Chương 3 ( hết )

Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần giậy nối mộng em xưa
Bùi Giáng
Tiếng chuyện vãn của nhóm đàn bà ở dưới vạn đò đi chợ về làm ôn Thiên chợt tỉnh giấc mê ngày... Ôn Thiên ni thiệt, ra tuốt ngoài sông mà ngủ nướng. Ôn nằm trên nắng dưới nước như rứa coi chừng bị đau thương hàn đó nghe... Ôn Thiên răng mà giống như ngày càng lẩn từ cái hồi ôn họa sĩ Việt kiều chết tới chừ... Tội nghiệp, đi Ðông đi Tây cho bưa rồi về cái xó ni mà chết một mình... Ôn Thiên ầm ừ vài tiếng khản nghẹt trong cổ họng chừng như để trả lời câu quở trách của mấy mụ o dưới đò thiếu chuyện nói. Ðầu óc ôn bềnh bồng với ý nghĩ hình như mình đã nằm yên ở vị thế này từ lâu lắm. Cảm giác nóng rát trên mặt trên ngực vì ánh mặt trời trưa gay gắt khiến ôn muốn chuồi người hẳn vào lòng nước mát. Ôn biếng lười nằm yên lắng nghe tiếng mái chèo khua xuôi ngược trên sông, lắng nghe từng con sóng nhỏ thì thầm vỗ về quanh thân thể mình. Chỉ có dòng sông mới thấu hiểu được nỗi lòng người sống đời khốn khó, nổi trôi theo định mệnh u hoài của nó. Ôn mường tượng tới đôi bờ sông mãi ngó về nhau, cách biệt một giòng trôi, thất vọng lỡ làng. Sự cách biệt của đôi bờ, thời gian, kiếp người, cũng đau lòng như đắng cay không nói hết.
Ông Trời khiến ôn mù lòa quẩn quanh một chổ lại cắt cớ bắt phải làm chứng nhân câm nín cho biết bao chuyện thương tiếc lỡ làng. Phải chi hai mẹ con người đàn bàghé bến Tuần sớm hơn đôi ba ngày hay người họa sĩ sống thêm mươi hôm nữa. Phải chi... Ôn Thiên nghĩ tới hình ảnh cha con trùng phùng sẽ không bao giờ có trong sự thực mà cảm thấy lòng dạ mình đau như xé. Ôn đã giữ yên lặng để được nghe tiếng cười tràn ngập niềm vui của người mẹ và đứa con gái nhỏ nô đùa trên bến sông. Ðể rồi, buổi sáng hôm sau, khi họ đi rồi, ôn lại băn khoăn tự trách về sự im lặng của mình. Hai mẹ con người đàn bà Việt kiều đến thăm bến Tuần chỉ mấy ngày sau khi người họa sĩ qua đời. Trên quảng đường ngắn từ quán nước về nhà trọ, tiếng trò chuyện bằng ngôn ngữ ngoại quốc thánh thót như chim của hai mẹ con chen lẫn trong tiếng cười khúc khích của cô gái nhỏ khiến ôn Thiên trong giây phút quên cả muộn phiền. Người mẹ nhanh nhân sánh bước với ôn Thiên.
- Xin lổi bác Hai. Cháu nó nói tiếng Việt không rành lắm. Cháu vừa hỏi tôi, mắt bác Hai như vậy mà sao bác đi nhanh hay quá?
- Chỉ một khúc đường ngắn, đi tới đi lui mỗi ngày cả sáu mươi năm ni nên chi quen rồi O ơi.
Ôn Thiên đưa hai mẹ con vào căn phòng khang trang duy nhất của quán trọ, nơi người họa sĩ đã sống mấy tháng cuối cùng của cuộc đời. Người đàn bà vui vẽ giúp ôn Thiên trãi xếp lại chăn chiếu trong phòng. Lắng nghe giọng nói miền Nam hồn nhiên vui tai của người khách trọ làm ôn Thiên cũng trở nên bặt thiệp góp chuyện.
Tiếng người đàn bà nói như reo từ phía cuối phòng nơi treo tranh của người họa sĩ quá cố.
- Sao nhà trọ có nhiều tranh của họa sĩ Lê vậy bác Hai? Ông ta ở Úc mà nỗi tiếng qua tận bên Mỹ đó bác. Ủa, có một tấm hình như đang vẽ dỡ dang...
Nghe nhắc tới bạn, ôn Thiên chợt buồn đến lạc giọng.
- Ôn Lê về thăm quê ở Huế, rồi lên Tuần mấy tháng, uống rượu vẽ tranh. Ôn họa sĩ chết đột ngột vì bệnh tim, chẳng kịp vẽ cho xong bức tranh ôn nuôi dưởng trong đầu suốt một đời lưu lạc.
Giọng người đàn bà chùng xuống ngậm ngùi.
- Tội nghiệp quá! Thuở sinh thời của cha mẹ, cháu nhớ không hề nghe cha hay mẹ đề cập gì đến họa sĩ Lê nhưng có lẽ họ có quen biết nhau. Một lúc nào đó thời son trẻ. Nhà cha cháu để lại bên Mỹ vẫn còn treo bức tranh thiếu nữ bên sông của họa sĩ Lê ký tặng mẹ. Bức họa cũ, tương tự như bức đang vẽ dở dang, nhưng màu sắc thì tươi thắm chứ không xám chìm ảm đạm thế này.
Ôn Thiên đứng lặng người, đôi hỏm mắt phủ mây đục nhướng lên cố nhìn ngoái vào vùng trí nhớ in hằn từng phiến tích âm động khóc cười của những nỗi đời sa chân bước qua bến Tuần một ngày một đêm nào đó.
- Mẹ con O về bến Tuần thăm ai rứa?
- Mẹ cháu mất đã hai mươi năm, còn ông Ngoại của bé Thu qua đời gần ba năm rồi. Trước ngày mất, ông trăn trối ân hận đã không về thăm lại bến Tuần một lần. Ông nói bến Tuần là nơi cha mẹ gặp nhau rồi thành vợ chồng. Thời đó ba cháu là sĩ quan quân đội miền Nam.
- Tui đui mù loanh quanh ở đây suốt đời, có khi đã gặp cha mẹ O rồi mà không nhớ. Rứa chớ mẹ O tên chi?
- Ba thế hệ, ba mùa. Mẹ là mùa Ðông, gởi gắm mùa Xuân cho con gái. Tới phiên cháu, Hạ nghe con trai quá, hơn nữa vùng cháu định cư ở Mỹ mùa Thu đẹp lắm, lá rừng phong đỏ ối in hình xuống mặt hồ gương lắng đọng mây trời.
- Có giống màu đỏ của bông phượng không O? Tui chỉ còn sót lại màu đỏ của phượng trong trí nhớ. Và màu xanh của lá...
Ôn Thiên thẩn thờ bước ra cửa. Gió từ sông thổi ruồng qua hiên trống, mát mùi hơi nước. Hình như có cơn mưa từ nguồn về bay tạt qua đây mang theo tiếng cười của đôi tình nhân lồng lộng suốt dọc một chiều sông dài đăng đẳng mấy mươi năm. