Nghĩa là:Thương người khó nghèo, liền ra lòng trắc ẩn,Đem vào chiêm bao, chỉ tỏ việc đường trước.Có bài kệ rằng: Làm lành phải giữ thiệt lòng cam,Đừng muốn lời khen giả chí ham,Hư dối tiếng chê nào khá đặng,Trở thành bị nói việc gian tham.Mấy câu thi trên đây, ý nói việc làm lành phải giữ chắc thiệt, bằng làm chi muốn cho người biết mà khen, muốn đặng việc tốt cho mình, đó là hư dối; ham tiếng khen chẳng có lòng chơn thiệt, còn người nghèo khó cậy nhờ chẳng đặng, tuy có tiền bao nhiêu cũng khó nên việc lành thiệt. Đã chẳng làm nên việc lành, trước mặt có chỗ lầm sai, sao lại đặng hưởng phước mà than thở?Thuở đời Tống gần hết, tỉnh Xiểm-Tây, huyện Hàm Dương có một “Đại-Ngụy-Thôn”, trong thôn ở hơn mấy trăm nhà, hết nữa phần mang họ Vương là một tộc lớn. Trong tộc họ Vương có một người đàn bà góa, hơn 40 tuổi sanh đặng một trai, một gái đều gã cưới rồi, bà ở tâm tánh từ hòa, lòng hay háo thiện, hễ thấy con ai cũng như con mình thường hay kêu con con, vì vậy trẻ nhỏ biết chừng, hễ khóc thì kêu Má Má, bà nghe liền ứng nói: - Má đây con! Má đây con!Người người kêu bà là “Vương Má Má”. Trong nhà giàu có, bình sanh hay làm việc lành, thương người tu hành, thường hay trai tăng bố thí, bái Phật tụng Kinh, nên ai cũng biết bà là người lành. Thường ngày thầy chùa hay tới quyên tiền, kẻ nghèo khổ hằng bữa xin ăn. Khi đó nhằm tiết mùa Đông, trời mưa rất lớn, Vương Má Má ra đứng trước cửa, thấy hai người ăn mày đi đến xin bà trợ giúp, bà trách rằng: - “Sao không đi làm mà ăn? Để đi xin cực khổ. Chắc làm biếng lắm, ham nhàn du hí, ai có cơm tiền dư mà cho bây?”. Bà nói dứt lời có mấy thầy chùa đến quyên tiền, bà lật đật lấy tiền gạo đem cho.Hai người ăn mày thấy vậy hỏi rằng: - “Bà sao ham thí cho thầy chùa mà không giúp kẻ nghèo khó? Cớ sao vậy?”. Vương Má Má nói: - “Chẳng phải ta ham thí cho thầy chùa, vì thầy biết tụng kinh, biết tu hành, ta bố thí tiền gạo cho người, người tụng kinh tiêu tai cầu thọ cho ta. Còn giúp đỡ cho bọn bây chẳng qua là ở trước nhà ta nói giỡn cho vui, nào có ích chi đâu?”. Hai người ăn mày nói: - “Trong kinh có nói: làm ơn chẳng cầu trả, còn cầu trả chẳng phải làm ơn. Nay bà cho một chén gạo ít đồng tiền mà mong cầu cho tiêu tai thêm tuổi, như vậy sợ bà lầm chăng?”. Nói rồi bỏ đi.Có bài kệ rằng: Bố thí chay tăng thiết việc lành,Đói nghèo khổ cực phải thương đành,Chỉ cho tăng đạo, không thương khó,Mất chỗ công lành trước tỏ rành.Hai người ăn mày thấy bà chẳng chịu cho, nói rồi bỏ đi. Tới xóm trước thấy một cái cửa lầu sơn đỏ, liền kêu một tiếng lớn: - “Gia gia cầu giúp!”