhà mình thân lắm. Nhưng mình thì ít gặp. - Mình thực sự bất ngờ đấy. - Chuyện gì? - Bà Nhã với ông Hoàng. - Không, chỉ là bạn thôi. Bà Nhã siêu lắm à. - Kinh khủng. Có cô gái đi xe đạp ngược chiều giơ tay vẫy. Tâm ấn phanh một vòng cua rất tài tử. - Ði đâu vậy chị Thuỷ? - Tối hôm qua anh Hoàng có về nhà không? - Anh ấy ngồi chơi cờ với ông hàng xóm. - Lát nữa, nếu Tâm gặp anh Hoàng nhắn hộ là đến ngay nhà mình. Tâm xin phép đi một đoạn cùng Thuỷ. Cô từ chối rẽ vào nhà người quen. Bình ngồi sau im lặng. Và có thể im lặng như thế đến hết đời. Số phận quả đã bày ra những trò chơi khấc nghiệt. Không ngờ lại là em. Chương 1.4 Phố nhỏ không dài. Một nhà thờ nhỏ và ít cây xanh. Cha chánh xứ mắt toét vừa giảng Phúc Âm vừa chảy nước mũi. Giữa phố, bên số lẻ có duy nhất một công sở. Dân phố tò mò, nhưng chịu, chẳng biết là cơ quan gì. Người ra vào, mặt đều nhớn nhác quan trọng. Nói chung, phố vắng lắm. Mười rưỡi đêm hoặc sáu rưỡi sáng thanh niên đã đá bóng dưới đường. Dân trong phố thuần nhất theo đạo Thiên Chúa. Gia đình thằng Tâm thuộc loại tân tòng. Bà ngoại có đạo. Mẹ Tâm vì lấy chồng nên khô dần. Lễ ngày thường bỏ nhiều chỉ duy trì hai buổi thứ bảy, chủ nhật. Hồi đầu, anh em thằng Tâm còn bé, khi ăn cơm chúng nó còn phải làm dấu còn mẹ nó thì đọc kinh, nay bỏ cả. Năm lớp bảy thằng Tâm đi thi học sinh giỏi toán thành phố, mẹ nó tìm trong hộp đồ khâu một cây thánh giá nhỏ mạ bạc, xâu chỉ đen quàng quanh cổ nó lấy khước. Thằng Tâm đem đổi túi kẹo bột. Mẹ nó la hét nhưng không đánh. Nhà thằng Tâm làng nhàng. Nghi gia kể cũng thường thường bậc trung. Còn sót lại ít vàng của bà ngoại, mẹ nó dồn vào gánh hàng xén. Vốn liếng của bố, ông ký nhà băng, hết từ chiến tranh phá hoại lần một. Gần chục lần đi sơ tán, không tốn nhưng làm người ta mỏi. Có ai giữ vàng, cho dù đã gần thập kỷ bảy mươi. Năm 1973, Bank de Paris nhớ đến viên công chức cần mẫn chữ đẹp, có gửi gói tròn một món trợ cấp. Nghe phong phanh, ông ký lò dò lên uỷ ban quận. Gã thư ký thường trực gầy nhẳng ngực lép, mỗi lần ho xám đen cả chiếc khăn mùi xoa trắng tinh, hất hàm hỏi: "Ai xui ông?". Cựu viên chức ngân hàng lưu dung có thâm niên sợ công an hộ khẩu run bắn, chối đây đẩy. Ðến gần một năm mặt vẫn xanh, không hoàn hồn. Nếu qui ra vàng hồi ấy khoảng ba chục lạng. Gần bằng kết quả sự phiêu lưu mạo hiểm của Tâm trong chuyến Tây du. Chuyện vặt thời chiến tranh. Tâm là thằng nhóc ngang. Rất bướng. Nó giỏi các môn về tự nhiên như giỏi đánh bạn. Nó khoẻ. Mười một tuổi hàng lông tơ chạy lờ mờ trên mép. Mười ba tuổi, giữa trưa chang chang nắng, nó theo mấy thằng lớn nằm ép người trên mái tôn của nhà tắm xí nghiệp may nhìn trộm. Vất vả lắm, lớp sáu, nó được nhét vào Ðội. Bởi nó là lớp điểm. Trường nó là trường điểm. Nó được quàng khăn đỏ nhờ qui luật nước nồi bèo nổi. Nó cho bạn cùng bàn chép bài tập toán lý. Ðổi lại, bọn kia phải cho nó cóp văn sử. Phương pháp này được áp dụng ròng ròng cho đến hết cấp III. Những năm gần đây trên mặt trận kinh tế báo chí ca ngợi mấy bà giám đốc khi chưa bị bắt biết thực hiện sớm kinh doanh đối lưu xuống từng cơ sở. Trong lĩnh vực giáo dục với cùng phương pháp thằng Tâm là lá cờ đầu. Chẳng ngạc nhiên khi nó chọn và đỗ vào trường Kinh tế kế hoạch. Sắp thi tốt nghiệp phổ thông nó suýt làm một cô bé khác lớp có bầu. Ơn Chúa, nó cũng biết đọc sách. Yêu mẹ theo kiểu của nó. Mến anh giai thương em gái và vừa quí vừa nhờn bố. (Bị chú: 30/04/1975 giải phóng Sài Gòn. 30/06/1979 Đỗ Minh Tâm thi xong phổ thông. Jesus Christ nói, mọi sự đều là ý chú. Amen). Buổi tối hè oi ả, bọn trẻ con chơi sôvê (sauvé). Một trò chơi mà chưa đầy mười năm sau đã thất truyền. Một trò chơi mà đương nhiên sẽ bị các băng Nitendo điện tử bóp chết, vì chứa đầy sự linh hoạt cơ bắp hoang dã. Bên thằng Tâm sắp được. Trừ một thằng, toàn bộ bọn kia bị bắt hết nhốt quanh cột đèn. Nhân vật đang tự do khá nổi tiếng. Mười ba tuổi, con ông Bõ nhà thờ biết hút thuốc lào, chuyên gia ăn cắp vặt và biệt tài xì nước bọt qua kẽ răng xa đúng năm bước. Mười năm sau trở thành tay xích lô chuyên nghiệp. Nó biệt tăm đã được nửa tiếng. Cả hai phe, gần hai chục thằng nhóc đều sốt ruột chờ, văng tục, chửi rủa thành viên của giới vận tải thô sơ tương lai. Thằng này trốn kỹ và nguy hiểm. Ðã có lần để giải phóng những thằng bị tóm cổ, nó mặc quần đội nón của chị. Ðèn đường đỏ đòng đọc. Mấy đứa đi tìm chỗ trốn của thằng kia nản lắm. Bỗng cuối phố nó xuất hiện. Cả bọn ồn ào. Mấy đứa gác vòng ngoài thủ thế. Giu đa từ xa toét miệng hớn hở, vẻ mặt của thằng đã bán được Chúa. "Xuất khẩu máy có phim". Một thông tin vô giá. Machinoimport ở cách hai ngã tư. Rất hay chiếu những phim không có ngoài rạp. Hoặc kha khá xác chết hoặc có cảnh cởi truồng. Những năm bảy mươi trong sạch. Khi đùi đàn bà và liên hoàn cước của Lý Tiểu Long chưa đá vào mặt người xem qua Vidéo. Tâm chạy như bay về nhà gọi Hoàng. Anh đang ngồi đọc Pie đệ nhất. Bố đi đánh chắn. Mẹ lúi húi giặt ở sân sau. Tâm thì thào vào tai thằng anh. Hoàng bỏ dở trận thuỷ chiến của vị Sa hoàng vĩ đại để đi theo tiếng gọi nghệ thuật của tối thứ bảy. Bọn trẻ lốc nhốc khoảng hai chục đứa. Ði đầu là thằng con ông Bõ. Ði cuối là thằng Hoàng. Nó dát, chỉ vì ham thấy mặt Gocomitic mà chấp nhận phiên lưu. Chúng nó cắt ngang công trường đang xây dở, quyết định trèo cổng sau. Thằng Tâm chốc chốc ngoái lại nhìn anh. Bức tường của công ty Xuất nhập khẩu máy cao hơn hai mét vượt qua sẽ tới khu vệ sinh nam. Từ đây tạo bộ mặt đứng đắn của kẻ vừa đi giải xong, lững thững chuồn qua bảo vệ vào dẫy ghế cuối hội trường. Công đoạn phức tạp này đã được khai thác nhiều lần và luôn luôn chứng tỏ tính ưu tú của nó. Muốn vậy, tuyệt đối không được cởi trần. Vài thằng đã kịp về nhà mặc áo. Ngoài thằng Hoàng có dép, toàn bộ đi đất. Bõ - thế - hệ - hai cùng kiệu thằng Tâm lên trước tiên. Con chiên ghẻ nâng quỉ sa tăng vào thiên đàng. Thằng Tâm khoẻ, có sứ mệnh của Moses kéo dần những tín đồ đồng đạo đến đất hứa. Chợt hai quầng sáng vồ lấy nó: "Ranh con, xuống ngay bố mày vụt cho gẫy chân bây giờ". Phía bên trong tường ba thanh niên đeo băng đỏ lăm lăm dùi cui gỗ. Thằng Tâm năn nỉ. Nếu cần nó sẽ khóc. Nó đã nhiều lần vào vườn bách thú đứng hàng giờ xem cá sấu. “Mày có xuống không?". Xu hướng đối thoại chuyển sang đối đầu. Thằng Tâm cầm viên gạch dở ném tạt. Nó nhẩy đại ra ngoài miệng méo xệch vì dập mông. Cả bọn lao xao rồi im lặng nép vào tường chờ đợi. Ðường mòn chiến lược đã bị phát hiện. Thằng con nhà bán cháo tim gan len lén trèo lên trinh sát. Rú thê thảm. Hai nhát gậy chính xác đập trúng vai gã đặc công nghiệp dư bất hạnh. Tuyệt vô hy vọng. Một trận mưa gạch đá của những kẻ thất thế. Bên trong văng ra tiếng chửi và đe doạ. Cả bọn tháo chạy ra cổng trước. Còn khoảng năm phút nữa đến giờ chiếu. Trẻ con đông vô kể. Ði đất, sơ-mi đứt khuy, chúng thiểu não xin người lớn cho đi kèm. Có hai thằng bám càng đã vào đến vòng trong lại bị tống ngược ra. Khóc nức nở, áo ngắn quá để lộ quần đùi thủng đít. Tám giờ mười cánh cửa khép dứt khoát. Hôm nay chiếu phim da đỏ của Ðức. Vĩnh biệt thủ lĩnh của bộ lạc gấu mẹ. Rồi cũng đỡ nhốn nháo hơn, những đứa trẻ phố khác tản dần. Bọn phố thằng Tâm đứng nguyên cay cú. Ðường thông qua toa lét là phát hiện vĩ đại. Chỉ riêng phố chúng nó sở hữu bản quyền. Lần nào cũng trót lọt. Và lần này vậy đấy. Cánh cửa dẫn đến nghệ thuật lạnh lùng khép. Qua lỗ khoá chúng nhìn thấy hai gã bảo vệ mặt sắt. Một gã băng đầu. Trận pháo kích ở cổng sau đã có hiệu quả, còn xin xỏ gì nữa khi máu đã đổ. Thằng Tâm, thằng con trai ông Bõ, thằng nhà bán cháo tim gan đầu têu. Rầm, rầm, rầm. Cái bản lề bằng bắp tay long sòng sọc. Cả bọn xô cửa. Trừ thằng Hoàng. Nó đứng ngoài xa sạch sẽ, trí thức. Bọn trẻ ngoài phố say mê nghe Hoàng kể chuyện. Nó đã đọc vô số tiểu thuyết. Nó nhìn bọn kia nghịch bằng ánh mắt đồng loã đầy háo hức. Sự giáo dục tiêu chuẩn không cho phép. Năm học vừa rồi là học sinh giỏi toàn trường. Một mẫu mực đấy. Cánh cửa mở, hai gã bảo vệ lao ra. Bọn trẻ ù té chạy. Thằng Hoàng cũng co cẳng phi sang bên đường. Suýt tụt dép. Quân tử phải phòng thân. Chửi bới một hồi lực lượng bảo vệ hậm hực quay vào. Bọn trẻ rón rén lại gần. Rầm. Rầm. Cửa mở ra chỉ thấy ánh đèn suông khinh bỉ soi cổng vắng. Trò chơi mới làm cả lũ khoái. Một lần nữa nào. Rầm. Lạy Chúa quá nửa bọn là đội viên thiếu niên tiền phong. Hầu như tất cả đều đi lễ ngày chủ nhật. Khi xưngg tội, mắt trong veo và thề rằng chỉ mắc tội nói dối có hai lần. Lũ nhóc mải rỡn không để ý ba phần tử xa lạ. Ba chị em ruột. Giống nhau như lột. Hai chị gái và cậu em trai. Ba chị em chung nhau một giấy mời hai người, chắc bố mẹ hay cô dì chú bác nào đó tặng nhân kỳ nghỉ hè. Ba chị em đến sớm nhưng không được vào, tại dư thằng em, nó khoảng tám tuổi, quần soóc xanh, áo phin trắng bỏ trong thùng, nó bám chặt con chị lớn, mặt xanh nhợt gần khóc. Con chị lớn khoảng mười lăm, mặt bầu, tóc buộc vồng đuôi ngựa. Khỏe lắm, chen cật lực lôi hai đứa em vào. "Con bé này tệ thật. Hai suất là hai suất không thì mày ở ngoài". Cả ba đứa bị phủi bật ra. Thằng bé khe khẽ rên rỉ đòi đi về. Hai con chị