Gần năm giờ chiều, Văn đạp xe về đến phố Quán Toan. Ánh nắng nhạt thếch chiếu chênh chếch những dãy quán lợp rạ với những bức tường đất mới đắp còn tanh mùi bùn. Có lẽ sau trận đói tháng ba, dãy phố đang được hồi sinh. Gần chợ là mấy căn nhà ngói, cửa hàng thuốc bắc của chú khách Sồi, rồi đến nhà đại lý rượu Phông ten của ông ký Đại.Văn xuống xe, dắt quá lên một quãng và rẽ vào nhà Cẩn. Vừa đẩy cổng, Văn thấy Cẩn đứng sững phía trong y như Cẩn đứng sẵn ở đó từ lâu. Nhận ra bạn Cẩn reo lên, vội vã đưa Văn đi vòng lối sau thẳng buồng riêng của Cẩn.Lần nào cũng vậy, mỗi khi vào buồng, Văn cũng dừng lại trước tấm ảnh phóng to, tô màu, chụp vợ chổng Cẩn trong ngày cưới. Cẩn đội khăn xếp mặc áo gấm nghiêng đầu về phía vợ, người đàn bà chít khăn nhung, mặc áo nhung the đen, cổ đeo kiềng vàng... Chỉ trông vào tấm ảnh thì đôi vợ chồng quá là hạnh phúc nhưng lúc này đây họ đang sống trong tâm trạng lo âu và khắc khoải bởi sự túng thiếu và bởi căn bệnh ngày càng hiểm nghèo của Cẩn. Cẩn bị lao từ ngày còn đi học, chạy chữa mãi mới tạm ổn. Sau đó Cẩn đi làm chân thư ký cho hãng buôn Pháp LUCIA ở Hải Phòng rồi Cẩn lấy vợ. Cuộc sống như vậy tưởng là hạnh phúc nếu như Cẩn không bị bắt. Cẩn thuộc số anh em do Văn tổ chức vừa bị Nhật bắt trước cái đêm Văn đi cùng với Đạo dán cờ và khẩu hiệu ở Hải Phòng. Chính Cẩn được anh em phân công đi đón hai người đêm đó ở ga An Dương. Chính cũng thằng Phin dậy tiếng Nhật ấy đã đem hiến binh đi quây bắt Cẩn. Ở nhà quê, ông tài Hiên, bố Cẩn lo cuống cuồng, vội bán đi mẫu ruộng cùng với con dâu bổ xuống Phòng lo chạy cho Cẩn được ra. Khi Cẩn từ trại hiến binh về nhà thì Cẩn không còn ra hình người nữa. Cẩn bị mất việc và bộ ngực vốn đã lép kẹp của Cẩn bị những mũi giầy săng đá của lính hiến binh Nhật thúc vào càng ọp ẹp, luôn thổ ra máu. Bây giờ, mấy tháng rồi, Cẩn thất nghiệp lại ốm đau, sống bám vào gánh hàng tấm của vợ, người cứ teo quắt lại lưng còng xuống như một ông già, sắc mặt Cẩn cũng già cấc như vậy...Vào buồng, Văn đã ngửi thấy mùi thuốc bắc sực nức. Ở góc nhà, chiếc siêu đất đang đun sôi trên cái bếp lò phì khói.- Sức khỏe mày hồi này ra sao? - Văn ngồi xuống ghế khẽ hỏi.Cẩn luồn tay xoa lên ngực, lắc đầu:- Tao lo không chắc có sống được đến ngày ấy.“Ngày ấy” có nghĩa là khi cách mạng thành công, niềm mơ ước duy nhất của Cẩn lúc này. Văn ái ngại, an ủi:- Đừng lo lắng quá, phải dũng cảm mà sống, đấu tranh với bệnh tật mà sống... có điều mày phải giữ gìn...Văn vội ngừng lời, không nói thêm. Anh nghĩ đến vóc người chắc đậm và mỡ màng, đôi gò má lúc nào cũng rực lên của vợ Cẩn... Hai người im lặng. Văn nghe rõ tiếng thở khò khè, nặng nhọc của bạn, có cảm giác như bộ ngực lép, xệu xạo và trống rỗng của Cẩn đang phát ra tiếng u u của bộ sáo diều...Ở buồng ngoài, ông tài Hiên đang tiếp khách. Khách là một gã trai Phòng hăm nhăm, hăm sáu, mặc soóc trắng, đầu húi cua, người mập và đô như một tay chơi thể thao nhà nghề...Ông tài Hiên nói;- Này, tôi nói để anh nghe nhá. Sấm Trạng Trình đã có câu: “Lồ lộ mặt rồng, trán thích chữ Vương...”. Câu ấy theo chiết tự thì đúng là chữ “Quốc” còn gì nữa.. Có phải là ông Nguyễn Ái Quốc rồi sẽ thay vua Bảo Đại không nào?Khách nói choang choang, chẳng cần giữ gìn:- Xin lỗi chú, chú cho phép cháu nói, trên đời này việc gì cũng phải có trình tự của nó. Ngay như trong sách Mác xít họ cũng viết vậy, họ bảo không thể à... đốt cháy giai đoạn, tiếng tây là “bruler les étapes”, đúng vậy đấy. Xã hội phải tiến hoá từng bước một, chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ, sau đó có muốn thì mới chuyển thành chế độ cộng sản được, chú ạ. Ai chẳng biết ông Nguyễn Ái Quốc và đám Việt Minh theo ông ấy là cộng sản chủ nghĩa. Nhưng nước ta trước hết phải dân chủ đã, phải đi theo chủ nghĩa Tam dân của ông Tôn Trung Sơn. Tam dân tức là dân chủ, dân sinh và dân quyền... Làm sao với dân trí lúc này mà lên cộng sản được...- Vậy chứ ngày ấy anh sang Tàu bao lâu?- Cháu ở bên ấy gần hai năm, lúc thì ở Vân Nam, rồi sang Côn Minh sau lại đến Quảng Châu.. Chú không biết chứ ở Tàu, người của cụ Nguyễn Hải Thần rất đông, đông như kiến cỏ hàng mấy vạn quân, còn cánh ông Nguyễn Ái Quốc chi có một dúm. Họ chí giỏi tuyên truyền nên cứ tưởng nhiều thế lực lắm. Nay mai Nhật thua, người của Nguyễn Hải Thần đi theo quân Đồng Minh kéo về, chú sẽ biết. Còn mấy thằng Việt Minh ở đây cứ nho nhoe, trêu chọc thằng Nhật, chúng nó khùng nên lảm thiệt lây cả dân chúng. Thằng Cẩn nhà chú đấy, trẻ người non dạ, lại ốm yếu biết gì mà cũng học đòi, a dua... Cuối cùng thì bò lê bò càng, tiền mất tật mang, khổ cha mẹ, vợ con. Chú khuyên bảo nó, đừng có đua đòi với đám Việt Minh, chỉ chuyên xui giục bọn khố rách áo ôm, nay phá kho thóc này, mai phá kho thóc kia, cứ tưởng Nhật nó chịu để yên à? Nó sợ là sợ quân Đồng Mình chứ sợ gì mấy bố Việt Minh...Văn nhìn bạn, thấy gương mặt của Cẩn nhăn nhúm như nuốt phải ớt cay. Cẩn nhún vai:- Thằng cha anh họ tao đấy. Hắn làm việc bên chemin de fer(9) vừa rồi vọt sang Tàu. Hắn ăn phải bả của bọn Tưởng Giới Thạch rồi.- Sau này cách mạng sẽ còn rắc rối với bọn này đây - Văn đứng lên - Thôi tao đi đã... A, những thứ vừa rồi chuyển về, mày còn để nhà không?Cẩn lắc đầu:- Thì như đã bàn với mày, bà cụ tao sợ vì nhà tao gần phố, gần đường... Tao đã cho chuyển vào nhà thằng Luyện(10). Nó ở tít trong làng, lại kín đáo. Mà nhà nó thì bố thằng nào dám động tới. Tao cũng đã dặn nó, hễ thấy động thì quẳng tất xuống ao, có mà giời tìm...