Phần I
Tình sử Chí Phèo

Trước khi chết hẳn, tay Chí đã ba lần chết thử. Kèn, trống làng Vũ Đại đã ba lần vang lên báo tin buồn. Thực thì, tim hắn đã ngừng đập, mũi hắn đã ngừng thở. Chiếc lông gà có những sợi lông mao bé tí đã không còn lay lay trước cánh mũi của hắn. Chỉ có mắt hắn còn chưa kịp khép lại. Con cháu hắn, con cháu làng Vũ Đại đã kịp gào lên những lời ngậm ngùi, thương tiếc. Nhưng rồi, cả ba lần đều mới chỉ đau thương hụt. Ba lần, kèn, trống làng Vũ Đại phải đột ngột ngừng lại, tiếng khóc thôi nấc lên. Chiếc lông gà có những sợi lông mao bé tí lại lay lay trước cánh mũi của hắn. Hắn thở lại nhè nhẹ, rồi đều dần lên. Hắn tỉnh lại rồi khỏe mạnh dần lên. Hắn lại quằn quại, đạp phá lung tung trên giường. Lúc, tự thân hắn, ném hắn sang bên phải. Lúc, tự thân hắn, ném hắn sang bên trái. Lúc hắn nằm ngửa. Lúc hắn nằm sấp. Thường, hắn vẫn hay nằm sấp. Những lúc nằm ngửa là lúc hắn sắp lịm đi. Những lúc ấy, mắt hắn mở to, nhìn chăm chắm lên nóc nhà như đang hướng tâm linh về với miền cực lạc xa xôi nào đó. Hoặc giả hắn đang đợi một điều gì đó, một cái gì đó đến đón hắn đi. Thằng trưởng nhà hắn làm giám đốc nhà máy to của làng, đã điện báo ba ngày nay rồi, mãi vẫn chưa thấy về. Hắn chết thử tới ba lần, nghĩa là hắn cũng sống lại tới ba lần, chắc hắn đợi thằng trưởng về để trối trăng một điều hệ trọng nào đó? Chỉ có thằng trưởng hắn mới tin cậy? Lúc này, dù thằng trưởng có về kịp hay không, thì hắn đã là một người khó chết. Chí ơi! Mày cũng đã ngoài bảy mươi rồi!!!
Lần thứ tư, giữa lúc hắn đang nhìn chăm chắm lên nóc nhà, thì tiếng còi ô tô ở đầu làng Vũ Đại vang lên inh ỏi. Không phải một chiếc xe như mọi lần, mà là ba chiếc xe con nối đuôi nhau xồng xộc lao về làng. Bụi đất tung lên mù mịt, trùm ngột ngạt lên đám trẻ con làng Vũ Đại cố sức chạy theo để bám xe. Khi ô tô chạy đến cổng nhà tay Chí thì tắt máy. Ba người đàn ông ngồi trên ba ghế thủ trưởng vội mở cửa xe, bước ra. Không thể nói là họ giống nhau hoàn toàn. Một người lùn tịt. Trông tay, chân, mặt, mũi hắn ta đến là dị dạng. Hắn ta cao chỉ độ một mét bốn mươi, tay và chân lại ngắn cũn cỡn. Đã thế, trên thân hình lùn tịt đó lại mặc bộ quần áo nhà binh, vừa rộng, vừa dài, nên cả người hắn ta có hình tượng như bốn chiếc chày giã cua, gắn giả tạo vào đôi mông và đôi bả vai.
Một thủ trưởng khác, có thân hình trái ngược hẳn: cao, dài, dáng lêu khêu, chẳng khác gì một hình nhân hài hước cắm ở bờ ruộng, nhằm xua đuổi thú dữ đến phá hoại mùa màng.
Thủ trưởng còn lại là con của tay Chí, cả làng Vũ Đại đều đã biết.
Cả ba đều có khuôn mặt chữ điền, nước da xạm tái, đôi con mắt sâu, lông mày rậm, và đều có cái miệng như miệng cá ngão nằm nghiêng, có con mắt sáng láo liêng, hay đảo lên, đảo xuống như một thằng quen nghề móc túi.
Người lùn tịt dẫn đầu; người cao kều thứ hai; con trưởng tay Chí thứ ba; sau họ là cán bộ cơ quan của ba hắn, thứ tự đi vào. Khi ba người đến sát giường tay Chí, lặng lẽ quỳ xuống và cất lên tiếng gọi não nề "bố ơi!'', thì tay Chí mới yên tâm trút hơi thở cuối cùng, và mắt hắn cũng mới từ từ khép lại hẳn. Bão giông bắt đầu nổi lên. Người ta thấy trong mưa, gió bão bùng, nắng, lửa từ trời đổ xuống nhoáng nhoàng. Rồi đầu óc người người mụ mị đi, đến mức không ai còn nhớ rõ tay Chí chết vào đêm hay ngày nữa. Nhưng đám tang hắn được tổ chức linh đình chưa từng thấy ở làng Vũ Đại xưa và nay. Khi rước linh cữu ra nghĩa địa, ba chiếc xe con luôn áp sát, tháp tùng tay Chí đến tận huyệt. Và khi hạ quan tài xuống huyệt, ba chiếc xe con cùng kéo lên những hồi còi thê thảm vĩnh biệt. Dân Vũ Đại đi tiễn tay Chí tới nơi an nghỉ cuối cùng cũng đông. Họ khóc, họ cười trước giờ phút phải chia ly vĩnh viễn với người hùng của làng Vũ Đại. Nhờ hồng phúc của tay Chí, lần đầu tiên làng Vũ Đại có hoa phủ lên mộ người chết. Chính những vòng hoa càng làm lóa mắt dân Vũ Đại. Người ta cứ nói quá lên: Đám tang tay Chí thuộc loại tang lễ của người hùng, người có công lao lớn với dân làng Vũ Đại thời mới.
Sau khi chôn tay Chí, đắp vòng hoa lên mộ tay Chí và thắp mấy nén hương lên bàn thờ tay Chí, hai chiếc xe con chở người lùn tịt và cao kều vội vã phóng đi. Sau khi hai người này ra đi, dân Vũ Đại cứ rộ lên nhiều câu chuyện về quá khứ của tay Chí. Nào là chuyện tay Chí đánh đổ Bá Kiến, Lý Cường ra sao? Tay Chí lên làm người đứng đầu làng Vũ Đại như thế nào? Và đặc biệt, chuyện được kể nhiều nhất, ly kỳ nhất là các thiên tình sử của hắn. Chuyện có đúng không? Tôi không dám chắc. Nhưng cứ như dân Vũ Đại thì đúng một trăm phần trăm rồi. Đúng tới mức, có người thề: "Có chém đầu tôi thì cái ông lùn tịt đó đích thị là con của Thị Nở; cái ông thủ trưởng cao kều kia, đích thị là con của bà Ba. Cứ nhìn cái thân thể không thôi, cũng đã rõ".
Tôi hỏi:
- Đã là con của Thị Nở, bà Ba thì cả làng Vũ Đại xưa nay đều phải biết chứ?
Người kể chuyện sử làng Vũ Đại trả lời:
- Không phải thế. Họ có trưởng thành ở đây đâu. Chuyện là thế này, cứ im, tôi kể cho mà nghe.
- Khi có chính quyền cách mạng, làng Vũ Đại vẫn mang tên Vũ Đại. Tay Chí được dân Vũ Đại chọn làm người đứng đầu làng Vũ Đại.
- Chí Phèo mà được làm người đứng đầu dân Vũ Đại ư? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Sao lại không? Thành phần mấy đời bần cố nông, sáng như vầng dương. Sao lại không? Hắn ta lại còn có công nữa. Ông cứ kiên nhẫn mà lần theo. Tôi xin bắt đầu từ chuyện tình với bà Ba.
- Bà Ba Bá Kiến, sau những ngày đấu tố thì được tự do. Suy cho cùng, bà Ba cũng chỉ là phận tôi đòi, chỉ hơn con ăn, cái ở trong nhà Bá Kiến một chút. Ngoài phép tắc phong kiến nhuốm màu sắc thực dân của Bá Kiến, bà Ba còn phải chịu đựng thêm hai tầng áp bức của bà Nhất, bà Nhì. Sau những ngày trút hận căm thù, hai bà Nhất, Nhì tội nhiều nên phải rời quê đi lang thang cầu thực. Riêng bà Ba được chính quyền chia cho một gian nhà bếp trong tòa ngang, dãy dọc của nhà Bá Kiến.
Bấy giờ, nhà chính của Bá Kiến trở thành trụ sở của chính quyền.
Từ ngày đứng đầu làng Vũ Đại, tay Chí có nhiều thay đổi. Trong đó đáng chú ý là tay Chí đã biết hút thuốc lào. Trong gian nhà vừa ở, vừa làm việc của tay Chí thường xuyên có một cái nùn rơm giữ lửa. Thường, vào chập tối, bà Ba lên thổi lửa vào nùn rơm của tay Chí.
Lửa từ nùn rơm cháy lên làm tay Chí nhớ lại quá khứ. Tay Chí vẫn còn chốt như đinh trong trí não: Kể từ hôm bị bà Ba làm nhục, tay Chí thề không thèm nhìn mặt bà Ba nữa. Nay, có chính quyền mới, bỗng nhiên, tay Chí và bà Ba cùng ở trong dinh cơ nhà Bá Kiến. Ngọn lửa hận thù được thắp lên là do chính bà Ba đốt lên. Thường, vào chập tối, đi làm về, bà Ba lại tìm đến nùn rơm của tay Chí để lấy lửa. Để lửa nùn rơm cháy thành ngọn, bà Ba dứt khoát phải chụm môi lại, hoặc xòe miệng ra để thổi. Lửa nùn rơm cứ âm ỉ, rồi hồng dần lên. Lửa nùn rơm hồng tới đâu, má của bà Ba cũng hồng theo tới đó. Không thể không quan sát. Lúc đầu, tay Chí ra tuồng không để ý. Nhưng lửa từ tro tàn cứ hồng dần lên mãi. Má bà Ba hồng lên, môi bà đỏ tươi lên, mắt bà ngấn lệ long lanh…, cứ như trêu ngươi tay Chí. Tức quá! Ba bốn lần nhìn bà Ba, tức lên, mắt tay Chí cũng rực lên. Lúc đầu tay Chí không dám nhìn thẳng vào mắt bà Ba. Nhưng thời gian hai người ở chung một nhà đã đủ cháy lên.
