TỪ BI QUÁN

Từ là đem niềm vui đến cho người, bi là lấy nỗi khổ của người ra.
Chúng ta ai cũng có hạt giống từ bi, và nhờ thực tập quán chiếu " thương người như thể thương thân " ta triển khai những hạt giống này thành những nguồn năng lực dồi dào.
Từ bi là tình thương đích thực không kỳ thị vướng mắc nên không gây khổ đau phiền não.
Chất liệu của từ bi là sự hiểu biết, khả năng đi vào da thịt của người kia, làm một với họ, với mọi niềm đau nổi khổ của họ. Bi có nghĩa là thông cảm với cái khổ của người và có năng lực chuyển hóa cái khổ đó.
Chúng ta có thể bắt đầu tập quán chiếu về những người đau khổ về thể chất, những người yếu đuối bịnh hoạn, những người cùng cực bơ vơ không có ai nương tựa. Những người này ở đâu cũng có, rất dễ thấy. Có những trường hợp vi tế hơn. Có những người có vẻ không có gì là đau khổ, họ rất kín đáo, nhưng nếu quan sát kỹ, ta cũng thấy được những dấu hiệu chứng tỏ họ cũng có những niềm đau. Cả những người sống trên nhung lụa cũng có những đau khổ của họ.
Khi ta quán chiếu về những người này, lấy họ làm đối tượng cho sự thực tập để quán chiếu về từ bi, ta phải nhìn cho sâu và cho lâu vào nỗi đau của họ, dù khi đang ngồi thiền hay thực sự tiếp xúc với họ, ta phải nhìn cho kỹ để thấu triệt nỗi đau của họ đến khi ta cảm thấy niềm xót thương trào dâng trong lòng.
Nhờ quán chiếu sâu sắc như vậy mà xúc cảm của ta biến thành hành động. Ta thấy câu nói " tôi thương anh vô cùng" chưa đủ mà ta tìm mọi cách để làm vơi nỗi khổ của người kia. Từ bi có mặt khi ta thực sự làm người kia bớt khổ. Cho nên ta phải làm nẩy nở và nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Khi ta tiếp xúc với người kia, ý nghĩ, lời nói và hành động của ta phải thể hiện được lòng từ, dù thân khẩu của người kia chưa thanh tịnh cũng vậy.
Ta phải thực tập như thế nào mà lòng từ bi của ta lúc nào cũng có mặt, chứ không phải chỉ có mặt khi người kia dễ thương. Tình thương của ta như vậy mới đích thực và vững chắc. Ta có nhiều an lạc hơn và người kia cũng được an lạc theo.
Niềm đau của họ sẽ từ từ giảm thiểu và đời sống của họ dần dần sáng sủa và tươi mát hơn.
Ta cũng có thể quán chiếu về những người làm ta đau khổ vì chính họ cũng đang đau khổ. Đó là điều chắc chắn.
Chỉ cần tập theo dõi hơi thở và quán chiếu là ta có thể thấy được niềm vui của họ. Một phần những nỗi đau khổ và khó khăn của họ là do cha mẹ họ trao truyền từ khi họ còn nhỏ. Mà cha mẹ họ cũng có thể là nạn nhân của ông bà tổ tiên họ. Những hạt giống xấu cứ như vậy được truyền trao đời này sang đời kia.
Nếu thấy rõ điều đó, ta sẽ không còn trách cứ hay giận hờn họ nữa. Ta đã hiểu được lý do vì sao họ đối xử không đẹp với ta. Ta không giận mà trái lại ta cầu mong sao cho họ bớt khổ đau. Ta không cần phải tìm đến họ để hòa giải.
Khi ta biết nhìn sâu, ta đã hòa giải với chính ta rồi.
Mọi vấn đề đã được giải quyết. Lòng ta nhẹ nhàng và môi ta nở nụ cười tươi. Sớm muộn gì người kia cũng thấy được thái độ hòa ái của ta và cũng sẽ trở nên tươi mát như ta.
Cho nên có từ bi, ta có an lạc hạnh phúc mà người khác cũng có được an lạc hạnh phúc.
Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm.
Từ bi không phải là một ý tưởng chỉ nằm trong đầu ta. Không phải chỉ cần ngồi yên một chổ và quán tưởng về từ bi là ta có thể gieo rắc tình thương đến mọi nơi như gửi đi những luồng âm thanh hay ánh sáng.
