− SU À... SU À! Đang ngủ gà ngù gật với quyển vở trên tay, Khuê Tâm giật mình vì kiểu gọi giật ngược của ông. Vứt quyển vở xuống chiếu, Tâm mím môi làm thinh. Nửa tiếc giấc ngủ trưa chập chờn đầy mộng mị, nửa giận hờn vô cớ ông bố, Khuê Tâm vờ như không nghe chất giọng như xé tai của ông. − Su! Mày chết rồi hả con? Mau xuống đây. Đừng có giả điếc nữa. Uể oải, Khuê Tâm bước từng bước xuống cái thang gỗ để rời căn gác lửng nóng như cái lò nướng bánh. Chân vừa chạm đất, Khuê Tâm đã thấy ông đứng chống nạnh ngay ngưỡng cửa bếp. Lừ lừ mặt nhìn cô, ông đay nghiến: − Mày ngủ gì dữ vậy? Hư vừa thôi! Khuê Tâm cộc lốc: − Con học bài chứ không ngủ. Ông khoát tay: − Dẹp cha chuyện học hành ấy đi cho tao nhờ. Dằn mạnh tờ giấy bạc một trăm ngàn lên bàn, ông bảo: − Ra quán mụ Tâm mua bốn lon bia, một bịch chả giò rồi cá viên chiên về đây cho tao. Tiền dư ba cho mày... Khuê Tâm chưa kịp thắc mắc: 'Tiền ở đâu ba có', ông đã nói tiếp: − Phải ăn mừng mày vừa có công ăn việc làm. Tâm thảng thốt: − Con có việc làm gì? Ông ậm ự: − Ông Bài đã đồng ý nhận con vào nhà hàng. Mày sẽ làm việc cho ổng bắt đầu từ ngày mai. Khuê Tâm ré lên: − Con không chịu làm nhà hàng đâu. Ông tỉnh bơ: − Tiền lương tháng này tao đã nhận rồi. Mày không chịu cũng không được. Khuê Tâm tức run lên: − Ba nhận tiền của ổng, không mắc mớ gì tới con. − Vậy sao? Không mắc mớ thì biến ngay khỏi nhà tao. Hừ! Công tao lao tâm lao lực nuôi mày khôn lớn để bây giờ được nghe những lời vô hậu như vậy hả? Tâm làm thinh nhìn gương mặt đỏ bừng của ông rồi lẳng lặng cầm tờ giấy bạc lên. Dắt cái xe đạp cũ xì ra, Tâm cắm đầu đạp giữa trời nắng chan chan. Ai biểu cô là con của ông làm chi. Thôi thì phận làm con phải cố tròn chữ hiếu. Mắt rưng rưng, đầu trống rỗng, Khuê Tâm thấy mình khốn khổ quá mức. Cô nấc lên trong nỗi nghẹn. Ngay lúc đó, Tâm nghe có nhiều tiếng reo hò rồi một cái gì rất mạnh đập thẳng vào mặt mình khiến cô tối tăm mắt mũi ngã nhào xuống đường. Hồn vía lên mây, Khuê Tâm lồm cồm bò dậy. Cô mếu máo nhận ra mình vừa... ăn nguyên một quả bóng vào mặt mạnh đến mức nổ đom đóm tùm lum. Vừa gượng đứng lên, Khuê Tâm đã loạng choạng ngồi xuống vì choáng. Tiếng đứa nhóc nào đó la lên: − A... chị Su bị lỗ mũi ăn trầu. Máu me tùm lùm ghê quá! Rồi giọng đứa khác hớt hải: − Mau về kêu ông Tư đờn ra cứu chỉ đi tụi bây. Khuê Tâm vội đưa tay quẹt mũi và hu hu khóc vì thấy máu. Đứa nào đó còn kêu to khủng khiếp: − Á! Gãy hết hàng tiền đạo rồi. Đã vậy môi còn sưng phù lên nữa kìa. Công nhận cú đá của anh Thuỵ còn hơn cú Roberto Carlos nữa. Khuê Tâm bủn rủn tay chân, cô vội phun máu trong miệng ra rồi lom khom tìm nhưng không thấy cái răng nào cả. Vừa lúc đó Khuê Tâm nghe một giọng con trai đầy bối rối: − Xin lỗi... tôi... tôi không hề cố ý. Khuê Tâm ngẩng lên, mắt nhoè nhoẹt, cô không nhìn rõ mặt kẻ vừa xin lỗi mình... Cô vừa đau vừa thất kinh hồn vía nên bỗng dưng buột miệng hỏi một câu hết sức ngớ ngẩn: − Răn...g... răng của tôi rụng hết rồi hả? Gã con trai ỡm ờ: − Hình như là vậy. Chậc! Tôi rất tiếc. Khuê Tâm tái người, cô bụm miệng ré lên: − Không biết! Anh làm sao thì làm đi. Ôi, đau quá. Gã con trai quýnh quáng: − Trời ơi! Tôi đùa mà... Răng em vẫn còn đầy miệng kia kìa. Nghe thế, Khuê Tâm liền nhe răng: − Hừm! Đồ độc ác, dã man. Làm người ta bị như vầy còn đùa được à? Quắc mắt lên, Tâm cố nhìn thật kỹ gã con trai đối diện, nhưng Tâm không thấy gì ngoài khoảng tối từ đâu sập tới. Cô chống tay vào hư không và ngã chúi về phía trước. Văng vẳng bên tai Khuê Tâm nghe giọng ba mình: − Su... Su... Nhưng Khuê Tâm không trả lời ông được. Cô như chìm vào cõi mơ hồ nào đó. Khi tỉnh dậy, Khuê Tâm đã thấy mình nằm trên cái ghế bố trong phòng khách ở nhà. Vẫn giọng ba cô, nhưng lúc này ông không gọi tên Su mà đang gay gắt quát tháo. Như một phản xạ, Tâm bật ngồi dậy. Ông nạt: − Nằm xuống! Mày muốn chết sao mà ngồi dậy hả con? Khuê Tâm riu ríu nằm xuống. Cô nghe ba mình nói rành rọt từng câu, từng chữ. − Chú em cứ tính đi. Con bé... ăn nguyên trái banh vào đầu, nếu không chấn thương sọ não cũng chấn thương hàm mặt, gẫy mũi, dập môi. Hừ! Vậy thì còn gì là dung nhan con gái. Cái giọng con trai vang lên: − Thật tình cháu không hề cố ý. Ông gằn: − Xì! Chú em dám cố ý sao? Nhưng vô tình đâu có nghĩa là không có lỗi. Đó! Rõ ràng hậu quả sự vô ý của chú em. Con gái tôi lãnh hết ráo. Giờ chú tính sao thì tính tôi nghe thử coi. Khuê Tâm nuốt nước bọt với tất cả xốn xang khó chịu. Ba cô đang giở trò ăn vạ hộ cô. Ông định làm khó dễ người ta để kiếm chác. Ông thừa khả năng làm điều đáng xấu hổ đó. Tâm nhổm dậy: − Con... Ông quát: − Nằm xuống. Không lại chảy máu mũi nữa cho mà xem. Khuê Tâm chưa kịp nói gì tiếp, ông đã bước tới ghế bố ấn đầu bắt cô nằm xuống. Giọng ông xót xa rất kịch: − Mặt mày con bé to như cái mâm. Thế có chết người ta không chớ. Khuê Tâm hốt hoảng khi nghe như vậy. Cô chỉ muốn chạy ra sau bếp soi vào gương nhưng không dám. Gã con trai nhỏ nhẹ: − Cháu... cháu thành thật xin lỗi em Su. Ông cười nhạt rồi gằn từng tiếng: − Xin lỗi thì ăn nhằm... con mẹ gì. Phải biết điều một chút chứ. Gã con trai xoa hai tay vào nhau: − Da... cháu hiểu rồi. Cháu sẽ chịu tiền thuốc men cho Su Su. Mặt ông lạnh tanh: − Cả tiền chụp Citi cắt lớp nữa. Hừm! Tôi chỉ có mình con nhỏ, mạng nó bằng mười mạng chú mày đấy! Khuê Tâm không nhịn được nữa: − Trời ơi! Thôi mà ba. Con có sao đâu. − Im đi! Nằm im đó cho tôi. Đưa tay phẩy một cái, ông ra lệnh: − Ra quán đầu ngõ rồi tôi và chú em tính toán cho rõ ràng. Tâm bất ngờ khi nghe gã thanh niên đổi giọng: − Cháu thấy chẳng có vấn đề gì để tính toán hết. Chú cứ đưa Su vào bệnh viện cho bác sĩ kiểm tra, chi phí bao nhiêu cháu sẽ thanh toán lại. Ông nhếch mép: − Đâu có dễ dàng như vậy. Con nhỏ phải nghỉ làm việc vì cái mặt sưng tù vù, thiệt hại đó cũng phải quy ra bằng tiền... Gã con trai dài giọng: − Thì ra là thế. Chú đòi hỏi hơi bị nhiều. Khuê Tâm cố nhổm lên để nhìn cho bằng được gã đã gây ra phiền toái cho mình. Và cô bắt gặp một gương mặt khá bụi bặm nếu không muốn nói là khá ngầu đang nghênh lại ba mình. Gã ta là người lạ, Khuê Tâm chưa gặp bao giờ. Với gương mặt đàn ông có cái cằm ngang ngạnh, đôi môi dày nằm dưới hàng ria mép lười cạo của gã đang nhếch lên vừa khinh bạc vừa thách thức. Khuê Tâm chớp mi khi gã lia đôi mắt xếch một mí lạnh ngắt về phía cô. Cái ánh nhìn của gã vừa lầm lì vừa đểu đểu làm sao ấy! Xem ra gã trai này chẳng phải hiền lành gì như thái độ nhỏ nhẹ nãy giờ của gã. Và ba của Khuê Tâm cũng chẳng thua gã ta, nếu không muốn nói ông cáo già và lì mặt hơn gã nhiều trong những chuyện đại loại như vầy. Đập mạnh tay xuống bàn, làm cái chai Pepsi đựng lưng lưng nước uống ngã lăn xuống đất, ông quát: − Chú mày trả giá với tao à? Mẹ kiếp! Mạng con gái tao là vô giá nghe chưa? Đứa nào đụng tới nó là tới số. Mặt hất lên cao đầy ngạo mạn, gã con trai cũng cứng cựa: − Nếu mạng bé Su quý như vậy thì chú mau đưa... nó vào bệnh viện, cháu sẽ hoàn lại mọi chi phí theo đúng từng biên lai tính tiền. Hiện giờ cháu không mang theo đồng nào hết. Ông gằn giọng hăm doạ: − Không lòi tiền ra thì khỏi rời chỗ này. Chắc mày ở xó nào mới chân ướt chân ráo tới đây nên chưa biết tao. Khuê Tâm bấu hai tay vào thành ghế bố. Cô ghét chứng kiến ba cái trò của ba mình lắm. Ở xóm này người ta rất kiềng mặt ông. Thiên hạ sợ Ông thì ít mà ghét thì nhiều. Họ không muốn vây vào mẫu đàn ông như ông và dĩ nhiên Khuê Tâm cũng chả được mấy ai ưa. May còn có dì Yên. Dì hiền lành, biết đối xử với chòm xóm nên được quý, vì quý gì nên nhiều khi ba lên cơn say quậy phá, mọi người cũng bỏ qua cho. Khổ một điều ba Tâm không nhận ra điều đó, ông chủ quan cho rằng thiên hạ sợ Ông vì ông là người đáng được nể sợ. Ông làm Khuê Tâm xấu hổ quá! Lâu nay Tâm luôn chịu đựng mọi sự trái khoáy của ông, nhưng bữa nay thì quá đáng. Ông thật nhẫn tâm khi xem Khuê Tâm như công cụgiúp ông vòi tiền người khác. Giọng gã con trai bình thản: − Đúng là cháu chưa biết chú là ai. Ngược lại chú cũng chưa biết cháu là... ai mà. − Thằng này ngon! Hừ! Mày con thằng cha căng chú kiết nào chả quan tâm. Mày nên nhớ tao không đùa đâu. Mặc kệ ánh mắt toé lửa của ông, gã con trai nói bằng giọng rất tỉnh: − Cháu cũng không đùa. Chú muốn gì thì gặp anh Ninh ấy. Cháu đang ở nhờ nhà ảnh. Nghe nhắc tên Ninh, ông hơi khựng lại, giọng xìu xuống hẳn: − Thì ra chú mày dựa hơi thằng Ninh. Thôi được rồi. Về đi! Rồi tao sẽ gặp thằng Ninh sau. Ném về phía Khuê Tâm cái nhìn bằng nửa con mắt, gã riễu cợt: − Màn một của vở kịch đã xong. Em có thể ngồi dậy tự vỗ tay khen mình được rồi đó bé Su Su.Khuê Tâm tức nghẹn ở cổ vì những lời mai mỉa đó. Cô chưa biết phải trả miếng như thế nào, gã đã ngạo nghễ bước ra khỏi căn phòng nhỏ của nhà Tâm. Ông cũng bước theo... Còn lại một mình, Khuê Tâm nhắm mắt lại. Giá như cô cứ mãi ngất đi như lúc nãy, chắc đã đỡ nhục. Trở mình, Tâm nằm nghiêng, cô ước chi mình đang ngủ và tất cả những gì vừa xảy ra chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ xấu chỉ có khi người ta nằm nghiêng về phía bên trái. Khuê Tâm sửa cái nơ con bướm trên cổ áo sơ mi trắng lại cho ngay ngắn trước khi ra khỏi phòng thay quần áo. Đã tới ca làm việc của Tâm. Dù bữa nay đã được hai ngày làm phục vụtrong nhà hàng này, Khuê Tâm vẫn còn nguyên nỗi lo lắng của một con nhóc mới bước chân vào nghề. Và thế giới về đêm của những kẻ thừa tiền lắm bạc vẫn còn hết sức xa lạ với một con bé nghèo như Khuê Tâm. Nhớ lại hôm bi... ăn nguyên trái banh, Khuê Tâm vẫn còn ấn tượng đến mức tưởng chừng chuyện vừa xảy ra hôm qua. Tâm ấn tượng không vì bị tai nạn từ trên trời rơi xuống mà còn vì cuộc tranh cãi khá gay gắt giữa ba cô và dì Yên. Dì Yên không muốn Khuê Tâm dấn thân vào những nơi bóng tối nhiều hơn ánh sáng như các bar, phòng trà, quán cà phê. Nhưng bà không cãi lại ba nên cuối cùng Khuê Tâm đành phải 'vào hang cọp', vì ông đã lãnh lương của Tâm và đã nướng hơn nửa số lương vào trò cá cược bóng đá mất rồi. Tối đó, Khuê Tâm và dì Yên đã ôm nhau mà rơi nước mắt. Mặc kệ vợ con giọt vắn giọt dài, ông vẫn thản nhiên ngồi khà khê nhâm nhi bia rượu. Ông không hề hỏi xem bị ăn nguyên trái banh đến mức té xỉu, Tâm có sao không. Mà hỏi làm chi khi cô đã không giúp được ông moi tiền của gã trai kia. Ông chưa mắng Tâm đi đứng xớn xác để bị té xỉu là may lắm rồi. Khuê Tâm nhếch môi chua chác. Với ông, cô và dì Yên chả là gì cả. Và cô nhận ra ngay xưa mẹ cô bỏ ông ra đi với người khác là sáng suốt, chỉ có điều bà quá nhẫn tâm khi đành đoạn bỏ cô lại cho một kẻ ích kỷ như ông. − Khách gọi kìa. Làm gì mà đứng như gà rù vậy? Khuê Tâm như bừng tỉnh vì những lời khá gay gắt của cô gái tô son hơi đậm trạc bằng tuổi mình nhưng cung cách, thái độ rất từng trải lăn lộn. Chỉ vào bàn sát cuối phòng, cô ta hất mặt: − Kia kìa! Đừng ngơ ngác như vừa trên mặt trăng rơi xuống, nhìn khó ưa lắm. Lẹ lẹ lên đi! Khuê Tâm vội vàng đi như chạy về phía đó. Bàn toàn con trai, mặt mày bừng bừng bặm trợn trông như vừa đánh đá ở đâu về khiến Tâm co cứng người vì sợ. Giọng lạc đi, cô ấp úng: − Thưa các anh dùng chi? Một gã mắt hí cười cười nham nhở: − Dùng đặc sản... em. Mông, đùi, ngực gì cũng xơi hết. Nào! Ngồi xuống! Khuê Tâm máy móc hỏi lại: − Dạ các anh chọn món chi? Vẫn