Chương 4
CHỒNG VỢ GẶP NHAU

Căn phố lầu, số 28, đường Cây Mai, ở Chợ Lớn, là căn nhà của Thái Cẩm Vân ở với dì cô là cô Ba Hài.
Khi chủ nhà chưa lấy chồng thì dọn dẹp vén khéo, có vẻ thanh nhã bao nhiêu, bây giờ dòm vô thấy đồ đạc lộn xộn, coi cũng có vẻ ưu sầu bấy nhiêu. Hai chậu cau vàng để trước hiên không ai tưới nước nên khô lá, héo đọt.
Tấm sáo treo ở trước cửa đã đứt dây mà không ai sửa, nên xề xệ một bên. Bộ ghế xa lông cái thì day vô, cái thì day ra không đối diện, không ngay hàng. Bộ tranh treo trên bàn viết tấm thì bụi bặm đóng dầy, tấm thì bể kiếng lòi giấy.
Cô Ba Hài nằm trên bộ ván để phía trong, cô gác tay qua trán, mặt coi buồn xo.
Thái Cẩm Vân ngồi bên đó, đầu trọc lóc, mình ốm teo, nàng cúi mặt xuống, tay bóp hai bàn chơn, rồi nàng chau mày, cặp mắt coi sâu hóm, mà trên trán lại đùn da mấy lằn.
Một người khách Triều Châu trạc chừng tuổi 45 tuổi, mình mặc áo trắng quần đen, chơn đi giầy Tàu đen, đầu đội nón nỉ đen, ở ngoài bước vô không lột nón, mà lại ngồi xề trên ghế rồi ngó Cẩm Vân và hỏi rằng:
- Con Vân à, bữa nay lứ [1] mạnh hôn?
Cẩm Vân ngước mặt lên ngó rồi gật đầu chớ không trả lời. Cô Ba Hài ngồi dậy nói rằng:
- Bữa nay nó khá khá hơn bữa hổm.
Người khách Triều Châu nầy tên là Thái Tuế, anh em một họ với ông Bang Siêu là cha của Cẩm Vân, bán tiệm vải ở đường mé sông gần cầu Chà Và. Thái Tuế móc trong túi lấy ra một gói thuốc, đốt một điếu mà hút rồi nói rằng:
- Làm bậy làm bạ lấy chồng Y Nam [2] làm cái gì. Hồi đó phải nghe lời hóa [3] thì đâu có vậy.
Cô Ba Hài nói rằng:
- Cháu nó đương buồn, chú nhắc việc xưa làm chi, chú Tuế.
- Buồn cái gì? Thây kệ, bỏ đi.
- Bỏ giống gì? Hổm nay tỉnh trí rồi, nó nhớ con nó, nên nó buồn quá.
- Cũng tại lứ, nên nó mới vậy đó.
- Tại tôi làm sao?
- Cha mẹ nó chết hết. Lứ là dì của nó, lứ nuôi nó. Nó là con các chú, để gả cho Y Nam, nên mới vậy đó.
- Chú nói kỳ cục quá! Người ta đến nói nó, tại nó ưng người ta nên tôi phải gả, chớ tôi cản sao được. Tại nó chớ phải tại tôi hay sao, nên bây giờ chú đổ thừa cho tôi.
- Tại cái gì, lứ không gả, nó ưng sao được. Hồi đó mấy chỗ đi nói, họ tử tế quá, con ông Bang, con Chúa tàu xứng đáng không biết chừng nào, lứ không gả, để gả cho Y Nam.
- Tại nó không ưng các chú, làm sao tôi gả cho được?
- Bây giờ lứ biểu nó bỏ chồng đó đi. Lo uống thuốc cho mạnh rồi hóa kiếm chồng các chú cho nó. Nó còn tiền uống thuốc hôn?
- Sao lại không còn. Mấy năm nay nó có chồng, tôi góp tiền phố cho nó một tháng hơn hai trăm, bây giờ còn dư bốn năm ngàn đồng bạc chớ sao hổng còn.
- Tưởng hết tiền hóa đưa cho, như còn thì thôi.
Thái Tuế đứng dậy đi về, không thèm từ giã ai hết. Chừng ra tới cửa chú ta day lại nói vói rằng:
- Mua sâm tốt mà uống, đừng có hà tiện.
Nói câu đó rồi bước lên xe kéo mà đi.
Cô Ba Hài ngó lại cháu thì thấy nó đương lấy vạt áo mà lau nước mắt.
