Đấy, anh thấy đấy... Mùa nắng của chiến tranh đã tàn phá thôn xóm và vùi dập tôi như thế. Ban đầu tôi có ý nghĩ muốn chết. Nhưng khi bình tĩnh lại, tôi thấy không lý nào lại đi tự treo cổ mình hoặc đâm đầu xuống biển. Chết không hại được chúng nó, chỉ thiệt thân mình, làm khổ cho con và mắc tội đối với chồng. Gần suốt một năm tôi dằn khổ nhục xuống. Một đêm nọ tôi vào vùng du kích nặng Hiệp Lộ đỡ đẻ cho một người vợ lính. Lúc trở về, đêm đã khuya, nhưng vừa đặt chân lên hè nhà tôi chợt nhận ra tiếng nói chuyện bên trong. Tôi nhận ngay ra tiếng chồng tôi đang nói chuyện với cha tôi. Anh ấy đã về. Tim tôi đập mạnh. Tâm trạng của tôi bấy giờ thật là rối rắm. Nỗi mừng xen lẫn với âu lo. Tôi mừng nhà tôi sẽ gặp con. Đứa con mà anh ấy chưa biết mặt. Với lại, chúng tôi xa nhau đã lâu quá. Nhưng liền đó nỗi lo lắng xâm chiếm lòng tôi. Khi nghĩ đến chuyện đau đớn cũ tôi đâm ra sợ hãi. Mấy lần định nhấc liếp cửa bước vào tôi lại bỏ tay xuống. Bên trong, tiếng chồng tôi hỏi:- Vợ tôi nó đi đâu ba?- Lên Hiệp Lộ đỡ đẻ cho người ta.Rồi tôi nghe cha tôi hấp tấp kéo chồng tôi vào buồng:- Vén mùng ra mà coi mặt con mày đi!Tôi đứng nghe, lòng hồi hộp. Có lẽ ảnh cũng hồi hộp như tôi. Và rồi ảnh sẽ rạo rực vì ảnh đã trở thành một người cha thật sự. Có lẽ ảnh đang nhìn con và sung sướng. Đứa con tôi trong giấc ngủ, tôi đã từng ngắm nó hàng giờ không chán. Anh hãy hình dung một đứa bé nằm cuộn trong chăn tơ, đôi mắt nhắm êm, gò má mũm mĩm đỏ hồng, đôi môi lúc ngủ mà chúm chím muốn cười. Con tôi xinh lắm, không chê được một chỗ nào...Lúc đó tôi vẫn đứng ngoài, tưởng tượng đến nỗi sung sướng của chồng tôi. Chợt nghe tiếng con bé khóc. Rồi tiếng nó dẫy nẩy đòi ông. Tôi biết là chồng tôi đang bế nó, chắc nó thấy lạ nên khóc. Kế đó cha tôi cười lớn:- Thôi, tôi không bồng đâu. Thằng cha nó bồng mà nó không biết, ha ha...Con bé đòi nội không được khóc vang. Hồi sau nó chịu yên không cự nự nữa. Có tiếng hôn chùn chụt vào má nó. Tôi ghé nhìn qua khe liếp, thấy nhà tôi bế con ra ngoài và đang hôn. Hôn mãi mà hình như anh vẫn không thỏa.- Nó bò khá rồi. Vợ mày để nó bò luôn, có bữa lại bò ra cát, tao rày quá. Nó nói là tập cho con nhỏ quen với đất, với biển.- Vợ tôi đặt tên nó là gì ba?- Chưa, chưa đặt tên hẳn hoi. Nó nói là đợi mầy về đặt, nó không dám tự ý. Sợ đặt ra gọi quen đi rồi sau khó sửa. Thành thử cứ kêu tạm là con Hai.Tôi nghe chồng tôi phì cười về cái tiếng con Hai. ý tôi muốn gọi là con gái lớn, con gái đầu lòng.- Vợ tôi nó đi chừng nào về ba?- Đỡ cho người ta xong là về liền.- Ai ở Hiệp Lộ sanh vậy?