LỜI KÊU GỌI THỨ NHẤT CỦA TỔNG HỘI ĐỒNG HỘI LIÊN HIỆP CÔNG NHÂN QUỐC TẾ VỀ CUỘC CHIẾN TRANH PHÁP-PHỔ[1]

Gửi các hội viên của hội liên hiệp công nhân quốc tế ở châu Âu và hợp chủng quốc
Trong "Tuyên ngôn thành lập Hội liên hiệp công nhân quốc tế" vào tháng Mười một 1864 chúng tôi viết: "Nếu việc giải phóng giai cấp công nhân đòi hỏi phải có sự hợp tác anh em của những người công nhân, thì làm sao họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ lớn lao đó khi có một chính sách đối ngoại theo đuổi những mục tiêu tội lỗi kích động những thành kiến dân tộc và phung phí máu xương và của cải của nhân dân trong những cuộc chiến tranh ăn cướp?" Và chúng tôi đánh giá chính sách đối ngoại mà Quốc tế cần có bằng những lời lẽ sau đây: "... phấn đấu sao cho những đạo luật đơn giản về đạo đức và chính nghĩa mà các cá nhân phải tuân theo trong các quan hệ của họ, trở thành những đạo luật tối cao trong các quan hệ giữa các dân tộc"[2].
Không có gì lạ là Lu-i Bô-na-pác-tơ, kẻ đã tiếm đoạt được quyền thống trị bằng cách lợi dụng cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp và đã kéo dài sự thống trị của ông ta bằng một loạt các cuộc chiến tranh với bên ngoài, ngay từ đầu đã coi Quốc tế là một kẻ thù nguy hiểm. Ngay trước cuộc trưng cầu dân ý ông ta đã tổ chức một cuộc tiến quân chống các thành viên của các ban lãnh đạo Hội liên hiệp công nhân quốc tế ở Pa-ri, Li-ông, Ru-ăng, Mác-xây, Brê-xtơ, và những nơi khác- tóm lại ở toàn nước Pháp,- với lý do Quốc tế là một hội bí mật và đã tổ chức một âm mưu nhằm sát hại ông ta; toàn bộ tính chất phi lý của lời bịa đặt ấy ngay sau đó đã bị các quan toà của chính ông ta vạch trần[3]. Vậy tội lỗi thật sự của các chi hội của Quốc tế ở Pháp là gì? Là việc các chi hội này đã kiên trì nói trắng ra cho nhân dân Pháp biết: tham gia trưng cầu dân ý có nghĩa là tán thành nền độc tài trong nước và chiến tranh ở ngoài nước. Và thật vậy, việc ở tất cả các thành phố lớn, ở tất cả các trung tâm công nghiệp của Pháp, giai cấp công nhân đã đứng dậy, muôn người như một, bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý, đó là công trình của các chi hội đó. Bất hạnh thay, sự dốt đặc cắn mai của các vùng nông thôn đã thắng thế. Các thị trường chứng khoán, các nội các của các quốc gia châu Âu, các giai cấp thống trị và báo chí ở châu Âu đã chào mừng cuộc trưng cầu dân ý như là một thắng lợi huy hoàng của hoàng đế Pháp đối với giai cấp công nhân Pháp; nhưng cuộc trưng cầu dân ý lại là tín hiệu sát hại không phải là một người mà cả một loạt dân tộc.
Âm mưu chiến tranh tháng Bảy 1870 chỉ là lần tái bản có sửa chữa của coup d'état[1°] tháng Chạp 1851[4]. Thoạt nhìn sự việc có vẻ phi lý đến mức nước Pháp không muốn tin vào tính chất nghiêm túc của những lời đồn đại về chiến tranh, mà lại sẵn sàng tin nhiều hơn vào vị đại biểu[2°] đã coi những bài diễn văn hiếu chiến của các bộ trưởng là một mánh khóe đơn thuần trên thị trường chứng khoán. Cuối cùng, ngày 15 tháng Bảy, khi cơ quan lập pháp được chính thức thông báo về cuộc chiến tranh thì toàn bộ phe đối lập đã từ chối việc phê chuẩn những khoản tiền cấp trước; ngay bản thân Chi-e cũng lên án cuộc chiến tranh là "ghê tởm"; tất cả các báo chí độc lập của Pa-ri đều lên án chiến tranh và lạ thay, báo chí ở các tỉnh đều hầu như hoàn toàn tán thành họ.