Bà Ba đã nhiều lần thấy mắt tay Chí rực lên. Chưa qua những ngày tang chồng, mắt bà vẫn rực lên khao khát. Với bà, tay Chí vẫn là quả chín đầu mùa, chú trâu mộng, măng tơ đầy khí lực. Thực bụng bà thì bà mong lắm! Nhưng ve vãn tay Chí như thời trước thì bà không dám. "Người ta thay vai trò của Bá Kiến, Lý Cường xưa. Mình với anh Chí bây giờ còn đối lập với nhau nữa: Anh Chí cách mạng, mình thuộc kẻ thù giai cấp". Bởi thế, tỏ tình với tay Chí, mắt bà chỉ dám nhìn Chí thoảng qua, rụt rè; cười với tay Chí, miệng bà cũng chỉ hé ra nho nhỏ. Bà đâu biết, dù còn e sợ tay Chí, má bà vẫn hồng lên trong ngọn lửa nùn rơm bập bùng. Cái chất đoan trang, lỗi thời do thực dân, phong kiến tạo nên còn đầy ứ trong người bà. Nhưng khao khát của bà là khao khát đích thực. Một ngày… hai ngày… ba ngày… Nhìn cử chỉ lúng túng của tay Chí, đôi mắt nảy lửa của tay Chí, bà hằng ủ niềm hy vọng. Bà biết đâu rằng, chính tình cảm, niềm hy vọng ngày một dâng lên trong lòng bà đã gieo vào tâm trí tay Chí niềm hận thù quá khứ cay đắng khôn nguôi. Chính bà là nguyên nhân của tội ác. Đối với tay Chí, nụ cười của bà chỉ là sự dè bỉu cách mạng mà thời gian chưa đủ để xóa nhòa quá khứ xấu xa của đời hắn. Đôi mắt ngấn lệ của bà lướt qua tay Chí thật nhanh là biểu hiện của sự trách móc, khinh thường cách mạng của bà. Cách mạng còn mới quá, thời gian còn chưa đủ để xóa nhòa giữa giai cấp với tình người. Tất cả cứ như kim châm vào óc, tim cách mạng của tay Chí…
Tức quá! Tay Chí khẳng định:
"Cái thói coi người như giẻ rách vẫn còn in sâu trong tim, óc của chúng. Để rồi cho nó biết tay. Ngày xưa hắn làm nhục mình bằng gì nhỉ? A! Hắn muốn mình phải trâu cày, ngựa cưỡi trên thể xác nó. Ôi chao! Đến phát điên lên được! Một con lợn nằm chình ình trên giường, nắn chỗ này, bóp chỗ kia, chỗ nào cũng thịt là thịt. Cái bắp đùi của bà mới trắng làm sao! Cái bộ ngực của bà mới oai vệ làm sao! Một thân thể đầy thịt và trắng hồng! Mụ ta làm nhục mình? Đúng. Mụ ta làm nhục mình? Không thế, sao mình thấy ngột ngạt, bứt rứt thế? Ta đã cố quên, sao nó cứ cố tình khơi ra? Này, cái con bà Ba, gieo gió thì rồi nhận được bão đấy!''.
Một đêm gió mát, trời đầy trăng sao. Tay Chí ngồi một mình trầm tư suy nghĩ về mối hận thù. Bỗng, gió từ bốn phía ào tới nhà Bá Kiến. Ngọn đèn dầu trong phòng bà Ba tắt phụt. Sau ào ạt gió, trời tối sầm lại. Bà Ba cầm đèn mò lên phòng tay Chí xin lửa. Gió trời đủ mạnh làm cho lửa hồng từ nùn rơm cháy lên thành ngọn. Nhưng, theo thói quen, bà Ba vẫn phồng mồm lên thổi. Gió trời và gió mồm góp lại làm lửa hồng từ nùn rơm nhanh chóng cháy lên thành ngọn. Nhưng, cứ mỗi lần bà Ba đứng dậy, mặc dù đã dùng bàn tay che cổ đèn dầu Hoa Kỳ, ngọn đèn vẫn tắt phụt. Làm đi làm lại mấy lần, liếc thấy đôi mắt đang nảy lửa của tay Chí, bà thêm lúng túng. Tay Chí đi vào, đi ra, bực mình, quát lên:
- Đem cái nùn rơm xuống nhà.
