Ngày hôm sau, Dương Phàm theo dự định kéo quân tới trước trại Đường khiêu chiến gọi đích danh Tiết Nhơn Quý ra đối địch. Hôm ấy Nhơn Quý cũng quyết giết cho được Dương Phàm nên sai quân chia làm bốn đạo, lập trận Nhất Tự Trường Xà rồi mới xông đến đánh với Dương Phàm. Hai người giao đấu kịch liệt hơn hai mươi hiệp mà không phân được thắng bại. Nhơn Quý thấy vậy liền giơ kích lên ra hiệu, tức thì bốn đạo quân trùng trùng áp lại vây hãm, quyết không cho Dương Phàm có đường thoát thân. Dương Phàm cả sợ, thấy hướng tây là nơi La Chương trấn giữ thì liền đánh thốc về phía đó, dùng Kim Kỳ tử ném luôn. La Chương bị bảo vật trúng vào mặt, đau quá nên ôm cổ ngựa bỏ chạy, để mặc Dương Phàm thoát khỏi vòng vây. Trình Giảo Kim khuyên không nên đuổi theo nhưng Nhơn Quý lắc đầu nói: - Dương Phàm ngu ngốc không chạy vào ải mà chạy vào rừng thì đúng là số chết tới nơi, lẻ nào bỏ qua cơ hội này? Nói xong, Nhơn Quý truyền quân tướng đuổi theo, riêng mình thì phóng ngựa chạy như gió thổi dẫn đầu. Thấy Nhơn Quý đuổi thẳng lên núi, Trình Giảo Kim hết sức kinh nghi, vội sai Tần Mộng chạy lên xin nguyên soái lui binh, xem xét xong hãy quyết chiến. Khi ấy Nhơn Quý đã đến một đường cùng, trên mặt và hai bên toàn là núi đá chập chùng. Nhơn Quý còn dang ngơ ngác tìm bóng dáng địch thủ thì đột ngột Dương Phàm xuất hiện đứng trên mõm núi, bốc đậu vãi xuống biến thành vô số binh ma tướng quỷ, mặt xanh tóc đỏ, gầm rú bao vây Nhơn Quý vào giữa. Nhơn Quý nổi giận, huy động lưỡi kích như rồng bay phượng múa, đánh vẹt bọn binh ma tướng quỷ ra hai bên, nhắm hướng Dương Phàm xông tới. Dương Phàm thấy vậy cười lớn, dùng phép ẩn thân đột ngột biến mất. Nhơn Quý giật mình, toan lui lại nhưng khi ấy bọn âm binh bao vây càng lúc càng nhiều chặn hết đường lui, đành phải ào một ngõ nhỏ. Được một đoạn, Nhơn Quý chợt thấy bên vách núi có một cái miếu đề sáu chữ “Bạch Hổ sơn thần chi miếu” thì liền xuống ngựa chắp tay cầu khấn một hồi. Sau đó Nhơn Quý quyết định đánh ngược trở ra nhưng âm binh quá đông, đánh đến tận lực vẫn chưa sao mở được một đường thoát thân. Khi ấy Đậu Nhất Hổ biết nhạc phụ đuổi theo lên núi thì thất kinh hồn vía, vội dẫn quân đi trợ tiếp. Chẳng ngờ âm binh dùng đá gỗ ném xuống rất dữ dằn nên đành phải quay về/ Liễu phu nhân nghe Đậu Nhất Hổ báo tinh thì hồn phiêu phách tán bởi vì đêm qua vừa nằm mộng thấy điềm không hay, vội vàng sai Tần Hán đằng vân về Chu Tước quan thả Đinh San ra. Nhờ có con ngựa đằng vân, Tiết Đinh San chỉ trong phút chốc đã đến trại Đường ra mắt mẫu thân rồi điểm quân mã kéo thẳng đến Bạch Hổ sơn. Tiết Đinh San chợt thấy Tần Mộng và Trình Giảo Kim đang cố sống chết đánh với một tướng mắt to trán lồi thì biết ngay là Dương Phàm, vội vàng thúc ngựa xông lên tiếp trợ. Riêng Dương Phàm thấy mặt Đinh San thì cơn giận nổi lên. lớn tiếng mắng luôn: - Tên súc sinh cướp vợ người. Ngươi thật tới số mới đến đây nộp mạng cho ta. Hai tướng liền xông vào giao đấu kịch liệt. Được mười hiệp, Dương Phàm muốn giết Đinh San cho mau nên lấy Kim Kỳ tử ra quăng lên. Ngờ đâu Đinh San mặc Thiên Vương giáp nên Kim Kỳ tử chẳng làm gì được, lại phát ra một luồng hào quang làm chói mắt