Chương 2

 
Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần giậy nối mộng em xưa
Bùi Giáng
2. Bãi sông khuất vắng mấp mé bờ nước lúc triều dâng. Tàng cây si già rậm xanh mái lá la đà tỏa bóng xuống khoảng bờ cát phủ lá mục êm ái bước chân. Ðôi trai gái tình cờ tìm ra chổ hẹn hò lý tưởng vào một buổi trưa sau buổi dạy tìm chổ trốn nắng trốn người. Lớp rơm khô trải ra ân cần mời họ ngồi xuống bên nhau. Thân xác chìm ngập vào nhau trong chiếc nôi êm hạnh phúc tuyệt vời. Không gian ríu lại chẳng một thoát hương, đôi vòng tay tìm nhau ghì xiết cơn giật động vỡ bờ cho vành môi sặc trào từ lồng ngực đam mê từng âm thanh nguyên thủy thấm lộng đến tận cùng cảm giác. Cô gái trễ tràng khuy áo, trầm mình xuống giòng sông lặng lờ con nước. Sau lớp vải mong manh, cặp đỉnh vú nhọn hoắt xuân thì lồng lộng trong bóng nước. Buổi trưa im ngát, râm ran tiếng ve luân chuyền trong rừng cây vắng gió. Trời xanh không một vẩn mây. Bóng Trường Sơn chập chờn dao động lúc cô gái khua đôi tay trần làm thành những vòng sóng dần lan trên mặt nước.
Người họa sĩ căng mắt nhìn giòng sông trước mặt. Mái tóc người yêu thon thả bồng bềnh theo điệu sóng lơi lả trên bờ vai trắng ngần. Chàng cảm thấy hồn mình tan loãng theo từng giọt nước vỗ về lên dáng nàng nguyên sơ ngà ngọc. Người họa sĩ nín thở say sưa chuyền lên khung vải qua từng nhát cọ, từng tảng màu, mối tình cảm nồng say đang rần rật trong thân xác mình.
Cô gái e thẹn nhìn người thiếu nữ khỏa thân trong bức họa.
- Ông ni thiệt! Vẽ chi mà cả vạc dể sợ rứa?
Người họa sĩ mang giá vẽ lên vai. Anh sánh bước cùng người yêu, nói nhỏ vào tai nàng.
- Em vừa có biệt danh mới... Em là “Con Gái Thầy Ðồ”...
Tiếng cười đôi trai gái dòn tan trên con dốc nắng lúc họ đuổi nhau chạy về phiá trường học.
Cặp tình nhân đang sống những ngày chứa chan hạnh phúc. Họ chẳng ngớt nhìn nhau rồi cùng nhìn về phía cuối giòng sông. Nơi phố xá gia đình, nơi ước mơ đậu lại cho một cuộc trở về. Họ chỉ cần có nhau, ngoài ra tất cả đều là phụ thuộc. Chẳng ngại chi cuộc sống thiếu thốn gian khổ, hai người chỉ mong làm tròn trách vụ giao phó ở trường học để được yên thân. Người họa sĩ quen dần với công tác kẻ biểu ngữ. Những khẩu hiệu thi đua, diệt Ngụy chống Mỹ cứu nước, màu vàng đỏ treo khắp cùng thôn làng giải phóng. Sau vài lần bị phê bình kiểm điểm, anh học được thói quen cất xếp suy nghĩ sáng tạo ở một góc riêng trong trí tưởng mình để thuần thục hoàn thành những bức vẽ hiện thực theo đúng yêu cầu. Anh vẽ đi vẽ lại mặt mày những cô gái khỏe mạnh, cổ ngắn mà to, không có nét ngực, và cánh tay tròn trục nắm lại giương cao trong nền trời đỏ rực chói chang. Anh vẽ với nỗi phiền hà chôn kín trong lòng.
Nhiều đêm mỗi tuần, lớp học được dọn làm nơi học tập kiểm thảo cho nhóm thanh niên sinh viên bỏ phố vào bưng. Lá cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng may vụng về được treo phủ lên tấm bảng đen. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn thắp bằng đá khí xì tỏa mùi hôi, phần xanh bẩn bạc nhược của lá cờ xám chìm vào tấm bảng loang lổ vết phấn.
Người xã đội trưởng du kích, gã học trò đệ nhị trường Nguyễn Du, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để hậm hực bóng gió về liên hệ tình cảm giữa người họa sĩ và cô gái hắn vẫn hằng mơ tưởng. Những lần như thế, họ chỉ im lặng nhìn nhau cười qua ánh mắt.
Cho đến một hôm, điều mà đôi tình nhân không hề dám nghĩ tới đã giáng xuống cuộc đời họ như nỗi khe khắt của định mệnh. Người họa sĩ được trên “chiếu cố” cho đi “thực tế” ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Gã xã đội trưởng mừng rỡ ra mặt khi mang lệnh công tác đến cho anh. Hắn hí hửng ra điều biết chuyện.
- Anh Phủ trong chiến đoàn Nguyễn Ðại Thức ngày trước, chừ làm lớn ngoài Vinh, giúp anh đó. Rứa là anh đạt được nguyện vọng rồi, sướng hỉ! Cô gái thành phố lớn nhanh qua những tai ương dồn dập xảy đến với nàng. Mất cha, mất liên lạc với gia đình, nay lại phải xa cách người yêu. Họ bám víu vào hi vọng anh chỉ đi công tác vài tháng sau đó sẽ trở về lại. Buổi chiều trước ngày đi, đôi tình nhân yêu nhau trong tổ ấm của họ lần cuối. Hai người ôm nhau, im lặng nhìn bóng Trường Sơn u uẩn đổ chìm trong giòng sông đục màu mây xám lao đao.
Người họa sĩ trao cho nàng bức họa ghi dấu thời yêu thương vô vàn của hai người. Cô gái gạt lệ, nhìn thật lâu vào mắt người yêụ..chỉ để rồi khóc nức nở trên đường về qua con dốc hiu hắt nắng tàn.
Niềm hi vọng được trở về với người yêu sau vài tháng đi “thực tế” đã kéo lê thành phần đời đau thương suốt bảy năm dài. Năm đầu tiên là giai đoạn đau khổ nhất của người họa sĩ. Nỗi quay quắt nhớ người yêu và sự thất vọng khi nhìn ra khuôn mặt thật điêu tàn của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa khiến anh quá đỗi đau lòng. Anh tìm cách nhắn tin nhưng tất cả đều không có kết quả. Biết bất cứ ai đi công tác Trị Thiên anh đều viết thư nhắn gởi rồi thấp thỏm vắn dài chờ đợi mãi một hồi âm không bao giờ đến. Bảy năm đăng đẳng chậm chạp trôi qua với công việc tẻ nhạt của một gả thợ vẽ quẩn quanh với hai màu vàng đỏ nghèo nàn. Trong giấc ngủ đến khó khăn từng đêm, hình ảnh người mẹ bồng con đứng buồn bã bên giòng sông vẫn thường hiện về khiến anh bừng tỉnh ngờ ngợ hỏi lòng rồi chong mắt đếm canh dài.
Sau tháng Tư năm bảy lăm, niềm vui của người họa sĩ chóng tàn như ngàn cánh sen tả tơi trong hồ Tịnh Tâm thiếu nước đọng bùn khô. Gia đình Ðông, sau ngày nàng vô bưng rồi người cha bị sát hại chôn tập thể ở Bãi Dâu, bà mẹ và hai đứa em nàng đã bỏ xứ vào Nam lập nghiệp, không hề trở lại Huế. Anh theo đò lên khu làng xưa bên tận đầu nguồn sông Hương tìm hỏi dấu tích người yêu. Dân trong làng cho hay không lâu sau ngày anh phải đi “thực tế”, vì có vấn đề với người xã đội trưởng du kích, Ðông đã bỏ vùng giải phóng đi biệt. Gã du kích thì bị lính Sài Gòn bắn chết trong một trận càn.
