Chương III ( A)
III. NHÂN BẢN TÂM LINH

1. Những chặng đường dẫn tới nhân bản tâm linh
Ở chương nhất chúng ta đã bàn về Vương đạo còn chương hai nói về sự vào đời của Vương đạo. Sau khi vật lộn với các thực tế nguy nan đủ loại đã để lại một số kết quả. Ở chương này chúng ta tìm đến gốc rễ ngọn nguồn của Vương đạo, tìm đến nguyên lý căn cơ đó là nền nhân bản tâm linh. Nó là hồn Nho giáo nên sẽ là đề tài cho các cảo luận thuộc các năm chứng chỉ. Tuy nhiên ở đây cũng cần bàn qua ít điều, tất nhiên ở trình độ "dự bị" nhưng cần vì đã biết ngọn tất phải biết gốc.
Gốc rễ của Nho giáo là nền nhân bản tâm linh. Câu đó cũng có nghĩa rằng Nho giáo là một nền triết lý trung thực vì triết lý là gì nếu không là một nỗ lực tinh thần cố thoát ra khỏi tình trạng vong thân của con người; hoặc định nghĩa lối tích cực thì triết lý chính là việc thâu hồi lại quyền tự chủ của người đã bị các thế lực ngoại tại chiếm đoạt nhờ lúc người chưa ý thức được tính bản nhiên của nó. Do đó chúng ta có thể xếp loại các triết thuyết cao thấp tuỳ theo với quyền tự quyết mà nó dành lại được nhiều hay ít, và khi nào nó dành lại được trọn vẹn thì ta đặt nó lên trên hết gọi là đạt quan.
Muốn hiểu thế nào là nền nhân bản tâm linh tưởng không gì tốt hơn là duyệt qua lại những chặng đường mà tâm trạng con người đã cố gắng trải qua để đạt tới đó.
Ở đây chúng ta thực hiện sự cắt ngang một khúc lịch sử hay là làm một sự xếp loại theo tâm trạng như có thể nhận thấy trong loài người, nghĩa là ta không bảo lịch sử tiến diễn như thế theo kiểu A.Comte với thuyết tam trạng (trois états). Ở đây chỉ là nhận xét hiện trạng và phân ra có thể là sáu trạng thái tâm thức như sau:
Trạng thái thứ nhất: Bất phân
Ở tâm trạng này chưa có phân biệt phi ngã với Ngã (non moi et Moi) hay nếu có thì mới lờ mờ vừa đủ để gây nên nơi ngã các thứ sợ sệt trước những sự vật bao quanh (phi ngã) được coi như đầy quyền lực nên cũng gọi tâm trạng này là vật linh (animisme), con người trong trạng thái đó chưa có ý niệm nào thuộc tôn giáo và còn sống lẫn lộn với loài vật trong những núi hang rừng thẳm, hoàn toàn dưới sự chỉ huy của bản năng.
Trạng thái thứ hai: Bái vật
Trạng thái Bái vật kể ra đã là một bước tiến hơn trạng thái bất phân ở chỗ ngã nhận ra mình biệt lập phần nào với phi ngã. Bước tiến này tuy còn rất nhỏ vì con người mới thấy mình như một vật hèn yếu thiếu thốn, hoàn toàn lệ thuộc nên cử chỉ tự nhiên là bái vật: cầu khẩn, van xin, cúng tế. Bất cứ vật nào hễ có một thế lực: sấm chớp, sông núi, các thứ hiện tượng tự nhiên, cả đến loài vật hùm, beo, báo, rắn, giao long… tất cả đều nhận được những bái lạy van lơn của con người vẫn kể mình như sâu bỏ bò sát đất.
