Còn có tên (Tình Đời)
Tập 2

Thời gian gần đây, hình như Quang có hứng thú ngồi nhà vậy. Mấy buổi cơm tối, đều có mặt Quang, hắn không hở một tý là tếch đi chơi rông rêu nữa. Cả tuần nay, Quang miệt mài ngồi làm việc ở công ty, đó là một hiện tượng lạ đối với ông bố, ông xem nó còn lạ hơn chuyện nhìn thấy người ngoài hành tinh nữa.
Quang ngồi vào bàn ăn, nhịp chân, nhìn qua một lượt các món ăn, hắn nói:
- Khá hấp dẫn đấy! Phương ơi! Món tôm lăn bột chiên do cô làm, phải không?
Phương đang lui cui đặt mấy chiếc ly lên bàn, nghe Quang hỏi, cô thật tình gật đầu:
- Phải, là do chị bếp dạy cho tôi làm.
Quang chống tay lên má, nghiêng đầu nhìn Phương, ánh mắt hắn có vẻ mơ màng:
- Chắc là ngon lắm, nhìn bàn tay cô cũng biết món ăn ngon rồi.
Phương chợt bắt gặp ánh mắt hắn, cô đỏ mặt:
- Ông chưa ăn miếng nào, sao biết ngon chứ?
- Người ta bảo mấy cô gái có bàn tay nhỏ với những ngón dài thuôn thuôn rất khéo léo trong công việc nội trợ, đặc biệt là chăm sóc chồng con.
- Thầy bói đoán mò, hơi sức đâu mà ông tin.
- Không phải đoán mò đâu, đã có bằng chứng tin được rồi đấy. Tôi thấy có một người giống như vậy, là Phương.
- Đừng có nhìn gà ra phụng.
Quang cười, nụ cười rất dễ thương, bởi hắn có hai nún đồng tiền trên má:
- Gà khác phụng xa, sao có thể nhìn lầm?
- Nhìn vội vàng hấp tấp thì lầm.
- Ngày mai, Phương có thể nấu cho tôi món xúp như hôm nấu cho ông Văn, được không?
Phương ngạc nhiên nhìn Quang:
- Để tôi ra nhà hàng mua, nhà hàng nấu mới ngon.
- Không. Tôi muốn ăn xúp do cô nấu.
- Tôi nấu rất dở, anh Văn đâu có thèm ăn.
Giọng cô buồn buồn. Đến giờ này mà Văn vẫn chưa về ăn cơm tối. Vắng anh, Phương cảm thấy như thiếu mất một thứ gì đó rất quan trọng. Còn Quang, cô mong hắn đừng về nhà, vậy mà hắn lại lúc nào cũng có mặt để trêu chọc cô.
Quang nói, giọng hắn có vẻ rất thật.
- Ông Văn không thèm ăn, nhưng mà tôi lại thích ăn món xúp do cô nấu. Tôi khác, ông Văn khác.
- Tự dưng đòi ăn xúp là sao?
Quang sờ vào trán mình:
- Tôi chắc sắp bệnh. Cô xem, tôi nóng đầu rồi đây.
Phương chợt cười vì cảm thấy tức cười. Quang giống một đứa trẻ con, thật ra hắn cũng đâu phải là "nhân vật nguy hiểm" như lời chị bếp đã dọa Phương. Trong mắt Phương, Quang là một chàng thích làm nũng cho người ta phải chiều chuộng mình. Quang dễ hiểu hơn anh Văn nhiều, Quang bộc trực cởi mở trong giao tiếp. Còn anh Văn là một người sống bằng tâm hồn khép kín, anh Văn rất khó hiểu.
- Ông mạnh như voi, làm gì có chuyện bệnh tật.
- Phương! Tôi muốn bệnh thật mà. Hãy nấu xúp cho tôi ăn đi.
- Được rồi. Chuyện đó có gì khó đâu.
- Có thể xem tôi như ông Văn được không? Ông Văn đâu cần năn nỉ, cô vẫn tình nguyện chăm sóc ổng. Cô bất công ghê đi.
Quang tỏ ý so đo với Văn, giống như một đứa trẻ con phân bì khi thấy đứa trẻ khác được chiều chuộng hơn mình vậy.
- Có gì là gọi mà bất công chứ? Anh Văn suốt ngày làm việc mệt óc, lại không ai chăm sóc. Còn ông, ông toàn là đi ăn đi chơi, chăm sóc làm gì nữa?
- Đừng nói oan cho tôi chứ Phương. Tôi đâu còn đi chơi nữa, tôi từ giã đám bạn tôi rồi. Phương không tin, hỏi ba tôi xem. Tôi muốn trụ hình làm ăn để sau đó thì........
- Thì gì?
- Cưới vợ.
Phương đỏ mặt. Cưới vợ mặc hắn, tự dưng đem nói với Phương làm gì chứ?
Phương gắp miếng nước đá cuối cùng cho vào ly, nói:
- Tôi không tin chuyện anh sửa đổi đâu. Ông giống như........
- Giống như gì?
- Giống như quỷ sứ gắn đôi cánh thiên thần vậy, vẫn bị người ta gọi là quỷ sứ thôi.
- Phương! Tôi trở nên tốt, Phương không muốn sao? Chẳng lẽ Phương muốn tôi là một thằng ăn chơi, quậy phá?
- Ông tốt hay không tốt, đâu liên can gì tới tôi.
- Vô tình, vô nghĩa dữ vậy Phương?
Vừa lúc đó, ông Hưng với bà Lệ vào đến phòng ăn, cắt đứt câu chuyện của Quang. Quang im lặng, cười cười. Phương nói chuyện với Quang, chưa bao giờ hòa bình cả, cô chỉ dành cho hắn những câu cự nự, mắc mỏ. Chắng biết tại sao? Quang thấy mình rất ngọt ngào trong cách trò chuyện, đẹp trai, hào hoa "hết ý", vậy mà Phương xem Quang như...... oan gia khiếp trước. Lý do gì khiến cô "kỵ" hắn, có lẽ là do quá khứ không hay của hắn chăng?
Ông Hưng hỏi:
- Hai đứa nói chuyện gì vui vậy?
Quang đáp:
- Chuyện mấy món ăn thôi ba.
- Con cũng quan tâm đến vấn đề đó sao?
- Da, có chứ ba. Ít ra là con biết món tôm lăn bột chiên này là do Phương làm ra. Con dám cá với ba là nó rất ngon.
- Cá bao nhiêu?
- Cá hết dĩa.
Ông Hưng cười, mặt ngời lên nét rạng rỡ. Sự có mặt của Quang trong bữa ăn tối có ý nghĩa rất nhiều đối với ông. Ông nhủ thầm: Có lẽ vì con bé Mỹ Phương xinh đẹp kia.
Quang mời:
- Mời ba mẹ dùng cơm. Mỹ Phương! Cô ngồi vào đi chứ?
Ông Hưng trỏ chiếc ghế cạnh bà Lệ.
- Cháu ngồi đi Phương. Còn chị bếp và chị Hoa đâu?
- Dạ, để cháu xuống bếp gọi họ.
- Ờ, nói bác bảo lên ăn chung cho vui. Ít người, bữa ăn tẻ nhạt nuốt không trôi.
Quang nói:
- Từ nay, con hứa sẽ có mặt trong bữa ăn cho ba ngon miệng.
Ông Hưng cười:
- Nói thì phải có đấy nhá Quang.
Quang nhìn theo sau lưng Phương:
"Ăn cơm với vua, thua ăn cơm với vợ" mà ba.
- Con nói vậy là sao?
Quang trở đi:
- Là ba mẹ ăn cơm chung cũng đủ cho ba ngon miệng rồi.
- Ba nghĩ con còn có ý gì khác nữa đấy Quang.
- Có gì đâu ba.
Giọng Quang mơ màng. Trạng thái mơ màng của hắn không thoát khỏi ánh mắt nhận xét của mẹ. Chẳng có ai ngoài bà Lệ hiểu rằng Quang sửa đổi là vì hắn thích ở nhà trò chuyện với Mỹ Phương, cô gái xinh đẹp đó đã đủ sức kềm chân hắn ở nhà. Chỉ cần Quang làm cho ông bố hài lòng, bà Lệ sè có tiếp theo những yêu sách khác. Nhất định Quang của bà phải được phần quản lý trong cái gia sản kếch xù mà hiện tại đã nằm trong quyền thao túng của Văn, bởi ông Hưng luôn tin cậy Văn, vì Văn chăm chỉ làm việc, vậy thôi. Chứ thực ra Văn đâu có giỏi hơn Quang. Phiền một điều Quang là một con ngựa chứng, Quang khôNg giống như bà, chỉ lo ăn chơi lông nhông, không biết lo liệu cho tương lai. Quang như vậy, chắc chắn Văn sẽ chiếm cả công ty mất thôi. Bây giờ thì tình thế đã đổi khác rồi, bà nhất định sẽ thắng, bởi trong tay đã nắm một quân cờ, rất có lợi thế trên bàn cờ do bà "điều binh khiển tướng".
Bà Lệ giả vờ gắp một miếng tôm chiên lăn bột, cắn, chậm rãi nhai như thưởng thức rồi gật gù:
- Ừ, ngon lắm. Mỹ Phương rất có khiếu nấu nướng món ăn. Nào, ăn thử đi anh Hưng. Quang chắc chắn sẽ khen đấy.
Quang gắp ngay một miếng cho vào miệng, vừa nhai, hắn vừa nói:
- Đúng là ngon thật. Mỹ Phương làm món gì cũng ngon. Mẹ có thưởng thức món xúp do cổ nấu chưa, rất tuyệt.
Mỹ Phương đỏ mặt:
- Bác đừng nghe lời ông Quang nói nha. Ổng đang làm bộ khen, thật ra mỉa mai cháu cho cháu tức thôi.
Bà Lệ nhăn mặt, cười:
- Sao gọi Quang là "ông" chứ Mỹ Phương? Cháu khoảng tuổi em út của Quang, gọi bằng anh đi cho thân thiện. Quang có ý tốt đấy, bác biết mà, Quang rất tiết kiệm lời khen, chứ không vung vãi đâu. Đã sống chung một nhà với nhau rồi, hãy xem nhau là anh em đi nha.
Quang nhìn Phương, nheo mắt:
- Nghe "mẹ" nói chưa, Phương. Phải gọi anh là anh mới đúng, cô nhóc ơi.
Phương ấm ức trong bụng, nhưng khôNg dám cãi lại, vì có mặt ông Hưng với bà Lệ, cô đành im lặng nhai.
Quang gắp thức ăn cho vào chén Mỹ Phương, bảo:
- Phương ráng ăn thêm một chút xíu đi, trông Phương hơi gầy đấy.
Phương nhìn Quang, ánh mắt cô ngầm đe dọa hắn. Nhưng Quang vẫn cười, nhìn cô bằng ánh mắt dịu và ấm nồng nồng. Có lẽ tình cảm Quang dành cho cô là thật, hắn luôn nhịn thua cô. Nhưng mỗi khi cô chợt nhớ lại hôm hắn dẫn đám bạn về quậy, bắt cô phục vụ, hắn bảo hắn nhịn cô vì cô "xinh quá mà", nếu cô xấu như ma lem, chắc là hắn đổi thái độ với cô rồi, so ra hắn cũng đâu có tốt lành gì.
Bà Lệ khuyến khích Quang:
- Ừ, Quang nói đúng rồi. Mỹ Phương mập lên một chút nữa, sẽ rất xinh đẹp.
Mỹ Phương ngưng trước câu nói nịnh của bà Lệ, cô lí nhí đáp:
- Cháu mà đẹp nỗi gì.
Quang nheo mắt, trêu:
- Ai nói Phương đẹp. Phương xấu như........ ma, chỉ bảo Phương gầy thôi.
Phương trừng mắt nhìn Quang. Ông Hưng uống một ngụm bia rồi đứng lên. Ông ăn rất ít, chắc đó là thói quen của ông. Bà Lệ còn gắp thêm một chút thức ăn rồi bảo:
- Mọi người tiếp tục ăn no đi. Quang xem Phương có mắc cỡ mà ăn ít không đấy, giao hai anh em lo săn sóc nhau nhau.
Quang cười:
- Nghe "mẹ" nói chưa Phương?
Phương thì thầm: "Hãy đợi đấy!".
Mấy người nhà cũng xuống bếp, trên bàn ăn chỉ còn Quang. Phương cũng đứng lên, nhưng Quang nói:
- Tới tủ lạnh, lấy giùm anh chiếc khăn đi Phương.
- Ông tự lấy đi, tôi còn dọn chén bát nữa.
- Nghe mẹ bảo không. Phương phải lo săn sóc anh, sao Phương cãi lời mẹ?
Đúng là hắn cố tình trêu ghẹo cô. Cô quên mình có trách nhiệm phục vụ hắn, cô nói:
- Ông có tay có chân, đâu phải trẻ con ba tuổi mà bắt người ta phục vụ từ ly từ tý. Chẳng bao giờ anh Văn sai bảo người khác như ông:
Mắt Quang tối lại:
- Đừng có đem ông Văn ra so với anh.
- Sao lại không? Anh Văn mới xứng đáng là một người đàn ông. Còn ông, ông tào lao vô tích sự, sao bắt người ta nể nang được?
- Cô bé này hay lên mặt dạy đời thiên hạ quá đó nha. Ê, cô nhóc! Cô chỉ đáng tuổi em út của anh Quang này thôi. Còn sự đời, cô nhó chỉ như đệ tử mới nhập môn so với hàng sư tổ, dám lên mặt dạy đời anh đấy hả nhóc?
- Tôi nhỏ hơn ông, nhưng tôi nói có sai không?
- Sai. Phương làm sao hiểu ông Văn mà vội vàng đem ổng ra so sánh với anh, ông Văn và anh khác nhau như hai thái cực vậy, cô bé không bao giờ hiểu đâu.
- Vậy thì anh Văn như thế nào theo cách suy nghĩ của ông. Nói đi. Chắc là ông thua kém anh Văn mọi phương diện, nên sợ người ta đem mình ra so sánh với anh Văn, đúng không?
Quang nghiêm mặt:
- Cô nhóc lầm rồi. Nhưng cô nhóc hãy tự hiểu lấy về ông Văn đi, sau đó tự so sánh. Còn anh, anh không muốn nói gì về ông Văn cả, không khéo cô bé lại bảo anh nói xấu sau lưng người ta. Anh là đàn ông mà, đại kỵ chuyện nói khi vắng mặt một người mà mình đề cập đến. Còn bây giờ, ngoan, lấy giùm anh cái khăn nào!
Phương chợt nhớ lại nhiệm vụ của mình, cô im lặng đi lấy cho Quang chiếc khăn ướp - lạnh, trao cho Quang. Quang dịu dàng nói:
- Cám ơn Phương. Anh thích được người ta quan tâm, săn sóc, nhưng chẳng ai săn sóc anh cả. Chẳng hiểu tại sao lúc trước anh rất bướng bỉnh và cộc cằn, vì thế chẳng ai thích gần gũi, tâm sự với anh. Bây giờ..... thì có Phương bên cạnh, anh cảm thấy cuộc sống thi vị hơn. Anh biết Phương tuy ngoài miệng hay nói móc họng anh, nhưng con người của Phương, bản tính của Phương rất hiền hậu. Sau này, ai lấy được Phương làm vợ, quả là rất tốt phúc.
Phương đỏ mặt:
- Ông lầm rồi. Tôi "rất hung dữ và thích mắng mỏ người khác". Còn nữa nha, tôi "vô tích sự và hung dữ như một con mèo Nhật, sẵn sàng cào vào mặt nếu ai đó dại dột đụng vào". Tôi không thể vừa hung dữ vừa dịu hiền như lời ông nói đâu. Sau này ai lấy nhằm phải tôi, quả là vô phúc thì đúng hơn!
Quang nhìn nét mặt giận dỗi của Phương, hắn cười cầu hòa. Cô nhóc đúng là giận dai và....... nhỏ mọn, đã giữ trong bụng rất lâu những câu nói........ độc ác của hắn. Không hiểu sao lúc đó hắn có ác cảm với Phương. Còn bây giờ khác rồi, Phương đối với hắn "dễ thương như một con mèo Nhật", tuy hơi có ba gai một chút nhưng cũng rất ngoan ngoãn.
Quang nhìn Phương, cười cười:
- Phương có thể quên những câu nói đùa đó, có được không? Sao Phương giận dai vậy, chỉ một câu nói vô tình thôi mà?
- Lúc đó thì cố ý, lúc này thì vô tình. Vô tình hay cố ý, chỉ một mình ông biết.
Quang có vẻ như năn nỉ:
- Tin anh đi Phương, anh nói thật lòng là anh không cố ý nói em như vậy đâu. Phương tha thì anh mừng, giận thì anh cam chịu, chứ biết nói sao bây giờ!
- Thánh thiện lắm. Nhưng tôi vẫn không tin.
- Anh phải làm sao, Phương mới tin đây?
- Bao giờ ông giống như anh Văn, tôi mới tin.
Quang chợt nổi giận, bất chợt hắn ném cái khăn vừa lau mặt vào dĩa thức ăn còn thừa. Đứng lên, thái độ giận thấy rõ, Quang nói:
- Đúng. Với Phương, tôi chỉ là cái thứ rác rưởi xã hội, còn ông Văn là thánh nhân. Phương cứ tôn ông Văn làm thần tượng đi, ông Văn xứng đáng cho Phương tôn sùng. Còn tôi, tôi là như vậy đó, mặc tôi.
Quang quay lưng bỏ đi. Phương chợt cảm thấy hối hận trong lòng. Phương đã chạm tự ái của Quang khi cứ đem điểm tốt của anh Văn ra để làm nổi bật lên điểm xấu của Quang, dù Quang đã có nhiều sửa đổi. Phương thấy mình có lỗi với hắn. Chẳng phải lúc nãy, Quang đã chân thành bộc bạch tâm sự, mong được Phương thông cảm đó sao?
Phương kêu lên:
- Anh Quang!
Nhưng Quang không thèm quay lại. Chắc chắn Quang đã giận Phương, giận rất nhiều rồi đây!
Chia tay!
Thật sự là chia tay rồi sao?
Đoan đã nhất định bảo rằng cô chia tay với Văn và anh đừng nên làm phiền cô nữa. Giữa Văn với cô đà có một cái dấu chấm hết!
Văn ngồi sầu tư một mình trong phòng. Đã mấy ngày rồi, anh vẫn thấy buồn, nếu anh tự giam mình vào nỗi buồn vô tận như thế này, có lẽ Văn điên mất thôi.
Văn biết rất rõ rằng Đoan đã cố tình xem như chưa từng có Văn trong tình yêu của cô. Văn cũng thừa biết rằng từ giờ phút này, Đoan đã tự do vui chơi ở một nơi nào đó mà Đoan thích. Văn khôNg cần phải tìm Đoan để lôi kéo cô về nhà nữa. Đoan ngợp trong những cuộc vui, Đoan bây giờ không phải là Đoan của Văn nữa. Đoan là một con ngựa non bướng bỉnh không yên cương, vì lẽ gì, có phải là vì Văn không? Văn tự xét mình không đủ trở thành nguyên nhân dẫn đến sự bộc phá thiếu suy nghĩ của Đoan. Đoan đã gạt Văn ra ngoài lề cuộc sống của cô rồi!
Tại sao Đoan lại có thể dễ dàng quên Văn như vậy, trong khi Văn vẫn còn tha thiết nhớ Đoan, vẫn còn đầy những giấc mơ có hình bóng Đoan, vẫn còn mong muốn được tay trong tay Đoan. Tại sao vậy chứ?
Nếu cứ mãi như thế này, có lẽ Văn điên mất thôi. Anh phải tìm cái gì đó để khỏa lấp nỗi buồn. Văn chợt nghĩ đến Mỹ Phương, chắc chắn con bé sẽ sẵn sàng đi cơi với Văn. Nhìn thái độ của con bé, Văn thừa biết Phương dành nhiều cảm tình cho mình. Nếu đem Đoan ra so sánh với Phương, chỉ cần loại trừ cái "made in" tiểu thư con nhà giàu là Đoan thua Phương ngay. Đoan xinh đẹp, Phương cũng xinh đẹp không kém, Đoan khôn ngoan trong cách ăn nói, Phương lại ngọt dịu mềm mỏng đáng yêu. Phương khéo léo tận tụy trong công việc, Phương biết cách chiều chuộng mọi người, đến tên Quang nổi tiếng trái tính trái nết với mọi người, mà nay cũng đã trở nên một gã con trai chăm chỉ, đàng hoàng. Quang thay đổi một cách êm ái, êm ái đến nỗi chính Quang cũng chẳng hề nhận ra sự thay đổi của hắn. Nhưng cả nhà, ai cũng ngạc nhiên vì sự thay đổi của Quang. Đó chính là vì sự có mặt của Mỹ Phương trong gia đình này, mặc dù chẳng ai nói rằng hắn đã có chiều hướng thay đổi đáng kể.
Văn uể oải đứng lên, nhóng người qua cửa sổ. Buồn và lười nhác lạ. Ngoài kia, trời đã nhá nhem tối, Văn chỉ loáng thoáng nhìn thấy được chút sắc vàng của đám hoa huỳnh dưới bậu cửa. Phải tìm một cái gì đó để khuây khỏa thôi, nếu khôNg, Văn sẽ chết mất bởi sự dày vò, ray rứt, đau khổ khi chỉ biết ngồi không để nghĩ đến Đoan.