Giữa lúc đó các hội viên của Quốc tế ở Pa-ri lại bắt tay vào việc Trong tờ "Réveil"[5] ngày 12 tháng Bảy họ công bố bản tuyên ngôn "Gửi công nhân tất cả các dân tộc" trong đó có đoạn như sau:
"Một lần nữa tính hiếu danh chính trị lại đe dọa hòa bình thế giới dưới lý do giữ thế quân bình ở châu Âu và bảo vệ danh dự dân tộc. Hỡi các công nhân Pháp, Đức và Tây Ban Nha! Chúng ta hãy thống nhất tiếng nói của chúng ta lại thành một tiếng thét phẫn nộ chung chống lại chiến tranh!.. Theo ý Kiến của công nhân, chiến tranh vì vấn đề ưu thế hay vì lợi ích của một triều đại nào đó chỉ có thể là một sự điên rồ tội lỗi mà thôi. Chúng ta, những người cần hòa bình, việc làm và tự do, chúng ta phản đối những lời kêu gào hiếu chiến của những kẻ có thể lót tiền để được miễn "thuế máu" và coi nỗi bất hạnh xã hội chỉ là một nguồn đầu cơ mới!.. Hỡi những người anh em ở Đức! Sự thù địch lẫn nhau giữa chúng ta sẽ chỉ đưa đến hậu quả là thắng lợi hoàn toàn của chế độ chuyên chế ở hai bên bờ sông Ranh... Hỡi công nhân tất cả các nước! Dù kết quả lúc này của những cố gắng chung của chúng ta có thế nào chăng nữa, nhưng chúng tôi, những hội viên của Hội liên hiệp công nhân quốc tế những người mà đối với họ không có biên giới quốc gia, chúng tôi xin gửi tới các bạn: với tính cách là sự đảm bảo của tình đoàn kết không gì phá vỡ nổi, những lời chúc mừng tốt đẹp và lời chào của công nhân Pháp".
Tiếp theo bản tuyên ngôn này của các chi hội của chúng ta ở Pa-ri, đã có rất nhiều lời kêu gọi tương tự của người Pháp mà ở đây chúng tôi chỉ có thể trích đẫn một lời kêu gọi mà thôi: bản tuyên ngôn của chi hội Nơi-i trên sông Xen, đăng trên tờ "Marseillaise"[6] ngày 22 tháng Bảy.
"Cuộc chiến tranh này có chính nghĩa hay không? Không! Cuộc chiến tranh này có tính chất dân tộc hay không? Không! Nó chỉ có tính chất triều đại. Nhân danh lòng nhân đạo, dân chủ, lợi ích thực sự của nước Pháp chúng ta hãy tán đồng một cách hoàn toàn và kiên quyết lời phản đối của Quốc tế chống chiến tranh".
Những sự phản đối này biểu hiện tình cảm chân chính của công nhân Pháp, mà chẳng bao lâu một sự kiện đáng chú ý đã chứng minh rõ ràng điều đó. Khi Hội ngày 10 tháng Chạp, lần đầu tiên được tổ chức ra dưới thời tổng thống Lu-i Bô-na-pác-tơ, cải trang làm công nhân và xuất hiện trên đường phố Pa-ri để dàn dựng lên cái cảnh cuồng nhiệt chiến tranh[7], thì những công nhân chân chính của vùng ngoại ô đã trả lời bằng những cuộc biểu tình khổng lồ ủng hộ hòa bình, đến nỗi viên trưởng cảnh sát Pi-ê-tơ-ri thấy cần phải chấm dứt ngay mọi cuộc biểu tình tiếp tục trên đường phố, với lý do là những người dân Pa-ri trung thành đã biểu lộ khá đủ lòng yêu nước bị kiềm chế từ lâu của họ và nhiệt tình chiến tranh chan chứa của họ.
Dù cho cuộc chiến tranh của Lu-i Bô-na-pác-tơ với Phổ có kết thúc như thế nào chăng nữa thì tiếng chuông báo tử của Đế chế thứ hai cũng đã điểm ở Pa-ri. Đế chế thứ hai mở đầu như thế nào thì cũng kết thúc như thế ấy: bằng một sự bắt chước lố bịch. Nhưng chúng ta không nên quên rằng chính các chính phủ và các giai cấp thống trị ở châu Âu đã tạo điều kiện cho Lu-i Bô-na-pác-tơ diễn vở hề tàn bạo về sự phục tích của để chế trong mười tám năm ròng.