lì lợm, khư khư nắm chặt vé, căm hờn nhìn lũ nhóc lốc nhốc xung quanh. Và đến giờ, khi bọn thằng Tâm đập cửa xong chạy nấp ra đầu phố, cả ba chị em nó mới nước mắt ngắn nước mắt dài cầu xin qua lỗ khoá. Nghệ thuật điện ảnh muôn năm. Thằng Hoàng không tham gia tấn công, nhưng cũng thích. Nó ít tụ tập với bọn quỉ sứ cùng phố, trừ phi được yêu cầu truyền bá kiến thức. Nó kể chuyện hay, sinh động. Nó là niềm tự hào vô tư của bọn trẻ cùng phố vào những ngày lễ phát phần thưởng cuối năm. Cái phố nhỏ nhắn có đạo bị kỳ thị ít nhiều dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Các thầy cô giáo đều tin chắc tôn giáo là thuốc phiện. Và hơn hết, bọn trẻ nể Hoàng vì nó là anh thằng Tâm. Một trong nhưng đầu lĩnh có số ghế bé. Lần đập cửa thứ ba thằng Hoàng dạn hơn. Bị không khí xung quanh kích thích lần thứ tư nó đến gần sát cửa. Rầm. Hai cánh cửa rình sẵn mở toang nhưng làm sao mà bắt được quỉ sứ, chúng tan ngay vào không khí. Thằng Hoàng chợt thấy ai tóm tay mình. Nó quẫy. Muộn lắm rồi. Hai đứa con gái xấp xỉ tuổi nó ghì chặt và nó vốn lẻo khẻo. Hai con bé long lanh cặp mắt đắc thắng. Thằng Hoàng bị bán rẻ lấy suất xem phim. Hai nữ chiến binh Amazôn đã chọn đúng con mồi. Nhút nhát, yếu đuối. "Chính thằng này nó đập cửa các chú ơi". Con chị lớn gào lên man rợ. Gã nhân viên bảo vệ băng đầu cười thu hoạch trói thằng Hoàng bằng dây thừng. Thằng bé em mặt xanh nhợt nhìn Hoàng, rồi lẩy bẩy chạy theo chị vào hội trường. Phim đã chiếu được hơn mười năm phút. Thủ lĩnh đã kịp tập kích xong đoàn tàu của người da trắng. Bọn trẻ tản về nhà không kịp kiểm kê đội hình. Thằng Tâm sau khi đập chân lên giường đi ngủ mới biết anh nó chưa về. Thằng Hoàng được đưa đến một phòng rộng, xung quanh toàn mùi dầu máy. Nó sụt sịt cố không khóc. Hai gã bảo vệ pha nước chanh khoan khoái uống. Không nghe tiếng đập cửa nữa. Trên trần quạt quay tít. Thằng Hoàng run rẩy, mồ hôi túa đầy lưng. Hỏi: nhà ở đâu, học lớp mấy. Trả lời ấp úng. Sẽ đưa mày ra công an. Thằng Hoàng khóc. Ðường từ đồn đến toà rất gần. Một bảo vệ xé sổ trực đưa bút bắt nó viết kiểm điểm. Chữ nó đẹp. Văn phong thê thảm đầy sám hối. Gã bảo vệ băng đầu gật gù cười. "Mày có muốn uống nước không". Nó khe khẽ lắc đầu, đỡ sợ hơn. Mười giờ hai mươi phút tan phim. Ba chị em nhà kia lẫn trong dòng người. Hai con chị nhí nhảnh bàn gẫu. Thằng bé em xanh nhợt vẫn túm quần chị, liếc trộm Hoàng. Về sau, đã gần bảy mươi tuổi nó vẫn còn mơ cảnh hai chị em nó ghì tay Hoàng. Suốt cuộc đời, không bao giờ thằng bé xanh nhợt ấy đến rạp xinê nữa. Nửa tiếng sau thằng Hoàng được phóng thích. Gã băng đầu phát vào mông nó rõ kêu, đe doạ nếu lần sau tái phạm sẽ treo cổ. Thằng Hoàng không về nhà đi ra bờ hồ ngồi một mình. Mặt hồ đen, lóng lánh dưới đáy vài ba ánh điện tắt muộn. Nó mông lung. Kể từ đấy thằng nhỏ mười ba tuổi hay chữ vĩnh viễn bị đóng đinh câu rút trên cây thánh giá hoài nghi. Lớn lên, cứ mỗi lần bị ăn đòn ngã sấp ngã ngửa, Hoàng lại nhớ tới buổi xem phim ấy. Không thể quên cái lần thứ tư do dự a dua chúng