. Nhà ấy là nhà ông họ Vương tên là Hỷ, hiệu là Thanh-Đức, mặt đỏ râu dài thần sắc hẳn hòi có chí lượng lớn, ước chừng 40 tuổi ngoài. Lúc nhỏ có học thi thơ, công danh chẳng đậu, bỏ văn tập võ, thi đậu Võ-Khôi, làm quan Hiếu Liêm. Bữa nọ trời mưa lớn, Hiếu-Liêm cùng người vợ là Châu-Thị với con tên Thu-Lan, đang ngồi vây bếp lửa đốt hơ, vẳng nghe bên ngoài cửa: - Gia gia cầu giúp! Ông nghe liền ra coi, thấy hai người ăn mày, ông hỏi rằng: - “Việc cầu gia gia tế giúp, hay là gia gia cầu tế giúp?”Hai người đáp rằng: Việc chẳng khá tỏ, nói rõ ắt sinh nghi. Ông nghe nói chẳng nhằm lẽ rồi cũng chẳng hỏi nữa, lại thầm tưởng đương khi mưa lớn dãy đầy trời đất, núi khuất chim bay không thấy, đường không người đi, sao lại thấy hai người mặc áo mỏng chịu lạnh? Ông liền động lòng trắc ẩn, bèn nói: - “Mưa lớn lạnh lắm hai người đi sao đặng? Thôi ở lại đây, bên cửa tôi có cái nhà trống, trong nhà có ván nhỏ nằm nghỉ cũng đặng, thỉnh hai anh vô nghỉ chơn, để hết mưa sẽ đi”. Hai người đáp rằng:- “Như vậy tốt lắm!”. Ông liền mở cửa cho hai người vô nghỉ, rồi trở vào nhà biểu tôi tớ dọn cơm cho hai người ăn.Có bài kệ rằng: Ít người trọng nghĩa đặng khinh tài,Chịu rước khổ nghèo thỉnh đáo lai,Chỉ có khi xưa Vương-Võ-Cử,Bình sanh khẳng khái biết dồi mài.Hai người ăn mày ở tại nhà Võ-Cử (Hiếu-Liêm) hai bữa mới hết mưa, ý muốn dời, liền thấy Võ-Cử đi đến, có đứa tớ gái tên Ngọc-Khuê bưng một mâm rượu. Ông nói rằng: “Mấy ngày rày tôi không rảnh cùng hai anh chuyện vãn, vậy xin mời hai anh uống chén rượu luận đàm việc ấm lạnh, chưa biết hai anh chịu không?”Hai người đáp rằng: - “ Rất hay!”Rồi ông kêu Ngọc-Khuê dọn tiệc mời ăn, hai người cũng không từ nhượng lễ, liền ngồi dùng hết hai bầu rượu. Tiệc đã vừa say, ông hỏi rằng: “Tôi chưa biết hai anh tên họ chi? Bình sanh làm nghề gì? Xin hai anh tỏ bày.” Đáp rằng: - “Anh em tôi từ bé đến nay chưa biết buôn bán nghề chi, cũng không muốn tạo việc bó buộc. Tôi tên là Vô Tâm-Xương, anh đây tên Kim-Trọng.” Võ-Cử hỏi: -“Ý tôi muốn giúp chút tiền vốn cho hai anh làm sanh lợi qua ngày thì khá hơn đi xin ăn khó nhọc, không biết ý hai anh tính sao?” Kim-Trọng nói:- “Không đặng! Tôi bình sanh hay quen đạm bạc du nhàn, chẳng muốn việc ràng buộc tay chơn.”Ông nghe Kim-Trọng nói biết không chịu, lại hỏi Vô-Tâm Xương rằng: - Anh Kim-Trọng không chịu sanh lợi, còn anh chịu chăng? Vô-Tâm-Xương đáp: - Tôi còn hơn anh đó nữa! Có nghe trong sách nói: “Gia kê hữu thực than qua cận. Giả hạc vô lương thiên địa khoan”. Nghĩa là: Gà nhà tuy có lúa ăn mà chảo nước gần một bên, chẳng biết bữa nào vô đó. Con hạc tuy ở rừng không lương thực mà trời đất rộng rãi bay cao bay thấp tự lòng, khỏi ai ngăn đón. Như tôi thọ của này là cái mối ràng buộc mà nhục cầu lợi nhỏ, ắt thân này phải lao lực, sao đặng chỗ tiêu diêu?Vương-Võ-Cử than rằng: - Tỉnh thay! Nghe hai anh nói thật thanh nhàn, chí đủ cao xa. Tôi xem hết cuộc đời trong thiên hạ, nhiều người trọng việc quan tước, lấy chỗ tiền bạn ân ái mà làm vui. Như hai anh nay theo việc thanh nhàn, vui riêng đạo đức, nào ai biết đặng. Vô-Tâm-Xương nói: - Bạn tôi thật chẳng cầu ai biết, nguyện Trời Đất hay mà thôi; như muốn cầu người biết