Có hằng triệu người chơi thể thao trên thế giới. Khi ta xem một trận đá bóng, ta thường theo phe này hoặc phe kia, có thế ta mới có thể theo dõi trận đấu một cách hứng thú. Khi cầu thủ phe ta đá bóng thì ta cũng muốn đưa chân ra để đá theo. Khi phe ta thắng thì ta cũng nhảy nhót mừng rỡ, khi phe ta thua, ta cũng thất vọng não nề. Trong chiến tranh cũng vậy, ta cũng ưa thích theo phe. Ta thường bênh vực phe bị áp bức. Ta tranh đấu bằng cách la ó phẩn nộ, ít khi ta chịu vượt lên trên những tranh chấp để nhìn cho rõ, như một bà mẹ nhìn đàn con đang đánh nhau. Việt Nam có câu tục ngữ "Gà một nhà bôi mặt đá nhau". Vì ta bôi mặt nên ta mới không thấy rõ nhau, tưởng người kia là người lạ. Vì vậy ta mới bắn vào người kia. Chỉ khi nào ta thấy được mọi người là anh em một nhà, mỗi người là một phần của thân thể thì ta mới có thể nhìn nhau bằng con mắt yêu thương, mới có thể hòa giải. Trong cuộc dời, ta phải tự nhủ là mình may mắn khi ta gặp được những người biết yêu thương cả loài vật và cây cỏ. Có những người dù sống trong an bình vẫn không quên hàng triệu người đang đói khổ, bệnh tật. Những người đó đã thấy được sự liên hệ mật thiết của mọi loài mọi sự với nhau. Họ hiểu rằng những nước giàu có không thể nào sống sót nếu không có những nước kém mở mang và nghèo khổ. Sự nghèo khổ thiếu thốn, sự áp bức bốc lột đưa đến chiến tranh. Trong thời đại chúng ta, khi chiến tranh xảy ra, tất cả các nước đều cảm thấy như đang lâm chiến. Số phận của nước này dính líu tới số phận tới nước kia. Đến khi nào thì gà nhà mới hết bôi mặt để đá nhau? Đến khi nào chúng ta mới thấy rõ chúng ta là anh em, là một phần của thân thể. Có lẽ mỗi ngày chúng ta phải nhìn nhau mà nói rằng:" Tôi là em của anh. Tôi là chị của em. Chúng ta đều là con người. Chúng ta chỉ có một cuộc sống".