gã mắt hí ngoác mồm cho cả bọn cùng cười. − Anh vừa chọn đó thôi. Món 'em' là nhất rồi. Mặt nóng ran, mồ hôi thi nhau túa ra, Khuê Tâm đứng chết trân một chỗ trong khi cả bọn con trai hí hố cười khoái trá. Ngay lúc đó, Tâm nghe giọng đàn ông: − A! Chào các huynh! Sao? Đã gọi món chưa, để tiểu đệ cho dọn lên ngay? Khuê Tâm thấy một người dáng to cao mặc đồng phục nhà hàng đang thân thiện vỗ vai gã mắt hí, giọng anh ta trầm ấm khiến cô chợt an tâm vì có cảm giác được che chở, dù anh ta chưa hề nhìn hay nói tới cô. Quay sang phía Tâm, anh ta nói: − Trong khi chờ các đại ca chọn món, em lo nước nôi đi chớ. Khuê Tâm riu ríu bước đi. Cô vào trong mang ra một xô đá. Cô chưa kịp gắp đá bỏ vào ly, anh ta đã đỡ lấy. − Để bàn này tôi lo. Em tới bàn đằng kia đi. Khuê Tâm nói: − Vâng. Vừa tới bàn anh ta chỉ, Tâm đã đụng cô nàng môi đỏ. Cô ta nguýt dài: − Tới đây làm chi? Chỗ này đâu có việc của mấy người. Thế là Khuê Tâm đành cầm xô đá đứng xớ rớ. Ngày hôm qua cũng thế, Tâm cứ đi tới đi lui chờ bị sai vặt. Khách sai đã đành, đồng nghiệp cũng sai Tâm chạy có cờ. Khuya về tới nhà, hai chân cô mỏi muốn rụng luôn. Hôm nay nhất định Khuê Tâm không rơi vào thế bị động như hôm qua nữa. Nghĩ là làm, Khuê Tâm trả xô đá xuống bếp và ra chỗ thu tiền ngồi. Cô giữ quầy trợn mắt: − Sao lại ngồi đây? Khuê Tâm thản nhiên: − Vì không có việc làm. Chả ai giao việc cho em cả. − Ủa! Sao ngộ vậy? À... Em mới vào làm phải không? Tâm gật đầu. Cô giữ quầy tươi ngay nét mặt. − Chị là Hường. Để chị giao việc cho em nghen. Tâm chưa gật đầu, Hường đã lôi trong hộc tủ ra một bọc ni lông: − Đóng dấu giùm chị. Tâm tò mò mở ra xem. Một bịch đầy những cùi ghi order cho khách. − Hết bao nhiêu đây à? − Ờ. Bộ che ít hả. Đóng thử coi. Mệt xỉu đó em. Khuê Tâm đỡ lấy con dấu và hộp tam- bon trên bàn Hường. − Cái này để làm gì hả chị? Hường trả lời nhát gừng: − Để ghi món khách gọi, rồi để tính tiền. Nhớ đóng đừng sót trang nghe. Vừa nhìn Tâm làm, Hường vừa hỏi: − Làm thêm để kiếm tiền đi học phải không? Tâm gật đầu. Hường khen: − Vậy thì giỏi rồi. Nhưng nhà hàng đâu có tuyển người. Ai đưa em vào đây? Tâm buột miệng: − Bác Bài! − Ổng là gì của em vậy? Có bà con không? Tâm điềm đạm: − Bác ấy là bạn của ba em. − Có thế chớ! Có chỗ dựa, em không sợ bị ăn hiếp. Tụi con gái trong đây đứa nào cũng mọc nanh hết rồi, em mà tứ cố vô thân, tụi nó sẽ xé em ra ấy! − Dữ vậy sao? Em thấy ai cũng dịu dàng, dễ thương quá trời. Hường bĩu môi: − Coi vậy chớ không phải vậy đâu! Đứa nào cũng chót lưỡi đầu môi, cười cười, nói nói để lấy tiền boa của khách, chớ đụng tới nó thì biết. Khuê Tâm im lặng lật từng tờ giấy để đóng dấu. Chưa quen việc nên cô vừa lật giấy vừa đóng mộc thật lóng cóng, vụng về. Hường chống cằm nhìn: − Đóng như em bà Mão mà thấy thì điếc con ráy. Tâm tò mò: − Bà Mão là ai vậy chị? − Là quản lý ở đây. Hai bữa nay bả nghỉ, thiệt sung sướng hết sức. Bà Mão chằn lắm, ông Bài còn phải sợ bả nữa là... Khuê Tâm trầm giọng: − Còn anh chàng kia? Hường nheo mắt: − Em muốn nói Cang ấy hả. Nó cũng phục vụnhư em, nhưng năng nổ, hoạt bát nên được phân làm tổ trưởng. Một anh chàng đẹp trai phải không? Khuê Tâm nhún vai, cô làm thinh nghe Hường 'Bà Tám': − Nhỏ Cẩm Nhung tô son đỏ choé đang bám thằng Cang dữ lắm, mà thằng đó cứ lơ lửng con cá vàng... Hường... nín lại khi Cẩm Nhung đi về phía quầy. Để lên mặt quầy tờ giấy và tiền, cô ta khinh khỉnh: − Kiểm tra cho kỹ nghen. Lỡ có tiền rách, tiền giả đừng đổ cho tôi à. Liếc Khuê Tâm, Cẩm Nhung nói: − Mới vào hôm qua, hôm nay đã... chảnh. Mau đi dọn bàn khách vừa ăn xong. Hường kêu lên: − Ê! Có lộn không vậy? Bàn đó mày phụ trách mà! Đừng có ma cũ ăn hiếp ma mới chớ. Khoanh tay, Nhung bảo: − Chả ma nào ăn hiếp ma nào hết. Đóng dấu không phải việc của nó. Đừng mới vào thử việc mà đã lánh nặng tìm nhẹ. Khuê Tâm phản ứng ngay: − Tôi đang chờ được phân công cụthể. Cô Mão bảo làm gì tôi sẽ làm đó. Cẩm Nhung cười khẩy: − Được! Cứ đợi đấy! Rồi xem mày sẽ được làm gì. Nếu chung nhóm với tao coi như mày số đỏ. Khuê Tâm ấm ức nhìn theo Cẩm Nhung, Hường khều cô: − Dịu dàng, dễ thương chưa? Hừ! Con nhỏ đó tính làm chị Trùm chắc. Một phụnữ trạc ngoài bốn mươi bước về phía quầy, Hường hạ giọng: − Bà Mão đó! Rồi cô xởi lởi: − Cô đi làm lại hả cô? Bà Mão nhìn Khuê Tâm, miệng nhếch lên: − Chớ ở nhà hoài cho tụi bây nổi loạn à? Thấy Tâm gật đầu chào, bà Mão hất hàm: − Mới hả? Tâm mau miệng: − Da... cháu chào cô. Bà Mão nheo nheo mắt như đánh giá, ước lương Khuê Tâm rồi bảo: − Ở đây đủ người rồi. Em lên tầng hai phục vụphòng đi. Khuê Tâm nghệch mặt ra: − Da... phục vụphòng là sao ạ? Bà Mão chỉ những bàn có khách: − Cũng là như vầy nhưng ở mỗi phòng riêng. Trong phòng có máy lạnh, karaoke... Em vào làm phòng hai chung với Cang. Hường ngạc nhiên: − Ủa! Thằng Cang ở dưới này mà. − Thì điều nó lên trển. Nó ở dưới này để con Cẩm Nhung tối ngày liếc mắt làm sao buôn bán. Mày kêu nó tới đây cho tao. Hường vừa bước đi, bà Mão đã hỏi: − Em là con Tư hả? Khuê Tâm nhỏ nhẹ: − Dạ. Bà Mão chép miệng: − Tôi không nghĩ Tư lại bắt con đi làm những nơi thế này. Cang bước tới. Tim Khuê Tâm bỗng đập mạnh khi nhìn thấy ánh mắt của anh. Đúng là Cang rất đẹp. So với những gã trai khác trong quán, Cang nổi bậc như một ngôi sao sáng, có điều ngôi sao ấy mọc không đúng chỗ. Miệng rộng và cười hết sức quyến rũ, Cang cất giọng thật trầm ấm: − Chị Mão gọi em à? Bà Mão cũng ngọt ngào khác với lúc nói chuyện với Hường và Tâm: − Ờ... chuyện là như vầy. Bắt đầu bữa nay em sẽ phục vụphòng số hai, chung với cô bé này. Khỏi than cực nữa nhé. Cang đưa đẩy: − Cám ơn chị. Chị đúng là số một. Bà Mão dặn dò: − Dắt nó lên trển chỉ cách sử dụng máy lạnh, tivi, đầu máy cho kỹ hộ chị nghen. Khuê Tâm bước theo Cang. Anh chàng hỏi trỏng: − Biết sử dụng thang máy chưa? Tâm cộc lốc: − Chưa. − Vậy thì đi thang máy. Vừa nói Cang vừa bước thật nhanh tới góc phòng. Khuê Tâm lẽo đẽo theo sau. Cô chợt hồi hộp khi bước vào thang máy hẹp, bít bùng với một người khác phái, đẹp trai và xa lạ. Cang lại hỏi khi đưa tay nhấn số: − Tên gì bé con? − Khuê Tâm. Anh nhìn cô: − Tên nghe sang trọng quá. Tâm vịn vào vách khi thang chuyển động. − Cám ơn. Lần đầu tiên tôi được khen kiểu lạ tai như vậy. Cang khoanh tay ngạo nghễ: − Còn đi học không? − Còn. − Năm thứ mấy rồi? Khuê Tâm ngang ngang: − Năm thứ mấy đâu có liên quan tới chuyện đi làm này. − Có liên quan chứ. Năm học càng cao, người ta càng cần nhiều tiền. Khuê Tâm nhấn mạnh: − Tôi lúc nào cũng cần nhiều tiền. − Tốt. Vậy ráng cố gắng kiếm được nhiều tiền. Khuê Tâm im lặng theo Cang ra khỏi thang máy. Cang mở cửa phòng số hai. Đó là một căn phòng bài trí theo lối Nhật với bàn ăn sát mặt đất, xung quanh bố trí những đệm nhỏ vuông vức để ngồi. Cang nói: − Khách phòng này thường là V.I.P rất thừa tiền, họ không khả ố, nham nhở như bọn nhố nhăng vừa rồi, ngược lại họ rất hào phóng và rộng rãi với những nhân viên làm bàn thời gian kiểu còn đi học như em. Tâm chua chát: − Có nghĩa là tôi đang tiếp cận nhiều cơ hội kiếm được nhiều tiền? Cang gật đầu: − Đúng vậy! Không những thế em còn tiếp cận nhiều cơ hội để đổi đời. Khuê Tâm hơi nhếch mép: − Vậy sao? Ở đây có ai đổi đời chưa? Cang lấp lửng: − Sắp có rồi đó. À, em biết sử dụng dàn karaoke này không? Khuê Tâm lắc đầu. Cang nhiệt tình: − Cũng dễ thôi. Để anh chỉ cho. Khuê Tâm chăm chú nghe kỹ những lời và nhìn thao tác của Cang. Cũng chả có gì khó, chỉ có điều cô chưa sử dụng nên chưa biết thôi. Cang kết thúc bằng một câu: − Dần dà em sẽ quen. À, em biết hát chứ? − Tôi hát được, nhưng chắc dở. Giọng bà Mão vang lên ngắt ngang lời Tâm: − Mời khách vào này Cang! Khuê Tâm nhìn ra cửa. Khách là một phụnữ ngoài ba mươi ăn mặc khá bốc với áo hai dây màu cánh sen bó sát vào và quần tây ngắn trên mắc cá chật cứng rất gợi cảm. Đôi mắt đeo mi giả hờ hững nhìn lướt căn phòng rồi lướt qua Cang, bà ta bảo: − Phòng này được đấy! Cang tươi cười: − Vâng. Thưa... cô đi một mình hay còn người thân? Người phụnữ không trả lời mà nói qua chuyện khác: − Giọng hay lắm. Hát karaoke được chớ. − Dạ. Cũng hát được vài ba bài ạ. Buông nhẹ người xuống ghế nệm, bà ta cao giọng: − Vậy thì hát đi. Tôi thích nghe hơn thích ăn. Cang cười cười: − Dạ. Âm nhạc là món ăn tinh thần mà. Anh mau mắn mở tivi, đầu đĩa và hỏi: − Cô thích loại nhạc nào? Bà khách khoát tay: − Sở trường của cậu loại nào, cứ hát loại đó. Nhướng mắt nhìn Tâm, bà ta hỏi: − Còn cô em thì sao? Chắc cũng hát được? Khuê Tâm chưa biết trả lời thế nào, Cang đã nói: − Dạ được ạ. Người phụnữ búng tay như đàn ông: − Vậy mỗi người hát một bài. Tâm vội lên tiếng: − Dạ, em chỉ là phục vụthôi ạ. Bà khách lừ mắt: − Hát cho khách nghe cũng là phục vụ. Cang mau mắn: − Em sẽ hát trước. Em thích Quang Dũng, nên xin bài 'Hoa có vàng nơi ấý. Bà khách gật gù: − Thời trang đấy! Khuê Tâm bối rối đứng một góc phòng. Cô nghe nhưng không cảm nhận hết giọng hát của Cang, hình như giọng anh ta khá ấm nhưng điệu quá. Bà khách đột ngột bảo: − Đủ rồi. Giờ tới em gái đây. Tâm dở khóc dở cười vì ý muốn của khách. Họ đúng là thượng đế, cãi lời thượng đế sẽ gặp phiền phức ngay. Tâm ngập ngừng: − Em thích bài 'Có đôi khí vì em thấy đó không phải lời bài hát mà là những dòng tâm sự. Em như bắt gặp mình trong ca từ, giai điệu của khúc ca ấy. Em hy vọng cô cũng tìm thấy sự đồng cảm như em khi nghe 'Có đôi khí. Bà khách buột miệng: − Nói hay lắm! Khuê Tâm chớp mi, cô cất giọng thật tự nhiên không chút uốn éo, điệu đàng như Cang vừa rồi. Lúc nãy cô đã thật lòng khi nói thế. Bài hát là tâm tình của Tâm đó thôi. 'Ôi! Có đôi khi thèm như những con chim, cứ hót líu lo rồi tung cánh lên trời, đến những đảo hoang tìm nơi vắng bóng người, rồi cười nói một mình và lặng khóc một mình...'. Bà khách gật gù: − Cả hai đều rất khá. Với vóc dáng chất giọng và lời dẫn như vầy hai đứa chui đầu vào đây thật uổng. Nheo nheo mắt là bà... dụ: − Hai đứa bỏ chỗ này về chỗ chị đi. Cang xoay cái micro trong tay. Anh đang có một cái nhìn thú vị về người phụnữ này. Bà ta đang muốn gì ở anh và Tâm? Người phụnữ tự giới thiệu: − Tôi là Thuỷ. Bạn bè gọi tôi là Thuỷ Lê. Lê là họ của tôi. Họ gọi thế để phân biệt với những Thuỷ khác như Thuỷ Trần, Thuỷ Nguyễn. Cứ gọi tôi là chị Thuỷ. Thấy Cang và Tâm im lặng, Thuỷ Lê nói tiếp: − Tôi đang cần tìm những người như cô cậu. Bỏ chỗ này theo tôi, bảo đảm cô cậu sẽ đổi đời. Cang bật cười: − Vừa rồi bọn em cũng nhắc tới chuyện đổi đời, nhưng muốn đổi đời đâu có dễ. Tựa lưng vào salon, Thuỷ Lê nói: − Dễ hay khó còn tùy vào cơ may, vào duyên số. Chị Thuỷ đây là cơ may của cô cậu đó. Nhất là cậu! Cang khẽ cau mày: − Em vẫn chưa hiểu ý chị. Thuỷ Lê nhún vai: − Đơn giản thôi. Nếu theo chị, chị sẽ đào tạo cô cậu thành ca sĩ hoặc người dẫn chương trình chuyên nghiệp. Cang cười cười: − Vâng. Nhưng trước hết xin chị để bọn em làm nhiệm vụ. Mời chị chọn món ạ. Thuỷ Lê hơi khựng lại nhưng rất nhanh, bà ta bảo Khuê Tâm. − Đưa thực đơn đây. Tâm làm theo yêu cầu, bà Thuỷ nhìn vào kiểu chiếu lệ rồi nói một hơi. − Món một, ba, năm, bảy. Tâm ghi order rồi xuống bếp. Bà Mão đã có mặt ở đó, giọng tò mò: − Sao con mụấy gọi món lâu vậy? Hừm! Chắc chắn mụta vào đây chủ yếu để phá? Khuê Tâm từ tốn: − Dạ, bà ấy đã gọi món rồi đấy. − Thằng Cang