Chương 2

Đám tang thằng Cốc lại đúng vào ngày trong thành phố cùng  lúc diễn ra bốn cuộc thi hoa hậu: Hoa hậu Mùa hè, Hoa hậu  Thanh lịch, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Thời trang. Cùng lúc  hàng chục tụ điểm ca nhạc đều bán vé, các ca sĩ chạy sô phải đua  nhau chạy hết hơi. Những kẻ hâm mộ không còn đủ sức để mang  hoa đi tặng cho hết tất cả những hoa hậu á hậu, những cựu hoa  hậu cựu á hậu, những cựu siêu sao và đương kim siêu sao. Thành  ra đám ma thằng Cốc vắng cả bạn bè, vắng cả người hâm mộ.  Không thấy báo chí nói đến chuyện có cô gái nào nhảy từ tầng cao  xuống tự tử. Ai dại mà chết theo một siêu sao trong cái thời buổi  siêu sao như nấm này. Một ít bạn bè không vô tình, nhưng bận  trình diễn, gửi đến những vòng hoa trắng. Cả người được hoa lẫn  người gửi hoa đều không dám chắc mình có xứng nhận một vòng  hoa trinh trắng hay không. Chẳng qua phong tục xứ này ưu ái  vòng hoa trắng cho những bà cô ông mãnh chết trẻ mà chưa kịp  lấy vợ lấy chồng. Chết trẻ khoẻ ma, chết già ma lọm khọm. Người  ta vẫn sợ những hồn ma trẻ đầy ẩn ức trở về quấy quả.
Đám ma vắng và gọn. Đầu vào là một cái quan tài bằng gỗ.  Đầu ra là một lọ tro. Thằng Bóp không chịu làm thủ tục gửi lại lọ  tro trong một ô tủ kính ở nghĩa trang. Nó mang lọ tro về nhà, nó  đang ở trong nhà thằng Cốc, nó không muốn xa thằng bạn mà nó  không tin là đã chết.
Tôi trở về khách sạn The Apocalypse. Ở cuối tầng hai khách  sạn, tôi có một căn phòng đẹp, trước cửa gắn những con chữ bằng  đồng Captain’s Studio (xưởng vẽ của Thuyền trưởng). Trong một  khách sạn, những dòng chữ nước ngoài gây ấn tượng hơn, ngay cả  với dân ta. Gọi là phòng, thực ra Captain’s Studio là một căn hộ ba  phòng, phòng rộng nhất ngay cửa vào trưng bày những bức tranh  tôi vẽ biển. Những ô cửa sổ hình tròn và chiếc bánh lái bên ô cửa  sổ rộng gợi đúng không khí căn phòng của một thuyền trưởng. Đây  là sáng kiến của tôi. Khi anh Thế cho xây dựng khách sạn, tôi tự  thiết kế căn hộ này cho mình để lưu giữ những bức tranh tôi vẽ  trong những ngày lênh đênh giữa đại dương. Mặc dù đã từ bỏ cuộc đời thuyền trưởng, đã lên bờ, tôi vẫn muốn đôi lúc được sống lại cái  không khí thoáng rộng một mình đối mặt với biển cả. Captain’s  Studio thường mở cửa cho những người khách nghỉ lại khách sạn  được vào xem. Anh Thế cho đây cũng là một hoạt động để thu hút  khách. Captain’s Studio nghiễm nhiên có tên trong bảng chỉ dẫn ở  gian tiền sảnh trước quầy tiếp tân. Nhiều ông Tây bà đầm đòi mua  tranh, nhưng tôi không bán. Nhiều người đòi thuê căn phòng và  đã được toại nguyện nếu trùng vào những ngày tôi vắng mặt ở Hà  Nội. Giá thuê Captain’s Studio là tám mươi đô la một ngày, gấp  đôi giá những căn phòng khác.
Cửa phòng khoá. Thông thường thì Captain’s Studio mở cửa  từ 8 giờ đến 20 giờ. Tôi chẳng kịp băn khoăn vì sao có chuyện bất  thường như vậy. Xin hãy đi dự đám tang thật nhiều, anh sẽ thôi  thắc mắc những chuyện cỏn con ngoài đời, thôi xích mích, thôi đấu  đá nội bộ cơ quan, thôi ham hố địa vị, thôi khát thèm tiền bạc. ý  nghĩ vừa thoáng qua, tôi đã bật cười chua chát. Nói vậy thì hoá ra  những ông trưởng ban lễ tang, những ông cán bộ tổ chức phụ trách  việc tang lễ hiếu hỉ ở các cơ quan mới chính là những kẻ giác ngộ  bậc nhất, diệt dục bậc nhất trên đời này.
Tôi mở cửa vào phòng bằng chìa khoá riêng. Rồi giật mình  nhảy lùi lại. Một cô gái đang nấp sau cánh cửa, tay lăm lăm chiếc  guốc cao gót, sẵn sàng quyết chiến.
- Sao tự tiện vào phòng tôi?
Cô gái thét lên.
Màn sương mờ u mê phủ quanh tôi vụt tan biến. Tri giác lập  tức bùng cháy sáng như một cột lửa. A, thì ra bộ phận tiếp tân đã  cho thuê căn phòng mà không kịp báo cho tôi. Chắc hẳn tất cả các  phòng đều đã cho thuê và đám lễ tân nhầm tưởng tôi đã đi khỏi  Hà Nội.
- Xin lỗi cô, Captain’s Studio là phòng riêng của tôi. Nhưng  nếu bộ phận lễ tân đã trót cho thuê thì xin cô cứ thoải mái ở lại.
Tôi nói và định đi ra.  - Khoan đã - Cô gái thở phào thả chiếc guốc cầm tay xuống -  Anh nói đây là phòng riêng của anh. Xin anh giải thích.