bạn, rồi bất thần móng vuốt vô tư của cuộc đời chụp đúng, Hoàng ghét và kiêng số bốn.Chương 1.5 Hoàng ấn chuông ngôi nhà hai tầng mái bằng trát đá rửa. Dàn ti gôn buông lửng chưa có hoa. Bà U ra mở cửa, vội vàng chào Hoàng rồi chạy vào bếp. Có mùi trứng cháy. Hoàng thạo nấu ăn và tương đối khoái đi chợ. Cất trong mình một bí quyết tuyệt vời về pha nước chấm bún chả. Hoàng đi qua sân hẹp, đẩy cửa. Nhã ngồi một mình trên salon, trước mặt một tập giấy kê những dòng số bí ẩn, bên cạnh là cái máy tính Casio. Cô không ngẩng lên. - Còn dở chai Ararate đấy. - Hôm ở trong Nha Trang mình uống ké được nửa chai Martel. - Hoàng thở dài. - Hôm nào qua Hàng Buồm, mình với cậu mua nguyên cả chai. - Thôi mà. Nhã tủm tỉm. Hoàng đi ra tủ lấy chai rượu rồi ngồi xuống đôn sứ đặt cạnh tủ ly dài, bật Video. Tiếng phần phật gió của đường quyền Khương Ðại Vệ tạt ra từ màn ảnh. Hoàng tắt, quờ tay ấn nút cassette. Nhạc dịu hơn. Paul Mariat. - Rót cho Nhã xin nửa ly. - Cậu hút nhiều thuốc quá. - Ừ. Mình cứ nghĩ nghĩ. Ngẩng lên đã thấy vợi cả gói. - Nha Trang buồn ơi là buồn. - Lại cãi nhau hả. Hoàng uống một ngụm, một ngụm nữa. Nhã là bạn từ hồi đại học. Cùng khóa khác khoa. Cô học tiếng Pháp. Hai người biết nhau năm thứ hai, thân lắm, mãi mãi đến giờ. Con bé Phương Phương lạch bạch chạy vào, nó tròn lẳn trong bộ đồ nỉ, đang hờn. "Không ăn nữa, không ăn nữa". Nước mắt vẽ thành vệt loằng ngoằng trên má phấn của nó. "Ðập đầu cho vỡ đi, đập đầu vỡ đi". Nó cộc nhè nhẹ cái trán xinh xắn vào thành cửa. Nó liếc Nhã. Gặp cái nhìn nghiêm khắc của mẹ, hơi nín, khe khẽ nấc. Hoàng bế con bé lên lòng. - Chú xin, con chào chú chưa. - Con chào chú. - Bỗng con bé oà khóc tu. - Thôi. Chú xin con - Hoàng thở hơi rượu vào má con bé - Lớn lên lại dọa người yêu bằng thuốc ngủ mất. Con bé dụi đầu vào cổ anh. Nó thiếu bố. Họ lấy theo mẹ. Hồi Nhã phải xa Hà Nội gần ba tháng, tối nào nó cũng ngủ với Hoàng. Tự nhiên thấy đói. Con bé Phương với tay nghịch tóc Hoàng. Không bao giờ nó được biết bố đâu. Anh ta đã quay lại mấy lần lạy lục dưới chân Nhã. Tính Nhã thì ngay chính Hoàng cũng phải sợ. - C"est fini. - Áp phe mới à? - Một cú vừa vừa. Nhã nhấc chai, rót cho mình chừng nửa ly. Cô không uống được rượu nhưng hút thuốc thì nhiều. Loại Dunhill bao đỏ hoặc Marlboro. Hoàng nhấm nhấm móng tay thói quen khi uống không có đồ mồi. Ðã có lần cô uống thật say với Hoàng. Lúc ấy cô có bầu bé Phương Phương chừng ba tháng. Vâng, thế là hắn đã bỏ đi. Hoàng đã biết nhiều điều tráo trở khốn nạn, nhưng chuyện này vẫn làm Hoàng bất ngờ. Người Nhã yêu là một giáo viên trong trường. Khuôn mặt đẹp, đa cảm và rất trí thức. Hắn lừa được cả Nhã và Hoàng chứng tỏ giỏi như thế nào. Qua cặp kính trắng, hắn cố tạo cái nhìn thẳng thắn. Sự giận dữ chính trực rất đúng lúc, đúng chỗ. Mà lại còn tài hoa, mà lại còn hùng biện. Tất nhiên trong nhà phải có đàn Piano. Tất nhiên trên tường phải treo hoạ phẩm étralger de la famme. Ðôi lúc Hoàng bắt gặp nét gắng gượng trong cái kiểu trung thực ấy. Thực ra là Du