Tuổi Trẻ dịch
Cha tôi (2)

Cha mẹ cựu tổng thống Bill Clinton.
Sớm 19/8/1946, dưới bầu trời trong sáng sau cơn bão hè dữ dội, tôi chào đời ở Bệnh viện Julia Chester, thị trấn Hope, tây bắc Arkansas, cách biên giới Texas với Taxarkana 52 km về phía đông. Mẹ đặt tên cho tôi là William Jefferson Blythe III theo tên cha William Jefferson Blythe Jr., một trong 9 người con của một nông dân nghèo ở Sherman, Texas.
Theo lời các cô, cha tôi luôn cố chăm sóc họ. Khi lớn lên, ông đẹp trai, chăm chỉ, và là một người thích bông đùa. Ông gặp mẹ tôi tại Bệnh viện Tri-State ở Shreveport, Louisiana năm 1943 khi bà đang học làm y tá. Sau này, khi lớn lên, nhiều lần tôi đòi mẹ kể chuyện gặp gỡ, hẹn hò và hôn nhân của họ. Cha tôi tới thăm ai đó dường như đang nằm cấp cứu tại chiếc giường mà mẹ tôi phục vụ, và hai người đã nói chuyện, tán tỉnh nhau khi người phụ nữ kia được điều trị. Trên đường rời bệnh viện, ông chạm vào ngón tay mà bà đang đeo chiếc nhẫn của bạn trai bà tặng, và hỏi bà đã kết hôn chưa. Bà lúng búng nói “chưa” - bà vẫn còn độc thân. Ngày hôm sau, ông gửi tặng hoa cho người phụ nữ kia và làm rung động trái tim của mẹ tôi. Rồi cha hẹn gặp mẹ, giải thích ông luôn tặng hoa khi chấm dứt mối quan hệ.
Hai tháng sau, họ cưới nhau và ông phải nhập ngũ. Ông phục vụ trong một tổ thợ máy trong thời kỳ chiếm đóng Italy, chuyên sửa xe tăng và Jeep. Sau chiến tranh, ông trở lại Hope tìm mẹ và họ chuyển sang Chicago, nơi ông nhận lại công việc cũ là bán hàng cho công ty thiết bị Manbee. Họ mua một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Forest Park nhưng không thể chuyển vào ở đó trong vài tháng, và vì mẹ đang có mang tôi nên họ quyết định trở về Hope cho tới khi có thể chuyển về nhà mới.
Ngày 17/5/1946, sau khi chuyển đồ đạc vào nhà mới, cha lái xe từ Chicago về Hope để gặp mẹ. Đêm khuya trên đại lộ 60 ẩm ướt bên ngoài Sikeston, Missouri, cha bị lạc tay lái chiếc ôtô, một chiếc Buick 1942, khi xe bị nổ lốp bánh phải. Ông bị ném khỏi xe rồi rơi xuống, hay đã trườn tới, một rãnh nước dẫn tới một đầm hoang. Khi được tìm thấy sau hai giờ, tay của cha còn túm lấy một nhánh cây phía trên đường nước. Ông đã cố nhưng không thể leo được ra ngoài. Ông chết đuối, ở tuổi 28 và cưới vợ được hai năm tám tháng, nhưng chỉ có bảy tháng sống cùng với mẹ.
Bản tóm tắt ngắn này là tất cả những gì tôi thật sự biết về cha mình. Cả cuộc đời tôi khao khát lấp đầy những khoảng trống, hăm hở bám lấy bất cứ một tấm ảnh, câu chuyện, mẩu báo nào kể cho tôi biết nhiều hơn về người đàn ông đã cho tôi cuộc sống.
Trải nghiệm
Khi tôi khoảng 12 tuổi, ngồi dưới cổng vòm nhà cậu tôi ở Hope, thì một người đàn ông tiến tới bậc cửa, nhìn tôi rồi nói: “Cháu đích thị là con trai của Bill Blythe rồi. Cháu giống ông ấy lắm”. Tôi sung sướng suốt nhiều ngày.
Năm 1974, tôi đang tranh cử quốc hội. Đó là cuộc tranh cử đầu tiên của tôi và báo chí đã làm một phóng sự về mẹ tôi. Bà đang ở một hiệu cà phê bà thường lui tới và đang tranh luận với một người bạn luật sư về một bài báo. Khi đó, một người cũng thường ăn sáng ở đó mà bà tình cờ quen tiến đến và nói: “Tôi đã ở đó. Tôi là người đầu tiên có mặt tại xác chiếc ôtô đêm đó”. Ông kể lại cho mẹ tôi những gì đã thấy, kể cả việc cha vẫn còn đủ nhận thức hoặc bản năng sống để cố bám víu leo lên khỏi mặt nước trước khi chết. Mẹ tôi cảm ơn ông, bước ra ôtô của bà rồi khóc, sau đó lau khô nước mắt và đi làm.
Năm 1993, vào Ngày của cha đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi, báo Washington Post đăng một bài điều tra dài về cha tôi, kéo theo nhiều bài điều tra khác suốt hai tháng sau của hãng AP và các tờ báo nhỏ khác. Những bài viết xác nhận những điều mà mẹ và tôi đã biết nhưng chúng cũng đưa ra nhiều điều tôi không biết, kể cả sự kiện rằng cha tôi có thể đã ba lần cưới vợ trước khi gặp mẹ, và rõ là ông có ít nhất hai con.