Những ngày sum họp tự hào cũng qua nhanh với gia đình người họa sĩ như nước nguồn chảy trào qua Bao Vinh đầm đìa lối gạch cũ mòn hưng phế. Ðứa con kháng chiến trở về thất vọng với công việc nhàm chán là cán bộ thông tin văn hoá ở một xã nghèo nằm cuối giòng sông Hương trắng xác bơ phờ cánh đồng muối mặn. Anh chẳng lo toan được chi cho gia đình. Cha mẹ cần mẫn chắt chiu từ bao năm, vất vã gầy dựng được tiệm may ở Ngã Giữa, nay phải hàng ngày ra vào âu lo phờ phạc vì bị quy là tiểu tư sản, thuộc diện kiểm kê. Người em trai là sĩ quan quân đội miền Nam thì vất vã lao đao trong trại cải tạo mờ mịt núi xa. Niềm đau lớn nhất của anh là ước mơ được diễn tả suy tưởng và cái nhìn của người họa sĩ qua màu sắc riêng biệt của mình thì đã như cánh đóm lẻ loi, chập chờn, mất hút đêm thâu. Ðã bao lần sau đêm thức trắng say sưa với dao cọ, người họa sĩ đành phải bất lực buồn bã nhìn tác phẩm mình trước khi xếp cất vào nơi khuất lấp. Từng hoàng hôn nhìn ráng chiều lung linh trên nóc hàng dương rũ đầu muộn phiền lối gió thấp thoáng cánh buồm từ biển về, lòng anh càng nung nấu giấc mộng ra đi.
Vùng đất tự do cuối biển Thái Bình xa đã giúp hiện thực giấc mơ của người họa sĩ. Anh được nhiều người trong xã hội phương Tây mến mộ qua nét vẽ độc đáo đầy sức sống lứa đôi. Thế nhưng càng vẽ anh càng nhớ nhiều tới người xưa nơi nguồn sông khốn đốn. Ðời sống vật chất đầy đủ và cuộc hôn nhân vội vàng chẳng giúp được chi cho cuộc sống tinh thần sa sút. Chỉ sau vài năm trong cảnh sống gia đình bế tắc, với chiếc bàn chải đánh răng trong túi áo và chai rượu trên tay, anh bỏ nhà từ giã người đàn bà đã không mang lại sự bình an trong tâm hồn anh vẫn mãi hoài tìm kiếm. Hội họa, nỗi cô đơn trong nuối tiếc dằn vặt chẳng nguôị..và như thế người họa sĩ sống cuộc đời mình, từng ngày, bắt đầu bằng cơn say vào những buổi sáng.
Sự bồng bột oan khiên thời tuổi trẻ đã khiến anh và biết bao người cùng trang lứa ngờ vực chối bỏ hạnh phúc niềm vui đến trong tầm với. Chỉ để rồi chẳng thể nào tìm lại được trong suốt quảng đời còn lại. Cô học trò duyên dáng hồn nhiên, sống trọn vẹn cho tình yêu bên bờ nhân duyên đành đoạn. Cô gái Gio Linh héo hon bầu ngực, gồng gánh nước sông dưới bóng trăng lu khuyết huyễn giấc mơ tàn. Người đàn bà trên vùng đất lưu vong, sòng phẳng trong cuộc sống và tình yêu. Bức họa đầu tay anh vẽ bằng tất cả đam mê thuở vừa yêu, hoang sâu bờ mắt tím và dáng em dìu dặt quán chiều. Bức tranh cổ động d? xanh, cánh tay cô gái nắm chặt giương cao hô hào nhân dân ra sức thi đua lao động. Những họa phẩm được trang trọng trưng bày tại các phòng triển lãm kiêu kỳ ở Sydney, Melbourne, Paris... Anh say bằng những chai rượu đắt tiền để rồi giữa cơn say hình ảnh quá khứ thoắt động trở về vỡ tràn bờ nuối tiếc. Người họa sĩ bồi hồi nghĩ tới hình ảnh gã trai tơ lúc hắn luống cuống giấu món quà tặng tình yêu đầy đam mê vào bụi hoa trong vườn nhà cô gái... Anh có tất cả và anh đã khờ dại bỏ đi.
Sự hối tiếc đã thôi thúc người họa sĩ về bên nguồn sông xưa. Như con thú hoang trở về hang động thoa liếm vết thương đau, anh trở về tìm lại dấu vết yêu thương ngày cũ, mong vá víu manh áo đời đã quá tang thương…
Chuyện đời người họa sĩ đắng cay như từng hớp rượu mạnh ép mời ôn Thiên ráng uống để bạn vui. Quán chiều bên bến đò im bặt tiếng cười nói của nhóm khách cuối ngày vừa rời quán cho kịp chuyến xe nôn nóng đợi trên cầu. Gió từ sông thổi ruồng qua dãy bàn ghế lỏng chỏng, trơ trọi hai ông già ngồi trăn trải lòng mình qua men cay. Ôn Thiên lắng nghe tiếng giòng sông trôi về xuôi, xốn xang sóng động trong hồn rêu phong bờ đá. Biết bao mảnh đời đi qua bến đò Tuần bằng bước chân tình cờ của định mệnh. Họ tất tả lên rừng xuống phố, giết chóc khóc cười, sống vội sống mòn, than vãn, trần tình, rồi đi biệt. Ôn Thiên vẫn một đời ở lại, âm thầm như bóng, nghe ngóng quẩn quanh. Từng âm động, tiếng người, rớt đọng vào tai rồi trầm tích trong ngăn phần trí nhớ của một kiếp mù lòa. Xúc động theo câu chuyện tình của bạn, ôn Thiên nghe từ trong quá khứ trổi dậy từng tràng âm thanh náo động đạn bom và giọng nói ngọt ấm của người thai phụ trẻ tuổi giữa những ngày hè năm sáu tám. Ôn xúc động lần tìm tay bạn. Những ngón tay già nua run rẩy vỗ về nhau, thiệt thà như tiếng khóc hóa mòn dấu đá in hằn trong ký ức vừa chợt nhảo ra thành giọt nước mắt hoen bờ mắt sâu khép kín.
Không lâu sau ngày người họa sĩ đi “thực tế”, cô gái biết mình có thai. Nàng vui mừng báo cho tập thể hay với hi vọng gã xã đội trưởng sẽ buông tha, không còn theo đuổi ve vãn để được yên thân. Không ngờ hắn lại càng tỏ ra cay cú thô bạo hơn. Một lần lợi dụng lúc vắng người, hắn dùng sức mạnh toan làm hổn, nàng đã may mắn chạy thoát được. Cô gái quyết định trốn khỏi vùng giải phóng về lại Huế. Tên xã đội trưởng dẫn du kích đi tìm bắt nàng lại. Nhằm lúc một đơn vị lính quốc gia đang hành quân lục soát trong vùng, vài du kích bị tử thương trong số đó có cả tên xã đội. Cô gái bị tình nghi là cán bộ giao liên, nàng được đưa về hậu trạm của đơn vị hành quân đóng ở bến đò Tuần để điều tra. Một sĩ quan người miền Nam, biết cô gái lúc ở Huế, đã đứng ra bảo lãnh cho nàng được tự do.
Ôn Thiên uống cạn ly rượu. Ôn ngồi quay mặt về phía giòng sông, bóng chiều trầm lặng phủ lên lũng mắt sâu kín niềm đau.
- Nghe nói người sĩ quan đã cưới cô gái rồi đưa vô sống trong Nam. Dù chi thì cụ mi cũng có được đứa con sống ở mô đó trên cõi đời ni. Còn tui phải chôn con mình lúc chỉ mới là cái bào thai năm sáu tháng.