Phương đang lau mấy chiếc dĩa vừa rửa xong, đôi tay nhỏ nhẹ nhàng xoay xoay. Văn đến ngang cửa nhà bếp, dừng lại, im lặng nhìn Phương. Phương rất xinh, nhưng Phương không cho Văn một cảm tưởng nào giống như Đoan đã gởi cho Văn cả. Phương chỉ là một cô gái nhỏ. Với Phương, Văn chỉ thấy tội nghiệp cô thôi, không phải tội nghiệp vì lòng trắc ẩn, mà tội nghiệp vì thông cảm với hoàn cảnh chằng dặng dừng đang bó buộc cô nhỏ vào một công việc không thích hợp. Có lẽ ông trời đã ra một định luật "vay - trả" sòng phẳng, không thể chối cãi cho mọi nhân sinh trong cuộc đời này rồi. Tốt hơn hết là Văn đừng có nghĩ đến Phương nữa.
- Mỹ Phương!
Mỹ Phương giật mình, cô xoay người lại nhìn Văn, mắt ánh lên sự vui mừng:
- Anh Văn!
- Em còn làm gì nữa không vậy?
- Dạ, xong rồi.
- Đi chơi với anh.
- Đi đâu?
- Thì đi vòng vòng mấy con phố.
- Đi vòng vòng mấy con phố? Chi vậy anh Văn?
- Đi dạo cho mát một chút.
- Tự dưNg rủ Phương đi vòng vòng, anh Văn..... bị gì vậy?
- Chẳng bị gì cả.
- Nhưng....
- Có thích thì đi chơi với anh, không thích thì thôi vậy.
Văn có vẻ giận. Phương đọc ngay sự giận hờn trên nét mặt Văn, cô hấp tấp nói:
- Đi thì đi. Chờ Phương thay quần áo nha.
- Ừ, mặc cái áo đầm anh mua hôm trước ấy.
- Đi dạo thôi, cần gì ăn mặc cầu kỳ, anh Văn?
- Anh muốn Phương mặc đẹp để đi với anh. Phương hay cãi lời anh quá đi.
Phương nói:
- Được rồi, nhỡ gặp người quen, thấy Phương ăn mặc luộm nhuộm, họ cười anh Văn, đúng không?
- Không hẳn là vậy. Anh muốn nhìn thấy Phương mặc mấy cái áo anh mua.
Văn nói dối. Phương chợt cảm động vì mấy câu nói dối của Văn, trái tim Phương đập rộn ràng trong lồng ngực. Hóa ra từ lâu Văn đã quan tâm đến Phương, anh mua áo cho Phương với mục đích được nhìn thấy Phương xinh hơn, hôm nay anh lại đề nghị cùng Phương đi dạo phố. Ôi! Có phải là Văn đã để ý đến Phương rồi không? Phương nghĩ đến Văn, nghe tình cảm thân thương dâng ngập trái tim. Liệu Phương có xứng với Văn không?
Phương về phòng thay áo, cẩn thận trang điểm. Phương đẹp thật đó, có lẽ Phương rất xứng với Văn, chỉ sợ bác Lệ phản đối mối quan hệ này thôi. Mặc! Bao giờ đến đó hẵng hay. Hiện tại, Phương đang lâng lâng vui sướng khi nghĩ đến chuyện được Văn đưa đi dạo phố cùng anh tối nay.
Chị bếp nhìn thấy Phương đang xoay xoay trước gương, thù đầu vào, ngạc nhiên hỏi:
- Phương định đi đâu mà diện đẹp quá vậy?
- Em đi chơi với anh Văn.
- Cậu Văn?
- Dạ, thì anh Văn rủ em đi dạo phố.
- Sao lại là cậu Văn?
- Chị hỏi lạ ghê! Anh Văn thì anh Văn, ảnh xem em như em của ảnh từ lâu rồi mà.
Chị bếp lắc đầu:
- Không phải chuyện đó, tôi tưởng Phương đi chơi với cậu ba Quang.
- Ai thèm đi chơi với hắn?
- Cậu Văn...... mà thôi đi, chỉ có dạo phố thôi mà. Nhớ đòi về sớm nhé Phương.
- Có gì mà chị lo lắng vậy?
- Không...... cậu Văn rất tốt đấy.
Phương ra khỏi phòng, hí hửng:
- Em đi nha, anh Văn chờ nãy giờ.
Chị bếp nhìn theo Phương, lẩm bẩm:
- Lạ thật! Bỏ cô Đoan cho ai mà chở con bé Phương đi chơi kìa?
Văn đón nơi bậc thềm, anh nói cho có lệ:
- Phương rất xinh.
- Phương nghe da mặt nóng ran vì cảm động, cô nói:
- Xinh đâu mà xinh. Phương xấu như ma lem.
- Ngồi lên xe đi Phương.
Văn ra lệnh, Phương ngoan ngoãn leo lên yên xe của Văn. Văn nhẹ nhà cho xe chạy ra cổng, vừa lúc Quang vừa về đến. Quang trợn tròn mắt nhìn hai người:
- Anh Văn với Phương đi đâu vậy?
Văn nói hớt:
- Đi sinh nhật bạn anh.
- Sao lại đi với Phương? Còn......
- Có gì đâu, Quang.
Văn vừa nói, vừa chạy nhanh hơn. Phương không để ý đến ánh mắt trợn tròn của Quang cùng câu bỏ lưng của hắn, cô nói:
Không rủ ông Quang đi, ổng đâm tức thì phải à, anh Văn.
Văn nói:
- Sao rủ hắn được. Hắn đâu có thích đi dạo phố như anh. Hắn thích đi lông bông như con ngựa hoang vậy, bạn bè của hắn toàn là một lũ ôn dịch cả.
- Phương thấy...... ông Quang lúc này bớt đi chơi rồi, cũng chẳng thấy dẫn bạn bè về nhà quậy nữa.
- Đừng tin hắn mà lầm to đấy Phương. Hắn như con ngựa dừng vô một lúc để chuẩn bị "tế" đấy. Gọi hắn là một con ngựa tế mới đúng.
- Anh Văn có vẻ ghét ông Quang lắm hả?
- Ai thèm ghét hắn. Hắn ham chơi, chẳng giúp ích gì cho ba của anh, để ba của anh đánh giá hắn được rồi.
- Nhưng bác Lệ luôn bênh vực ông Quang.
- Vì bà ấy rất ghét anh. Bà ấy sợ anh chiếm cả công ty, nên làm đủ cách cho hắn trụ hình một ít lâu để chiếm lấy lòng tin của ba. Trong kế hoạch đó, có Phương đấy.
Phương ngạc nhiên:
- Sao lại có em?
- Em là món mồi bà ta dùng dụ dỗ hắn.
Phương kêu lên:
- Em? Là món mồi?
- Ừ.
- Vậy thì em phải làm sao đây?
- Hắn có chiều hướng đúng theo kế hoạch của bà ấy rồi đấy. Phương phải biết cách giữ mình.
- Em phải giữ mình bằng cách nào?
- Em thân thiện với anh. Quang sẽ không dám động tới em đâu.
Văn nói câu đó có vụ lợi, nếu Quang chừa Phương ra, hắn sẽ đi chơi trở lại. Quang chơi bời lêu lổng theo cách cũ, bà Lệ hỏng kế hoạch. Làm sao Văn chẳng biết Quang để ý Mỹ Phương chứ. Nếu Quang không vì Mỹ Phương, hắn đâu có mỗi ngày về nhà ăn cơm tối, mỗi ngày mỗi ngồi ít nhất mấy giờ đồng hồ trong văn phòng. Quang chẳng có ý định gì trên tài sản công ty, Văn biết rõ con người vô tư của Quang, chỉ có bà mẹ là tính toán thôi. Nhưng Văn không thể không triệt Quang, dù Quang là em một cha khác mẹ với Văn. Nếu Quang không có phần trong công ty của ba anh, Quang vẫn có trọn phần công ty riêng của bà Lệ. Còn anh, mất là mất trắng. Văn không thể không lo toan co tương lai của mình, dù biết làm như vậy là rất ích kỷ.
Phương cảm thấy muốn khóc. Văn chỉ bảo cô nên giả vờ thân thiện với anh, vậy thì anh đang nghĩ gì về Phương, và cuộc đi chơi hôm nay, có phải là vì lý do bất đồng giữa Văn và Quang mà có không? Phương mơ hồ cảm thấy như Văn đang dùng cô để phá bà Lệ cho bõ ghét.
- Nhưng Phương...... Phương không muốn anh Văn vì Phương mà sống giả dối. Anh Văn khôNg cần phải làm bức bình phong để che đậy cho Phương, Phương lớn rồi. Phương đủ bản lãnh để bảo vệ Phương mà.
- Anh không có ý đó, hình như Phương đang hiểu lầm anh đấy. Anh rủ Phương đi với anh, không có mục đích gì cả, chỉ là thích đi dạo với Phương thôi. Có Phương bên cạnh, anh cảm thấy đỡ đơn độc hơn.
Câu này thì Văn nói thật. Phương cũng không làm sao biết được uẩn khúc nào trong tình cảm của Văn. Tội nghiệp Phương. Phương vui mừng vì câu Văn vừa nói, cô bấu nhẹ vào vai Văn:
- Vậy mà làm Phương nghĩ anh Văn vì sợ ông Quang hại Phương, mới giả bộ đưa Phương đi dạo để cứu Phương.
Văn nhủ thầm: "Con bé này đúng là ngây thơ lạ".
Văn nói:
- Thôi, biết thì giữ kín trong lòng. Bây giờ Phương muốn đi đâu, hay là ăn món gì, anh đưa Phương đi nè?
- Tùy ý anh Văn, Phương đâu rành Sài Gòn mà chọn lựa.
Văn nói ngay:
- Vậy thì Phương cứ yên trí ngồi sau lưng anh đi nha.
- Dạ.
Phương dạ ngoan, lòng cảm thấy tin tưởng Văn. Ít ra Phương cũng có mặt trong tình cảm của Văn, chẳng phải Văn đã bảo rằng có Phương bên cạnh, anh đỡ đơn độc đó sao?
Văn rất lạ, giống như anh chở Phương đi tìm ai đó thì phải. Văn chở Phương đi vòng vòng hoài không thôi, một lúc anh ghé quán cà phê này, chưa kịp ngồi, đã bảo Phương ra xe đi tiếp, một lúc anh ghé quán kem nọ, lại chê ở đây kem không ngon, khôNg chịu ăn. Phương đi với Văn hết khoảng.... hai chục cái quán như vậy. Cuối cùng, Văn dẫn Phương vào môt...... vũ trường có tên là "Đêm Màu Hồng". Phương định hỏi Văn tại sao vào đây, nhưng cảm thấy không tiện nên thôi, không nói gì. Phương hồi hộp theo Văn, bởi cô đâu có biết khiêu vũ, những trò ăn chơi này rất lạ lẫm đối với một cô bé ngây thơ như cô. Văn hỏi nhưng hình như anh chẳng chú ý đến câu trả lời của Phương:
- Phương biết khiêu vũ không?
- Dạ không, anh Văn.
- Thử là biết ngay. Đi vào đây với anh.
- Thôi, Phương sợ lắm, thiên hạ cười cho.
- Đâu ai để ý tới mà sợ, anh dắt cho Phương từng bước, nhé!
Phương ngoan ngoãn gật đầu:
- Dạ.
Văn nói vậy, chứ anh không dẫn Phương ra sàn nhảy. Văn chọn một góc bàn tối tối, gọi hai ly cocktail, bảo:
- Phương uống đi.
Phương kề ly lên môi, hớp một ngụm nhỏ, ngậm trong miệng, Phương không quen vị rượu, dù chỉ là rượu rất nhẹ pha trong ly, len lén Phương nhổ vào khăn.
Văn không hề chú ý đến Phương, anh có vẻ như là tìm kiếm ai vậy. Phương nhận ra ánh mắt tìm kiếm của Văn trong đám khách nhảy, nhưng cô không dám nói gì.
Dàn nhạc nổi lên một giai điệu thật giậm giật, đám khách trẻ ùa ra sàn, họ nhảy hết mình với nhau. Văn chợt đứng bật dậy, theo ánh nhìn của Văn, Phương thấy mấy cặp thanh niên nam nữ ăn mặc hết sức.....bụi. Nổi bật lên giữa đám con tra con gái đầy vẻ bụi đời, đó là một cô nàng rất xinh, nét thanh tú và quí phái của cô nàng phản lại với đám bạn bụi đời của cô ta. Văn như bị thôi miên, anh tiến ra sàn nhảy, giật cánh tay cô gái ấy. Phương quả đối ngạc nhiên vì hành động của Văn, chỉ biết ngồi im nhìn theo Văn thôi.
Văn và cô gái giằng co với nhau, hình như họ cãi nhau rất dữ. Sau đó Văn bị tên con trai đi chung với cô gái tát mạnh vào mặt làm anh chới với, Phương kêu lên:
- Anh Văn!
Bất chấp bọn họ, Phương chạy về phía Văn, cô kéo tay anh:
- Anh Văn! Sao họ đánh anh vậy hả?
Văn gạt tay Phương, anh nói, giọng dữ dội:
- Chỉ là một sự hiểu lầm thôi, không có gì.
Đột ngột, Văn ôm ngang người Phương, ghì chặt cô vào ngực anh, hầu như anh đang xoay một con búp bê vậy. Phương bị anh ghì chặt trong hai cánh tay, nhưng cô không phản đối Văn, bởi cánh tay Văn đủ sức làm cho trái tim Phương chơi vơi. Cứ thế, Phương bị Văn cuốn đi......
Đang trong cánh tay Văn, Phương chợt bị ai đó nắm lấy rồi giật mạnh. Kẻ đó nói bằng một giọng lạnh và nghiêm:
- Anh Văn! Mau buông Phương ra.
Phương kịp hoàn hồn. Chẳng ai khác hơn là Quang. Quang lôi Phương ra khỏi cánh tay Văn, nói lớn bằng giọng ra lệnh:
- Phương mau theo tôi, ra khỏi nơi này đi, không hợp với Phương đâu.
Phương giật tay lại, cô vẫn còn bị mê hoặc bởi vòng tay cứng cáp mạnh mẽ đầy sức quyến rũ của Văn:
- Sao lại không? Ở đây có anh Văn mà.
- Anh Văn, anh Văn. Cô ra khỏi đây ngay nghe không?
Phương nhìn Văn:
- Anh Văn! Sao lại bảo Phương về?
Văn với mắt tóe lửa, hình như Văn đang tức tối một điều gì đó lắm. Anh nói:
- Quang! Mày về đi. Phương không muốn nghe mày đâu.
Gạt Phương ra sau lưng, Quang đứng sát vào Văn, mặt đối mặt. Hắn lạnh giọng:
- Anh Văn! Anh là một cái thứ ngụy quân tử. Anh hèn lắm, anh lợi dụng lòng tin và sự ngây thơ của Phương, anh định dùng Phương làm cái ngòi nổ chứ gì?
- Quang! Mày lầm rồi. Chưa bao giờ tao có ý định hại Phương cả. Chỉ khiêu vũ với nhau thôi mà Quang, chuyện tầm thường trên tất cả mọi sự tầm thường đấy, Quang ạ.
- Từ nay về sau, anh có "giận cá" thì xin đừng có "chém thớt" nhá. Phương hoàn toàn vô tội trong vụ này mà, anh Văn.
Phương bị Quang lôi đi ra cửa. Văn im lặng không phản đối. Tự dưNg tên ôn dịch này ở đâu ra phá đám Văn, hắn làm gì ra vẻ bảo vệ Phương ghê vậy chứ? Văn trở lại bàn, gọi một ly rượu mạnh và nốc cạn.
Quang lôi tuột Phương ra khỏi vũ trường, hắn quát:
- Cô có điên không vậy? Nhìn bộ dạng cô kìa. Thật là dị hợm, người không ra người, ngợm không ra ngợm, giống như con khỉ bạc má ấy.
Phương cảm thấy tự ái dồn dập. Hắn dám so cô với con khỉ bạc má trong sở thú. Cô quát lại:
- Ông nói vậy là sao?
- Còn phải hỏi. Cô thừa thông minh để nhận xét mình mà. Cô nghĩ Sài Gòn này là sân khấu điện ảnh ấy hả?
- Tôi đã làm gì lố lăng chứ?
- Hay! Biết nói hai chữ "lố lăng" là có óc nhận thức "siêu" đấy!
- Ông đủ rồi nha!
- Lên xe tôi chở về nhà. Ai cho phép cô tự do đi chơi vậy hả? Nhớ hợp đồng với mẹ tôi không?
Quang ấn Phương lên xe, sau đó hắn rú ga vọt mạnh khiến Phương chíu nhỉu vào lưng hắn. Cô cự nự:
- Tôi đi với anh Văn đàng hoàng mà.
- Đi khiêu vũ, vậy mà gọi là đàng hoàng đó hả? Đàng hoàng sao lại.... ôm ấp nhau thế?
- Nhưng là đi chung với anh Văn, ông hiểu chưa?
- Cũng lại là anh Văn, anh Văn. Bộ cô tưởng cô đem cái tên Văn ra là tôi phải nể sao? Cô hiểu rõ ông Văn chưa? Cô biết cô đang bị người ta đem ra làm cái thứ gì không? Đồ ngốc ạ! Cô chỉ là một cái thứ dùng để chọc tức kẻ khác mà ông Văn đem ra sử dụng thôi, đừng ngỡ ông Văn có thể yêu cô, nghe rõ chưa ngốc?
- Đừng xúc phạm tôi nha. Còn bảo tôi là đồ ngốc nữa, tôi sẽ trả thù ông đấy.
Quang cười lớn. Cười xong, hắn hầm hừ:
- Thách cô trả thù đấy. Tôi sẽ gọi cô là đồ ngốc đến trăm lần, ngàn lần. Cô khờ khạo lẫng ngốc nghếch, thật là không trách được.
- Tại sao lại trách tôi? Anh Văn chỉ tập cho tôi khiêu vũ thôi mà. Ông mới đúng là cái thứ phá đám cho có.
- Hết thuốc chữa! Nghe này cô nhóc. Trong trái tim ông Văn chẳng có chỗ nào dành cho cô đâu, đừng có ngủ mơ nữa, mau tỉnh dậy đi, kẻo hối không kịp đấy, ngốc ạ.
Phương hét lớn:
- Tôi đâu có bảo là tôi yêu anh Văn. Ông mới chính là đồ điên đấy!
- Ánh mắt cô không giấu nổi tôi đâu, dối lòng làm gì. Cô dừng lại còn kịp đấy Mỹ Phương. Tôi nghĩ là cô đủ thông minh để hiểu lời khuyên chân thành này của tôi, đừng có làm tôi thất vọng vì lời nói vô ích nha.
Quang dừng xe trước cổng, bấm chuông, sau đó cho xe vào sân. Từ lúc ấy Quang không nói câu nào với Mỹ Phương nữa và bỏ lên lầu.
Gió se se lạnh, trời đã vào đông. Tháng mười một ta rồi, còn gì nữa?
Vậy mà Quang đứng như pho tượng gần hai giờ đồng hồ trên sân thượng, người hắn chỉ mặc độc có một cái..... quần short. Quang đưa chiếc lưng trần ra hứng gió, tựa vai vào cột, mắt nhìn xuống phố. Phố đêm, xe cộ như những vệt nhỏ, sáng và di động liên tục giống như đàn kiến dưới mắt Quang. Gió lạnh, mặc, Quang chẳng thèm để ý, nỗi buồn cứ gay gay trong tim, ray ray rứt rứt khó chịu. Giá mà Quang có thể không nghĩ đến Phương nữa, có lẽ hay hơn nhiều.