Tâm trạng thứ ba: Ma thuật
Ma thuật (magic) hay pháp môn thuật số là một thứ khoa học phôi thai nhưng không hướng vào vật chất làm đối tượng như ta thấy ngày nay ở vật lý mà lại hướng vào vật linh để bắt ép vật linh phải vâng theo ý của người như hô phong hoán vũ. Đấy là một bước tiến khá xa, con người không những nhận ra mình khác sự vật mà còn hé thấy rằng mình cũng có thể có ít nhiều quyền uy; nếu khéo khai thác thì việc ép một vật linh phải vâng theo ý của mình cũng có khả năng hiện thực chứ không cần nhất nhất phải ngửa tay xin xỏ. Từ đó ma thuật phù pháp hoặc thay thế cho cúng vái hoặc lưu hành song song với cầu tự v.v…
Trạng thái thứ tư: Ý hệ
Trạng thái này tiến bộ hơn ở chỗ Lý trí đã thức tỉnh và nhận ra rằng dùng ngoại giao xin xỏ vô ích đã đành, nhưng dùng phù pháp hay phương thuật để bắt buộc cũng chẳng được; lại nhận thức rằng con người cũng là một tự thể có khá nhiều giá trị có thể sống độc lập bất chấp quỷ thần, hay để cho yên chuyện hơn có thể chối tuột thần linh coi như không có. Nhưng hữu hay vô cũng nằm trên một bình diện chống đối chia ly, chưa tìm ra chỗ "hội thông" thống nhất uyên nguyên.
Cũng có người thực tế hơn thấy rằng phủ quyết không xóa bỏ được quỷ thần mà lờ đi cũng không xong, nên đặt ra những triết thuyết để giúp mình nhẫn nhục gọi là Định mệnh hay là số kiếp, hoắc túc mệnh, thiên chí v.v… trong đó con người chưa có phần đóng góp tích cực.
Trạng thái thứ năm: Tâm linh
Trạng thái này tiến bộ rất nhiều so với bốn trạng thái trên vì đã nhận thức được sự vô hiệu của các triết thuyết xây trên lý trí, đồng thời nhận ra được một tài năng siêu việt nơi con người, có khả năng giàn hòa được với Nội tâm tất cả các thế lực ngoại tại mà các thuyết trước kia hoặc phải quỳ luỵ hay chống đối hoặc lờ đi hay thụ động chấp nhận. Tất cả các trạng thái đó chỉ nắm được một khía cạnh của sự vật, nhưng không tìm sao cho ra được một đường lối thâu nạp được các mảnh sự thật ấy trong một Hòa điệu, nên được bên nọ thì mất bên kia: được tâm mất vật. Nay nhờ tìm ra được chiều kích mới này gọi là tâm linh mới có hy vọng quán thông tất cả thiên địa vạn vật vào Nhất Thể, cũng như tóm thâu những chân lý lẻ tẻ mà các giai đoạn trước chỉ thấy có một chiều, nhưng không nhận thức nổi toàn diện. Với giai đoạn năm này con người ý thức ra chiều kích tâm linh, nhưng nói nhiều mà chưa bước chân vào được phải chờ giai đoạn 6 là:
Trạng thái thứ sáu: Nhân sinh
Giai đoạn cuối cùng là Nhân sinh hay nói rộng hơn là Nhân bản tâm linh cũng ở trên bình diện tâm như trạng thái thứ năm liền trước nhưng có thể gọi là toàn diện hơn ở chỗ lấy chính con người làm bản gốc, và đồng thời hòa giải được với các thế lực ngoại tại nữa. Do đó nó có thể thiết lập được mối tình huynh đệ phổ biến có khả năng bao dung khắp mọi người xét là người, không còn biệt kẻ trị, người bị trị, kẻ Kinh người Thượng. Bao nhiêu cách biệt y cứ trên dòng máu, quý tiện, thị tộc, giai cấp, chủng tộc đều xóa mờ đi chỉ để lại có Người an nhiên như một ông vua, cầm giềng mối Thái Hoà, điều lý thiên địa vạn vật trong mối cộng thông êm ả với trời với đất. Thế là chấm dứt tình trạng vong thân của các tâm trạng trước, nhiều ít tuỳ. Trong hai trạng thái đầu sẽ gọi chung là Bái vật, con người sống như những phóng thể (être aliéné: bị bán cho tha vật) chưa được làm chủ các quyết định của mình. Sang hai trạng thái thứ 3 thứ 4 sẽ gọi chung là Ý hệ tuy con người đã nhận ra được quyền tự chủ của mình nhưng dành lại hoặc bằng pháp môn ảo vọng hoặc bằng lý trí, biện luận ý cứ trên danh từ, là những cái vốn hạn hẹp, tương đối, vì thế hoặc không đi tới đâu như các triết thuyết duy niệm (conceptualisme) duy danh (nominalisme) hoặc lẩn quẩn tháo lui trở lại như trường hợp Pyrrhus khởi đầu tranh đấu bằng triết học, lúc mãn đời lại chết với tư cách là sãi thần; hoặc như Kant rút lui về vị trí duy sùng mộ (piétisme) cam phận với lý trí thực hành của lương tri… nghĩa là biết mình vong thân mà không tìm ra lối thoát vì cho rằng không có buồm và chèo "ni rames ni voiles" (Taine).