Dương Phàm. Đinh San thừa cơ hội ấy rút lấy roi thần quất một nhát khiến Dương Phàm hộc máu tươi, ôm cổ ngựa chạy thẳng về ải. Đinh San vì nóng lòng cứu phụ thân nên không đuổi theo, truyền quân lấy máu chó buộc vào đầu mũi tên bắn vãi vào đám âm binh, lập tức bao nhiêu binh ma tướng quỷ đều tan biến bằng hết. Khi ấy Nhơn Quý đi lang thang trong núi đã một ngày nên đói khát, đành phải trở lại miếu Bạch Hổ ngồi dựa bàn thờ cho đỡ mệt, ngủ quên lúc nào không hay. Tướng tinh của Nhơn Quý xuất hiện thành một con Bạch Hổ chạy ra ngoài miếu vừa đúng lúc Đinh San kéo quân tiến đến. Đinh San thấy hổ trắng thì liền giương cung bắn một phát trúng ngay giữa trán. Bạch Hổ rống lên một tiếng rồi cong đuôi chạy thẳng vào miếu mất dạng. Đinh San và chư tướng đuổi theo, đồng xuống ngựa vào miếu tìm xem Bạch Hổ chết hay chưa. Mọi người nhìn thấy Nhơn Quý nằm sõng sượt mũi tên cắm ngay trán thì đều thất kinh hồn vía, đứng sững như trời trồng. Thấy Đinh San ôm xác cha khóc lóc thảm thiết, Trình Giảo Kim liền đến quan sát, thở dài nói: - Nguyên soái đánh trận mệt mỏi nên mới xuất tướng tinh ra ngoài, nay bị thế tử bắn chết thì tội chẳng nhỏ đâu. Khi ấy Liễu phu nhân và Tiết Kim Liên hay tin thì cũng tới nơi, vừa ôm xác Nhơn Quý khóc ngất vừa chỉ mặt Đinh San mắng không tiếc lời. Đậu Tiên Đồng và Kim Định tuy biết đó là vô tình nhưng vẫn trách: - Tướng công định cưú phụ thân mà thành hại. Tuy nhiên triều đình đâu biết cho sự việc, thể nào cũng ghép vào tội đại nghịch bất đạo, làm sao mà sống nổi? Đinh San còn đang ngơ ngẩn không biết minh oan ra sao thì Vương Ngao lão tổ đoán biết mọi việc, đằng vân xuống Bạch Hổ sơn, nói với thế tử: - Đây là nhân quả từ lúc trước. Phụ thân con là bạch Hổ tinh xuất thế thì rất kỵ với các tên trùng nhau, đã thế nơi Bạch Hổ lại có Bạch Hổ miếu nên mới không thể cứu được. Nay con vô tình mang tôi giết phụ thân thì không tránh được tai nạn sắp tới, phải giao trả các bảo bối mà lo lập công chuộc tội, sau này mới được an nhàn vinh hiển. Đinh San không muốn như vậy nhưng cũng không dám trái lời, lấy các bảo bối ra đưa trả, tiễn sư phụ về núi. Khi ấy Liễu phu nhân đã sai quân tướng mang xác Nhơn Quý về trại tẩn liệm nên Trình Giảo Kim không còn gì để làm, cấp tốc lên ngựa về Trường An báo tin. Dương Phàm không biết việc này nên cứ ở trong ải tránh mặt, sau đó được một đạo nhân đến cho biết là theo lời thỉnh cầu của Tiên Đồng dạy phép luyện phi long phiêu. Vì thế Dương Phàm càng không ló mặt ra, suốt một thời gian chuyên tâm tu luyện phép mầu. Cùng thời gian đó ở Trường An, Thái Tông nằm ngủ trưa chợt thấy Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, La Thành và Mã Tam Bảo tiếp giá, đồng cúi đầu tâu: - Bệ hạ là Tử vi tinh giáng thế, nay lại có Tả tướng tinh và Hữu tướng tinh và Bạch Hổ tinh về trời thì bệ hạ cũng trở lại ngôi cũ. Xin bệ hạ thiết triều để chúng tôi bái kiến. Thái Tông liền theo Tần Thúc Bảo đến một toà bảo điện đề bốn chữ “Bắc cực tử vi”, trước cửa có Tả tướng tinh, Hữu tướng tinh và Bạch Hổ tinh quỳ tiếp đón. Thái Tông nhìn kỹ, nhận ra các tướng tinh đó là Từ Mậu Công, Nguỵ Trưng và Tiết Nhơn Quý thì rất kinh ngạc, phán hỏi: - Trẫm