nói. Du là thằng bạn thi sĩ xấu trai của Hoàng. Một người dị ứng với tất cả những gì không trong sạch. Vì thế chỗ của mày là ở thiên đàng Du ạ. Sắp đến giỗ lần ba của mày rồi. Và lúc ấy thì trách Nhã làm gì. Cô đang yêu. Vả lại, dù sắc sảo, cô vẫn chưa đủ khôn ngoan để nhận thấy sự giả dối thượng thặng. Buổi chiều đông trời đùng đục có mưa nhẹ. Blouson Ðức rộng dài đang là mốt. Nhã mặt nhợt nhạt đến Hoàng rủ đi uống cà phê. Hoàng đang có tiền, hơi nhiều, ngao ngán nhìn trời định đi uống rượu. Tâm mới gửi về một cái Mipha. Hai người ra quán lẻ quen chênh chếch một ngã tư phố. Như mọi lần, Hoàng gọi chén rượu trắng cho mình, ly đen cho Nhã. Gọi ba số hút chung. Hồi ấy, Nhã mới tập tọng đốt thuốc. Nhã nấc khan khe khẽ kể, những lúc ngắt câu cô nhấp nửa chén một. Anh ta được đi Hà Lan và cái passport ấy là thành công của sự lừa gạt một cô bé có ông bố quyền cao. Anh ta hứa sẽ là con rể một gia đình trọc phú đang cần bôi son gia phong bằng những mép viền chữ nghĩa. Cũng là mốt đấy. Mốt nhà các quan. Anh ta không biết rằng mình lo cho sự nghiệp của anh ta đến đứt cả ruột. Vì chuyện ấy mình có thể đánh mất chính bản thân nhưng hi sinh tình yêu thì không thể. Hoàng uống, máy móc thấy Nhã cạn chén thì cũng cạn. Hoàng đã từng thèm yêu được như Nhã. Chó má. Trong tình yêu đừng nói đến cao thượng và tha thứ. Nếu anh ta cưới mình là mọi chuyện chấm hết. Anh ta lo xa quá. Những kẻ đểu giả thông minh khi tính toán luôn muốn nghĩ người khác cũng tính toán. Anh ta đâu có yêu mình. Ðơn giản là chỉ chơi trò tình yêu rồi bị cái ma lực ấy ngấm lại. Mình ngu quá, Hoàng ơi. Hoàng nhìn đầu ngón trỏ, móng tay bị gặm sạch, máu tươi đang ri rỉ chảy. Ðồ tàn nhẫn, anh ta bảo mình đến clinique. Không bao giờ. Mình đẻ. Ðứa bé không có tội, nó là kết tinh của tình yêu, nó phải được ra đời. Hoàng uống bất lực không dám khuyên nửa lời. Cuối cùng Hoàng cũng thốt là muốn gặp riêng thầy Lâm. Mình cấm. Hoàng ạ. Mình cấm cậu đấy. Tối hôm đó, Nhã say lắm phải ngủ lại nhà Hoàng với con bé Phượng. - Thuỷ thi cử thế nào? - Chắc qua, học thông minh như vậy không đỗ sao được. - Mà khi có mặt Thuỷ cậu uống in ít đi có được không. - Thề có Chúa, hôm nào đi với nàng người tớ cũng thơm mùi polyvitamin và sữa tươi. - Thôi, xin ông. Nào, đưa con bé đây không mỏi tay. Nhã đặt con vào giường, quay ra châm điếu thuốc. Trời vơ vẩn mây. Băng nhạc hết tour tự động tắt. Im lặng. Trước khi đi đến nhà hộ sinh, hai người cũng ngồi im lặng. Hoàng cứ hút nửa điếu lại vứt đi. Nhã trở dạ. Hoàng nhìn những khuôn mặt đàn ông bồn chồn xung quanh. Hầu hết đều mong vợ đẻ con giai. Gã thanh niên hai mươi tuổi ngồi cạnh Hoàng cựa quậy liên tục. Gã hồi hộp. Ðã ba đứa con gái rồi mà lại là trưởng nam của một dòng họ lớn. Mẹ Nhã lo lắng, đi luẩn quẩn quanh hành lang. Lần sinh nở duy nhất của bà chồng không có mặt. Bố Nhã là quan chức cao cấp trong ngạch ngoại giao. Cũng cái chiều đầy gió để có Nhã, Matxcơva đang tối. Anh cán bộ thương vụ trẻ tuổi ngà ngà say gối đầu lên đùi non của cô đầm Nga trong căn