Trạng thái thứ 5 là tâm linh bắt đầu chấm dứt các trạng thái vong thân trên bằng cách tiến vào nội tâm bao la vượt ra ngoài các cặp tương đối như có với không, thị với phi, thiện với ác, nghĩa là phá hết mọi biên giới kềm tỏa con người trong trại giam vong thân. Tuy nhiên cuộc di chuyển có lẽ vì quá triệt để quá dứt khoát nên nhiều lúc như giật lùi lại thời Đồng nhất mông muội nhãng bỏ những phân biệt cần thiết cho đời sống như trường hợp đạo giáo mà chúng ta sẽ bình luận dưới đây. Phải chờ đến những tay tổ như Khổng Tử cuộc di chuyển vào nhân bản tâm linh mới toàn diện, có ngoại nội cân đối con người mới đi đúng sinh hóa.
Đó là đại để những chặng tiến đưa đến nền nhân bản tâm linh, chúng ta cần phân ra cho dễ học, dễ nhận định. Trong thực tế nó không rõ ràng được như vậy và một triết thuyết có thể cỡi lên hai hay ba tâm trạng như trường hợp Mặc Địch vừa có tin vừa có lý trí la tập (tức là đứng trên chặng thứ hai và thứ tư). Đạo giáo trên chặng một 3 và 5, tức đồng nhất pháp môn và tâm linh; Đổng Trọng Thư trên 3 và 6 tức pháp môn và nhân sinh…
2. Cách mạng tận gốc
Biến đại để những chặng tiến như thế rồi, chúng ta thấy rõ hơn giá trị quy cho Nho giáo khi nói nó là một nền "nhân bản tâm linh" tức là có ý nói Nho giáo đã đoạt giai đoạn thứ sáu. Bây giờ chúng ta xem xét gần hơn xuyên qua ít nhiều sự kiện lịch để kiện chứng và minh họa. Trung Hoa cổ đại cũng có giai đoạn vong thân đậm đà trong đó con người phải lệ thuộc vào quỷ thần, bất cứ cái gì lớn nhỏ đều phải chạy đến cùng bái cầu khấn. Xem qua các bốc từ đời Thương Ân (mới khai quật được ở An Giang…) ta thấy quả thực tôn giáo lúc đó chỉ là một mặc cả: tế thần để thần ban cho ân huệ này nọ, lớn thì như thắng trận, nhỏ như khỏi đau bụng đau răng. Có những người đứng ra làm trung gian giữa quỷ thần và loài người. Bọn đó kêu là Vu, Nghiễn, họ cho rằng trời cũng tai oai tác phúc như người, cũng ái, ố, hỷ, nộ, ai, lạc không thiếu món chi, cần phải lo đút lót khấn vái. Suốt trong ba đời Hạ, Thương, Chu hầu như nhà nào cũng phải có Vu sử trong nhà. Đấy là thời toàn thịnh của thần thoại ma thuật, phù pháp thuộc giai đoạn 2-3.Tà áo bọn Vu, Nghiễn bay phất phới khắp nơi. Thoắt chốc bóng dáng đó rọi vào những tâm hồn đã thức tỉnh một tia sáng giúp họ nhận ra có một mối liên hệ bí mật nào đó giữa hai yếu tố thần thoại mê tín với sự hà khắc áp bức con người. Họ nhận ra rằng sở dĩ nhân phẩm con người hay bị chà đạp là tại bao nhiêu quyền định đoạt về thân phân con người không nằm trong tay nó mà lại ở cả trong tay những thế lực ngoại tại, và đó là những lý do áp bức đè nặng trĩu trên đầu cổ con người. Họ thấy những nhà cai trị khi đã đặt hết tin tưởng vào quỷ ma thì hầu như không còn sót chút tình yêu thương dành lại cho tha nhân nữa. Đó là lý do giải thích hiện tượng của những người hết sức sùng mộ với thần linh nhưng lại rất ác tâm với con người.
Khổng Tử là một trong những người đã nhận thức sâu sắc điều đó. Ông biết rằng nếu muốn tranh đấu hữu hiệu cho con người, thì phải trả lại quyền làm chủ cho người. Và thế là từ đấy ông không hề nói về quái lực loạn thần. "Tử bất ngữ quái lực loạn thần, 子 不 語 怪, 力, 亂, 神,VII.20". Vì đã nhận thức ra mối liên hệ giữa quái thần và lực loạn nghĩa là khi nhà cai trị chỉ căn cứ vào sấm vĩ, những điềm quái đản được coi như biểu thị ý muốn của quỷ thần để điều lý việc nước thì không còn chú trọng đến ý dân, do đó những việc thất nhơn tâm gia tăng chồng chất: đàn áp, bạo hành khắc phiệt và thế là đưa đến việc phản loạn.
Vì lý do đó Khổng bỏ hẳn nền tảng cũ từng đặt quyền bính trong tay Thiên tử được coi là "bậc kế thừa huyết thống Thượng Đế" và lấy việc "tu cái thân của người làm gốc làm nền để thay vào". Ông tuyên bố: "Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân: bất khả dĩ vi đạo, 道 不 遠 人, 人 之 為 道 而 遠 人, 不 可 以 為 道 " (T.D.13) và (L.N.VIII.29). Đạo không xa người, người lại làm cho đạo xa người (đi tìm cầu ở sấm vĩ, và quái đản là những cái gì ngoại tại) thì tất nhiên không còn phải là đạo nữa, không đáng làm nền móng cho văn hóa vì ít hay nhiều có chứa chất giết người. Cần phải lộn trở lại đưa văn hóa đặt hẳn sang con người: càng sâu thẳm nơi thẩm cung càng không sợ lạc mất đạo. Mà chỗ sâu thẳm nơi con người còn đâu bằng Nội tâm. Lý trí là nông vì còn có thể nhận ra dễ dàng qua ảnh hưởng những tri thức của tai mắt, đến như Tâm linh thì thật là vi tế vượt hẳn giác quan không thể sâu hơn được nữa. Và đó chính là nơi Khổng Tử nhận ra cần phải lấy làm nền móng cho đạo lý, cho văn hóa. Đó là ý câu: "thiên lý tại nhân tâm, 天 理 在 人 心" hoặc câu "doãn chấp kỳ trung", mày hãy tin thuận theo cái Trung của mày.
Đây là một cuộc cách mạng có tầm quan trọng vô biên làm đảo lộn các bậc thang giá trị đã được thiết lập do các đợt văn hóa trước từ ma thuật cho tới lý trí. Vì các nền văn hóa này còn tựa trên sự biệt lập giữa trời đất và người được coi như những thế lực đối lập, nên đi tìm Đạo ở xa ở ngoài con người nay bỗng nghe có người tuyên xưng: đạo không ở xa, không trên trời hay dưới đất mà ngay trong lòng mày. Thiên lý tại nhân tâm, chứ không tại thiên địa. Thế là ông đã tiến vượt bậc từ thần thoại lướt qua giai đoạn lý trí để tiến vào Tâm linh vậy.
Trạng thức này thật là vi ẩn, tai không thể nghe mắt không thể thấy. Bởi thế đã biết bao triết gia muốn vượt ra khỏi giai đoạn vong thân mà rồi vẫn luẩn quẩn ở trong vòng biện lý la tập. Sau cùng lại phó mình buông theo giác quan, nên chỉ thấy sai biệt đa tạp mà không khám phá ra được mối liên hệ ăn sâu bên trong, nên tri thức của triết học gia cũng y như của chúng nhân không khác, nghĩ a là chỉ thấy cái ly mạt mà không nhận ra cái đồng bản nên không giải quyết nổi cuộc phân quyền giữa tam tài và hầu hết để con người vong bổn. Vì thế không làm sao thỏa mãn được nguyện vọng sâu thẳm của con người vốn khát mong cái gì siêu việt.
