1. Lập ư lễ Nếu Kinh Thi là tay mặt thì Kinh Lễ là tay trái được Khổng Tử dùng trong việc tô tạo điêu luyện con người lý tưởng. Do đó Kinh Lễ là dấu đặc sắc thứ hai của nền văn minh Đông Á. Không phải nơi khác không có lễ, cũng không có thi, nhưng ở đây có sự khác biệt ở chỗ chúng được nâng lên hàng Kinh và được trao cho một vai trò tối quan trọng là đổ khuôn nền minh triết hãy còn quá trừu tượng qua Thi và Nhạc. Đối với chúng ta ngày nay nói đến Lễ tức là nói đến cái gì gò bó, câu thúc, giả tạo, cổ hủ… Tất cả những hình dung từ trên đều có phần đúng là bởi chúng ta được chứng kiến một thứ lễ ở thời Mãn Châu đã mất cái tinh thần chỉ còn lại toàn là bì phu hình thức đã đánh mất cái chất chân thành; bởi cái lễ đó đã được quy định mãi từ đời Hán, một đời sùng thượng lễ nghi quá mức, rồi trải qua các đời sau càng ngày càng thêm chi ly phiền phức chỉ còn có nghi mà hết lễ, nên dễ bị khinh thường. Đó là một thái cực. Đàng khác chúng ta đang ở thời đại cá nhân lãng mạn. Chủ nghĩa đó càng lớn mạnh thì lời buộc tội càng gắt gao. Lễ bị coi là kẻ tử thù giết chết tự do con người, làm tê liệt mọi sáng kiến cá nhân, khiến cho xã hội Viễn Đông vì lễ mà bị nằm ù lỳ trong ứ đọng, chậm tiến. Vì đó thế hệ trước cố giũ bỏ để cho thế hệ này được hưởng tự do. Tự do đến đâu chưa biết nhưng chỉ thấy than vì nạn cao bồi. Bởi đó cũng lại là một thái quá nữa vì một đàng cá nhân lãng mạn chưa phải là lý tưởng hoàn bị và hiện chúng ta đang phải đi tìm một chủ thuyết bớt tính cách cá nhân và giàu chất công thể hơn (communautaire). Đàng khác chưa đủ lý do đổ trút cho lễ sự chậm tiến của Á Châu, vì Nho giáo cũng có những thời phục hưng, như thời Đổng Trọng Thư, thời Vương Sung, rồi Trình Tử, Vương Dương Minh v.v… và tại sao Âu Châu không có lễ cũng vẫn nằm ù lỳ suốt mấy mươi thế kỷ không nhúc nhích được bước nào? Do vậy cần gạt những cái quá đáng của hai lập trường trên để bình tâm xét lại những lý do biện hộ cho Lễ. 2. Lý do sư phạm Hãy nói đến cái lý ngoại tại thuộc phạm vi sư phạm trước nhất. Theo quan điểm này thì Lễ là lợi khí tốt nhất để cụ thể hóa lời giáo huấn. Lời nói dẫu tài khéo đến mấy vẫn còn trừu tượng, không thể nào hiệu lực bằng gương thiết thực kèm theo. Dạy phép lịch sự xã giao hay bất cứ cái gì mà diễn ngay ra bằng những cử chỉ đánh vào thị giác thì công hiệu hơn nhiều. "Lễ vân lễ vân, quý tuyệt ác ư vị manh, như khởi kính ư vi diệu. Sử dân nhật tỷ thiện viễn tội nhi bất tự tri dã, 禮 云 禮 云, 貴 絕 惡 未 於 萌, 如 起 敬 於 微 妙. 使 民 日 徙 善 遠 罪 而 不 自 知 也" (Lễ sát). "Ôi Lễ! Cái quý của nó là ở chỗ tuyệt điều ác ngay khi chưa nảy mầm, là vun tưới lòng kính cẩn ở những chỗ rất tinh tế, khiến dân ngày ngày đi theo chiều tốt lành, tránh xa tội lỗi mà không hay biết vậy". Ngày nay những trường hợp sư phạm của một Montessori, một Dewey đang cố cụ thể hóa nên giáo dục, cũng là gắng sức đáp ứng nhu cầu đó, kể cả lối giáo dục bằng phim ảnh cũng chỉ là mới mẻ trong kỹ thuật khoa học, nhưng về chủ đích vẫn là một. Đạo Nho là một triết lý hành vi, nên tất nhiên phải coi trọng Lễ… bởi trong một trămg người vị tất đã có được một hai làm việc vì suy tư, vì lý lẽ, nhưng hầu hết làm vì cảm tình vì theo những cái gì cụ thể đập vào mắt. Do đó lòng yêu lễ của Khổng chứng tỏ ông là một nhà giáo dục sành tâm lý con người. 3. Tâm lý Sau lẽ giáo khoa đến lẽ tâm lý. Lấy tâm lý mà xét lòng người thì thấy tình dục ví như cỏ dại mọc lên lan tỏa cần phải dùng lễ làm như cày bừa. "Nhơn tình giả, thánh vương chi điền dã tu lễ dĩ canh chi, 人 情 者. 圣 王 之 田 也. 修 禮 以 耕 之, Lễ vận IV.7 (12)", tức là tiết chế tình dục vậy. Tại sao lại phải tiết chế? Tuân Tử trả lời: "người ta sinh ra là có dục. Dục mà không được thỏa mãn thì không thể không cầu, cầu mà không giới hạn độ lượng thì không thể không tranh chấp. Tranh chấp thì loạn, loạn thì khốn cùng. Tiên Vương ghét loạn nên chế ra lễ nghĩa để phân định, để nuôi dưỡng cái dục của dân, đáp ứng nhu cầu của người ta" (Lễ luận). Đó là điều thiết yếu cho thời đại này, đến nỗi những người như Nietzsche mà cũng cảm thấy sự cần phải tiết chế, ông viết: "Ce qui manque somme toute à notre humanité présente, c'est le dressage et la sévère discipline" (V.P. 55). "Tóm lại điều thiết yếu nhất cho nhân loại hiện đại là sự áp tập và một kỷ luật nghiêm khắc". Trong quyển Par delà le bien et la mal, ông nói: "Điều căn bản trên trời cũng như dưới đất là vâng theo lâu ngày trong một chiều hướng. Vì có lâu dài như thế nó mới nảy ra, và vẫn còn nảy ra được những giá trị làm cho đời sống đáng sống trên mặt đất này, thí dụ nhân đức, nghệ thuật, ca nhạc, vũ điệu, lý sự, tinh thần, nghĩa là cái gì làm cho biến thái, làm cho trở nên thanh tao, mê linh, siêu linh. "La chose principale au ciel sur la terre c'est d'obéir longtemps et dans une même direction. A la longue, il résultait et il en résulte encore quelque chose pourquoi il vaut la peine de vivre sur la terre par ex la vertu, l'art, la musique, la danse, la raison, l'esprit, quelque chose qui transfigure. Quelque chose de raffiné, de fou et de divin." (143). Lời của Nietzsche đáng cho ta suy nghĩ, vì ông là một người có tiếng phá đổ mà vẫn tuyên bố như trên. Tuy nhiên ông mới nhận ra sự quan trọng, nhưng chưa đưa ra phương pháp nào khả dĩ so với Lễ mà Nho giáo đã dùng để trác luyện đoàn người Viễn Đông một cách có hiệu quả. Kinh Lễ nói: "Lễ khí, thị cố đại bị, đại bị thịnh đức, chữ hán": les règles servent à former les hommes. Elles le conduissent à la plus grande perfection. La plus grande perfection c'est la vertu à son plus haut degré. Một điểm khác đáng lưu ý đó là đức Hằng trong Nho giáo được nhắc đến luôn luôn dưới đủ mọi hình thức. "Vô Hằng bất khả dĩ tác vu y, 無 恆 不 可 以 作 巫 醫, VIII.22", việc nhỏ như Vu và Y thiếu đức Hằng còn không làm được, phương chi Đạo quân tử. Câu nói sau đây của Nietzsche giúp ta hiểu lý do tại sao Nho giáo lại nhấn mạnh đến đức Hằng. "Ce n'est pas la force de sentiments qui fait les hommes supérieurs, mais leur durée. (Par dela le Bien et le Mal, p.72) "Không phải tình cảm mãnh liệt làm nên đại nhân, nhưng là sự lâu bền của những tình cảm đó". Can đảm một lúc không khó, nhưng can đảm lâu dài, đi theo một chiều hướng mãi mãi, đó mới là chuyện hiếm. Có lẽ vì Khổng đã sớm nhìn thấy sự cần thiết như Nietzsche, nên ông dùng lễ để đào luyện người và nhờ theo con đường đó lâu ngày mà các dân tộc bên Viễn Đông có được một số đức tính đáng trọng như ôn hòa, điềm tĩnh, mực thước là những đức tính làm cao quý nhân phẩm và nhân cách của tiên tổ chúng ta. 4. Khi người sống với người Dầu sao thì bài học Lễ đã được môn đệ chấp nhận mau hơn bài học Thi và do đó họ còn đi quá trớn đến chỗ "thượng lễ" và đặt lễ lên trên hàng đầu như người ta quen nghe "tiên học lễ hậu học văn, 先 學 禮 后 學 文". Đó là do môn đệ về sau đặt ngược thứ tự lễ trên tình, chứ như trong Luận ngữ ta thấy Lễ đến sau: Tử dĩ tứ giáo, văn, hạnh (tức lễ), trung tín, 子 以 四 教 文, 行, 忠, 信" (VII.14) hay câu "bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ,博 我 以 文, 約 我 以 禮" (VII. 17, IX.10). Và trước phải trung tín sau mới đến Lễ: Lễ hậu hồ, 禮 后 乎 (III.8). Lễ đến sau nghĩa là phải hưng ư thi cho tình lớn mạnh đã rồi mới tiết chế sau. Chưa hưng mà tiết ngay thì lấy chi mà tiết? Đàng khác luôn luôn nhắc đến chữ "Ninh kiệm, Ninh thích, 寧 儉 寧 戚, III.4", về lễ nên có điều độ tiết chế: quý cái chân tình hơn khoa trương hình thức. Chẳng qua tại môn đệ trí lự không đủ quảng khoát, nên quá nhấn mạnh lễ, thành ra lối giáo dục về sau mới mất dần tính chất tích cực linh động, sa vào những quá đáng gây nên việc phản đối của một Mặc Địch chủ trương ngược lại "phi lễ" hay một Lão Trang khinh bỉ lễ và chỉ muốn cho con người được hoàn toàn giải phóng không phải cái gì ước thúc cả. Thực ra lối sống tiêu dao du đó đầy sức cám dỗ, ai mà chẳng thèm khát? Nhưng phi trên núi rừng thênh thang không thể hiện thực được trong đời sống xã hội chen chúc. Khổng đã quan niệm con người gắn liền với xã hội thì nhất định phải có ước thúc gò bó, không tránh sao được: Không lối này thì lối khác, điều kiện tiên quyết duy trì tự do là phải hạn chế tự do. Càng những người chủ trương buông thả lại càng gần những ông chúa trùm chuyên chế độc tài như lịch sử đã hiến cho ta không thiếu gương tích. Giữa hai thái cực hoàn toàn tự do giải phóng của Lão Trang và hình luật chuyên chế của Hàn Phi Tử thì ở giữa có chế độ Lễ trị của Nho. Dùng đến hình luật chỉ là việc bất đắc dĩ bởi nó từ ngoài tròng vào con người, nó hạn chế cái phần tự động tự chủ của con người, nên bớt được đến đâu hay đến đó, tuỳ hoàn cảnh và thời thế, còn chính lý tưởng phải là dùng lễ trị vì nó hợp với bản tính tự do con người, nó duy trì được cái nghệ thuật sống, và lối sống của người với người, tức là tính chất hỗ tương hợp tác: phần tự động ở Lễ trị vượt xa trên phần thụ động tùng phục ở pháp hình. Vì thế lễ cũng gọi là Cư: tức là bữa ăn góp, trong đó ai cũng đóng góp và cũng dự hưởng. Chu lễ kỳ do cự dư, chữ hán, Lễ VIII.5. Chỉ có lối lễ trị là hợp cho quan điểm nhân bản tâm linh theo đó không được đặt cái gì lên trên con người như pháp với hình mà một chủ nghĩa tự do quá trớn sẽ là căn nguyên đưa lại. Cho nên chống phi lệ cũng chính là chống pháp hình vậy. Đàng khác vì Lễ giàu chất tự động nên gây ảnh hưởng sâu xa hơn luật. Luật chỉ mới khiến tránh phạm lỗi bên ngoài, lễ mới đi thấu vào nội tâm, gây nên tinh thần tự trọng rất lợi cho sự nảy nở nhân cách (hữu sỉ thả cách, 有 恥 且 格, có óc tự trọng mới giàu nhân cách). Pháp hình nhằm việc đã qua, Lễ mới chú trọng đến việc chưa tới. "Lễ giả cảm ư đương nhiên chi tiền, pháp giả cảm ư dĩ nhiên chi hậu, 禮 者 感 於 當 然 之 前, 法 者 感 於 以 然 之 後, Lễ Sát" Với luật người ta mới gây nên cảnh đồng nhất, một lối kết hợp chung cho các con vật, cả loài vô tri: một đoàn cừu, một đống đá đều là đồng nhất, nghĩa là y như nhau từ ngoài bắt phải tuân theo như thế chứ nội tâm không đóng góp gì. Chỉ với Lễ mới gây nên được thống nhất nghĩa là chấp nhận tự bên trong nên vẫn còn duy trì được cá tính và tư cách là những cái bên ngoài phải biến mất trong đồng nhất nhưng được duy trì trong thống nhất. Vì thế đứng ở phương diện triết lý thì nên chú trọng lễ trị, vì đó là phần phổ biến ví với hiến pháp, còn phần hình luật nên để cho cơ quan lập pháp có nhiệm vụ tìm ra tỷ lệ pháp hình tương hợp với nhu cầu từng giai đoạn: thời bình thì lễ thắng pháp, thời loạn thì tạm để pháp trổi hơn.