Chương XI
XI. Hướng vọng tương lai

1. Đại cương
Chúng ta hãy tạm ngưng lại đây để đặt một cái nhìn khái quát trên những điều đã đề cập trong năm và xác định lần cuối cùng hướng tiến của chúng ta.
Sau những bài đại cương về triết lý Nho giáo chúng ta có thể tóm vào câu sau: cái ý hướng triết lý đó hay nói theo nhan đề sách cái cửa Khổng có hai cánh là nhân bản và tâm linh. Là nhân bản nó lấy con người làm trung tâm cho mọi suy tư lo lắng. Nó bàn về những chuyện thiết yếu đến tự do, nhân phẩm và hạnh phúc con người xét nguyên về phương diện là người. Là tâm linh nó không tự giam hẳn mình trong những phạm trù hữu hình, nhưng luôn luôn vươn tới nguồn sống mênh mông phổ biến đang ngầm chảy trong vũ trụ mà làm mối quán thông mọi tư tưởng thâm sâu nhất của triết lý Đông phương và tuỳ phương diện nó sẽ đội những tên là Tâm linh, là Tính lý đại đồng, hoặc Thiên mệnh hay là Thái cực sẽ đề cập trong phần chứng chỉ. Nhưng ở đây chúng ta hãy nhấn mạnh tính chất vô biên phổ biến của nó, nó vượt không thời gian: vô cổ vô kim, không Đông không Tây nên là đối tượng chính xác nhất của những suy tư triết lý và lẽ ra phải là mục phiêu cho hết mọi nền triết lý chính tông vì đó là căn bản của triết lý vĩnh cửu. Vì thế có cổ mà không có cỗi (vieux et non vieillis). Hoặc áp dụng vào Khổng câu Péguy nói về Homère rằng: vẫn còn mới cho tới buổi sáng nay, cũng như không gì cũ kỹ bằng tờ nhật báo hôm nay, Homère est nouveau ce matin et rien n'est plus peut-être aussi vieux que le journal d'aujourd'hui. Tuy nhiên đứng trong phạm vi chính trị luân lý thì những hình thức thực hiện của một thời tất nhiên phải cùng với thời gian đó tàn lụi, bổn phận của triết gia là phải biết gỡ lấy những yếu tố vĩnh cửu ra khỏi những giải pháp nhất thời: xuyên qua chế độ phong kiến của nhà Chu hiện nay đã được chôn táng xong hẳn, triết gia phải biết nhận ra được cái hồn Vương đạo, cái mà ngày nay ta có thể gọi là tinh thần dân chủ bao gồm ý hướng giải phóng con người khỏi những áp bức vô hình cũng như trứ hình. Ta bảo triết lý Nho giáo có tinh thần dân chủ vì có những tang chứng tranh đấu chống lại thế lực của thần thoại, của dị đoan mê tín, cũng như chống lại những áp bức chuyên chế của những nhà cầm quyền và ghi lại được một số thành tích cụ thể biểu dương tinh thần dân chủ như chế độ thi cử để tuyển hiền tài, chức gián quan và tinh thần tự trị của các xã thôn (phép vua thua lệ làng). Nhờ đó mà triết Nho không phải là nệ cổ, hơn thế nữa có những phương pháp đáp ứng những nguyện vọng của sâu thẳm của con người thời đại đang được nền triết Hiện sinh chính tông phát kiến, như đã được trình bày trong bài ý nghĩa lễ gia quan, một bài chứng minh lòng tôn trọng của Khổng đối với óc tự chủ của mỗi cá nhân, mà ông cố tìm lối phát huy những khả năng sâu thẳm, những khả năng vượt mức lý trí thông thường, mất hút vào miền tiềm thức của cảm thông. Vì thế ngoài lối giáo dục bằng lời nói bằng sách vở ông dùng cả những lối vô ngôn ẩn ngữ của nghệ thuật, của hành vi, tức là lễ, nhạc, thi, ca, cầm, kỳ, hội, họa… như được bàn trong hai bài "công cụ giáo dục". Những bài đó nói lên tính chất toàn diện của nền nhân bản được đề cập ở nho triết, một triết lý không đóng khung trong lý niệm nhưng bao hàm tất cả các khía cạnh của đời sống con người đa kích: từ luân lý chính trị, đến thẩm mỹ du hý, tới chỗ huyền nhiệm vô ngôn nghĩa là những chiều hướng mà triết học hiện sinh mới chỉ biết khởi đầu đề cao.
Vì vậy ta có thể nói triết nho là một đạo lý tinh thần, luôn luôn bênh vực tự do và nhân phẩm con người. Và cũng giống những nền nhân bản chân chính khác nó đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, những tranh đấu mà ta cũng nên ôn lại để nhìn về xa.
2. Thăng trầm
Cuộc thử thách đầu tiên gắn liền với tên của Tần Thuỷ Hoàng, một ông vua tôn thờ thuyết Hình pháp của Lý Tư, của Hàn Phi Tử và chuyên môn dùng võ lực không ngần ngại đi đến giải pháp tàn khốc: đốt sách chôn nho. Hán Cao Tổ là người nối tiếp giai đoạn này khi mới thu phục được nước Tàu sùng phụng Lão giáo thường đái lên mũ các nho gia để tỏ lòng khinh bỉ.
Cuộc thử thách thứ hai có thể lấy quân Mông Cổ làm đại biểu. Họ tượng trưng cho sức mạnh du mục vật chất từ phía Tây Bắc tràn vào, họ chà đạp mọi giá trị tinh thần văn hóa nông nghiệp Đông Nam. Họ chia dân trong nước ra làm mười bậc thì gạt nho sĩ xuống hàng thứ chín, nghĩa là bên dưới cả gái điếm, chỉ trên được có ăn mày. (1. Quan, đều là người Mông, 2. Lại, 3. Sư, 4. Đạo sĩ, 5. Y sĩ, 6. Công nghệ, 7. Thợ, 8. Con hát, 9. Nho sĩ, 10. Ăn mày. Chú ý Sư đứng hàng thứ ba, Đạo sĩ hạng 4 biểu lộ chiều hướng Mông Cổ)
Giai đoạn thứ ba là thời đại hiện tại với khoa học kỹ thuật vươn lên như vũ bão quật ngã hết mọi nền văn hóa cổ xưa kể cả của Âu Châu nơi phát xuất các cao trào khoa học tân tiến. Dĩ nhiên Nho học cũng bị tàn rụi. Phái tân học được đào tạo trong những trường Âu Mỹ đã không ngần ngại tuyên bố "Khổng khưu nghiết phẩn chi học", cái học Khổng khưu là cái học ăn cứt. Hiện trào lưu hạ bệ Khổng vẫn còn đang thắng thế ở các xã hội Viễn Đông.
Hai lần trước sau khi bị hạ bện, Nho giáo đã phục sinh: sau Tần Thuỷ Hoàng là Hán nho, sau Mông Cổ là Minh nho. Chúng ta hỏi, sau lần thứ ba này sẽ có một cuộc phục hồi như hai lần trước nữa chăng? Đó là việc của tương lai.
Nhưng ta có thể dự kiến một hai điều như sau. Nếu nói đến phục hồi y nguyên như hai lần trước thì nhất định không có được nữa và cũng không nên có, vì đời sống đã biến đổi tận gốc: những thể chế căn bản cũ (quân chủ, lễ giáo) đã không còn hợp thời… Vì thế mà sẽ không còn một cuộc phục hưng Nho giáo như kiểu Hán nho và Minh nho.
Tuy nhiên nếu nói về Nho giáo đã lột xác nghĩa là Nho giáo ở đợt tinh thần, trế hiện tại, điều đó đã rõ rồi. Nhưng duy kim lại không kể gì tới dĩ vãng cũng là một thực tại mà tâm lý "các miền sâu" đã chứng tỏ cái hiệu lực quyết định của nó khi gọi nó bằng những danh từ "tiềm thức, vô thức những huân tập do thuỷ thổ, giáo dục di sản" v.v… Muốn phớt tỉnh dĩ vãng là đi ngược khoa học vậy. Làm thế nào để hòa giải hai hạn từ vốn mâu thuẫn này vì cổ không đi được với kim cũng như kim chống lại cổ.
