Chương 5

Như tôi đã nói, ông cụ tôi là một ông giáo. Một ông giáo tiểu học trường tư, nhưng đã nghỉ dạy mấy năm trước cách mạng Tháng Tám, ở nhà giúp bà mẹ quanh năm đau ốm của tôi trông nom cửa hàng tạp hóa của bà. Kiểu buôn bán là như thế này: lấy lại hàng của các cửa hàng lớn chuyên doanh, đều là chủ hàng quen, đem về bán lại cho các bà hàng xén chợ nhà quê (Đình Bảng, chợ Dầu v.v...) cũng đều là khách hàng quen, cứ dăm bảy ngày lại gánh đôi bồ to tướng ra cất hàng: một súc vở học trò, vài tá bút chì, vài cân đường cát, một cân phèn chua, vài ba cân miến, chục bao nến, một tá khăn mặt v.v... tạp pí lù, khoảng vài chục món như thế chất đầy vào hai cái bồ. Câu linh tinh như cái bồ hàng xén xuất xứ là như thế. Bà khách hàng ngồi tựa gối trên phản vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa xướng lên những món hàng mình cần, xướng đến đâu thì bố tôi lại ghi thành cột vào quyển vở mua hàng lem nhem của bà, còn mẹ tôi thì gảy bàn tính lách cách tính tiền. Tôi còn làm cái nhiệm vụ đi lấy hàng, nghĩa là chỉ có việc đến nhà chủ hàng bảo họ mang đến cho một tải đường chẳng hạn. Tuổi nhỏ mải chơi, nhiều lúc đi được nửa đường thì quên, không nhớ ở nhà dặn đi lấy gì, phải quay về hỏi lại.
Tản cư theo kháng chiến cụ tưởng chỉ vài ba năm là cùng. Cụ gửi giấy tờ vào Hà Nội nhờ bán cái nhà lấy tiền theo đuổi kháng chiến đến thắng lợi. Bán tống bán tháo. Dân thành thị, chồng già, vợ ốm, con nhỏ, không nghề ngỗng gì, chỉ ngồi ăn thì núi cũng lở. Ăn đã mòn vẹt cả cái nhà mà xem ra kháng chiến vẫn chưa đâu vào đâu, nên đầu năm 1950 lại dắt díu khiêng cáng nhau hồi cư. Về Hà Nội không có nhà, lên ở nhờ nhà thờ tổ. Còn ít tiền, chung vốn với một người cháu mở hàng phở. Hàng phở ăn dần vào vốn. Lại quay trở về nghề hàng xén. Vốn ít, cửa hàng không có thì ngồi vỉa hè vậy. May mắn có ông anh vợ chỉ tản cư có mấy tháng, sớm hồi cư nên nhà cửa còn giữ được, và thời chiến tranh buôn bán phất lên như diều, nên khá giả. Tình anh em, ông giúp đỡ bố mẹ tôi và cho ngồi nhờ đầu hè. May mắn thứ hai là cụ đã có một sáng kiến: đá lửa đen bán được giá hơn đá lửa trắng. Cụ bèn cậy bút chì ra lấy ruột, cạo thành bột, rồi tối tối cả nhà ngồi xúm lại hồ đá trắng bằng bột chì. Rồi bán lại cho các cửa hiệu buôn. Cái công việc tạp nham ấy chẳng ai thèm làm, không ngờ lại kiếm được khá.
Khi tôi đi kháng chiến về thì các cụ đã thuê được một cửa hàng nhỏ, buôn bán cũng có vẻ nhộn nhịp, và vẫn cung cách như ngày trước. Và ngồi đâu tôi cũng thấy những viên đá lửa nằm lọt trong khe giường, khe bàn ghế.
Lần tôi về Hà Nội khi mới tiếp quản, ông bác tôi - ông bác đã cho bố mẹ tôi ngồi nhờ cửa hàng - một hôm sang chơi nhà tôi, vẻ mặt rất băn khoăn, và hỏi tôi:
Hôm qua có ba ông bộ đội vào nhà bác hỏi lôi thôi nhiều chuyện lắm. Hình như muốn dò la cái gì đấy. Một lần trước đã có ba ông vào, bây giờ lại ba ông khác. Liệu có sợ gì không anh?
Tôi cười giải thích rằng anh em đến thăm hỏi đấy thôi, bộ đội ta ở đâu mà chẳng phải thăm hỏi dân.