Bà Ba sững người lại, liếc nhanh mắt qua tay Chí, lưng cúi xuống, tay sờ vào nùn rơm, giọng xúc động:
- Chí ơi, xuống cầm giúp cái nùn rơm về, hộ em.
Không đợi tay Chí trả lời, bà Ba rảo bước. Sau này, bị trói giật cánh tay khỉ trên cọc tử hình, bà Ba không thể nào hiểu nổi tại sao, lúc đó, bà lại ngu thế.
Bà Ba vừa bước chân vào phòng, chưa kịp khép cửa lại, thì tay Chí đã bước chân vào theo.
Tay Chí vào việc ngay:
- Không cần thắp đèn.
Nghe tay Chí nói thế, hình như chẳng có sự bất ngờ nào, bà Ba quay người lại, ngước cặp mắt long lanh, ngấn lệ, nhìn hắn, giọng nũng nịu:
- Không, tôi thích sáng cơ.
Tay Chí quát:
- Sáng, tối, cái gì? Cô có nhớ, cô tệ thế nào với tôi chứ?
Thực tình bà Ba chẳng hiểu tay Chí định ám chỉ gì, run run:
- Tệ nào?
- Quên hả? Cô quên đau đầu, đau bụng rồi hả?
- A! - Bà Ba kêu lên sung sướng - Nhớ rồi. Tôi nhớ rồi.
Tay Chí quát tiếp:
- Cởi quần ra.
Theo phản xạ tự nhiên, bà Ba đưa tay sờ vào cạp quần. Một chút lưỡng lự. Nhìn màn đêm qua cửa sổ tối om, bà yên tâm.
- Cởi ra - Tay Chí giục.
- Có phải cởi áo ra không ạ! - Bà Ba hỏi, vừa nghiêng bộ ngực oai vệ về phía tay Chí. Một tay bà đưa lên sờ vào khuy áo ngực.
- Không cần - Tay Chí bực mình quát. Lập tức tay Chí đưa bàn tay thô ráp đầy lông lá lên cổ bà, ấn mạnh. Bà Ba vội buông tay trên khuy áo ngực, ngã ngửa người xuống giường. Tay Chí cũng ngã người theo…
Khi tay Chí cầm nùn rơm trở ra, thì ngọn đèn trong phòng bà Ba vẫn chưa được thắp lên. Bầu trời, sau cơn mưa không thành, đầy mây đen nặng trĩu, chân trời phía Tây chỉ rơi rớt vài ngôi sao mờ. Có lẽ, đêm đã về sáng. Tay Chí ngáp một cái ngáp thật dài, rồi thong thả đi về phòng mình, trong tâm trạng vừa hả hê, vừa bâng khuâng, mệt mỏi. Có cái gì đang rỗng không trong lòng hắn. Tự nhiên tay Chí chợt nhận ra cảm giác tương tự này. Nó ở đâu trong hắn và từ lâu lắm rồi. Trong đời hắn, hình như cũng đã một lần được mệt mỏi, thỏa thuê như thế này. Nhưng, nó nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Cảm giác trong hắn được giải phóng tự nhiên hơn. Và cái đêm hôm đó, sao trăng sao sáng thế! Nước từ con sông Vũ Đại cứ tuần tự vỗ vào mạn bờ lép xép, ì ọp. Hình như nó cũng reo vui, cổ vũ cho hành động của hắn. Nhưng, hôm nay, trời là trời giông bão, tối om. Tay Chí thấy tâm hồn mình trống rỗng, cô đơn. Có cái gì đó khác với cảm giác ngày trước hắn đã được tận hưởng.
Đêm về sáng. Tiết cuối thu trời lạnh mà cơ thể hắn nóng ran. Mặt đất đón hụt mưa chừng như bứt rứt…
Bà Ba, sau cái đêm thần tiên đó, những nỗi lo canh cánh trong lòng như được trút vợi đi. Từ khi biết đàn ông đến nay, chưa có lần nào bà được mãn nguyện đến thế. Tay Chí quả là một người đàn ông thực sự. Dân Vũ Đại chọn anh lên làm lãnh đạo quả không nhầm. Trong tình cảm cách mạng của bà, chưa có một người đàn ông nào đẹp hơn tay Chí. Thay vì cái đầu hói lông lốc của Bá Kiến mà trước đây bà phải buộc lòng vuốt ve, chiều chuộng, là một cái đầu có mái tóc cứng như rễ tre, đen nhánh như gỗ mun. "Ôi chao! Chỉ cần xòe năm ngón tay luồn dưới làn tóc ấy cũng đủ ngây ngất lắm rồi! Nhưng anh Chí đâu chỉ có mái tóc, mà cái cơ thể rắn chắc tầm đại của anh mới thực đáng giá. Thể xác anh chạm tới đâu, chỗ đó, thể xác của mình phải cương lên phòng thủ. Còn cái sinh lực tiềm tàng bên trong của anh, có lẽ, đám đàn ông làng Vũ Đại này không ai có thể sánh được. Cái sức lực tiềm tàng đó, đàn bà đọ sức với anh, may ra chỉ có mình là chịu được. Thích thật! Ôi chao! Thích thật!".
