Những năm hòa bình mới lập lại tôi đã sống một không khí thật là hào hứng. Không phải chỉ là vì tôi bước vào hòa bình với trên vai một ba lô thành tích có thể làm cho một thanh niên như tôi cảm thấy tự hào được. Cũng không phải chỉ vì đất nước tôi vừa thực hiện được một kỳ tích lịch sử chấn động địa cầu, mở đầu một phản ứng dây chuyền làm sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa thế giới. Mà còn là vì phong trào cộng sản quốc tế và phe xã hội chủ nghĩa đang ở điểm cao vinh quang chói lọi của nó. Liên xô chiến thắng trong một cuộc chiến tranh đẫm máu chưa từng có trong lịch sử, đã cứu loài người khỏi hiểm họa phát xít. Cách Mạng Trung quốc thành công đã ném một quả tạ ngàn cân lên cán cân so sánh lực lượng giữa hai phe trên thế giới. Và với Cuba, chủ nghĩa xã hội đã đặt được đầu cầu sang tận châu Mỹ. Rồi tên lửa vượt đại châu, rồi đại nhảy vọt, vân vân và vân vân.... Không còn như Mác nói nữa, không phải bóng ma cộng sản đang ám ảnh châu Âu, mà là ánh hào quang của chủ nghĩa cộng sản đang tỏa ra khắp thế giới. Nhân loại khao khát hòa bình và nhân ái, mệt mỏi vì những tai ương mà chủ nghĩa tư bản đem lại cho họ - thất nghiệp và khủng hoảng định kỳ, sự bóc lột thuộc địa, hai cuộc đại chiến thế giới trong vòng 30 năm, chủ nghĩa phát xít và lò thiêu người v.v... hướng con mắt hy vọng về phía những người cộng sản. Những nước đế quốc đầu sỏ cũng nhìn phe xã hội chủ nghĩa lớn mạnh lên bằng con mắt lo ngại và đã huy động toàn bộ lực lượng của họ để ngăn chặn làn sóng đỏ.Lúc bấy giờ, là một người cộng sản quả thật là một niềm kiêu hãnh lớn lao.Nếu là hoa tôi sẽ là hoa hướng dương.Nếu là chim tôi sẽ là bồ câu trắng.Nếu là người tôi sẽ người cộng sản.Mà tôi thì không những là người cộng sản, lại còn kiêm thêm là lính Bác Hồ nữa.Sau tiếp quản ít ngày tôi về thăm nhà. Gia đình tôi tản cư lên Việt Bắc vài năm, hết lương, đã hồi cư về Hà Nội. Hôm ấy về Hà Nội tôi đã đánh bộ quần áo cánh nâu, đội chiếc mũ lá, đi dép lốp, súng lục côn bát (Colt) đeo trễ hông, cứ thế nhâng nháo bước giữa đường phố Hà Thành hoa lệ. Tôi có ngờ đâu chính hình ảnh của tôi lúc ấy đã là hình ảnh chàng trai lý tưởng của nhiều cô gái Hà Nội.Ông cụ tôi cứ nhất định đòi sắm cho tôi một chiếc xe đạp và một bộ complê mới. Tất nhiên tôi chẳng nhận làm gì. Tôi không muốn đổi cuộc sống khắc khổ của bộ đội chúng tôi lấy bất cứ cái gì khác. Và quân lệnh như sơn, kỷ luật tiếp quản nghiêm như kỷ luật chiến trường. ở đây không phải là những viên đạn đồng mà là những viên đạn bọc đường đang nhắm vào chúng tôi. Vả lại tôi chẳng thiếu gì: trong tay tôi là cả một giang sơn, trong tầm tay tôi là cả thế giới.Ông cụ tôi thấy tôi từ chối thì không bằng lòng. Cuối cùng cụ thốt lên:- Nghiêm như Nhật!Đối với cụ đó là lời khen ngợi cao nhất.Bây giờ người ta tốn nhiều công sức để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Thậm chí người ta còn phải ghi điều đó vào hiến pháp để không cho ai được phép nghi ngờ và phủ định. Nhưng đối với tôi hồi ấy, và chẳng phải riêng tôi, vấn đề thật rõ rành rành, không cần nhiều lời, không cần hiến pháp. Đành rằng có những chuyện chẳng hay (ai mà tránh được không bao giờ phạm sai lầm, kể cả Đảng?) nhưng chẳng rõ rành rành là Đảng đã dẫn dắt chúng tôi vượt qua muôn vàn thác ghềnh đi tới thắng lợi vĩ đại ngày nay hay sao? Chẳng phải là Đảng đã nêu cho tôi biết bao tấm gương hy sinh, tấm gương đồng cam cộng khổ với dân, hơn thế nữa, khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư đó sao? Đảng đã dạy cho tôi biết phải trái, biết yêu, biết ghét, biết quên, biết nhớ, nhớ nỗi nhục mất nước, quên bản thân mình. Trên ý nghĩa đó Đảng đã sinh ra tôi lần thứ hai.Mon parti m'a rendu les yeux et la mémoire.Je ne savais plus rien de ce qu'un enfant saitQue mon sang fut si rouge et mon coeur francaisJe savais seulement que la nuit était noireMon parti m'a rendu les yeux et la mémoire.Cho nên đối với tôi thì không nghi ngờ gì nữa, chủ nghĩa Mác Lênin là chân lý phổ biến tung ra bốn biển đều đúng, rằng chủ nghĩa tư bản đang dẫy chết và chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng vô sản. Đối với tôi lúc ấy, tất cả những gì của Liên xô, Trung quốc đều là tốt, là đúng, và nếu có cái gì chưa tốt thì có thể giải thích được bằng những nguyên nhân khách quan, những điều kiện lịch sử cụ thể. Và tất cả những gì của tư bản, đế quốc đều là xấu, và nếu có cái gì xem ra là tốt thì chỉ là cái bề ngoài giả dối hoặc là cái phụ. Tôi đọc Thăm Liên xô Về của Ang-drê Gít (Andre Gide) nó không vào, cứ bật ra, rồi cuối cùng tôi bỏ dở, không đủ kiên nhẫn đọc hết. Những bài báo hồi bấy giờ tôi viết thì đầy dẫy những câu trích dẫn của Mác, Ang-ghen, Lênin, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và đủ thứ nghị quyết của Đảng.Không thể khác được. Không phải do tôi lựa chọn. Tôi chỉ thực sự lựa chọn có một điều: giành lại độc lập cho đất nước. Còn tất cả những cái khác là tự nó đến, dần dần, một cách tự nhiên. Và tôi cũng không phải người cuồng tín nhất.Từ sau chiến dịch Biên Giới cuối năm 1950, tư tưởng Mao Trạch Đông ùa vào Việt nam. Từ đó trở đi, càng ngày tôi càng cảm thấy mình bị coi là phần tử tiểu tư sản bấp bênh, hồi đó được gọi là dân tạch tạch sè. Chưa lấy gì làm nặng nề lắm nhưng đôi lúc cũng khó chịu, lâu dài thành mặc cảm. Mao Chủ Tịch nói: Tri thức sách vở không bằng cục cứt. Cứt còn bón được ruộng chứ tri thức sách vở thì không dùng được vào việc gì. Mà tôi thì hầu như chỉ có tri thức sách vở. Thế mới thật là mệt! Chính cái đó đã kích thích tôi cứ nằng nặc xin bằng được ra đơn vị chiến đấu. Để xem mèo nào cắn miêu nào!