thì chẳng vào chỗ xin ăn này.Vương-Võ-Cử nghe nói lời siêu quần trên bực, chẳng dám khuyên nữa, rồi biểu Ngọc-Khuê dọn dẹp bàn tiệc, mời vào nhà trong. Bữa sau hai người thưa đi, Vương-Võ-Cử đưa ra ngoài xóm cách một dặm đường, trong lòng còn mến chẳng đành trở lại, đưa thêm một đổi, liền thấy cái cầu giữa đường, ông thầm tưởng: xóm này chẳng có cầu, giống như cảnh lạ. Trong ý sanh nghi, ngó lại liền thấy Đại-Ngụy-Thôn mù mù xa lắm, ông đương suy nghiệm, kế vẳng nghe Vô-Tâm-Xương kêu: - Ông Hiếu-Liêm! mau lại đây nói chuyện. Hiếu-Liêm ngó lại thấy hai người ngồi tại đầu cầu, nghe Kim-Trọng vỗ tay ca, ấy là muốn mở rộng cái ý của Hiếu-Liêm.Ca rằng:Của tiền tụ tán hề; áo mão lâu cũng hoại!Có ai như ta hề; gởi thân cho thế ngoại!Chẳng thiếu tiền lương hề; khỏi mắc nợ oan trái!Chẳng nói hơn thua hề; chẳng luận hưng cùng bại!Chẳng giao việc tục hề; khỏi bị người chê dại!Một áo bá nạp hề; năm năm thường mặc hoài!Rách lại vá lành hề; dơ giặt phơi tự toại!Ban ngày mặc lên hề; tối thay làm mền cái!Chẳng sợ trộm tham hề; cũng không người quấy dại!Thường giữ tiêu diêu hề; một lòng chơi thượng giới!Ai biết ý ta hề; thời phải cúi đầu lại!Phép ta vô cùng hề; khiến người ngàn năm toại!Tiếc người chẳng biết hề; đem ơn trở làm hại!Vương-Hiếu-Liêm nghe ca dứt rồi Vô-Tâm-Xương nói: Hiếu-Liêm có lòng đưa xa đáng đãi một chén rượu. Dứt lời, trong tay áo lấy ra bầu rượu rót một chén mời Hiếu-Liêm uống. Ông uống luôn ba chén, liền quì lạy tạ ơn dường như uống đặng linh đơn, cười luôn ba tiếng khí tượng hân hoan rồi nằm trên cầu mê man như ngủ. Xảy đâu Vô-Tâm-Xương chạy lại kêu: - Đừng ngủ! Đừng ngủ! Đi chơi cùng ta xem coi cảnh lạ. Vương Hiếu-Liêm lúc đó say rồi, chiêm bao mơ màng đi theo Vô-Tâm Xương một đỗi, thấy có tòa núi cao cản lại giữa đường, Hiếu Liêm nói: - Núi cao làm sao lên đặng? Trong lòng còn sợ khó. Kim-Trọng nói: - Theo đường của ta tự nhiên lên đặng. Hiếu Liêm liền theo Kim-Trọng một khắc tới đảnh, rất xinh bằng phẳng, có một cái ao lớn, trong ao có bảy bông sen vàng, sinh tốt lạ thường.Hiếu-Liêm thấy trong lòng ham muốn, khen rằng: - Bông sen tốt quá! làm sao hái cho tôi một bông. Ông vừa nói rồi Vô-Tâm Xương nhảy xuống ao, bảy bông sen đều hái hết, đưa cho Vương-Hiếu-Liêm mà rằng: - Giao hết cho ngươi, phải gìn giữ cẩn thận, bảy bông sen này có bảy vị chơn-nhơn là: Khưu, Lưu, Đàm, Mã, Xích, Vương, Tôn. Bảy người cùng Hiếu-Liêm có duyên thầy trò, ắt có ngày gặp nhau đặng mở dạy đường Đạo. Vậy phải nhớ hoài mới chẳng phụ lòng ta cho ngươi bảy bông sen này.Hiếu-Liêm muốn trở về nhà bèn hỏi rằng: - Chừng nào gặp hai anh nữa? Vô-Tâm-Xương đáp: - “Hội kỳ nguyên bất viễn, chỉ tại lưỡng cá tam. Nhưng tùng ly xứ ngộ, kiều biên liễu vạn viên.”Hiếu-Liêm nghe dứt liền bước chơn xuống núi, xảy bị bên đường cản sợi dây vấp té xuống núi.Đừng nói lên cao mà chẳng dễ,Phải biết xuống thấp mới gian nan.