Thưa chỉ có cách giải quyết ổn thỏa nhất là vượt lên trên kim cổ. Đó là đường lối Khổng Tử đã áp dụng. Ông nói: Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ, 溫 故 而 知 新, 可 以 為 師 矣, II.11". Ôn lại, khảo cứu lại những truyện xưa hầu khám phá ra được những điều áp dụng cho hợp thời mới đó mới là cách học đáng mặt làm thầy. "Ngoại giả tôn cổ chỉ biết cổ, thì không làm thầy, không làm chủ được cái môn học, nhưng là làm nô dịch. Nô dịch cho cái cổ hay nô dịch cho cái kim: cả hai đều làm tôi mọi hết trọi". Đó là điều các triết gia mới đang khởi đầu nhận ra. Cả những người đại phá phách như Nietzsche mà người ta quen gọi là le négateur cũng đã nhận ra giá trị của cái cổ. Ta hãy nghe ít lời của ông. Thí dụ: phải công bằng với dĩ vãng. Phải ham mê học hiểu nó cho tới thâm sâu. Zarathoustra không muốn mất chút chi của dĩ vãng nhân loại hết. Người muốn cho cả vào lò nấu "ấp ủ dĩ vãng để đẻ ra tương lai, đó phải là hiện tại của tôi".
"Être juste envers le passé. Vouloir connaitre à fond en toute affection (V.P. 325. Zara), ne veut rien perdre du passé de l'humanité. Il veut tout jeter dans la coulée. (Zara. 224). Féconder le passé et enfanter l'avenir, que tel soit son présent" V.P.508.
Và đây là đường lối của ông khi dở những chồng sách cũ: Il ne s'agit jamais de répéter des connaissances historiquement puisées dans un monde mort mais de faire surgir des symboles òu s'incarne notre pensée actuelle.
Il s'agit des timuler l'activité d'ésprit régulièrement progressive òu la vision de l'avenir s'elabore par une création spontanée de la liberté (Andler II).
"Học cổ không phải để lặp lại những dữ kiện lịch sử lấy ra ở một thế giới đã chết, nhưng là làm nảy ra những biểu tượng có khả năng hiện thực được lý tưởng ngày nay của chúng ta. Học cổ là cốt để kích thích lý trí tiến lên đều đặn mong suy diễn ra một viễn ảnh cho tương lai do một sức tạo dựng linh hoạt tự do". Đó thật là một câu giải nghĩa chữ "Ôn Cố nhi tri tân": học cổ để tạo dựng ra mới. Nietzsche đã học cổ và đã tạo dựng ra một người mẫu là Zarathoustra. Khổng Tử cũng đã học cổ và đã tạo dựng ra một Nghiêu một Thuấn, một Vũ một Văn để mặc cho triết lý của ông những mô thức cụ thể và linh động. Đó là cách ôn cố đáng mặt thầy.
Nhờ ông ôn cố mà một di sản tinh thần vĩ đại đã được duy trì. Nhờ tri tân mà ông đã trở thành "một tiên tri cho hậu thế" tiền hô tinh thần dân chủ và nhân đó đã ghi trên đời sống tinh thần của các dân tộc Viễn Đông một nét sâu đậm ăn vào tiềm thức chúng ta. Do đó những người muốn xây dựng cho dân nước một nền văn hóa ăn nhịp với chiều tiềm thức dân tộc không thể không kể đến Nho giáo.
_______________________
(°)Trong bản dịch Tứ Thư Tập Chú của Nguyễn Đức Lân (NXBVHTT -1998) tr.168-169 viết là: “Thượng luật thiên thời, hạ tập thuỷ thổ; 上 律 天 時 , 下 襲 水 土.” (tập = noi theo,Trương Củng chú thích)