Tôi nhã nhặn giải thích trong vài ba câu.
- Vậy ra anh chính là thuyền trưởng? Vậy ra anh vẽ những  bức tranh này? Thế thì tôi muốn hỏi đôi chút về những bức tranh.  Đây, chẳng hạn như bức Biển đời.
Những ai sau khi đã phải dự quá nhiều đám tang, hãy tìm  lấy cơ hội được một mình trầm ngâm đối diện với biển cả. Biển  xanh ngắt sự sống. Biển bao la hồn nhiên. Biển thản nhiên chứng  kiến mọi giông tố, chứng kiến những con tầu xuẩn ngốc trầm mình  xuống đáy nước, chứng kiến những con tàu bé nhỏ mà hiên ngang  rẽ nước.
Cô gái hỏi sang những bức tranh khác. Sau đám ma thằng  Cốc, tôi càng có nhu cầu được tĩnh trí bằng những bức tranh biển.  Tôi bằng lòng nán lại làm người hướng dẫn phòng tranh cho cô.  Biển bao giờ cũng dễ hiểu, dù đôi khi nó là những mảng màu xanh  trừu tượng. Riêng có một bức biển gào thét, trào lên, trùm lên một  con tàu bé nhỏ vô nghĩa. Tôi vẽ nó trong cơn tuyệt vọng sau những  bi kịch gia đình. Tôi đưa cô gái lướt qua bức tranh này để tới bên  bánh lái.
- Bây giờ tôi thấy mình cũng là một thuyền trưởng - Cô gái  quay cái bánh lái bằng gỗ - Tôi đã hiểu biển hơn.
- Chúc cô những ngày vui vẻ trong xưởng vẽ của Thuyền  trưởng.
Tôi bắt tay cô và bất chợt như nhận ra một người quen.  - Hình như chúng ta gặp nhau ở đâu rồi thì phải?
Cô gái hơi rùng mình. Mái tóc dài sấy lăn tăn như cũng rung  rung phấp phỏng.
- Chắc là chưa đâu. Cảm ơn anh, tôi rất tiếc là không ở lâu  hơn. Đêm nay tôi đã đi rồi.
Đến bây giờ tôi mới nhận thấy là cô gái là rất đẹp sau những  lem nhem phấn son và chì than. Người đẹp đến vào lúc tôi chẳng  có cảm hứng. Dù sao thì cô gái cũng giống một ai đó tôi đã từng  quen, biết đâu chẳng đã từng chung chăn gối trên một bến cảng  ghé lại chốc lát.

*

Tôi xuống đến chân cầu thang, gặp thằng Bóp đang định đi  lên. Kính đen gọng to. áo may ô đen. Quần soóc đỏ. Một gã người  rừng Tarzan thực sự, cao mét tám lăm, nặng tám mươi tám cân.  Tay nó cầm một chai cognac. Tay kia một gói giấy. Định lên phòng  chú đây. Phòng cho thuê mất rồi. Thế thì xuống phòng thằng Phũ  vậy. Chúng tôi đi vào văn phòng quản trị. Thằng Phũ không sơ mi  cravat như một ông quản trị mọi ngày. Cũng may ô ba lỗ mầu đen.  Thằng cháu tôi cao mét bảy tám. Lồng ngực vồng căng. Ba thằng  bạn chúng nó khi mới tập tọng học võ nhập môn là học ở tôi. Sau  này tôi xuống tàu vắng nhà lâu, chúng mới cùng đi học thầy khác.  Ba thằng nay đã mất một.
Một chai cognac sau đám tang cũng cần thiết như một giấc  ngủ sâu không ác mộng. Cả ba lặng lẽ uống. Đến lúc này thằng  Bóp mới mở cái gói giấy.
Một chiếc coóc xê tênh hênh trên mặt bàn.  - Cốc đã nhớ đúng. Chúng ta đang uống chai rượu thắng cược  của nó.
Bóp nói, siết chặt hai bàn tay như đang bóp cổ một kẻ nào  đó. Chẳng phải ngẫu nhiên nó tên Bắc mà được lũ bạn đặt cho cái  tên Tây là Bob. Dạo học ở trường trung cấp Xây dựng, nó yêu một  cô bạn cùng lớp. Yêu thắm thiết. Những kẻ ít nói thường có một  ngôn ngữ riêng để tự bộc lộ, đó là yêu thắm thiết. Cuồng nộ thì  cũng ở mức tột cùng. Hễ khi nào lên cơn giận, hay là ghen, hay là  tức, nó lại đuổi con bé người yêu chạy khắp trường. Chạy từ tầng  một lên tầng hai. Chạy từ tầng hai lên tầng ba. Đuổi cho kỳ được,  bắt cho bằng được, chẳng nói chẳng rằng xông vào bóp cổ. Có tới  chục gã trai cùng trường xúm vào mới gỡ ra được. Nó bóp cổ người  yêu đến lần thứ ba thì bị trường đuổi học. Cả tháng sau nó vẫn đi  rình bóp cổ người yêu. Hai thằng bạn phải giám sát và can ngăn  mãi.
Rồi Bóp xin được theo một lớp trung cấp nấu ăn. Gã trai lừ  đừ như một con gấu vốn dĩ khéo tay, khéo nấu nướng. Bố thằng  Phũ khi ấy đang chuẩn bị mở khách sạn nên khuyên thằng Bóp  theo nghề đầu bếp, sau này quản lý bộ phận bếp núc cho ông. Bóp  học giỏi, nắm ngay được 30 món ăn chính khoá, 60 món phụ đạo, 6  món học lỏm, 4 món gia truyền phải trả tiền giá cao.
