Chương 4

Lần họp mặt thứ nhất trong năm thứ 3, được tổ chức tại quán Ông Cả Cần đường Cách Mạng, chiều nay.
Tôi nói với Trang:
- Lần này hẳn là đầy đủ,em nhỉ?
Vợ tôi âu yếm:
- Tha hồ vui nhé. Chỉ khổ tôi thôi.
Tôi làm bộ ngạc nhiên:
- Gì mà tha hồ vui?
- Gặp bạn gặp bè thì vui chứ sao.
- Còn tại sao em than khổ?
- Anh xách người ta đi ra mắt thiên hạ, kỳ thấy mồ.
Tôi cười, ôm choàng lấy người Trang:
- Em … giỏi xuyên tạc. Người ta có vợ đẹp thì người ta phải khoe chứ
- Em đâu có đẹp.
- Nhưng hơn không được đâu. Phải em định nói tiếp vậy không?
- Biết hết “chơn”
Chúng tôi cùng cười. Trang bảo:
- Sao không sửa soạn đi. Trưởng Ban Tổ Chức mà lè phè thế?
- Còn sớm mà. Hẹn 6 giờ mà bây giờ mới có 5 giờ chiều.
- Anh phải tới sớm đứng đón anh em chứ
Tôi ngồi vào chiếc ghế bành rộng:
- Yên trí. Anh đã khoán việc đó cho 2 tên Vũ Trọng Bình và Đinh Quốc Thành rồi. Lần này tà tà được, đỡ cực hơn mấy lần trước.
Trang chợt nói:
- Kể cũng thích ghê nhỉ. Được gặp lại bạn bè cũ, sau bao năm xa cách, hẳn là nhiều thay đổi.
Tôi đáp:
- Ừ, nhiều thay đổi
Quả là nhiều thay đổi thật. Diễm về Saigon, cuối năm đó tôi cũng nhận được lệnh thuyên chuyển về Biệt Khu Thủ Độ Ngay đầu năm sau tôi đã nghĩ đến chuyện thực hiện giấc mơ hằng ấp ủ: Tổ chức buổi họp mặt của các cựu học sinh Trần Lục trong các niên khóa từ 1956 đến 1962, những thằng bạn đã lưu lạc khắp các ngã đường. Tôi tìm được địa chỉ vài tên bạn, hợp với chúng nó, để tìm những tên bạn khác. Lần đầu tiên họp mặt, quy tụ được 15 người trong tổng số 180 người, ba lớp. Qúa ít. Nhưng kết quả vẫn làm tôi phấn khởi. Ước định với anh em cứ 3 tháng tổ chức gặp gỡ 1 lần, tôi tổ chức lần thứ 2 và thứ 3 trong năm đó. Bạn hữu ngày xưa về dần dần. Đến lần thứ nhất năm thứ 2, tôi và vài tên nữa trong ban tổ chức quyết định là to lớn hơn. Đăng báo và gởi thư mời đến từng người, nhờ tìm thêm những người khác. Lại thêm 1 số nữa được tin, trở về đoàn tụ với anh em.
Càng lúc càng đông, chúng tôi đã về được 80 người. Ngày xưa còn bé, bây giờ có tên trán đã hằn nếp nhăn, chân nổi gân nổi guốc. Vui sướng ngậm ngùi. Ồn ào, nhộn nhịp. Mỗi lần họp mặt, tràn đầy niềm vui, cạn với ly rượu. Mặc dù hầu hết đã là bố trẻ con, là chồng nhưng gặp nhau trong khung cảnh đặc biệt này bỗng dưng như trẻ lại. Cười nói ồn ào, văng tục tùm lum … Chẳng cần biết ai hơn, ai kém, ai sang, ai hèn. Chẳng cần hay ai là Ông nọ Ông kia và ai là kẻ thất bại trên mọi đường sinh sống. Mày tao hết. Réo tên tục nhau mà chửi. Những hỗn danh được nhắc nhở đến với cảm động nồng nàn. Những “chuyện xưa tích cũ” được ôn lại tràn đầy không hết.
Và chúng tôi tìm lại được chút nào của ngày xưa còn bé. Năm thứ 2, họp mặt được 4 lần. Lần sau cùng, tất cả cùng đồng ý hẹn kỳ tới những bạn bè đến dự phải mang theo vợ hoặc người yêu để giới thiệu.
Đệ Oang oang:
- Cứ tưởng tượng các bà tới gặp nhau cũng thấy vui rồi.
Đức đồng đen phụ họa:
- Bà nọ nhìn bà kia có bầu rồi nhìn lại mình mà sợ. Sáu đứa rồi, phu nhân chịu chưa hay vẫn còn chưa chịu, còn tiếp nữa?
Biết Đức trêu mình, Lộc lờ đi:
- Tao chỉ sợ các bà xúm nhau mà họp chợ thì nguy
Nói gì thì nói thằng nào cũng thích cho vợ mình đến dự. Và tôi tiếp tục được bạn bè chỉ định làm trưởng Ban Tổ Chức cuộc họp mặt lần này và Thành và Bình phụ tá.
Tôi hỏi Trang:
- Em ơi, em đã sửa soạn sẵn câu trả lời chưa? Trả lời, khi vợ bạn bè anh hỏi: chị mấy cháu rồi.
Trang kêu lên:
- Thì nói còn lâu mới có
- Trời đất, ăn nói du côn vậy hả?
- Chứ gì, thì tụi mình tính chuyện còn lâu mới có con thôi
- À, anh lại tưởng em quen cái giọng “xấc” như với anh ở nhà thì nguy
- Anh mê cách ăn nói của em mà?
Trang đùa. Tôi cười âu yếm:
- Ừ. Cái gì của em anh cũng mê hết.
Trang ré lên phản đối:
- Nham nhơ?
Và giục:
- Năm rưỡi rồi đó. Sửa soạn đi là vừa.
Tôi đứng lên, thay quần áo. Trang ngồi trang điểm ở bàn. Tôi đến đứng sau lưng nàng, vòng tay ôm trọn vòng ngực nàng.
- Để yên em kẽ chì mí mắt. Hỏng bây gìờ
Tôi cúi xuống:
- Em tôi điệu quá
- Em làm đẹp vì anh mà
- Cho mi 1 cái đi
- Nhảm. Không phải lúc.
Tôi cười, quay đi. Trang vẫn thật trẻ con, thật hoạt động. Tôi hồi tưởng lại 1 năm trước, ngày cưới của chúng tôi.
Từ Pleiku đổi về Saigon, 1 năm sau chúng tôi làm lễ hỏi và lễ cưới cách xa 1 tháng. Chúng tôi đã được ở cạnh nhau những ngày tháng tràn đầy sung sướng và hạnh phúc, kể từ khi tôi đổi về thành phố. Trong hân hoan, yêu đời, tôi đã thấy Saigon không còn là dị hợm. Vẫn đẹp, vẫn đáng yêu dù tất cả chẳng có gì đổi khác. Chúng tôi ở cạnh nhau, chẳng dứt, chẳng rời.
Tình yêu đậm đà quá thể và tôi nghĩ rằng đã đến lúc 2 đứa phải lấy nhau. Tôi đề nghi, Trang bằng lòng:
- Tung hết sách vở, giã từ chữ nghĩa …
- Giã từ thầy bạn nữa chứ
- Ừ, giã từ thầy bạn. Nhưng ….nhớ quá
- Nhớ gì?
- Nhớ đời đi học. Chưa bỏ đã nhớ rồi
Trang hay có lối nói như thế. Tôi bật cười:
- Chọn đi. Anh, hoặc tuổi học trò của em.
- Anh!
- Em vẫn giữ được đời cắp sách nếu em muốn tiếp tục học hành.
- Em muốn chứ, nhưng chỉ sợ tâm hồn đổi khác. Lấy nhau nhiều bổn phận vây quanh, em sợ mình lo lắng đủ thứ thì không còn vô tư vô lự nổi nữa.
Đám cưới, đêm tân hôn thật dài và tôi … mất ngủ. Người con gái mà tôi chỉ thấy vui, thấy cười, thấy hờn giận, thấy dễ thương, suốt thời gian quen và yêu nhau bỗng khóc tỉ tệ Tôi dỗ dành đến …. nhức cả đầu, mờ cả mắt, “người vợ bé bỏng” nhớ gia đình, cha mẹ, những người thân và cảm thấy bị đẩy xô vào 1 cuộc sống mới đầy xa lạ bỗng ngỡ ngàng sợ hãi. Cái gì cũng có vẻ mới mẻ, điều gì cũng có vẻ quan trọng. Trang lo lắng đến độ tội nghiệp.
Phải cố gắng lắm tôi mới lập lại cho Trang niềm tin cậy ở tôi. Một lúc sau cô bé đã lại cười nũng nịu trong nách chồng. Cô dâu mới thủ thỉ với người tình muôn ngày nhưng chỉ mới là người chồng 1 đêm. Tôi nằm nghe nàng nói, bỗng thấy thật đầy đủ ý nghĩa của vai trò: tôi chủ 1 gia đình vừa tạo lập.
Tôi ôm lấy Trang, xiết nàng vào lòng và yêu nàng hơn bao giờ hết, hơn tất cả những gì tôi đã yêu từ lúc biết yêu.
Chúng tôi như hòa làm một, từ lúc đó.
Một thời gian ngắn, Trang đã thấy vai trò làm vợ không mấy khó, nếp sống đã tiếp tục bình thường. Tôi bắt đầu tìm lại được những người bạn cũ và trong nhà tôi luôn luôn rộn rã tiếng nói cười. Họ đến thăm tôi để hỏi han về bạn bè khác nữa. Trang vui lây với niềm vui của tôi và vẫn tiếc không có dịp nào gặp lại thầy cô bè bạn cũ ở Gia Long. Tôi khuyến khích nàng làm như tôi nhưng Trang lắc đầu than:
- Khó quá, em làm không nổi
- Sao thế?
- Con gái khác, ông ơi. Tụi nhỏ trở thành lười biếng và xa cách nhau dễ dàng khi cuộc sống đổi khác. Con gái tệ hơn con trai ở chỗ đó.
Trang đã sửa soạn xong, đến đứng trước mặt tôi:
- Trời ơi, vẫn chưa đi giày nữa
- Chờ anh 1 phút
- Nhanh lên, trễ rồi.
Tôi đùa:
- Sao em có vẻ hấp tấp thế? Anh tưởng người nôn nóng là anh mới phải chứ.
Trang lườm tôi:
- Em không muốn bạn bè anh chê anh là bê bối hoặc đổ oan tại em làm anh đến trễ.
Chúng tôi cùng ra đường. Chở Trang trên chiếc Honda cũ trung thành từng đưa chúng tôi đi khắp nơi những ngày yêu nhau, tôi thấy mình chưa già. Vẫn còn…phong độ lắm. Lái xe chạy ào ào, cua, lượn bay bướm …
- Anh cứ như trẻ con …
- Không còn là trẻ con nhưng đã là bố của trẻ con.
Trang lại kêu lên:
- Nhớ thằng cu tý ghê
Tôi phì cười:
- Em cứ thế, chưa làm cái này đã nghĩ tới cái khác.
- Chứ sao. Để nó 1 mình ở nhà với người làm tội nghiệp.
Trang nói, giọng đầy thương yêu và nhẫn nại:
- Em cũng tội nghiệp anh nữa. Vất vả vì vợ vì con. Nhưng em nghĩ mình tràn đầy hạnh phúc.
Câu nói của Trang bỗng làm dội lên trong lòng tôi 1 âm vang bất chợt. Một người con gái tên Diễm đã ước mong cho tôi và Trang như thế. Và chúng tôi đã có hạnh phúc trong taỵ Bấy nhiêu, đủ để chuộc lỗi với Trang không?

*

Vừa thấy tôi, bạn bè đã kêu lên:
- A, tên đào ngũ đây rồi!
Và bất chấp sự hiện diện của vợ tôi, chúng nó đã ồn ào lôi tên tục, lôi hỗn danh của tôi cùng những kỷ niệm xa xưa ra xỉ vả. Tôi nhìn vào quán, đầy những khuôn mặt quen thuộc và những người đàn bà tôi chưa từng gặp mặt. Tôi giới thiệu Trang với chúng nó và đưa nàng vào trong. Muốn họ biết nhau chỉ có cách là đi chào hỏi từng người. Vợ tôi cười thật tươi, nói năng thật dễ thương. Tôi thoáng 1 niềm hãnh diện mơ hồ về người đàn bà 1 đời của mình.
Cuộc vui bắt đầu, trong ồn ào thân mật.
Bình nói:
- Có 48 thằng về họp mặt kỳ này, những thằng kia kẹt công vụ không đến được.
Thành tiếp:
- Và có 25 thằng đưa phu nhân đến, 11 thằng đưa chuẩn phu nhân đến.
Thừa nói theo:
- Và 12 thằng bồ côi bồ cút đến xem cuộc xum họp của người ta.
Mọi người cười rộ. Chúng tôi ngồi vào bàn và ăn uống vui vẻ. Từng thằng nối tiếp nhau kể chuyện cũ, chuyện mới. Rượu vào lời ra, chúng nó không còn cần giữ ý gì nữa, văng quéo văng muốn tùm lum. Thi nhau kể chuyện tiếu lâm, nói cuội. Bây giờ chúng tôi mới thật người. Bây giờ chúng tôi mới sống đầy đủ 1 lần cho trọn 1 đời chúng tôi. Ở đây chỉ có thương yêu, thân thiết, hân hoan và sung sướng, không có e dè, lo sợ, thủ thế, lường gạt, buồn phiền. Vì tất cả đều là bạn. Bạn từ thủa ngây thơ, chưa biết xấu.
Bữa tiệc ồn ào vẫn kéo dài. Ở đầu bàn đằng kia, Hàn đang lè nhè:
- Để tao nói, để tao nói
Vợ nó kéo áo ép ngồi xuống, nhưng Hàn vẫn oang oang:
- Chúng mày chê ông lắm con, ông chịu nhận. Để ông nói cho mà nghe. Ông đi xa lâu ngày về, gần vợ, vợ có bầu. Ông liền nghĩ tại ông đi xa lâu ngày, nhưng ở nhà lâu ngày vợ Ông vẫn tiếp tục có bầu. Ông liền khám phá ra rằng lỗi tại vợ Ông… thích đẻ. Ông có … làm gì đâu, Chỉ mới …. tiểu vào chân ghế vợ ngồi là vợ đã có bầu rồi cơ chứ.
Bọn đàn ông nhao nhao, các bà khúc khích. Tiếng hoan hô, tiếng phản đối hòa vào nhau.
Bỗng tiếng Hải vang lên át cả tiếng ồn ào:
- A, có 2 tên đến trễ
Chúng tôi đồng loạt nhìn ra. Hai thanh niên và 1 cô gái bước vào. Mọi người reo lên:
- Chinh, Tuấn.
Chinh và Tuấn đến bắt tay mọi người. Có tiếng la lớn:
- A, thằng Tuấn thành em rể thằng Chinh rồi chúng mày ơi. Bà xã thằng Tuấn đấy.
Tôi rùng mình nhìn đăm đăm người đàn bà. Những kẻ đến sau phải mất thì giờ đi chào từng bạn một. Khi 3 người đến trước mặt, tôi xiết chặt tay Chinh:
- Về bao giờ?
- Mới chiều nay, lu bu công việc tao tưởng không đi được. Vợ chồng Tuấn phải chờ tao đi nên cũng trễ luôn.
Tôi bắt tay Tuấn và cúi đầu chào vợ nó. Người đàn bà và tôi nhìn nhau, im lặng. Một chút tôi giới thiệu với Trang.
Hai người chào nhau, nói vài câu xã giao. Thành xếp chỗ cho họ, ngay cạnh tôi và Diễm ngồi bên tôi. Chỉ có 1 khoảng cách nhỏ giữa 2 người mà sao tôi và Diễm xa nhau quá.
Cuộc vui lại tiếp. Tiếng ồn ào làm người nói phải như hét vào tai người nghe. Tôi thu hết can đảm nói với Diễm:
- Gặp gỡ Diễm bất ngờ quá
- Em biết trước sẽ gặp anh khi đến đây. Và em vẫn đến dù tất cả đều đổi khác. Bây giờ em mới thực là em gái của anh, như em của anh Chinh.
Câu Diễm nói nhiều hàm ý. Tôi ngồi im 1 chút rồi tiếp:
- Diễm chả có gì thay đổi
- Anh cũng không khác xưa
- Vậy mà đã 3 năm qua
- Em biết anh đã lập gia đình, đã có 1 cháu. Mỗi lần đi họp mặt về anh Chinh đều kể về mọi người cho em nghe.
Tôi chậm chạp:
- Nhiều lần anh muốn hỏi thăm Chinh về Diễm, nhưng lại rụt rè nên không biết gì hết. Bây giờ gặp lại Diễm, thấy Diễm hạnh phúc anh cũng vui lây.
Diễm cười, cúi xuống ly nước. Tôi quay lại trò chuyện với Trang và từ lúc đó tôi và Diễm chỉ trao đổi những câu thăm hỏi nhẹ nhàng.
Buổi tiệc tàn. Nhân danh trưởng Ban Tổ Chức tôi đứng lên trình bày dự định về ngày họp mặt lần sau. Lại mỗi người 1 câu đấu láo phá rối. rồi cười nghiêng ngả. Chúng tôi đồng ý về ngày và địa điểm gặp nhau ký tới. Mọi người chia tay.
Vợ chồng Tuấn và Chinh chào tôi. Diễm nhìn tôi, đôi môi mấp máy. Tôi bỗng nghĩ là nàng gọi tôi như tối nào ở Pleikụ Nhưng tôi không còn đủ can đảm nghĩ xa xôi về tiếng gọi mơ hồ ấy. Tôi chỉ nhìn nàng thật lặng lẽ và muốn nói thật nhiều trong ánh mắt.
Vợ chồng Diễm đã ra tới cửa. Tôi xiết chặt tay từng người bạn và thấy lòng mênh mang nỗi nhớ. Chưa xa đã nhớ rồi, như Trang đã nói.
Tôi quay lại Trang, vợ tôi đang đứng nhìn tôi cười cười. Quán ăn đã vắng. Tôi đỡ ngang eo vợ, âu yếm:
- Mình về chứ em?
Trang choàng tay sau lưng tôi, nhỏ nhẹ:
- Vâng.
Bước ra đường, gió đêm thật mát. Tôi nói vào tai Trang:
- Anh có tất cả. Anh còn tất cả.
VÕ HÀ ANH
4/1974

Hết


Xem Tiếp: ----