- Có một con vợ lính ở trển chuyển bụng mà không kiếm được mụ, mới sai đứa em xuống kiếm vợ mầy. Nghe nói vợ lính là tao thù chí tử rồi. Tao cản con Tư biểu nó đừng đi. Thứ đờn bà chồng theo Tây mà không biết ngăn cản trì níu, để chồng đi làm bậy. Đến nỗi mấy trận bố rồi, có nhiều con vợ lính còn vác bị theo chồng đi hôi. Thứ đó cứ cho đẻ ẽn lấy. Con Tư thì nói là nên đi, không nên bỏ người ta đẻ một mình. Chập này có cả mấy ông chi bộ xã ở đây. Mấy ông giải thích cho tao nghe, nào là mình phải nhân đạo, nào là lấy tình nghĩa mà địch vận...- Lên tận Hiệp Lộ à?- Nghe đâu là mình biểu đưa con vợ lính đó vô ấp trong.- Vợ tôi nó đi như vậy là phải. Mà mình phải làm như vậy, cho tụi lính bót nó thấy mình đối xử tốt với nó, nó động tâm, dần dần một ngày kia mình kéo nó theo mình.- Nó ác với mình thì mình ác lại với nó.Trong nhà im lặng một lúc lâu. Kế nghe chồng tôi chép miệng thở dài. Cha tôi hỏi:- Hồi nãy ai đưa mầy về đây Khoa?- Chú Tư Bường. Hồi chiều ăn cơm ở nhà chú ấy.- Mày đã hay tin gì về vợ mày chưa Khoa?Chồng tôi đáp gọn lỏn: - Hay rồi, hay trước khi về đây.Rồi hai người ngồi im rất lâu. Đứa con tôi hình như đã ngủ lại. Chồng tôi bế nó vào buồng. Cha tôi nói: - Mày mệt ngủ đi, ngủ trong buồng đó. Giấc nầy vợ mày chưa về thì chắc sáng nó mới về.Tôi đứng ngoài nghe thế, đã định vào. Nhưng lúc ấy sao lạ quá. Tôi cảm thấy mình vào như là mang theo sự phiền muộn vào cho chồng vậy. Tôi ngồi ghé xuống bộ vạc tre ngoài hè nhà. Đợi chồng và cha tôi đã ngủ hẳn tôi mới khẽ nhấc cửa, rón rén bước vô. Chiếc đèn mỡ cá trên bệ đất cháy mờ mờ. Tôi đến cửa buồng. Nghe rõ chồng tôi đang ngáy, tôi mới mạnh bước vào. Tôi không muốn làm động giấc ngủ của anh ấy. Nhưng tôi muốn nhìn anh ấy đang nằm ngủ với con. Hai năm chúng tôi xa nhau. Bây giờ anh ấy về thế mà tôi vẫn không được mạnh bạo. Sự rụt rè đó anh hiểu cho tôi.Khi tôi vén màn lên, trước mắt tôi, chồng tôi đang ôm con ngủ. Con gái tôi nằm ngoan ngoãn trong lòng cha nó. Gò má nó áp vào ngực anh ấy. Thỉnh thoảng nó lại liếm đôi môi chút chút. Tôi đứng cận đấy, có thể ngửi được từ đôi môi nó cả cái mùi sữa thơm dịu. Nhìn vẻ mặt chồng, tôi thấy anh rắn rỏi hơn trước nhiều. Gương mặt của ảnh không khác trước mấy, nhưng đen sạm đi. Tôi đứng như thế có tới năm mười phút. Đáng lẽ phải là lên ngủ với chồng con, nhưng tôi vẫn cứ không lên được. Sau cùng thấy anh ấy không đắp chăn, tôi tìm chăn khẽ đắp cho cả hai cha con. Bỗng anh ấy cựa mình. Tôi vội bỏ nhẹ chéo màn xuống và đi ra.Trong nhà không còn chỗ ngủ nào nữa. Tôi đến tựa lưng vào đống lưới chất trong góc nhà. Vì thức gần trọn đêm, ngồi một chốc tôi ngủ lúc nào không hay. Cho đến lúc trời rực sáng. Con tôi trong buồng thức trước tôi. Nó ú ớ lên tiếng trong giấc ngủ của tôi. Thường thế đấy anh ạ. Tôi nghĩ thật không có tiếng gì đánh thức tôi nhanh chóng bằng tiếng con nó khóc gọi. Cái tiếng "ma... má" của nó vừa cất lên đã lay tôi tỉnh ngay. Tôi dụi mắt chỗi dậy. Lúc mở mắt ra, tôi bỗng thấy nhà tôi đã ngồi bên cạnh tôi từ bao giờ. Tôi tưởng là tôi chiêm bao. Chợt nhớ tới đêm qua mới tin rằng đó là thật. Im lặng một lúc, tôi mấp máy.- Anh...Nhà tôi nhìn thẳng vào tôi, rồi nói với tôi:- Tư à. Anh mới về hồi đầu hôm. Nghe ba nói Tư lên Hiệp Lộ, anh đợi hoài mà không thấy Tư về. - Dạ...Tôi "dạ" một tiếng nhỏ nhắn. Cảm thấy câu đáp chưa trọn, tôi nói tiếp.- Em đi sanh cho một chị trên đó, mới về hồi gần sáng.- Sao không vô buồng ngủ mà ngủ ở ngoài này?Tôi cúi đầu không đáp. Tư Khoa lấy tay rẽ mấy sợi tóc trước trán tôi, khẽ hỏi:- Có thấy anh nằm ở trong buồng không?- Dạ có.Đáp xong, tôi cúi đầu thấp hơn một chút nữa, như là người phạm tội. Không dằn được nỗi tủi thân chất chứa bấy lâu nay trong lòng, tôi nấc lên. Rồi nhoài người sang đống lưới bên cạnh, tôi bắt đầu khóc mùi mẫn. Tưởng như lúc ấy tự mình không có cách gì ngăn lại được. Tôi mang trong lòng nỗi khổ nhục, sáu tháng qua đã nhiều lần khóc, nhưng giờ đây trước mặt nhà tôi, cái khóc nó mới thấm thía làm sao. Nhà tôi lúc đó không nói gì cả, lúc thì nhìn tôi, lúc day mặt chỗ khác. Khi đó hình như anh cứ để cho tôi buông hết nỗi tủi hờn. Mãi sau ảnh mới đặt bàn tay lên đôi vai đang rung lên của tôi. Đứa con chúng tôi trong buồng sau khi khóc gọi, nằm nín một chập, giờ nhận ra tiếng khóc của tôi, liền rọ rạy khóc theo. Tình thế đó làm nhà tôi luống cuống, anh quàng tay kéo tôi vào lòng. Một tay ảnh rút chiếc khăn trên đầu tôi xuống, chùi những giọt nước mắt đang ướt đầm trên má tôi.Vừa lau nước mắt cho tôi ảnh vừa nói:- Thôi, đừng khóc nữa. Con nó cũng đã khóc rồi kìa.Biết rằng khi chồng đã khuyên dỗ, rất không nên khóc nữa. Nhưng tôi vẫn chưa nín ngay được, cứ ngồi mà sùi sụt. Nhà tôi khẽ nới tay tôi đứng dậy. Anh ấy vào buồng bế con ra. Con bé được bế, nó nín khóc, nhưng chợt nhận ra người lạ, lại nhoài người không chịu. Qua một giấc ngủ dài, con bé đã quên hồi đầu hôm nhà tôi đã bế nó một lần. Anh ấy chùi nước mắt cho nó, với chiếc khăn mà anh ấy đã lau nước mắt cho tôi.Bây giờ tôi đã bình tĩnh hơn. Tôi với hai tay sang chồng, vừa liếm môi vừa nói nho nhỏ hơn:- Anh... đưa con đây cho em.- Thôi nó nín rồi.Quả thật con tôi đã nín, sau khi tôi đã dịu cơn khóc. Nhà tôi cứ giữ lấy con nói:- Tư à. Tư tưởng tôi về đây hành hạ Tư nữa sao. Lần này tôi về đâu có phải để mà dằn vặt Tư. Tôi không muốn Tư khổ thêm và tôi đau đớn nữa. Bọn chúng nó đã làm cho mình khổ, giờ tụi mình phải làm dịu mối đau khổ đó.Nhà tôi nói chuyện mà xưng bằng tiếng "tôi" như thế thường là lúc bị xúc động nhất. Anh ấy dừng lại, ngó mông ra biển, rồi nói tiếp, lần này lại xưng "anh":- Hồi trước Tư cũng biết. Anh đi đây đi đó. Đi nhiều nơi, khi sung sướng khi cực khổ, cực khổ là phần nhiều. Rồi anh gặp Tư, lần Tư ở trong nhà bảo sanh đòi trốn theo anh, Tư nhớ không, lúc đó anh không muốn cho Tư trốn, coi sự bỏ trốn là hèn quá. Cái chuyện nó bắt mình phải thoát ra khỏi chỗ tù túng để được tự do mà không thoát ra là mình dại. Cho tới lúc vô tù, anh em giác ngộ cho, anh mới biết. Chẳng những biết cách đòi tự do, mà còn phải biết yêu thương những người cùng đi một đường với mình. Người chí thiết nhất trong số người đi cùng đường với anh là Tư. Trên con đường đi đó, chẳng may Tư bị thương. Vết thương xuyên qua người Tư, và cả anh. Nếu không cùng rịt dấu cho chóng lành thì cả hai sẽ chết, người nào cũng như thế thì người đó cũng sẽ chết...".Anh ấy nói luôn một hơi. Nói xong đôi mắt anh hấp háy. Tôi lắng nghe không sót một tiếng. Lòng tôi chan hòa mối xúc cảm. Tôi ngước mặt lên, khóe mắt ráo đọng. Như thể được chắp cánh, tôi ngã người tới trước gục đầu vào chân anh ấy. Tôi để mặc những giọt nước mắt mình tha hồ giàn giụa chảy. Sáng đó cha tôi bỏ đi biệt tới trưa mới về, lúc về vác trên vai một bị tôm, cua. Nhà tôi giữ con cho tôi nấu nướng. Thấy tôi làm bếp thoăn thoắt, cha tôi có ý mừng lắm. Có lẽ người đoán biết nhà tôi đã an ủi tôi nên tôi mới vui vẻ như vậy. Với cái sung sướng ấy, cha tôi biểu lộ ra bằng chỉ âu yếm với cháu. Từ trong nhà đi ra cha tôi vờ như không thấy con bé. Người cất tiếng gọi:- Con Hai, con Hai đâu rồi!Con tôi nghe tiếng gọi của ông nội, ngó quanh quất tìm. Cha tôi thụp trốn sau lưng nhà tôi. Con bé tìm mãi không được. Sau cùng cha tôi mới nhô lên kề miệng mà hôn nó. Con bé bị râu của ông nội cà nhột, dấu đầu vào ngực nhà tôi cười rúc rích từng chập. Nhà tôi cũng cười, rồi bế con đi vào bếp ngồi bên cạnh tôi. Anh ấy nói:- Lâu lắm mới được ăn một bữa tôm.- Chỗ anh không có tôm sao?- Không có. Thỉnh thoảng mới được ăn một lần.- Ba với em ăn hoài cũng ngán.Anh ấy ngồi một chốc, và sực nhớ ra điều gì, ảnh hỏi tôi:- Tư à?- Dạ.- Tên con đặt chưa?- Dạ chưa.ảnh cười hỏi: - Ai đặt tên con nhỏ là Hai vậy?Tôi lúng túng đáp: - Dạ... kêu đỡ vậy thôi, chứ có kêu thiệt đâu!Anh ấy tắc lưỡi nưng cằm con gọi nhại "- Con Hai, con Hai". Làm tôi không nhịn được cười. Sau bữa cơm trưa đó, còn có chú Chín Tốt là một người đi lưới trong xóm đến đi khơi với cha tôi. Quên nói, sau trận bố, cha tôi góp nhóp tiền cố sắm được một chiếc ghe lưới khác, lại tiếp tục đi làm nghề.Những chiếc ghe lưới cắm tận ngoài xa, nước lớn lên bồng bềnh muốn trôi. Cha tôi lội ra kéo vào. Chín Tốt vất lưới lên khoang. Tôi và nhà tôi cũng từ trên bế con xuống. Tôi đem theo bật lửa, thuốc hút và hai chai nước đặt trước mũi ghe. Những thứ đó bao giờ tôi cũng chuẩn bị sẵn mỗi khi cha tôi sắp ra khơi. Cha tôi đứng trên ghe lấy tay ngoắc ngoắc cháu:- Cho nó xuống đây!