Cô động lòng chịu không được, nên bỏ đi ra nhà sau. Cẩm Vân kéo gối nằm chèo queo, day mặt vô vách.
Cách chẳng bao lâu, có một cái xe hơi chạy rề rề ngang cửa, rồi ngừng cách chừng hai căn phố.
Trọng Quí bước xuống xe và nói với Chánh Tâm rằng:
- Cậu phải nghe lời tôi. Cậu ngồi đây để tôi vô thăm coi, như mợ Ba hết giận cậu thì tôi kêu cậu vô, đừng có vô bất tử đa, chứng bịnh của mợ Ba khó lắm, không nên làm cho mợ giận.
Chánh Tâm gật đầu. Trọng Quí mới đi trở lại cửa của Cẩm Vân rồi giở bức sáo mà bước vô.
Cẩm Vân nghe tiếng giầy, liền day mặt lại dòm.
Nàng thấy Trọng Quí thì lồm cồm ngồi dậy rồi cúi đầu chào.
Cô Ba Hài ở dưới nhà sau bước ra, ngó thấy Trọng Quí, cô cũng chào rằng:
- Cậu mới lên. Cậu ở Cần Thơ lên hay là ở đâu? Mời cậu ngồi.
Trọng Quí ôm nón, ngồi trên cái ghế của Thái Tuế ngồi hồi nãy, mắt ngó Cẩm Vân, mà miệng thì trả lời với cô Ba Hài rằng:
- Thưa, tôi ở Cần Thơ mới lên tới đây. Tôi thấy thơ nói mợ Ba khá, cô rước về nhà rồi, nên tôi lên thăm.
- Ờ, bữa nay nó khá nhiều, nó tỉnh trí lại rồi, nên nó biết hết.
- Anh em tôi được thơ thì mừng, mà mừng chớ cũng còn lo lắm.
Trọng Quí lại hỏi Cẩm Vân rằng:
- Bữa nay mợ ăn cơm biết ngon hay không?.
Cẩm Vân chau mày rồi chậm rãi đáp rằng:
- Tôi ăn mỗi bữa được một chén. Ráng mà ăn, chớ ngon sao được.
- Mợ lo dưỡng bịnh, đừng có buồn chi hết. Tại cái tuổi của mợ nó khiến năm nay phải có chuyện, mợ phải ráng mà chịu, buồn làm chi.
- Không buồn sao được? Tôi thương chồng tôi lắm, tôi lo cho bên chồng tôi hết sức, tôi sợ xấu hổ tông môn bên chồng tôi, mà chồng tôi không biết nghĩ, nó trở lại nhục mạ tôi, nó đánh đập tôi gần chết, rồi nó giết con tôi nữa, tôi không buồn sao cho được.
- Việc đó lỗi tại tôi hết thảy. Xin mợ đừng có trách cậu Ba mà tội nghiệp. Vì cậu thương mợ quá, cậu thấy bức thơ của tôi, cậu tưởng lầm, cậu giận cùn trí, nên mới làm như vậy. Chừng tôi đọc rõ công chuyện cho cậu nghe, tôi đưa thơ của cô Hai cho cậu coi thì cậu chết giấc!
Tôi dắt cậu tuốt lên Điện mà kiếm mợ, cậu thấy mợ cậu chết giấc nữa! Hổm nay cậu đau lung quá, bữa nay mới khá khá một chút. Xin mợ đừng có phiền cậu. Lỗi nầy gốc tại nơi tôi; tại tôi nên cô Hai mới chết, tại tôi nên gia đạo của mợ mới rối, mà cũng tại nơi tôi nên bà già mới chết!
- Bà già nào?
- Má của cô Hai.
- Úy! Má tôi chết rồi hay sao? Chết hồi nào?
- Chuyện lộn xộn xảy ra làm cho bà già buồn rầu nhuốm bịnh không đầy một tháng thì chết.
Cẩm Vân ngồi khóc, Trọng Quí thấy nàng tỉnh táo, nói chuyện có thứ lớp, lại nghe mẹ chồng chết biết động lòng, thì chàng mừng thầm, nên chàng nói tiếp rằng:
- Mợ đừng giận chồng mà cũng đừng buồn con nữa. Tôi hứa với mợ có lâu lắm là hai tuần lễ tôi sẽ đem Chánh Hội mà trả cho mợ.
Cẩm Vân nghe nói tới tên con thì lắc đầu đáp rằng:
- Chồng tôi đã giết con tôi rồi, còn đâu mà trả.
- Không có giết đâu. Lúc cậu giận cậu bồng con cho người ta chớ. Rủi bây giờ không biết nhà người ấy ở đâu, nên phải kiếm ít bữa. Thế nào tôi kiếm Chánh Hội cũng được, xin mợ đừng có buồn.
Cẩm Vân cúi mặt xuống, nước mắt tuôn có giọt. Nàng lặng thinh một hồi rồi mới nói rằng:
- Tôi thương chồng tôi quá, mà chồng tôi nó không nghĩ; nó đã không thương tôi thì thôi, nó lại còn hại con tôi nữa. Nó biết hễ tôi lìa con tôi thì tôi phải chết nên nó làm như vậy đặng giết tôi mà khỏi gươm dao.
Tôi nghĩ lại tôi dại lắm. Chồng không có tình, không có nghĩa chút nào hết, mà tôi thương nó làm chi không biết. Nó đi học năm năm ở bên Tây, tôi ở nhà cứ lục đục lo nuôi con, không thèm mặc áo tốt, không chịu ra khỏi cửa. Tôi thương nhớ nó, tôi trông đợi nó đêm ngày, tôi thường vái van Trời Phật phò hộ nó ở xứ người mạnh giỏi, học thi cho đậu đặng vinh hiển cho tổ tông. Tôi lo cho chồng, mà tôi cũng lo giữ gìn danh giá cho nhà chồng nữa.
Tuy tôi là con chệt khách mặc dầu, song tôi ở với chồng như vậy, chớ biết sao nữa. Mà chồng tôi không thương tôi... Nó về tôi mừng, tưởng là vợ chồng sum hiệp, hết buồn rầu nữa, té ra nó về đặng nó hại tôi.
Cẩm Vân nói tới đó rồi nàng khóc lớn lên nghe rất bi thảm.
Trọng Quí nghe những lời than thở, thấy cái cảnh buồn rầu thì chàng dứt ruột nát gan.
Chàng muốn kiếm lời khuyên giải, mà rồi chàng nghĩ nên để cho Cẩm Vân khóc đặng thoả lòng ức uất của nàng, bởi vậy chàng ứa nước mắt mà lặng thinh, không nói chi hết.
Cẩm Vân khóc hơn một phút đồng hồ rồi nàng nín và bước xuống đất đi rửa mặt. Trọng Quí ngồi liếc mắt rình coi ý nàng thế nào. Cẩm Vân đứng lau mặt mà nàng hỏi Trọng Quí rằng:
- Hồi nãy tôi nghe ông Bác vật nói chồng tôi đau, vậy mà đau sao đó?
- Cậu Ba đau là tại cậu buồn rầu, cậu ăn năn việc cậu hốp tốp làm vợ cuồng, con mất, nên cậu đau, chớ cậu không có bịnh chi khác.
- Ăn uống ra vô được hay không vậy?
- Được. Bữa nay khá nhiều. Hổm nay cậu đòi đi thăm mợ dữ lắm, mà tôi cản tôi không cho đi, bởi vì cậu còn yếu, tôi sợ cậu thấy mặt mợ rồi cậu đau lòng, cậu té xỉu chết giấc như hôm ở trên chùa Hang nữa thì mang khốn.
Cẩm Vân bước lại góc ván mà ngồi. Nàng chảy nước mắt ra nữa và nói rằng:
- Có phải tại tôi làm đó đâu.
Trọng Quí thấy tình cảnh như vậy thì hiểu Cẩm Vân đã hết giận mà lại còn thương chồng.
Chàng tính nên nhơn lúc nầy mà cho vợ chồng giáp mặt nhau; bởi vậy chàng bước ra cửa rồi tằng hắng, có ý muốn kêu Chánh Tâm.
Chánh Tâm ngồi trên xe hơi mà chờ, mắt ngó chỗ cửa Cẩm Vân lom lom. Chừng chàng thấy Trọng Quí đưa tay mà ngoắc thì chàng lật đật leo xuống mà đi lại. Trọng Quí trở vô nhà ngồi vừa rồi thì kế Chánh Tâm bước vô.
Cẩm Vân thấy chồng thì nàng ngó trân trân. Chánh Tâm không chào cô Ba Hài, không nói với vợ một tiếng chi hết, chàng ngồi sụp trên ghế, rồi hai tay ôm mặt mà khóc.
Cô Ba Hài với Trọng Quí ngó nhau rồi ngó Cẩm Vân, có ý để coi nàng giận hay thương.
Cẩm Vân chau mày nhìn chồng rồi cười gằn mà nói rằng:
- Khéo làm bộ; muốn giết người ta mà giết không chết, rồi bây giờ tới khóc dàm nữa chớ!
Chánh Tâm cứ ngồi ôm mặt khóc rắm rức. Chàng khóc một hồi lâu rồi đứng dậy, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, chàng ngó vợ mà nói rất thảm thiết rằng:
- Tôi xin mình tha lỗi cho tôi.
Cẩm Vân ngồi trơ trơ không nói chi hết. Chánh Tâm khóc và nói tiếp rằng:
- Cũng vì tôi thương mình quá, tôi được cái thơ tôi nóng giận, không kịp suy đi xét lại, nên mới ra cớ nỗi như vậy đó. Xin mình nghĩ lại mà thương giùm cái phận tôi.
Cẩm Vân day mặt chỗ khác mà đáp rằng:
- Tôi thương thầy nữa chắc là không được. Tôi nói với thầy bây giờ không còn vợ chồng gì nữa. Thầy đừng có kêu tôi bằng “mình”.
- Mình nói như vậy chắc là tôi phải chết. Như mình hết thương tôi, thì mình cũng nghĩ chút con của mình chớ...
- Thầy con nhắc tới con nữa chớ à? Vì tôi thương con tôi lắm nên tôi mới hết thương thầy. Vì tôi nhớ con tôi, nên tôi mới oán thầy chớ, thầy biết hôn?
- Tôi biết. Bởi tôi biết vì mình đau đớn nỗi con, nên mình mới không hết giận tôi. Vậy tôi xin mình bớt giận tôi, đặng tôi tĩnh trí mà kiếm con, chớ nếu mình giận tôi hoài tội nghiệp cho nó lắm!
- Thầy phải đem con mà trả cho tôi, tôi mới bớt giận thầy được. Thầy phải đi ra khỏi nhà tôi cho mau. Đi kiếm mà trả con cho tôi rồi tôi sẽ hài cái tội của thầy cho thầy nghe.
- Việc kiếm con để mai chiều rồi tôi sẽ khởi công đi kiếm. Tôi hứa với mình dẫu phải lên trời xuống đất mà kiếm thì tôi cũng không từ. Bây giờ tôi xin mình tỏ ý hết giận tôi cho tôi biết đặng tôi thỏa trí mà lo kiếm nó.
Trọng Quí tính cho vợ chồng Chánh Tâm gặp nhau mà chàng lo sợ hết sức, một là sợ Cẩm Vân thấy chồng rồi nàng phát giận mà cuồng trí lại, hai là sợ Chánh Tâm thấy vợ rồi chàng đau lòng mà té xỉu nữa.
Té ra hai đàng gặp nhau, vợ tuy giận, chồng tuy buồn, song cũng không đến nỗi hại, bởi vậy chàng mừng, chàng muốn để cho vợ chồng phân trần phải quấy với nhau, nên chàng bước ra lề đường mà đứng.
Cô Ba Hài cũng muốn cho hai trẻ nói chuyện nên cô cũng bước ra ngoài cửa ngó Trọng Quí mà cười.
Hai người ở ngoài tuy mừng, song không dám nói chuyện, để lóng tai nghe thử coi vợ chồng Chánh Tâm nói với nhau làm sao.
Cẩm Vân lặng thinh một hồi lâu rồi đáp với chồng rằng:
- Tôi không thể nào mà hết giận hết oán thầy được.
- Tôi làm bậy, tôi biết lỗi rồi, nên tôi năn nỉ với mình, sao mình còn giận tôi?
- Chớ chi thầy nghi tôi lấy trai, thì thầy nói ra cho tôi biết đặng tôi cắt nghĩa cho thầy nghe. Sao thầy không hỏi đi hỏi lại, cứ áp giết vợ giết con, bây giờ thầy ăn năn nỗi gì?
- Mình cũng biết, hễ đến chừng ghen thì còn biết chi là khôn dại.
- Hồi thầy đánh chửi tôi thì tôi có nói thơ đó của chị Hai, thầy không chịu tin, thầy cứ nói tôi lấy trai, thầy quyết đánh tôi cho chết rồi hại luôn tới con tôi. Thầy bất nhơn độc ác lắm! Thôi thầy đi đi đừng có nói nữa tôi giận thì hại lắm. Thầy đi kiếm con tôi lại đây cho tôi.
- Tôi sẽ đi kiếm. Mình yên tâm. Tôi xin mình một điều nầy là đừng có giận tôi nữa, cứ lo uống thuốc cho mạnh.
- Không giận sao được. Tôi giận thầy đây tôi sợ đến ngày chết tôi cũng đem xuống mồ nữa à, nói cho thầy biết. Thầy độc ác lắm! Tôi là con đàn bà biết trọng danh tiết mà thầy nói xấu cho tôi, tôi cứu danh giá tông môn thầy, thầy không trả ơn mà còn trở lại nói nhục tôi. Mà thôi, tại tôi muốn cứu chị Hai nên tôi phải chịu tiếng oan, tôi không dám trách ai hết.
Thầy có nghi tôi thất tiết với thầy thì thầy mắng rồi đuổi tôi đi, làm bao nhiêu đó cũng đủ xấu tôi rồi. Nếu thiệt tôi là gái hư, có chồng rồi lấy trai, thì tôi phải tự xét, tôi phải chết như chị Hai đó vậy, cần chi mà phải đánh đập tôi cho đến chết giấc, rồi lại còn hại con tôi nữa. Thiệt thầy độc ác lắm. Tôi không muốn thấy mặt thầy nữa. Thầy đi đi, ra khỏi nhà tôi cho mau.
Cẩm Vân nói tới đó rồi nàng đứng dậy đi riết lên thang lầu.
Chánh Tâm ngước mặt ngó theo, thấy vợ mình mình mẩy ốm teo, đầu tóc trọc lóc, bộ đi lỏng khỏng, mặt mày mét xanh, thì chàng đau đớn trong lòng quá, nên té ngồi trên ghế mà khóc nữa. Cẩm Vân lên được nửa thang lầu rồi nàng đứng lại mà nói vói rằng:
- Thầy phải kiếm cho được con của tôi mà trả lại cho tôi. Nếu thầy để tôi thương nhớ con tôi rồi tôi buồn rầu tôi chết thì thầy mang cái quả báo lớn lắm, nói cho thầy biết.
Trọng Quí với cô Ba Hài bước vô thấy Cẩm Vân đi lên lầu, còn Chánh Tâm ngồi khóc thì biết Cẩm Vân chưa hết giận, nên ngó nhau rồi lắc đầu. Chánh Tâm khóc và nói với cô Ba Hài rằng:
- Vợ cháu nó còn giận cháu hoài biết làm sao bây giờ.
Cô Ba Hài lại ván đứng têm trầu mà ăn và nói rằng:
- Tại mầy làm ác quá, nên nó giận cũng đáng. Dì biết làm sao?
- Xin dì thương cháu. Dì nuôi dùm vợ cháu ít ngày, đặng cháu đi tìm con của cháu. Dì ráng an ủi vợ cháu cho nó bớt buồn. Dì nói cho nó biết rằng cái thân cháu còn sống đây là cháu vì mẹ con nó, chớ cháu không phải vì việc chi hết đâu. Thiệt nếu chết còn sướng hơn là sống như vầy lắm. Mà cháu sợ cháu chết quá; nếu cháu chết thì làm sao kiếm được thằng nhỏ cho được, mà hễ kiếm thằng nhỏ không được thì vợ cháu buồn rầu chắc nó cũng chết!
- Dì hiểu hết. Cháu chẳng cần nói nữa. Bây giờ cháu kiếm Chánh Hội đem về đây cho nó gặp con nó thì nó vui hết giận con, chớ không có chi nữa.
- Cháu phải kiếm liền bây giờ.
Chánh Tâm vùng đứng dậy từ cô Ba Hài mà ra cửa. Trọng Quí lấy nón rồi cũng từ mà đi theo. Cô Ba Hài kêu Trọng Quí lại và nói nhỏ rằng:
- Tôi coi thằng đó nó cũng bịnh lắm, vậy cậu làm ơn dìu dắt nó. Còn vợ nó thì để tôi coi sóc cho.
Trọng Quí gật đầu lia lịa rồi leo lên xe hơi với Chánh Tâm và biểu sớp-phơ chạy ra Sài Gòn.
Chú Thích:
[1] anh, chị, em, cháu …đọc theo giọng Triều Châu.
[2] Việt Nam: đọc theo giọng Triều Châu.
[3] ta, tao, tôi… đọc theo giọng Triều Châu