đang làm gì với con mụThuỷ? Cô ngập ngừng: − Hình như ảnh đang hát karaoke theo yêu cầu của khách. Bà Mão trề môi: − Hừm! Chắc mụđịnh dụthằng Cang theo mụđể trở thành ca sĩ. Tâm ngạc nhiên: − Sao cô biết ạ? Bà Mão nhún vai: − Chuyện nhỏ! Trước kia mụta cũng làm phục vụở đây đó. Giờ hất mặt lên trời rồi ra vẻ bà lớn đi tuyển người có tài để lăng xê thành ca sĩ. Nghe lời mụthì tiêu... Khuê Tâm nuốt nước bọt. Thì ra bà Mão chẳng lạ gì bà Thuỷ Lê. Bà Thuỷ này nói láo mà cứ như thật làm hồi nãy cô cũng gân cổ hát với hò. Chẳng biết Cang có nhận ra bà ta dối không? Cang tỏ vẻ rất sõi đời, chắc anh ta đẩy đưa cho vừa lòng khách chớ không ngốc đến mức hư hư thật thật không phân biệt được như Tâm đâu mà cô lo. Bà Mão nhìn Tâm: − Nãy giờ Thuỷ Lê có dụem và thằng Cang bỏ chỗ này để về làm cho mụta không? Khuê Tâm lắc đầu thật nhanh: − Dạ, không ạ. Bà Mão bĩu môi: − Thuỷ Lê khoái dụcon trai hơn. Chắc giờ này nó đang giở chiêu lời ngon tiếng ngọt với thằng Cang. Con mụấy cứ như con yêu nhền nhện, trông nó dơ dáng dại hình làm sao. Nó thích con trai chớ gì! Tao sẽ chiều! Ngoắc một phục vụnam đứng gần đó, bà Mão ra lệnh: − Phục vụphòng số hai trên lầu thay cho Khuê Tâm, con bé mới vào chưa quen với khách đặc biệt như bà khách này. Khuê Tâm hỏi ngay: − Vậy cháu sẽ làm gì ạ? Bà Mão không trả lời mà bắt sang chuyện khác: − Tư ngày nào cũng hai lon bia hả? − Dạ. Bác sĩ cấm rượu nên ba cháu đành uống bia. Bà Mão chép miệng: − Khổ đời! Ông ấy đúng là ích kỷ. Bởi vậy... Khuê Tâm nhoi nhói tim. Cô khó chịu khi nghe người khác nhận xét ba mình. Cô càng khó chịu hơn vì câu nói lưng chừng của bà Mão. Làm như bà biết rõ về ba cô lắm không bằng. Giọng bà Mão tiếc nuối: − Nhậu nhẹt quá, nên đâu còn sức mà thổi kèn. Trước đây Tư là tay saxo nổi tiếng ở Sài Gòn, giờ thì ho ra máu bởi ba con sâu rượu. Uổng thiệt! Khuê Tâm không ngăn được tò mò: − Cô quen ba cháu à? Bà Mão có hơi mơ màng: − Ai mê nhạc lại không biết ba em. Ông ta từng là một tay lãng tử hào hoa, từng làm mưa làm gió với cây trompet ở những vũ trường lớn như Đêm Màu Hồng, Queen Bee, Macxim thời trước. Hồi hoàng kim của Tư, không ai hình dung nổi bây giờ ông ta lại như vậy. Tâm thật thà: − Cháu tưởng ba mình là ông thầy dạy nhạc tầm thường cho con nít ở xóm chớ không biết ông là người nổi tiếng. Cô nói ba cháu thổi saxo, sao mọi người lại gọi ông là ông Tư Đờn kìa? Bà Mão giải thích: − Đó là cách người ta gọi chung những người làm nghề đờn ca trong vũ trường. Thế em không biết ông từng chơi nhạc cụgì sao? Khuê Tâm cười gượng: − Nếu người ta không gọi ông là Tư Đờn, cháu còn không biết ba thuộc giới nghệ sĩ nữa là. Ông chả bao giờ nói về thời còn trẻ. Bà Mão chép miệng: − Vì một cú sốc mà ông biến thành một người khác hoàn toàn. Thật đáng tiếc! Ông muốn chạy trốn quá khứ và chối bỏ luôn tương lai của con gái mình hay sao kìa. Khuê Tâm bỗng tủi thân vì những lời của bà Mão. Bà lại hỏi: − Ba cháu có nhiều học trò không? Tâm ngập ngừng: − Trước đây thì nhiều nhưng bây giờ ít lắm ạ. − Như thế thì cuộc sống chắc chắn là rất khó khăn. À, má sau có tốt với em không? Tâm gật đầu: − Dì Yên rất tốt. Dì đâu muốn cháu đi làm mà chỉ muốn cháu chú tâm vào việc học, nhưng như vậy thì dì Yên vất vả quá. Bà Mão định nói gì đó thì thấy Thuỷ Lê từ thang máy bước ra. Bà ta đi thẳng tới chỗ quầy tính tiền với nụcười thật tươi. Vừa cười, bà Thuỷ Lê vừa nói: − Nhà hàng này vẫn y như ngày nào. Chắc chắn em sẽ tới nữa. Nhưng chị nhớ không cho bà ta biết em tới đây đó. Bà Mão cũng cười song giọng lại thách thức: − Giữ bí mật hành tung của khách là một trong những phương châm của nhà hàng mà. Cô khỏi phải lo. Có điều tôi không nghĩ cô Thuỷ đây sợ bà ấy, vì nếu sợ cô đâu có tới đây. Thuỷ Lê đong đưa cái ví bằng da cá sấu đắt tiền. − Em sợ cho bả chớ đâu sợ cho em. Tim em còn xịn lắm, không dễ lên cơn như bà ta đâu. Nhìn theo Thuỷ Lê, bà Mão lầm bầm: − Đồ yêu quái! Đúng là thừa tiền đâm ra rửng mỡ. Hường tò mò: − Bà ta là ai vậy cô? Bà Mão gắt: − Đừng tò mò. Làm việc đi! Ngay lúc đó có người gọi: − Điện thoại cô Mão ơi. Bà Mão lật đật bước đi, Khuê Tâm cũng tới quầy ngồi với Hường. Nhận một xấp biên lai, Tâm kiên nhẫn ngồi đóng con dấu lên từng trang giấy. Một lát sau, bà Mão quay lại: − Em sẽ phụtôi và Hường làm sổ sách và kế toán. Ông Bài vừa bảo với tôi... Tâm ngơ ngác: − Nhưng cháu có biết gì về kế toán đâu. Bà Mão cười bí hiểm: − Rồi sẽ biết, nếu em biết đếm từ một tới mười. Việc này còn dễ hơn hát một bài nhạc nữa kìa. Khuê Tâm im lặng. Có thể việc này phù hợp với cô hơn. Ít ra nó cũng làm cô thoải mái và yên tâm khi bước vào nơi đây. Vậy thì sao không đồng ý chứ? Thuỵ ngửa mặt uống cạn phần rượu trong ly rồi khật khưỡng bước ra khỏi bar. Mới mười giờ đêm, giờ này còn quá sớm với những kẻ chơi khuya, lấy đêm làm ngày, nhưng với ai lấy gia đình làm cuộc sống thì chắc chắn lúc này họ đang tận hưởng hạnh phúc bên những người thân yêu nhất. Rồ máy chiếc Majesty đắt tiền, Thuỵ lướt thật nhẹ trên đường. Đầu còn lâng lâng vì rượu mạnh, anh nhích tay lượn những đường vòng zích zắc trước vẻ khâm phục của các cô nàng ngồi sau các loại xe rẻ tiền cũng đang phóng vèo vèo trên phố. Giờ này chắc Vân Quỳnh vẫn còn vui vẻ với đám bạn chung lớp. Hôm nay sinh nhật cô bạn nào đó và dĩ nhiên Quỳnh không thể vắng mặt vì cô vốn ham vui. Chiếc di động trong túi áo rung nhẹ, Thuỵ cho xe chậm lại. Một tay lái, một tay anh áp cái điện thoại vào tai. Giọng Vân Quỳnh nhõng nhẽo lẫn quyền hành: − Tới Ngàn Khơi chở em về. Trán Thuỵ cau lại, anh khẽ gắt: − Sao lại là Ngàn Khơi? Anh không tới đó đâu. Em tự về đi. Vân Quỳnh doạ: − Anh