Đúng là bộ đội tiếp quản phải làm công tác dân vận, đi thăm hỏi dân, và phải đi thành tổ tam tam chế (tổ ba người), đảm bảo an toàn. Anh em ở nông thôn và miền ngược không quen giao tiếp với dân thành thị vùng mới giải phóng, có thể đã thăm... hỏi kỹ quá, nên đã bị hiểu lầm. Lời giải thích của tôi không làm cho ông bác tôi yên tâm. Và khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng thì ông đã cùng vợ con xuống tàu đi theo vào Sài Gòn, để lại bức thư cho bố mẹ tôi bảo dọn sang nhà ông, ở trông nhà hộ. Bố tôi là người cẩn thận, đã lên báo cáo ủy ban và nộp hết đồ đạc của ông anh để lại: sập gụ, tủ chè, v.v... và được giữ lại quầy, tủ hàng và số ít hàng hóa ông anh còn để lại để ngụy trang việc chuẩn bị ra đi của ông.
Lúc này, ông cụ tôi ở đỉnh cao của sự phấn khởi: nước nhà đã độc lập, gia đình còn nguyên không sứt mẻ ai, con lớn có công với cách mạng, tự dưng mình có nhà ở và cửa hàng đàng hoàng. Cụ hăng hái tham gia mọi hoạt động xã hội ở khu phố. Rồi người ta kết nạp cụ vào Đảng Dân Chủ. Không rõ cái nguy cơ ẩn náu trong việc kết nạp ấy, cụ càng phấn khởi và càng hăng hái hơn. Từ nay cụ cũng là đảng viên, được đi họp chi bộ và xưng hô với nhau bằng đồng chí, được làm công tác đảng. Trước đó cụ mặc quần áo lương, quần trắng, áo dài trắng hay thâm tùy mùa, đội khăn xếp, đi giày tây. Bây giờ thành đồng chí rồi, cụ chuyển sang mặc bộ đồ complê kaki, đội mũ cát kaki. Còn cái sự không biết đi xe đạp thì không thể khắc phục được. Đi họp, cụ cứ cuốc bộ phăng phăng, dù họp ở xa đến đâu. Nhìn cụ, tôi cảm thấy tội nghiệp.
Đi kháng chiến về tôi thấy tính tình cụ thay đổi nhiều, dễ dãi ra hẳn, rất khoan dung. Có lẽ vì cụ cảm thấy xung quanh mình mọi sự đều tốt đẹp.
Thuở bé tôi là một đứa trẻ ham chơi và rất sợ đi ỉa. Chẳng là vì nhà xí thùng ở thành phố rất hôi. Thường là tôi nhịn cho đến lúc tình hình căng thẳng thì mới đi. Cởi truồng đứng trước cửa nhà xí, tôi hít một hơi dài, mở cửa bước vội vào, cắt bom rơi đánh bịch một cái rồi chạy ra, mặt đỏ tía tai vì cái động tác nín thở bóp cò ấy. Một lần khác, để trì hoãn cái công việc khổ ải ấy, tôi lấy giấy cuộn thành cái nút, đút nút lỗ đít lại. Thấy có mùi thôi thối, cụ túm lấy tôi, lột phăng quần ra, rồi kêu lên:
- Đúng rồi, có cục cứt thòi lòi ra đây này!
Đâu phải! Đó là cái nút giấy thôi. Cái nút giấy rút ra có cái mùi không được thơm tho gì cho lắm. Không cần phải kể sự thể sau đó đã diễn ra không êm đềm như thế nào.
Thằng con đầu lòng của tôi hình như cũng mang cái gien (gene) ấy. Hồi lên năm lên sáu, nó ở với cụ. Một hôm nó đi chơi đâu không thấy mặt, cụ bổ đi tìm. Và thấy ông mãnh ở chợ Hàng Da, cởi truồng, đang hí húi giặt cái quần ỉa đùn ở máy nước công cộng. Những tội tày đình như thế xưa kia thì đầy hậu quả, nhưng bây giờ chỉ làm cụ buồn cười.