- Mày chuyển tất cả à?- Tất cả, cả đá, cả ru lô, cả mấy hộp mực in. Lần trước chúng mày chỉ đưa về có vậy thôi mà...- Cũng được, để trong nhà thằng Luyện cũng được. Bây giờ tao phải vào trong nhà nó, có chút việc phải bàn với nó...- Tối nay mày ngủ trong đó?- Không, tao phải đi ngay, có việc gấp lắm...Văn chưa muốn nói công việc sắp tới cho Cẩn biết bởi lâu nay, Văn đã hình thành một thói quen: Ai biết việc người ấy. Cách mạng đòi hỏi như vạy. Vả lại công việc chưa ra sao, chưa có kết quả nên Văn càng không thể nói trước được.Tiếng chuông đồng hồ treo tường ở buồng ngoài thong thả buông năm tiếng trầm trầm ngâm nga. Văn bắt tay bạn, dắt xe luồn ra sau nhà rồi ra khỏi cổng. Vẫn nghe cái giống đầy tự mãn của gã anh họ của Cẩn. Gã đang say chuyện chắc lâu lắm mới dịp tuyên truyền cho cái chủ nghĩa Tam Dân của ông Tôn Trung Sơn.Văn đạp xe trên con đường lát gạch để vào nhà Luyện. Nhà Luyện ở tít cuối làng, trong một khu trại khá rộng.Vượt qua hai tầng cổng, Văn mới vào tới sân, cái sân gạch rộng thênh thang. Một lũ chó đủ cỡ chạy xô ra nhâu nhâu sủa. Văn đứng chờ một người đàn ông từ nhà ngang chạy ra đuổi chó.Anh ta lễ phép chào Văn:- Lạy cậu, cậu về chơi.- Tôi không dám, cậu Luyện có nhà không?- Có đấy ạ, cậu cháu đang ngồi hoạ.Văn mỉm cười về cái từ “hoạ” ấy. Anh trao xe đạp cho người lực điền rồi theo anh đi vào nhà. Lúc đó, Luyện cũng từ trong đi ra sân. Luyện mặc chiếc quần đùi đen, áo cánh trắng, tay còn cầm bút vẽ và trên trán Luyện dính màu nhem nhuốc.Văn đứng lại bên giá vẽ của bạn, ngắm nghía. Cô em gái của Luyện đang ngồi mầu cho anh vẽ, e thẹn đứng lên chào rồi len lén vào nhà trong. Văn ngẩng lên khen:- Bien, ca va(11) được lắm! Sao mày không vẽ peinture(12).Luyện cười ngượng nghịu:- Tao vẽ goát(13), nếu được thì chuyển sau.Rồi Luyện đưa Văn lên nhà thờ, khu nhà âm u mà Luyện ngăn cho mình một phòng làm việc. Văn dắt chiếc xe tựa vào tường, tháo cặp ôm trong tay. Luyện hỏi:- Mày đem báo Cứu Quốc hay tài liệu gì mà nhiều thế?- Quần áo chưa giặtVà Văn vừa cười vừa mở cặp ra cho Luyện xem.Luyện cũng cười, cái cười thật lành:- Thế mà tao cứ tưởng mày đem báo về. Lâu nay tao thèm đọc quá.- Lần sau sẽ có, đủ cả “Cờ Giải phóng”, cả “Cứu Quốc”.Căn phòng của Luyện nhỏ, nhưng sáng sủa. Trên tường treo mấy bức tranh, trong đó có cả của Văn. Trên cái nền xam xám như đất, một chú bé dáng vẻ mệt mỏi đang ngồi bó gối, chiếc mũ dạ rách vứt bên cạnh. Chú bé chính là em ruột của Văn, thằng bé sống lam lũ và vất vả sau khi bố Văn bị mất việc làm. Nhưng Văn đã đề tên cho bức tranh của mình bằng tiếng Pháp: “Gavroche reposé” (Chú bé Gavrốt ngồi nghỉ).Văn và Luyện, hai người thân nhau từ khi còn đi học trường Bonnan Hải Phòng. Hết ban Thành chung, Luyện lên Hà Nội kiếm việc làm còn Văn thì ra mỏ than Mạo Khê. Lận đận mãi mới có người nhận cho Luyện vào làm thư ký của hãng vận tải ôtô STAI nhưng Luyện phải nộp cho người đó hai trăm bạc. Làm được dăm tháng thì Luyện mát việc. Thì ra người kia lấy hai trăm đồng bạc của Luyện rồi nói với chủ hãng để Luyện làm phụ cho gã mà không lấy lương. Gã lấy tiền của Luyện để trả lương cho Luyện mỗi tháng hăm nhăm đồng. Được bốn tháng hết một trăm, gã kiếm cớ sa thải Luyện.Rồi Luyện xin vào học trường Bôda(14), lúc ấy Văn cũng về Hà Nội và cùng vào học với Luyện.Luyện học lóp dự bị, còn Văn thì là auditeur libre (dự thính tự do). Ngày hai buổi, họ gặp nhau ớ quán cơm JOC (Jeunesse Ouvrier Catholique), quán com đầu phố Tràng Thi dành cho đám viên chức nghèo độc thân, thuyền thợ và sinh viên học sinh...Văn chỉ học được hơn nửa năm rồi, vì phong trào, Văn thôi học xuống hoạt động ở Hải Phòng. Luyện vẫn cố đeo đuổi với trường lên tận Sơn Tây, mãi tới ngày Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, Luyện mới bỏ về Hà Nội và từ Hà Nội cùng với hai thằng em họ Luyện cuốc bộ về quê.Người ở gái bưng lên thau nước và chiếc khăn mặt. Luyện bảo:- Mày đi rửa mặt đi! Đã cơm nước gì chưa?- Đạp đến chợ Hỗ, tao chén hai cái bánh đa...- Rửa mặt đi rồi ăn cơm, nhà tao vừa ăn xong...Khi Văn rửa xong cái mặt, kỳ cọ hai bàn chân, quay vào đã thấy mâm cơm dọn sẵn trên ghế ngựa. Trên chiếc mâm đồng có đĩa rau muống luộc bát tương, bát nước rau vắt chanh và đĩa tôm rang. Một nồi gang cơm khá to nhưng trong chỉ còn lưng lửng cơm gạo chiêm đã nguội...- Mày ăn tạm, đợi nấu cơm mới thì lâu...- Không sao, thế này là tốt rồi...Vừa ăn, Văn vừa hỏi Luyện:- Đám thanh niên của mày hồi này ra sao?- Hồi này có lúa, bọn tao không đi khất thực nữa mà chia nhau đi dậy Truyền Bá... Tao cho mở nhiều lớp ban đêm, toàn đốt nhựa trám lên mà học... Bọn tao đang chuẩn bị đến rằm Trung Thu này sẽ tổ chức diễn kịch, tao có vở kịch thơ “Trưng Nữ Vương” của Thanh Tịnh rồi, đã phân vai cho mấy đứa học trước... Mày chép cho tao mấy bài hát Việt Minh, tao sẽ dạy chúng nó hát. Đêm ấy, bọn tao sẽ hát toàn bài Việt Minh, rồi trương cờ, khẩu hiệu nữa...- Mày phải cẩn thận, bọn chó đánh hơi thấy...- Không sợ! Ở trong này xa đường cái, chẳng đứa nào dám vào đâu. Đứa nào lạ mặt lảng vảng đến là bọn tao cho đi tắm luôn.- Thằng Cẩn chuyển cho mày những thứ in ấn, mày cất đâu?- Thì ngay dưới gấm giường mày đang ngồi chứ đâu. Liệu bao giờ ra được báo? Bao giờ mày cho chuyển giấy in về?...