Bất đồ một hôm, một quý phu nhân, vốn là chỗ quen biết của  chỗ anh Thế tôi, gọi điện đặt tiệc chiêu đãi khách nước ngoài món  Gà Đông Chí. Vị phu nhân thời mở cửa có vẻ không tin nhiều vào  các khách sạn nhà nước. Anh Thế cho gọi toàn bộ đầu bếp lên hỏi,  từ đầu bếp già hợp đồng sau khi về hưu ở nhà khách chính phủ  cho tới đầu bếp trẻ mới tốt nghiệp trung cấp nấu ăn trung ương  đều không biết mặt mũi Gà Đông Chí ra làm sao. Anh Thế lo toát  mồ hôi. Mấy khi có vinh hạnh được quý phu nhân chọn mặt gửi  vàng. Đợi cho tất cả đều lắc đầu chịu, thằng Bóp mới mở miệng.  Chú yên tâm, sẽ có Gà Đông Chí. Nhưng nó không chịu nói Gà  Đông Chí là cái gì. Rốt cuộc, một ngày trước bữa tiệc, chỉ có ông  chủ khách sạn và mấy người thân cận thằng Bóp mới được biết cái  món ăn lạ tai nọ: đùi gà rút xương, nhồi thịt và tôm xay nhuyễn  cùng gia vị, rau cải bẹ trắng rải xung quanh, giữ thật lạnh để nhai  sần sật. Một món ăn có cái tên quá kêu so với thực chất. Bà phu  nhân nếm được đâu đó ở xứ Tàu trong những chuyến thăm chính  thức và không chính thức.
Gà Đông Chí mở đường cho những bữa tiệc bà phu nhân  không muốn tổ chức ở nhà khách chính phủ. Bạn làm ăn ngoại  quốc của bà đều tấm tắc khen các món ăn ở khách sạn The  Apocalypse, chẳng biết khen thật lòng hay xã giao. Tôi đã từng  phải khen những món nuốt không trôi được chiêu đãi ở nước này  nước nọ. Chỉ biết thỉnh thoảng quý phu nhân lại dội xuống một  thực đơn. Yến sào! Hai triệu đồng một lạng yến sào. Bữa tiệc tám  người khiêm tốn một cân yến sào. Bốn cây vàng chỉ riêng tiền yến  sào. Khách và chủ tấm tắc. Những văn hoá những nhân văn được  viện ra để nói về yến sào. Sau bữa tiệc, thằng Bóp nháy tôi. Yến  rởm đấy mà. Anh Thế giật thót. Có ngày mày giết tao. Bóp vẫn  thản nhiên. Kìa chú, người nấu không biết, người ăn không biết,  thế thì nó là yến chính hiệu.
Anh Thế hầu như không nhận tiền thanh toán các bữa tiệc  của quý phu nhân. Cũng như vậy với những cái ô khác. Những cái  ô này đủ che chở khách sạn The Apocalypse cho tới ngày tận thế.
Lại nói chuyện thằng Bóp học hành ở trường trung cấp nấu  ăn. Lần này nó học hành trót lọt, một sinh viên tốt, chẳng có lý do  gì để bị đuổi học. Ở trường Bóp không yêu ai. Không yêu ai nên  chẳng có ai để mà bóp cổ. Nhưng cũng chính ở trường nó đã tìm  được cách khác để tự thoả mãn cái dục vọng bóp cổ trong câm lặng.
Tôi lờ mờ đoán ra cách thức tự thoả mãn của nó vào dịp Tết  đầu tiên nó về làm cho khách sạn The Apocalypse. Tết ấy, anh Thế  tổ chức một "cuộc đi săn" và bữa tiệc hoang dã trong trang trại  cách thủ đô chừng ba chục cây số. Sáng mùng một, chúng tôi mời  tất cả các vị khách ở tại khách sạn vào dịp năm hết tết đến theo xe  lên khu sơn trang. Anh em tôi chung vốn mua được với giá rẻ như  bèo hai chục nghìn mét vuông đất bên sườn núi. Rào cọc sắt cao  quá đầu người quanh trang trại có một vườn nhãn rậm rạp và một  cái hồ nhỏ. Đám khách đầu xuân, cả ta cả Tây, mà chủ yếu là Tây,  được dẫn vào khu sơn trang. Các nam thanh nữ tú tổ bếp và tổ bàn  ra đón khách như trai gái Tây Nguyên thực sự. Trai cởi trần đóng  khố, ống tên ngang lưng, tay cầm ná. Gái váy dài thổ cẩm, lưng  đeo gùi. Tiếng cồng đầu tiên. Vài con nhím, dăm ba con sóc, dăm  ba con khỉ được thả ra. Tiếng cồng thứ hai. Đám trai gái thổ dân  cùng khách khứa chạy tung tán khắp trang trại, nhảy qua các bụi  rậm, lao qua các gốc cây, rượt đuổi lũ thú rừng. Dần dần lũ người  tìm được chỗ nấp để những tay ná trổ tài. Một con chồn dính tên,  choé lên một tiếng rồi rơi xuống. Ngay sau đó, thằng Cốc bắn  trúng cánh tay một con khỉ. Con khỉ chưa kịp chạy trốn thì bị  thằng Bóp bắn trúng tay kia. Nó thả mình rơi xuống khỏi vòm cây,  chạy loạt soạt trong đám cỏ ven hồ. Bóp lao theo rồi mất hút trong  đám cỏ cao quá đầu người. Tôi chạy theo, con khỉ đã chạy ra khỏi  bãi cỏ, về phía những bụi cây trong vườn. Nó chạy một cách khó  khăn, chốc chốc lại phải chống một tay xuống đất. Cả hai tay đều  vướng tên. Nó dùng tay này bẻ gẫy mũi tên ở cánh tay kia, rồi rút  tên ra. Bóp chộp được chân sau của con khỉ bên một bụi cây, con  khỉ cào cấu chống trả bằng hai cánh tay tung toé máu. Không  thèm giằng co vật lộn lôi thôi, Bóp siết chặt hai bàn tay quanh cổ  con khỉ. Nấc ằng ặc. Giãy đành đạch. Lưỡi thè lè sùi bọt. Thằng  Bóp trừng trừng nhìn con vật trong cơn giãy chết. Tay vẫn siết  mạnh. Đầu con vật ngật sang một bên cũng là lúc thằng Bóp bỗng  rung giật toàn thân. Cặp mắt Bóp bỗng chuyển sang lờ đờ khoái  cảm.