Rồi trong niềm vui đất nước giải phóng, gia đình đoàn tụ, làm ăn yên ổn, dần dần có cái gì nổi cộm: thuế má đánh ngày càng nặng. Cụ cắn răng chịu, không để lộ gì ra với tôi. Thỉnh thoảng về nhà, tôi chỉ thấy hai cụ thì thầm bàn luận có vẻ băn khoăn lắm. Hàng phố nhiều nhà đã nghỉ buôn, cứu lấy cái vốn để ngồi ăn dần. Cụ tôi thì không dám, sợ bị đảng của cụ phê bình là phản ứng với chính sách của Đảng. Nhưng cụ cũng thu nhỏ bớt lại để hạn chế thiệt hại. Làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều, càng làm càng lỗ. Cụ thực sự hoang mang, không còn hiểu ra làm sao. Cụ làm sao hiểu được rằng đó là người ta đang làm cái việc tước đoạt lại của những kẻ đi tước đoạt. Cụ sẽ còn phải mất hết.
Rồi cái gì phải xảy ra đã xảy ra: người ta đã triệu tập cụ đi học tập cải tạo thương nghiệp tư bản chủ nghĩa. Họa vô đơn chí, thấy một cục hạch nổi lên ở cổ, cụ đi khám thì người ta kết luận là ung thư hạch. Lymphosarcome, một trong mấy dạng ung thư nguy hiểm nhất. Ai cũng biết người bị ung thư chỉ mấy tháng cuối cùng mới đau đớn và rạc đi nhanh, còn trước đó trông vẫn như người bình thường. Cụ vẫn đi họp, làm công tác đảng, học tập cải tạo và ngày ngày vẫn cuốc bộ đến bệnh viện 108, cả đi lẫn về khoảng sáu bảy cây số, để chạy tia phóng xạ. Vẫn làm mọi việc băng băng, nhưng xem vẻ trầm uất, ít nói.
Đầu năm 1961, bệnh của cụ bước vào giai đoạn cuối. Cổ và ngực đen thui và cứng như mo nang vì sự bắn phá của tia phóng xạ. Thở bắt đầu khó vì các u chèn ép. Bây giờ thì cụ chỉ còn ngồi trên giường bó gối, chiếc chăn chùm quanh vai, không nói năng gì. Một hôm tôi về nhà đang ngồi thì có một chị cán bộ ban cải tạo vào. Chị thăm hỏi rồi gợi ý nếu cố gắng đi được thì cụ nên đi học tiếp, còn vài buổi nữa thôi. Hôm ấy, lần đầu tiên tôi thấy cụ phản kháng. Cụ tung chăn ra, phanh ngực áo, gõ cồm cộp vào bộ ngực đen sì và cứng như gỗ của mình, nói gay gắt:
- Sắp chết đây này, học với hành gì!
Tất nhiên chị cán bộ chỉ còn biết rút lui sao cho đẹp. Còn cụ thì quay mặt đi tránh nhìn tôi. Cụ đang bị cuộc đời dồn vào chân tường. Mà tôi thì không làm gì được cho cụ cả. Cả hai cái tai họa đổ lên đầu cụ đều bất khả kháng.
Rồi bắt đầu những cơn đau dữ dội. Nhăn nhó, quằn quại nhưng không kêu la. Bây giờ tất cả tâm trí của cụ chỉ còn có ngong ngóng đợi vợ tôi về tiêm cho cụ mũi moóc phin. Và hôm nào cũng vậy, khi vợ tôi ra đi, cụ lại năn nỉ dặn:
- Mai chị nhớ về tiêm cho tôi nhá...
Cụ chỉ lo vợ tôi quên.
Đến lúc này thì đêm đêm tôi phải về nhà ngủ, canh cụ thay cho mẹ tôi đã quá mỏi mệt. Đêm hôm ấy như thường lệ, tôi rời tòa soạn, về nhà. Trong nội đêm ấy tôi phải viết xong bài xã luận nói về Nghị Quyết III của Đảng, nghị quyết xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tôi đã chọn một câu trong bài thơ chúc Tết đầu năm của Hồ Chủ Tịch để làm đầu đề cho bài xã luận: Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang.
Tôi ngồi một mình bên chiếc bàn đá tròn kê gần giường cụ, cắm cúi viết. Và thỉnh thoảng lại ngó sang. Cụ nằm nhắm mắt, thở mệt nhọc. Khoảng hai giờ sáng viết xong, tôi ra nhìn cụ một lần nữa, rồi ngả lưng xuống chiếc ghế dài, ngủ thiếp đi.
Sáng, bừng tỉnh dậy ra xem thì người cụ đã lạnh. Cụ đi không giối giăng được câu nào.
Tôi chạy vội lên gác gọi mẹ và hai em tôi xuống.
Qua lúc xúc động, khóc lóc, tôi đứng nhìn khuôn mặt khắc khổ của cụ, trong lòng bâng khuâng... Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang.