Nguyên Uất Trì Cung vâng lệnh Thái Tông qua phủ Chân Định lên cốt Phật đồng để cầu xin quốc thái dân an, nhận được thư của Trình Giảo Kim thì giận lắm, tiếc vì đường xa cách trở nên chậm trễ hết mấy ngày. Khi về tới phủ, Uất Trì Cung nghe Uất Trì Bảo Lâm thuật rõ đầu đuôi thì càng nổi giận xung thiên mắng lớn: - Ngày mai ta mang Đả vương tiên vào chầu, nhất định bắt thánh thượng phải thả Nhơn Quý ra, trừng trị Lý Đạo Tông. Nếu không sẽ dùng tới roi vàng của tiên vương ngay. Uất Trì Cung vốn tính nóng như lửa nên đêm ấy chẳng chợp mắt chút nào, chưa đến canh tư đã vào triều đứng chờ. Bá quan lục tục kéo đến, thấy Uất Trì Cung thì mừng rỡ, cho là phen này Nhơn Quý sẽ được giải nỗi oan. Uất Trì Cung cũng vui vẻ đáp lại: - Tôi cũng vì việc này mà bôn ba về đây, xin các vị cùng tâu một lượt thì việc ắt thành. Vừa lúc đó Lý Đạo Tông đi tới, nghe vậy chỉ mặt Uất Trì Cung mắng luôn: - Tên mặt đen kia! Tiết Lễ phạm tội giết người mà ngươi còn hòng che chở cho hắn sao? Uất Trì Cung thấy mặt Lý Đạo Tông thì lửa giận phừng phừng nổi dậy, chỉ mặt mắng lại khiến Lý Đạo Tông hổ thẹn cùng với bá quan, hậm hực hăm dọa: - Ngươi dám mắng cả thân vương thì là tội không thể dung thứ, chút nữa ta quyết tâu với thánh thượng phân thây ngươi ra. Nghe vậy Uất Trì Cung không còn dằn được nữa, hét rầm trời: - Trước khi ta bị phân thây thì hãy móc đôi mắt của nhà ngươi trước. Lý Đạo Tông thấy Uất Trì Cung xông tới thì hết sức kinh hoàng, vội vàng đưa tay lên che đôi mắt. Vì thế hai ngón tay của Uất Trì Cung chỉ móc trúng miệng Lý Đạo Tông, làm gãy hai cái răng cửa, máu phún ướt cả râu. Thật ra Uất Trì Cung quá nóng giận mà làm bừa, thấy vậy cũng giật mình nhưng việc đã lỡ rồi chẳng làm sao cứu vãn được nữa. Chợt Trình Giảo Kim bước lại nói với Lý Đạo Tông: - Tên mặt đen dữ quá, dám đánh thân vương gãy răng. Ngài đưa đây cho tôi cầm, chút nữa sẽ làm vật chứng. Lý Đạo Tông đang đau đớn, nghe vậy chẳng suy nghĩ, đưa hai cái răng gãy ra. Trình Giảo Kim cười ngất, vất hai cái răng ra ngoài vườn mất tăm. Lý Đạo Tông cả kinh, khi ấy mới biết Trình Giảo Kim về một phe với Uất Trì Cung, hậm hực hăm dọa sẽ tâu Thái Tông giết hết cả. Trình Giảo Kim vẫn cười: - Đại vương bị ngã ngựa gãy hai cái răng, sao lại đổ cho tôi? Nói xong, Trình Giảo Kim quay lại phân bua, xin bá quan làm chứng là Lý Đạo Tông bị ngã ngựa. Bá quan chẳng biết bênh ai, ậm ừ cho qua chuyện. Lý Đạo Tông thấy vậy đành ngậm tức, chờ Thái Tông lâm triều bước ra tâu ngay: - Uất Trì Cung vô phép tự ý về kinh đô, lại đánh tôi gãy hai cái răng, xin bệ hạ minh xét. Thái Tông nhận ra Uất Trì Cung cầm sớ tấu, thì biết ngay định tâu xin cho Nhơn Quý, vua toan hỏi thì Uất Trì Cung bước ra cãi lại: - Thành Thanh vương đến trước Ngọ Môn thì bị ngã ngựa gãy mất hai cái răng, bá quan đều trông thấy rõ ràng, xin bệ hạ đừng nghe lời vu cáo. Thái Tông không biết tin ai, đành phải hỏi bá quan. Trước mặt Thái Tông, bá quan không sợ bị Lý Đạo Tông hiếp đáp nữa nên đều làm chứng lời