Quí vị đã chia sẻ những vị ngọt ngào cùng niềm cay đắng của chàng thi sĩ, của một chuyện tình. Có một thi sĩ và một người đẹp… Có thi sĩ và một nàng thơ… Nhiều người sẽ hỏi: thi sĩ chỉ kể một chuyện tình thật chăng? Vậy còn những điều chàng viết đây có tác dụng gì trong một chuyện tình: Tôi yêu tha thiết Sự ngay thẳng tột cùng Ngay thẳng thuỷ chung Của những dòng chữ viết Phải chăng ông chỉ muốn viết về thơ? “Chỉ còn một cách, phải nấu chảy và đúc sự thật thành ngôn từ!” Hay ông muốn nói về một sự thật? Sự thật nào? Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn? … Tôi có quyền gì lên xe xuống ngựa Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường? Phải chăng một sự thật mà ông muốn nói là cảnh khổ của nhân dân và tình yêu rộng lớn của một thi sĩ? Và sự thật cay đắng như chén rượu cất bằng lá khổ sâm. Ngay trong cơn mê chất ngất tình yêu, đêm trăng ở hoàng cung thi sĩ đã thấy: Mười đầu ngón tay tôi cắn dập Viết đỏ sân Đại Triều lời di chúc “Tôi là người hạnh phúc nhất thế gian“ Thi sĩ đồng thời cũng dự cảm: Trên vực thẳm vô cùng của hạnh phúc Tôi bỗng thấy mình đang đứng quá cheo leo. Vậy đây không phải là một chuyện tình. Có lẽ thi sĩ kể chuyện tình này như là một biểu tượng. Và nếu đó là một biểu tượng thì Nàng là biểu tượng gì? Tình yêu của thi sĩ là biểu tượng gì? “Tôi yêu em. Mối tình đầu cũng là mối tình cuối của tôi. Tôi đã rứt trái tim khỏi lồng ngực dâng hiến em như một tông đồ dâng hiến mạng sống mình cho Chúa”. Một thi sĩ tôn trọng sự thật chắc không quả quyết một cuộc tình nào là mối tình đầu, hay là mối tình cuối. Mối tình duy nhất, vĩnh cửu chắc đó không phải là tình yêu cho một người. Vậy tình yêu nào đã khiến thi sĩ đem sánh với Sự thật, “Sự thật còn lớn hơn cả tình yêu, lớn hơn cả trái tim”. Chúng ta tự do bước vào thế giới, vào trái tim của thi sĩ. Mười ba chương “tiểu thuyết tình” cho chúng ta chia sẻ những ly rượu ngọt, những giọt rượu đắng cay, của cuộc tình, của cuộc đời. Mỗi người chia sẻ theo cách của mình. Chúng ta bước vào tập thơ một cách tự do, chúng ta bước ra khỏi tập thơ, nhìn lại cũng bằng tâm thức tự do. Người thích chính trị sẽ đọc bằng con mắt chính trị. Sử gia sẽ tìm thấy các chứng tích lịch sử. Và người yêu thơ sẽ đọc thơ. Nhà xuất bản cảm tạ thi sĩ Phùng Quán đã tin cẩn trao cho nhiệm vụ ấn hành cuốn sách này ở hải ngoại. Rất mong người đọc ở trong và ngoài nước chia sẻ cùng thi sĩ, với tâm thức tự do của mỗi người. Thanh Văn 1993