3. Lý do bảo đảm khỏi tháo lui
Chính lòng khát mong đó mới là nguyện vọng sâu xa nhất trong con người mà Péguy gọi là kẻ lữ hành tìm về siêu việt thể: "l'homme ce pèlerin de l'Absolu". Chính lòng khát vọng đó mới là lý do căn để gây ra những thần thoại, ma thuật, dị đoan mà ban đầu có thể nảy sinh nhân dịp những sợ hãi trước các thế lực thiên nhiên. Nhưng những sợ hãi đó không là căn cứ chính nên khi con người đã nhờ khoa học lột trần các bí mật thiên nhiên xưa kia đã gây nên sợ hãi như sấm sét, bão chớp, cầu vòng v.v… thì óc mê tín dị đoan vẫn tiếp tục lưu hành và sống mạnh mẽ ngay trong lòng các kinh đô khoa học: New York, Paris, Londres… Nguyên nước Pháp một năm đã tiêu vào việc tướng số ma thuật lối 75 tỉ quan thì đủ biết mê tín không thể tiêu diệt bằng khoa học, bằng đả kích dựa vào lý luận… Vì thế chỉ có một lối hiệu nghiệm hơn hết là tâm linh vì nó là một chiều kích sâu thẳm nơi con người ăn thông sang cõi vô biên man mác, và chính nhờ nó mà con người có được cái phẩm giá vô song. Và chỉ khi nhận thức ra chiều kích đó thì mới không chị cho ai đặt cái chi lên trên con người, không chịu để cho con người trở thành khí cụ, phải lệ thuộc vào vật nào ngoại tại, mới tìm ra lý do tồn tại của loài người, tìm ra được ngay trong nội tâm của mình. Lúc đó sẽ nhận ra con người thật quả xứng đáng là mục tiêu tìm hiểu cũng như phụng sự mà không gây tổn thương cho nhân phẩm của nó như lúc phải gò lưng bái lạy luỵ quỳ trước thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây bồ đề.
Vì thế khẩu hiệu tri thức của Khổng Tử là "tri nhân tắc triết, 知 人 則 哲", còn khẩu lệnh bên hoạt động là "vụ dân chi nghĩa, 務 民 之 義" (VI.20) (Nhân là con người nói chung trong vũ trụ, còn Dân là con người sống trong xã hội). Tăng Tử đã tỏ ra ý thức được sứ mệnh thầy chỉ cho khi nói: sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhậm trọng nhi đạo viễn, nhân dĩ vi kỷ nhậm bất diệc trọng hồ, tử nhi hậu dĩ bất diệc viễn hồ… 士 不 可 以 不 弘 毅 , 任 重 而 道 遠 . 仁 以 為 己 任 , 不 亦 重 乎 ? 死 而 後 已 , 不 亦 遠 乎 ?, VIII.8". Kẻ sĩ phải có chí khí rộng lớn và cương nghị là vì gánh thì nặng mà đường thì xa. Nhận lấy đạo người làm gánh không phải nặng nề trọng hậu sao, và phục vụ người cho tới lúc chết mới thôi không phải xa vời sao? Sự thường người ta không ý thức nổi tầm cao trọng của con người nên chưa coi đạo nhân cao xa đủ, bởi vậy thường quay ra tìm hiểu về trời đất quỷ thần vốn chiếm chỗ cao hơn trong óc của họ, vẫn được suy tôn là thần diệu hơn người nhiều, vì thế số phục vụ cho con người trọn vẹn từ đầu đến cuối trở nên hiếm hoi so với số người phục vụ cho những thế lực khác…
Khổng Tử ý thức được tâm trạng quần chúng vẫn còn đứng núi nọ trông núi kia cao, nên phải nhân nhượng mà thêm vào một vế nữa, sau vế "vụ dân chi nghĩa" ông tiếp: với quỷ thần thì kính mà nên xa thế mới tỏ ra là người có trí tuệ, "kính quỷ thần nhi viễn chi khả vị trí hỹ, 敬 鬼 神 而 遠 之 , 可 謂 知 矣 ". Đồng thời ông duy trì lễ tế thiên và lễ gia tiên để cụ thể lòng kính quỷ thần, nhưng cũng "viễn chi" bằng cách gạt bỏ ý nghĩa bái vật để đưa nghĩa xã hội vào trong hai lễ đó. Nhờ vậy lễ gia tiên trở nên lợi khí cảm thông giữa các thế hệ đã qua và những thế hệ đang đến. Còn chữ thần cũng được đưa sang nghĩa mới chỉ thị sức "huyền vi linh diệu" chu lưu khắp trong muôn vật, có khi còn gọi là Thái Cực, có khi là Thượng Đế là Thiên và được biểu lộ bằng lễ tế thiên, một cách rất huy hoàng lộng lẫy nên dành cho đoàn thể mà Vua là đại diện giữ vai trò chủ tế; còn lễ gia tiên để cho các gia đình mà hai bố mẹ là chủ sự.