- Để tao đi chuyến này về hẵng hay.. Tình hình dưới Phòng hồi này lung tung lắm, đứa bị bắt, đứa vọt lên Hà Nội, đứa chạy sang Hải Dương.. Đám Đông Triều thì chỉ loanh quanh bên đó, còn cánh Kim Sơn chưa phát triển sang bên này được.Luyện vừa xuống nhà, bỗng nghe tiếng nổ rất đanh như tiếng pháo phía nhà thờ. Luyện cùng người ở gái chạy lên thấy Văn đang lúi húi ngồi nắn nắn bánh xe đạp. Văn quay nhìn hai người:- Xe nổ lốp, chán quá. Lát nữa mày phải cho tao mượn chiếc xe của mày mới được...Người đầy tớ gái che miệng cười và đi xuống nhà dưới. Luyện vẫn đứng im, ngờ vực nhìn hai bánh xe của Văn vẫn căng phồng. Văn đứng dậy phủi tay:- Lốp có nổ đâu, súng cướp cò đấy.. Chúng nó đưa tao khẩu súng tồi quá, vừa chạm đến đã nổ. Súng ống thế này thì giết anh em còn gì...Rồi Văn moi trong cặp, dơ ra cho Luyện coi khẩu súng ngắn cỡ 7,65 han rỉ. Văn lại vạch cho Luyện xem cả cái lỗ thủng mà viên đạn vừa xuyên qua, miệng cười hì hì...- Mày đi ngay à? - Luyện hỏi.Văn gật đầu:- Lát nữa, nhưng bây giờ mày kiếm cho tao cái kéo và cái gương soi... Cho tao mượn chiếc áo the nữa...Lát sau, Luyện ngồi chăm chú xem Văn cắt vụn mớ tóc rời thành đám trên mảnh báo. Xong Văn mở hộp nhựa vá xe; bôi nhựa lên cằm, lên má. Văn dính những vụn tóc vào đấy. Chốc lát Văn biến thành một lão già đến sáu chục tuổi...Vừa hoá trang, Văn vừa liếc nhìn Luyện, đôi mặt rất hiền và rất hồn nhiên của Luyện đang mở to vì ngạc nhiên và thích thú trước công việc Văn đang làm. Văn thấy tâm hồn mình dịu lại như buổi sáng, Văn đứng từ ban công căn phòng nhìn ra mặt hồ lăn tăn nước và gió thoang thoảng thổi tới ve vuốt hai má Văn...Bao giờ cũng vậy, mỗi lần ghé thăm Luyện, Văn cũng thấy tâm hồn mình yên tĩnh trở lại. Mọi xao động, mọi nỗi lo âu thường dịu đi mỗi khi Văn gặp Luyện, ngắm khuôn mặt hồn hậu đến thơ ngây của bạn. Có lẽ do cái không khí vốn đã êm ả trong khu trại của gia đình Luyện nó quá cách biệt với cuộc sống bên ngoài hay do cách sống đơn lẻ, sự quá mê say với nghệ thuật của Luyện... Đối với Văn, Luyện coi Văn như một thần tượng. Luyện nhìn nhận Văn như một tài năng đặc biệt, soạn nhạc, vẽ tranh, làm thơ và cuộc đời gió bụi đầy hiểm nguy mà Văn đang dấn thân vào vì sự nghiệp cách mạng. Hồi còn ở Hà Nội, Luyện đã lắng nghe bằng tất cả lòng kính phục khi Văn kể lại quãng thời gian Văn sống với anh em thợ mỏ ở Mạo Khê, Tràng Bạch, những cái từ lạ tai như vỉa, như quặng, hầm lò, lán thợ, mong, nhau... làm cho Luyện vô cùng thích thú. Giá như lúc ấy Văn rủ thì Luyện sẵn sàng đi với Văn ra mỏ ngay tức khắc. Tất nhiên, Văn không thể nói rõ cho Luyện biết, ngày Văn ra mỏ là khi Văn hoạt động trong Công nhân cứu quốc đoàn...Rời khỏi khu trại của nhà Luyện, Văn thong thả đạp xe ra đường 5. Trời đã sâm sẩm tối, thời gian lúc này đối với Văn rất thuận lợi. Từ đây về