Đó là lần đầu tiên tôi mơ hồ cảm thấy cái thằng lạnh tanh  máu cá ấy có một khoái cảm lạ lùng. Sau này thì hầu như cả tổ bếp và hai thằng bạn thân đều biết. Bây giờ nhìn nó ngồi thâm  trầm bên ly rượu, môi mím chặt, hai bàn tay gân guốc bóp chặt  vào nhau. Rồi nó cầm cái coóc xê, nắn nắn bóp bóp cái phần đệm  mút. Rồi nó gói cái coóc xê trở lại trong tờ giấy, đút vào túi quần  soóc.
- Tao đã lần tìm ra cái con khốn kiếp giết thằng Cốc.  Nó đứng dậy, nói với thằng Phũ.
- Xử lý ngay được chưa?
- Chưa, tối nay mày đi cùng tao được không?
- Sao lại không?
Hai thằng quay nhìn tôi. Tôi im lặng nhìn lại. Như vậy có  nghĩa là tôi không đi. Tôi chưa tin. Tất nhiên là chưa tin cô gái kia  giết thằng Cốc. Nhưng tôi để mặc hai đứa. Hãy để cho chúng được  quyền tin điều chúng đang tin.
Thằng Bóp im lặng ra khỏi phòng. Nó trở về với tổ bếp đang  làm đặc sản. Tôi ngồi lại phòng thằng Phũ.
Lâu sau, thằng Phũ ra hiệu vẫy tôi lại bên cửa sổ. Cửa phòng  nó nhìn ra sân sau nhà bếp. Thằng Bóp đã thay quần soóc đỏ bằng  một chiếc quần đùi sặc sỡ.. Nó đang dúi đầu một con dê xuống.  Con dê to gồng mình, hai chân trước thẳng cứng như gậy, hai chân  sau dồn toàn lực trì kéo ra sau hòng thoát khỏi đôi tay gọng kìm  của thằng Bóp. Hai bên đều im lặng trong cuộc đấu. Bóp không  thèm thở hổn hển trong cuộc đấu sức vặt. Con dê dồn hết sức để co  kéo, chẳng còn hơi để be be. Cứ thế cho tới khi con dê đổ vật  xuống. Bốn chân giãy giụa tuyệt vọng.
Giờ mới là lúc thằng Bóp bắt đầu hành động đi tìm khoái  cảm. Nó buông cặp sừng trên đầu con dê, luồn đôi bàn tay quanh  cái cổ đen nhánh. Thoạt đầu có vẻ giống như một cử chỉ âu yếm.  Thình lình con dê giật nảy lên. Bốn chân khua khoắng.
Thế là thằng Bóp đã bắt đầu bóp.
Thằng Bóp đang bóp.
Thằng Bóp đã bóp xong.
Thời điểm để tôi nhẩm trong đầu ba câu ấy, từ lúc khởi sự  cho tới lúc kết thúc cách nhau chừng hai phút. Thằng Bóp hét lên  một tiếng cực khoái hoang dã, cùng lúc thân người vạm vỡ của nó  rung lên xuất dương lực. Cái quần đùi ướt đẫm. Tổ bếp gọi thằng  Bóp là pháo thủ bắn pháo hoa. Mỗi lần thằng Bóp bóp cổ một con  dê là bên những cửa sổ nhà bếp lại có những cặp mắt kín đáo theo  dõi, như xem trộm một cuộc hành lạc. Khi nó trở vào mắt lờ đờ  khoan khoái, người ta nháy nhau. Lại bắn pháo hoa rồi, giờ đi  thay quần đấy. Ngày nào cũng phải thịt dê, nhưng không phải ngày nào thằng Bóp cũng bóp cổ dê như vậy. Thông thường người  ta chỉ đuổi đánh con dê chạy quanh sân cho nó toát mồ hôi, thịt ăn  không bị gây gây nồng nồng.
Thằng Bóp không bỏ con dê để đi thay quần như mọi bận. Nó  ngồi lại, bẻ ngửa cổ con dê lên, lật qua lật lại, nhìn đi nhìn lại.  Như nhận mặt một kẻ nào đó. Như sung sướng nhận ra một kẻ  thù đã chết. Như hả hê vì đã trả được hận.
Tôi hiểu ngay thằng Bóp đang nhìn thấy gương mặt ai trong  bộ mặt không còn sự sống của con dê.

*

Mấy ngày sau, tôi đang ngồi cùng thằng Phũ trong phòng  quản trị thì thằng Bóp bước vào. Nó bảo đã tìm ra chỗ ở của cái  con khốn nạn đã giết thằng Cốc. Nó đã nắm được quy luật đi lại  của con kia. Nó bảo trừ khử ngày hôm nay là tốt nhất.
Ngôn ngữ hành động có tác dụng hơn ngôn ngữ nói. Thằng  Bóp mở cái túi đựng vợt tennis, lấy ra một đôi găng tay mỏng màu  da người. Một bình xịt thuốc mê. Và một cuộn dây. Có nghĩa là nó  đã chọn hình thức xử lý như đã làm với những con dê. Sau đó cuộn  dây sẽ đánh lạc hướng điều tra như là một vụ treo cổ tự tử.
Chắc là tôi sẽ không tham gia. Nhưng cũng chẳng có một lời  nhắc nhở thận trọng. Con người nếu cẩn thận ở nơi này thì vẫn bất  cẩn ở nơi khác. Biết ai dại ai khôn hơn ai mà lên giọng khuyên  bảo. Những gã trai ngoài tuổi hai mươi đã có thể tự lo liệu và tự  chịu trách nhiệm.
Chỉ có điều tôi cảm thấy trước được tai hoạ. Tôi thường hay  linh cảm thấy tai hoạ.
Tôi để hai đứa ở lại trong phòng. Tôi sang tiệm cà phê. Ngồi  đây, nhìn qua lớp kính tối mầu có thể thấy được một nhóm Tây lốc  nhốc mới đến tụ tập trước quầy tiếp tân, đợi đăng ký nhận phòng.  Đây là mùa bội thu của các khách sạn.
Anh Thế đến ngồi cùng bàn với tôi. Liền theo, bồi bàn mang  tới hai ly cà phê như thể chúng tôi là hai khách uống.
- Anh nghe nói sắp tới nhà nước sẽ tháo dỡ những biển hiệu  tiếng nước ngoài.
Anh "nghe nói" có nghĩa là đúng sự thực. Đây là xứ mà mọi  thông tin đều được bỏ ngỏ và công khai. Nội dung những cuộc họp  quan trọng chỉ sau vài giờ đã ra tới đường phố cho dân thường  bình luận. Ông cốp cộp không thể ôm giữ đại sự ấm ức trong lòng,  phải đem trút sang quý phu nhân. Quý phu nhân lại phải thổ lộ  với các quý phu nhân khác qua con đường truyền khẩu hoặc điện  thoại hữu tuyến và vô tuyến. Các quý phu nhân nguồn gốc bình  dân ngay lập tức truyền thông tin theo mạng lưới bình dân. Anh  Thế là một trạm tiếp sóng trong mạng thông tin đó. Một chàng  thông ngôn khôi ngô cấp vụ trưởng chuyên đi phiên dịch cho các  lãnh đạo. Sau những chuyến công tác nước ngoài, về đến nhà  những tưởng anh đi đường anh tôi đi đường tôi, nhưng Thế là  người ăn ở có trước có sau. Thế đến nhà riêng thăm chú thăm cô.  Thế tỏ ra kiên nhẫn tuyệt vời hầu chuyện cô. Cô vốn đã rất cảm  tình với anh chàng thông ngôn trong những chuyến thăm hữu  nghị chớp nhoáng vẫn biết dành thời gian đưa cô đi mua sắm,  phiên dịch được cả tên những mặt hàng tế nhị. Thế được nhiều  cảm tình, Thế được cô nói khéo qua ông Vụ trưởng cán bộ. Thế cứ  thế mà lên. Đến thời điểm Thế làm Vụ trưởng, ai cũng tưởng Thế  còn lên nữa thì đùng một cái Thế đâm đơn xin nghỉ việc. Khi ấy  Thế bốn mươi tư tuổi. Mười sáu năm nữa mới đủ tuổi về hưu.  Nhưng Thế đã góp nhặt đủ vốn liếng để xây một khách sạn lớn.  Những người từng tham gia vào chính trị khó bao giờ thôi làm  chính trị. Họ chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác,  cho dù đó là làm văn nghệ, khoa học hay kinh doanh. Thế đã kịp  xây dựng được một mạng lưới che chở và hậu thuẫn. Các chú các  cô vẫn tiếp tục nâng đỡ. Chú thì tặc lưỡi nó dại tự mình công danh  đứt gánh giữa đường. Cô thì chép miệng nó chẳng dại đâu khách  sạn của nó to như thế cao như thế sang như thế. Biết ai dại biết ai  khôn ở cõi đời này. Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Chỉ có kẻ biết  là sống. Nhưng biết được rồi, giác ngộ được rồi, thì không chết  nhưng sống khổ sống sở về tinh thần. Tôi đã kể những năm tháng  trên biển tôi đọc nhiều sách Phật. Đọc xong, tôi chỉ thấy thương  Ngài. Ngài giác ngộ năm ba mươi lăm tuổi (tức là nếu tôi giác ngộ  được thì đúng là vào năm nay), bốn mươi lăm năm sau đó, Ngài  phải sống giữa cõi người tôn sùng Ngài, kính phục Ngài, tin theo  Ngài, nhưng không chắc đã hiểu Ngài. Ngài cô đơn và đáng  thương là ở chỗ ấy.
Tôi ngẫm nghĩ. Tôi nhấm nháp ly cà phê. Tôi nghe anh Thế  nói loáng thoáng. Bất chợt tôi giật mình, một cô gái đẩy cửa bước  vào tiền sảnh, đi qua trước quầy tiếp tân, rồi theo cầu thang đi lên  gác. Cô ta có cái vẻ của một người quen mà tôi không kịp nhớ ra.  Sao gần đây tôi hay gặp những người quen quen. Ngày trước, đám  bạn bè vẫn thường chọc tôi, đi đâu cũng gặp người quen, thấy trẻ  hư ngoài đường không dám đánh, sợ lỡ đánh phải con mình. Thôi  cho qua. Tôi mỉm cười lặng lẽ tập trung nghe chuyện của ông anh  vốn tài ba hơn người.
