Tôi thuyên chuyển đến Pleiku thấm thoát đã gần 6 tháng. Sáu tháng xa nhà của 1 tên con trai đi lính, …… nhậm đơn vị đầu tiên trong đời binh nghiệp thật là dài và nhiều ý nghĩa. Bâng khuâng như mất mát 1 cái gì, bâng khuâng như tâm trạng 1 cô gái trước ngưỡng cửa nhà chồng xa lạ. Rời xa gia đình, người yêu, bạn bè và thành phố, tôi mang theo túi hành trang cùng dăm ba cuốn sách của người yêu mua tặng. Loại sách dịch, hấp dẫn và bắt nhiều suy nghĩ. Trang biết tôi cần giết nhiều thời giờ và cần quên thực tại. Ngày nhận Sự vụ lệnh về đây cùng 4 tên khác, Tâm nắm tay tôi thật lâu. Chàng giáo viên thủ thỉ: - Tao ra Qui Nhơn, có dịp mày nhớ đến tìm tao ở đó. Gặp lại mày tao biết chắc tao sẽ mừng như khi gặp vợ con tao. Tôi mỉm cười, xúc động. Tôi và Tâm chỉ quen nhau khi học ở quân trường. Hợp ý, hợp tình, chúng tôi thân nhau rất nhanh. Thêm 1 người bạn mới trong đời, tôi có niềm an ủi ấy để bù lấp vào khoảng trống của những người bạn cũ từ độ ấu thơ gây nên. Những thằng bạn thủa nhỏ giờ này tứ tán, khó lòng gặp lại. Ngày lên đường, tôi chỉ gặp Sơn. Sơn đi Hải Quân ngay thời gian anh em bạn học còn cắm cúi trước bảng đen, đếm ngày tháng qua từng trang vở. Bạn bè ngạc nhiên và luyến tiếc: - Sao mày vội vã thế? Sơn cười: - Trước sau gì chả thế? Tao không tình nguyện bây giờ, nửa năm nữa quân dịch cũng gọi tao. Sơn vào Hải Quân, lang bạt khắp nơi rồi cuối cùng đổi về Saigon. Chúng tôi có dịp gặp lại nhau, khi tôi đã làm báo. Sơn cũng viết lách lăng nhăng, nhưng nó lại có máu mê làm võ sĩ. Đi học võ Bình Định, rồi Thiếu Lâm, sau cùng xoay ra theo Thần Võ. Tôi chẳng nói gì nó về chuyện đó, chỉ nghe và biết qua những gì Sơn kể. Khi nghe tôi báo tin đổi về Pleiku, Sơn cười: - Buồn không? - Không, chỉ nao nao không hiểu mình muốn gì, nghĩ gì. - Đi đi, 1 cuộc sống mới, nên đi cho biết. - Tao từng đi khắp nơi rồi. - Nhưng lần này khác. Mày đi trong tư thế của 1 con người mới, của 1 cuộc sống mới. Tôi nhớ lại những thằng bạn cũ đã đi khi tôi còn học ở Trần Lục Võ Trường Toản. Lúc đó chúng nó nghĩ gì, tính gì không biết nữa? Nhưng chắc chắn là chúng nó can đảm và cương quyết. Và đã đón chịu những gì số mệnh an bài cho mỗi bước chân. Giờ đến lượt tôi, có cần gì phải băn khoăn nghĩ ngợi? Bằng ý tưởng đó, tôi từ giã mọi người thân lên đường. Buổi tối cuối cùng thật đáng nhớ, Trang tổ chức bữa cơm tiễn biệt. Có tôi, Trang và năm người bạn cùng cô em gái của nàng. Mọi người cố tình vui vẻ, sợ tôi buồn lo nên tìm đủ chuyện vui vẻ. Hương, em gái Trang luôn miệng trêu: - Thôi, lên đó lập nghiệp để dành tiền cưới vợ. Tôi hỏi: - Lập nghiệp cách nào cho có tiền để dành? - Buôn măng, đổi đồ với Thượng. Tôi nhìn Hương cười: - Cô có vẻ rành lắm nhỉ? - Em chưa từng đến đó bao giờ. Chỉ nghe thiên hạ nói là Cao Nguyên nhiều Thượng. Trang xe vào, bâng quơ: - Dĩ nhiên. Tôi