Hải Phòng còn hơn 10 cây số, khoảng 8 giờ tối. Văn sẽ về đến nhà. Vào giờ ấy bọn chó còn mải mê trong những quán ăn, chúng chưa đến những nơi canh gác.Chiếc xe đạp Văn đang đi là xe của Luyện thừa hưởng từ ông bố. Chiếc xe cũ kỹ kiểu công-pho, hai bánh to và êm, phanh đũa, chuông to và kêu vang, kiểu xe của người công chức già. Chiếc áo the Văn đang mặc cũng là áo của Luyện. Vừa rồi Văn đã trút bỏ hết bộ cánh cũ hẹn với Luyện sẽ có người của Văn đến đổi lại cho Luyện. Văn cũng không nói cho bạn biết mình sắp đi đâu mà Luyện cũng chẳng bao giờ hỏi cũng như chưa bao giờ Luyện hỏi Văn ở đâu đến và sắp đi đâu, làm gì? Thường trông câu chuyện, Luyện chỉ hỏi thăm Văn về những sáng tác của Văn, về những bài hát hay những bức tranh Văn mới vẽ.Bạn bè của Văn, mỗi anh mỗi tính khác nhau. Luyện nhu mì như con gái, hồi còn đi học, Luyện thường đóng giả gái trong các vở kịch vui. Đạo “đen” nóng tính nhưng thẳng thắn, chưa bao giờ nề hà một công việc gì. Trước kia cùng với Văn, Đạo phụ trách nhóm Hải Phòng, sau bị lộ phải vọt lên Hà Nội rồi được giới thiệu về hoạt động vùng Hải Dương. Cẩn thì nằm bẹp, ốm đau và sầu não về chuyện chót đa mang vợ con sớm hơn anh em cùng lứa. Viễn thì đắm đuối trong đám hướng đạo sinh của anh với những trò đi trại, đốt lửa diễn kịch. Năm trước Văn cùng đi với Viễn đến mấy trường trung học dạy học sinh những bài ca yêu nước, những “Đống Đa”, “Bông Lau” rồi “Thăng Long hành khúc ca” v.v... Còn Trường thì lêu têu ăn diện, bát phố và đi tán các em. Trong các nhóm chỉ có nhóm của Đạo trước kia là phát triển chắc hơn, vì anh em đa số là dân thợ thuyền, dân lao động nghèo và lớp học sinh con cái viên chức thấp. Họ làm được khá nhiều công việc đến khi Đạo phải bật đi nơi khác, trong nhóm lác đác vài ba người bị bắt khi được tha về, họ ngơ ngác, chưa tìm được cách bắt liên lạc. Văn phải tập hợp đám anh em này tổ chức họ lại trả về cho thành uỷ.Lần cuối cùng hồi tháng ba, Văn từ Hải Phòng lên Hà Nội được hai ngày thì Dũng, em trai của Đạo bổ lên tìm Văn. Nó báo tin hiện nay ở Hải Phòng, thằng Phin đánh hơi biết Văn đã về dưới đó và cái vụ dán cờ, khẩu hiệu và truyền đơn do chính bàn tay của Văn nên nỏ lùng sục để tìm Văn. Đỗ Đức Phin tuyên bố sẽ bắt cho được tên Việt Minh chính cống ấy giao cho Nhật để Nhật đem đóng cọc phơi nắng giữa sân Hạ Lý. Đạo từ Hải Dương cũng nhắn lên rằng Văn đừng bao giờ về nhà Văn ở bến Ngự, chúng nó đã bao vây nhà Văn rất chặt.Vậy mà tối nay, Văn đã về gần tới Hải Phòng với chiếc xe đạp cũ kỹ và vững chắc này. Nhưng thằng Phin dù cho có gặp Văn cũng không thể nhận ra cai gã nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ một thời làm sôi nổi thanh niên thành phố cảng...