hộ nhơ nhớp. Nhã đẻ khó, phải dùng phoocset. Khi nhìn thấy bạn răng cắn chặt môi nằm trên xe đẩy, Hoàng nức nở khóc. Gã thanh niên hai mươi tuổi cũng đang khóc. Mọi người xúm lại an ủi hai ông bố có con gái. Trước hôm nhập viện, Hoàng và Nhã ra uỷ ban đăng ký kết hôn. Những năm bao cấp, ba kilô gam giấy tờ cho một thủ tục làm người. Nhã muốn con bé Phương đàng hoàng bước vào đời. Nhưng trong giấy khai sinh nó lấy theo họ mẹ. Ông Adam dởm khỏi cần phải ăn trái cấm. - Hoàng biết Trần Bình à. - Cũng biết. Thằng Tâm kêu thân lắm. - Hai đứa vừa ở đây. Thằng Tâm được đấy. - Mình không hiểu. - Chấp cậu làm gì. Cậu không phải là businessman. Sau bao chuyện khốn đốn vậy, Nhã làm giầu. Hoàng được tham gia một thương vụ, có thể gọi là đầu tiên. Từ phòng đăng ký của Uỷ ban nhân dân quận. Nhã dẫn Hoàng đến chỗ bố. Ông Vụ trưởng vì thanh danh không dám bỏ vợ. Nhã nói: - Thưa ba, với uy tín của ba không thể nào có đứa con gái trắc nết. Khoảng bốn tháng nữa con sinh cháu. Sẽ chẳng có đám cưới nhưng có giấy tờ kết hôn hợp lệ. Ba yên tâm lưu nó vào hồ sơ. Ðổi lại ba đưa con cái Cub mà ba đang đi và năm cây vàng. Ðây là hợp đồng đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa con và ba. - Hợp đồng trên cơ sở nào. - Bốn phần năm dựa trên cơ sở hành chính thủ tục. Thí dụ như cách xưng hô, cách khai mục gia đình trong lí lịch vân vân. Một phần năm dựa trên cái gọi là tình cảm. Ba hơi bị động nên hơi thiệt. Nhưng thưa ba, xét kỹ giao kèo này đôi bên cùng có lợi. Hợp đồng kinh tế được ký kết. Mặt bằng đầu tiên để Nhã lấy đà nhảy vào thị trường. - Hoàng có thấy thằng Tâm khác trước không. - Hơi hơi. Nói chung từ hăm ba tuổi trở đi người ta rất khó khác. - Ðã hết chai chưa. - Mình nghi bị gan. Da có màu vàng tươi, gam mầu chủ yếu trong hoạ phẩm mùa thu của Lévitan. - Ăn gì nhé. Bà U bưng mâm lên. Bà U ở với Nhã khi con bé Phương Phương một tuổi, mẹ Nhã vừa mất được mười ngày. Bà có họ xa về đằng ngoại. Không chồng, không con. Hình như ngày xưa bị tảo hôn rồi chồng giẫy. Một trong những nhan nhản đồ thị hôn nhân dưới thời thực dân phong kiến. Bà làm cơm chậm và vụng. Nhưng là cây rượu có hạng. Khi say thường hát chèo. Quanh quẫn cũng chỉ là Xuý Vân giả dại hay Thị Kính gặp oan. Nhã lấy lon Heineken trong tủ lạnh. Hoàng cầm miếng giò nuốt trọn. Nhã cực thích tính háu ăn của anh và bé Phương Phương. Hồi còn mẹ Nhã, cụ rất quí Hoàng. Lúc nào cũng khen là con bé Phương giống anh. Chuyện Nhã và Hoàng, cụ cho đó là trò bày vẽ quái gở của đứa con gái lập dị. Cụ yêu và sợ Nhã. Chồng là thần tượng. Cô thôn nữ của vùng đất chiêm trũng lấy được anh sinh viên quí tộc trường Ngoại giao chỉ vì xinh đẹp. Vụng về nữ công gia chánh và mù chữ. Trí thức với nông dân là không thể liên mình. Cái liềm sẽ chặt gẫy cái bút. Ngài Vụ trưởng tương lai nhận ra điều ấy thì đã quá muộn. Ðành sửa sai đời mình bằng cách chỉ lòng thòng với nàng nào biết hai ngoại ngữ. - Bình để cho thằng Tâm mấy mối trong Nam. Gần đây mình cũng quyết định ngừng quan hệ trong đấy. Ê kíp cầu hàng