Từ lâu rồi, giữa Văn và Quang không có tình cảm anh em. Con người Văn khá ích kỷ hẹp hòi, Văn chi li, chăm chỉ trong công việc ở công ty, không phải là Văn có mục đích sống cho gia đình này. Thật ra, Văn đang chứng tỏ mình, để tranh thủ tình cảm của cha. Tất nhiên ông Hưng đã nhiều lần so sánh khả năng, tính cách giữa hai đứa con trai, Văn làm như thế chỉ với một mục đích là chiếm thế thượng phong trong quyền điều khiển công ty sau này. Văn luôn đối nghịch với mẹ của Quang, tất cả những kế hoạch mẹ Quang đặt ra, Văn luôn tìm cách phá vỡ. Quang rất hiểu chuyện Văn không thích Quang sống đàng hoàng chăm chỉ. Thời gian gần đây Quang ít ra ngoài quan hệ chơi bời với đám bạn cũ là vì Phương, vì Quang thích Phương. Văn rất hiểu điều đó, vậy mà Văn còn cố ý phá Quang, bởi Văn biết Phương dành sự ưu ái cho mình. Cũng đúng với Phương thôi, cô nhỏ chẳng có chỗ dựa, còn Văn là người luôn tỏ ra thân thiện và che chở cho Phương. Tất nhiên tình cảm trong lòng Phương phải ít nhiều dành cho Văn, dù Phương chưa hiểu chút nào về con người của Văn. Xét diện mạo, tính cách bề ngoài của Văn mà không hiểu rõ con người thật của anh ta, ai cũng có cảm tình cả. Còn Quang, Quang sống sôi nổi, đôi khi quậy phá, Quang chưa bao giờ nói một câu dịu ngọt với Phương, dù đối với Quang, Phương là một cô nhỏ dễ yêu. Phương gởi cho Quang một tình cảm chân thành và một cảm giác được yên ổn khi gần gũi trò chuyện với cô. Phương sống chân thật, Phương khác xa đám bạn bè...... hoang đàng chi địa, chỉ biết xài tiền và luôn bốc phét của Quang. Vì cô nhỏ, Quang đã "xoay một trăm tám chục độ", thế mà Văn nỡ phá hoại tình cảm của Quang. Trong khi Văn chẳng hề có chút ưu ái nào khả dĩ dành cho Phương, vì Văn rất yêu Đoan, họ dự định cưới nhau, cho nên chuyện Văn gây tình cảm với Phương là chẳng chính đáng chút nào. Vậy mà Văn cũng làm được, Văn thỏa mãn lòng tự ái của Văn, chỉ tội nghiệp Mỹ Phương. Mỹ Phương ngây thơ khờ khạo quá, Mỹ Phương không hiểu tí ti nào về những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình này. Mỹ Phương ái một Văn vì giữa cái gia đình có một người mẹ thiên vị và một gã con trai lập dị như Quang. Văn nổi bật lên giữa cái tập thể nhiều tính chất ấy như một "cánh lan giữa rừng cỏ dây leo chằng chịt và rắn rết", chẳng trách được cô nhỏ, chỉ trách Văn hơi tan nhẫn thôi.
- Quang này......
Quang nghe nhói tim một cái. Tiếng Mỹ Phương sau lưng hắn, cô hơi rụt rè. Vì dù sao hắn cũng đang phơi chiếc lưng trần có bờ vai rộng ra trước mặt cô nhỏ mà.
Quang không xoay lại, hắn nói:
- Gì nữa vậy?
- Bác Lệ bảo tôi đi tìm ông.....
- Tìm tôi chi?
- Vì bác chẳng thấy ông ở đâu, nhưng cũng chẳng thấy ông đi ra khỏi nhà. Ông biến mất đột ngột như vậy, bác Lệ sợ ông bị.....
- Bị gì?
- Bị ma giấu.
- Ai cha! Lắm mồm thật. Tôi đâu phải là trẻ con. Cô đặt điều, chứ mẹ tôi làm gì nói kỳ vậy.
- Cũng may, tôi tìm khắp nơi, ngoài vườn, khắp các phòng, cuối cùng thì ông ở đây. Thiếu chút nữa tôi đi đến đài truyền hình thành phố để nhờ họ rồi đấy.
- Nhờ họ?
- Ừ, đăng tin "tìm trẻ lạc". Cái mặt ông rất giống.......
- Giống gì chứ?
- Giống bệnh tâm thần.
Quang xoay lại, la lên:
- Đủ rồi nhe cô nhóc.
Mỹ Phương đứng nhìn Quang, môi cô trề trề ra trêu tức hắn, nhưng trên tay cô có chiếc áo của Quang. Thì ra Phương sợ mình bị lạnh, cô đem áo cho mình mặc đây mà. Quang định nói thêm vài câu để trả đũa Phương, nhưng trái tim chợt cảm động. Quang im lặng nhìn Mỹ Phương, không biết nói thế nào cho phải.
Một lúc sau, Quang nói:
- Đưa áo đây cho tôi.
- Cũng biết lạnh nữa hả?
- Tất nhiên rồi. Cô không cảm thấy gió buốt da sao?
- Cứ ngờ ông không có cảm giác chứ.
- Định nói tôi là thứ gì nữa đây?
- Là thứ gì, tự ông biết lấy.
- Phương ác cảm với tôi lắm hả?
- Ông thấy vậy sao?
Quang nhăn mặt:
- Còn gì nữa mà chẳng thấy. Lúc nào Phương cũng hung dữ với tôi cả, Phương chẳng chịu dịu dàng chút nào. Con gái mà hung dữ không hay đâu.
Phương trợn mắt:
- Có liên quan gì tới ông?
- Tất nhiên là không rồi.
Giọng Quang buồn buồn. Đối với Quang, Phương hay gây sự, Phương giống như một con nhím con sẵn sàng phóng mũi tên vào kẻ nào muốn chạm vào nó vậy. Thấy Phương cầm áo của Quang, ngỡ cô sợ Quang lạnh, nào ngờ cô lại tỏ ra dửng dưng với..... tình cảm của Quang. Nếu là mẹ, mẹ đã cuống quít chạy đến bắt hắn mặc áo vào người rồi. Chuyện đem áo, cũng do mẹ sai bảo, chứ có phải do Phương tự nguyện lo lắng cho Quang đâu nào.
Phương nạt nhỏ:
- Nói lạnh, sao không xuống nhà hả?
- Tôi thích đứng đây.
- Có điên không vậy?
Quang lắc đầu:
- Không có điên. Tôi muốn bị lạnh cho cóng cả người, sau đó chết ngoài gió tuyết như con chim én bị thương trong truyện cổ tích vậy.
- Ông làm khổ nhục kế là vì cái gì? Định vòi vĩnh gì của mẹ ông đấy hả?
- Lúc nào cũng nghĩ xấu cho tôi cả.
- Chứ để làm gì, nếu không có mục đích?
- Xem có ai tỏ ra thương hại tôi không?
- Thật là hoang tưởng. Tự hành hạ mình để mong được có ai đó thương hại, sống không anh hùng chút nào.
- Kẻ thiếu tình cảm, cần gì phải anh hùng?
- Coi bộ cuộc sống ông bi đát lắm. Ông bị gì vậy?
- Chẳng bị gì cả, ai hiểu thì hiểu, không hiểu thì thôi vậy.
- Không giống ông chút nào.
- Tôi thì sao?
- Ông hay rầy rà, mắng mỏ, la lối, nạt mộ, ông dữ như ngáo ộp. Thôi, đừng giả vờ bi lụy nữa, chẳng ai tin đâu nha.
- Tôi dưới cái nhìn của Phương tồi tệ quá đi mất.
- Không thể nói tốt hơn được đâu, xin đừng buồn.
- Cám ơn. Tôi cố nhìn thẳng vào sự thật vậy. Phương còn gì để nói nữa không?
Phương lắc đầu:
- Không.
- Vậy Phương xuống nhà đi.
- Quên một chuyện. Bác Lệ bảo ông trở về phòng, gió khuya lạnh cộng với sương đêm sẽ làm cho ông cảm đó.
- Nói giùm, tôi muốn đứng đây suốt đêm.
Phương la lên:
- Đúng là ông điên thật rồi, để tôi gọi cho bệnh viện tâm thần vậy.
Không một lời an ủi, Phương bỏ đi. Quang tức đến muốn....... ngưng thở. Cô nhỏ quả thật ác tâm và vô tình làm sao. Hình như trong mấy ngăn tim đó, chẳng có ngăn nào dành cho Quang. Ôi! Tình yêu quả là rắc rối, quả là sui khiến cho con người ta trở thành kẻ dại khờ. Ai đã vì ai đứng trong gió lạnh hàng giờ vô ích như thế này để rồi bị người ta đối xử một cách phũ phàng như vậy chứ?
Nếu giả như anh Văn đứng trong gió lạnh như Quang, có lẽ Mỹ Phương cuốn quít lo lắng, cuống quít năn nỉ anh ấy trở xuống nhà, cuống quít tìm hiểu tại sao Văn buồn như vậy? Đứng một mình trong gió lạnh, giữa trời đêm, tất nhiên là phải có nỗi buồn rồi. Nếu không buồn, tội gì Quang chẳng nằm cuộn mình trong chăn để xem phim hoặc nghe nhạc chứ?
Có tiếng chân người sau lưng, trái tim Quang đập rộn ràng trong lồng ngực. Có lẽ Phương không nỡ bỏ Quang đứng trong gió lạnh và cô đang sắp năn nỉ hắn xuống nhà cũng nên. Quang chưa chi đã vội nghĩ xấu cho cô nhỏ rồi.
Một cánh tay êm ái choàng qua vai Quang làm hắn chợt hồi tỉnh, vỡ mộng.
- Quang! Bộ con điên sao vậy hả? Xuống nhà mau lên!
Quang gượng cười cho đỡ..... quê độ:
- Có sao đâu mẹ? Đứng "hóng mát" chút thôi mà.
- Mẹ tìm con khắp nơi luôn. Có chuyện gì buồn, nói mẹ nghe đi?
- Làm gì có chuyện để buồn hả mẹ?
- Không buồn, sao con giống như một tên thất tình vậy? Hay là thất tình cô nào rồi?
- Mẹ ơi! Con không để ý bọn con nhái đâu, bọn họ tào lao lắm.
- Từ trước đến nay, con luôn yêu đời, vô tư, sống thoải mái lắm kia mà?
- Mẹ phiền quá. Mặc con đi!
Bà Lệ cười mơn trớn con:
- Thôi, không có gì thì thôi. Làm ơn xuống nhà cho mẹ nhờ. Chín, mười giờ đêm rồi chứ còn sớm lắm sao? Sương xuống ướt cả tóc, cả vai rồi đây này. Sáng nay ở công ty, có bị ba rầy không?
- Không có.
- Đừng giấu mẹ. Chắc cũng lại là thằng Văn nói ra nói vào với ổng chứ gì?
Bà Lệ xoay mặt Quang, mắt bà long lên dữ tợn lạ. Chỉ cần bà nghĩ đến Văn, đã nghe tức tối trong lòng rồi. Càng ngày, bà càng ác cảm với Văn hơn:
- Nó định hất cẳng con một cách hợp tình hợp lý để chiếm trọn công ty đấy, Quang ơi. Làm ơn ráng chịu khó làm việc đàng hoàng một chút đi, bao giờ ổng giao công ty cho con, mẹ mới yên tâm, Quang ạ.
Quang tránh ánh mắt nhìn khó chịu của mẹ, hắn gắt nhẹ:
- Lúc nào mẹ cũng đem chuyện tài sản công ty ra mè nheo con. Mặc ông Văn đi. Con đâu cần của cải như mẹ với ông Văn, hai người tranh chấp nhau làm con mệt óc quá rồi. Mẹ ơi! Sống có nhiều tiền mà không được vui vẻ thì sống làm gì chứ?
Bà Lệ la lên:
- Đồ ngu! Không tiền lấy gì sống vui vẻ thoải mái chứ? Con không cần nhiều tiền bạc của cải, nhưng mà mẹ cần. Rất cần, con nghe chưa?
Quang lắc đầu. Điều hắn cần, chẳng bao giờ họ nhắc đến, đó là tình cảm, một cuộc sống gia đình đầy thân ái. Họ mặc nhận điều đó để ngày nay qua ngày khác sống chung nhà với nhau, mệnh danh là một gia đình, một gia đình chứa đựng sự mâu thuẫn và tranh chấp vì vấn đề tiền bạc, của cải vật chất. Ôi! Quang chán quá. chẳng phải Quang đã tìm cách thoát ra khỏi bầu không khí ngột ngạt này từ lâu rồi sao? Quang đã cố phi tang sự có mặt của nó bằng cách bức lên, lồng lên như một con ngựa chứng. Quang phản kháng họ, Quang chống lại họ bằng cách thả trôi thả nổi cuộc đời của mình bao nhiêu năm qua. Quang chẳng thèm làm gì cả, Quang muốn trả thù sự nhẫn tâm của họ bằng cách ăn chơi quậy phá. Còn bây giờ, Quang đã thực sự muốn sống một cuộc sống đầy thân ái, ít ra là trong gia đình này. Quang muốn điều không thể có, mẹ và ông Văn vẫn tiếp tục chống đối nhau. Và Quang, hắn đã bị đem ra làm con cờ trong ván cờ giữa mẹ và ông Văn.
- Con đừng trốn tránh trách nhiệm nữa, Quang ạ. Mẹ đặt lòng kỳ vọng nơi con, chỉ có mỗi điều đó thôi. Nếu con biết thương mẹ, đừng có làm cho mẹ thua thằng oắt con đó nha.
- Mẹ về phòng ngủ đi. Con muốn đứng một mình, con không muốn nghĩ đến chuyện tranh giành tài sản với anh hai, ít ra là đêm nay.
- Nếu con không xuống nhà, mẹ bắt buộc phải gọi ba đấy nhá.
- Mẹ không cần gọi đến đây nhiều người như vậy. Con có sở thích riêng của con, con được tự do làm điều gì con thích, nếu điều đó không phương hại đến ai là được rồi.
Bà Lệ tròn mắt:
- Mẹ có gọi ai bao giờ đâu mà con bảo mẹ gọi đến đây nhiều người chứ hả?
Bây giờ đến lượt Quang ngạc nhiên:
- Chiếc áo này có phải do mẹ bảo Mỹ Phương đem đến không?
- Mỹ Phương? Lúc nãy con chẳng có mặc áo hở? Con định làm cho lạnh đến chết cóng là vì ai vậy? Con điên rồi chắc?
- Mẹ không bảo Mỹ Phương đi tìm con sao?
- Không. Lúc nãy Phương bận làm yaourt, chính mẹ mới đi tìm con khắp nơi. Mỹ Phương tự đi tìm con đó hả? Biết điều đấy, nếu mà nó để cho con trần lưng dưới sương đêm, nó chẳng được yên thân với mẹ đâu.
Trái tim Quang chợt nghe ấm lại. Hóa ra nãy giờ Quang trách lầm cô nhỏ rồi. Cô nhỏ tuy ngoài mặt luôn chọc tức hắn, nhưng cô nhỏ có ý quan tâm đến hắn. Sợ hắn đánh giá, cô nhỏ mượn danh mẹ hắn để đem áo cho hắn. Cô nhỏ sợ hắn biết cô nhỏ có quan tâm đến hắn như thế sinh ra mất mặt, vì thế cô tỏ ra lạnh lùng với hắn. Nhưng mà giờ đây Quang không nghe ấm ức vì giận hờn Mỹ Phương nữa. Quang muốn chạy bay xuống nhà tìm Mỹ Phương để nói với cô vài câu ngọt ngào một chút, ngặt một nỗi bà mẹ còn đứng đây, nên thôi.
Quang nói:
- Xin mẹ đừng xem Mỹ Phương như kẻ ăn người ở, dù ba của cô mắc nợ để cô phải làm việc trả bớt nợ theo điều kiện bắt buộc của mẹ. Mỹ Phương là một người có học thức và lòng tự trong, xin mẹ chớ coi thường cổ.
- Mẹ vẫn xem nó như một đứa cháu, con không thấy mẹ đối xử tốt với nó sao? Mỹ Phương làm việc như thế đâu có đủ trừ số nợ cha nó còn mắc với mẹ. Ở đây, nó chỉ thua mẹ một chút thôi, so ra nó còn sống khá hơn con gái mấy gia đình đủ ăn nữa kìa. Nó khác nào một cô tiểu thư, con còn xin cho nó nỗi gì chứ?
- Mẹ có cần gì chuyện giam lỏng Mỹ Phương như vậy hả mẹ? Có phải mẹ làm như thế là vì muốn thỏa mãn lòng tự ái, sự kiêu ngạo của mẹ không? Tại sao mẹ bắt Mỹ Phương phải xa cha của cổ? Mẹ làm gãy đổ cả tương lai của cổ, mẹ không thấy vậy là tàn nhẫn sao?
- Con không thể hiểu thâm ý của mẹ
đâu? Đối với mẹ, Mỹ Phương rất có lợi, dù nó chẳng làm gì cân xứng với món nợ cha nó đã vay của mẹ cả.
- Mẹ dùng thâm ý trong lúc sử dụng cổ à? Mẹ nói đi. Mẹ định làm gì Mỹ Phương?
Bà Lệ nói, giọng rất bình tĩnh:
- Mẹ làm gì, cũng vì con thôi, chỉ cần con bảo con thích Mỹ Phương, mẹ cho phép con được tùy nghi. Con bé dễ yêu đấy chứ Quang?
- Mẹ nói vậy là có ý gì?
- Nếu con thích Mỹ Phương, mẹ không cấm, chỉ cần con chịu làm tốt công việc ở công ty, cho ba con nhìn thấy con không thua kém thằng Văn là đủ rồi.
Quang la lên:
- Mẹ không được xem thường Mỹ Phương. Mỹ Phương là một cô gái đàng hoàng và có giáo dục, không nên xúc phạm đến phẩm giá và danh dự của cổ.
- Hôm nay con ăn nói lạ lắm đấy, hình như con trở thành một nhà đạo đức thì phải à?
- Con không bảo mình sống có đạo đức, nhưng con biết chắc chắn rằng mình chưa làm điều gì táng tận lương tâm khiến người đời nguyền rủa cả. Xin mẹ đừng tính toán gì trên Mỹ Phương. Con tôn trọng cô ấy và xem cô ấy như một người bạn tốt vậy, và con sẽ chống lại bất cứ ai có ý định làm hại cổ.
Quang nói xong, bỏ mặc bà Lệ đứng đó, chạy nhanh xuống thang lầu. Quang đâu có ngờ mẹ dụng ý sâu sắc như vậy. Bà đã xem thường tình cảm của hắn, bà đã xô đẩy Quang vào cái bả nhục dục thấp hèn duy để đạt được tới mục đích thôi. Đó là thằng Văn. Điều khiến Quang đau lòng nhất chính là chuyện bà đã đầy đạp lên danh dự của Mỹ Phương, và xem thường Quang. Một người mẹ chẳng những không dạy cho con sống có đạo đức và nhân ái, trái lại còn xúi giục con làm điều không đúng, cả đời bà lặn ngụp trong nỗi đam mê thâu tóm của cải, để làm gì chứ. Làm gì chứ? Dù gôm thâu tất cả của cải trên thế gian này, bà vẫn không hề mảy may nghĩ tới hạnh phúc của đứa con trai độc nhất là hắn, có lẽ bà xem hắn như một con robot mất thôi.
Bà Lệ quát lớn:
- Quang! Đứng lại đây cho mẹ bảo.
Quang không trả lời. Hắn đi xuống mấy bậc thang đã chạm phải Mỹ Phương. Cô nói:
- Sao ông lâu xuống phòng quá vậy. Tôi sợ ông đã chết cóng ở trên đó rồi chứ?
Tay Mỹ Phương cầm chiếc áo gió, cô trao cho Quang, cự nự:
- Ông sống thật là lập dị và khó hiểu, lúc mưa lúc nắng, sống cạnh ông, có ngày tôi điên mất. Bác Lệ bảo tôi đem áo này cho ông.....
Thay vì cầm chiếc áo gió, Quang nắm bàn tay Mỹ Phương. Nhớ lời mẹ nói Mỹ Phương lúc nãy, Quang cảm thấy thương Mỹ Phương làm sao.
- Mỹ Phương! Đừng có nói dối nữa. Tôi đâu có khờ đến nỗi không biết cô nói dối chứ?
- Ai nói dối?
Mỹ Phương rụt tay lại. Quang buộc lòng buông tay cô nhỏ một cách luyến tiếc, bàn tay Mỹ Phương nhỏ và mềm như một nắm bông.
- Cô đừng có mượn danh mẹ tôi nữa. Cô làm mây việc đó là vì tôi, sao cô không dám nói thật chứ?
- Tôi có nói dối đó, nhưng tôi làm mấy việc kia không phải vì ông.
- Chứ vì ai?
- Vì trách nhiệm của tôi. Ông mặc vào đi rồi về phòng ăn chén xúp nóng cho ấm người lại, kẻo cảm lạnh.
Quang nhăn mặt:
- Cô nấu xúp cho tôi cũng là vì trách nhiệm sao hả?
Mỹ Phương nhướng mắt:
- Đúng. Lúc nào tôi cũng tự nhủ mình phải "nhớ đến hợp đồng với bác Lệ".
Đúng là Mỹ Phương đang nói "mát" Quang. Nhớ hôm hắn đến vũ trường "Đêm Màu Hồng" để bắt Mỹ Phương ra về, hắn đã bảo cô có nhớ đến hợp đồng đã giao kết với mẹ hắn không. Có lẽ Mỹ Phương để bụng và giận Quang vì câu nói bất ngờ ấy, Mỹ Phương là chúa giận dai mà. Hôm ấy Quang đến với mục đích ngăn Văn không cho anh ta mê hoặc Mỹ Phương, nhưng nếu không viện lý do đó ra, Quang vịn vào cớ gì buộc Phương rời Văn đây. Đành phải làm cho Phương tự ái, kết quả hôm nay Quang lãnh đủ sự hờn mát của Phương.
- Phương làm ơn đừng có nhắc đến chuyện đó nữa, được không?
- Tôi cần phải nhắc nhở mình đừng bao giờ quên thân phận. Con người tệ hại nhất là sống mà quên đi thân phận của mình đấy, ông ạ.
- Phương có thể cho Quang này xin lỗi được không? Phương hãy bỏ lỗi cho tôi đi nha. Thực tế tôi luôn quý trọng Phương, đó là lời nói chân thành xuất phát từ đáy lòng, Phương ạ.
Phương im lặng, cô xoay lưng đi, Quang theo sau Phương. Hình như câu nói thành khẩn của Quang đã làm cho Phương cảm động.