Đúng tám giờ, Văn mới lọt về tới Hải Phòng. Cái bãi bóng Hạ Lý mà Văn đi qua chứa đầy lính Nhật và những con ngựa Mông Cổ cao lớn đầy lông lá, bờm dài, chân thon... Trong thành phố, xe nhà binh chạy thưa thớt hơn xưa. Vào thời điểm này, lính Nhật được lệnh ít di chuyển nhiều, không rời khỏi doanh trại vào buổi tối. Đường phố tù mù dưới ánh đèn phòng không.Văn đạp xe thẳng về nhà. Chị dâu của Văn, vợ anh Mạnh ngạc nhiên khi thấy có người lạ đẩy cửa dắt xe vào. Chị nhìn chằm chằm người đó và hỏi:- Thưa cụ, cụ hỏi ai ạ?Văn phải cúi xuống để khỏi lộ cái cười. Văn lúi húi tháo chiếc cặp ở khung xe và nói bằng giọng mui ồm ồm:- Thằng Văn có nhà chứ?...Bà chị dâu chưa nghe ra:- Dạ, thày cháu đi vắng, lát nữa về ạ...Mãi khi Văn tháo mũ, tháo kính và ngửa đầu ra cười thì chị mới biết:- Quỷ sứ cái thằng... Chú đạp xe từ Hà Nội về à?- Vâng, em đạp xe. Anh đi đâu hả chị?- Chẳng biết anh ấy đi đâu với thày ra phố từ chặp tối... Chú ăn uống gì chưa? Chị đi nấu cơm nhá!- Thôi, chị mua hộ em bát phở chín... Em đi rửa mặt cho mát đã...Nhựa vá xe khô cứng làm da mặt Văn căng ra khó chịu. Văn đã định lấy xăng chùi đi nhưng nghĩ sao, Văn lại thôi, cố chịu đựng qua đêm nay. Cũng là thử sức xem mình chịu đựng được đến bao giờ. Vả lại rửa sạch, sáng mai lại phải bôi lại thêm phiền phức. Đêm nay không thể mò ra phố được và cũng chẳng biết chúng nó chui vào đâu mà lần tới. Một mình Văn không xong, phải có sự hỗ trợ của bè bạn. Trước hết Văn phải tìm cách nhắn tin cho Trường, rồi bàn bạc với hai anh em Viễn và Chánh, những thằng thổ công của đất cảng. Và còn khẩu súng ngắn nữa cũng phải xem lại, lau chùi lại, lỡ nó lại cướp cò như chiều nay ở nhà Luyện thì hỏng việc...Ăn xong, Văn đi nằm sớm. Chợp mắt được một lát, Văn nghe tiếng ông bố và anh Mạnh đang nói chuyện ở nhà ngoài. Rồi tiếng lê dép loẹt quẹt của ông già. Lâu nay, ông cụ già đi và yếu đi nhiều, nhất là sau ngày bị mất việc ông cụ buồn nên hay đi xoa mạt chược cò con và kéo người con trai cả cùng đi. Việc nhà đều do tài quán xuyến của người con dâu.Chợt Văn nghe tiếng dép của ông dừng lại trước cửa buồng mình. Tiếng ho khan, tiếng người cha nói thong thả, dường như ông cụ biết Văn đang thức nằm đó:- Con liệu thu xếp mà đi ngay đi... Mày không thể ở nhà được đâu. Chúng nó rình bắt mày giao cho Nhật đấy... Đi đâu thì đi, đừng lo lắng gì về thày cả. Thày còn khỏe mạnh, với lại ở nhà đã có anh chị mày với thằng Chính.Văn vẫn nằm im. Bố Văn nói xong, đợi một lát rồi khịt mũi thong thả đi về chỗ nằm của ông cụ. Lòng Văn trào lên nỗi thương cha. Lẽ ra đến tuổi sáu mươi, ông cụ phải được thư thái nghỉ ngơi, vậy mà lúc này cũng còn phải lo toan cho con cho cháu. Ngày xưa, cũng có thời bố