Về phía Đức, cuộc chiến tranh này là chiến tranh tự vệ. Nhưng ai đã buộc nước Đức phải tự bảo vệ? Ai đã tạo điều kiện cho Lu-i Bô-na-pác-tơ tiến hành cuộc chiến tranh chống Đức? Phổ? Không phải ai khác mà chính Bi -xmác là người đã bí mật âm mưu với chính Lu-i Bô-na-pác-tơ hòng đập tan mọi sự phản kháng của các lực lượng dân chủ ở bên trong nước Phổ và sáp nhập nước Đức vào dòng họ Hô-hen-txô-léc. Nếu như trận Xa-đô-va[8] thua chứ không thắng thì các tiểu đoàn Pháp đã tràn ngập nước Đức với tư cách là đồng minh của Phổ. Sau chiến thắng phải chăng nước Phổ đã mơ tưởng- dầu là chỉ trong giây lát- đem nước Đức tự do đối lập với nước Pháp bị nô dịch? Hoàn toàn ngược lại! Phổ vẫn khư khư giữ những nét mĩ miều từ xửa từ xưa của cái chế độ cũ của nó và còn thêm vào đó tất cả những thủ đoạn mượn của Đế chế thứ hai: nền chuyên chế thật của nó và nền dân chủ giả của nó, những ảo thuật chính trị của nó và các thủ đoạn lừa bịp tài chính của nó, những lời lẽ hoa mỹ của nó và ngón gian lận đê hèn của nó. Chế độ Bô-na-pác-tơ, cho đến nay chỉ phồn vinh ở một bên bờ sông Ranh, như vậy là đã có được một chế độ giống nó như đúc ở bờ bên kia. Và trong một tình hình như vậy thì có thể mong chờ được cái gì khác ngoài chiến tranh?
Nếu giai cấp công nhân Đức để cho cuộc chiến tranh hiện nay mất tính chất thuần túy phòng thủ của nó và thoái hóa thành một cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Pháp, thì chiến thắng hay chiến bại cũng đều là tai hại. Tất cả những điều bất hạnh mà nước Đức đã phải chịu đựng sau cái gọi là chiến tranh giải phóng, sẽ lại đổ xuống đầu nó một cách còn tàn khốc hơn nữa.
Nhưng những nguyên tắc của Quốc tế đã được phố biến rất rộng và đã bắt rễ rất sâu trong giai cấp công nhân Đức khiến cho chúng tôi không phải lo sợ một sự kết thúc đáng buồn như thế. Tiếng nói của công nhân Pháp đã có tiếng vang ở Đức. Một cuộc họp đông đảo của công nhân ở Brao-svai-gơ ngày 16 tháng Bảy đã tuyên bố hoàn toàn nhất trí với bản tuyên ngôn của Pa-ri, đã kiên quyết bác bỏ mọi tư tưởng thù hằn dân tộc đối với Pháp và đã thông qua một nghị quyết trong đó nói:
"Chúng tôi là kẻ thù của mọi cuộc chiến tranh: nhưng trước hết là của cuộc chiến tranh triều đại... Với sự buồn rầu và đau đớn sâu sắc, chúng tôi thấy mình buộc phải tham gia vào một cuộc chiến tranh tự vệ như là một tai họa không thể tránh khỏi; nhưng đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi toàn thể giai cấp công nhân Đức hãy làm cho một sự bất hạnh xã hội ghê gớm như vậy không thể tái diễn, bằng cách đòi hỏi cho bản thân nhân dân có được các quyền lực tự mình quyết định chiến tranh và hòa bình và làm cho nhân dân trở thành người chủ vận mệnh của mình".
Tại Hem-nít-xơ, một hội nghị của các đại biểu đại diện cho 5.000 công nhân Dắc-den đã nhất trí thông qua nghị quyết sau đây:
"Nhân danh phong trào dân chủ Đức nói chung và nhất là những công nhân của Đảng dân chủ xã hội, chúng tôi tuyên bố rằng cuộc chiến tranh hiện nay là một cuộc chiến tranh thuần túy có tính chất triều đại... Chúng tôi vui mừng xiết chặt bàn tay anh em mà những người công nhân Pháp chìa ra cho chúng tôi... Nhớ đến khẩu hiệu của Hội hên hiệp công nhân quốc tể "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!", chúng tôi sẽ không bao giờ quên rằng công nhân tấ cả các nước là bạn của chúng tôi và bọn chuyên chế của tất cả các nước là kẻ thù của chúng tôi"[9].