- Con ra biển với nội nghe.Tôi vừa nói với con vừa cầm tay nó giơ lên vẫy. Con bé liền giơ hai bàn tay nhỏ xíu ra ngoắc lia lịa. Cha tôi gọi với lại:- Tối con Tư nhớ đem đèn ra cắm nghe. Nếu gặp cá bầy ba sẽ đi khuya, sợ gió đổi hướng.Nhà tôi nghe nói nói cũng tỏ vẻ biết ngay. Tuy rời biển đã lâu, nhưng thuở nhỏ ảnh cũng đã từng cắm đèn trên bãi như thế. Người ở vạn lưới chúng tôi ra khơi khuya, sợ lúc về gió đổi chiều quên hướng nên thường dùng một chiếc đèn lục lăng tháp kính đỏ, mắc lên một cây tre cao rồi cắm trên bãi. Nếu có lạc hướng, ghe lưới sẽ theo ánh đèn ấy mà vào.Tôi bế con đến bên nhà tôi nói:- Dạo chưa tổ chức du kích, ban đêm hễ thấy đèn là bọn lính bót rõn vô ngồi đợi. Những chuyến ghe lưới đêm về là tụi nó xổ ra giựt lấy cá.- Bây giờ nó có thường vô nữa không?- Nó hết dám đi rồi anh à. ở trong bót còn bị du kích bắn huống chi ra ngoài.Nhà tôi kéo tay tôi ngồi xuống cát. Trời đã xế bóng. Nắng chiếu chênh chếch trên bãi cát trắng phau. Về phía vàm Hiệp Lộ, một đàn cò lượn mấy vòng rồi đáp xuống bãi. Bãi cát ở vàm Hiệp Lộ chúng tôi trắng lạ. Cát trắng đến nỗi những đàn cò như thế, với sắc lông trắng toát của nó, khi đáp xuống là như hòa biến trong cát không còn phân biệt được nữa.Nhà tôi hỏi:- Tư à, một tháng trung bình Tư đi sanh cho bà con mấy lần?Tôi đáp: - Không biết chừng, khi nhiều khi ít, nhưng cứ đi luôn. Ba xã mà chỉ có một mình em.- à, hồi đêm qua cái chị vợ lính đẻ ra sao?Tôi lắc đầu nói:- Cũng bình yên. Nhưng tội quá, không có ai chăm sóc. Đứa em thì khờ quá. Còn chồng thì ở ngoài bót. Anh ta có trốn về nhà, nhưng lúc đó thì chị vợ đã được người ta chở vô ấp trong để gặp em. Anh ta định theo vào, nhưng lại sợ đằng mình. Rốt cuộc thằng xếp cho lính vô lôi anh ta về bót.- Đi làm như thế ủy ban xã cấp cho em mỗi tháng bao nhiêu?- Mỗi tháng ba giạ lúa.Nhà tôi ái ngại nhìn tôi nói:- Anh chỉ lo Tư với con sống thiếu thốn.- Không đến nỗi nào đâu anh à. Lúa của em cả nhà ăn dư, ba thì đi lưới bán được cá luôn. Lúc rảnh thì em lại dệt.Tôi than thở về cái khung cửi bị đốt, đến nay chưa đóng cái khác được, cứ phải đi dệt nhờ trên Hiệp Hưng.Nhà tôi hỏi tôi về chuyện học hành. Tôi nói là không có ai dạy thêm, chỉ đọc sách mượn của ủy ban và của mấy chị phụ nữ Huyện gởi về cho. - Tư đã đọc những cuốn gì rồi?Tôi hơi lúng túng:- Có cuốn nào coi cuốn đó, không kể là cuốn gì.