nhìn Trang, ánh mắt nàng tối và bối rối. Nàng cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng tâm hồn xao động như thủy triều lên. Tôi cười với Trang bằng mắt. Bữa ăn tàn, mọi người rút lui vội vã. Hương cũng bỏ vào trong nhà, chỉ còn tôi với Trang ở Balcon. Trang đem chiếc máy hát ra để bên cửa sổ, mở 1 dĩa nhạc xưa và nàng mang cho tôi 1 ly trà nụ vối. Trang ngồi nhấm nháp những múi dâu da chua chát. Tôi duỗi 2 chân rút khỏi giày, gác lên đùi nàng. Ánh hỏa châu ở phương trời trước mặt, chiếc lung linh trên khung cửa, trên giàn thiên lý, trên hồ non bộ và trên thân thể chúng tôi. Tôi nghe tiếng Trang gọi khẽ: - Anh Đức Tôi quay lại với Trang: - Gì hở em? - Buồn ghê - Buồn ít thôi, anh đi xa, đâu phải anh chết. Trang cấu nhẹ vào chân tôi: - Chỉ nói xàm. Anh không bao giờ chịu giữ gìn lời nói Tôi cười nhỏ: - Có gì mà phải giữ gìn? Qúy nhất là lời thành thật. Nghĩ sao nói vậy thì tốt chớ, miễn là đừng mộc mạc đến độ làm người ta khó chịu. Tôi thấy Trang lườm tôi, cúi xuống chùm dâu trong lồng bàn. Ánh sáng hỏa châu vụt tắt, trả bóng tối về với khu Balcon rộng chỉ thắp ngọn đèn Neon ba tấc bên trong khung cửa sổ. Trang chợt nói: - Em 1 mình … thấy ngày dài ghê - Viết thư cho anh, học chăm. Đi chơi giải trí với bạn bè. Em thấy mình không xa nhau mấy nữa. - Đi chơi với bạn bè. Với bạn trai nhé? - Có quyền. - Bồ nhé. Kép nhé. Có được không? - Anh không có quyền cấm em. Nhưng anh sẽ buồn. Buồn lắm. Trang cười nhìn tôi, ôm nhẹ chân tôi. Tôi cũng cười với nàng, nụ cười của người anh đối với em. Tôi nói: - 1 đôi khi người ta cũng nên đóng vai chờ đợi. Có thế cuộc sống mới thêm ý nghĩa. Trang thở nhẹ: - Em sợ cái cảnh nay chờ, mai đợi. - Chịu đựng 1 lần xem. Anh tin là em sẽ chịu được. Trang đổi giọng vui tươi: - Anh muốn em làm gì cho anh vui lòng trong những ngày xa anh? - Học chăm. Nhưng đừng chăm chỉ quá. - Em vốn lười. - Học đi. Học cho anh được thấy, được nghĩ là anh đang có dịp cùng em sống lại thủa học trò. Em biết không, thời cắp sách qua đi anh cho đó là thiệt thòi to tát nhất trong đời. Và không còn nuối tiếc nào lớn lao bằng tiếc nuối những ngày run rẩy trước bảng đen. Trang cười to: - Học trò ngày nay khác, chỉ có ông thầy run rẩy trước bảng đen. - Bất hạnh cho học trò ngày nay là như vậy. - Chúng nó quan niệm đem tiền đổi chữ. Tôi gật đầu: - Thời anh, tình thầy trò thắm thiết đến độ tưởng như tình ruột thịt. Và thầy giáo tượng trưng cho cả 1 nền tảng luân lý, đạo đức tưởng không thể nào sụp đổ. Trang làm điệu: - Em tiếc kém anh những 7 tuổi - Gì vậy? - Để được học với anh, làm bạn anh, sống trong môi trường cảm động của anh. Tôi vươn vai, 2 hàng ngón tay đan vào nhau: - Em tự tạo cho mình môi trường đó được chứ - Khó lắm, khi chung quanh mình không còn ai cần điều đó. - Khó, chứ không phải không còn. Còn có những học