Mùa xuân, qua đi trong hạnh phúc. Mùa hè, lại đến trong hạnh phúc. Lúc sắp đến kỳ nghỉ hè, Hàn Thanh nhận được thư nhà ở Bình Đông, bảo chàng về thăm cha mẹ. Chàng bỗng nhớ đến một việc lớn: chàng vẫn chưa có một tấm ảnh Đà Đà. Chàng cần thuyết phục Đà Đà, đi chụp một tấm ảnh chính thức, cầm về nhà khoe với cha mẹ. Nhưng lúc chàng nói với nàng, nàng dường như đem đầu chàng lay lắc đến suýt rơi ra khỏi cổ. Nàng nói: - Không được! không được! Em trong đời sợ nhất chụp ảnh! Huống hồ chụp cho anh mang về nhà, em không làm! Em không phải là gì của anh... Chàng dùng tay bịt miệng nàng. - Sợ nhất nghe em nói kiểu đó! - Chàng nói - Rất sợ chụp ảnh cùng anh à? Anh có phải đười ươi đâu! - Em thà chụp ảnh với đười ươi, không chụp cùng với anh! - Hả! - Chàng ngốc nghếch mở to mắt. - Bởi vì đười ươi sẽ không mang ảnh của em về cho cha mẹ nó xem. - Được, anh bằng lòng, anh cũng không cầm ảnh về cho cha mẹ xem, chỉ cần em cùng anh đi chụp tấm ảnh! - Đừng, em xấu lắm! - Nói bậy, em là người đẹp nhất trên thế giới! - Đừng! - Cứ! - Đừng! - Cứ! - Đừng! Chuyện giằng co không dứt. Cuối cùng, chàng đề nghị, lấy tung đồng tiền để quyết định. Nàng miễn cưỡng đồng ý. Cầm một đồng tiền lên, nàng đoán là mặt “hoa mai”, chàng đoán là mặt “một đồng”. Đồng tiền tung lên, rơi xuống. Ha, lại là mặt “một đồng”, chàng vui sướng quá, lôi nàng đến tiệm chụp ảnh. Nàng không biết làm thế nào, cũng nửa thuận theo nửa ngần ngại chup một tấm ảnh “chụp chung”. Ảnh rửa ra, chàng mặt đầy vẻ ngốc nghếch cười, nàng cũng mặt đầy vẻ ngốc nghếch cười. Chàng còn đắc ý lại khoác lác nói: - Em xem thế nào gọi là Kim Đồng Ngọc Nữ? Đây chính là Kim Đồng Ngọc Nữ! Quả là xấu hổ, nàng muốn xé tấm ảnh đi, chàng coi tựa như của báu ôm tấm ảnh chạỵ không biết làm cách nào với chàng. Rất lâu sau đó, nàng vẫn còn nhớ đến chuyện này, hồ nghi hỏi chàng một câu: Đồng tiền ấy có phải là đồng tiền đạo cụ làm ảo thuật hay không? Có sẽ hai mặt đều khắc chữ “một đồng” hay không? Chàng cười to. - Có thể! - Chàng nói. - Thật hả! Thật hả - Nàng truy hỏi - Em xem con người anh có phần không thật thà, em đã mắc lừa anh! Trời ơi! Đà Đà, anh sẽ khiến em mắc lừa ư? Thế nào cũng có một ngày, chúng ta còn sẽ đi chụp càng nhiều ảnh. Lúc đó em sẽ khoác sa trắng, làm tân nương của anh. Chàng nhìn nàng, không nói ra được. Chỉ vì, quen nhau lâu như thế, đã gặp nhau đã hiểu nhau, lại yêu nhau, lại thương nhau... Mà hai chữ “hôn nhân” vẫn là hòn đá vướng chân giữa hai người. Chàng có thể hiểu rất nhiều phương diện của nàng, chỉ không hiểu cảm giác kháng cự đối với “hôn nhân” của nàng. Chính giống như nàng nói, nếu chàng bức nàng quá căng, nàng sẽ bỏ chạy. Chính giống như Từ Nghiệp Bình nói, tương lai là con đường dài dặc, mơ hồ huyền ảo. Trời, Đà Đà, trong lòng chàng khẽ gọi: chẳng lẽ anh còn chưa đủ yêu em, chưa đủ tư cách đi cùng em trên con đường dài dặc về sau? Chẳng lẽ em còn chưa thể tin vao bản thân em, tin vào sự lựa chọn của em? Hay là... em cho rằng trong đời sống của em về sau, sẽ gặp được người mạnh hơn, tốt hơn anh? Không, không! Vấn đề cuối cùng này phải xóa đi từ đáy lòng, triệt để xóa đi, chỉ là trên nền của đáy lòng, vẫn lưu lại dấu vết đã vẽ, tuy mờ nhạt, cũng mang lại vết thương ngấm ngầm. Nghỉ hè năm sau, chàng về nhà chỉ ở lại hai mươi ngày, liền vội vã trở về Đài Bắc. Quả thực quá nhớ nàng, quá nhớ quá nhớ. Lần đầu tiên trong đời nếm mùi vị tương tư, thì ra là đắng chát, chới với, tránh không nổi, quẳng không xong như vậy. Chàng chép cho nàng một bài thơ nho nhỏ không biết xem thấy ở đâu: “Đà Đà: Anh không nhớ em, Nhưng tâm tư hễ động, Anh liền nhớ đến em. Anh không muốn mộng thấy em. Nhưng đôi mắt hễ khép, Anh liền mộng thấy em. Anh không muốn bàn luận về em, Nhưng miệng hễ há, Anh liền lại nói về em. Thanh” So với thư của chàng, thư của nàng gởi đến lại thanh thoát hơn rất nhiều. Lúc đó, nàng đang dự trại hè ở Vạn Lý. Thư của nàng hồn nhiên, thanh thoát đến nghịch ngợm, ngay cả một chút xíu “mùi son phấn” cũng không co: “Thanh: Khi anh nhận được bức thư này, là lúc trời mới sáng, lúc đó anh dang đi một đôi dép lê (coi, chân trái đi lộn sang chân phải! Người ta vừa mới trở dậy mà! ), đôi mắt ngái ngủ lơ mơ, đi về phía tiền sảnh, định xem tiểu thuyết võ hiệp kỳ này trên “Thời báo Trung Quốc”. Trong lòng anh đang nghĩ, không ngờ được rằng bưu tá tiên sinh “roạt” một tiếng, một chiêu “Phi Vân quánh nhật” tuyệt đẹp giáng thẳng xuống đầu, đang đợi vươn tay ra đỡ chiêu này, đã không kịp nữa, chỉ thấy một ngân tiêu màu trắng đập xuống đầu, “Tam tự kinh” đang chờ nói ra miệng, sờ sờ cái đầu từng luyện Thiết đầu công vẫn bình yên vô sự, cũng cho qua. Cúi đầu nhìn, không phải là ai khác, té ra là Lục y sứ giả do Viên Trường Phong chưởng môn nhân Vạn Lý tiêu cục sai khiến, đưa đến tiêu thư. Thôi, khúc huyễn tưởng của cô nương đến đây ngừng lại, nếu không, tôi cùng có thể viết một cuốn tiểu thuyết lại như “Tàn nguyệt. Thanh đình Đao” (Trăng tàn. Chuồn Chuồn. Đao) Xin chúc vạn an Đà Đà, Bãi biển Vạn Lý 26 - 7)” Một bức thư đáng yêu, sinh động biết bao. Nhưng, trong bức thư thiếu một chút gì, một chút gì có thể khiến chàng cảm thấy sự mong nhớ của nàng. Không có. Thiếu là thiếu như vậy. Chàng xem đi xem lại bức thư, đúng là thiếu một chút gì. Bãi biển Vạn Lý? Ở đấy có rất nhiều sinh viên chuyên khoa đại học, đang kỳ nghỉ hè. Chắc chắn, Đà Đà của chàng là sôi nổi, chắc chắn, rất được hoan nghênh! Chàng chăm chú nhìn tấm ảnh chụp chung phóng đại trên bàn: Đà Đà cười tươi tắn, mắt sáng, răng trắng, thần thái bay bổng mà uyển chuyển. Chàng có chứng cớ gì nói Đà Đà sẽ không biến đổi, sẽ không bị lay động bởi hàng ngàn người đeo đuổi? Nhà ở Bình Đông không thể nán lại được nữa. Nét mặt già nua của mẹ, cái nhìn chăm chú quan tâm của cha, tiếng cười nói lảnh lót của em trai em gái... đều chống đỡ không nổi một cái tên ở Đài Bắc. Đà Đà, anh rất nhớ em, dù cho anh vốn đang nhớ em. Đà Đà, anh rất yêu em, dù cho anh đã yêu em như thế. Về đến Đài Bắc, việc đầu tiên là gọi điện thoại cho Đà Đà. Không có nhà, đi ra ngoài rồi. Xem đồng hồ tay, tám giờ tối. Trại hè Vạn Lý cũng đã kết thúc. Đi ra bên ngoài rồi? Đi đâu? Cú điện thoại thứ hai gọi cho Phương Khắc Mai. - Ủa? Anh về rồi hả thế này nhé, tôi đang muốn đến nhà Từ Nghiệp Bình, anh cũng đến nhé, gặp mặt hãy nói chuyện! Có cái gì không bình thường? Tim chàng bỗng nhiên sa xuống đáy biển, đáy biển rất sâu rất sâu, lâu lắm vẫn không nổi lên. Sau đó, không để lỡ một phút, chàng chạy thẳng đến nhà Từ Nghiệp Bình. Nhà họ ở phía sau Đại Học Trung Ương Đài Bắc, là nhà ở của gia quyến nhân viên giáo vụ nhà trường. Vừa vào nhà họ Từ, là nghe thấy Từ Nghiệp Vỹ đang đánh trống tay như điên cuồng. Con người này dường như vĩnh viễn sử dụng không hết sức sống. Cha mẹ Từ Nghiệp Bình đều đi vắng, hèn chi Phương Khắc Mai sẽ đến nhà họ Từ, không chỉ có Phương Khắc Mai, Đinh Hương cũng có mặt. Từ Nghiệp Bình ôm Phương Khắc Mai, đang hát to: Ý trung nhân của anh, xin em đừng đi, Nghe tiếng trống ngân nhịp nhàng... “Tong tong tong! Tùng tùng tùng tùng tùng!” Tiếng trống của Từ Nghiệp Vỹ lập tức hòa theo. Trái tim của Hàn Thanh cũng đang đập loạn, nhưng không hay như tiếng trống của Từ Nghiệp Vỹ, một chút cảm giác tiết tấu cũng không có. Chàng đi vào còn chưa nói chuyện, Từ Nghiệp Bình đã cười hi hi đưa cho chàng một chai bia lạnh, nói: - Sáng nay có rượu sáng nay say, uống đi! - Uống đi! - Từ Nghiệp Vỹ cũng kêu, gõ trống “Tong tong tong tong tong!”. - Viên Gia Bội thế nào? - Chàng nắm lấy chai, thoạt vào đầu đã hỏi, nhìn trừng trừng Từ Nghiệp Bình. - Cậu có giao cô ấy cho tôi bảo quản đâu? - Từ Nghiệp Bình vẫn cười. - Du giao cho tôi bảo quản, tôi cũng không quản nổi. - Từ Nghiệp Bình? - Chàng kêu lên. - Tiểu Phương, em nói vơi anh ấy đi! - Từ Nghiệp Bình đẩy Phương Khắc Mai - Nói với anh chàng ngốc nhận thắt nút chết này đi! - Rốt cuộc đó là chuyện gì? - Chàng lớn tiếng hỏi, tiếng trống của Từ Nghiệp Vỹ sắp làm đầu chàng ù đi. - Hàn Thanh, anh đừng nóng nảy - Phương Khắc Mai đi lại, dịu dàng nhìn chàng - Chỉ là chuyện cũ mà thôi. - Chuyện cũ cái gì? - Trán chàng rịn mô hôi, quá nóng bức. Chàng thấy sơ mi trên sống lưng ướt đẫm. - Một anh con trai - Phương Khắc Mai nói nhỏ - Họ quen nhau ở Vạn Lý, bất quá mới quen biết gần mười hôm mà thôi. Viên Gia Bội đặt cho anh ta một ngoại hiệu, gọi là “Oa Oa” (Trẻ con). Bởi vì anh con trai này thích cười, rất thích làm ồn, có một bộ mặt trẻ con. Viên Gia Bội thích thú cái phóng khoáng của anh ta, nói anh ta rất có chất uy-mua. Anh biết Viên Gia Bội, chỉ cần có ai có chút xíu chỗ nào giống cô ấy, cô ấy sẽ lập tức mê lú đi, thưởng thức đối phương đến gần chết được. Cô ấy là như vậy đấy! Chàng nắm chai bia, bỗng hai chân mềm nhũn, lếch thếch xông ra khỏi ngôi nhà nhỏ vô cùng nóng nực. Chàng ngã xệp trên bậc thềm trước nhà, ngồi đấy, không động đậy. Lát sau, chàng thấy có một cái tay nhỏ dịu dàng, đặt trên vai chàng, chàng quay đầu nhìn, là Đinh Hương. Cô ta đưa cho chàng một điếu thuốc lá đã đốt, cứ nhét thuốc là vào miệng chàng, cô ta cúi đầu nhìn chàng nói: - Từ Nghiệp Vỹ bảo tôi nói với anh, anh nhất định sẽ thắng! Chàng trừng trừng nhìn Đinh Hương, không hiểu ý tứ cô ta cho lắm. - Đã xem giành cờ chưa? - Đinh Hương cười, cô gái ngọt ngào, êm dịu, tế nhị mà đầy nữ tính, sớm chín chắn - Từ Nghiệp Vỹ nói, người ta bắt đầu chạy đã chậm hơn anh một buớc, trừ phi anh bỏ cuộc, nếu không, chạy tiếp nữa đi! Vẫn chưa đến điểm chung kết kia mà! Chàng đăm đăm nhìn Đinh Hương, lại quay đầu nhìn về phía trong nhà. Từ Nghiệp Vỹ toét miệng cười với chàng, đánh trống tay như điên cuồng: “tùng tùng, tùng tùng tùng”.