Sau khi ép Quang uống hết chén xúp nóng, cô bảo Quang lên giường đi ngủ rồi nhẹ nhàng kéo chăn đắp tận cổ cho hắn. Quang nằm im không phản đối cử chỉ săn sóc của Phương, đó là lần đầu tiên hai người không cãi nhau.
Ông Hưng xếp tập hồ sơ lại, mỉm cười đầy vẻ mãn nguyện rồi ngước lên nhìn cậu con trai đang đứng cạnh. Vỗ vỗ vai con, ông gật gù:
- Con khá đấy. Ba không ngờ có ngày con chịu chăm chỉ giúp ba như vậy. Đàn ông con trai, đến một lúc nào đó rồi cũng hiểu cần phải tạo cho sự nghiệp. Được vậy ba mừng, cố như thế mãi nhé Quang?
Quang nhún vai, cử chỉ phớt đời đó như một thói quen rồi. Hắn đâu có thích người ta khen tặng mình, vấn đề là ở chỗ làm được hay không được thôi, cần gì phải khen chứ?
- Ba nói không đúng sao?
- Ba đừng khen tới khen lui, con không thích nghe ai khen mình đâu.
- Làm việc tốt phải có lời khen mới động viên được tinh thần người ta chứ Quang?
- Vấn đề con muốn nói với ba là không phải ở chỗ đó......
- Vậy chứ ý con thế nào?
- Ba.......
Quang cắn môi. Ông Hưng ngạc nhiên:
- Có gì khó nói lắm hả?
- Ba..... khi một đứa con gái ghét mình, có bao giờ chịu quan tâm săn sóc mình không?
- Làm gì có. Đàn bà con gái họ ít giả dối hơn giới đàn ông chúng ta, khi ghét, họ không thèm nhìn đến mặt nữa là.
Ánh mắt Quang ngời sáng. Hắn đâu qua mặt được ông bố, ông đã biết tẩy là Quang muốn gì rồi, nhưng giả vờ hỏi:
- Bộ con để ý đứa con gái nào thật sao?
- Có chứ ba. Chẳng những để ý, mà đúng hơn là sẽ cưới.
- Ái chà! "Song hỉ lâm môn" rồi đây. Văn cũng nói với ba nó muốn cưới vợ, bây giờ đến lượt con, cũng tốt thôi. Hôn nhân sẽ giúp cho người đàn ông vững vàng hơn đấy.
- Nhưng mà.......ba ơi! Cổ chưa có yêu con.
- Vậy sao cưới được?
- Con cũng không biết nữa.
- Con trai à! Ở đời có câu "muốn là được". Mình là nam nhi mà, thích thì cứ đeo đuổi, thế nào cũng được thôi. Có thể nói cho cha biết cô ta là tiểu thư con nhà ai không?
- Nếu cổ không phải là một tiểu thư con nhà giàu như trong ý nghĩ của bà thì ba nghĩ sao?
- Ồ! Đâu có gì quan trọng, quan trọng là cô ta tốt hay xấu thôi.
- Ba! Cổ là Mỹ Phương đó.
Ông Hưng tròn mắt:
- Mỹ Phương, cô cháu họ xa của mẹ con đấy à? Mỹ Phương xinh, ngoan, chăm chỉ, cũng tốt thôi. Nhưng có điều ba lo là mẹ con không đồng ý đâu, con với con bé có họ hàng với nhau mà.
- Bà à! Pháp luật qui định hẳn hoi giới hạn trong hôn nhân, không phải bà con cô cậu ruột, bạn dì ruột, chú bác ruột thì đâu cấm lấy nhau chứ ba?
- Con trai ơi!........
Ông Hưng cười:
- Điều đó có gì quan trọng đâu. Người ta chưa yêu con kia mà, chưa chiếm lấy được phân nửa trái tim con bé mà bày đặt đòi cưới. Xa vời lắm, con trai ơi!
- Con tin rồi đây Mỹ Phương sẽ yêu con, cổ quan tâm săn sóc con nhiều lắm, bà à. Chỉ cần ba mẹ không phản đối thôi.
- Được, ba khôNg phản đối. Ba hứa thuyết phục mẹ, nhưng ba muốn đặt điều kiện với con. Một là phải giữ mối quan hệ trong sáng đến bao giờ có thể cưới nhau, hai là con phải cố gắng làm việc, sửa đổi tính ham chơi lông bông, xa lánh đám bạn quậy phá tào lao của con đi nha.
- OK. Tưởng chuyện gì. Chuyện đó thì con xin hứa với ba.
- Được rồi, đừng có nôn nóng quá mà hư việc đấy. Mỹ Phương chưa có yêu con, đúng không? Để ý con gái người ta thì cũng phải từ từ, khéo léo, giống như ba hồi đó vậy, mẹ con thương ba lúc nào ba cũng chẳng hay, thế là ba tự nhiên tỏ tình và được chấp thuận ngay. Phải biết thời gian nào là tình cảm chín mùi, con trai ơi.
- Con thích ba, nể ba là ở chỗ đó. Ba giống như bạn của con vậy, tâm sự với ba, luôn được ở ba những lời khuyên và những kinh nghiệm chia sẻ. Còn anh Văn, ảnh xa cách con quá, hình như anh Văn không ưa con thì phải.
- Ưa hay không ưa gì cũng là anh em ruột thịt với nhau, đừng để người ngoài nhìn thấy hai đứa xào xáo nha.
- Đối với con sẽ chẳng có chuyện đó đâu. Con không thích phiền hà vì chuyện tiền tài vật chất:
- Nhưng thằng Văn và mẹ con thì có đó, Quang ạ.
- Rất tiếc là anh Văn muốn ăn thua đủ với mẹ.
- Thôi, chuyện tài sản để ba tính. Bao giờ hai đứa yên bề gia thất rồi, ba phải chia cho hợp lý thôi.
- Con không muốn nghĩ tới chuyện tài sản, ba ạ. Từ trước đến nay, anh Văn phụ ba coi sóc công ty, ba cứ giữ chuyện địa vị của ảnh đi. Con chỉ cần "một túp lều tranh với hai quả tim vàng" thôi.
- Được, ba đi đây. Con cứ ngồi đó tự do mơ "túp lều tranh với hai quả tim vàng" trong tương lai của con đi, ba không phiền con nữa.
Ông bố nói xong, ra khỏi phòng, đóng nhẹ cửa lại. Hắn đã "trụ hình" rồi, cũng nhờ hắn biết yêu một cô gái tốt. So ra, yêu một cô gái không quá giàu sang và gia đình tử tế, có lẽ là điều hay nhất của cánh đàn ông đấy. Chỉ cần một người vợ tử tế, người đàn ông sẽ được hưởng một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Như ông, cả đời chưa tìm được điều lý tưởng đó, bởi mẹ của Văn tính hơi ích kỷ và lại vắn số, còn mẹ của Quang thì rất đổi ham tiền. Đối với Lệ, chẳng bao giờ cho đồng tiền hiện có trong tay là đủ cả, Lệ luôn tìm kiếm, tìm kiếm không mỏi mệt. Quang không muốn giống mẹ của nó, nếu giống, có lẽ nó không chọn Mỹ Phương. Theo sự hiểu biết và sự suy nghĩ của ông thì gia đình Phương chắc chẳng lấy gì làm khá giả vì nếu khá giả, Mỹ Phương đâu có cần đến giúp việc cho vợ của ông. Theo lời bà Lệ thì Phương là một đứa cháu họ của bà, Phương xin lên đây để có mục đích vừa làm vừa học, mong sau này tìm được một việc khá hơn. Ông chỉ biết về Phương bao nhiêu đó thôi, công việc tấp nập ở công ty đôi lúc khiên ông Hưng không nhớ có MỸ Phương trong nhà. Nhưng cô gái dễ thương ấy gây được ấn tượng với ông vì tính cô rất siêng năng chăm chỉ và cần mẫn, không nệ khó, luôn làm vừa lòng mọi người. Cô có lễ độ, học thức khá, như vậy là tốt rồi.
Giữ lời hứa với Quang, hôm nay ông Hưng về nhà sớm hơn mọi khi. Đôi với Lệ, cần phải thuyết phục cho bà chấp nhận một cô gái không tiền bạc lẫn địa vị như Phương. Muốn vậy, phải giở chiêu nịnh vợ ra mới được.
Ông tìm thấy bà đang chăm sóc da mặt trong phòng riêng. Công nhận là bà còn rất đẹp, tuổi bốn mươi bảy, trông bà trẻ như người đàn bà bốn mươi. Ông giở chiêu nịnh:
- Trông em chẳng khác nào cô gái mười tám.
Lệ liếc chồng:
- Làm gì nịnh em dữ vậy ông xã, "có vấn đế" rồi đây.
Lệ quả thông minh, đến ông đôi khi còn sợ trí thông minh của vợ. Người đàn bà thông minh thường lắm thủ đoạn nguy hiểm khó lường.
Ông đứng sau lưng ghế của Lệ, vòng tay quấn nhẹ quanh vai bà, cười:
- Mỗi lần anh muốn khen vợ của anh đều phải vì mưu mô gì sao hả, bà xã?
- Đột nhiên hôm nay về sớm nè, rồi lại còn kiếm chuyện khen tặng người ta, ông xã ơi, em nghi ông lắm đó.
- Thấy đẹp thì mình khen đẹp. Vợ mình, mình khen, đâu khen vợ thiên hạ mà ngại ngùng chứ.
Bà cười mơn trởn:
- Nói thật không đó?
Ông xoa xoa vai bà một cách dịu dàng:
- Thật. Nhớ ngày mình mới để ý nhau, sao cuộc sống đơn sơ và hạnh phúc quá, phải không em? Mình thương nhau, chẳng cần nghĩ đến chuyện của cải hay là tay trắng, đúng không?
- Hôm nay anh nói chuyện lạ lắm đó nha. Anh lạ thật đấy anh Hưng, đừng làm em sợ chứ, anh Hưng.
- Không phải anh đột ngột nói đến chuyện cũ, có nguyên nhân anh mới nói chứ Lệ.
- Nguyên nhân gì, anh?
- Là do anh liên tưởng đến con trai của mình?
- Ai? Văn hay Quang?
- Cả hai.
- Chúng có chuyện gì khiến anh bận tâm vậy?
- Cả hai đứa đều bảo cho anh biết là chúng muốn lấy vợ.
Bà Lệ xoay người lại, tròn mắt nhìn chồng:
- Văn muốn lấy ai và Quang muốn lấy ai, nói em nghe xem nào?
- Bình tĩnh, bà xã ơi!
Ông Hưng nhập đề được câu chuyện rồi. Không vội nói, ông kéo ghế ngồi cạnh bà, choàng tay qua vai bà, giọng thủ thỉ:
- Văn thì nói với anh lâu rồi. Văn muốn cưới con gái anh chị Việt Nhân, cháu Hạnh Đoan đó mà. Chúng yêu nhau cũng vui vẻ chấp thuận mối tình tốt đẹp của chúng. Em tán đồng ý kiến nha?
Bà Lệ thoáng im lặng. Hạnh Đoan là con gái ông bà Việt Nhân, chủ hãng xe du lịch lớn trong Sài Gòn này. Hạnh Đoan là con gái một, rất mực được cưng chiều. Ái cha! Văn sa vào gia đình đó, giống như "chuột sa hũ nếp" vậy. Tức thật!
- Ồ! Tất nhiên là em phải tán đồng rồi chứ, anh Hưng.
- Cám ơn em. Con nó sẽ biết ơn em lắm đó.
- Còn thằng Quang?
- Quang thì.......
- Thì sao?
- Quang để ý một đứa con gái, tuy không thuộc hàng thiên kim tiểu thư như Hạnh Đoan, nhưng là một đứa con gái rất tốt, con bé khá xinh, ngoan ngoãn, chăm chỉ trong côngv việc, có học thức khá..... nói chung, đó là một cô gái tốt, Lệ ạ.
Bà Lệ nóng nảy:
- Nhưng con gái nhà ai mới được? Gia cảnh ra sao, có xứng hợp với thằng Quang con nhà mình không?
- Ồ! Nhìn là thấy xứng ngay, chúng rất đẹp đôi.
Bà Lệ nhăn mặt:
- Em hỏi xứng là xứng về địa vị lẫn vật chất kìa?
Ông Hưng cổ nén khó chịu:
- Con bé.... có lẽ khôn giàu bằng mình. Nhưng anh nghĩ chuyện đó không thành vấn đề gì đâu, em ơi. Chỉ cần một cô gái tốt là đủ rồi.
Bà Lệ xô ghế ra xa để nhìn vào mặt ông Hưng, giọng bà rít lên:
- Anh chỉ biết thằng Văn tốt phúc vớ được một đứa con gái cưng để hưởng trọng gia tài bên vợ là đủ rồi. Anh chẳng lo gì cho thằng Quang cả sao anh Hưng? Quang có phải là con của anh không chứ? Một đứa con gái tốt và không có chút của cải hồi môn mà anh cho là được à? Cái tốt của nó có đem ra ăn được không?
- Em quá đáng lắm. Quang chọn vợ theo ý nó, đâu phải theo ý chúng ta. Thằng Văn yêu Hạnh Đoan, đâu phải vì của cải gia đình Hạnh Đoan. Em đừng đem thằng Văn ra so với thằng Quang, chẳng có đúng đâu. Hơn nữa, hôn nhân là duyên nợ ông trời định sẵn rồi, muốn vợ giàu, nhưng trời định phải lấy một cô vợ tay trắng, vẫn phải chịu thuận theo ý trời thôi. Anh cần một điều là thằng Quang "trụ hình", chăm chỉ làm việc. Gia đình mình có tài sản, đâu cần thằng Quang hưởng của bên vợ. Đàn ông lấy vợ mà nhắm vào tài sản bên vợ, thiên hạ gọi là kỹ sư........ đấy.
- Kỹ sư gì?
- Kỹ sư đào mỏ.
- Nãy giờ anh chỉ nói vòng vo mà chưa trả lời điểm chính cho em. Vậy chứ em hỏi anh thằng Quang quen với con cái nhà ai, gia cảnh ra sao?
- Có ai lạ đâu. Quang nó thích con Mỹ Phương trong nhà mình đấy.
Bà Lệ nghiến răng:
- Mỹ Phương à? Chúng yêu nhau lúc nào mà em chẳng biết vậy?
- Chỉ có con trai em để ý con gái người ta thôi, Mỹ Phương chưa biết chuyện này.
- Vậy sao có chuyện cưới nhau được?
- Thì do đó, anh mới nói cho em biết, để giúp em giúp con một chút. Chẳng chóng thì chày, con bé cũng yêu Quang thôi, chúng luôn gần gũi nhau và con bé do em sai khiến săn sóc cho thằng Quang, lâu ngày ắt sinh ra tình cảm chứ gì?
Bà Lệ nuốt giận vào lòng. Chưa chi Quang đã làm hỏng kế hoạch của bà, bà sẵn sàng để cho hắn chiếm lấy Mỹ Phương, nhưng chuyện cưới hỏi thì thật là chuyện không thể có đấy. Quang rõ ngốc!
Suy nghĩ một chút, óc bà Lệ chợt tóe lên một kế hoạch mới, đã có cơ hội vòi vĩnh chồng, phải thực hiện ngay kẽo lỡ việc lớn:
- Được rồi, em đồng ý. Nhưng để cho Quang tập tành làm ăn, sau này biết cách lo liệu cho cuộc sống riêng tư của nó. Em có với anh một đề nghị nha?
- Em cứ nói đi!
- Em đề nghị như thế này. Anh giao dần quyền điều hành công ty cho thằng Quang. Lúc này Quang chịu làm việc rồi còn gì, anh cũng gần đến tuổi nghỉ hưu an hưởng thú điền viến rồi, nếu không giao cho con thì ai kế thừa đây?
Ông Hưng cảm thấy khó chịu trong lòng. Bà Lệ cố tình loại bỏ Văn ra khỏi công ty, bà chẳng thèm nhắc gì đến Văn cả.
- Anh nghĩ là chia cổ phần cho hai đứa, nhưng khôNg phải là bây giờ, Lệ ạ. Bao giờ chúng thành gia thất đàng hoàng kìa.
- Anh không thấy thằng Quang đòi cưới vợ tới nơi rồi sao? Quang đã lớn, anh mạnh dạn giao ngay cho nó đi là vừa.
- Nói vậy có nghĩa là em đồng ý cho Quang tiến tới với Mỹ Phương rồi, phải không?
- Vâng.
Bà Lệ gật đầu, sau cái mím môi. Nhưng ông Hưng cứ nghĩ là bà vì cưng Quang cho nên phải buộc lòng chiều con tất cả, ông Hưng đâu có biết trong lòng vợ đang tính toán một kế hoạch ngược lại, cho nên ông thoải mái đứng lên tháo cà vạt, cởi bỏ quần áo đi làm rồi nằm nhẹ ra mệm. Ông khoan khoái ngắm sau lưng vợ. Quả là hôm nay ông gặp hên, chẳng cần phải tốn nhiều công phu để thuyết phục vợ, ông vẫn thành công trong cuộc nói chuyện như thường. Chắc là Quang hắn mừng lắm đấy!
Mọi người đều đã ngồi vào bàn, họ vừa trò chuyện vừa chờ nhà bếp mang thức ăn lên. Ông Hưng gọi món bành mì nóng với hột gà ốp - la, một ly cacao, bà Lệ thì thích ăn đơn giản vừa thơm vừa cay nồng. Bà Lệ kêu lên khi chẳng thấy mặt Quang đâu cả:
- Ồ! Thằng Quang đâu, Phương?
- Da, để cháu đi xem, thưa bác.
Phương lễ phép nói, cô vội lên lầu tìm Quang. Ông Hưng gật gù:
- Con bé khá ngoan đấy chứ hả?
Bà Lệ thoáng cau mày, bà im lặng cắm cúi ăn món phở, không có ý kiến gì cả. Văn nói:
- Hình như Quang nó thích Mỹ Phương. Quang có vẻ nghe lời con nhỏ, mấy đứa giúp việc lúc trước đâu có được yên thân như vậy?
Bà Lệ trừng mắt với Văn:
- Thôi đi, con giỏi nói bậy. Quang đâu phải là người không biết điều đâu, chỉ vì Mỹ Phương là bà con họ xa với nó.
Văn im miệng, tiếp tục ăn. Một lúc sau Mỹ Phương trở xuống:
- Thưa bác, ông Quang bảo bệnh.
Bà Lệ nạt nhỏ:
- Cháu thôi cái tiếng "ông" đi nha. Bộ Quang nó già bằng tuổi ông của cháu hay sao chớ?
Đó là sự bực bọc vô cớ bà Lệ trút lên đầu Phương. Cô nói:
- Cho cháu xin lỗi.
- Cháu hỏi xem nó bệnh ra sao, rồi đi lo gọi bác sĩ đến khám và làm món ăn cho người bệnh riêng nhé, nhớ chưa?
- Dạ, để cháu lo.
Mọi người rời bàn ăn và đến công tay của họ. Còn lại Phương, cô dọn dẹp tất cả tô, chén, ly tách xuống bếp. Trong lúc đó, Quang còn nằm trong chăn, lim dim giả vờ ngủ.
Xong việc, cô trớ lên, gõ cửa phòng hắn. Tiếng Quang vọng ra:
- Phương mở cửa vào đi. Tôi vẫn còn trùm chăn đàng hoàng mà.
Phương đẩy cửa vào, nói:
- Mặc kệ ông chứ liên can gì đến tôi. Tôi đi mời bác sĩ nha, ông muốn ăn gì để tôi lo liệu?
Quang mở mắt nhìn Phương:
- Thôi, cảm xoàng, không cần gọi bác sĩ làm gì mất công. Phương có thể nấu xúp....... giống như cái hôm ông Văn bệnh không?
Phương trợn mắt, chìa tay:
- Xúp...... tim người đó hả? Moi tim ông đưa đây đi.
Quang cười, hắn đã gài bẫy được Phương nói theo ý hắn nên nói ngay:
- Thôi, nấu bằng trái tim của Phương đi. Tim Phương chắc ngon lắm.
Phương nghênh mặt:
- Nấu cho anh Văn ăn mất rồi. Còn ông, ăn tim....... heo đỡ đi nha?
Quang nhăn mặt, cười. Đột nhiên hắn ngồi dậy, giả bộ mọi nơi tim rồi đặt vào tay Phương, sẵn dịp Quang nắm lấy bàn tay mềm ơi là mềm của Phương. Phương vội trụt tay lại, la lên:
- Không đùa kiểu đó nha. Nói thiệt đi. Ông có bệnh không vậy?
Quang bước xuống đất, hắn rũ rũ mái tóc rối bồng đến dễ thương:
- Cọp vật tôi cũng không chết, nói gì đến mấy con vi khuẩn tầm thường đó, Phương ơi.
Phương nhìn Quang, cô tròn mắt kinh ngạc. Không bệnh, tại sao hắn giả bệnh để gạt mọi người, hắn đang giở trò gì đây chứ?
- Ông giống như trẻ con, đùa vô ý thức.
Quang đến gương, lấy chiếc lược, nghiêng mình, cào cào vào mớ tóc trên đầu. Nhìn Phương trong gương phản chiếu, hắn nheo mắt:
- Bệnh thì giả, nhưng muốn ăn xúp do Phương nấu là có thật đấy. Phương có thể nấu giùm...... anh một tô xúp không?