trò yêu thầy và thương bạn, tất phải còn những thầy giáo đạo đức và những học trò trọng tình bằng hữu. - Em cũng mong như vậy. Nhưng nhiều khi em tưởng em sai lầm khi cố tìm lại sự tốt đẹp ấy. - Cố gắng đi. Anh luôn luôn là đồng minh của em trong công cuộc đi tìm lại những tốt đẹp của thời cắp sách. Tôi đã chia tay Trang sau buổi tối đó. Bây giờ, những lúc nhàn rỗi lái xe chạy lăng quăng trong thị trấn đầy đồi cao với thung lũng mù sương này, tôi từng có nhiều dịp ngẫm nghĩ về những gì đã đến và đã ra đi. Ở xứ gió núi mưa mùa này, tôi cảm thấy mình xa lạ và cô đơn. Chỉ có 1 tên bạn khá thân, mới quen từ ngày đổi đến, cùng vài kẻ giao du cho phải phép. Tôi lặng lẽ sống trong căn phòng lặng lẽ, nho nhỏ. 1 chiếc giường đơn, 1 cái bàn mộc để viết và để ngồi ăn, 1 chiếc tủ sắc Mỹ phế thải và 2 chiếc ghế cùng 1 số lặt vặt. Trên giá sách đầu giường, chiếc ảnh Trang phóng lớn nhìn tôi cười, mãi là niềm an ủi cho kẻ xa nhà. Trang như muốn bảo: - Tội anh ghệ Thôi, chịu khó 1 tí vậy. Trang thường nói với tôi như thế mỗi khi thấy tôi vất vả vì 1 điều gì. Ngày 2 buổi đi làm, hôm nào không trực tôi về nhà ngủ, dù đôi khi gặp trời mưa lớn, để được gần gụi với những tình bé nhỏ, để ngắm nụ cười an ủi của nàng và thấy trong lòng ấm áp đôi chút. Căn phòng này thường chỉ có Tuệ đến chơi với tôi vài tối 1 lần. Người bạn thân mới quen ấy đã trở về Saigon cách đây hơn 1 tháng, theo học 1 khóa Chiến Tranh Chính Trị. Tuệ đi rồi, tôi lại càng lặng lẽ hơn và cảm thấy mình đã sống trong tột cùng lặng lẽ. Vì tôi đã sống trong 1 cảnh đời khác, trái ngược với cảnh sôi động trước kia. Đến nỗi ông Đơn Vị Trưởng phải tỏ ý thắc mắc: - Ông không có người bạn gái nào ở đây sao? Làm quen đi chứ, cho ngày tháng bớt dài. Tôi chỉ mỉm cười vâng dạ. Và không hề có ý định thực hiện lời khuyến khích của cấp chỉ huy. Buổi chiều nay trời lại mưa. Cơn mưa đầu mùa nước đổ sao mà dai dẳng và lớn vậy. Tôi quyết định trở về nhà, để nằm thoải mái trên chiếc giường quen thuộc của mình, nhìn Trang cười và đọc lá thư Tuệ gửi tôi vừa nhận được. Vượt qua mái hiên tôn, tôi lao mình dưới mưa ra điếm canh ở cổng và vẫy 1 chiếc xe Pick Up của Mỹ. Gã tài xế da đen quen mặt, mỉm cười với tôi và chở dùm về nơi vẫn thả tôi xuống mọi lần. Mở cánh cửa gỗ nhỏ, mùi căn phòng quen thuộc ùa vào mũi tôi đầy tràn ấm áp. Tôi cởi đôi “bốt” sũng nước ném vào góc nhà, lau khô đôi chân lạnh và rúc vào chăn ấm. Tôi ngước nhìn Trang, cười lại với nàng. Trang thì thầm: - Tội anh ghệ Thôi chịu khó 1 tí vậy. Tôi nói nhỏ: - Ừ, anh vẫn chịu khó. Để có 1 ngày trở về bên em. Tôi và Trang đắm đuối nhìn nhau 1 lúc. Rồi tôi rút lá thư Tuệ, ấm hơi người trong túi áo. Thong thả, thật thong thả - vì tôi có quá nhiều thời gian nhàn rỗi lúc này–tôi bóc thư của Tuệ. Gã thanh niên vui tính, chưa vợ, học giỏi nhưng chữ nghĩa bò lê