Quả là tay Chí của chúng ta đã gieo vào sâu thẳm lòng bà Ba những ấn tượng mạnh, mà đời người con gái, bà Ba mới một lần biết tới. Như kẻ ăn dở vớ được của chua, bà Ba muốn một mình tận hưởng. Ngay cái đêm hôm đó, khi tay Chí ra khỏi nhà, trong giấc ngủ dịu dàng, hạnh phúc, bà Ba lại chập chờn mong tay Chí tới.
Nhưng, sau lần ấy, đáp lại sự nhung nhớ của bà là sự im lặng kéo dài của tay Chí. Bà không thể hiểu được vì sao lại như vậy? Những lúc đến lấy lửa nùn rơm, bà cố quan sát thật kỹ tay Chí. Tuyệt nhiên bà không nhận ra một dấu hiệu thay đổi nào của hắn. Mắt tay Chí vẫn đỏ ngầu mỗi khi gặp ánh mắt cầu khẩn của bà. Vết sẹo đỏ hoẻn trên má hắn vẫn thỉnh thoảng, bất ngờ giật giật lên. "Vẫn như ngày nào". Bà vững tin kết luận. Từ kết luận đó, bà kiên quyết hành động: Hôm thì chập tối, bà kêu đau đầu, hôm thì nửa đêm bà kêu đau lưng.
Trong đêm tối, nhà Bá Kiến chỉ có hai người, Chẳng lẽ, những con người cùng hoàn cảnh cô đơn lại không giúp đỡ nhau? Đối với tay Chí, sự thật còn cao hơn cả giúp đỡ. Cứ mỗi lần bà Ba kêu đau đầu, nhức bụng, tay Chí lại được dịp nhớ và trả vợi nỗi hận xưa. Thú vị lắm! Hai thể xác chung đụng, mỗi người theo đuổi một mục đích. Bà Ba ngây ngất trong niềm hạnh phúc gặp lại tình nhân. Còn tay Chí thì thù xưa phải quyết trả cho hết. Bởi vậy, bà Ba không thấy nhục nhã mà còn mong tay Chí đến với bà nhiều hơn nữa. Còn tay Chí, qua nhiều lần trả thù như vậy, trong bàn làm việc, người dân thường thấy hắn hay ngáp vặt.
Thông thường ở đời, được cái này, thì hỏng cái kia. Nhưng tay Chí của chúng ta có mong được tình ấy đâu? Hắn đang cố gắng trả thù lại quá khứ đấy chứ!
Thời gian cứ thế trôi chầm chậm. Một vài lần, sau cái ngáp dài, tay Chí lờ mờ nhận thấy: "Hình như bà ta thích mình trả thù như thế mãi. Nếu không, những lúc gặp mình, sao mắt bà long lanh, miệng bà nở nụ cười, má bà ửng hồng, thân thiện đến thế? Hỏng cách mạng rồi. Phải sửa sai, phải tìm cách trả thù khác thôi''. Tay Chí lại nung nấu.
Cũng cần nói thêm:
Dưới sự lãnh đạo của tay Chí, dân Vũ Đại được sống những ngày sôi nổi, hào hùng nhất. Những ai có liên quan đến đế quốc, phong kiến đều được lĩnh sự giáo dục, thỏa đáng của cách mạng. Tay Chí kiên quyết lắm! Cách mạng phải triệt để, phải truy tận gốc, trốc tận rễ. Thẳng tay đàn áp không khoan nhượng với kẻ thù là bản chất chói ngời đạo đức của tay Chí. Trong đấu tranh, một người mới mười chín tuổi, mang hận thù đế quốc, phong kiến, hai ba mươi năm, chẳng có gì sai. Tay Chí xác định: Đánh nhầm còn hơn bỏ sót. Cái nọc độc thực dân, phong kiến kinh khủng lắm! Nó chỉ còn một tí ti tàn lụi cũng có thể phát triển thành cỏ, thành rừng. Đối với dân Vũ Đại, sức cách mạng như nước cuốn, như gió lướt cỏ, mấy cái ổ dịch trong làng như ổ nhà Bá Kiến, có đáng là bao, chỉ dăm ba đòn thù là toi mạng. Chính sức mạnh đó đã giúp tay Chí trong thời gian ngắn xóa sổ những cái "đinh" thực dân, phong kiến ở làng Vũ Đại.