không tới là con như mình bye luôn đó. Cho anh một phút để suy nghĩ. Giọng Thuỵ đanh lại: − Anh nói không và chả cần thêm giây nào suy nghĩ. Thôi nhé! Cúp máy, Thuỵ chưa kịp cho nó trở vào túi thì một chiếc Su Sport chạy tạt ngang sát chiếc Majesty của anh, gã đầu trọc ngồi phía sau hớt cái di động trên tay Thuỵ một cách nhẹ nhàng đến mức vốn là người năng động, Thuỵ cũng khựng lại mất mấy giây rồi mới rồ xe rượt theo. Gần tới ngã tư, Thuỵ thấy chiếc Su Sport vì tránh một chiếc xe đạp nên mất thăng bằng ngã kềnh ra đường. Chiếc xe đạp vì mất trớn cũng đâm sầm vào bọn chúng. Người ngồi trên xe cũng ngã quay giữa lộ. Hai thằng cướp lồm cồm ngồi dậy, mặc kệ cái điện thoại rơi lại trên mặt đường, chúng hè nhau chạy tiếp. Thuỵ dừng xe, nhặt cái di động rồi tới bên cô gái đang loay hoay với chiếc xe đạp. − Em có sao không vậy? Cô gái lắc đầu, giọng vẫn đứt quãng vì sợ: − Không! Thuỵ nhíu mày khi nhìn kỹ cô gái: − Là Su à! Đưa tay lên ngực như để dằn những nhịp đập hốt hoảng của trái tim xuống, Khuê Tâm vừa thở vừa nói: − Là tôi, và tôi chả thích gì khi gặp lại anh. Thuỵ nhấc chiếc xe đạp vào lề, Khuê Tâm khập khễnh bước theo. Dưới ánh đèn cao áp đỏ, bánh xe của Khuê Tâm cong vênh như cái bánh tráng nướng quá lửa, còn cô thì tả tơi không kém với cái áo bê bết cát, cái quần lủng hai lỗ ở đầu gối, cùi chõ tay cà dưới lòng đường trầy trụa bắt đầu rát dữ dội. Nhìn Khuê Tâm, Thuỵ chợt ái ngại. Anh ngại vì trông cô thảm quá, và anh ngại khi nhớ đến ông bố của cô. Nhân vật Tư Đờn trơ tráo. Hừ! Không khéo bố con ông ta lại ăn vạ để vòi tiền anh nữa bây giờ. Mà anh đâu dính dấp gì tới chuyện té xe của Su, bất quá anh cũng là nạn nhân của bọn giật dọc như cô ta thôi. Tốt hơn hết đường ai nấy đi cho đỡ phiền toái. Thuỵ lạnh lùng: − Xe hư rồi. Phiền phức thật! Nhưng xin lỗi cô em, tôi cũng là nạn nhân chẳng giúp được gì đâu. Khuê Tâm làm thinh. Cô đang mệt mỏi quá sức, đã vậy còn gặp chuyện xui xẻo này nữa. Trên đường vẫn còn đông người sao hai thằng ôn dịch đó lại đâm vào cô cho ra nông nỗi này cơ chứ. Mà dường như chúng giật điện thoại của thằng cha dễ ghét này rồi phóng xe chạy bạt mạng vì bị thằng chả đuổi theo thì phải. Nếu đúng vậy thì rõ ràng thằng chả là khắc tinh của Tâm. Gặp thằng chả là xui tận mạng. Tâm buột miệng: − Lần nào gặp anh tôi cũng đổ máu. Đúng là... là... Thuỵ hất hàm: − Là gì? Khuê Tâm nhăn mặt: − Là yêu quái ám người ta chớ gì nữa. Ui da! Rát quá! Thuỵ cười nhạt: − Hừ! Lại định ăn vạ à. Có rát có đau cũng im. Tôi đã bị vào tròng một lần rồi, sẽ không có lần thứ hai đâu. Khuê Tâm kêu lên: − 'Đã bị vào tròng một lần' nghĩa là sao? Anh muốn ám chỉ cái gì? − Đừng giả vờ ngơ ngác nữa, nữ kịch sĩ... Khuê Tâm tức tối: − Nếu là đàn ông chân chính, anh nên nói thẳng điều mình nghĩ chớ đừng úp mở. Thuỵ hơi quê vì câu nói khích của Khuê Tâm. Anh khinh khỉnh: − Ăn vạ, đòi tiền đó là điều tôi nghĩ về bố con em. Khuê Tâm bậm môi để khỏi thốt lên một câu rủa. Nuốt hận xuống, Tâm cố bình tĩnh: − Anh xéo khỏi đây ngay đi nếu không anh đừng có trách. Thuỵ tỏ vẻ thách thức: − Lẽ ra tôi sẽ đi, nhưng cái cách nói của em khiến tôi để ý. Nhắm em làm gì được tôi nào? Chuyện hai gã kia tông vào em không liên quan tới tôi. Em định ăn vạ bằng cách nào đây? Khuê Tâm không trả lời. Cô nhớ tới ba mà xấu hổ. Tốt hơn hết là nên ngậm miệng cho xong, nhưng với cái xe cong niềng thế này làm sao Tâm về nhà, rồi sáng mai làm sao đến lớp? Nghĩ cho cùng cũng tại thằng cha khó ưa kia. Nếu thằng cha ấy đừng alố alô ngoài đường thì bọn cướp kia đâu có cơ hội giật dọc và cô đâu xui xẻo bị chúng đâm vào thế này. Vậy mà thằng chả còn không biết điều. Đã chẳng một lời an ủi, hay tỏ vẻ áy náy trước sự cố đã xảy ra, thằng chả còn dầy mặt phủ nhận không liên quan tới mình. Một gã đàn ông nhìn phong độ lắm, nhưng lại quá tệ. Mà nhịn một gạ tệ như vậy thì phí. Ít ra cô cũng mắng hắn một câu chứ. Khuê Tâm bĩu môi: − Hạng không có lương tâm như anh, tôi chả thèm động vào. Dứt lời, Tâm cố nén đau bước tới cạnh xe đạp. Nhìn dáng vẻ của cô, Thuỵ cũng nao nao lòng, song vì Tâm nói anh không có lương tâm nên Thuỵ phớt lờ. Anh sẽ bỏ mặc con bé cho bõ ghét, cho đúng với câu nó mắng anh. Thản nhiên, Thuỵ leo lên yên chiếc Majesty ngay lúc ấy cái di động lại réo ầm. Giọng Vân Quỳnh dài ra: − Tới rước em ngay, nếu không Thái sẽ chở em đi suốt đêm đó. − Anh đang bực mình đây. Em muốn đi với ai thì tuỳ. Thuỵ hậm hực phóng xe đi. Nhìn những cô gái ăn mặc sang trọng ngồi nép đằng sau những gã trai lái những chiếc xe đắt tiền bóng loáng, Thuỵ bỗng chạnh lòng khi nhớ tới dáng nhỏ bé của Su bên chiếc xe đạp cũ. Đã khuya sao con nhỏ còn ngoài đường kìa! Chắc là con nhỏ đi làm như hôm đó ông bố nó đã nói. Từ đây về nhà cũng khá xa... Thuỵ đúng là vô lương tâm nếu bỏ mặc nó một mình ngoài phố vào cái giờ của ma quỷ thế này. Mà phải chi Thuỵ và Su chưa hết biết nhau. Dầu gì cũng hơn một lần đụng độ. Hôm đó nó lãnh đủ một trái banh vào mặt. Ê ẩm lắm chứ bô... Thuỵ nuốt nước bọt. Hôm đó anh và Vân Quỳnh giận nên giữa trưa nắng chang chang anh mới chạy ra bãi cát trống gần nhà đá banh với bọn trẻ. Anh đá trái banh đó rất mạnh. Đá cho hả tức nên Thuỵ đã dùng hết sức, vì dùng hết sức nên anh đâu làm chủ được đường đi của nó. Kết quả con nhỏ Su lãnh đủ cho cơn giận của anh và đã té xỉu. Thật là tội nghiệp. Cho tới bây giờ Thuỵ vẫn không biết hôm ấy nhỏ Su xỉu thật hay xỉu theo kịch bản của ông Tư Đờn, chả là bọn trẻ đá banh với anh chẳng nói ông Tư Đờn chuyên môn ăn vạ mỗi khi nhậu xỉn đấy sao. Nếu hôm đó ông ta không quá đáng, Thuỵ đã sẵn sàng chịu mọi phí tổn thuốc men cho nhỏ Su. Ai biểu ông ta trơ tráo làm chi... Nhưng tối nay thì khác, Su bị như vậy gián tiếp cũng vì anh, liên quan tới anh. Nếu vì chuyện cũ anh chấp nhất rồi bỏ con nhỏ một mình thì đúng là... là... Thở dài, Thuỵ dừng chiếc Majesty trước một xe xích lô đang chờ khách bên đường. Khẽ hất đầu lên, Thuỵ bảo: − Chạy theo tôi! Quay đầu xe, Thuỵ chạy ngược trở lại. Khuê Tâm đang ngồi chống cằm bên lề, nước mắt tràn trụa vì tủi thân. Thấy Thuỵ, cô bậm môi lại, mặt hất sang chỗ khác. Thuỵ ra vẻ tự nhiên: − Chú chở cái xe hộ tôi... Còn Su lên đây. Khuê Tâm ngọt nhạt: − Thì ra anh cũng còn được một nửa lương tâm. Tôi thích ngồi xích lô hơn. Thuỵ nhún vai: − Tùy ý em! Giờ tôi biến thật đây. Nhét vào tay bác xích lô tờ năm chục ngàn, Thuỵ lừ mắt: − Chở cho đàng hoàng đấy! Rồi anh phóng xe đi thẳng. Được một đoạn, Thuỵ lại chạy chậm lại và chờ chiếc xích lô đủng đỉnh, lắc lư mãi tới sau lưng anh. Thuỵ chầm chậm thả theo như các tay môtô làm nhiệm vụbảo vệ các cuộc đua xe đạp cúp truyền hành. Chỉ khác một điều đây là xe xích lô. Tới đầu ngõ, Khuê Tâm bảo: − Cám ơn anh! Tôi vào một mình được rồi. Thuỵ lạnh lùng: − Hừm! Tôi chẳng có ý định vào đó. Chào! Chống chân, chờ chiếc xích lô vào sân trong ngõ, Thuỵ mới chạy xe tới nhà. Ngồi trên yên anh nhấn kèn. Độ một phút sau cánh cổng sắt mở ra. Ninh đánh trần, đầu húi cua như cạo trọc đứng sau cánh cửa càu nhàu. − Chậc! Nãy giờ lão bà bà hỏi thăm chú mày mãi làm tao muốn điên luôn. Thuỵ dựng chống xe lên: − Anh nói em đi đâu? − Đi coi ca nhạc với Vân Quỳnh, nhưng chắc lão bà bà không tin nên mới hỏi hoài. Tao đề nghị chú mày cho lão bà số di động đi. Thuỵ giẫy nẩy: − Đừng xúi bậy ông ơi! Tự do muôn năm. Em đã thoát khỏi ngôi nhà đó thì đừng mong ai kìm kẹp, quản lý em. Dù quản lý em qua điện thoại. Anh mà cho số di động của em, em sẽ mua số mới đó. Ninh đưa tay lên: − Thì thôi! Rồi anh chuyển đề tài: − Tối nay vui chứ? Thuỵ buột miệng: − Xui tận mạng! Suýt nữa là mất cái di động. − Sao vậy? Thuỵ ậm ự: − Bị giật nhưng tụi nó chạy không kịp đành thảy lại để thoát thân. Ninh nheo mắt: − Vậy là hên chứ xui gì. Nhớ rút kinh nghiệm đừng bao giờ nghe điện thoại dọc đường dù biết đó là bồ gọi. Thuỵ buột miệng: − Thì đó... Ninh nhướng mày: − Ủa! Mày không đi chung với em Quỳnh sao? y ậm ự: − Tối nay Quỳnh đi sinh nhật bạn mà em thì chẳng hứng thú gì với đám bạn của cô ấy. Ninh cười khì: − Yêu thì phải chiều phải lụy. Mày làm thế nó sẽ buồn. y nhếch môi: − Quỳnh còn thiếu gì tiết mục vui. Cô ấy chẳng có thời gian để buồn đâu. Hai người chợt rơi vào im lặng. Ninh đốt thuốc rồi phà khói đầy phòng. y ngập ngừng: − Anh biết ông Tư Đờn ở cuối ngõ nhà mình không? Ninh có vẻ ngạc nhiên: − Biết! Mà sao? y hỏi tiếp: − Ông ta là người thế nào? Rít một hơi thuốc, Ninh trả lời: − Một gã nát rượu, sẵn sàng hạ mình để có rượu mà uống. y hỏi tới: − Nghề nghiệp? Ninh nhún vai: − Anh không rõ lắm. Chỉ thấy ông ta la cà ngoài quán bà Tám Minh để cá độ bóng đá, để bốc phét khi rượu vào. Ở đây người ta ngại đụng chạm với ông ta lắm. y gật gù ra vẻ biết chuyện: − Chắc tại cái tật ăn vạ làm tiền chớ gì. Ninh tò mò: − Sao mày lại hỏi về lão Tư? − Hôm trước chơi đá banh với đám nhóc ở bãi cỏ cạnh nhà, em lỡ đá trái bóng trúng con gái ông Tư Đờn. Ông ta làm dữ lắm, rồi đòi đền đủ thứ tiền. Thấy ông ta quá đáng, em bảo muốn gì thì ghé nhà anh Ninh, em đang ở đó. Nghe tên anh, ông ta xìu xuống như bóng xì hơi. − Sau đó thì sao? − Em chờ mãi song chẳng thấy ông ta ghé để nhận tiền, chắc ông ta sợ uy của anh. Ninh phì cười: − Anh mà uy gì cơ chứ. Có điều lão Tư biết trông mặt mà bắt hình dong. Lão cà chớn cà chua với ai không biết, riêng với anh lão luôn né tránh dù anh và lão chưa nói chuyện với nhau bao giờ. y hỏi bằng giọng nhẹ tênh: − Còn nhỏ Su thì sao? Ninh nghênh mặt ra: − Nhỏ Su nào? − Con gái lão ấy! Chẳng hiểu sao em cứ đụng phải con nhỏ đó hoài. Ninh ngạc nhiên: − 'Đụng' như thế nào mà chú mày bảo là đụng hoài? y chép miệng: − Mới tức thời, nếu bọn giật điện thoại của em không đâm sầm vào xe của nhỏ Su thì tụi nó đã thoát và em đã tiêu cái di động này rồi. Ninh kêu lên: − Con nhỏ đó có bị sao không? y ậm ự: − Xe thì cong niềng, người thì xây xát vài ba chỗ. − Chết thật! − Em tưởng bị nó ăn vạ như lần trước nên mới tiếng trước tới tiếng sau là em đã lật tẩy nó. Con bé liền trở mặt nhà lành đùng đùng tự ái đuổi em đi. Thế là em đi... Ninh trợn mắt: − Trời đất! Mày bỏ mặc con nhỏ một mình với cái xe cong niềng đó hả? y nhún vai: − Nói thật trong lòng em rất muốn vậy cho bõ ghét, nhưng dầu sao em cũng còn được một nửa lương tâm nên em gọi xích lô chở nó và cái xe hư về. − Tư Đờn nói sao? − Em đâu vào trong đó làm gì. Chỉ nghĩ tới bộ mặt trơ tráo của ông Tư Đờn em đã ngán tận cổ. Đưa nhỏ Su tới đầu ngõ là em đã làm ơn rồi. Giọng Ninh trĩu xuống: − Nhưng dầu sao con bé ấy cũng là nạn nhân của bọn giật dọc. y bọt miệng: − Em cũng là nạn nhân vậy. − Nhưng mày là đàn ông, mày không thể nhỏ mọn với người là nạn nhân gián tiếp của mày. Là đàn ông phải có lòng hào hiệp chớ. − Con nhỏ Su cũng chả hiền lành gì nên giờ đó mới còn ngoài đường, nó cần gì em giúp. Ninh nhìn y bằng nửa con mắt: − Vậy giờ đó em Vân Quỳnh hiền lành của mày đã về nhà chưa? y cứng họng. Anh khó chịu: − Sao anh lại so sánh Quỳnh với con nhỏ đó? − Tao chỉ đặt một câu hỏi chứ không so sánh. Cả hai đều là phụnữ, nếu Vân Quỳnh rơi vào hoàn cảnh của nhỏ Su thì sao? Chắc mày không tiếc lời nguyền rủa thằng đàn ông, chủ chiếc điện thoại di động chớ? y nổi cáu: − Mệt quá! Không nói với anh nữa. Ninh ném điếu thuốc hút dở ra sân rồi nhìn đốm lửa đó lụi dần. y