bò càng thật xấu. “Saigon, ngày.. tháng … năm 1970 Đức thân, Đây là lá thư đầu tiên tao viết, kể từ khi rời đơn vị về Saigon học khóa CTCT này còn kéo dài 1 tháng nữa bế giảng. Lẽ ra tao chẳng viết cho ai, vì những ngày ở thành phố này tao bận bù đầu với những tài liệu học hành. Kể cũng tức cười, bấy nhiêu tuổi đầu còn ngồi ôm bài dưới gốc cây ê a như con trẻ, nhiều lúc tao thấy tao khôi hài 1 cách lạ. Tao tự nhủ sẽ chẳng viết cho ai, ngay cho Bích nữa. Dù sao, 2 tháng trời xa đơn vị, bạn bè, xa trận mạc và xa cả người yêu chưa phải là điều ghê gớm đến độ phải viết thư tả oán. Tao còn tự nhủ hôm mãn khóa sẽ im lặng trở về không báo trước để xem mọi người làm gì, còn ….nhớ tới tao không? Vậy mà bây giờ tao đổi ý. Sự thực, tao đổi ý từ tối hôm quạ Tối hôm qua thứ 7 phân đội tao được phép xuất trại nửa ngày và cả đêm. Tao ra phố, như những lần khác, nhưng thay gì chui vào xi nê rồi kiếm nhà bạn bè ăn nhờ bữa cơm, tao lại gặp vài người bạn cũ. Và chính những người này cho tao vài biến chuyển tình cảm, là nguyên nhân thúc đẩy tao viết thư cho mày. Buổi chiều tụi tao được đi phép đến 4 giờ. 1 thằng cùng khóa có xe Honda chở tao lên Saigon, thả xuống bùng binh chợ Quách Thị Trang. Tao định bụng lại tái diễn chương trình như những lần trước, là đi xi nê rẻ tiền Vĩnh Lợi, nên đi bộ dọc theo hè Lê Lợi. Con đường này trước kia mỗi chiều thứ 7 và ngày chủ nhật là đông nghẹt người đi bát phố, nhưng bây giờ vắng vẻ hẳn vì chương trình giải tỏa hè phố. Tao nghĩ cũng nên kể cho mày nghe chi tiết, để mày đỡ thèm nghe chuyện Saigon, thành phố gần nửa năm nay chưa có dịp về thăm. Chúng nó ngồi chật những quán kem, những phòng trà nhạc Hippy À Go Go Times, những rạp xi nệ Tao chua chát nghĩ rằng, bọn lính mình muốn kiếm 1 chị “vợ” đàng hoàng ở cái xứ này thật khó. Con nhà lành, nhà rách ăn bận như nhau, hay nói khác, con nhà lành ăn mặc kiểu gì là các con nhà rách bắt chước liền, còn sang hơn là khác vì chúng nó dư phương tiện kiếm ra tiền. Tao bỗng nghĩ lẩm cẩm là nếu các em con nhà lành muốn khỏi bị “đồng hóa” chỉ còn 1 cách là mặc ….pyjama hoặc áo dài nội hóa. Chỉ có cách đó may ra mới nhận diện được những nét đẹp cao quý của các nàng. Tao đi dọc theo phố Lê Lợi tới thương xá Tam Đạ Giờ nó đang tan lớp học Sinh Ngữ ở trên lầu. Học trò xuống thật đông, đủ cỡ tuổi, tao thấy hay hay, đứng lại coi. 1 em bé, độ 17 tuổi, mặt non choẹt – nhưng ưa nhìn – tô son phấn nhạt, đi ngay tao. Em mặc chiếc mini khá ngắn, bước nhún nhẩy trên đôi giày cao gót ít nhất 6 phân. Thấy tao nhìn chăm chú, em tự nhiên đưa tay lên gỡ chiếc kính ốp-a ( 2 mắt kính to bằng 2 cú đấm) xuống sống mũi, dòm tao 1 phát rồi quay đi, tủm tỉm cười. Em bước trông điệu cóc chịu được. Tay em ôm 1 xắp sách dày cộm, trông có vẻ ….trí thức lắm. Thú thật, tao “chịu” em rồi. Nhưng này, đừng kể