Thế bảo rằng người ta cứ quen mồm gọi sai khách sạn này là  Ngày Tận Thế. Thực ra Ngày Tận Thế chỉ đúng với tiệm ăn  Apocalypse Now của lão Đắc Tùng, một kẻ đã bệ nguyên xi cái tên  phim Bây giờ là lúc tận thế của Francis Ford Coppola về chiến  tranh của Mỹ ở Việt Nam. Lão ấy còn dốt về chính trị tới mức  trong tiệm ăn, lão cho trang trí các mô hình cánh quạt trực thăng,  những tấm vải dù, những mũ sắt của lính Mỹ. Những người có  trách nhiệm lại dốt hơn khi để mặc cho lão kinh doanh trong một  môi trường sặc mùi chiến tranh như vậy. Anh Thế có khác, anh  tỉnh đòn. Ngay từ đầu, anh đã cân nhắc và đặt tên khách sạn là The Apocalypse, chứ không phải là Apocalypse Now.
- Chiết tự thì The Apocalypse có nghĩa là Khải Huyền, khúc  cuối cùng trong Kinh Thánh Tân ước, kể về việc Thánh John báo  trước cho đồ đệ về ngày tận thế...Vậy nay mai, nếu không được  phép mang tên nước ngoài, khách sạn nhà mình sẽ đổi thành Khải  Huyền, hoặc Thiên Khải.
Thế dừng lại, nhìn tôi như giễu cợt.  - Tôi sợ rằng Captain’s Studio của chú cũng phải đổi thành  xưởng vẽ của Thuyền trưởng.
Tôi hơi nhếch mép tỏ ý thế nào cũng được. Anh Thế phải bật  cười rằng anh đùa tôi thế thôi. Đúng lúc ấy, thằng Phũ đẩy cửa lao  vào.
- Bố. Chú Đông. Vào phòng con ngay...
Mặt nó trắng bệch, môi nó run run.  Hai chúng tôi lật đật theo thằng Phũ về phòng quản trị. Nó  thận trọng khoá trái cửa rồi mới dẫn chúng tôi chạy vào toilet.
Thằng Bóp đang đung đưa như một hình nộm giữa phòng  tắm khá rộng. Một sợi dây thừng siết quanh cổ nó, treo vào cái móc ở trên trần. Mặt nó bầm tụ máu, mắt nó trợn tròn, lưỡi nó thè  lè.
Trong lúc kinh hoàng, tôi vẫn đủ tỉnh táo để tìm một con dao  trong ngăn bàn làm việc của thằng Phũ. Tôi cắt dây, cùng anh Thế  đỡ thằng Bóp xuống, đặt lên trên bộ xa lông dài. Thế nắn đôi bàn  tay lạnh toát, kiểm tra khắp thân người lạnh toát của thằng Bóp  một lát.
- Chết lâu rồi.
Anh nói và buông bàn tay cứng đờ của nó xuống mặt ghế.  Thằng Phũ kể hai đứa vừa mới bàn nhau cách tiếp cận nhà  con kia. Thằng Phũ sẽ cảnh giới bên ngoài, một mình Bóp sẽ vào  hành sự. Phũ còn đùa Bóp nhớ cài đặt băng vệ sinh cẩn thận, kẻo  không thể rút ra ngoài đường với chiếc quần soóc ướt đẫm. Rồi  Phũ ra khỏi phòng chừng ba mươi phút, để thằng Bóp ở lại lục cục  chuẩn bị trong phòng. Khi nó trở lại thì đã thấy thằng bạn treo  lủng lẳng trong phòng tắm.
Bây giờ thì thằng Bóp đã nằm bất động trên ghế. Phũ vuốt  mắt cho thằng bạn. Chiếc quần soóc quả là ướt đẫm và toả mùi hạt  dẻ.
- Giờ là lúc tính chuyện đưa thằng Bóp ra khỏi đây.  Anh Thế bảo. Anh bao giờ cũng là người trở về với thực tế  sớm nhất. Người chết thì đằng nào cũng đã chết rồi, nguyên nhân  sẽ tìm hiểu sau. Anh không muốn có chuyện rầy rà với chính  quyền. Anh lại càng không muốn loan cái tin có người chết trong  khách sạn. Lộ ra thì khách sạn đúng là mang cái tên ngày tận thế.
Nhưng cũng không thể đưa thằng Bóp về nhà thằng Cốc, nơi  nó vẫn đang sống với bình tro thằng bạn. Hàng xóm láng giềng đã  không bị xôn xao vì cái chết của thằng Cốc. Hàng xóm láng giềng  cũng sẽ không nháo nhác vì cái chết của bạn thằng Cốc. Chỉ có mỗi  một cách là gửi thằng Bóp vào nhà xác bệnh viện, nằm úp lồng  bàn để vô hiệu hoá cả lò nhà chuột hung hãn bên ngoài.
Thế đi gọi điện thoại cho giám đốc bệnh viện. Thế gọi điện  thoại cho ba mẹ thằng Bóp ở Sài Gòn. Lại chính Thế phải chủ động  sắp xếp giúp cho đám thân nhân hoảng loạn. Chú Đông và cháu  Phũ sẽ đưa xác cháu vào theo chuyến máy bay sớm nhất. Tôi biết  anh chị và các cháu không thể đi vào lúc này được. Tít tít.
Còn lại việc khó nhất: Đưa xác thằng Bóp ra khỏi khách sạn  bằng cách nào. Tất nhiên không thể đi qua phòng tiếp tân như  một vị khách làm thủ tục rời khách sạn. Tất nhiên không thể  mang cái xác ra bằng cửa sau cho nhân viên khách sạn trông thấy.  Tôi tìm được một cái hộp giấy đựng tủ lạnh trong nhà kho. Ba anh  em chú cháu tôi hì hục bê cái xác tám mươi tám cân bỏ vào trong  hộp giấy. Phải nắn lại chân tay cho cái xác ở trong tư thế ngồi,  như vậy mới vừa kích cỡ của chiếc hộp tủ lạnh. Cái hộp được bỏ lên  một chiếc xe đẩy cho thằng Phũ đẩy ra cửa sau, tôi đánh một chiếc  minibus vào, đón cả hộp cả người lên xe đến cổng sau bệnh viện.