Tiếng "anh" ngọt như đường cát, mát như đường phèn của Quang chợt làm Phương đỏ mặt. Rõ ràng, Quang đối với cô có cái gì đó rất lạ........ như là nũng nịu để mong được cô chiều chuộng vậy. Từ khi có Phương, Quang thay đổi hẳn tính nết, Quang ra vẻ đàn ông hơn.
Phương nói, giọng dịu hẳn đi:
- Tôi nấu đâu có ngon lành gì, để tôi ra nhà hàng mua vậy.
- Không. Nhà hàng họ nấu đồ dở hơn Phương nhiều.
- Ông đừng có đùa dai nha Quang.
- Hay là anh chở Phương đi ăn sáng. Phương thay đổi xiêm y đi, anh chờ, hả?
Phương chợt hiểu ý Quang, cô đỏ mặt, lắc đầu. Tính hung hăng biến mất, nhường vào đó là một cô nhỏ Phương nhát như thỏ:
- Thôi. Tôi còn phải giúp chị bếp nhiều việc lắm, không đi với ông được đâu. Ông đi một mình đi.
- Thôi. Đi một mình buồn lắm, ăn uống không ngon.
"Ý đồ" quá rõ ràng rồi, còn gì nói nữa chứ. Phương tìm cách trốn Quang:
- Tốt hơn hết là ông đi làm đi nha. Bác Hưng, bác Lệ và anh Văn đã đi lâu rồi. Ông báo hại cả nhà lo lắng, nếu ông còn ở nhà, mọi người sẽ không yên tâm vì ông đâu.
Quang nhìn Phương, mắt hắn nồng nồng:
- Nếu Phương nhắc nhở anh suốt đời, anh cũng muốn làm một gã lười nhác để chờ Phương nhắc nhở suôt đời đấy, Phương ạ. Phương hiểu không?
Quang tiến gần Phương khi Quang gần chạm vào người cô, cô nói nhanh:
- Tôi không thèm hiểu đâu.
Rồi xoay người, cô chạy ra cửa.
Một lúc sau, Quang xuất hiện ngang ngưỡng cửa nhà bếp. Quang đã ăn mặc đàng hoàng, rất đẹp trai bởi nụ cười đáng yêu của hắn. Hắn nhìn Phương, cười rồi đi ra. Một lúc sau, Phương nghe tiếng xe rời khỏi cổng. Quang đã đi làm. Ôi! Nếu bác Hưng, bác Lệ phát hiện ra tình cảm của Quang dành cho Phương, có lẽ họ phản đối ghê lắm. Phương dù sao cũng chỉ là một cô bé giúp việc cho gia đình họ. Phương chợt buồn. Quang không giống như những lời đàm tiếu của mọi người và cũng không phải là một "ông ngáo ộp" trong ý nghĩ của Phương. Quang có tâm hồn trong sáng, có tình cảm đáng mến, Quang hiền hòa và ít rắtc rối hơn anh Văn, Qaung dễ hiểu hơn anh Văn và có lẽ tình cảm Quang dành cho Phương chân thật hơn anh Văn. Tự dưng nghĩ đến Quang, trái tim Phương chợt nghe nhoi nhói đau, xôn xao tình cảm lạ thường. Hình ảnh anh Văn chợt trôi xa........ trôi xa......
Bà Lệ dừng xe, sau đó đi thẳng vào "Salon d'auto" của công ty Việt Nhân, giả vờ ngắm nghía mấy chiếc xe bốn bánh đời mới như muốn mua sắm vậy. Bà Việt Nhân thấy khách, vội chào mời:
- Mời chị xem đi nha, có cần gì, cứ hỏi, chúng tôi sẽ sẵn sàng trả lời.
Bà Lệ lấy gọng kính gõ gõ trên một chiếc màu sữa, nói ;
- Dự định đối cho ông nhà một chiếc, tôi đi xem trước về báo cáo với ổng. Ổng bận bịu công việc suốt ngày hà.
- Vâng, xin cứ tự nhiên.
- À, chị này! Chị biết Công ty Hoàng Hưng chuyên ghề làm hàng da không? Công ty nhà tôi đấy.
Bà Việt Nhân giật mình:
- Nhìn chị trông quen quen, có phải chị là....... chị Hưng không?
- Đúng, tôi là vợ anh Hưng, là mẹ kế của thằng Văn. Nghe ông nhà nói Văn muốn cưới cháu Hạnh Đoan của chị đấy hả?
Khách hàng, giờ hóa ra chỗ thân tình, cho nên bà Việt Nhân mời bà Lệ vào nhà trò chuyện. Bà cũng muốn hiểu thêm về gia đình Văn đây mà. Sau khi yên vị trên salon, bà Lệ nói:
- Chị Nhân có định gả cháu Đoan cho thằng Văn không vậy?
Bà Việt Nhân cười:
- Văn với Đoan quen nhau và dự định tiến đến hôn nhân đấy, chị ạ.
- Ý chị thế nào?
- Cháu thương ai thì mình gả nấy. Hơn nữa, Văn rất tốt tính và biết điều, tiếng tăm anh Hoàng Hưng, ai cũng nể mặt. Ông nhà tôi có biết về anh Hoàng Hưng.
- Cha của nó tốt đấy. Nhưng ở đời lại có nhiều điều trớ trêu lắm, chị Nhân ơi.....
Bà Việt Nhân nhìn bà Lệ, thắc mắc:
- Ủa, chị nói vậy là sao?
- Là thằng Văn nó chẳng có giống cha của nó tí nào cả. Mới đây thôi, nó đã làm chuyện tai tiếng........
- Khoảng bao lâu, và Văn đã làm chuyện tai tiếng gì?
Bà Việt Nhân hỏi dồn, lòng nghi ngờ khi nghĩ đến thời gian gần đây Văn với Đoan có lục đục với nhau. Đoan nói với cha mẹ rằng cô đã chính thức chia tay cùng Văn rồi, có lẽ là có nguyên nhân.
- Văn nó quan hệ không trong sáng với con bé giúp việc nhà tôi, con bé Phương ấy mà. Tội nghiệp con bé. Bây giờ thì Văn nó lại định chạy chối trách nhiệm đấy, chị ạ.
Bà Việt Nhân kinh hãi:
- Trời ơi! Có thật vậy sao? Khổ cho cháu Đoan nhà tôi rồi. Vì chuyện đó cho nên Đoan đổi tính ăn chơi quậy phá lung tung, tôi cứ ngỡ Đoan theo bạn bè xấu nên hư, nào ngờ là vì thằng Văn. Tại sao lại có chuyện như vậy, chị không gạt tôi chứ?
- Làm gì dám gạt chị. Gạt chị, còn gì uy tín của tôi. Tôi là mẹ kế, nhưng cưu mang Văn từ lúc nó còn nằm trong nôi. Bây giờ, Văn đối xử với tôi cũng đâu có ra gì. Tính nó đạo đức giả lắm, tại chị với cháu Đoan nhận xét lầm người đó thôi.
Bà Việt Nhân tái mặt:
- Đoan nó phá bĩnh vì thất vọng thằng Văn, không khéo nó theo bạn bè xấu hư mất. Tôi phải làm sao khuyên nó đây? Chị có thể chỉ cho tôi một cách thuyết phục con gái tôi không?
Bà Lệ cười nham hiếm:
- Có gì khó đâu. Cứ gả chồng cho tiểu thư, sẽ yên ổn ngay.
- Ai cưới mà gả? Hơn nữa, Đoan chưa tốt nghiệp đại học, mà nếu tốt nghiệp đại học xong, Đoan vẫn phải ra nước ngoài du học một thời gian rồi mới tính đến chuyện hỏi cưới. Lúc trước, Đoan và Văn thỏa thuận chờ nhau mấy năm, sao tự dưng Văn sinh tật xấu vậy kìa?
Bà Lệ giả vờ thở dài sườn sượt:
- Ôi! "Sông sâu sào vắn khó dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người", ông bà ngày xưa đã nói rồi mà. Biết người, biết mặt, khó biêt lòng dạ họ nông, sâu, chị Nhân ạ!
- Đã đành chuyện thế thái nhân tình như vậy, nhưng đâu có nghĩa là tất cả mọi người đều giống nhau. Văn quen con Hạnh Đoan nhà tôi cũng hơn một năm trời rồi còn gì, và Văn tỏ ra rất quân tử, đâu thể giả bộ lâu như vậy chứ?
- Bao giờ mục đích chưa đạt, con người nham hiếm vẫn có thể giả vờ. Chị biết thằng Văn mới một năm, còn tôi biết nó những hai mươi mấy, ba mươi năm rồi. Ai hiểu nó hơn ai?
Bà Việt Nhân nhăn mặt, nói bằng giọng lo âu ray rứt, cầu cứu:
- Chị nói em phải làm sao bây giờ đây?
- Gả chồng cho Hạnh Đoan.
- Gả cho ai mới được?
- Gả cho con trai tôi, em một cha khác mẹ với thằng Văn. Quang, con trai tôi rất tốt, giỏi giắn, nay mai sẽ nắm toàn bộ quyền điều khiển công ty Hoàng Hưng. Nếu mà cháu Đoan chịu ưng lấy Quang, tôi về tiến hành ngay.
Bà Việt Nhân lắc đầu:
- Có lẽ nó không đồng ý đâu. Lớp trẻ bây giờ không dễ cưới nhau, nếu không thông qua chuyện quen biết tìm hiểu rồi yêu đương vì cảm thấy tâm đầu ý hợp. Hơn nữa, Đoan nó có lòng tự trọng chứ, vì con trai chị lại là em của Văn.
Bà Lệ im miệng, một lúc mới nói:
- Vậy thì cứ lo cho hai chúng nó gặp nhau thử xem. Quang rất đẹp trai và ăn nói có duyên, lại chưa có người yêu. Đời bây giờ sống hiện đại hóa, đâu còn câu nệ nữa, bọn trẻ yêu nhanh như chớp và cũng chia tay nhanh như chớp, chỉ cần thấy đủ điều kiện là lập tức yêu ngay thôi.
Bà Việt Nhân lắc đầu:
- Em không tin bọn trẻ thực dụng quá mức như lơinòi của chị đâu. Đoan chưa quên Văn, chưa cảm tình với Quang, sao có thể ưng lấy Quang được?
- Nếu chị đồng ý, chúng ta cùng hợp tác tạo điều kiện cho Đoan với Quang quen nhau.
- Để dò xét tình hình của chúng một thời gian, chị Hưng ạ. Em không muốn áp đặt con cái đâu.
- Nhưng chị nhớ đừng gả Đoan cho thằng Văn nghe. Văn rất tác tệ, gả Đoan cho nó, làm khổ đời con bé.
Bà Nhân kêu nho nhỏ:
- Trời ạ! Làm sao ngờ được.
Bà Lệ vuốt theo:
- Đúng. Làm sao ngờ được.
Câu "làm sao ngờ được" của bà Nhân không giống như sự suy nghì của bà Lệ. Bà Nhân có ý bảo "làm sao ngờ được trên đời này có một người ác như kế mẫu của Văn, con chồng mà cũng hại được". Bà Nhân không bao giờ tin những câu nói xấu về Văn, có lẽ bà Lệ "thừa nước đục thả câu" thôi. Văn rất tốt với Đoan và cũng rất yêu Đoan, tác phong, ngôn phong đều không có gì chê trách, làm sao Văn có thể hành động tệ hại như vậy. Điều này cần phải hỏi cho ra lẽ mới được.
Bà Lệ ngỡ bà Nhân đã chán ngán Văn, nên bảo:
- Em sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời anh chị cùng cháu Đoan đến chơi cho biết nhà. Ôi! Chị đừng ngại chuyện của thằng Văn, nhất định vì xấu hổ, nó sẽ tránh mặt thôi.
- Để "hạ hồi phân giải", nha chị Hưng? Hay là mình ra xem xe đi?
Bà Nhân đuổi khéo bà Lệ. Chưa kịp nhìn bà Lệ đứng lên, bà Nhân đã đi ra cửa hàng. Buộc lòng bà Lệ phải đi theo, sau đó bà Lệ giả vờ xem mấy chiếc xe, hỏi giá cả rồi kiếu ra về.
Mục đích của bà Lệ là không phải gì khác hơn chuyện phá Văn. Bên gia đình Đoan từ chối lời cầu hôn của Văn sẽ khiến Văn phải khổ sở, Văn phải vỡ mộng bà Lệ mới vui. Nếu đứng yên nhìn Văn ung dung cưới Đoan rồi hưởng cả tài sản bên vợ, sau đó lại chia đôi tài sản với Quang, bà tức tối chịu không được. Tất nhiên ông Hưng phải chia đôi tài sản mới công bình, làm sao ông Hưng để cho Văn hưởng của bên vợ để chuốc lấy tiếng thị phi mà không lo liệu cho Văn chứ? Bà Lệ thừa biết chồng chẳng nghe lời mình nếu không hiểu tường tận vấn đề. Ông Hưng không lệ thuộc đàn bà, ông để cho bà làm ăn riêng, chẳng qua là muốn kềm hãm bớt tính ganh tỵ của vợ với con riêng thôi. Ông rất yêu Văn, và cũng chưa bao giờ ông yêu Quang hơn Văn. Bà Lệ cảm thấy bất lực và ganh tỵ bởi ông Hưng không tỏ ra ưu ái Quang hơn Văn, từ đó sinh ra ghét Văn.
Anh Văn! Có cô Đoan muốn gặp.
Thư ký vừa báo, Văn đã chạy bay ra đón Đoan. Ôi! Văn cảm thấy mọi phiền muộn tiêu tan cả. Đoan đã hết lỳ lợm với anh, Đoan tự đến đây làm hòa với anh rồi đó. Thật là hạnh phúc. Văn liên tưởng đến buổi tối nay tay trong tay, không còn hờn giận, lại chất ngất thương yêu, nhất định Văn sẽ hôn Đoan...... một trăm lần cho bõ nhớ nhung.
Văn đã nhìn thấy Đoan đứng trước sân công ty. Đoan ăn mặc rất...... quậy với một cái quần jean bó chẽn và một chiếc áo......... khỉ, tuy vậy, nhìn Đoan càng đẹp hơn.
Văn kêu lên bằng giọng sung sướng:
- Đoan! Vào đây đi em.
Đoan khoanh tay, kênh......sì - po với Văn, nghênh mặt:
- Không cần. Tôi đứng đây nói chuyện với ông mấy câu rồi ra về.
Văn tối mặt:
- Gì kỳ vậy? Sao lại mấy câu chứ? Chẳng phải Đoan đã hết giận anh sao?
- Hết giận ông? Đừng có nằm mơ nha.
- Anh không hiểu Đoan muốn nói gì?
- Ông có thể.......... xích xích ra gần cổng chút xíu không, ngừa lúc tôi nóng, nói lớn tiếng, thiên hạ họ cười ông thối mũi đấy.
Ai cha! Thì ra cô nhóc đến đây để gây sự. Đã bảo vĩnh viễn chia tay nhau, sao còn kiếm chuyên nữa vậy kìa? Văn vừa buồn, vừa tức cười. Đoan là một cô nhóc chúa bướng, muốn làm theo ý của Đoan thôi. Văn nghĩ mãi cũng không biết mình đã "phạm thêm tội" gì với cô nữa đây?
- Đoan à!
Văn nhỏ nhẹ, cố ý dấu dịu với Đoan:
- Có chuyện gì thì cứ từ từ nói nha. Anh không chạy trốn đâu mà Đoan lo.
- Đúng rồi. Ông không chạy trốn đâu, mà ông học thói sở khanh, định quất ngựa truy phong thôi.
Văn tròn mắt. Đoan nói gì, thật sự Văn không hiểu nổi.
Đoan đi ra cổng, buộc lòng Văn phải đi theo. Đoan nói:
- Tại sao ông lừa dối tôi chứ? Ông lợi dụng lòng "thơ ngây vô tội" của tôi để....... bắt cá hai tay. Ông ác đến nỗi bắt tôi đi sắm quần áo cho "họ", còn bảo là mua cho đứa em gái bà con dưới quê lên.
Đoan thút thít và cô quẹt ngang mấy giọt nước mắt đang chực chảy ra, nghênh nghênh mặt ra chiều tức tối lắm:
- Ông là đồ phản bội!
- Đoan nói rõ ra đi. Đoan nói gì kỳ quá vậy?
- Ông..... ông......với cô ta....... làm điều tác tệ, còn nói nữa hả?
Văn tròn mắt:
- Cô ta nào?
- Ai vào đây? Là con bé em bà con họ dưới quê lên, hay đúng hơn là con nhỏ giúp việc cho nhà ông. Đừng làm bộ ngây thơ "cụ" nữa.
Văn chợt nhớ đến Mỹ Phương. Tự anh đã hại anh, rồi còn hại đến Mỹ Phương. Đêm ở vũ trường, Đoan với Văn cãi vã nhau và Đoan nhìn thấy rất rõ Văn ôm Phương rất chặt, chặt đến nỗi Phương sắp chết ngạt. Thảo nào Đoan đến đây bài tội Văn. Nhưng mà chuyện đó xảy ra lâu rồi, có lẽ gần một tháng trời, tại sao đến bây giờ Đoan mới tìm Văn để mè nheo anh chứ? Thật khó hiểu vô cùng.
Văn cười gượng, miệng méo xệch:
- Đoan hiểu lầm anh rồi. Phương còn rất ngây thơ mà. Thú thật, hôm đó vì Đoan giận anh dai quá, đến nỗi anh làm hòa không được. Vừa giận vừa buồn, anh rủ con bé đi chơi, dẫn con bé vào....... tập cho nó mấy bước. Anh với Mỹ Phương có gì đâu?
Đoan hét lên:
- Tôi không tin.
- Chuyện anh nhờ Đoan chọn bộ quần áo là vì thấy Phương mặc ba cái thứ quần áo dưới quê không hợp thời trang thôi, có gì lớn chuyện đâu.
- Tôi không tin?
- Phương chỉ xứng với thằng Quang nhà anh thôi. Chúng nó đang có cảm tình với nhau, đừng nói bậy, Quang nó giết anh đấy.
- Tôi không tin! Tôi không tin!
- Đoan không tin thì không tin, anh chẳng có nói dối Đoan điều gì cả. Quang yêu Phương đấy.
- Cô ta là thứ con gái hư, vơ vào một lúc cả anh lẫn em, đó không thể là yêu được. Cái loại con gái hạ cấp.
- Xin, Đoan đừng nặng lời với Mỹ Phương. Mỹ Phương có học và tốt tính, chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc, Mỹ Phương mới phải đến giúp việc cho gia đình anh thôi. Cô bé không mất tư cách như lời Đoan nói đâu, Đoan ạ.
Đoan quá đối trẻ con trong cách đối xử. Lúc giận, Đoan không giấu giếm điều gì trong lòng, cô nói tuốt luốt ra hết mọi suy nghĩ, chẳng úp mở, chẳng rào đón, nghĩ sao, lập tức phát biểu ngay. Đoan nói linh tinh thêm nhiều thứ nữa, Văn cảm thấy hơi khó chịu. Thật ra, Mỹ Phương vô tội, chỉ có anh là có lỗi thôi. Lỗi với Mỹ Phương nhiều hơn là lỗi với Đoan.
Văn nghiêm mặt. Chiều quá, Đoan sinh hư, nếu không sửa Đoan mấy câu, Đoan sẽ "được đàng chân, lân đàng đầu" mất.
- Đoan im đi. Đoan nói toàn những câu bất lịch sự vậy mà Đoan nghe được à?
Đoan ức quá. Nghĩ Văn ra mặt bênh vực Phương để ăn hiếp Đoan, cô hét lớn:
- Ông nghĩ tôi chia tay ông rồi muốn làm gì thì làm sao hả? Ông chưa có quyền đó đâu nha.
- Tại sao?
- Bao giờ tôi cho phép, ông mới có quyền quen với kẻ khác, ông nghe rõ chưa? Nếu cãi lời tôi, ông khó sống đấy.
- Đoan giải thích lý do cho anh nghe đi? Chia tay rồi, đường ai nấy đi, Đoan có quyền gì ra lệnh cho anh?
Đoan nói một câu hết sức trẻ con, và cũng chính câu nói ấy khiến trái tim Văn suýt chút xíu nữa đã nhảy ra ngoài:
- Tôi chia tay ông, nghĩa là tôi không còn yêu ông, nhưng tôi cấm ông yêu người khác. Ai đến gần ông, thậm chí nói ngọt với ông, hoặc liếc ông một cái là có chuyện lớn với tôi ngay.
- Văn giơ tay lên trời, cười rồi kêu lớn:
- Trời ạ! Không thể nào hiểu nổi vì sao mình bị "tước quyền công dân" như vậy nữa. Được rồi, Đoan không cần phải lo lắng. Ngày mai anh sẽ vào chùa tu, làm hòa thượng luôn cho Đoan vừa lòng.