lại với Bích nhé, tao thề là tao chỉ khoái em - nhất là trong lúc “xa nhà” - chớ không mê em như mê người yêu đâu. Ai mà có thể thay thế Bích của tao được. Tao lẽo đẽo bước theo em bé. Nàng (gọi bằng nàng cho có vẻ lớn 1 tí) băng qua đường sang lề đường bên kia. Tao lợi dụng khúc giữa lộ vắng người, bước nhanh tới làm quen. Tao có cần kể lể lại đây chi tiết không? Cũng chỉ những câu làm quen lẩm cẩm, ấp a ấp úng, ăn không nên đợi nói không nên lời. Vậy mà em “dính” mới thú chứ. Em “dính” 1 cách dễ dàng, phải nói là em cho tao cơ hội làm quen, khuyến khích tao nữa. Có thể “kết luận” là em muốn “cua” tao thì đúng hơn. Sao nửa tiếng đấu hót “giao hữu” trên đường phố, tao được biết em tên là Kim Liên, con thứ tư của 1 gia đình thầu khoán ở Thị Nghè. Em học tư buổi sáng ở H. Đ - thường hay trốn học - Chiều thứ 3, 5, 7 học ở thương xá Tam Đạ Hỏi em về văn hóa thì em đáp chán phèo. Nhưng qua mục ăn chơi thì khỏi chê, em nói như gió về ca sĩ, tên ngoại quốc nhưng gốc mũi tẹt da vàng. Em kể từng ngày, từng giờ những nơi cô du hí, những địa điểm nhảy nhót. Tao chỉ nghe nhiều hơn nói. Sau cùng, tao đề nghị mời em vào Hà Nội uống nước. Em lắc đầu: - Hà Nội? Em chệ Mình vào Pôle Nord hay La Pagode đi anh. Tao đưa em vào La Pagode sau khi làm toán nhẩm cộng trừ về những tờ giấy trong bóp. Em gọi “tô” kem 4 màu và dĩa bánh ngọt tỉnh bợ Tao gọi …chai Coca, ngồi nhìn em ăn bánh. Tao cũng chẳng hiểu hồi kết cuộc của buổi “sơ ngộ” này đi đến các thế giới nào. Đang ngồi tán phét với em thì 1 tên bạn học từ thuở còn mặc quần xà lỏn ngồi cách tao 2 bàn trông thấy, gọi toán cả lên. Tên nó là Thịnh, biệt hiệu Thịnh Vẩu (vì nó có 2 hàm răng vẩu, vô nhà ai thì hàm răng vô trước, cái mặt vô sau). Nó bô bô lỗ miệng gọi tên tao. Tao sợ em xếp tao đồng hạng với thằng bạn vô giáo …sư ấy hoặc nó bò sang bàn mình thì em sẽ khó chịu, nên tao qua bàn nó trước. Sau vài câu hỏi han ….gia thế, tao biết nó bây giờ vừa đi dạy học tư vừa làm cái nghề đi thăm sức khỏe thiên hạ lúc nửa đêm. Ở Saigon này thiếu gì. Người ta chả ai lấy làm lạ khi gây lộn với 1 anh tài xế xe lam hay xích lô máy, trông mặt chả gì sáng sủa mà lại thấy vị ấy hăm hẹ Thịnh Vẩu cũng là 1 thành phần trong loại đó. Nó cười hề hề trước những lời xỉ vả của tao, còn bốc thơm. Rồi Thịnh Vẩu hỏi tao: - Kể ra đàn anh cũng là dân chịu chơi. Đi với em “Kim Liêng” là cũng thuộc vào hàng cứng cựa đấy chứ? Tao phải cực lực cãi chánh, thứ nhất em tên là Kim Liên chứ không phải Kim Liêng. Thứ 2, em là con nhà lành, em con 1 vị thầu khoán, em học sinh ngữ 3, 5, 7 và học H. Đ buổi sáng đình huỳnh. Thịnh Vẩu vẫn cười ruồi. Chờ tao nói xong, Thịnh Vẩu phát ngôn: - Em Kim Liêng nói với đàn anh thế đó phải không? Tất cả đều đúng, với đàn anh. Với tui thì em Kim Liêng trị giá 1 xín rưỡi. Đàn anh “pờ rê” sẵn 1 xín rưỡi, 800 