Văn trông coi cả cái nhà máy nước thành phố này, lương bổng khá, nhà cửa khang trang. Hồi đó, mẹ Văn còn sống, mấy anh em Văn người nào cũng được cắp sách đến trường, cũng quần nọ áo kia, không kém những con ông Tham, ông Phán. Nghề nghiệp của bố Văn vào loại cứng lên thằng chủ Tây cũng phải nể, mỗi lần về Pháp khi sang nó đều biếu quà. Vậy mà, chỉ trong vài năm gần đây, ông cụ mất việc rồi mẹ Văn chết, nhà cửa sa sút trông thấy... Hồi Văn ở ngoài mỏ về, để che mắt bọn mật thám, Văn phải giả làm một anh chàng chơi bời phóng đãng la cà trong các tiệm hút. Hồi đó, chẳng riêng bố Văn mà cả vợ chồng anh Mạnh cũng lo cuống, bố thì đe nẹt, mắng mỏ, anh chị chỉ dám nhẹ nhàng khuyên nhủ em... Văn thấy thương cả bố lẫn anh chị nhưng Văn vẫn dấu, không dám nói thật. Và chính ngày đó, Văn cũng lo đến hoảng lên cho bản thân mình bởi vì sau vài lần đến tiệm cùng bạn bè đâm quen, đâm nhớ mùi khói thuốc và có lần tự một mình Văn lò dò đi tới cái nơi có những bàn đèn ấy. Văn đâm sợ hãi cho mình, vội vã chạy lên Hà Nội, xin vào trường Bôda(15) làm chân dự thính tự do, nghĩ mong rằng lòng mê say nghệ thuật làm tan rã nỗi ham muốn của kẻ bắt đầu vướng vào bẫy phù dung.Văn không ngủ tiếp được, cứ nằm đó thao thức. Căn buồng nhỏ mờ mờ sáng vì ánh đèn đường hắt vào. Căn buồng vuông vức như cái ô bàn cờ, tường quét vôi trắng ở giữa lù lù cái máy phát điện chiếm gần hết diện tích, chỉ còn lại khoảng trống để kê chiếc giường sắt, loại giường nhà thương mà Văn đang nằm. Rồi đến cái bàn con, hai cái ghế đẩu. Sau nữa là cái nơi mà Văn thường gọi là “attelier”(16) cho oai, vẻn vẹn chừng ba mét vuông, dựng đứng cái giá vẽ cao lênh khênh. Cái giá vẽ vẫn còn nguyên đó và bức tranh sơn dầu của Văn vẽ vào mùa hè năm ngoái vẫn còn nguyên đó. Lợi dụng chất xôm xốp gai gai của bìa các-tông, Văn đã vẽ lên đó một thiếu nữ ngồi bên cuốn sách mỏ rộng với tấm áo the đen đôi mắt thẹn thùng nhìn xuống trang sách. Văn còn nhớ ngày đồ, tình cờ Văn bắt gặp cô gái không quen biết đang đi ở phố Lacôm, mảnh áo the đen cô mặc ngoài chiếc áo cánh lụa trắng rất gợi đã làm Văn sửng sốt rồi Văn bám theo chiếc áo đến tận nhà cô.Văn kiếm cớ làm quen và đề nghị cô ngồi cho Văn vẽ. Bức tranh còn dang dở thì Văn phải lên Hải Dương và từ đấy Văn không thể nào vẽ tiếp được nữa. Văn cũng chẳng bao giờ có thì giờ tìm gặp lại cô gái nhưng hình ảnh của cô vẫn còn. Cô cứ ngồi đây hết ngày qua tháng khác như để trông nhà cho Văn những khi Văn đi vắng.. Cô cứ ngồi đó với cuốn sách chẳng biết đọc đến bao giờ cho hết...Bóng mấy cành lá phượng từ đèn đường hắt vào bị gió thổi lay động chập chờn trên bức tường đã hoen ố vì thời gian và tiếng còi tàu thuỷ u u vẳng lại từ bến Sáu Kho...