Uất Trì Cung đúng sự thật. Thái Tông nghe xong lạnh nhạt nói Lý Đạo Tông về nghỉ ngơi đi, không xét xử. Lý Đạo Tông vừa tức vừa thẹn, lui về phủ mà lòng đầy căm hận. Khi ấy Thái Tông mới nói với Uất Trì Cung: - Tiết Nhơn Quý gian dâm không được nên ra tay giết chết ngự muội, tội ấy chết trăm lần cũng chưa xứng. Trẫm đã hạ lệnh ai xin tội cho Nhơn Quý thì ghép vào đồng mưu nhưng nghĩ tình của vương huynh nên chẳng chấp, cứ chém đầu Nhơn Quý là hết mọi phiền phức. Phán xong, Thái Tông lập tức xuống lệnh sai chi huy quan dẫn Nhơn Quý ra pháp trường. Mậu Sinh đứng ở ngoài thấy vậy thất vọng vô cùng, vừa khóc mếu máo vừa sửa soạn lễ vật đi theo cúng kiến tiễn hồn. Uất Trì Cung xin tội không xong, còn khiến cho Nhơn Quý bị chém đầu ngay thì không còn nhịn nữa, sai quân mang Đả vương tiên vào cho mình. Thái Tông vội vàng truyền lệnh lui chầu, tất tả đi vào hậu cung. Tuy Uất Trì Cung cầm roi vàng theo kịp nhưng không lẽ xuống tay đánh chết nên đành đứng ngoài cửa kêu lớn: - Tiết Nhơn Quý có công lao chinh đông vất vả mười hai năm, lại mấy lần cứu giá. Nếu bệ hạ xuống tay quá nặng e rằng chấn động đến quân tướng triều đình. Xin bệ hạ xét lại! Uất Trì Cung chờ một lát, chợt có nội thị mang chiếu của Thái Tông đưa ra, nhất quyết không tha chết cho Nhơn Quý. Uất Trì Cung giận đến tím mặt, quát lớn: - Trên Đả vương tiên có đề mấy chữ: “Thượng đả hôn quân, hạ đả gian thần”. Nếu ta không ra tay thi hành thì mai sau xã tắc còn nhiều nghiêng ngả. Quát xong, Uất Trì Cung lấy roi vàng đả mạnh một cái, định phá cửa mà vào. Chẳng ngờ cửa cung cấm xây dựng rất chắc chắn nên roi vàng gãy luôn thành mười tám khúc, văng tứ tung trước sân. Uất Trì Cung thất kinh hồn vía tự nghĩ thầm: - “Trước kia tiên vương có di chúc “Tiên tại nhân đả tại, tiên đoạn nhân diệt vong”. Ta ỷ có roi vàng mới dám xông vào cung cấm, nay roi vàng đã bị gãy thì tất mạng chẳng còn, chi bằng tính trước thì hay hơn.” Uất Trì Cung liền quỳ trước cửa lạy hai mươi bốn cái làm lễ vĩnh biệt rồi đập đầu vào tường mà chết. Thái Tông nghe nội thị tâu báo thì thất kinh, vội chạy ra nhìn xác Uất Trì Cung khóc ngất, truyền gọi Trình Giảo Kim và ba người con của Uất Trì Cung vào lo liệu việc tẩm liệm, lệnh cho các bá quan cùng để tang. Trình Giảo Kim hết sức đau lòng nhưng cố nhịn tức giận, nhân dịp ấy quỳ xuống tâu xin: - Uất Trì Cung vì xin tội cho Tiết Nhơn Quý mà tự vẫn. Xin bệ hạ nghĩ công lao của hai người ấy mà gia hạn thi hành án tử, đến mùa thu năm sau mãn tang rồi hãy gia hình. Thái Tông nghe tâu phải lý thì nghe theo, truyền giam Nhơn Quý một năm nữa. Nhơn Quý nghe tin Uất Trì nghĩa phụ vì mình mà chết thì khóc ngất một hồi, chảy cả máu mắt ra. Riêng Mậu Sinh mừng thầm trong bụng, hết lời khuyên giải rồi hợp cùng bọn đao phủ đưa Nhơn Quý về ngục thất. Khi tang lễ đã xong, Thái Tông phong cho Uất Trì Bảo Lâm làm Hắc quốc công thế tập chức của phụ thân, Uất Trì Bảo Khánh làm Trần Lưu công, Uất Trì Bảo Hoài làm Bình Dương tổng binh. Ngày tháng đưa