Đưa được cái hộp tủ lạnh vào trong nhà xác mới nảy ra  chuyện. Cái xác cứ kiên định trong tư thế ngồi bó gối, nhất định  không chịu ngả ra tư thế nằm. Cứ như thể vào phút cuối cùng của  cuộc đời, thằng Bóp bỗng biết xấu hổ về cái quần soóc ướt của nó.  Cái xác đã lạnh đã cứng đã co quắp này ai mà bỏ vào quan tài  được. Tôi lập tức nhớ ra. Tôi đã có kinh nghiệm về cái chết kiểu  này. Tôi đánh xe về khách sạn lấy mấy chai rượu trắng, tạt qua tổ  bếp lấy một ít gừng đập dập, một phích nước sôi và một cái xô.  Chúng tôi đặt thằng Bóp lên một cái bàn mặt granitô. Nó nằm vật  nghiêng, co quắp. Ba anh em chú cháu tôi, mùi xoa bịt mũi cho  giảm bớt cái tử khí trong nhà xác, dùng rượu và nước gừng nóng  xoa bóp các khớp chân khớp tay cho thằng Bóp. Lâu sau mới kéo  được chân tay giãn ra, cho cái xác trở về tư thế nằm ngửa. Một cái  thế nằm ngửa rất xấu. Hai bàn tay như thu thu giấu giấu trên  bụng. Cặp giò vốn đẹp bây giờ cứ vẹo vọ, cái quặt ra cái quặt vào.  Dù sao như vậy cũng đã có thể bỏ cái xác vào quan tài được rồi.

*

Tôi và thằng Phũ lên máy bay khá sớm. Cái quan tài kim  loại đã được nhân viên hàng không lặng lẽ đưa vào khoang. Lên  sớm, mà ghế bên cạnh đã có người ngồi. Một ông già độ tuổi về  hưu, thoả thuê sung mãn. Ông già hơi nhướng mắt khi một cô  chiêu đãi viên, tay bịt mũi, lật đật chạy qua các hàng ghế còn lác  đác hành khách, xịt vào đó một thứ thuốc khử mùi như mùi bệnh  viện. Ông chép miệng bắt chuyện với tôi rằng thời nay chúng nó làm ăn thế đấy, để hành khách lên đến nơi mới dọn dẹp mới làm  vệ sinh mới cho máy điều hoà nhiệt độ làm việc.
Chúng tôi ngồi ngay cạnh buồng chuẩn bị của đám tiếp viên.  Mấy anh chàng mặt hoa da phấn đang nắn bóp chí choé mấy cô  nàng hơ hớ mời mọc. Một cô chắp tay đứng trước cái bát hương  nhỏ, bên cạnh đặt một đĩa khẩu phần ăn của hành khách. Các oan  hồn phù hộ cũng được bay miễn phí cùng cô chuyến này. Đám trai  thanh nữ tú làm mặt nghiêm khi cùng cô lầm rầm khấn vái. Cô ta  vừa khấn xong thì choé lên một cái và cả đám trai gái cười vỡ ra -  một gã láu cá đã kịp xin phép các oan hồn thò tay vào bộ ngực cô  gái thành tâm.
Lũ quái vật chứ không phải là người nữa, ông già tiếp tục bắt  tôi hầu chuyện. Lại còn nảy nòi ra cái tệ mê tín dị đoan. Mà sợ  cũng phải. Ông rất sợ đi máy bay nước nhà. Chỉ khi nào máy bay  tiếp đất mới tin chắc là mình còn sống. Có lần bay được chừng bốn  mươi phút thì trong khoang nóng như lò nung, Tây đầm cởi hết áo  ngoài nôn mửa toé loe. Nhìn ra cửa sổ lại thấy sông Hồng ở bên  dưới, hoá ra máy bay trục trặc phải quay về. Nghe đâu hệ thống  thông gió không làm việc, cứ bay tiếp thì chỉ còn nước chết cháy.  Thế cũng chưa hết đâu. Có lần ông bay vào Sài Gòn bằng chuyên  cơ của một đoàn cấp cao, máy bay đã được chăm nom chuẩn bị từ  mấy ngày trước, vậy mà vòng đi vòng lại mấy lần mới bật được  càng ra. Về sau cụ đi chuyến ấy cứ đòi đi đâu cũng phải để tổ lái  ngoại quốc lái cho cụ. Đành rằng cụ vẫn kêu gọi dùng hàng nội,  nhưng mạng sống thì phải được đảm bảo bằng phi công ngoại và  thuốc ngoại.
Tôi không muốn nói chuyện. Tôi giả vờ nhìn chăm chăm vào  tờ báo cầm tay dù không đọc được một chữ. Thằng Phũ thì mặt  quàu quạu ngó đi chỗ khác. Vậy mà ông già vẫn không buông tha.  Ông nghi ngờ những chiếc máy bay mới mua này. Trông sáng sủa  đẹp đẽ vậy thôi, thực ra nó là loại máy bay xé cần hen được mông  má tân trang, được bán với giá hữu nghị đắt hơn máy bay cũ rẻ  hơn máy bay mới. Các nước đang phát triển là đống rác cho các  nước phát triển vung tay ném đồ thải vào. Bọn người đứng ra mua  hàng ẵm về nhà riêng của chúng một đống tiền. Người ta tin rằng  tuổi thọ của chiếc máy bay là hàng chục năm. Đùng một cái nó từ  trần trong lúc đang làm nhiệm vụ. Mê tín là phải thôi. Khấn vái là  phải thôi.