sai Bình Liêu vương đi chinh Tây, sao đã ban sư hồi triều mau như thế? Nhơn Quý bèn quỳ xuống tâu: - Tôi đang tiến binh tới Bạch Hổ quan, nhưng vì số trời không sao tránh được nên xin bệ hạ miễn tội, cắt cử người khác vậy. Thái Tông nghe nói đến đó liền đổ mồ hôi ướt áo, giật mình tỉnh dậy. Ngày hôm sau khi thiết triều chợt có quan Khâm thiên giám là Lý Vân Khai bước ra tâu: - Đêm qua hạ thần xem thiên văn thấy phía đất Tây Liêu có Bạch Hổ tinh sa xuống, lại thấy bên cạnh sao Bắc cực có hai tướng tinh rơi rụng ứng với điềm tướng quân nơi sa trường và đại thần trong triều mãn số, phải tâu trước với bệ hạ để sửa soạn cho kịp. Thái Tông nghe tâu chưa kịp phán hỏi gì, chợt có Hoàng môn quan cầm tấu chương của Nguỵ Hạc con của Nguỵ Trưng dâng lên, tiếp đó lại có biểu tấu của Từ Lương, con của Từ Mậu Công, cả hai đều tâu phụ thân mình đã đột ngột từ trần. Thái Tông ứa nước mắt, chưa kịp than khóc thì Hoàng môn quan lại chạy vào tâu: - Lỗ Quốc công Trình Giảo Kim từ Tây Liêu trở về, muốn kiến giá bệ hạ báo tin. Thái Tông nghĩ đến giấc chiêm bao hôm qua thì giật nảy cả mình, vội vàng truyền mời Trình Giảo Kim vào điện. Khi nghe biết Tiết Nhơn Quý chết thảm, Thái Tông không sao cầm được xúc động, nhào xuống dưới thềm khóc rống. Vì quá thương cảm, một lúc sau Thái Tông hộc máu tươi ra rồi băng hà, chẳng nói được lời nào. Thái tử Lý Trị nghe tin thất kinh hồn vía, vội vàng vào triều hợp cùng bá quan lo việc khâm liệm, xuống truyền nhân dân và quan lại đồng để tang thiên tử. Sau khi mọi việc xong xuôi Lý Trị lên ngôi lấy hiệu là Đường Cao Tông, cải niên hiệu thành Vĩnh Trung, lập Vương thị là chánh cung hoàng hậu, phong cho Lý Hiền là đông cung thái tử. Cao tông cũng nhớ ơn các công thần ngày xưa nên phong cho Nguỵ Hạc là tả thừa tướng, Tư Lương làm hữu thừa tướng. Khi đã ổn định triều chính, Cao tông quyết định phải hoàn thành việc bình Tây Liêu nên xuống lệnh ngự giá thân chinh, cho Lý Hiển làm giám quốc xùng với Ngụy Hạc ở lại Trường An. Còn Cao tông cùng với Từ Lương và Trình Giảo Kim thống suất binh mã nhắm hướng Tây Liêu thẳng tiến. Mẹ con Phàn Lê Huê biết tin thiên tử ngự giá thân chinh thì liền đón nơi Hàn Giang quan để khiếu oan, dâng văn trạng lên. Cao tông xem xong văn trạng liền phán với quần thần: - Tiết Đinh San quả là vong ân phụ nghĩa, giết cha bỏ vợ thì không thể tha thứ được, phải theo vương luật mà trừng trị làm gương cho các tướng khác. Trình Giảo Kim nhân cơ hội ấy nói vào: - Phàn Lê Huê chẳng những có tài trí mà còn là người biết trung nghĩa nên mới dâng ải đầu hàng. Hạ thần đã nhiều lần khuyên Đinh San nên nghĩ đến tình vợ chồng để có người giúp nước mà chẳng được, nay nếu bệ hạ trọng dụng thì hay biết mấy. Cao tông liền truyền chỉ triệu Phàn Lê Huê vào, thấy Phàn Lê Huê quả có dung mạo cao trọng hơn người thì rất vừa lòng đẹp ý, phán: - Khi nào trẫm đến Bạch Hổ quan sẽ xét xử việc này cho. Khi tiến quân đến Bạch Hổ quan, Cao tông lại nhận được biểu chương của Liễu phu nhân kể về cái chết của Nhơn Quý càng khiến nhà vua nổi cơn thịnh nộ, lập tức sai quân dẫn Đinh San ra ngoài xử lăng trì. Đinh San nghe vậy hồn phi phách tán, chết cứng cả người.