ngập ngừng mãi mới nói: − Dầu ông Tư Đờn thế nào cũng là hàng xóm, em nghĩ nên đưa nhỏ Su tí tiền để nó sửa xe. Anh thấy được không? Ninh mai mỉa: − Tao tưởng chú mày... không thấy cả chuyện nên làm này nữa chứ. y gãi đầu: − Em định nhờ anh gặp ông Tư Đờn. Ninh lừ lừ mắt: − Sao lại nhờ? Tao cũng có quen ổng đâu. − Sáng sớm mai em đi thực tập ở Đà Lạt rồi, đâu gặp nhỏ Su và ba nó được. Ninh nhún vai: − Mày bán cái giỏi thiệt, nhưng tao không nhận thì mang tiếng có thằng em không biết điều. Với tao, uy tín, danh dự là trên hết. y phật ý: − Bộ em uy tín, danh dự là đồ bỏ sao? Ninh gật gù: − Tao biết lòng tự trọng của mày cao ngất trời mây, nhưng nên nhớ tự trọng quá đâm ra tự cao đó. Mày không muốn tận tay đưa tí tiền cho nhỏ Su vì mày thấy mình quá cao còn con nhỏ quá thấp chớ chả phải lý do đi Đà Lạt gì cả. Tao sẽ làm việc này thay mày với một lời khuyên: Hãy tập nhìn thế giới quanh mình bằng đôi mắt khác đi. Ninh bước ra hành lang vươn vai làm vài động tác thể dục bỏ mặc y một mình, y hơi ngượng vì những gì Ninh vừa nói. Thế giới này với anh chả có gì tốt đẹp hết, anh cần chi phải tập nhìn nó bằng một đôi mắt khác chứ. NHẤM nháp ly cà phê, phả vu vơ vài làn khói thuốc, Ninh lơ đãng bắt chuyện và Tâm chủ quán. − Hôm nay không thấy ông Tư Đờn hả dì Tám? Bà Tám Minh nhún vai: − Chắc dậy chưa nổi. Tối qua lão uống say quắc cần câu, giờ này chắc còn phê. Nhìn Ninh, bà tò mò: − Ủa, sao bữa nay cậu hỏi thăm cha Tư vậy? Ninh rít một hơi thuốc: − À, thì thấy vắng nên hỏi vậy mà. Thật ra ông Tư là người như thế nào hả dì? Bà Tám Minh nói: − Nghe đâu hồi đó ổng là nhạc công sau đó ổng nghỉ làm ở phòng trà, về nhà dạy tụi nhỏ học đàn, nhưng bây giờ cũng hết dạy rồi. Ổng nhậu là chính. Ninh nhíu mày: − Nhạc công phòng trà à? − Ồ! Cậu ngạc nhiên lắm hả? Ninh gật đầu: − Vâng. Nhìn ông Tư khó ai hình dung ông ấy từng là nhạc công, dù dáng vẻ bên ngoài ổng vẫn còn khá phong lưu. Song một người phong lưu đâu hẳn là một nghệ sĩ phải không dì? Bà Tám Minh cười: − Ổng giấu cái nghề đờn hát của mình lắm. Ở xóm này người lớn tuổi như tui mới biết ổng là nhạc công, chớ bọn trẻ chẳng mấy đứa biết đâu. Tụi nhỏ nghe kêu ổng là Tư Đờn nó tưởng tại ổng dạy đờn nên gọi thế. − Ngoài con bé Su ra, ông Tư còn mấy người con nữa hả dì Tám? − Nhỏ Su là con duy nhất. Ở với bà vợ sau, ổng đâu có thêm đứa nào. Ninh hơi ngập ngừng: − Con bé Su ngoan không dì? Bà Minh nói ngay: − Ngoan chớ. Nó vừa đi làm vừa đi học đó. − Ủa! Con bé ấy làm gì? − Nó đi dạy kèm. Ờ, mới đây nè, ổng bắt nó đi làm phục vụtrong mấy quán ăn, tối nào cũng về khuya lắc khuya lơ. Thằng cha đó đúng là ác, nếu bán con nhỏ để mua rượu uống được, dám thằng chả cũng bán lắm. Con nhỏ cũng may vì bà mẹ kế là người tử tế, bà yêu thương nó như con ruột. − Mẹ Su đâu hả dì? Bà Minh ậm ự: − Tôi không rành lắm. Rồi bà hất mặt ra đường. − Nhỏ Su tới kìa. Ninh nhìn ra vỉa hè và thấy một cô gái, trái tim Ninh chợt nhói lên. Anh thật sự bị choáng bởi gương mặt của Su, trông con bé thánh thiện quá, vậy mà y lại nghĩ Su là kịch sĩ diễn rất đạt vai ăn vạ. Thằng nhóc nghĩ xấu cho Su chỉ vì nó ác cảm với ông bố. Bưng ly cà phê lên uống để dằn cảm xúc bất chợt đến, Ninh nghe bà Tám Minh hỏi: − Không đi học hả Su? Giọng cô bé trong veo: − Dạ, xe con bị hư. − Cái xe đó cũ quá rồi, ráng dành dụm mua cái khác con ơi. Khuê Tâm nói: − Tại hôm qua xe con bị xe khác tông vào nên mới bị cong niềng gãy căm, chớ nó vẫn còn... chiến đấu lắm. Bà Tám lắc đầu: − Chiến đấu con khỉ khô. Phải ba mày đừng ăn nhậu, cô Yên thừa sức mua xe máy cho mày ấy chớ. Khuê Tâm chớp mi: − Ba con thì nói làm gì... Ninh chạnh lòng nhìn cái dáng nhỏ nhắn với mái tóc đen nhánh của Su cúi xuống. Trông cô bé như con thỏ bạch xinh xắn, mềm mại khiến Ninh muốn được chia sẻ với Su những nỗi trắc ẩn cô đang mang trong lòng. Giọng bà Tám lại vang lên: − Ba con đâu? − Dạ Ở nhà. Dì Tám bán cho con tô phở. − Để về cho ổng chớ gì? Hừ! Nếu con đi học lấy ai cho ổng sai vặt? Rõ chán! Khuê Tâm cười hồn nhiên: − Ai bảo con là con của ba con làm chi. Dứt lời cô nhìn thoáng về chỗ Ninh ngồi và bắt gặp ánh mắt của anh. Vội vã Tâm quay đi và đón lấy cái gà- mên phở từ tay bà Tám Minh. Trả tiền xong, Tâm nói: − Con về nha dì Tám. Ninh bâng khuâng nhìn theo. Anh biết cô bé Su dị ứng với bộ dạng bên ngoài của mình, điều đó cũng phải vì anh không là một hoàng tử đẹp trai như y để các cô gái mới lớn mơ mộng mông lung, trái lại anh có dáng vẻ rất du côn, đã thế anh lại dạy võ cho một số câu lạc bộ võ thuật ở thành phố, nên dân ở xóm này thường có cái nhìn dè dặt dành cho anh. Trong mắt họ, chắc anh rất dữ dằn. Ly cà phê đen đã cạn song Ninh vẫn chưa muốn đứng dậy. Anh đốt điếu thuốc thứ hai cho buổi sáng nay rồi suy nghĩ xem lát nữa sẽ bắt đầu như thế nào với ông Tư, để ông ta không yêu sách với anh. Ông ta có thể... nhân danh người cha để đòi hỏi cho con gái chớ. Ninh rít thuốc lên tục. Anh rất khó chịu khi chợt nghĩ tới ba mình. Tính cách của hai người khác nhau xa quá, nên Ninh không sống với ông. Anh tự lập lúc hai mươi tuổi, khi đang học đại học. Với anh chuyện vừa làm vừa học là chuyện thường, nhưng vừa làm vừa học, lại vừa nuôi một ông bố nát rượu thì đúng là hiếm thấy. Tội nghiệp! Có lẽ tội nghiệp nhất là cô bé không có mẹ. Chợt Ninh lại nghĩ tới mẹ của mình. Bà cũng không sống cùng anh, Ninh cũng không có mẹ cho riêng mình, dường như anh và cô bé Su có vài điểm tương đồng. Cái di động rung lên. Anh lấy ra nghe. Giọng y bồn chồn: − Anh lo hộ em chuyện nhỏ Su chưa? Ninh ôn tồn: − Anh sẽ lo chuyện đó sau khi hút xong điếu thuốc này. OK? − Vâng. Em cám ơn.