Nhớ lại, ngay trong lúc cách mạng còn sôi sục, như núi lửa ấy, sau khi đạt tới độ nóng cực đại, nó từ từ giảm dần; dân Vũ Đại, sau một thời gian ngưỡng mộ cái oai hùng của tay Chí, cái bản chất cách mạng triệt để của tay Chí, người ta tạm dừng lại một phút để nhận dạng lại chất cách mạng của tay Chí, thử xem tay Chí thay đổi những gì?
Khi cách mạng dừng lại một phút quan sát về tay Chí, thì tay Chí cũng nhận ra ngay làng Vũ Đại đang bàn tán về mình. Một số người dân Vũ Đại có ý kiến muốn xem xét lại bản chất cách mạng của hắn. Nhìn bà Ba Bá Kiến, dân Vũ Đại nhiều người nghi ngờ: Hình như cô ta đang có nghén? Ai là thủ phạm? Trong chính quyền có người đã tâm sự với tay Chí, nhằm dò la thực, hư. Không một ai dò được một mảy may tình cảm trìu mến nào của hắn với bà Ba. Người ta vẫn thấy hận thù của tay Chí với bà Ba ngùn ngụt. Nhưng, không phải tay Chí thì ai đã "ăn nằm" với bà Ba? Dư luận dân làng Vũ Đại cứ rộ lên, hướng mũi dùi về phía tay Chí. "Tức quá! Hừ!" - Tay Chí chửi thầm trong bụng: "Chúng mày cậy có chữ hả? Đ.mẹ. Dăm ba chữ ở cái làng quê mà nháo lên. Biết cóc gì ông râu xồm, ông đầu hói mà cứ đem ra dọa lập trường, quan điểm của thằng Chí này. Này, hai ông có đến làng Vũ Đại làm cách mạng cũng đến như tay Chí là cùng. Đừng có trông cái bề ngoài mà thưa thớt cái lòng ruột".
Có người bảo tay Chí:
- Nhưng anh phải bầy cái lòng ruột của anh ra trước bàn dân thiên hạ chứ.
- Tất nhiên. Tất nhiên - Tay Chí hầm hầm trả lời, và trán hắn cau lại. Lại bất ngờ, cái vết sẹo còn đỏ hoẻn trên má hắn lại giật lên.
Tay Chí tuyên bố tử hình bà Ba.
Khi tay Chí công bố ra với cả làng Vũ Đại thì nhiều người vỗ tay hoan hô. Bản án tử hình được thi hành ngay. Khi đoàn hành quyết vác súng ra pháp trường, thì một người thư ký chạy lại báo cáo với tay Chí:
- Báo cáo anh Chí, bây giờ bắn người phải có lệnh.
Mắt tay Chí trợn lên, tỏ rõ sự ngạc nhiên, hỏi lại:
- Cái gì?
- Dạ thưa anh, bắn người phải có lệnh ạ.
- Lệnh nào?
- Người thư ký chìa tờ lệnh cho tay Chí nhìn. Tay Chí nói:
- Ai ra lệnh?
- Dạ thưa, chính anh ạ.
- Tao đã ra lệnh?
- Nhưng anh phải ký vào lệnh ạ.
Tay Chí cười lên sằng sặc:
- À, à! Có bước tiến mới này phải không? Đưa đây. Ký vào chỗ nào?
Tay Chí cầm tờ lệnh tử hình, chẳng thèm đọc, chọc ngón tay chỏ vào lọ mực tím đã mở sẵn nắp. Rất thành thạo, rút ngón tay chỏ ra, nhằm vào chỗ người thư ký chỉ, tay Chí vẽ một con giun loằng ngoằng, dài suốt cả phần nửa dưới của bản án tử hình.
Lúc bà Ba bị bắt là lúc bà Ba đang đánh luống khoai trên ruộng nhà mình ở ngoài đồng. Lúc này, thời tiết sắp qua thu se lạnh. Bà cứ tưởng đời bà đã hết cùng với Bá Kiến, Lý Cường. Nhưng, cách mạng làng Vũ Đại đã không nhầm, bà vẫn sống tới ngày hôm nay. Cứ nghĩ đến tay Chí là lòng bà lại thắp lên niềm tin: "Anh Chí đã biết mình có chửa chưa? Bao giờ thì anh Chí cưới mình?"
Một làn gió bấc thổi mạnh, làm tung cái nón mê đang đội trên đầu bà. Một tay chống cuốc, một tay đấm đấm vào lưng, bà từ từ đứng thẳng lên. Nhìn cái nón nằm úp trong rãnh khoai, chợt nhớ tới cái bụng đang lùm lùm, bà nở nụ cười sung sướng. Bà nhẹ chân bước qua luống khoai để nhặt nón, bỗng nghe ba phát súng nổ chéo qua tai. Theo phản xạ tự nhiên, bà vội vàng nằm sấp xuống rãnh khoai. Bà mới chỉ vừa áp bụng xuống đất, bỗng nhận ra ai đó dùng đầu gối đè mạnh lên lưng, dùng hai tay bóp mạnh vào cổ. Bà chưa kịp kêu lên một tiếng đã bị giẻ rách tống vào đầy mồm. Tay bà cũng tức thời bị trói gô lại. Ngay trong lúc đó bà nghĩ: bọn cướp đã nhầm bà với một ai đó chăng? Nhưng khi đứng dậy, bà nhìn thấy ba người quen bắt mình, bà tỏ ra ngạc nhiên lắm. Bà muốn hét tướng lên một điều gì đó, nhưng không được. Cổ họng bà cứ rung lên the thé như tiếng kêu của loài khỉ. Mắt bà long lên, mở to ra như muốn hỏi: "Tại sao lại bắt tôi, hỡi ba anh du kích?". Không ai hiểu được lời bà. Họ cứ dí lê vào lưng, bắt bà tiến bước.