Chi hội của Quốc tế ở Béc-lin cúng đáp lại bản tuyên ngôn Pa-ri.
"Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với sự phản đối của các bạn... Chúng tôi xin trịnh trọng thề rằng không một tiếng kèn nào cũng như không một tiếng đại bác nào, không một chiến thắng nào cũng như không một thất bại nào có thể ngăn cản chúng tôi thực hiện sư nghiệp chung của chúng ta là thống nhất công nhân tất cả các nước".
Đúng thế
Đằng sau cuộc đấu tranh tự sát này là bóng dáng gớm ghiếc của Nga. Một triệu chứng xấu là tín hiệu cho cuộc chiến tranh hiện nay đã được phát ra đúng vào lúc mà Chính phủ Mát-xcơ-va đã làm xong con đường sắt quan trọng đối với họ về phương diện chiến lược và đã tập trung quân đội theo hướng Prút. Dù cho người Đức có thể hoàn toàn có quyền mong đợi được sự thiện cảm trong cuộc chiến tranh tự vệ của mình chống lại sự tấn công của Bô-na-pác-tơ, nhưng họ sẽ mất ngay những mối thiện cảm đó ngay khi họ để cho Chính phủ Phổ kêu gọi sự giúp đỡ của quân Cô-dắc, hay dù chỉ là chấp nhận sự giúp đỡ đó. Họ hãy nhớ lại rằng sau cuộc chiến tranh giành độc lập của họ chống lại Na-pô-lê-ông I, Đức đã nằm sóng sượt dưới chân của Nga hoàng trong mấy chục năm trời.
Giai cấp công nhân Anh chìa bàn tay hữu nghị cho giai cấp công nhân Pháp và giai cấp công nhân Đức. Họ tin tưởng vững chắc rằng dù cuộc chiến tranh ghê tởm sắp tới có kết thúc như thế nào đi chăng nữa thì sự liên minh của công nhân tất cả các nước cuối cùng rồi cũng sẽ diệt trừ được mọi cuộc chiến tranh. Trong khi nước Pháp quan phương và nước Đức quan phương đang lao vào một cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, thì công nhân Pháp và công nhân Đức gửi cho nhau những tin tức hòa bình và hữu nghị. Chỉ riêng sự kiện lớn lao này, cái sự kiện có một không hai trong lịch sử quá khứ, cũng khơi lên nhiều hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn. Nó chứng minh rằng đối lập với xã hội cũ cùng với sự bần cùng về kinh tế và sự điên rồ về chính trị của nó đang -xuất hiện một xã hội mới mà nguyên tắc quốc tế của nó sẽ là hòa bình, bởi vì tất cả các dân tộc sẽ đều có cùng một nguyên tắc giống nhau ngự trị - lao động!
Người mở đường cho xã hội mới ấy là Hội liên hiệp công nhân quốc tế
TỔNG HỘi ĐỒNG:
Gioóc-giơ Min-nơ
Tô-mát Mốt-tơ-xhết
Ma-ri Sác-lơ
Gioóc-giơ ốt-gie'rơ
Giêmexơ Pác-ne-lơ
Pơ-phen-đơ
Ruy-lơ
Giô-dép Se-péc-dơ
Xtôn
Smút-xơ
U. Tao-xen-đơ
CÁC THƯ KÝ THÔNG TẤN:
Ơ-gien Đuy-pông phụ trách liên lạc với Pháp
Các Mác phụ trách liên lạc với Đức
Ô Xéc rai-ơ phụ trách liên lạc với Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha
I-ung Héc-man phụ trách liên lạc với Thụy Sĩ
Giô-van-ni Bô-ra phụ trách liên lạc với I-ta-li-a
An-tô-nhi Gia-bi-xki phụ trách liên lạc với Ba Lan
Giêm-xơ Côn phụ trách liên lạc với Đan Mạch
I. G. ếch-ca-ri-út phụ trách liên lạc với Hợp chủng quốc Mỹ
Ben-gia-min Lơ-cráp Chủ tịch
Giôn Oét-xtơn Thủ quỹ
I-ô-han Ghê-oóc Ếch-ca-ri-út  Tổng thư ký
256, Hai Hoóc-bon, Luân Đôn, Oe-xtớc
Xen-tơ-rôn, ngày 23 tháng Bảy 1870
-----------------
Chú thích
[1°]. cuộc đảo chính
[2°]. Giuy-lơ Pha-vrơ