Người lão bộc mù nghe tiếng thở dài của bạn lặng chìm vào tiếng nấc nghẹn, ấp úng rã rời men rượu. Ôn Thiên nghĩ tới làng Hồ, nơi sinh trưởng. Thuở thằng Thiên mắt sáng, bàn chân tuổi chín mười rón rén bước theo tiếng chim rúc trên con đường làng lổ đổ bóng nắng trưa thơm mùi mít chín. Phần số mù lòa đẩy đưa ôn đi ngược giòng sông Hương đến bến đò Tuần rồi buộc chặt đời mình ở đó. Năm mươi năm qua ôn Thiên sống âm thầm kiếp đời nô bộc trong quán trọ nghèo nàn bên bến sông. Hòa bình. Chiến tranh. Quốc gia. Cọng Sãn. Sống chết. Ðói nghèo. Cười khóc... Tất cả là tiếng đời quen lạ vây quanh, là âm động cuồng quay vùng thính giác bơ phờ nghe ngóng. Trong gian phòng nhỏ cuối quán trọ, chiếc phản gổ mít lâu đời trơn bóng là nơi ôn Thiên hành nghề tẩm quất kiếm sống qua ngày. Tấm gổ dày cả gang tay với bao cát chắn quanh cũng là trần che chắn cái hầm trú ẩn đã bao lần giúp ôn sống còn qua hơn hai mươi năm súng đạn vô tình. Trên tấm phản đó biết bao thân xác rã rời đã trong một giây lát nằm lại thơ thới mà quên đi chiến trường mỏi mệt. Lính quốc gia, lính Sài Gòn, du kích, bộ đội, nam, nữ... chỉ là những sợi gân cốt mỏi rời được ôn xoa bóp chăm lo. Ở đó, có khi những mãnh đời đã được trải ra, kể lể, than thân... trong lúc ôn Thiên chỉ im lìm lắng nghe và cần mẫn làm tròn công việc với đôi tay nô bộc mù lòa.
Cho đến một đêm... Tiếng rên dồn dập lạ tai của o du kích và những ngón tay bấu chặt lên người khiến ôn Thiên dừng tay nghe ngóng hỏi han. Chỉ có tiếng trở người và chút âm thanh cấp bách vừa kịp ghì ríu trong cổ họng. Lúc tay vừa chạm vào đôi bầu ngực căng tròn của cô gái thì trong người ôn cũng chợt rùng rùng cảm giác trào ngợp khó tả làm tim đập nhịp liên hồi. Hai con thú hoang vồ siết nhau trên vùng châu thổ cuộn sóng đam mê mênh mang bờ bãi. Từ đó, căn hầm tăm tối là nơi họ chìm ngập vào nhau cho thỏa thuê cảm giác mở toang trên từng phân li da thịt.
Ngày o du kích cho biết có thai, ôn Thiên vui mừng nhưng cô gái chẳng nói năng chi. Vài tháng sau, cô gái cho ôn biết tập thể đã đưa nàng ra kiểm thảo, bắt buộc phải phá thai và đưa nàng đi làm công tác giao liên ở vùng khác. Ngày chia tay, cô gái chỉ cho ôn biết nơi nàng quăng giấu cái bào thai rồi lặng lẽ bõ đi. Ôn Thiên đã khóc suốt trên đường về làng Hồ nơi ôn chôn cất đứa con vừa tượng hình hài. Và biết bao năm sau đó mỗi khi nghĩ tới cảnh sống cô đơn đời mình.
Cách đây không lâu, trong ngày lễ khánh thành chiếc cầu mới bắt qua sông gần bến Tuần, ôn Thiên đang đứng dưới tàng cây ngô đồng thì nghe có tiếng phụ nữ hỏi chào. Ôn Thiên đó hỉ!?... Giọng người đọng vào tai ông thì cho dù bao nhiêu năm ôn cũng chẳng thể quên. Huống chi... Ôn chợt rúng người, nghe tiếng mình bật hỏi... Rứa O đó hỉ!?... Tui đây... Tiếng trả lời nhỏ lại bước theo người. Ôn Thiên đang lóng ngóng thì có người đẩy ôn suýt té... Tránh chổ ra cho đồng chí chủ tịch huyện đi...
Ôn Thiên thẩn thờ bước về phiá bờ nước. Chỉ có giòng sông mới thấu hiểu được nỗi lòng ôn.