Đi đâu? Lúc đầu bà còn chưa hiểu. Nhưng, khi bà nhìn thấy những cái cọc đen sì ở bãi trống cuối làng, thì bà nhận ra người ta định làm gì mình. Họ sẽ bắn bà. Sợ quá! Bà nằm lăn xuống đường. Ba người dân quân đi hai bên vội xốc nách bà đứng lên, và kéo lết bà đi. Cái rút quần bị đứt, quần bà Ba tụt ra.
Sau này, ba người du kích kể lại: Khi bà Ba ngất đi, chúng tôi chỉ tập trung kéo lết bà. Chính chúng tôi cũng không biết quần bà Ba tụt ở đoạn nào.
Trước khi nhằm bắn bà Ba, có người nói với tay Chí: "Mặc cho bà Ba cái quần". Nhưng tay Chí lại kiên quyết không đồng ý. Mãi sau này, tay Chí mới giải thích: "Đơn giản thôi, tôi không đồng ý là vì chính cái đó đã suýt cắt đời cách mạng của tôi".
Hy vọng cuối cùng của bà Ba là mong tay Chí tới và cởi trói cho bà.
Đúng ba giờ chiều, mặt trời cuối thu yếu ớt ló ra. Tay Chí tiến về phía bà Ba. Đi sau hắn là dân làng Vũ Đại. Đi trước hắn là ba người hành quyết vác ba khẩu súng trường dài. Lúc này, bà Ba đã hoàn toàn tỉnh táo. Bị trói trật cánh khỉ trên cọc tử hình, mặt bà luôn cúi gằm xuống, nhưng dường như tai bà lại luôn vểnh lên, lắng nghe từng bước chân tay Chí tiến tới. Tay Chí cùng đoàn người tiến dần tới bà, cách chừng mười mét, thì dừng lại. Tai bà Ba nhận ra và mặt bà từ từ ngẩng lên. Mắt bà dán vào mặt tay Chí. Trên hai mắt bà bắt đầu ứa ra những dòng nước mắt. Hy vọng sống trào lên. Nhưng, thật không ngờ, tai bà đã nghe chính từ miệng tay Chí phát ra lệnh tử hình bà. Bà lại kêu lên: "Trời ơi! Trời đất quỷ thần ơi!". Kêu xong, bà ngất đi, và bà không còn hiểu nổi trời đất ra sao nữa!
Lệnh phát, Đội hành quyết thi hành bản án ngay.
Sau hai lần vào thế bắn, người xem không thấy bà Ba bị trúng đạn "khựng lên", mà chỉ thấy bà đưa hai bàn tay khư khư giữ cái phần bụng dưới. Hai bàn tay mềm mại, trắng muốt cố vươn dài ra, xòe rộng ra, nhưng cũng không che đủ. Người xem vẫn nhìn rõ nước da bụng trắng mịn của bà Ba qua khe hở của những ngón tay xòe. Người ta cũng không thấy máu từ ngực và bụng bà Ba phọt ra. Người ta lại thấp thỏm đợi tay Chí hô "bắn" để xem.
Nhưng cả ba lần tay Chí hô "bắn" thì cả ba lần súng chỉ xì xì phun khói ra, rồi im bặt. Thấy thế, tay Chí như điên lên, giật phắt một khẩu súng trường từ tay một người hành quyết đứng cạnh, kéo quy lát, nạp viên đạn cuối cùng vào nòng súng và nhảy vào tư thế bắn. Người ta thấy hắn kẹp khẩu súng trường vào một nách, đầu cúi gục xuống nhòm vào khe ngắm, miệng hô lớn: "bắn" và tay hắn xiết cò. Một tiếng nổ vang. Dân làng Vũ Đại sau giờ phút hồi hộp, reo ầm lên. Trong tiếng súng nổ vẫn không thấy bà Ba "khựng lên", máu từ ngực hoặc bụng bà phọt ra. Viên đạn nổ của hắn đã đi không đúng đích. Viên đạn nổ cách chân hắn đứng bắn độ vài mét, chỉ để lại một đường cày mỏng trên mặt đất. Tay Chí bị lực phản của tiếng nổ đẩy mạnh, ngã ngồi về phía sau.
