Phần IX

Dịch giả: Bùi Gáng
Phần VII
Châalis

Bốn giờ sáng, con đường chìm trong một nếp đất trồi sụt xuống lên, con đường nhoi trở lên trở lại. Chiếc xe sắp đi ngang qua vùng Orry, rồi La Chapelle. Phía bên trái, có một đường chạy dọc theo khu rừng Hallate. Chính đó là chỗ một đêm kia người anh của Sylvie đã đánh chiếc xe ngựa đưa tôi đi dự một buổi lễ uy nghi. Ấy là vào đêm ngày lễ Saint-Barthélemy. Xuyên qua những khu rừng, bằng những con đường vắng vẻ, ít dội gót chân người, con ngựa bé của anh phi như bay, giống như trong dạ hội ma thuật. Chúng tôi bắt lại đường lát đá nơi nhà người lính kiểm lâm, tại chỗ tu viện Châalis xưa. Châalis, lại thêm một kỷ niệm nữa đây rồi!
Nơi dưỡng lão của những vị hoàng đế xa xưa ngày này chẳng còn chi để ngợi ca lắm; chỉ những phế tích của tu viện mình, với những khung cửa tò vò hình bán nguyệt byzantin (thể điệu kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ xưa) và dãy cuối cùng còn phơi hình hài biển dâu trên làn nước hồ đang nhìn tang thương mà cau mặt – chút di lưu còn sót lại trong quên lãng của ký ức người đời về những công trình kiến thiết cung hiến cho miền cõi thiêng liêng, nằm ngẩn ngơ trong ngậm ngùi thương nhớ giữa những vùng đất đai mà ngày xưa thiên hạ gọi là phân-tô-địa của hoàng đế Charlemagne. Trong cái xứ sở cô tịch hoang liêu này, xa biệt hẳn những bụi đường phồn hoa dấy động, thì tôn giáo còn gìn giữ được những vết tích đặc thù của cuộc cư tưu đằng đẵng của những vị hồng y giáo chủ dòng Este thuộc triều đại tộc họ Médicis: những thói nhà phong vận, những chất hằng trâm anh của thiêng liêng bờ cõi, còn giữ được chút gì cốt cách hào hoa, còn có pha chút gì của phong thái thơ mộng, và con người tao nhã đi về thương yêu hồi tưởng, còn thở được chút hương lừng man mác buổi Phục Hưng dưới những vòm hình cung bán nguyệt của những ngôi nhà thờ nho nhỏ, khía cạnh gieo hồn, đường gân heo hút được trang hoàng bởi bàn tay tài tử của những nghệ sĩ u nùng từ Ý Đại Lợi ghé chơi. Uy nghiêm khuôn mặt tuyệt vời, Thiên Thần, Hiền Thánh trang đời thiên thu. Về đây gọi nước non mù. Dàn xuân sắc dải hoang vu hồng vàng. Pha mờ dấu biếc xuê xoang. Vong hồn ngẫu tượng ngụ trong tính tình. Sôi trào dòng mộng hiển linh. Tình Pétrarque với u tình Colonna. Hoang đường thần bí dư ba. Còn nghe nức nở chan hòa đâu đây… (Les figures des saints et des anges se profilent en rose sur les voûtes peintes d'un bleu tendre, avec des airs d'allégorie païenne qui font songer aux sentimentalités de Pétrarque et au mysticisme fabuleux de Francesco Colonna).
Chúng tôi là những kẻ lai rai phiêu hốt, người anh của Sylvie và chúng tôi có phận sự gì, lấy tư cách gì mà vào dự hội riêng biệt sử hồng được tổ chức đêm kia? Thôi thì tạm nói rằng gió thanh xuân xô đẩy, tấp chúng tôi vào bờ của hồng xum xuê. Xin chào nhau trong một cơn trở mộng. Rồi mai sau trùng ngộ sẽ chia lìa. Một nhân vật chính tông trâm anh đài các, vốn bấy giờ là kẻ sở hữu vùng đất đai này, đã có dự cái cuộc trình diễn tượng trưng huê hòe ẩn dụ hòa an hồ điệp và trong cuộc nọ có xen vào vài mỹ nữ vốn thuộc nòi kỳ túc của một tu viện láng giềng trên trận gió thổi qua. Ấy không phải là một vang bóng mơ hồ những vở kịch đã đi về trong sương bạc Saint-Cyr của thời vua Louis Thập Tứ dìu đặt với bà Maintenon trong từng trận đâm bông của cái buổi thi bá Racine ra chào đời trong lừng vang điệu nhạc. Ấy còn lùi xa hơn về hút heo quá khứ, tới tận cùng miên bạc bẻ bai rầu rĩ của những vong hồn năm tháng cũ đã trữ tình và giải tỏa nếu du dương trong những cuộc dạt bờ vào đất Pháp kể từ thời đại họ Valois. Những gì tôi thấy, những gì tôi nghe, trong cái đêm kỳ ảo nọ, chính là những gì khôn tả còn truyền vọng lời vàng trong bí mật sử xanh. Những y phục gấm hoa, những áo dài, xiêm ngắn, những hồng quần rất mỏng, những tà áo rất thưa, có khác nhau chăng nữa, cũng chỉ băng nơi những màu thanh thiên, lục thúy