không của mình bị xáo trộn lớn về nhân sự. - Thằng Tâm thế nào. - Thực lực Tâm hơi mỏng. Nhưng biết, làm cũng không đến nỗi. Mình có anh bạn quen bên Ðức khen Tâm lắm. Quyết đoán và dám mạo hiểm. Ðức tính mà Honda và Henry Ford tôn trọng. Khoảng cuối tám tư Nhã gặp Hoàng ở Chợ Lớn. Không phải gặp mà là đi tìm. Hoàng lang thang kiếm việc. Những hoài bão ăm ắp khi va chạm với thực tế đời thường tạo ra những bong bóng xà phòng tròn trĩnh. Ðã đủ thấy vị đắng của miếng cơm ăn nhờ. Mỗi chiều muộn uống ly rượu lẻ từ quán cóc về, đã thấy ngưỡng cửa nhà người cao quá khó trèo qua. Biết làm gì. Nghi ngờ tất cả và đọc thiền. Cái bẩn thiểu của người có học đó là vật chất hoá vốn kiến thức. Một phương tiện để đạt đến sự vinh thân phì gia. Thế nhưng người ta lại bôi màu mè cho cái ấy, tôn xưng là cao quí. Ðem cái bản ngã thành đạt của một vài kẻ ra làm baremt chuẩn cho toàn bộ xã hội. Kiến thức là cái anh biết mà tôi không biết hay nói khác đi kiến thức là sự tự an ủi, là tiếng vọng thì thầm của Chúa, xoa dịu nỗi đau của kẻ nhạy cảm. Qua người bạn cũ, Nhã tìm được Hoàng. Cô đi với một foreigner trí thức. Nhã nuốt nước mắt khi trông thấy bạn mình. Hoàng gầy và đen. Những nét thanh tú tự tin rơi dần vào trong rượu. Giọng đã có nét khắc nghiệt chua chát. Rồi sẽ ra sao hả bạn ơi. Sẽ trở thành một thứ thiên tài đầu bù rũ rượi, oán trách nhân loại không chịu hiểu mình. Một thứ artist phế phẩm luôn miệng chửi đời mà không giám lao động. Hoàng quay ra Bắc với hai va li đầy đồng hồ Nhã gửi. Cứ ba cái lãi một chỉ. Nhã về đến Hà Nội khuyên Hoàng đi làm. Dùng dằng mãi đến tháng 7 năm 1985, dưới sự bảo trợ của Nhã, Hoàng đã được một cơ quan nội thương đầu ngành nhận. Lúc bấy giờ, cơ chế quan liêu bảo thủ đã lộ rõ tính phi nhân bản. Tài sản của những tư nhân lương thiện bị tịch thu. Hơn nữa, nó biểu hiện sự ngu dốt trong quản lý kinh tế xã hội bằng cú đổi tiền. Một đòn thê thảm giáng thẳng vào đời sống của những nhân viên và cán bộ trong biên chế nhà nước. Chẵn tháng rưỡi sau khi tiền mới được ban hành, Nhã có trong tay gần chục triệu. Những chủ đường dây buôn bán lẻ vỡ nợ xếp hàng đôi trước cửa xin gặp Nhã. Mùa đông năm đó, gã Rômêô cũ kỹ từ Hà Lan trở về. Một container trị giá khoảng 5000 dollars kèm theo. Bằng một phần ba mươi số vốn của Nhã. Sở Khanh mang học hàm phó tiến sỹ nhờ Hoàng đưa đến gặp mẹ bé Phương Phương. Cuộc hội đàm giữa hai người dài mười bốn phút. Hoàng ngồi ngoài, loáng thoáng nghe giọng nam trầm với khoảng thời gian chín phút. Hai phút dành cho yên lặng. Còn ba phút cuối là giọng Nhã. Professeur bước ra sắc mặt trắng toát lẫn vào mắt kính, không kịp chào Hoàng, chuồn thẳng. Nhã lạnh lùng bảo Hoàng về. Buổi tối hôm sau cô đến tìm Hoàng. Hai người đi ra quán rượu mà ba năm về trước cô bé nữ sinh đã say, đã biết mình phải là đàn bà, phải là mẹ. Gần cuối song ẩm, Nhã nói: "Hoàng ạ cậu biết không, trên đời này mình chỉ có hai người. Bé Phương Phương và cậu". Cũng vào dịp giáng sinh năm ấy, Hoàng đã nhận nụ hôn của một em gái bạn mình.