Nói không còn yêu, nói thực sự chia tay, vậy mà còn cấm không cho Văn yêu bất cứ ai, thậm chí không cho ai đến gần Văn, nói ngọt với Văn, cả một cái liếc mắt cũng cấm nốt, vậy là sao? Đoan không còn xem Văn là người yêu của cô, Đoan cần gì phải "quản lý" Văn ghê vậy chứ? Đoan đúng là trẻ con, giận thì giận dai và "nư" thì lớn. Đoan nói chia tay và không còn yêu Văn là để Văn phải năn nỉ ỉ ôi năm lần bảy lượt, chứ nào phải Đoan hết yêu Văn. Đoan "quậy" để làm cho Văn phải chú ý đến Đoan. Đoan chúa "ghen" nên vừa nghe mẹ kể Văn mách chuyện Văn..... dan díu với một cô giúp việc tên Phương, lập tức Đoan đi tìm Văn ngay, để cấm Văn không được "qua lại" với Phương, cấm Văn kông được dành trái tim cho ai ngoài Đoan. Còn chuyện Đoan yêu Văn hoặc là không yêu Văn là quyền của Đoan. Đoan vừa trẻ con, vừa độc tài vô cùng, và cũng vì điều đó, Văn mới phát hiện ra rằng chuyện chia tay với Đoan là không bao giờ có thật, cũng như chưa bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ có thể xảy ra. Ô la la! Văn cảm thấy trái tim lâng lâng như người đang bay trên mây vậy. Văn cứ thế mà cười, cười mãi.
Đoan nạt:
- Ông cười cái gì chứ? Có gì đáng để cho ông cười đâu?
- Cười gì mặc anh, liên quan chi tới Đoan?
- Nếu ông cười tôi là có liên can đấy?
- Tự Đoan thấy mình đáng cười hả?
- Ai bảo với ông?
- Vậy thì mặc anh đi.
- Không. Ông phải thú thật cho tôi biết. Ông có cười tôi không? Nếu ông không nói, tôi sẽ chẳng để ông yên đâu.
- Quyấy nhiễu ghê vậy cô nhóc?
- Tôi không phải là cô nhóc của ông nữa.
- Anh cũng đâu có bảo Đoan là của anh đâu nào? Hình như chúng ta chính thức chia tay rồi mà, Đoan?
Văn cố tình trêu Đoan, và cảm thấy thích thú với trò chơi cút bắt này. Văn giữ Đoan như người ta giữ một chiếc bóng bay, muốn cho bong bóng bay xa hay đến gần, chỉ cần giữ hoặc thả sợi dây cột bóng. Có một sợi dây vô hình như thế giữa tình cảm Đoan dành cho anh, nhưng mà hiện tại, Đoan nhất định phủ nhận điều đó. Văn rất hiểu tình cảm của Đoan dành cho Văn, và anh thích thú trêu cô. Bây giờ nếu Đoan có giận hờn hay kiếm bao nhiêu chuyện quấy nhiễu Văn, Văn cũng đâu thèm lo lắng chi cho mệt. Trước sau gì thì Đoan cũng vẫn là Đoan thôi mà.
Đoan nhìn Văn, ánh mắt có lửa:
- Tôi đâu có phủ nhận chuyện chia tay với ông, cần gì nhắc nhở?
- Riêng anh, anh thấy mình cần phải nhắc lại cho Đoan nhớ. Anh sẽ không lệ thuộc Đoan nữa, anh làm gì, yêu ai là mặc tình anh. Đoan không có quyền can thiệp, rõ chưa?
- Tôi thách ông đó.
Cô nhỏ tức quá, đổ quạu, la lớn:
- Ông hãy đợi đấy.
- Làm gì anh nào, cô nhóc? Hay là cô nhóc sẽ khóc hết nước mắt?
- Đời nào tôi thèm khóc chứ? Mà tôi sẽ trả thù ông cho bõ ghét.
- Anh chờ cô nhóc trả thù đây này.
- Ông là một cái thứ đáng ghét. Tôi ghét ông, tôi hận ông. Ông ác lắm!
Văn giả vờ làm mặt nghiêm, nhìn Đoan, lắc đầu. Muốn trị cho Đoan bỏ thói đỏng dảnh, chỉ có một cách là tỏ ra dửng dưng trước những cơn làm mưa làm gió của Đoan. Không "trị" Đoan bây giờ, mai này sẽ khổ với Đoan mất thôi. Người ta có câu: "Dạy con dạy thuở còn thơ, dạy vợ dạy thuở ban sơ mới về", chưa là vợ, nhưng dạy...... dần dần là vừa rồi đấy.
Đoan nói, Văn biết Đoan đang kiếm chuyện.
- Ông đừng nghĩ rằng tôi đến đây là còn tiếc nuối tình cảm của ông.
Văn nhún vai:
- Anh đâu có nghĩ.
- Đừng nghĩ là tôi còn thương ông.
- Cũng không nghĩ.
- Đừng nghĩ là tôi...... ghen.
- Chưa bao giờ nghĩ.
- Đừng nghĩ là tôi không chia tay với ông.
- Cũng chẳng nghĩ nốt.
Đoan tức quá, òa khóc:
- Ông......
- Thì anh đây, cứ nói cho hả giận trong lòng Đoan đi. Đoan cứ xem anh là một cái..... hồ lô phép của Tề Thiên, anh có thể chứa tất cả những nỗi giận hờn Đoan muốn trút mà.
Đoan tức không thể chịu được. Văn chẳng có một lời năn nỉ Đoan, trái với dự đoán của Đoan, làm sao không tức cho được chứ?
Quả là Văn hết thương Đoan rồi. Nếu còn thương, anh ta đâu lạnh lùng như một con robot vậy chứ?
- Sao Đoan không nói?
Đoan bướng bỉnh gạt mấy giọt nước mắt đáng ghét đang lăn trên má, nghênh mặt:
- Tôi khóc không phải vì ông đâu nha.
- Tất nhiên rồi.
Đoan đi ra cổng, Văn rất muốn chạy theo và ôm Đoan vào lòng để dỗ dành cô. Nhưng thôi, với Đoan cần phải cho uống một loại thuốc thật đắng, càng ngọt ngào, càng khó khuất phục được con ngựa chứng trong Đoan, Đoan giống như một con ngựa chứng vậy. Rốt cuộc rồi cô cũng tự đến tìm Văn thôi, bởi còn "ghen" tức là còn thương.
Đoan đang ngồi "sầu đời" thì có tiếng mẹ gọi:
- Đoan ơi! Có điện thoại.
Đoan uể oải:
- Dạ.
Mấy ngày nay, Đoan buồn ghê lắm. Quả là Văn đã thay đổi thật sự rồi, Văn chẳng còn để ý đến những chuyện vui, buồn của Đoan nữa. Lúc trước, chỉ cần Đoan khẽ cau mày là Văn đã hỏi han Đoan, tìm hiểu xem tại sao Đoan buồn, tại sao Đoan giận, rồi Văn nói đủ chuyện trêu chọc Đoan cho Đoan vui, lúc nào Văn cũng chiều ý Đoan, chiều một cách vô điều kiện. Thế mà bây giờ Đoan bảo Đoan khóc, Đoan buồn không phải là vì Văn, Đoan không còn thương Văn, Đoan ghét Văn, Đoan hận Văn........ Văn cũng dửng dưng, còn khoanh tay khinh khỉnh nhìn Đoan và nhe răng cười, mấy câu trêu tức của Văn còn ác hơn dao búa, nó cứa nát trái tim Đoan, cứa....... ngấu cứa nghiến vào lòng tự ái vốn luôn cao như núi của Đoan.
Giọng Đoan ỉu xìu:
- Alô! Đoan đây. Ai ở đầu giây kìa vậy?
Một giọng nói phụ nữ ngọt như......đường cát êm dịu cất lên:
- Alô! Có phải Hạnh Đoan đó không con?
- Bà là ai vậy?
- Bác là mẹ của thằng Văn.
- A, bác Lệ. Có chuyện gì không bác?
- Nói cho con nghe chuyện này nha. Văn nó lại đi dan díu vớicon nhỏ giúp việc nhà bác nữa đấy. Hôm nay, chúng nó chở nhau về Bình Dương đấy.
Đoan cảm thấy choáng váng. Ghen ơi là ghen! Văn không còn nể mặt Đoan nữa rồi, và con nhỏ hạ cấp chết tiệt kia đã qua mặt Đoan mà không thèm cả.........bóp còi. Tức thật! Đoan như thế này, lại đi thua một con bé giúp việc nhà Văn sao? Tự ái bùng lên trong lòng Đoan như xăng bắt vào lửa vậy, Đoan nói lớn:
- Tại sao bác không đuổi quách nó đi cho rồi chứ? Bác có quyền mà?
- Ôi! Bác không có quyền gì đâu, con nhỏ đó là do bác trai mướn về đấy, và thằng Văn cũng đâu có xem bác là mẹ của nó, Văn muốn làm gì thì làm, Đoan ạ!
Đoan nói một cách bướng bỉnh:
- Cám ơn bác. Bảo cho cháu biết nơi họ đến đi, nhất định cháu sẽ theo vạch mặt cho bõ ghét.
- Được rồi. Để bác nói cho. Đừng có bảo là bác "mạch" với Đoan, Văn sẽ làm giặc trong nhà, bác trai chẳng tha cho bác đau, Đoan ạ!
- Dạ, nhất định là cháu sẽ không để lộ chuyện này.
Bà Lệ nói địa chỉ nhà Mỹ Phương, hướng dẫn rõ ràng cách đi ra sao cho tới nơi, nói cả tên cha Mỹ Phương.
Đoan thay nhanh quần áo, dắt xe ra cửa. Bà Việt Nhân ngạc nhiên nhìn con gái:
- Ủa! Hôm nay chủ nhật, con không ở nhà ăn cơm với mẹ sao?
- Con bận đến nhà bạn, mẹ ba ăn trước đi nha.
- Hay là rủ bạn con đến ăn cho vui, con khỏi phải đến nhà nó?
Đoan lắc đầu, nóng nảy nói:
- Không được đâu, mẹ ơi. Tụi con hẹn nhau đi chơi rồi.
- Con lại đi với bọn du thủ du thực à, Đoan?
- Không có.
Đoan đáp gọn lỏn, sau tiếng "không có", Đoan đã tếch ra cửa, bà Việt Nhân nhìn theo, lo lắng. Dạo gần đây, Đoan với Văn giận hờn nhau, chẳng thấy làm hòa, và Đoan thường xuyên đi chơi với một nhóm ba đứa con trai, hai đứa con gái ăn mặc thật "quậy". Bà Việt Nhân muốn nói chuyện này với Văn, nhưng Văn biệt không thấy đến. Hôm nay có ai đó vừa gọi điện thoại cho Đoan, sau khi nghe điện thoại, Đoan liền đi ngay. Hình như Đoan có điều gì đó bực bối trong lòng lắm. Nhưng chẳng hiểu Đoan đi đâu và đi với ai, bà mẹ cảm thấy lòng hết sức lo lắng khổ sở. Chắc chắn là Đoan đã nói dối rồi.
Trong khi bà mẹ ngồi nhà lo lắng, Đoan đã trực chỉ trên đường lên miền đông. Đoan không cảm thấy một chút gì sợ hãi khi đường lạ, lại một mình dong ruổi trên quãng đường vắng. Buổi trưa không thấy bóng người hoặc xe cộ nào lai vãng, hai bên toàn là rừng với rừng, rừng cao su bạt ngàn.
Đoan đi theo sự hướng dẫn của bà Lệ, mỗi lần không biết hướng đi, Đoan dừng lại, móc điện thoại di động ra gọi để hỏi rồi đi tiếp. Mãi đến ba giờ chiều, Đoan mới tìm được trang trại của ông Vinh mà ở đây ngươi ta quen gọi là "Ba Vinh". Đoan đứng trước giàn hoa tigôn, thầm thán phục khi giật mình vì gia thế của "con bé hạ cấp chết tiệt" tên Mỹ Phương. Tại sao Mỹ Phương có điền sản, trang trại lớn lao như vậy, lại còn đi giúp việc cho nhà của Văn? Bên trong bờ rào đầy dãy tigôn leo là một ngôi nhà ngói đỏ thật đồ sộ, họ đâu có nghèo đến nỗi phải bỏ xứ xuống Sài Gòn làm thuê làm mướn cho người chứ?
Đoan đang thắc mắc thì bị một con chó lớn nhảy chồm chồm lên sủa inh ỏi, Đoan hoảng thật sự, dù con chó ở trong bờ rào, nhưng bờ rào chỉ làm ngang mặt tiền, cho nên con chó còn có thể chạy vòng qua phía ngoài để sủa Đoan. Đoan la lên:
- Có ai trong nhà không?
Tiếng thét của Đoan làm cho người trong nhà nghe thấy. Lập tức, một chàng trai da đen sạm, dáng mập chắc đi ra cổng, vừa đi. Anh chàng vừa lên tiếng rầy chú cầu.
Đến gần cổng anh ta hỏi:
- Xin lỗi, cô tìm ai?
Đoan hất mặt:
- Tôi tìm anh Văn?
- Văn nào? Ở đây đâu có ai tên Văn?
- Anh Văn vừa đến đây, đừng giả vờ ngây thơ cụ nữa, ông bạn à!
Chàng trai tròn mắt:
- Văn...... chủ trang trại bên kia chứ gì?
Đoan gật bừa:
- Ừ, gọi ổng ra cho tôi gặp đi.
- Nhưng cô là ai mới được?
- Nói có người gặp là đủ rồi.
Sam nhìn Đoan từ đầu đến chân để dò xét. Sau đó, Sam nói:
- Có vẻ dân Sài Gòn. Cô là bà con sao với ông Văn?
- Vợ sắp cưới.
- Vợ sắp cưới? Sao người đi trước, kẻ đi sau, lạt nhách vậy?
Đoan nạt:
- Gọi giùm đi, còn ở đó nhiều chuyện tào lao.
- Cô nhờ tôi hay ra lệnh cho tôi? Đây là xứ của tôi hay xứ của cô? Nói cho cô biết lễ độ một chút nha: "Rừng nào cọp nấy" đấy, cô muốn làm cọp beo gì thì về sở thú mà làm.
Trời ạ! Tức muốn điên ruột, nhưng Đoan biết mình đã gặp phải tay sừng sỏ rồi đây, cần phải hạ mình một chút mới xong việc. Đoan cố...... nhe răng cười, nuốt giận vào bụng. Sau khi nghiến chặt răng cho bớt tức, Đoan giả vờ nhỏ nhẹ nói:
- Xin lỗi anh nha, vì tôi rất nóng lòng gặp anh Văn để kể tội ảnh, cho nên mới bất lịch sự với anh. Bây giờ anh làm ơn thông cảm gọi anh Văn ra đây cho tôi nói chuyện một chút.
Hai câu "vợ sắp cưới" và "nóng lòng gặp anh Văn để kể tội" khiến cho Sam cuống quít vì lo lắng. Phương với Văn khắng khít như có keo gắn vậy, Văn về đây, lúc nào cũng chở theo Phương, họ không đối với nhau như chủ với tớ, trái lại đối với nhau có vẻ thân thiện lạ. Còn cô gái này lại xưng là vợ sắp cưới của Văn, Văn với Phương về lúc sáng, bây giờ cô ta lên đây và đòi "hỏi tội", Văn có tội gì với vợ sắp cưới, nếu đây là không phải một cuộc "bắt ghen" thì còn là gì nữa chứ?
Sam nói:
- Hỏi tội, sao lại hỏi tội chồng sắp cưới của cô chứ?
- Là vì ảnh lừa dối tôi.
- Sao cô biết ông Văn qua đây mà tìm?
- Có người mách bảo chính xác là hôm nay anh Văn chở con nhỏ bồ của ảnh về đây. Vậy chứ tôi hỏi anh. Có phải Mỹ Phương là con gái ông ba Vinh không?
Sam giật thót tim khi nghe nói đến hai chữ "Mỹ Phương". Trời ạ! Tại sao Mỹ Phương lại làm chuyện dại dột đến như vậy chứ? Làm thân con gái, mang tiếng đi dan díu với một gã đàn ông đã có vị hôn thê, mà là một vị hôn thê dữ như........ chằn thế này, quả là gây nên chuyện rắc rối rồi đây.
Sam còn đang lúng túng với ý nghĩ với ý nghĩ của anh chàng, Đoan nói:
- Cho phép tôi vào nhà đi, tôi muốn gặp họ để nói cho ra lẽ.
- Rất tiếc, Văn vừa chở Mỹ Phương về Sài Gòn rồi cô ạ.
- Anh giấu diếm họ cũng chẳng giúp gì được họ đâu. Tôi nhất định làm cho ra lẽ là phải làm cho ra lẽ đấy.
- Tôi nói thật, họ đi cách nửa giờ thì cô đến. Tin hay không tin là tùy cô thôi.
- Nếu đúng là như vậy, tôi sẽ nói chuyện với cha của cô ta. Anh là gì của cô ta vậy hả?
- Tôi là..... anh em họ.
- Chuyện không liên can đến anh, đừng có ngăn trở tôi nha.
Sam đành mở cổng cho Đoan vào. Sam không nói dối Đoan, Văn đã đưa Phương trở lại Sài Gòn, có lẽ giờ này họ đi đã khá xa rồi đấy.
Đoan hăm hở dắt xe vào sân, dựng xe trước cửa, Đoan sấn vào nhà. Sam nói:
- Chú ơi! Có cô này ở Sài Gòn lên tìm ông Văn.
Chú Vinh đang ngồi uống trà, thấy Đoan đi vào, vẻ mặt hầm hầm đáng sợ, chú nhìn Đoan:
- Cậu Văn về rồi, cô ạ. Cô tìm cậu ấy có việc gì quan trọng không?
Đoan ngồi vào ghế, không chờ mời mọc, cô nói:
- Tôi lên đây tất nhiên là có chuyện rồi. Tự giới thiệu: tôi là vợ sắp cưới của anh Văn. Anh Văn sắp cưới tôi, cho nên tôi có quyền quản lý ảnh. Con gái chú là Mỹ Phương, phải không?
Ông Vinh đâu biết cơ sự gì, tròn mắt nhìn Đoan. Đoan nói chuyện không đầu không đuôi, chú Vinh chẳng thể hiểu nổi cô muốn nói gì.
- Cô nói vậy là sao?
- Tôi lên đây tìm anh Văn, hôm nay ản chở con gái chú về nhà. Họ dan díu với nhau đấy, nếu chú không biết thì để tôi nói cho chú biết để dạy con lại nhá. Nếu Mỹ Phương không buông anh Văn ra, đừng có trách tôi sao không nương tay.
Trời đất! Quả là một cái tin động địa thật. Mỹ Phương ngoan ngoãn của chú đã làm điều tác tệ như vậy sao? Mỹ Phương ở Sài Gòn làm gì, nếu Mỹ Phương làm việc cho bà Lệ như hợp đồng đã giao, sao lại có chuyện dan díu với Văn? Văn rất tốt, nhưng Văn đã là chồng sắp cưới của cô gái này, chẳng lẽ Mỹ Phương luôn có lòng tự trọng của chú lại nhắm mắt lao vào sao?
- Con gái tôi làm công cho mẹ cậu Văn, cho nên cậu Văn lên thăm trang trại của gia đình cậu ấy, con gái tôi xin được quá giang về thăm cha. Cô đừng hiểu lầm, tội nghiệp nó cho con gái tôi.
Đoan trợn mắt:
- Tôi không bao giờ hiểu lầm đâu nha. Tôi nói có bằng chứng, có nhân chứng vật chứng đàng hoàng, chính mẹ của anh Văn bảo với tôi là Mỹ Phương đã dụ dỗ, quyến rũ anh Văn. Chưa hết đâu nha, cô ta còn quyến rũ cả anh Quang là em anh Văn, hiện tại hai anh em họ tranh giành nhau có mỗi cô ta. Cô ta là loại gái không đàng hoàng.
Chú Vinh không chịu nổi mấy câu nói của Đoan, chú đập mạnh tay lên mặt bàn:
- Cô im đi. Con gái tôi có ăn học đàng hoàng, con gái tôi không bao giờ bán rẻ danh dự vì những chuyện mất tư cách như vậy. Cô đem bằng chư"ng ra đây đi rồi hãy kết án con gái tôi.
- Vậy chứ tôi hỏi chú tại sao chú có đất điền, có tài sản như thế này, lại để cho con gái đi làm thuê cho nhà anh Văn? Đó không phải là có ý đồ sao? Một lúc quyến rũ hai anh em, không được người này cũng được người kia chứ gì?
- Chuyện Mỹ Phương đi giúp việc cho gia đình cậu Văn là chuyện riêng của gia đình tôi, cô không thể biết được đâu. Nhưng tôi dám đem danh dự mình ra cá với cô là con gái tôi tuyệt đối không có làm gì sai với lương tâm. Mỹ Phương rất trọng danh dự cá nhân, nó đâu có thèm làm mấy chuyện đáng khinh ấy.
- Ông đừng có mù quáng bênh vực con gái của mình. Cô ta đã dan díu với anh Văn lẫn anh Quang, nếu tôi nói mà ông không chịu tin, sau này ông đừng trách nha.
- Tôi không tin.
Đoan la lên:
- Chú bảo không tin. Vậy thì chú làm ngơ cho con gái mình chen vào phá hoại hạnh phúc của tôi với anh Văn sao hả?
Đoan nói xong, ức lòng quá, cô òa khóc. Khi khóc, Đoan nghĩ đến chuyện mất Văn là một, mất mặt là hai. Đoan như thế này mà phải thảm bại dưới tay một đứa con gái chẳng ra gì, rất nhục với mọi người, nhất là với Văn.