thoi, Thái Tông đã được Lý Đạo Tông nhắc nhở trước nên một hôm lâm triều liền phán truyền việc hành hình Tiết Nhơn Quý. Lần này Trình Giảo Kim cùng bá quan đều cứng lưỡi, không ai dám tâu một câu. May sao khi ấy Từ Mậu Công đã đoán quẻ biết được mọi chuyện, cấp tốc từ Hán Dương trở về. Từ Mậu Công sợ hỏng việc nên đứng ở pháp trường chờ sẵn, truyền cho tả đao khoan thi hành lệnh rồi mới vào triều yết kiến Thái Tông, tâu: - Hạ thần theo lệnh bệ hạ đến Hán Dương phát chẩn. Nay việc đã xong, dân chúng no đủ nên mới về triều phục mệnh. Vừa rồi hạ thần đi qua pháp trường, thấy Bình Liêu vương sắp bị chém đầu, chẳng biết tội gì vậy? Thái Tông nghi ngờ Từ Mậu Công cũng muốn xin tha cho Nhơn Quý nên vội thuật hết mọi việc, lấy nghiêm lệnh không ai được can gián ra để bịt miệng Từ Mậu Công. Chẳng ngờ Từ Mậu Công vẫn ung dung như thường, tâu: - Bệ hạ có nghiêm lệnh thì tôi cũng có chiếu chi của triều đình tha cho Bình Liêu vương. Thái Tông bật cười cho rằng mình hạ chiếu bao giờ đâu mà Từ Mậu Công dùng nó để tha chết cho Nhơn Quý. Từ Mậu Công liền tâu: - Trước đây ba năm, khi còn ở Việt Hồ thành, bệ hạ mong mỏi được thấy mặt hiền thần, nhưng tôi tâu rằng phải ba năm sau mới được, nếu gặp ngay thì hiền thần sẽ bị tù tội ba năm. Bệ hạ nghe xong liền hạ chỉ, dù cho hiền thần có phạm tội giết người đi nữa thì cũng tha thứ. Có lẽ bệ hạ đã quên mất lời mình nên giam Bình Liêu vương vào ngục hơn năm nay. Tôi lấy chiếu chí ấy ra mà tha cho Nhơn Quý, chẳng lẽ không đúng hay sao? Thái Tông nghe vậy sững sờ, phân vân không muốn tha chết cho Nhơn Quý. Từ Mậu Công nhìn được ý này, tâu xin: - Tạm thời bệ hạ hãy giam Nhơn Quý thêm một năm nữa rồi quyết định sau cũng được. Thái Tông thấy như vậy vẹn toàn, không sai lời hứa của mình mà cũng không mất lòng hoàng thúc nên chuấn tấu ngay. Trình Giảo Kim thấy Từ Mậu Công tâu một lời làm cho tình hình biến chuyển, nhà vua sắp tha chết cho Nhơn Quý, Từ Mậu Công lại tâu xin giam lại thì sửng sốt vô cùng, bước tới hỏi: - Quân sư thật bất nhân, sao không tiện dịp xin tha cho Nhơn Quý? Từ Mậu Công ghé nhỏ nói: - Thời vận của Nhơn Quý chưa đến, nếu tha ngay bây giờ thì mất hết chức tước. Chi bằng chờ thêm một năm nữa cho hết vận hạn, tôi cam đoan Nhơn Quý chẳng những được tha mà còn phục chức hơn xưa nữa. Như vậy chẳng hơn hay sao? Trình Giảo Kim nghe vậy hết sức vui mừng, lén báo cho mọi người biết rồi chia tay. Quả nhiên đến năm sau có sớ tâu từ biên cương gởi về cho biết nước Hấp Mê ở Tây Liêu vừa mới phong cho Tô Bảo Đồng là chức Tảo Đường Diệt Khẩu đại nguyên soái. Nội mấy chữ ấy cũng rõ ý nghĩa rồi, vậy mà vua Hấp Mê còn ngang ngược phái sứ thần đến triều đình nhà Đường dâng một bài thơ đầy lời lẽ khiêu khích:
Gia thù quyết trả một lần, Tiến thẳng Trung Nguyên thỏa tấm lòng. Mấy lời nhắn nhủ Đường vương Lý, Tây Liêu danh tướng rạng non sông. Hết còn cậy mạnh như tảo bắc, Chẳng thể khoe tài lúc chinh đông. Nếu không biết phận đầu hàng trước, Trường An đất ấy nhuộm máu hồng.