Một người con khác của cha tôi được nêu tên là Leon Ritzenthaler, cựu chủ nhân một công ty chăm sóc nhà cửa ở bắc California. Trong bài báo, anh ấy kể đã viết thư cho tôi trong suốt cuộc vận động tranh cử năm 1992 nhưng không được hồi âm. Tôi không nhớ có nghe nói về thư anh ấy không…, có thể các nhân viên của tôi đã giữ nó lại, hay có thể chúng lạc trong núi thư từ chúng tôi nhận được. Dẫu sao, khi đọc được về Leon, tôi bắt liên lạc với anh và sau đó gặp anh và vợ, Judy, vào một trong những chặng dừng ở bắc California. Chúng tôi đã có một chuyến thăm tuyệt vời và từ đó chúng tôi thư từ cho nhau vào những ngày lễ. Anh ấy và tôi giống nhau, giấy khai sinh của anh nói cha của anh là cha tôi. Và tôi ước giá mà tôi biết anh sớm hơn.
Cũng đâu vào khoảng đó, tôi nhận được xác minh về những tin nói về một phụ nữ, Sharon Pettijohn, sinh ra với cái tên Sharon Lee Blythe tại Kansas City năm 1941 từ một người đàn bà mà cha đã ly dị. Bà gửi cho Betsey Wright - cựu chánh văn phòng thống đốc của tôi - giấy khai sinh của bà, giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ bà, một tấm ảnh của cha, và một lá thư của cha gửi cho mẹ bà hỏi về “đứa con của chúng ta”. Tôi rất tiếc phải nói rằng vì một lý do nào đó mà tôi đã chẳng bao giờ gặp bà.
Tin này nổ ra năm 1993 là một cú sốc cho mẹ tôi, khi đó đang phải đấu tranh với căn bệnh ung thư, nhưng rồi bà cũng vượt qua. Bà nói giới trẻ đã làm nhiều chuyện trong thời kỳ đình trệ và chiến tranh mà người ở thời kỳ khác có thể thất vọng. Dù chuyện gì xảy ra thì cha vẫn là tình yêu của cuộc đời bà và bà không nghi ngờ gì về tình yêu của ông. Và dù gì đi nữa thì đó là tất cả những gì bà cần biết khi cuộc đời bà sắp đi vào đoạn kết. Với tôi, tôi không biết phải làm gì với tất cả những điều này, nhưng bằng cuộc đời mà tôi trải nghiệm, tôi hầu như không ngạc nhiên rằng cha tôi phức tạp hơn những bức ảnh lý tưởng mà tôi từng sống với chúng gần nửa thế kỷ qua.
Tôi luôn vội vã
... Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình, tôi chọn một số nơi đặc biệt để nói tạm biệt và chia tay với nhân dân Mỹ. Một trong những nơi đó là Chicago, nơi Hillary được sinh ra, nơi đa số những người ủng hộ tôi nhiệt thành đang sinh sống và nơi mà nhiều sáng kiến của tôi về chống tội phạm, an sinh, giáo dục chứng minh được hiệu quả. Dĩ nhiên, đó cũng là nơi cha mẹ tôi chuyển tới sống sau chiến tranh. Tôi thường đùa với Hillary rằng nếu cha tôi không mất mạng tại xa lộ Missouri đó, tôi đã lớn lên chỉ cách cô ấy có vài dặm và có thể chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Sự kiện cuối cùng của tôi xảy ra tại khách sạn Palmer House, nơi mà tôi có được tấm ảnh duy nhất cha mẹ tôi chụp cùng nhau không lâu trước khi mẹ trở lại Hope năm 1946.
Sau bài diễn văn và lời chia tay, tôi vào một căn phòng nhỏ gặp một phụ nữ, bà Mary Etta Rees, cùng hai con gái. Bà kể đã lớn lên và học cùng trường với mẹ tôi, sau đó bà dọn đi Bắc Indiana làm việc trong một ngành kỹ nghệ chiến tranh, lấy chồng, sinh con. Rồi bà trao cho tôi một món quà quý báu: bức thư của người mẹ 23 tuổi của tôi viết vào ngày sinh nhật bà cho bạn, ba tuần sau khi cha tôi chết, tức hơn 45 năm về trước... Bằng bàn tay xinh đẹp, bà viết về nỗi đau xé lòng và về quyết định tiếp tục (cuộc sống): “Dường như không thể tin được vào lúc ấy nhưng rồi bạn biết đó, mình đang mang thai sáu tháng và ý nghĩ về đứa bé đã khiến mình đứng vững và thật sự mở ra cả một thế giới trước mắt mình”.

Bill Clinton hồi nhỏ.
Mẹ tôi để lại cho tôi chiếc nhẫn cưới mà bà đã trao cho cha tôi, một vài câu chuyện cảm động, và một điều chắc chắn rằng bà yêu tôi cũng còn vì ông nữa.
Cha đã để lại cho tôi cảm xúc rằng tôi phải sống vì hai người, và nếu làm tốt điều đó thì bằng cách nào đó tôi có thể đền bù được phần đời lẽ ra ông phải có. Do biết rằng cả tôi cũng có thể chết trẻ nên tôi đã tận dụng mọi khoảnh khắc của cuộc đời mình và luôn sẵn sàng trước mọi thách đố lớn phía trước. Ngay cả khi không biết chắc phải đi về đâu, tôi cũng luôn vội vã.