hoàng, sa, yên hà, man mác khánh vân chiều, bàng hoàng hồng sương sớm, tía hoa cà lổ đổ, lồng lộng tử trúc lâm. Cảnh tượng diễn ra giữa chư thần chư thánh, bùi ngùi chư tiên tử, trên tàn rụng mặt biển dâu. Thanh xuân gọi nước lên cầu. Hồng hoang núi ngủ yên sầu gió khe. Chín mùa dông đổ sau hè. Bây giờ máu ứa trôi về tràng giang. Mây vừa tía, mộng lang thang. Vết chăn vẽ sóng chìm ngang lưng đèo… La scène se passait entre les anges, sur les débris du monde détruit. Chaque voix chantait une des splendeurs de ce globe éteint, et l'ange de la mort définissait les causes de sa destruction… Cảnh tượng diễn ra giữa các thiên thần, trên những mảnh vụn của cõi đời bị tàn phá. Mỗi giọng ngâm, mỗi hát lên một trong những tráng lệ của doanh hoàn tắt lịm, và thiên thần của tử diệt đang xác định những nguyên cớ của diệt vong. Một vị thần linh nhô hình hài lên từ đáy thẳm, tay cầm một ngọn lửa chói chang và triệu tập chư tiên hãy tới nhanh mà mừng rỡ hoan nghênh đón tiếp thịnh triều vinh hiển của Jésus Christ chiến thắng những quỷ ma u ám cõi âm ty. Vị thần linh đó, chính thị là nương tử Adrienne đã từng có phen đi về trong câu hát, đã tạm chết một đêm rằm trong nước xanh, và bây giờ đã hồi sinh trong xiêm nghê biến dạng, như đã từng biến thể bởi tiếng gọi của tài tình tài tử đã ra ngoài phát tiết trận tinh anh. Cái vầng hào quang làm bằng giấy carton nhuộm thắm, bao bọc cái vầng trán bao la thanh khiết, chúng tôi nhìn vào và xem đó quả là một vòng ánh sáng thật sự đang chiếu rọi hào quang một cách thật thiên nhiên; giọng hát của nàng, kể từ bấy tới nay, đã tăng gia cao điệu lồng lộng viễn khơi như hà thanh một thuở, và những rung vang hoa hòe điểm xuyết còn rún rẩy suốt cõi bờ của bầu trời Ý Đại Lợi trong vi vút trường phong với những ca xoang đạm tiên nàng ấy vốn xưa là nổi danh tài sắc chan hòa chiêm bao. Biển dâu sực tỉnh yêu đào. Xuân phong tiếu bộ ai nào gọi ai.
En me retraçant ces détails, j'en suis à me demander s'ils sont réels, ou bien si je les ai rêvés. Ghi lại những chi tiết này, tôi chợt dừng tay tư lự, tự hỏi mình: chẳng biết chúng thật là có thật, hay lại là do mình huyễn mộng mơ ra. Người anh của Sylvie đêm đó có ngà ngà say một chút. Chúng tôi đã dừng lại nơi nhà người giám thị sơn lâm - tại đó, có một sự xui tôi vô cùng kinh ngạc: một con thiên nga vi vu giang rộng cánh bên khung cửa hẹp ngậm ngùi, còn phía bên trong, thì có những chiếc tủ cao bằng gỗ hạnh đào lóng lánh những hình trạm trổ thật long lanh, một cái đồng hồ horloge chễm chệ trong vỏ gỗ-đào-hoa tâm, và những giáp binh, những ngọc trụ có treo đao kiếm, cung tên, ở phía trên một tấm thẻ xạ thuật đỏ xanh sặc sỡ. Một người lùn kỳ dị, đầu đội nón ba tàu, một tay cầm một cái bình, tay kia cầm chiếc nhẫn, như dường đang mời mọc các xạ thủ hãy nhắm cho trúng đích. Người lùn nọ hình như là làm bằng những mảnh tôn cắt ra ghép lại. Những sự hiển hiện kỳ ảo tuyệt thế tài tình của anh hoa phát tiết tài hoa Adrienne, có thật là có thật như những chi tiết phiêu bồng kia, như sự hiện hữu đìu hiu không cách gì chối cãi của tu viện Châalis? Nhưng quả thật tuy nhiên là như vậy, chính đứa con trai của viên giám thị sơn lâm đã dắt chúng tôi vào trong căn phòng làm trường sở cho cuộc trình diễn nọ ấy mà. Chúng tôi đứng tựa bên khung cửa hẹp, đứng sau lưng một nhóm người đông đảo đang tề tựu ngồi nhìn và kích động một cách thật trang nghiêm. Chính là vào cái ngày lễ Saint-Barthélemy, được gắn liền một cách kỳ bí vào với kỷ niệm hoàng tộc Médicis, mà những binh khí di lưu còn kết treo liền bên những gươm đao nhà họ Este, hiện đang đề huề trang hoàng xuân thu cho những tường vách cũ nọ… Kỷ niệm kia có lẽ chỉ là một ám ảnh! May mắn làm sao, này đây là chiếc xe đang tới, chiếc xe dừng trên con lộ Plessis; tôi thoát ra khỏi vòng cuốn hút của mộng ảo mê ly, tôi chỉ còn mười lăm phút bộ hành để về tới xóm Loisy trên những con đường cô tịch.