Chương 4 -3

Dịch Giả: Nguyễn Hải Hà
Chương 25 -2

Bét-xô-nốp cầm chiếc ống nghe dính chặt vào những ngón tay ẩm ướt và tưởng như vẫn còn ngửi thấy mùi máu có vị mặn của sắt bốc ra từ bọc khăn mùi soa màu hung sẫm ẩm ướt đựng huân chương và tài liệu, từ tấm ảnh chụp nghiệp dư trong cặp môi của em bé gái gầy gò, con gái của Ve-xnin, đỏng đảnh chụm môi lại, từ những ngón tay của mình nắm chặt lấy ống nghe đến nỗi các bắp thịt trắng nhợt.
-Sao lại im lặng thế, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích? Ông có chuyện gì lo lắng à? Ông cứ phản đối đi nếu có ý kiến khác, tôi sẵn sàng nghe. Còn gì nữa nào? Ông có muốn yêu cầu gì nữa không? Anh chàng tẩn mẩn của ông đã xin đủ mọi thứ rồi. Tay ấy đúng là một anh nông dân thích vơ vét!
-Xin phép cho tôi ngắt lời đồng chí, thưa đồng chí số Một,-Bét-xô-nốp nói, giọng khô hẳn lại.-Tôi không có quyền không báo cáo đồng chí… Uỷ viên Hội đồng quân sự Vi-ta-li I-a-ê-vích Ve-xnin đã hy sinh ba tiếng đồng hồ trước đây trên đường đến quân đoàn xe tăng.
-Sa-ao lại hy sinh? Ông sao thế? Ông nói cái gì hở?-Tiếng thét của tư lệnh phương diện quân bật lên ở đầu dây đằng kia rồi lập tức hạ xuống thì thào:-Như thế nào? Ông báo cáo với tôi cái gì?
-Bét-xô-nốp nhắc lại:
-Thưa đồng chí số Một, tôi xin báo cáo: Vi-ta-li I-a-ê-vích Ve-xnin đã hy sinh ở trong làng, trên đường tới quân đoàn xe tăng. Chúng tôi vừa mới được báo tin.
-Hy sinh? Ve-xnin à? Thế nghĩa là các anh đã không bảo vệ được uỷ viên Hội đồng quân sự! Chả lẽ ông không biết rằng đồng chí ấy bao giờ cũng xông vào những chỗ nước sôi lửa bỏng hay sao?... Ông không biết à? Phải kìm giữ đồng chí ấy lại chứ! Phải để mắt đến đồng chí ấy chứ! Chúng ta đã mất một con người vàng ngọc biết chừng nào!... Đó quả thật là điều tôi không tài nào ngờ tới! Thật như sét đánh ngang tai! Thế đội bảo vệ ở chỗ ông thế nào? Mắt mũi họ để đi đâu?
-Xin đừng trách tôi, thưa đồng chí số Một. Tiếc rằng có trách cũng chẳng làm gì được nữa rồi. Cả đối với đồng chí cũng như đối với tôi.-Bét-xô-nốp im lặng.-Xin cho phép tôi báo cáo ngắn gọn những suy nghĩ bổ sung vào bản báo cáo của tôi.
-Ông còn có tin gì mới nữa thế?... Dẫu sao đi nữa thì chuyện đó đã xảy ra như thế nào hở Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích? Chà, đúng là ông giết tôi! Giết chết tươi!...
-Đồng chí cho phép tôi báo cáo chứ, đồng chí số Một? Xin đồng chí lắng nghe tôi.
-Được, ông nói đi. Ông báo cáo đi. Tôi nghe đây.
Bét-xô-nốp đã cứng cỏi chuyển sang chuyện khác, không nói về chuyện Ve-xnin nữa, ông không đủ sức để nhắc lại tỉ mỉ về cái chết của đồng chí ấy. Và ông bắt đầu báo cáo, thấy không cần phải giải thích rằng cho đến hết ngày hôm ấy, do tình hình của sư đoàn Đê-ép bị xe tăng Đức chia cắt, ông đã sẵn sàng thiết lập trận địa phòng ngự vòng tròn ở đây-đây là điều ông e ngại hơn hết cả (cũng như Ve-xnin là người, khác với ông, không giấu giếm sự e ngại đó)-nhưng tuy vậy ngay cả lúc đó ông cũng vẫn không dám liều “động tay” xé lẻ quân đoàn xe tăng cơ giới thành các lữ đoàn vì quân đoàn này dùng để phản công. Ông chỉ nói là đã đến lúc hiệp đồng các đơn vị cơ động, hôm qua Gốt đã sử dụng các lượng dự bị của mình-tên thiếu tá tù binh Đức, sĩ quan tuỳ tùng đã xác nhận tin này,-và ông cho rằng cần phải giáng đòn phản công ngay sáng nay, trước khi địch hoạt động trở lại trên bờ sông phía Bắc. Không để mất thời gian, không cho chúng nghỉ xả hơi và ngay từ đầu dùng đòn phản công bất ngờ của các quân đoàn xe tăng và cơ giới, không cần có pháo bắn chuẩn bị theo lệ thường, hất quân Đức ra khỏi các bàn đạp trước khi chúng kịp hội quân.
-Tại sao lại không cần pháo bắn chuẩn bị? Làm như vậy ông sẽ đạt được cái gi?-Tư lệnh hỏi.-Ông không tin vào pháo binh phải không?
-Quân Đức biết rõ rằng pháo bắn chuẩn bị là dấu hiệu tiến công. Pháo binh chỉ lên tiếng khi xe tăng đã ra tới điểm xuất phát tiến công.
-Chúng tôi sẽ thảo luận,-tư lệnh nói.-Hay đấy. Tôi sẽ trao đổi với đại diện của Tổng Tư lệnh tối cao. Ông sẽ nhận được mệnh lệnh… Thế ra Ve-xnin? Bằng cách nào nhỉ? Tin tức của ông đã làm tôi bối rối thật sự đấy, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích ạ. Thế là bây giờ ông phải một mình quyết định cả. Không có uỷ viên Hội đồng quân sự. Đồng chí ấy rất tin ở ông, mặc dù tôi biết rằng… ông chẳng đơn giản chút nào, ta cứ nói thẳng như thế, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích ạ! Chà, làm việc cùng với ông đâu có đơn giản!
“Đúng rồi, Ve-xnin…-Bét-xô-nốp nghĩ, lim dim cặp mi mắt nặng nề.-Đúng rồi, bây giờ mình chỉ có một mình. Lúc này chẳng có ai thay thế Ve-xnin cho mình. Đồng chí ấy đã tin ở mình. Vậy mà mình sợ bộc lộ trước mặt đồng chí ấy, mình co mình lại. Chao ôi, Vi-ta-li I-a-ê-vích thân mến của tôi ơi, đúng là suốt đời học hỏi vẫn không thấu, muộn mất rồi, chúng tôi bắt đầu đánh giá cái chân chính một cách quá muộn màng! Nếu có thể được đồng chí hãy tha thứ cho thái độ lạnh lùng cứng nhắc của tôi. Bản thân tôi cũng đau khổ vì thái độ đó nhưng tôi không thể gạt bỏ khỏi mình cái bản tính thứ hai đó được”.
Bét-xô-nốp đã không nói điều ấy với tư lệnh phương diện quân, đó là tâm sự riêng của ông mà ông không muốn bộc lộ với ai, không muốn đem ra cho người khác phán xử, nó cũng giống như những hồi ức đau đớn, day dứt về đứa con trai, về vợ ông. Những hồi ức ấy đã cắn dứt lương tâm ông không sao chịu đựng được.
Sau khi kết thúc cuộc nói chuyện với ban tham mưu phương diện quân, Bét-xô-nốp còn đứng hồi lâu trước máy. Ông đứng đó, cảm thấy trống trải giữa những giọng nói thận trọng, tiếng trao đổi qua đường dây của các chiến sĩ thông tin, giữa những khuôn mặt đang ngầm quan sát ông và bản thân ông cũng cảm thấy khuôn mặt mình tái xám đi vì mệt mỏi, già đi trong những ngày đêm ấy, không muốn tiếp xúc một ai. Đồng thời ông hiểu rõ lúc này họ đang nghĩ gì, cả thiếu tá Gla-đi-lin dè dặt và thận trọng đang chăm chú cúi mình trên tấm bản đồ, các sĩ quan tác chiến, các chiến sĩ thông tin, sĩ quan tuỳ tùng Bô-gi-scô cũng như đội trưởng đội bảo vệ Tít-cốp đang hết sức căng thẳng chờ đợi quyết định số phận của mình-tất cả mọi người đều đang cùng chờ đợi với anh ta. Bóng đen lờ mờ của anh nhấp nhô phía bên phải cửa ra vào, mái đầu quấn băng lúng liếng như một quả cầu trắng. Không kìm mình được nữa. Tít-cốp khẽ thì thào:
-Còn tôi thì thế nào… thưa đồng chí tư lệnh? Tôi phải đi đâu bây giờ?
-Đi nằm viện,-Bét-xô-nốp thốt lên giọng cứng nhắc.-Anh hãy đến viện quân y, thiếu tá Tít-cốp.
Bét-xô-nốp nằm nghỉ trên tấm phản trong căn hầm ngầm được sưởi nóng, tối lờ mờ của Đê-ép, không thay đổi tư thế, mắt nhìn lên những súc gỗ vì hơi nước ở nóc hầm; thỉnh thoảng ông lại nghe thấy tiếng ho khe khẽ, nhẹ nhàng của Bô-gi-scô đang loay hoay với chiếc ấm đun nước trên lò sưởi bằng sắt, tiếng áo choàng của anh ta sột soạt, nhưng ông làm như không hay biết gì. Những âm thanh ở căn hầm ngầm bên cạnh trầm trầm vọng qua vách đất, ông muốn được im lặng và suy nghĩ dưới tiếng phần phật đều đều vô tư lự của ngọn lửa trong lò sưởi, muốn duy trì trong mình dẫu là sự cân bằng bề ngoài, sự yên tĩnh cần thiết cho buổi sáng hôm sau, sự yên tĩnh mà ông đã bị mất sau khi được tin về cái chết của Ve-xnin. Ông cố quên dẫu chỉ là trong chốc lát những lời báo cáo của thiếu tá Tít-cốp, cố nghĩ về trận phản công sắp tới của các quân đoàn nhưng rồi ông lại quay về với những ý nghĩ về Ve-xnin, về cái điều không thể tha thứ được, giống như sự vô nghĩa độc ác, là ông và Ve-xnin chưa trò chuyện được hết với nhau, về cái gói mùi soa sẫm mầu đựng huân chương và tài liệu mà Tít-cốp đặt trên bàn, về nụ cười thoáng đỏng đảnh mà em bé gái trên tấm ảnh chụp nghiệp dư kẹp trong lý lịch quân nhân của Ve-xnin… Khi nghĩ đến tất cả những điều ấy, trí nhớ của ông quay về quãng thời gian hai người mới làm quen với nhau, cùng đi từ ban tham mưu phương diện quân về ban tham mưu tập đoàn quân, xe đi vòng qua đội hình các sư đoàn đang hành quân và họ dò đoán nhau qua cử chỉ, lời nói hay sự im lặng. Chẳng hiểu sao ông nhớ tới anh chàng lái xe tăng say mèm, hốt hoảng của tập đoàn quân bên cạnh, hình như là người chỉ huy một đại đội, nhờ có Ve-xnin nên anh ta được sống. Phải rồi, đối với những kẻ tuyệt vọng, trệch hướng chắc chắn là trong lòng Ve-xnin ít có sự căm ghét hơn trong lòng Bét-xô-nốp là nguời, sau những tấn bị kịch của những tháng đầu tiên năm bốn mốt, đã có ý dập tắt trong lòng mình sự nể nang và thương hại, thái độ yếu đuối của con người, đã dứt khoát rút ra một kết luận: hoặc là thế này-hoặc là thế kia. Sự việc là như thế hoặc đại khái như thế, nhưng khi nhớ tới anh lính xe tăng đó nhớ tới thái độ không cởi mở và ngờ vực của mình trong buổi đầu gặp gỡ Ve-xnin-ngay từ lúc ấy ông cũng đã hiểu rằng thái độ của mình là phong độ trí thức mềm mỏng của đồng chí ấy-Bét-xô-nốp không cắt nghĩa xem thái độ của mình như thế là đúng hay sai, khép mi mắt lại ông chỉ cảm thấy rằng: có cái gì đó lay động một cách đau đớn trong lòng ông. Những lời nói của Tít-cốp mà lý trí không thấu hiểu được văng vẳng cực kỳ rõ rệt bên tai ông: “Uỷ viên Hội đồng quân sự đã hạ lệnh chiến đấu, đồng chí ấy không muốn rút lui”.
“Đồng chí ấy không muốn rút lui”, mấy tiếng đó xoáy sâu trong đâu Bét-xô-nốp, ông sửng sốt trước việc Ve-xnin đã phát ra một mệnh lệnh như vậy mà địa vị của uỷ viên Hội đồng quân sự không bắt buộc đồng chí ấy phải chấp nhận trước trận chiến đấu mà phải rút lui, không được liều mình trong những hoàn cảnh như vậy; nhưng dù thế nào đi nữa Ve-xnin cũng đã chấp nhận cuộc chiến đấu và đã xảy ra chuyện xảy ra ba giờ trước đấy.
-Thưa đồng chí tư lệnh, mời đồng chí xơi nước…
Hương vị chè thơm phức. Những bước chân đi nhẹ nhàng. Thoáng nghe thấy tiếng ấm nước phì phì trên bếp lò, tiếng cùi dìa lanh canh chạm vào chiếc ca.
-Thưa đồng chí tư lệnh, giá đồng chí ngủ độ nửa giờ… ở đây không có ai làm phiền đồng chí cả. Đồng chí xơi nước chè rồi ngủ đi. Sẽ không có gì xảy ra trong nửa tiếng đồng hồ đâu. Tôi sẽ không để ai làm phiền đồng chí…
-Cám ơn. Tôi sẽ nghỉ ngay.
Bét-xô-nốp mở mắt ra nhưng không trỗi dậy. Lúc đó ông tự nhủ phải trỗi dậy, cầm lấy ca nước chè đã được chuẩn bị sẵn cho ông, uống nước và theo như thói quen trước đây mà mọi người đã biết, bước sang căn hầm ngầm bên cạnh nơi lúc này mọi người đang chờ những mệnh lệnh cuối cùng của ông trước buổi sáng, nơi có ánh đèn điện ắc qui quen thuộc, những tấm bản đồ, các máy điện thoại, máy liên lạc vô tuyến, những tín hiệu. Từ lâu ông đã biết rằng: đòn đánh nhẫn tâm của số phận dù thiêu đốt tâm hồn, nhưng không chấm dứt chiến tranh cũng như không chám dứt được những đau khổ, không gạt bỏ khỏi những người đang sống cái trách nhiệm phải sống. Sự tình là như vậy ngay cả sau khi nhận được tin về số phận của con trai. Và thu hết nghị lực để trỗi dậy, ông thò chân ra khỏi tấm phản, ngồi lên rồi tìm tòi cái gì đó ở đầu giường.
-Được, tôi uống ngay đây. Cám ơn thiếu tá,-ông nhếch mép cười cay đắng, những nếp nhăn chứng tỏ sự mệt mỏi bã người hằn sâu bên khóe mép.-Anh xem gì thế, Bô-gi-scô?
Bô-gi-scô dùng mũ lông nhấc ấm nước nóng khỏi bếp lò, rót tia nước màu nâu vào chiếc ca bằng sắt tây, hương chè đặc tỏa ra thơm phức. Anh cụp mi mắt xuống để che giấu ánh mắt vàng vàng đau buồn và nói:
-Dạ, không có gì ạ, thưa đồng chí tư lệnh. Giấy tờ của Vi-ta-li I-a-ê-vích ạ… Tôi sẽ chuyển…
Không đời nào anh dám nói cho Bét-xô-nốp biết rằng trong số giấy tờ của Ve-xnin đặt trong chiếc cặp để gửi lên ban tham mưu, anh đã tìm thấy tờ truyền đơn nhàu nát và dính máu, cái vật khủng khiếp nhất mà Bét-xô-nốp không nên biết tới.