Như là ông bị cái chết ám ảnh, như là ông nói luôn mồm để  tự trấn an. Nhưng từ những câu chuyện ám chỉ cái chết cho đến  khi nói toẹt ra, vẻ mặt ông thoả mãn như không thản nhiên như  không. Một kẻ chỉ thích nói cho sướng mồm, thích hù doạ người  khác. Tôi chỉ muốn nói cho ông ta biết rằng chuyến này ông đang  đồng hành với một xác chết. Nhưng vừa lúc thằng Phũ kéo tôi đổi  chỗ xuống một hàng ghế phía dưới. Chuyến này vắng khách, mỗi  người ngồi mấy hàng ghế chả được.
Xác thằng Bóp được đón ở sân bay rồi đưa thẳng về địa điểm  làm đám tang. Lại những vòng hoa trắng. Ba thằng Bóp mở tấm  vải liệm nhìn mặt con rồi ôm mặt khóc. Chàng Tarzan cao mét  tám lăm nặng tám mươi tám cân, gương mặt đã được trang điểm  cẩn thận trông như đang ngủ. Rồi ba cũng sẽ đi theo con thôi, sao  con không ráng đợi?
Phường bát âm có cả kèn trống sáng loáng như một đội quân  nhạc. Những khúc nhạc nổi lên, khúc nào cũng hơn hớn giậm giật.  Trái tim ngục tù trái tim ngục tù anh yêu em yêu đến ngàn thu...  Đừng nghe những gì con gái nói đừng nghe những gì con gái nói  đừng nghe những gì con gái nói... Đám ma ngoài bắc thì tấu lên  toàn những bản nhạc não lòng. Nhạc ấy là dành cho những người  sống đi đưa đám. Đám ma trong này rặt những khúc nhạc vui. Để  mua vui cho người chết thanh thản mà ra đi? Hay là ngược lại,  nhạc buồn cho người chết, nhạc vui cho người sống?
Đêm đến, tôi và thằng Phũ đi qua những đường phố Sài Gòn  bằng một con Tôm (Custom) 750 phân khối kềnh càng như một  con bọ cạp. Bất đồ thằng Phũ nhớ ra con chó của thằng Cốc ở nhà  một mình, chắc là không được ai trông nom trong hai ngày qua.  Nó chạy vào ô điện thoại tự động bên đường, gọi ra Hà Nội cho một  thằng trong tổ bếp, nhờ đến nhà thằng Cốc cho con chó ăn. Dạo  trước con chó của thằng Cốc không được hoà thuận lắm với thằng  Bóp. Thằng Bóp thỉnh thoảng lên cơn lại bóp cổ con chó. Sau khi  thằng Cốc chết, thằng Bóp mang bình tro của bạn về nhà, đặt lên  bàn thờ. Con chó tru lên hoảng loạn. Ngày nào nó cũng đến nằm  dưới bàn thờ, rầu rĩ gục đầu, mắt nhoèm nước, trong khi thằng  Bóp thắp hương cho bạn. Thằng Bóp cảm động vì hành vi có nghĩa  của con chó và chúng bắt đầu chung sống hoà bình, chấm dứt hẳn  những vụ bóp cổ. Từ nay cả hai ông chủ đều đã chết rồi, không  hiểu con chó sẽ sống ra sao?
Hai chú cháu đi vào một vũ trường. Hai cô vũ nữ nhã nhặn  tiến đến mời nhảy. Phũ đưa cho hai cô một món tiền bảo rằng  đang có công chuyện làm ăn. Hai cô cảm ơn và đi ngay. Đang uống  cà phê thì một cô mang ly nước cam đến xin được ngồi cùng. Tôi  đưa mắt hỏi thằng Phũ, nhưng nó lại lập tức lắc đầu. Xin lỗi nhỏ  nghe, các anh không phải là Hồng Công Xinh ga po không phải  Việt kiều, các anh đang bàn chuyện làm ăn chút xíu. Cô gái lại  lịch sự rút lui. Sao trông cô ta quen quen. Sao tôi nhìn đâu cũng  thấy những gương mặt đàn bà quen quen. Kiểu cách cô này thoáng  nhìn cũng đã biết là một thứ gái cao cấp bán chuyên nghiệp và  hành nghề theo ngẫu hứng, chỉ làm ăn với Tây Tàu Nhật Mỹ và  Việt kiều thứ thiệt.
Không còn bị ai quấy rầy nữa, thằng Phũ mới bảo rằng  chuyện thằng Bóp tự treo cổ là chuyện nhảm nhí. Phũ đã thấy  điều mà mọi người không để ý: Quanh cổ thằng Bóp có dấu tay siết  cổ. Có nghĩa là Bóp đã phải nhận đúng cái mà nó định làm để trừ  khử đứa con gái kia. Phũ cho rằng không ai ngoài con khốn kiếp  đã lẻn vào khách sạn để làm việc ấy. Không chỉ là một mình đứa  con gái chân yếu tay mềm, nhất định là nó còn có cả một băng gớm  ghê mới đủ sức thực hiện một việc khó khăn trong thoáng chốc  như vậy. Rất tiếc là Phũ đã không hỏi thằng Bóp cái địa chỉ mà  chúng định hành sự. Nhưng không sao, Hà Nội chỉ bằng bàn tay,  người Hà Nội vẫn va mặt nhau hàng ngày. Chuyến này trở ra,  Phũ sẽ đi tìm con kia cho bằng được. Nhóm ba người nay chỉ còn  mình nó. Phũ sẽ sống cho cả ba người. Phũ sẽ trả hận cho cả ba  người.
Chúng tôi lại đi lòng vòng qua những đường phố Sài Gòn ban  đêm. Sài Gòn by night. Nhiều gương mặt con gái trên đường. Lại  có nhiều vẻ mặt quen quen trong những gương mặt lướt qua ấy.