- Anh ở đơn vị có nhiều sách, chừng nào về dưới anh gởi cho Tư.Gió biển lùa vào bãi. Tôi kéo con vào lòng. Chồng tôi lại chợt hỏi:- à, Tư này, từ giờ đừng gọi con nó là Hai nữa nghe!- Vậy đặt con tên gì?- Anh định đặt cho nó tên Thủy, lót chữ Ngọc. Như vậy được không? Tên con gái đặt thế được chứ?Tôi lặp lại: Ngọc Thủy à?Anh ấy gật đầu. ảnh lại hỏi tôi lần nữa là có đồng ý không. Tôi nghĩ bụng thấy cái tên cũng dễ nghe, vừa đẹp lại vừa thùy mị, nên đáp: "Được". Như vậy là chúng tôi đã đặt tên chính thức cho con gái đầu lòng của chúng tôi trong buổi chiều đó. Trên bãi biển nắng dịu và gió lộng thổi. Những luồng gió từ biển thổi tới, ve vuốt, làm khô ráo cát ướt ở mé bãi. Nhà tôi bồng lấy con trên tay tôi. Hai chúng tôi đứng lên trước gió. Chim nhạn liệng từng đàn trên đầu chúng tôi. Ngoài khơi, cánh buồm ghe lưới của cha tôi bấy giờ chỉ còn thoáng hiện bằng ngón tay út. ở dưới chân chúng tôi, sóng biển vẫn ào ạt cuốn vào.Chồng tôi về nhà được ba ngày. Tối hôm ấy ảnh sửa soạn đi. Tôi lấy một bộ đồ tơ mới xếp vào ba lô anh ấy, không quên coi lại những sợi dây ba lô đã thật chắc chưa. Từ ngày trước, quần áo anh ấy có cái nào sờn rách tôi đều vá mạng lại cẩn thận. Tôi lấy bớt ra năm mươi đồng bạc xanh trong số tiền dành dụm được đưa cho anh ấy. Biết chồng sắp sửa xa con, không hẹn chừng nào lại được về nữa, cho nên suốt cả ngày hôm đó, trừ những lúc cho con bú, tôi cố để ảnh được bế và chơi với con. Khi nỗi đau đớn và lo lắng của tôi được anh ấy làm dịu đi thì hy vọng và niềm vui lại rào rạt trong tôi. ở anh ấy, tôi thấy vẻ đau đớn, nhưng anh ấy cố dằn, lấy nghĩa tình một người đàn ông biết suy nghĩ mà làm dịu nỗi xót tủi của người vợ khốn đốn như tôi.Ngày hôm kia, cả ngày hôm qua, tôi thấy ảnh không nhắc lại chuyện buồn đó nữa. Trong mọi lời nói và cử chỉ. Tôi thấy rõ ràng ảnh muốn cho tôi quên đi. Đêm qua nằm ngủ với nhau, anh ấy âu yếm ôm tôi một cách thật lòng. Rồi sau đó anh ôm quàng cả hai mẹ con tôi mà hôn, hết hôn tôi lại hôn con Thủy. Trong những phút ấy, tôi ứa nước mắt. Làm sao không khóc được khi chồng thấu hiểu nỗi đau xót của mình, vẫn hết lòng tin cậy yêu thương mình. Không thể quên được là sau khi hôn tôi và con xong, ảnh nâng đầu tôi áp vào ngực ảnh mà bảo rằng: "Tư ráng làm việc và thay anh nuôi nấng con Thủy. Cái nghề của Tư có thể giúp cho bà con, có thể làm được công tác. Nếu các đồng chí đó đặt vấn đề kết hợp đẻ với công tác ngụy vận thì Tư cứ nhận. Anh đã nó với ba rồi, nhà mình không đến nỗi chật vật lắm. Nhưng anh dặn Tư phải cẩn thận mới được. Con thì còn nhỏ, anh thì đi xa, chỉ trông