Thái Tông đọc bài thơ này nổi trận lôi đình, truyền đem sứ thần ra chém đầu ngay lập tức. Thấy triều thần ngơ ngác chưa hiểu tại sao, Thái Tông liền đưa bài thơ cho Từ Mậu Công xem. Từ Mậu Công thong thả tâu:
- Bệ hạ chém sứ thần thì việc chinh chiến càng đến mau hơn, lần này e rằng còn dữ hơn cả khi chinh đông, tảo bắc. Thái Tông giật mình, hỏi nguyên do thì Từ Mậu Công cho biết: - Tô Bảo Đồng vốn là cháu nội Định Phương, con trai Tô Phụng. Trước kia Tô Phụng bị La Thông đánh bốn chục roi nên uất ức qua đầu Tây Liêu, đưa con gái là Tô Miên Liên dâng cho vua Tây Liêu nên Tô Bảo Đồng được phong làm phò mã. Tô Bảo Đồng võ nghệ cao cường, sức mạnh muôn người khó địch, lại có chín lưỡi phi đao giết người ngoài ngàn dặm, biết tà thuật vãi đậu thành binh, sai yêu ma chém tướng dễ như trở bàn tay nên được phong làm nguyên soái. Nếu Tô Bảo Đồng nghe tin sứ thần bị chém thì sẽ xuất quân tấn công ngay, vì thế hạ thần xin bệ hạ chủ động ngự giá tây chinh mới khỏi tổn hại đến biên cương. Thái Tông nghe tâu gật đầu bằng lòng ngay, nhưng hỏi bá quan thì chẳng ai dám đứng ra nhận ấn tín nguyên soái. Từ Mậu Công nhân đó tâu xin: - Bệ hạ ứng mộng được hiền thần giữ yên bờ cõi, ngoài Tiết Nhơn Quý ra thì còn ai đủ sứ địch với Tô Bảo Đồng? Bt đắc dĩ Thái Tông đành phải xuống chiếu tha cho Nhơn Quý, phục chức Bình Liêu vương như trước. Chẳng ngờ Nhơn Quý nhận chiếu xong liền khóc lớn, nói với sứ thần: - Nhơn Quý này tù tội đã ba năm, nay còn mặt mãi nào đứng chỉ huy ba quân nữa. Xin sứ thần về tâu với thánh thượng ban cho cái chết thì đỡ nhục nhã hơn. Sứ thần về tâu lại khiến Thái Tông hết sức bối rối, đành phải hỏi kế quân sư. Từ Mậu Công tâu bày: - Tiết Nhơn Quý bị hàm oan đã ba năm nay, đâu có tội gì mà đoái công chuộc tội? Vì thế bệ hạ nên sai sứ thần mang Thượng Phương bảo kiếm đến ban cho, như thế mới có danh dự mà điều khiển ba quân. Túng thế Thái Tông phải nghe theo. Nhơn Quý bằng lòng nhận kiếm báu nhưng lại đòi Thành Thanh vương cùng mình đến trước mặt long nhan giải tỏ nỗi oan ức của mình thì mới bằng lòng. Đã lỡ trót thì trét, Thái Tông liền ban chỉ đòi Lý Đạo Tông đến triều khai sự thật trước mặt bá quan, giải hàm oan cho Nhơn Quý. Lý Đạo Tông nghe lệnh, run bắn cả người, vội vào triều quỳ xuống tâu: - Bệ hạ bắt tội thế nào hạ thần cũng xin chịu, đừng bắt phải đến thiên lao mời Nhơn Quý. Hiện giờ Nhơn Quý có Thượng Phương bảo kiếm trong tay, chỉ cần lên lên một cái là mạng già này đâu còn nữa? Thái Tông nghe vậy hết sức khó xử, phân vân nhìn quần thần. Trình Giảo Kim liền bước ra xin phụ trách việc mời Nhơn Quý đến triều. Thái Tông cả mừng, lập tức viết chiếu giao cho Trình Giảo Kim đi ngay. Tuy rất nể mặt Trình Giảo Kim nhưng Nhơn Quý vẫn một mực muốn chém Lý Đạo Tông để tế cờ mới chịu. Túng thế Trình Giảo Kim đành phải hứa bừa: - Được rồi! Bình Liêu vương yên lòng về triều nhận ấn soái đi, việc chém đầu Lý Đạo Tông tế cờ thì lão tính hộ cho. Tiết Nhơn Quý nghe vậy mới chịu thay đổi y phục, vào triều bái kiến Thái Tông. Nhà vua hơi hổ thẹn vì đến nước không còn ai mới nghĩ đến sự oan ức của hiền thần, an ủi vài lời rồi ban cho Nhơn Quý một bộ bạch giáp, một ngân khôi và ba chung ngự tửu. Nhơn Quý lạy tạ nhà vua xong, cùng các đồng liêu và anh em kết nghĩa kéo về soái phủ mở tiệc ăn uống, vui mời hỉ hả. Sáng hôm sau, Thái Tông triệu Nhơn Quý vao triều truyền lệnh kiểm điểm binh mã, chỉnh đốn lại đội ngũ để mau mau thành thuộc, càng xuất binh sớm chừng nào có lợi chừng đó.