Nhờ vậy mà lòng khát vọng siêu việt thể được thỏa mãn qua các tâm trạng: bằng siêu thức nơi những người đã giác ngộ, hoặc bằng những nghi lễ bên ngoài cho các tâm thức hạng trung dĩ hạ…
Như vậy là tạm đủ đáp ứng cho nhu cầu khát mong siêu việt. Đôi khi môn đệ chưa ý thức đủ thì có thầy giải thích thêm. Ông nói "sách ẩn hành quái, hậu thế hữu thuật yên, ngô phất vi chi hỹ, 素 隱 行 怪 , 後 世 有 述 焉 , 吾 弗 為 之 矣, T.D.XI", tìm tòi những sự bí ẩn, làm những việc quái đản cho đời sau khen thì ta không làm. Sao không làm? Vì bề ngoài tưởng đâu là cao cả đáng tôn đáng quý lắm kỳ thực chính là lộn trở lại thời vong thân, không chịu đi hết con đường của nhân đạo: "phần ta cố tuân theo đạo nhân mà làm, chứ nửa đường trở lui ta không chịu làm", "quân tử tuân đạo nhi hành, bán đồ nhi phế, ngô phất năng dĩ hỹ, 君 子 遵 道 而 行 , 半 塗 而 廢 , 吾 弗 能 已 矣 T.D.XI". Vì thế ông cố tránh cho môn đệ sự rẽ ngang cả về tri lẫn hành.
Sách ẩn là về tri: ông tránh bàn những chuyện xa xôi. Tử Cống viết: Phu tử chi văn chương khả đắc nhi văn dã. Phu tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã, 夫 子 之 文 章 , 可 得 而 聞 也 ; 夫 子 之 言 性 與 天 道 , 不 可 得 而 聞 也" V.12. Về văn chương của thầy có thể được nghe nhưng các biện luận về Tính và Thiên Đạo thì không được nghe.
Nói thế không có ý bảo Khổng gảy ra ngoài những vấn đề tính thiên địa vì nó đã bao hàm trong tâm linh. Nhưng đây theo phương pháp "tuần tuần thiện dụ, 徇 徇 善 誘, IX.10" và "quân tử chi đạo thí như đăng cao tất tự ty, 君 子 之 道 辟 如 登 高 必 自 卑, T.D.15". Đạo quân tử ví với trèo núi muốn lên cao thì khởi từ thấp. Có ý chỉ thầy nhắc lên cho một góc còn ba góc, môn sinh sẽ nhắc về sau này (qua Tử Tư, Mạnh Tử, Vương Dương Minh). Nghĩa là những vấn đề Tính mệnh Thiên địa sẽ được quảng diễn qua các thế hệ về sau, hay đúng hơn đó là những điều bất khả tư nghị, nên chỉ có thể cảm nghiệm dần mà thôi.
Vì thế với những người nóng muốn nhảy cẫng như Tử Lộ, ông đã trả lời một câu làm khoái trá không biết bao nhiêu học giả: "Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ. Cảm vấn tử. Viết: Vị tri sinh yên tri tử, 季 路 問 事 鬼 神 . 子 曰 : 未 能 事 人 , 焉 能 事 鬼 ? 敢 問 死 . 曰 : 未 知 生 , 焉 知 死 ?, XI.2". Quý Lộ hỏi về quỷ thần; Khổng Tử thưa: người chưa phụng sự xong đã vội tìm hiểu phụng sự thần. Dám xin hỏi về chết? Thưa: sống chưa xong sao đã đòi biết chết.
Chưa biết người đã đòi biết quỷ. Chưa biết sống đã đòi biết chết. Khuynh hướng chung của con người là thích nghĩ đến những cái cao vọng xa xôi, tưởng như thế mới xứng đáng chí nam nhi. Kỳ thực thì "mạt chi nan hỹ, 末 之 難 矣, XIV.42", làm cái gần mới là khó, cũng như chó gần hơn quỷ nên "vẽ chó khó hơn vẽ quỷ" rất nhiều. Vì thế phải "hạ học nhi thượng đạt,下 學 而 上 達, XIV.37", học khởi đầu từ cái thấp dần dần tiến lên cao. Hãy nói những cái trước mắt đã: con người và đạo sống đây này, trờ trờ ra kia còn chưa biết được, chưa phụng sự được, đã vội bàn những chuyện bí ẩn xa xôi quỷ thần với tử vong, thiên địa với tính mệnh! "Phi cầu ích giả dã, 非 求 益 檟 也, XIV.47", không chịu tiến dần dần (ích) thì làm sao mà đạt? Chưa học tập làm trong cõi nhân sinh rõ rệt, vội đi vào cõi quỷ thần không ai kiểm soát được tha hồ tô điểm.
Hành quái là về tác động. Xin đừng hiểu chữ tâm linh trong bài là linh ứng thần hiệu, nhưng chỉ nên hiểu là linh quang, là minh đức, tức là đức tính của tâm siêu việt, tuy có thể có những quyền năng, nhưng thánh hiền chỉ coi như phó sản của tâm mà không chủ ý tìm cầu, vì nó vẫn còn ở trong vòng hiện tượng mà lại đầy sức quyến rũ để làm cho người đời sinh kiêu thái huênh hoang, rồi ngồi lỳ lại không chuyên cần tiến lên Tâm Đạo. Vì thế thường các bậc thầy hay đề phòng cảnh cáo để môn sinh tránh lánh những quyền năng ngoại lệ đó. Khổng Tử đau, Tử Lộ đề nghị cầu đảo cho thầy chóng khỏi, thầy hỏi xưa có chuyện đó chăng? Lộ nói có, như trong sách nhà Châu có chép rằng: "chúng tôi cầu với trên trời dưới đất…" Thầy trả lời: "Khâu chi đảo cửu hỹ, 丘 之 禱 久 矣, VII.34, Khâu đã cầu đảo lâu rồi! và nay chỉ còn "vụ dân chi nghĩa, 務 民 之 義" chứ đâu còn trở lại cái lối nhà Châu kiểu đó!
Đấy là đại lược cái đạo Nhân của Khổng Tử, cũng gọi là đạo Trung Thứ, tức là đạo người đối xử với người căn cứ trên chữ Tâm (cả hai nghĩa Trung Thứ đều có chữ tâm đệm dưới) vì vậy có thể nói rộng ra cho dễ hiểu hơn, là Nhân bản tâm linh nó hệ tại ở chỗ lấy con người làm đích điểm tối thượng không cho ai biến nó ra dụng cụ hoặc lấy gì để lên trên nó được. "Háo nhân giả vô dĩ thượng chi, 好 仁 者 無 以 上 之 ", người hiếu đức nhân không có lấy cái gì đặt lên trên nó. Đấy là một đạo rất vững chắc có nền tảng nhưng ít người nhận ra khi đọc Luận Ngữ vì nó chỉ được trình bày cách vụn vặt. Để cho dễ hiểu ta nên đối chiếu với ít triết thuyết đồng thời.