Nước mắt của Đoan làm chú Vinh với Sam cuống quít. Chỗ yếu của cánh đàn ông là vậy, không chịu nổi khi nhìn phụ nữ đau khổ. Chú Vinh dịu dọng:
- Cô nín đi, từ từ rồi giải quyết mà.
- Tại chú không chịu nói chuyện công bình, cho nên tôi tức, tôi mới khóc chứ bộ.
- Cô lấy gì ra bảo đảm lời nói của cô?
- Tôi lấy danh dự của tôi ra bảo đảm và uy tín của "mẹ chồng tôi" nữa. Chú không tin, cứ hỏi mẹ anh Văn đi!
Chú Vinh ôm trán. Cô gái xinh đẹp này chắc chắn là vợ sắp cười của Văn rồi. Nếu không phải, cô ta cần gì phải lặn lội lên xứ khi ho cò gáy này chỉ để đòi sự công bình chứ?
Tại sao Mỹ Phương lại tệ như vậy? Tệ hơn nữa là chuyện "một lúc quyến rũ cả anh lẫn em". Bà Lệ không rầy dạy Mỹ Phương như lời hứa với ông Vinh trước khi rước Mỹ Phương về Sài Gòn, trái lại còn gây mâu thuẫn giữa Mỹ Phương với cô gái này. Vậy thì chú đành phải thí thân thí của để giữ con thôi. Chú Vinh nghĩ ngay đến giải pháp cuối cùng là bán đi trang trại này, bán nó sẽ trả đủ phần vốn chú đã vay trên khế ước với bà Lệ. Còn phần lãi thì không cần phải bận tâm, chẳng có luật pháp nào bắt một kẻ bất khả thi trước một món tiền lãi cắt cổ của chủ nợ như vậy. Bà Lệ có thưa, chú Vinh nhất định....... đi hầu tòa.
Chú Vinh ngước nhìn Đoan. Lúc này Đoan đã nín khóc, nhưng mặt phụng phịu như trẻ con bị ăn hiếp vậy.
Chú Vinh nói:
- Thôi, được rồi. Cô mau về Sài Gòn đi, kẻo trời tối, đường vắng vẻ đi nguy hiểm lắm. Tôi sẽ có cách giải quyết cho cô, nếu con tôi thật sự làm chuyện xấu như vậy.
Đoan híc mũi:
- Tôi có điện thoại cầm tay nè, chú không tin, gặp mẹ chồng tôi nói chuyện đi.
Đoan móc điện thoại cầm tay đưa cho ông Vinh. Ông Vinh khổ sở cầm lấy, lo lắng khi nghe tiếng phụ nữ kia đầu dây:
- Alô! Chú Vinh đó hả?
- Dạ, bà chủ........ Tôi muốn hỏi về Mỹ Phương, bà cứ nói thật cho tôi biết mà dạy dỗ nó nha?
Bà Lệ đằng hắng trong máy:
- Tôi định giấu chú, để rầy con bé dần dần, xem nó có sửa đổi gì không, chẳng phải tôi không quan tâm nha chú Vinh. Ai bảo cho chú biết "chuyện gì" rồi hả?
Ông Vinh tức quá:
- Sao bà chủ giấu tôi? Chờ bao giờ hai anh em cậu Văn với cậu Quang hại con tôi rồi mới nói hả? Báo cho bà biết nha. Mỹ Phương có chuyện gì, tôi không tha cho các người đâu, đừng có tưởng tôi mắc nợ các người đến nỗi không có cách trả nhá, tôi sẽ trả nợ và bắt con tôi về đây.
- Bớt nóng đi chú Vinh, từ từ dàn xếp mà.
- Con trai các người là thứ đểu cả, đừng có đụng vào con gái vàng ngọc của tôi nha. Tôi liều mạng già này đấy.
Bà Lệ cười nham hiểm:
- Ai làm gì đâu nào? Chắc là vợ sắp cưới của thằng Văn ghen bậy chứ gì? Ghen thì ở Sài Gòn mà ghen, ngốc ơi là ngốc!
Ông quẳng chiếc điện thoại lên mặt bàn, giận dữ thật sự. Họ đổ lỗi cho Mỹ Phương của ông. Chẳng biết tại sao con bé lại dại dột nghe theo lời dụ dỗ của mấy tên con trai nhà giàu đó vậy. Nếu ông không mau mau có biện pháp để gỡ Mỹ Phương ra khỏi cái cạm bẫy đó, có lẽ Mỹ Phương khổ thân mất thôi. Ôi! Con gái vàng, con gái ngọc của ông!
Đoan bỏ về, ông Vinh bảo Sam:
- Sam! Gọi người bán trang trại này cho chú cấp tốc nhá. Chú không thể giữ của cải và để Mỹ Phương sống trong hang hùm nọc rắn như vậy được. Mất tài sản, cha con chú đi làm thuê làm mướn sống qua ngày cũng được nữa mà.
Sam đấm nắm tay lên mặt bàn làm ly tách nẩy nghe loảng xoảng:
- Chú cần gì bán trang trại, để cháu đi Sài Gòn cứu Mỹ Phương về. Nếu lúc trưa biết được chuyện này, chúng ta sẽ nhất định giữ Mỹ Phương lại. Chú còn tin công tử mặt trắng mà đạo đức giả đó nữa không hả?
Sam nghe giận bốc lên tận đỉnh đầu. Nếu lúc sáng biết chuyện, Sam sẽ đấm một cái vỡ mặt tên công tử ấy cho biết thân. Sam đi đi, lại lại không yên, mặt hầm hừ. Chú Vinh buồn rầu:
- Thôi đi Sam ạ. Chú quyết định bán trang trại này rồi. Cháu đừng có nghĩ chuyện đối địch với họ. Họ có quyền, có tiền, có thế, chúng ta không thắng đâu Sam.
- Nhưng mà cháu tức lắm.
- Chuyện đâu còn có đó, từ từ giải quyết. Có lẽ họ không dám làm hại đến Mỹ Phương đâu Sam ạ.
Sam đi ra cửa, ngoái đầu lại nói:
- Bán quách trang trại này đi, trá nợ cho bà ta. Chú với Phương sang bên cháu mà ở, ăn nhiều chứ ở bao nhiêu, chú lo lắng làm gì? Mỹ Phương xin đi dạy lớp Mần Non của xã trở lại, chú cùng cháu trồng cây, nuôi gà, nuôi thỏ, đâu có đói mà sợ.
Chú Vinh buồn buồn:
- "Hạ hồi phân giải", Sam ạ. Chú luôn mong một cuộc sống yên ổn và vui vẻ. Mình đâu cần phú quí hả Sam, chỉ cần một cuộc sống thư thải an nhàn thôi, thế mà vẫn không xong.
- Thôi, chú nghỉ ngơi đi. Cháu ra Bưu điện xã, gọi điện thoại về cho người bà con dưới Lái Thiêu, ông ấy có dặn nếu ai sang nhượng trang trại thì báo cho ông ấy hay ngay.
- Ừ, đi giùm chú nha. Ở đời "ngộ hiến phải tùng quyền" thôi, Sam ạ!
- Đừng lo lắng quá nha chú Vinh, lo nhiều sinh bệnh thì nguy.
- Cám ơn Sam. Chú không sao đâu mà.
Chú Vinh nói xong, giả vờ xoay mặt vào trong, cố kềm một giọt lệ đang rơi ra khóe. Những lúc như thế này, chú Vinh mới thấy rõ hơn tấm lòng của Sam. Giá mà Mỹ Phương chịu ưng Sam làm chồng, có lẽ hay biết mấy?
Chín giờ đêm, rồi chín giờ ba mươi......
Thời gian cứ trôi, Quang ngồi trên chiếc ghế, tai hắn lắng nghe từng tiếng động ngoài cổng. Mỗi lần có tiếng còi xe, Quang đều nhỏm dậy. Nhưng chỉ là tiếng xe ngoài phố thôi, Mỹ Phương vẫn chưa về.
Quang cảm thấy nóng ruột vô cùng. Hồi chiều nay, bà Lệ đem Mỹ Phương đi dự buổi dạ tiệc, có lẽ ở nhà một người bạn của bà. Lúc Quang hỏi, bà giả vờ nói lảng đi để khỏi cho Quang biết địa chỉ nơi bà sắp đưa Mỹ Phương đến. Quang thừa biết mẹ mình là một người đàn bà đa mưu túc kế, tuy Quang là con, nhưng hắn không cùng một quan điểm với bà mẹ. Mẹ của hắn chỉ biết lấy vật chất làm chính trong cuộc sống, có tiền, là có tất cả. Còn Quang, đồng tiền chỉ là một vật dụng bình thường, có tiền hay không có tiền đều chẳng thành vấn đề gì đối với Quang cả. Đêm nay, bà ra lệnh cho Mỹ Phương trang điểm và ăn mặc đẹp, đẹp đến nỗi Quang cũng không thể ngờ, đẹp đến nỗi từ lúc Mỹ Phương theo mẹ ra khỏi nhà đến bây giờ, Quang vẫn còn thấp thỏm lo lắng, lo lắng nhỡ trong buổi dạ tiệc đó có một gã con trai nào nhận ra được Mỹ Phương của Quang là một viên ngọc quí thì nguy. Chẳng biết ba đã nói với mẹ thế nào về tình cảm Quang dành cho Mỹ Phương. Tại sao mẹ lại đem Phương đi mà không hỏi ý kiến của Quang. Kẹt một chuyện là Quang chưa thể ra mặt ngăn cản Mỹ Phương đi chung với mẹ của mình, đi đến một nơi mà Quang chắc chắn nơi đó bất an cho Mỹ Phương của hắn.
Quang đứng lên, hắn đi tới đi lui rồi gõ cửa phòng cha:
- Bà à! Ba có nói với mẹ chuyện giữa con và Phương không?
Ông Hưng ngạc nhiên:
- Ba có nói chứ.
- Mẹ con nghĩ sao?
- Mẹ con không phản đối.
- Vui hay buồn?
- Không buồn, không vui. Nhưng mẹ con đề nghị ba giao quyền quản lý công ty cho con, để con tập tành với công việc.
- Còn anh Văn thì sao?
- Đó mới chỉ là ý kiến của mẹ con thôi mà Quang.
- Con hiểu ý ba.
- Con lo lắng cho Mỹ Phương hả?
- Vâng. Vì mẹ không tiết lộ địa điểm buổi tiệc.
Ông Hưng lắc đầu:
- Ba quên hỏi, vì ba sợ hỏi nhiều sinh ra bất lịch sự với bà ấy. Có lẽ là tiệc tùng gì đó của một người bạn làm ăn chung.
- Ba làm chồng mà vô tình với vợ như vậy sao?
- Xin lỗi con, ba với mẹ quen đối xử như vậy lâu rồi, mỗi người đeo đuổi một sự nghiệp riêng, dần dần trở nên độc lập về vấn đề kinh tế, kéo theo cả những vấn đề khác, trong đó có tự do cá nhân. Xét ra, ba cũng có hơi vô tình một chút. Hình như con đang lo lắng lắm thì phải?
- Vâng. Con rất lo cho Mỹ Phương.....
- Con không tin mẹ con sao hả?
- Không phải.....
Ông Hưng phì cười:
- Thôi, ba biết rồi. Con sợ thiên hạ nhìn ngắm Mỹ Phương chứ gì? Đáng lý ra mẹ con không nên đem con bé đi phô trương như vậy.
- Hồi đó ba thế nào?
Ông Hưng nheo mắt cười:
- Cũng "ghen" như con.
Nhưng Quang không cười nổi, mặt hắn nặng trình trịch, mắt có lửa. Hắn rất sốt ruột, vì kim đồng hồ đã chỉ sang con số mười rồi.
- Con phải đi tìm Mỹ Phương.
- Biết đâu mà tìm. Ba nghĩ có lẽ Mỹ Phương không bị ai "hớp hồn" đâu. Có lẽ nó có tình cảm với con đấy, Quang ạ. Ba thấy con bé ân cần lo lắng cho con.
- Con có linh tính chuyện gì đó không hay đang xảy ra với Mỹ Phương.
- Tuỳ ý con. Hay là con thử gọi điện thoại đến công ty của mẹ con, hoặc là mấy người làm chung hỏi xem sao?
- Có lẽ con hỏi chú Tâm vì chú Tâm thân với mẹ như tay mặt tay trái vậy.
- Con cứ làm theo cách con suy nghĩ đi nha.
- Chào ba.
Quang ra khỏi phòng. Gia đình này mọi người sống khá độc lập với nhau, không phải mọi người tôn trọng sự tự do của nhau, mà đúng ra là ít quan tâm đến công việc riêng của nhau, mạnh ai nấy sống, hoàn toàn tự do, một thứ tự do chết người.
Quang gọi điện thoại đến nhà chú Tâm. Thì ra chú đi chung với mẹ, thím Tâm cho Quang biết là họ đi dự sinh nhật ông Lý, một khách hàng làm đại lý cho công ty của mẹ Quang. Ai chứ ông Lý thì Quang đã biết, ông ta chưa già, khoảng tuổi bốn mươi sáu, bốn mươi bảy thôi, nhưng rất giàu và góa vợ.
Quang lấy xe ra đi. Hắn chẳng ngại ngùng vì đi thẳng vào nơi đang lao nhao quan khách toàn là hạng có tiền và là dân làm ăn kinh doanh cả. Lúc đó, họ đang khiêu vũ, Quang chẳng nhìn thấy mẹ của mình và Mỹ Phương đâu cả, chỉ thấy chú Tâm.
Vừa nhìn thấy Quang, chú Tâm vội chắn ngang lối đi:
- Quang! Sao biết ở đây mà đến vậy hả?
- Mẹ tôi đâu, chú Tâm?
- Mẹ cháu đang bàn công việc làm ăn với ông Lý. Hay là cháu về trước, để chú báo lại mẹ cháu nhé?
- Chú biết tôi tìm mẹ tôi có chuyện gì chứ? Mẹ tôi đang ở đâu?
- Ơ........
- Chú tránh ra đi.
Quang đi ngang mấy bàn tiệc, vẫn không gặp Mỹ Phương. Tức quá, hắn chạm mặt ông Tâm, gằn giọng:
- Chú mau chỉ chỗ mẹ tôi, nếu không thì đừng trách đó nha.
Ông Tâm thừa biết thành tích của Quang. Quang nói thì làm, nhỡ hắn quậy lung tung mất mặt với thiên hạ. Ông Tâm xuống giọng năn nỉ:
- Cháu gắng chờ chút xíu nữa đi Quang. Mẹ cháu đang bàn công việc làm ăn kia mà?
- Tôi không tin! Mấy người đang làm gì Mỹ Phương vậy hả? Hết thời gian bàn công việc rồi, sao phải bàn giữa lúc tiệc tùng như thế này chứ?
Quang đi lên cầu thang. Ông Tâm hoảng hốt kéo tay hắn lại, Quang vung mạnh khiến ông ta loạng choạng suýt té. Quang đi thẳng lên lầu, ông Tâm không dám theo Quang, chỉ biết nhìn theo vóc dáng cao to đang hùng hổ của Quang thôi.
Quang lên lầu, chợt hắn nghe tiếng đàn ông lè nhè:
- "Năm" được rồi chị Lệ ơi!
Tiếng đàn bà, chính là mẹ hắn:
- Không. Tôi nhất định phải "mười" là mười. Anh giàu quá mà, mười cây vàng đối với anh thì có nghĩa gì chứ, anh Lý?
- Tôi muốn cưới cô ta đàng hoàng mà. Cô ta là cháu ruột của chị, làm vợ tôi, cô ta hưởng cả cái gia sản này, chị chưa vừa lòng sao hả?
- Làm vợ thì làm vợ. Chú hưởng con bé này, tôi chả sơ múi gì, thù lao chút ít xem như trả công cho bà mai vậy. Mỹ Phương cháu tôi là một báu vật đấy, xinh đẹp như tiên, dù có bỏ cả gia tài, cũng không mua nổi một cô vợ vừa trẻ mơn mởn, vừa ngây thơ trong trắng như Mỹ Phương đâu nhá.
Tiếng cười hềnh hệch của gã già...... vọng ra làm Quang nóng mũi. Hắn tông mạnh vào cửa phòng:
- Mở cửa đi!
Tiếng bà Lệ hốt hoảng:
- Chết rồi! Quang đến.
- Mẹ mau mở cửa ra đi. Nếu khôNg, con tông sập đấy.
Bà Lệ rối rít:
- Được, được. Để mẹ mở mà. Làm gì dữ vậy Quang?
Mây phút cánh cửa mới được mở, Quang bung mạnh một cái, đã nhìn thấy Mỹ Phương nằm ngay ngắn trên nệm trắng muốt, tóc hơi rối, say sưa ngủ.
Quang hỏi:
- Tại sao mẹ đưa Mỹ Phương vào đây? Mẹ đang có ý định gì với Mỹ Phương, phải không?
Bà Lệ chối. Còn ông Lý thì ngồi sượng mặm im lặng. Họ đang bị Quang vạch trần một âm mưu mờ ám.
Bà Lệ nói:
- Không có. Quang! Lúc đang ăn tiệc, Mỹ Phương bị choáng, vì nó có dùng chút rượu do người này người kia ép uống, mẹ và chú Lý đưa Mỹ Phương lên phòng nằm nghỉ thôi mà.
Quang tức lắm, vì đã nghe toàn bộ những chuyện mặc cả giữa mẹ với ông Lý. NhưNg dù sao đó cũng là mẹ của Quang mà, Mỹ Phương của anh vẫn còn ngây thơ trong trắng như lời mẹ hắn đã bảo với lão Lý, chứng tỏ họ chưa làm gì hại đến cô nhỏ cả. Vậy thì Quang cũng nên giữ danh dự cho mẹ, mặc dù trong lòng Quang, cơn giận đang trào sôi như đại dương trong một ngày bão lớn vậy.
Quang nói:
- Sao mẹ để cho cô ấy uống rượu chứ?
Quang biết đó không phải là rượu, mà là một ly nước ngọt có pha thuốc mê. Họ quả có mưu mô với nhau từ trước rồi đây.
Bà Lệ nói:
- Vì mọi người ép quá nên Mỹ Phương nể mặt, nó uống có vài ngụm nhỏ thôi.
- Con phải đưa Mỹ Phương ra khỏi nơi đây ngay lập tức. Con yêu cô ấy.
Quang nói xong, tiến đến chỗ Mỹ Phương đang nằm, bế thốc cô trong hai cánh tay rắn chắc của Quang, đưa xuống lầu.
Bà mẹ im lặng nhìn theo, không dám có một lời tỏ sự phản ứng. Một lúc sau, Quang bế Mỹ Phương đặt vào xe và lái ra khỏi cổng. Mỹ Phương bị xốc nhẹ nên cựa mình, cô ngạc nhiên khi thấy mình đang nằm trong xe, bên cạnh Quang.
- Em tỉnh rồi đó à, Phương?
Mỹ Phương nhớ lại lúc bà Lệ giới thiệu cô cho ông Lý và bảo rằng ông Lý rất ái mộ cô, còn bảo cô nên ưng làm vợ ông ta. Phương òa khóc, cô hiểu ra tại sao cô đang ở trong xe bên cạnh Quang như vậy. Cô kêu lên:
- Anh Quang!
Quang ngừng xe, ôm Mỹ Phương vào cánh tay, dỗ dành:
- Nín đi Phương. Mọi việc đã xảy ra, em cứ xem như là giấc mơ, có được không Phương? Anh van em, hãy quên nó đi, được không Phương?
Phương vùi mặt vào vùng ngực rộng của Quang. Đến giờ phút này, Phương mới hiểu được tình cảm chân thành Quang đã dành cho cô. Nếu không yêu cô và lo lắng quan tâm đến cô, có lẽ Quang đã bỏ mặc cho Phương bị họ hại rồi. Nhưng mà dù sao thì người đó cũng chính là mẹ của Quang. Phương gật đầu. Quang hôn lên tóc Phương, lau nước mắt cho cô. Sau đó khẽ nâng mặt cô, hắn âu yếm hôn vào bờ môi của cô, thì thầm:
- Phương! Nhận lời lấy anh nha? Anh yêu em, anh muốn cưới em làm vợ, được không?
- Nhưng mà.....
- Không có nhưng mà........ gì cả. Anh đã lớn, anh có quyền tự do cá nhân. Ba đã đồng ý cho chúng ta cưới nhau. Hãy bỏ qua cho mẹ của anh, dù sao đó cũng là mẹ chồng tương lai của em, nha Phương?
Phương xấu hổ cụp mi xuống. Chất thuốc ngủ còn ngây ngây, pha lẫn cảm giác bồng bềnh êm ái trong vùng ngực rộng của Quang. Cô lơ mơ gật đầu và lơ mơ cảm thấy nụ hôn ngọt ngào của Quang tiếp tục rơi trên môi mình.
Văn còn trong phòng tắm thì nghe tiếng Quang réo:
- Anh Văn! Có điện thoại.
- Nghe giùm xem ai đó Quang, bảo một chút gọi lại đi. Anh bận rồi mà.
- Ừ.