Từ bi phải được thể hiện cụ thể hơn qua cách ta ăn ở đối xử với mọi người chung quanh.
Tình thương là một nguồn suối dạt dào nằm sâu trong lòng ta, chỉ cần ý thức được điều đó là ta đã có thể ban phát niềm vui đến cho bao người. Một câu nói hiểu biết dễ thương cũng đủ làm vơi bớt nỗi khổ, đánh tan mọi nghi kỵ hiểu lầm, đem lại tin yêu và tự do.
Một hành động đúng lúc có thể cứu sống một mạng người.
Mà hành động và lời nói ta chân chánh là nhờ ý nghĩ ta chân chánh.
Khi có tình thương chân thật thì tất cả những gì ta nghĩ, nói và làm đều trở nên phép lạ và đem lại nhiều lợi lạc.

Truyện AN LẠC TỪNG BƯỚC CHÂN Lời tựa của Đức Đạt Lai Lạt Ma Lời giới thiệu Hai Mươi Bốn Giờ Tinh Khôi Cây Bồ Công Anh Hơi Thở Ý Thức Hiện tại Bớt Suy Nghĩ Lại. Nuôi Dưỡng Chánh Niệm Trong Từng Phút Giây Ngồi Đâu Cũng Là Ngồi Thiền Thiền tọa Chuông Chánh Điện Chiếc Bánh Thời Thơ Ấu Bí Tích Thánh Thể Ăn Cơm Chánh Niệm RỬA CHÉN Thiền Hành Thiền Điện Thoại Thiền Lái Xe Quay Về Một Mối Cắt Cỏ Và Thở Vô Nguyện Đời Sống Là Một Tác Phẩm Nghệ Thuật Hy Vọng Trông Chờ Đôi Khi Là Một Trở Ngại BÔNG HOA VÀ NỤ CƯỜI NGÀI CA DIẾP PHÒNG THỞ CUỘC HÀNH TRÌNH VẪN TIẾP TỤC DÒNG SÔNG CẢM THỌ KHÔNG CẮT BỎ CHUYỂN HÓA NHỮNG CẢM THỌ Ý THỨC VỀ CÁI GIẬN ĐẬP GỐI ĐỂ TRÚT CÁI GIẬN ĐI THIỀN HÀNH KHI ĐANG GIẬN LUỘC KHOAI NGUỒN GỐC CỦA CÁI GIẬN NỘI KẾT SỐNG CHUNG HÒA HỢP BÀN TAY CỦA BẠN CHA MẸ GIỮ GÌN VÀ NUÔI DƯỠNG NHỮNG HẠT GIỐNG TỐT TIẾP XÚC VỚI NHỮNG GÌ MẦU NHIỆM TRÁCH MÓC KHÔNG GIÚP ĐƯỢC GÌ HIỂU VÀ THƯƠNG TÌNH THƯƠNG CHÂN THẬT TỪ BI QUÁN THIỀN ÔM ĐẦU TƯ VÀO TĂNG THÂN TĂNG THÂN TU HỌC ĐẠO PHẬT ĐI VÀO CUỘC ĐỜI TƯƠNG TỨC HOA VÀ RÁC VỮNG CHÃI THẢNH THƠI TINH THẦN BẤT NHỊ CHỮA TRỊ NHỮNG VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH TRÁI TIM MẶT TRỜI NHÌN SÂU NGHỆ THUẬT SỐNG TỈNH THỨC NUÔI DƯỠNG CHÁNH NIỆM BỨC THƯ TÌNH BỔN PHẬN NGƯỜI CÔNG DÂN BẢO VỆ THÂN TÂM LÀ GIỮ GÌN SINH MÔI MỘT CÁCH RỘNG LỚN. NGUỒN GỐC CHIẾN TRANH CÂU CHUYỆN CHIẾC LÁ CHÚNG TA CÙNG MỘT NHÂN THỂ HÒA GIẢI HÃY GỌI ĐÚNG TÊN TÔI KHỔ ĐAU LÀ CHẤT LIỆU NUÔI DƯỠNG TÌNH THƯƠNG TÌNH THƯƠNG QUA HÀNH ĐỘNG CÂU CHUYỆN CỦA DÒNG SÔNG XÂY DỰNG THẾ KỶ THỨ HAI MƯƠi MỐT