Giới thiệu với độc giả những đoạn trích chọn lọc trong "Nhật ký vũ trụ" của Ion Lặng Lẽ, nhà xuất bản chúng tôi sẽ không phí giấy mực để miêu tả những ưu điểm của nhà thám hiểm mà tên tuổi đã vang dội cả hai bên bờ dải Ngân Hà. Là một nhà du hành vũ trụ nổi tiếng, chỉ huy những chuyến bay vũ trụ dài ngày trong Thiên hà, người thợ chuyên săn đuổi những ngôi sao chổi cùng các thiên thạch, một nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi và là người đầu tiên khám phá ra tám mươi nghìn linh ba hành tinh, hàm tiến sĩ honoris causa[1] của các trường đại học tổng hợp trên cả hai chòm Gấu Lớn và Gấu Nhỏ, hội viên Hội bảo vệ các tiểu hành tinh và của nhiều hội khác nữa, người đã được thưởng huân chương Ngân Hà và Tinh Vân, Ion Lặng Lẽ sẽ tự giới thiệu về mình với độc giả trong tập "Nhật ký" sắp ra mắt đây, tập nhật ký sẽ xếp ông ngang hàng với các nhà hoạt động quả cảm trong quá khứ như Cac Frêđêric Ierônim Munkhauden, Paven Maxlôbôinikôp, Lêmuen Gulivơ hay ngài thị trưởng Ancôfribac[2]. Toàn bộ tập "Nhật ký" gồm tám mươi bảy tập in quarto[3]. Với các phụ bản (từ điển các vì sao và các tài liệu minh họa), cũng như bản đồ của các chuyến bay đang được một tập thể các nhà bác học, thiên văn học, hành tinh học chỉnh lý, và vì khối lượng công việc quá lớn nên không thể sớm xuất bản được. Xuất phát từ chỗ cho rằng, nếu giữ trong vòng bí mật những phát minh vĩ đại của Ion Lặng Lẽ, không cho độc giả rộng rãi biết đến thì thật là không phải, nên nhà xuất bản đã chọn trong tập "Nhật ký" một phần rất nhỏ và giới thiệu nguyên văn với bạn đọc, không chú thích, trích dẫn, chú giải và không có cả phần từ điển các thuật ngữ vũ trụ. Trong công việc chuẩn bị xuất bản tập "Nhật ký", thực chất không có ai giúp đỡ tôi cả; còn những người ngăn trở tôi, tôi sẽ không nêu tên ra đây bởi vì việc đó sẽ tốn quá nhiều giấy mực. Axtran Xternu Tarantôga - Giáo sư vạn vật học vũ trụ trường Đại học tổng hợp Phomangaut. Phomangaut, ngày 18, Nhịp đập Vũ trụ thứ VI. Chú thích:[1] Hanoris causa (tiếng Latinh): danh dự - N.D. [2] Tên các nhân vật nổi tiếng trong các truyện hài hước và du ký của văn học thế giới.N.D. [3] In quarto(tiếng La-tinh): Giấy khổ lớn, tờ gấp bốn. – N.D.