Quang nghe điện thoại. Đó là mẹ của Đoan, bà muốn gặp Văn, hình như có chuyện gì đó đang xảy ra cho Đoan thì phải?
Một lúc sau, Văn ra khỏi phòng tắm, Quang nói:
- Mẹ Đoan bảo anh gọi lại cho bà ấy, hình như có chuyện.
Văn hấp tấp đến nỗi chưa kịp chải cả đầu. Sau khi gọi cho bà Việt Nhân, Văn cũng hấp tấp thay quần áo rồi lái xe đi, nói với Quang:
- Anh đi tìm Đoan.
- Có chuyện gì sao?
- Mẹ Đoan nhờ anh thôi. Theo lời mẹ cô bảo thì Đoan đi chung với một nhóm bạn gồm ba đứa con trai, hai đứa con gái, ăn mặc rất quậy. Đám bạn anh đã có dịp đối đầu một lần ở nhà Đoan và một lần khác ở vũ trường "Đêm Màu Hồng", đám bạn lai lịch bất mình mà Đoan bảo "tứ hải giai huynh đệ" ấy đã khiến cho bà mẹ rất lo âu, Đoan thật là tệ!
Văn dừng xe trước vũ trường. Đoan cùng đám bạn quái chiêu thường xuyên đến đây để......quậy, tin tức này do Tín báo với Văn. Tín bảo họ quậy theo kiểu...... choai choai, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy làm điều gì "bậy bạ" cả, vì thế nên Văn mặc nhận chuyện của Đoan. Dù sao Đoan cũng là người có học. Nhưng với Đoan rất khó làm hòa, Đoan mâu thuẫn làm sao ấy. Năn nỉ Đoan, Đoan làm mình làm mẩy, phớt lờ Đoan, Đoan tìm Văn kiếm chuyện mè nheo đủ thứ, cho nên Văn chờ thái độ hòa hoãn của Đoan. Chỉ khi nào Đoan thật lòng đến với Văn, Văn mới có thể nói cho Đoan biết Đoan sai điều gì. Còn bây giờ thì dù Văn có nói đúng, Đoan vẫn cứ cãi lại Văn thôi.
Văn gặp Tín trong quầy thu ngân. Tín nói ngay:
- Đoan vừa ở đây, sau đó đi với bọn choai choai. Chẳng lẽ mày để cho Đoan mãi lông bông như vậy sao văn?
Văn nhún vai:
- Hết thuốc chữa rồi.
- Sao hôm nay đi tìm?
- Mẹ Đoan gọi điện cho tao, nhờ tao đi tìm cổ, bà ấy nghi ngờ bọ họ dụ dỗ Đoan làm chuyện bậy bạ. Đoan quá đáng khiến tao hơi chán, giá mà cổ ngoan một chút....
- Loại con gái nhà giàu, được cưng chiều thường hay mang tính trái khuấy như vậy đấy Văn.
- Thôi, tao cần phải tìm Đoan, có lẽ cổ cũng đi lòng vòng đâu đó thôi?
- Lúc nãy tao thấy Đoan đi về hướng quận 11.
- Cám ơn. Tao đi nha.
Văn lái xe theo hướng Tín nói. Lúc nãy, mẹ Đoan bảo với anh rằng bà nghi ngờ bọn chúng lắm, chúng ra ám hiệu gì đó khi Đoan vào trong thay áo để chuẩn bị đi chơi, bà nghe được vài câu: "Nhớ đừng có làm cho nó bị gì nghe, chỉ lấy xe thôi". Chúng nói nho nhỏ với nhau, nhưng không ngờ bà mẹ có đặt máy ghi âm dưới bàn. Lần này, bà đã xác định chúng không tốt rồi. Nghĩ thế, bà cấp tốc gọi điện thoại cho Văn ngay.
Văn còn đang tìm kiếm thì nghe tiếng gọi:
- Anh Văn! Tụi em ở đây này.
Tiếng của Quang. Quang lái chiếc môtô của hắn, sau xe là Đoan và Mỹ Phương. Đoan như một con mèo ướt, lả người trong cánh tay Mỹ Phương. Văn dừng sát lề, mở cửa xe, cuống quít hỏi:
- Đoan sao vậy?
Quang nói:
- Đoan gặp tai nạn, bị tụi nó gạt cướp xe rồi.
- Sao Quang với Mỹ Phương biết mà đến cứu Đoan vậy hả?
- Lúc em nghe anh bảo bác Nhân nhờ anh đi tìm Đoan, em nghi ngờ, vội rủ Mỹ Phương đi ngay. Em biết sơ qua về đám bạn du thủ du thực mà Đoan giao du, nhưng em đến trễ, chúng đã hành động xong rồi. May mà Đoan chỉ mất xe, cổ chẳng hề gì, ăn mấy tát tai đã chới với rồi, đó là bài học nhớ đời với Đoan. Mình sẽ báo cho bên công an xử trí với chúng. Còn bây giờ anh nên dùng mấy câu nhẹ nhàng an ủi cổ rồi đưa cô về nhà đi nha. Đoan đang bị khủng hoảng tinh thần, đừng có rầy rà cổ, thêm rắc rối đấy, anh Văn.
Đoan khóc thút thít, từ nãy giờ, Đoan không dám nhìn mặt Văn. Văn cảm thấy tội nghiệp Đoan, anh nhẹ nhàng bảo:
- Thôi, vào xe đi. Anh chở về nhà. Mất của còn người là may lắm rồi, để "hạ hồi phân giải", Đoan ạ!
Đoan làm thinh, tuột xuống xe của Quang, sau đó ngoan ngoãn chui vào xe của Văn. Văn đóng nhẹ cửa rồi ngồi vào tay lái, không dám nói gì nữa cả.
Quang nói:
- Xong rồi. Em đưa Phương về, sẵn dịp hai đứa em ghé hiệu áo cưới xem kiểu luôn nha. Anh lo cho Đoan nhá, anh Văn?
Văn nói, giọng đầy cảm kích:
- Ừ, hai đứa đi đi. Chúc vui vẻ, anh cám ơn nhiều.
Văn đưa Đoan về đến nhà, Đoan vẫn im lặng. Lúc đó có mặt ông bố, ông bảo:
- Con đã biết lỗi của mình chưa? Chỉ có cách để cho con dùng chính bài học kinh nghiệm rút ra từ những hành động lỳ lợm ngang bướng của con thôi, Đoan ạ.
Đoan phụng phịu nói, mắt cụp xuống:
- Ba nói thật nhức xương.
Bà mẹ nói:
- Không nhờ anh Văn, con đã khổ rồi đấy.
Cô lại phụng phịu, lỳ lợm.
- Nhờ ổng hồi nào?
- Chớ nhờ ai, còn ráng bướng.
Bà mẹ trừng mắt với con gái.
Đoan híc mũi:
- Nhờ anh Quang với Mỹ Phương cho có. Họ đi ra hiệu áo cưới, tình cờ gặp con bị bọn nó cho leo cây.
- Còn ráng nói.
Văn bào chữa:
- Đoan nói đúng đấy bác ạ. Là do Quang chở Mỹ Phương giúp con đi tìm Đoan. Họ đi tìm chứ chẳng phải tình cờ.
Bà mẹ ngạc nhiên:
- Quang cưới cái cô bé.....
- Dạ, Mỹ Phương. Cổ là cô bé giúp việc cho gia đình nhà cháu.
- Tại sao?......
- Chuyện dài dòng lắm bác ạ. Nói chung Mỹ Phương rất tốt và Quang đã yêu cổ.
Đoan xen vào:
- Họ sắp cưới nhau đấy.
Bà mẹ tròn mắt:
- Sao mẹ nghe chị Hưng bảo rằng Văn với.......
Đoan la lên:
- Là do bà ấy dựng chuyện hại anh Văn...... của con thôi. Anh Văn xem Phương như đứa em gái và con bé sắp làm em dâu của ảnh. Mẹ đừng khinh Mỹ Phương nha, nhà Mỹ Phương có cả một trang trại lớn ngút ngàn ở Bình Dương đấy.
- Sao con biết? Con có đến đó à?
- Ơ.... dạ có ạ.
- Đến làm gì?
- Mẹ..... biết rồi, còn phải hỏi.
- Quá quắt và bướng bỉnh! Cần phải giải thích và xin lỗi đó nha, Đoan.
- Mẹ à...... Đoan phụng phịu kêu lên:
- Mẹ à..... không ghen, không phải là yêu đâu.
Văn quay chỗ khác, giáu nụ cười. Đoan đúng là một đứa con gái quá quắt và bướng bỉnh đúng như lời mẹ mắng. Đoan đã quậy tung mọi chuyện cả lên.
Ông Việt Nhân nói:
- Văn ngồi đây, nghebác bảo nè.
Văn dạ, không dám cười nữa.
Ông Nhân cũng nghiêm giọng:
- Cháu lo liệu chuyện rước con bé này về làm vợ "dạy dỗ" nó giùm bác đi, cứng đầu hết chịu nổi rồi. Nó như chú ngựa đến tuổi cần ghìm cương rồi đấy, để lâu nó quen chứng hoang đàng.
- Ba nói quá đáng. Con biết sai rồi mà ba vẫn ích kỷ, nhỏ mọn không tha.
- Dám nói ba ích kỷ nhỏ mọn hả Đoan?
Ông bố la lên, Đoan chu môi. Chẳng ai thèm bênh vực cô nửa câu.
Bà mẹ nghiêm mặt:
- Nếu con muốn Văn cưới, phải đàng hoàng đoan trang lại đi nhá. Con gái lớn rồi, không phải muốn làm gì là làm đâu. Phải biết suy nghĩ một chút đi Đoan ạ.
Ông bố nói:
- Bác giao toàn quyền cho Văn được "chỉ giáo" con Đoan đấy. Cưới nhau xong, sang phụ bác, anh Hưng còn cháu Quang, ảnh đâu cần tranh giành cháu với bác đâu mà sợ.
Văn nói:
- Thưa để cháu suy nghĩ al.i.
- Suy nghĩ chuyện cưới hay là chuyện giúp bác?
Văn hóm hỉnh nhìn Đoan. Trong lúc cô nhỏ đang giương mắt chờ đợi câu trả lời của Văn, ánh mắt đầy lo lắng, sợ Văn từ chối.
- Dạ, cả hai.
Đoan đứng lên, giậm chân chạy xuống bếp, giận dỗi nói:
- Tết Công - gô tôi mối ưng lấy ông.
Ba người nháy mắt với nhau, cười rồi khẽ lắc đầu. Rốt cuộc, tính đỏng đảnh của Đoan vẫn bất di bất dịch, có câu "giang sơn thay đổi, bản tính khó dời" rồi mà.
Ông bố nói, đột ngột thay đổi cách xưng hô:
- Hai đứa cưới nhau rồi, Văn liệu liệu về lo công việc cho "ba". "Ba" cảm thấy cần có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Có con, "ba" sẽ đưa "mẹ" đi đây đi đó du lịch, còn gì an nhàn thư thải cho bằng. Nhất định như vậy nghe Văn?
Văn cười cười. Để sau này rồi hẵng tính. Đâu phải Văn lấy Đoan vì tài sản của ông bố, mà Văn lấy Đoan vì Đoan là Đoan. Mà nghĩ lạ thật! Đoan như vậy, sao Văn vẫn yêu Đoan?
Chị Hoa đưa vào nhà hai người khách, một người đàn ông trạc năm mươi và một gã trai trẻ khoảng hăm mấy, ba mươi, họ có vẻ không phải là dân thành phố.
Họ được chị Hoa chỉ dẫn ngồi ở phòng khách và đi mời chủ. Từ trên lầu, ông Hưng đi xuống. Chưa xuống tới, ông đã ngạc nhiên kêu lên:
- Ồ, chú Vinh! Bao nhiêu năm nay chú ở đâu?
Ông Vinh nhìn ông Hưng, cũng tròn mắt ấp úng:
- Ông..... ông chủ đó hả? Không ngờ lại là ông chủ.
Ông Hưng vỗ vỗ vào vai ông Vinh, thân tình:
- Dạo chú đi đến nay, tôi vẫn nhớ chú luôn. Sao, làm ăn như thế nào?
- Da, tôi lên rừng khẩn hoang lập nghiệp cũng mười lăm năm rồi, thưa ông chủ.
- Có lẽ là chủ một trang trại tiêu, điều, hay cao su gì đó phải không?
- Dạ, cũng tạm tạm chứ chưa thể gọi là trang trại được.
- Chú đến thăm tôi chơi, hay có việc gì không?
Bà Lệ xuống tới, nhìn ông Vinh, vẻ mặt ngượng ngượng. Ông Vinh bảo Sam trao cho mình chiếc túi giấy. Đặt túi giấy trước mặt bà Lệ, ông Vinh nói:
- Thưa bà, đây là số vàng tôi đã vay mượn của bà lúc trước. Nay bà vui lòng cho tôi hoàn lại để chuộc con gái tôi về.
Ông Hưng ngạc nhiên:
- Chú nói vậy là sao?
- Dạ, tôi muốn trả nợ cho bà chủ để rước con gái tôi là cháu Mỹ Phương về. Tôi cam phận trắng tay, nhưng không cam lòng mất con. Môi trường này không phải là chỗ cho Mỹ Phương, con gái tôi còn dại khờ ngây thơ lắm, mà tình đời thì cam go trăm nỗi, khó lường hết lòng dạ con người nông sâu, ông chủ ạ.
Ông Hưng nói:
- Chuyện gì khiến chú đắng cay mai mỉa cuộc đời, chú hãy nói cho tôi nghe đi. Chú nói triết lý như vậy, tôi làm sao rõ trắng đen được chứ?
- Dạ, là con gái tôi bị buộc xuống đây "ở đợ" để trừ nợ. Bây giờ tôi bán trang trại chuộc nó về, nếu không, có lẽ nó bị hại mất.
- Mỹ Phương là con gái của chú à?
- Đúng rồi.
Ông Hưng nhìn bà Lệ:
- Sao em bảo với tôi Mỹ Phương là một đứa cháu họ ở quê lên? Em giấu tôi chuyện làm ích kỷ của em được mãi sao hả? Đồng tiền làm cho em mờ mắt, quên mất tình nghĩa con người rồi, phải không Lệ? Mỹ Phương là con của chú Vinh, dù chú Vinh không có huyết thống với tôi, nhưng gia đình chú có ơn với tôi. Ngày xưa, cha của chú Vinh đã có lần cứu ông nội thằng Văn thoát nạn ăn cướp. Ơn đó, gia đình tôi nguyện nhớ mãi, thế mà em đã lấy oán trả ơn họ.
Bà Lệ im lặng. Ông Vinh đẩy túi đựng vàng vào tay bà Lệ:
- Xin ông chủ đừng có nói nhiều làm chi. Chuyện gì ra chuyện nấy, tôi vay nợ của bà chủ thì phải trả cho bà chủ. Xin bà kiểm đủ số vàng giùm và cho tôi với cháu Sam rước con Phương về.
Bà Lệ cụp mắt xuống một lúc cho đỡ ngượng với mọi người. Sau đó, bà nhè nhẹ đẩy ngược túi vàng về phía ông Vinh.
- Thôi, chú mang về chuộc trang trại lại đi, không cần phải trả nữa đâu. Xem như tôi làm sinh lễ hỏi vợ cho cháu Quang vậy mà.
Bây giờ đến lượt ông Vinh ngạc nhiên:
- Tôi không hiểu bà chủ muốn nói gì?
Ông Hưng cười:
- Định vài hôm đem rượu lên nhà ba mẹ cháu Phương để hỏi cháu về làm vợ cho con trai tôi, nào ngờ Mỹ Phương là con của chú. Bây giờ sẵn dịp mình giáp mặt nhau, tôi xin có lời cầu hôn cháu Phương cho thằng Quang nhà tôi, chú đồng ý không?
Ông Vinh la lên:
- Đờinào tôi chịu gả. Con gái tôi là con vàng con ngọc, con trai nhà này ăn chơi trác táng, cả anh lẫn em đều không tốt.
- Sao chú lại nói vậy?
- Chính miệng con dâu cả của ông chủ đã bảo với tôi. Cô ta còn bảo tôi phải mau mau dạy dỗ bé Phương, nếu còn để cho bé Phương quyến rũ cậu Văn thì đừng trách cô ấy sao chẳng nương tay. Chính bà chủ cũng có ý bảo con bé Phương như vậy nữa đấy. Nhưng thật ra, con trai của ông mới dụ dỗ con gái của tôi.
Lúc đó, tiếng Đoan lẫn Phương cùng nói một lượt sau lưng ông Vinh:
- Ba ơi! Không phải như vậy đâu.
- Chú ơi! Cho phép cháu được đính chính.
Ông Vinh và Sam quay lại. Đoan đang đứng cạnh Quang. Quang đưa mắt khuyến khích Đoan nói:
- Cháu xin lỗi chú, là vì cháu hiểu lầm nên đổ oan cho Mỹ Phương. Thật ra, Mỹ Phương với anh Văn đâu có gì, bây giờ thì anh Quang yêu cổ và sắp xin cưới cổ làm vợ, mong chú bỏ lỗi cho những lời nông nết của cháu nha?
Mỹ Phương chạy đến bên cha, cô nói:
- Cha ơi! Không phải như vậy đâu. Con sống trong nhà này, làm công việc bình thường. Anh Văn và anh Quang là người tốt, xin cha đừng có hiểu lầm, tội nghiệp họ. Nếu cha không tin, cha xuống đây sống chung một thời gian thì biết ngay thôi mà.
Ông Vinh nạt nhỏ:
- Con ăn phải bùa mê của họ rồi chắc? Sao bênh họ, bỏ cha vậy? Mau theo cha về đi, Phương?
- Con không về đâu. Con...... con thương anh Quang, xin cha cho con ở lại đây với ảnh. Cha còn anh Sam, mai này, anh Sam lâyvợ, ảnh lo cho cha thay con.
Sam im lặng, không nói gì cả. Bởi vì từ trước đến bây giờ, Mỹ Phương không là của Sam, có lẽ duyên nợ là do trời định thật.
Quang đến gần chú Vinh:
- Con xin bác chấp nhận tình yêu của chúng con, Phương là điều rất cần thiết hay nói đúng hơn. Phương chính là cuộc sống của con. Con hứa với các sẽ đối xử tốt với Phương suốt đời. Nhất định con sẽ thường xuyên đưa Phương về thăm bác mà.
Ông Hưng cười:
- Chú còn gì nữa mà không đồng ý gả cháu Phương cho thằng Quang chứ?
Ông Vinh im lặng một lúc, nhẹ nhàng nói:
- Được rồi. Nhưng với điều kiện là cháu Phương phải theo tôi về quê.
Quang ngỡ ông Vinh lập kế bắt Mỹ Phương về, mặt hắn..... méo lại thật tội nghiệp.
- Bác ơi! Con van bác mà. Con thương em Phương thật lòng, xin bác đừng chia rẽ hai đứa tụi con?
Ông Vinh nhìn Quang, nhướng mắt:
- Bộ cháu không muốn rước dâu sao hả? Phương có nhà cửa, có gia tiên, dù sao trước khi làm vợ cháu, nó phải lạy xuất gia đó nha?
Quang chợt hiểu, mắt hắn sáng rỡ. Ôm Mỹ Phương trong tay, hắn xoay cô nhỏ đến chóng mặt. Sau đó buông cô nhỏ xuống đất, hắn rập chân, nói lớn:
- Dạ, con thành thật cám ơn nhạc gia.
Cả nhà đều cười. Trong lúc mọi người bàn chuyện đám cưới sôi nổi không chú ý đến Quang, hắn kéo tay Mỹ Phương chạy ra vườn hoa, hai đứa cùng ngồi trên chiếc ghế xích đu, khẽ đung đưa, Quang nói:
- Có lẽ ông trời đã định sẵn em là của anh, cho nên tự dưng ngày đầu tiên gặp em, anh đã muốn gọi em bằng hai tiếng......
- Hai tiếng gì?
- "Nương tử".
Mỹ Phương xô vào ngực Quang:
- Có phải không đó, hay ông thích gọi tôi là "con mèo Nhật", "con nhím con" hay là một "cơn ác mộng" chứ?
Quang kéo tay Mỹ Phương, hắn cười cười:
- Mấy từ đó bây giờ đều không còn hợp với Phương nữa. Bây giờ anh phải gọi Phương là "má sắp nhỏ" mới đúng.
Phương đỏ mặt, cô đánh lung tung vào ngực Quang. Bằng một bàn tay, Quang đã gom gọn hai tay Phương, ghì nhẹ một cái, cô nhỏ ngã vào lòng hắn. Mỹ Phương cố nhoài người lên, chạm phải nụ cười chúm chím trêu chọc của Quang. Hắn nheo mắt:
- Đúng không, "má sắp nhỏ của anh"?
Mỹ Phương không thế thoát ra khỏi cánh tay như hai cái càng cua khổng lồ của Quang. Quang lại dịu dàng siết lấy Phương, Quang không hôn Phương, chỉ bắt cô đối diện ánh mắt nheo nheo của hắn. Trước khi yêu hắn, cô đã thừa biết rồi mà. Quang đôi khi dễ ghét như một ông ngáo ộp, đôi khi Quang đáng yêu như một ông bé con. Quang của cô là như vậy, như vậy mới là Quang của cô.

Hết


Xem Tiếp: ----