tiền phòng và 200 đi xe đi. Lát nữa đàn anh thế nào cũng có mục “thoải mái” cho mà xem. Tao nhìn Thịnh Vẩu rồi lại nhìn Kim Liên sững sờ. Vô lý, em con nhà lành, trông mới thiệt chứ nhưng chả có vẻ gì là … Thấy tao tỏ vẻ nghi ngờ, Thịnh Vẩu cười khẩy: - Việc gì phải thắc mắc. Đàn anh sẽ rõ ngay sự tình tối nay mà. Nhìn em kìa, em biết tui từ khuya mà mặt mày tươi rói, đủ chứng tỏ em bản lãnh không vừa. Từ giã Thịnh, tao trở về bàn cũ. Liên không hỏi tao nửa lời về thằng bạn vẩu. Nhưng từ lúc đó tao nhìn em bằng con mắt khác. Kim Liên rủ tao đi xi nệ Tự dưng tao hăng hái nhận lời, hăng hái bỏ tiền ra mua vé. Đến bây giờ tao không muốn “diễn tỏa” lằng nhằng về những màn sau đấy nhưng tao phải công nhận thằng con nhà Thịnh Vẩu phát ngôn đúng. Tuy nhiên tao không tiến tới cái mục ấy. Vì 1 lẽ dễ hiểu là tao không có dư tì, hơn nữa tao hoang mang không hiểu nổi Kim Liên thuộc loại nào. Lành hay rách? Em có 1 vẻ ngây thơ đáng yêu chân thành lạ, tao không tìm được nét nào giả dối, đóng kịch. Với số tuổi đó, không lẽ em qua mặt được mình sao, và không lẽ tao khờ khạo đến độ bị em cho vào xiếc? Em khéo léo đưa ra đề nghị. Tao - mặc dù được Thịnh Vẩu báo động trước - vẫn sững sờ, ngơ ngẩn. Rồi bằng 1 giọng nói khó khăn, tao trả lời là tao không có thì giờ. Em cười, nói biết tao nghèo sơ, nghèo xác. Em cho không. Nhưng anh đưa em về, Tao chỉ nhận lời đưa về. Em ở 1 tòa nhà 3 tầng, vùng Cầu Sơn, thế mới lạ chứ. Phút chia tay em nói, anh khờ lắm, nhưng em khoái anh. Rồi nó hôn đánh chụt lên má tao, nhún nhẩy bước qua cổng. Tao đứng ngẩn ngơ 1 lát rồi bỏ về Saigon. Lúc đó đã 9 giờ tối. Đi lang thang thế nào lại gặp 1 thằng bạn, bây giờ đang làm báo. Mấy thằng nhà báo kiếm khá tiền, nhưng lại luôn luôn đói rách. Tên nó là Huấn, Huấn hỏi tao có mục gì không. Tao bảo không, chờ mày dẫn đi. Nó bảo OK, lên xe tao đèo tới K.H Club ở Gia Định. Ở đó tao có con nhân ngãi làm Ca Vẹ Trong lúc đi đường, tao kể Huấn nghe về Kim Liên. Huấn cười, Saigon thiếu gì thứ đó. Chúng nó sống loạn như vậy chứ không phải túng thiếu đâu. Tao đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. K.H Club giờ đó thật đông. Huấn đưa tao vào 1 góc nhà. Gọi 2 lon bia và kêu thằng bồi oắt con đi kêu con bồ của nó. Ở đây loạn thật Đức ạ. Lâu lắm tụi mình không về Saigon, bây giờ về như mán rừng ra tỉnh. Nhiều cái không thể tin được. Loạn, loạn lắm Đức ạ. Ban nhạc cũng toàn bọn trai gái Hippỵ Dưới ánh sáng của hệ thống đèn màu tối tân trông bọn gái ca hát ấy còn ….dã man hơn ban ngày nhiều. Tao tin đến Thánh trông thấy cũng muốn …phạm tội. Chúng nó hát nhạc Go Go, Soul …gì đó. Quay, lắc như cái cối xay lúa. Tao hết tìm được nét đẹp thướt tha bay bướm của những màn khiêu vũ quý phái ngày trước. Chúng nó nhảy chí chóe, mê man từ bản này qua bản khác. Tao ngứa mắt, chỉ muốn lọi cho mỗi “con” vài lọi. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn bực mình. Đang sôi động như vậy, bỗng đèn đỏ báo động phựt lên. Đám nhân loại hỗn độn túa ra, chạy về chỗ ngồi và đèn bật lên sáng rực. Lúc đó tao mới thấy trong đám nhảy nhót có vài bộ ka ki, có vị đeo lon Chuẩn Úy áo bỏ ngoài quần, có vị binh bớp tóc dài thoòng và chân đi …dép da sự thật đó mày. Cuộc ưỡn ẹo lại tiếp tục. Tao ngồi chứng kiến cảnh đó mà vui buồn lẫn lộn. Đức ạ, những đứa bé ấy bằng tuổi em mày, em tao. Vậy mà mấy em tao vừa lo đi học, vừa lo bán hàng cho mẹ. Và em gái tao, cũng bằng cỡ Kim Liên hay lớn hơn 1 chút. Nhưng tao chắc em tao không bao giờ biết được “1 thế giới” hỗn loạn như thế này. Tao và Huấn ra trước cửa hóng mát. 11 giờ dẹp tiệm. Bà con lục tục ra về. Bọn nhóc ôm nhau trên những chiếc xe Honda loại Sport ống bô cao, nổ rầm rầm. Mấy vị nhà banh vẫn trong dáng dấp đó khệnh khạng cùng với đào bước ra. Bất ngờ chiếc xe Jeep Tuần Cảnh hỗn hợp ở đâu vọt tới đậu xịch trước cửa. Vị Trung Sĩ Quân Cảnh đưa tay ngoắc anh Chuẩn Úy bê bối. Anh bớp mang dép da thụt vào, chạy biến. Chuẩn úy nhà ta gãi tai gãy đầu rồi mân mê chiếc nón vải của binh chủng khác, đội láo lếu. Lắm tội thế thì tha sao được. Vị Trung Sĩ Quân Cảnh ghi ghi chép chép rồi giữ giấy tờ của quan Chuẩn úy - mặt mày còn non choẹt – ra dấu cho xe chạy không thèm áp dụng quân kỷ là chào thượng cấp 1 phát. Anh Chuẩn úy đứng ngơ ngác nhìn theo, rồi lũi lũi đi bên cô đào quê 1 cục. Tao chán quá. Ở thành phố này cái gì cũng theo kiểu …đó. Tao nhìn đồng hồ, 11 rưỡi. Huấn bảo đi đâu. Tao định về trại ngủ nhưng Huấn kéo lên lầu. Ngủ ở đây, tao bao. Tao không muốn viết về cảm nghĩ của tao nữa, vài chục ngày nữa ra trường, về đơn vị ngủ vài phút là quên hết. Thà vậy mà hay, ở cạnh chúng mày tao thấy yên ổn, bớt nhức đầu vì cái hỗn loạn của thành phố này. Và tao có thể yêu Bích 1 cách trong sạch, nếu không thì tao nhìn Bích ra Kim Liên mất. Thôi, tao đi ăn cơm đây, nuốt để mà sống chứ. Chúc vui cho mày, Tuệ ” Tôi buông lá thư của Tuệ rơi trước ngực. Nằm im nghĩ ngợi về những hình ảnh nóng rực của Saigon ăn chơi, Tuệ gởi đến cho tôi trong buổi chiều nhá nhem mưa lạnh này. 1 thoáng nhung nhớ dâng lên trong lòng, tôi thấy mình không thể vùi quên tất cả dễ dàng như tôi tưởng. Saigon nơi ấy có gia đình, có Trang, và có nhiều thứ khác. Thế giới hỗn độn ấy vẫn đầy lôi cuốn và càng lôi cuốn biết mấy khi ở nơi ấy ta có gia đình, người yêu cùng những bạn bè. Tôi trở mình nằm nghiêng. Lá thư của Tuệ rơi xuống đất. Tôi nhìn những hàng chữ nhào lộn trên trang giấy, chợt thấy hiện ra 1 thủa vô tư với bạn bè nho nhỏ, vui đùa nhở nhơ dưới bóng mát những cây bàng, những cây me rậm mát. Thực sự tuổi thơ đã qua đi, nhưng dư hình dư ảnh của thời gian ấy vẫn còn tồn tại trong tôi, bây giờ lại đậm nét hơn bao giờ.