Khi tay Chí lồm cồm đứng dậy, thì Đội trưởng Đội hành quyết đi tới báo cáo:
- Báo cáo anh Chí, hết đạn.
Tay Chí mắt còn trợn lên ngầu đỏ như mắt chú trâu đực vừa húc nhau rọi thẳng vào mắt người Đội trưởng. Báng súng vẫn còn kẹp trên nách, nòng súng chĩa thẳng vào người Đội trưởng Đội hành quyết. Đội trưởng Đội hành quyết bất ngờ run bắn người lên, lùi chân lại. Tay Chí không bóp cò, mà chỉ văng ra một câu vừa bậy, vừa bực tức:
- Đạn, đạn cái con củ cặc. Về hết. Cút về hết.
Lúc này trời đã xẩm tối. Gió cuối thu lạnh, trời lại lất phất mưa bay. Dân Vũ Đại theo tay Chí trở về làng. Biết bao người hy vọng ngày mai, lên cấp trên lĩnh đạn mới, lại được xem buổi hành quyết nữa.
Bà Ba bị bỏ lại một mình trên cọc tử hình với hai tay bị trói chặt. Sự im lặng, gió bấc và nước mưa lạnh đã giúp bà mau chóng nhận ra hoàn cảnh của mình. Nghĩ tới tiếng súng nổ, người bà lại run bắn lên. Xoa xoa tay trên bụng, bà chợt nhận ra mình vẫn đang còn sống, cái thai trong bụng vẫn còn sống. Bà mừng, cái chết một lần nữa lại chưa đến với mẹ con bà. Trên cọc tử hình, bà run run nghĩ tới cái chết không tránh khỏi của mình vào ngày mai, lúc mặt trời lên.
Mặt trời lên. Tay Chí, Đội hành quyết và dân Vũ Đại lại kéo nhau ra bãi pháp trường. Nhưng bà Ba đã không còn trên cọc tử hình nữa. Trong đêm mưa gió đã có ai cởi trói cho bà. Từ đó, bà Ba đi biệt tích, chưa có một lần quay lại thăm làng Vũ Đại. Có người nói bà Ba đã nhảy xuống sông Vũ Đại tự tử, cùng với cái thai trong bụng. Có người lại nói: bà đã đi ngược dòng Vũ Đại về phía thượng nguồn. Bà đi miết, mười ngày, nửa tháng đến một bản làng hẻo lánh nào đó mới dừng chân. Thấy bà đói rách, tiều tụy, một nhà cách mạng đã cưu mang bà, sau đó kết tóc xe tơ với bà. Thấy bà đẹp, lại đôn hậu, người chồng lại càng thương yêu bà. Đứa con riêng của bà mang cái họ Ma, họ Mã nào đó. Nó được ưu tiên ăn học. Và bây giờ hắn là chủ tịch một khu trên vùng cao của làng Vũ Đại. Hôm về chịu tang tay Chí, hắn chở hẳn về một con bò và mấy cái bong bóng trâu rượu. Những người đi cùng hắn, cứ gọi "Cái đồng chí chủ tịch ơi". Ít thấy hắn ta nói gì. Dân Vũ Đại chỉ nghe được mỗi câu rành rọt:
- Vũ Đại! Vũ Đại! Tao sẽ cho cả làng Vũ Đại mày say…
Người kể chuyện sử làng Vũ Đại đột ngột dừng lại, tủm tỉm cười, rồi đưa đôi mắt có đuôi dài liếc một cái thật nhanh qua mặt tôi. Cũng lại tủm tỉm, ông hỏi:
- Ông là nhà báo hả? Tôi đợi cánh các ông mỏi mòn cả cuộc đời. Bây giờ kể lại cho ông chuyện cũ, tuy còn kịp, nhưng mà muộn, rất muộn rồi. Khi cách mạng thành công, tôi với tay Chí cùng sinh một thời. Cách mạng cho tay Chí một cuộc đời oanh liệt, và cho tôi trở thành người ôm giữ lịch sử của làng. Khi miệng tôi bị khóa, cái mớ lịch sử đó cựa quậy ở trong lòng tôi mãi. Có lúc đau như xát muối, kim châm. Tay Chí đi rồi, và tôi cũng sắp đến lượt. Chỉ mong kể lại cho người tin tưởng, để rồi tôi nhắm mắt cho yên. Chuyện vĩ đại như vậy không thể thất truyền được.
Ông lại đột ngột hỏi tôi:
- Ta kể chuyện đến đâu rồi nhỉ?
- Thằng con trai bà Ba, làm chủ tịch ở vùng cao, về chịu tang cụ Chí.
- Ừ. Thế là hết chuyện bà Ba. Bây giờ ta sang chuyện tình với Thị Nở.
Trong thời gian tay Chí trả hận với bà Ba, thì Thị Nở trở dạ đẻ. Sờ lên cái bụng đang thây lẩy của cháu, bà cô Thị Nở càng thêm lo lắng. Gương tày liếp. Gương tày liếp.