vào một tay Tư chăm sóc nuôi nấng nó. Con Thủy là hy vọng của anh và Tư, đáng lẽ anh phải trực tiếp lo cho con, lo cả cho Tư, nhưng bây giờ thì anh chưa lo được nên anh giao nó cho Tư.Lúc anh ấy nói xong, tôi ngước mắt trong bóng tối tìm cặp mắt của anh ấy và run run cất lên một tiếng dạ. Tôi nghĩ rằng tiếng dạ của tôi lúc đó thật không phải là một tiếng thường, mà là lời nhận thừa hành bổn phận của tôi đối với xã hội và gia đình. Trong lòng tôi chan hòa nỗi sung sướng với lo lắng. Tôi nghĩ bụng: "Một đứa con gái mồ côi như mình, gặp được anh ấy thật đã may mắn như vậy. Từ đây chẳng lẽ lại không làm được gì để đáp lại một tấm lòng tốt như thế hay sao?"Trời sụp tối, tôi tiễn chồng ra bãi. Tôi mang ba lô, nhà tôi thì bế con. Cha tôi theo ra tới cửa. Chồng tôi nhìn thấy cặp mắt của cha tôi nhấp nháy và hơi đỏ, ảnh nói:- Ba nhỏ thuốc con mắt cho thường, hết thì bảo vợ con nó gởi mua chai khác.Chúng tôi ra tới bãi thì sương đêm đã xuống. Tôi lấy khăn phủ lên đầu con Ngọc Thủy. Xuồng liên lạc chưa đến. Chúng tôi ngồi xuống trên một mỏm đá. Sóng biển cũng như mọi ngày, không ngớt vùng vẫy. Những ngọn sóng thi nhau cất đầu đùa rỡn với làn sương xuống sớm. Nhà tôi chỉ ra ngoài xa, một hòn cù lao tím mờ, nói:- Hòn Con Nghê, hồi nhỏ anh có theo ba ra đó một lần.Tôi nghe nhà tôi nói, nhìn hòn cù lao ẩn trong sương, nghĩ đến phút chia tay đã gần kề, lòng bùi ngùi. Anh ấy biết tâm trạng tôi, một tay bế con, một tay kéo tôi vào vai:- Anh đi rồi ít lâu anh lại về. Tư ở lại cố ráng nghe.Anh ấy chỉ nói với tôi có bấy nhiêu lời. Vừa lúc đó từ phía nam Hiệp Lộ, một chiếc xuồng chèo tới. Tôi ngẩng dậy, chiếc xuồng chèo sát vào bãi. Trên xuồng vọng lên một tiếng hỏi: "- Ai đó? Có phải Khoa không?"- Phải rồi, tôi đây!Chồng tôi vừa đáp vừa đứng dậy. Anh ấy nâng mặt con Ngọc Thủy lên. Con bé ngủ yên trên tay ảnh từ lâu, đang ngáy đều và khẽ. Nhà tôi kề miệng hôn con mấy cái hôn dài. Hôn xong mà hình như anh ấy vẫn chưa thỏa. Tôi trao ba lô cho ảnh.Chiếc xuồng rấn mũi lên cát. Nhà tôi vội vàng ôm lấy tôi, ghì mạnh. Có độ nửa phút mới buông tôi ra, chạy lại xuồng. Tiếng chú Tư Bường hỏi:- Ai đứng đó, thím Tư phải không?Tôi đáp: - Dạ phải!- Cha chả, lặn lội đưa chồng ra tới đây, dữ ác hôn. Thôi bồng con nhỏ về đi thím Tư, coi chừng nhiễm sương đa.- Dạ.Nhà tôi ngồi trên xuồng không biết có nghe tiếng "dạ" cuối cùng của tôi không, tôi không rõ. Chỉ biết rằng lúc đó, xuồng từ từ lui ra, tôi bồng con đứng tại mỏm đá thấy anh ấy vẫn ngồi ngoái nhìn hai mẹ con tôi. Cho tới bây giờ mỗi lần nghĩ đến nhà tôi, cái mà tôi nhớ nhất là hình ảnh chiếc xuồng nhỏ nhảy nhót trên sóng rồi lẩn đi trong sương mờ mịt.