Chương 19
HÀNH TRÌNH MAGELLAN

Cả 3 đối mặt ở đó, sau chấn song sắt, ông chủ nước đá, ông chủ số đề, và nhà thơ. Cuộc đàm thoại tay 3 lọt tai viên giám mục, khiến ông ta không sao sống yên ổn nữa, đành đào 1 lỗ chôn điều bí ẩn vô tình nghe được. Ống sáo mọc lên từ đó thổi đến tôi bản tam tấu sau đây:
Thày Hoàng: - Hê, thi sĩ quèn, suất cơm thừa của tôi đây! Coi xem cọng rau hay nhành củi gãy?
Nhà thơ: - Cảm ơn. Cọng rau.
Thày Hoàng: - Đã vào đây thì tạm biệt luôn cái sĩ diện. Đói phải ăn. Khát phải uống. thiền đấy, mà đám nghệ sĩ thất học các ông hiểu thế quái nào được triết học với tôn giáo! Tôi thì tôi vứt quách mớ chữ nghĩa cao siêu từ khuya. Măm cái đã! Ông thấy không, có thiếu thức gì đâu. Từ ngày ngồi đây, hình như tôi còn hơi đẫy ra. Ít hoạt động! Bụng bắt đầu phì! Nhưng tôi không có ý định chia sẻ món gà rán này với các ông. Làm thế là hạ nhục nhau. Thằng bé giả câm giả điếc kia cứ việc giả câm giả điếc, cứ việc dán mũi vào vệt nắng trên tường! Ngày nào chẳng vệt nắng ấy, rồi đến lúc ngủ mê cũng thấy cái vệt nắng nhàn nhạt chết tiệt đó! Lợm giọng! Còn ông, thi sĩ quèn, mời ông cứ xơi suất cơm tù của tôi. Bỏ làm gì, phí! Chúc ăn ngon!
Nhà thơ: - Cảm ơn.
Thày Hoàng: - Cậu bé tội nghiệp! Hay làm 1 tợp vodka? Uống rượu 1 mình, quả vô duyên!
Anh Hạc: - Xin ông để tôi yên!
Thày Hoàng: - Còn 21 ngày nữa cô bé quàng khăn đỏ của cậu mới mang giỏ quà bánh đến. Nó thì câm điếc thật. Cậu thì giả câm điếc. Việc quái gì phải hành hạ mình kiểu đó! Định tuyệt thực à? Cái chết của cậu làm quà cho ai? Không có cậu, thế gian càng rộng chỗ, chí ít cũng bớt được 1 cái mặt lầm lì. Xà lim này chưa đủ u ám hay sao? Ừ... hừm... trông tôi đây...
Anh Hạc: - Ông im đi! Không khéo tôi vặn cổ...
Thày Hoàng: - A ha! Đầu gấu! Định thiết lập trật tự nội bộ đấy hẳn! Thế nào, thi sĩ đứng ngoài các vụ ẩu đả chứ?
Nhà thơ: - Phải.
Thày Hoàng: - Thấy chưa! Lạy Chúa tôi, cái đầu nông cạn của tôi không sao hiểu nổi, tôi, hay thằng bé dại dột kia...
Anh Hạc: - Ai là thằng bé dại dột của ông!
Thày Hoàng: - E hèm... tôi, hay chàng thanh niên dại dột kia ngồi đây còn có cái lí. Chí ít chúng tôi cũng từng ẩu đả ra trò. Tôi mưu toan thoát khỏi cái xứ trung cổ này, chàng ta lại muốn là ông hoàng không xưng đế ở chính cái xứ khỉ ho cò gáy ấy. Rút cục cả 2 đều không thoát, hành trình vòng vo mãi rồi cũng tập kết tại 1 điểm. Chỉ có điều, tôi vẫn xơi gà rán, còn chàng ta thì dán mũi vào vệt nắng trên tường. Cơ khổ! Còn ông, ông định cách mạng cái xứ chưa hết vỡ lòng này bằng thơ ca chắc? Ôi thương thay các nhà tư tưởng thấp bé nhẹ cân và quá nhiều ảo mộng!
Nhà thơ: - Tôi chẳng chung hành trình với ai.
Thày Hoàng: - Ô hô, tôi cũng từng làm thơ, có thơ đăng báo, bút hiệu Hoàng Văn, từng yêu người đàn bà đẹp nhất xứ này, phải, cả ông cũng say mê nàng, có sao? Từng mơ thành 1 Victor Hugo. Ô hô! Những trò đó thật hay ho, nhưng tôi chui vào đây, chỉ vì đã đoạn tuyệt với thi ca, ái tình và mơ mộng; còn ông chui vào đây, vì chưa kịp đoạn tuyệt với nó. Con tạo trớ trêu! Cắt nghĩa giùm tôi, ông có tội gì?
Nhà thơ: - Tôi không có tội.
Thày Hoàng: - Người ta nhốt 1 kẻ vô tội?
Nhà thơ: - Đó là việc của người ta.
Thày Hoàng: - Còn việc của ông?
Nhà thơ: - Làm thơ, yêu đương và mơ mộng.
Thày Hoàng: - Cái đầu khốn nạn của tôi không chịu hiểu. Ít ra, thơ ông cũng moi móc, khích bác, hay kích động ai đó, phạm húy chẳng hạn?
Nhà thơ: - Thơ tôi chỉ nói chuyện tôi. Tôi không biết thế nào là phạm húy.
Thày Hoàng: - Nói xấu chế độ chẳng hạn...?
Nhà thơ: - Tôi không thể nói gì khác hơn ngoài vũ trụ duy nhất, vũ trụ con người tôi, diễn giải tương quan của nó với cái ông gọi là chế độ là việc của người khác.
Thày Hoàng: - Còn việc của ông?
Nhà thơ: - Làm thơ, yêu đương và mơ mộng.
Thày Hoàng: - Ồ, à, cao siêu gớm! Thì đọc thử 1 bài nghe vui! Tôi đây cũng không đến nỗi ngoại đạo nhé!
Nhà thơ: - Ông Hoàng, xin ông cứ quay về với món gà rán và rượu vodka của ông! Tôi không đọc thơ cho ai nghe thử, cho ai nghe vui. Tôi không quan tâm đến công chúng, dù đó là 1 công chúng có thói quen đọc nhật báo và đủ thứ tạp chí từng đăng tải thơ ông, hay 1 công chúng tự hạn hẹp mình ở mức chối từ nhật báo và các phương tiện truyền thông hiện đại. Người ta có thể tung hô tôi, hay đóng đinh tôi; hôm nay tôi ngồi đây ăn suất cơm thừa của ông, ngày mai lại choáng chỗ trong 1 cuốn từ điển gáy vàng nào đó, có khác gì nhau! Hành trình của tôi cô độc, tôi không cần khán giả, nhất lại là khán giả như ông!
Thày Hoàng: - Luận địu bịp bợm của những kẻ tự cho mình đứng trên hất thảy! Xưa, tôi cũng từng huênh hoang như thế. Đợi đấy, rồi cuộc đời sẽ hỏi thăm hết lượt!
Nhà thơ: - Đó là việc của cuộc đời.
Thày Hoàng: - Còn việc của tôi là cười vào mũi những thằng tự tấn phong mình lên hàng á thánh. Rút cục cũng cùng 1 duộc cả thôi! Mắm – sốt!
Anh Hạc: - Ông hành hạ người ta thế đủ rồi! Để thiên hạ được yên! Mắm với miếc gì!
Thày Hoàng: - Ái chà, đồng minh bất ngờ! Chưa học hết vỡ lòng đã đòi nhận họ với bậc cao minh hiền thánh!
Anh Hạc: - Trường lớp nào dạy dỗ nên hiền thánh! Ông đừng nói dối mãi trên bục giảng còn chưa biết sao! Im mồm, kẻo tôi vặn cổ từ đằng sau ra đằng trước!
Thày Hoàng: - Thời buổi đảo điên! Bất cứ 1 thằng vô lại có quả đấm nào cũng được quyền đè đầu thiên hạ. Thế đấy, nhà thơ ạ, 8 năm trời lang thang tôi với vỡ nhẽ, chỉ có có 2 thứ khuất phục nổi con người: tiền bạc và bạo lực. Tống 1 cục tiền, người ta câm họng; người ta cũng sẽ câm họng trước 1 quả đấm. Hiện thời, ở cái xứ trung cổ này, quả đấm vẫn là 1 giải pháp không thể thay thế. Tôi cảm thông lắm chứ! Những thằng bé dại dột thế này sở hữu gì khác hơn ngoài quả đấm, hả? Chúng hiểu gì khác hơn ngoài luật đấm, hả? Thôi thì mặc chúng với những quả đấm của chúng. Con thú tàn bạo hoành hành, làm sao kể xiết những vụ chém giết, phanh thây xé xác, tự thiêu, nồi da nấu thịt sặc mùi trung cổ. Nghĩ mà kinh tởm! Người ta giải quyết chuyện ái tình bằng lưỡi dao cạo, chuyện nhà cửa bằng dao bầu và chuyện làm ăn bằng dao găm! Ít súng, nhưng nhiều dao, còn máu thì vẫn thế! Rồi bất kỳ thằng lùn lố bịch nào cũng có thể xiềng tay người ta lại! Tôi hiểu lắm chứ, cậu bé, bằng cách này cách khác, năng lượng ứ thừa trong cậu phải được giải tỏa. Ở những xứ sớ khác người ta giải tỏa bằng bằng tôn giáo, nghệ thuật, khoa học hay những trò nhảm nhí vô hại tương tự. Ở đây, lối thoát duy nhất dành cho những kẻ như cậu là bạo lực. Đầu óc ù lì thì bắp thịt lên tiếng. Cậu cứ việc vặn cổ tôi bằng thích, nhưng rồi cậu sẽ hối tiếc. Chính tôi chứ không ai khác lo cho cậu 1 lối thoát khác, văn minh hơn, và không tốn mấy bắp thịt. Tôi không ưa những quả đấm, hoàn toàn vì lí do thẩm mỹ, có lẽ nào cứ kéo dài tấn trò từ thuở các chủ nô La Mã, chúng ta sắp bỏ lại thế kỷ 20 sau lưng. Tôi thích nhìn những đồng tiền hơn, chúng ngọ nguậy vui mắt và biến hóa không ngừng. Rồi sẽ đến lúc chúng thuần phục cả những quả đấm, và con người chì còn chịu 1 áp lực duy nhất, áp lực của đồng tiền. Như thế chẳng dễ thở hơn sao? Nói gì thì nói, tôi đã bỏ công gây dựng áp lực đó, và không đến nỗi kém cỏi. Cậu bé kế cận tôi quả còn hơi non tay. Chuyển từ người trung cổ lên người văn minh đâu có đồng nhất với chuyển ngôi ông chủ từ tay này sang tay nọ. Cậu thất bại là đúng, nhưng đã được 1 bài học. Có ích lắm, vì cậu và tất cả những kẻ như cậu, như cả nhà thơ á thánh kia nữa, sẽ không thoát nổi áp lực tiền bạc khủng khiếp đó. Chúng ta sẽ làm quen với nó, chấp nhận nó, vô điều kiện và phục vụ nó. Chúng ta sẽ cảm thấy tự do thật sự dưới bảo trợ thường trực của nó, hê, đó mới là tinh thần cốt tủy của thời đại! Thời đại ghi công những người tạo lập tinh thần thời đại, nên tôi mới ngồi đây nhá đùi gà và uống vodka. Còn cậu, cậu bé ưa dùng quả đấm kia ơi, rồi cậu sẽ còn sống đến ngày mấy thứ đao búa trung cổ của cậu theo nhau vào viện bảo tàng! Không phải dao, mà là súng sẽ ngự trị! Tôi vượt biển chuyến này để làm nốt sứ mệnh cuối cùng ấy! Thua keo này, bày keo khác. Quả ta nói cùng các ngươi, thế giới sẽ không thuộc về thi ca, ái tình và mơ mộng, cũng chẳng thuộc về những quả đấm mọi rợ! Muốn hay không, các người không thoát nổi từ trường của ta, và buộc trở thành những quân cờ trong tay ta. Mắm – sốt!
Anh Hạc: - Quân khốn kiếp!
Nhà thơ: - Ông là nhà hùng biện ngọng nhất tôi từng gặp!
Thày Hoàng: - Ta không chấp những miệt thị của các anh. Quy luật tâm lí thông thường, trước phản kháng, sau quy thuận. Cậu bé, cậu sẽ được trả tự do, sẽ kiếm 1 nghề làm ăn lương thiện, cưới 1 cô vợ đoan trang, sinh 2 đứa con đúng tiêu chuẩn và thực hành những nghĩa vụ công dân. Nhưng chính đời sống tiểu thị dân đặc sệt của cậu sẽ thúc cậu đến với tôi, chẳng còn đường nào khác. Nhà thơ cũng thế mà thôi, phải có cái gì vào bụng mới mong tòi ra thơ! Xưa, Đức Phật cũng chẳng chối từ 1 bát cháo sữa! Ta chỉ còn việc rung đùi chờ các người quỳ gối!
Anh Hạc: - Phải vặn cổ thằng cha láo xược này!
Nhà thơ: - Kệ hắn!
Thày Hoàng: - Đừng làm bộ nữa, các người đã gục ngã rồi! Những suất cơm đáng nôn mửa và cái vệt nắng chết tiệt kia sẽ đeo đắng cuộc đời của các ngươi như dấu khắc ma ám trên trán. Thú nhận dị, còn hy vọng điều gì nữa, còn chờ đợi phép màu nào? Chẳng có ngày phán xử cuối cùng đâu, kẻ đã được, sẽ còn được mãi: kẻ bại trận, vẫn hoàn bại trận. Hê, kể cả chuyện tình ái nữa, cậu bé dại dột này thì tiêu mạng bởi 1 con “tây”, còn người đẹp của nhà thơ kia ngọ nguậy chán chê rồi cũng yên vị trong chiếc lồng vàng. Có nàng ở đó, ta yên tâm lắm, cô nàng chẳng thể vượt khỏi 5 đầu ngón tay ta. Nàng phó mặc vị á thánh cho ngục tù. Vị á thánh chưa 1 lần biết mùi da thịt như mật ong đầu mùa của nàng, còn ta, ta đã chiếm đoạt nàng từ thuở vị thành niên và sẽ còn chiếm đoạt trở lại, hê... Lạy Chúa tôi... Ối! Đau!... Cho tôi xin... Ối! Ối!...
Vị giám mục can thiệp đúng lúc. Thày Hoàng còn rên rỉ những tiếng cuối cùng trước khi ngất lịm, đầu găm đầy mảnh vỏ chai vodka uống dở. Anh tôi và nhà thơ, những phần tử bạo động nguy hiểm, lập tức bị tách riêng. Từ đó, không ai còn nghe nói đến ông chủ nước đá nữa.
Tám tháng sau, anh Hạc được tha, đính chính nhận xét của tôi về chiếc còng số 8. Không, nó không lạnh buốt như 2 gọng kìm, dẫu đó là 1 ngày hạ chí. Không ai biết chiếc còng số 8 xiết cảm giác gì vào 2 cổ tay. Anh tôi thôi không niện thần chú, số chẵn, số lẻ, chỉ nhiễm thói đo hết thảy bằng bóng nắng trên tường.
Hai mươi tháng sau, nhà thơ trở về, lặng lẽ.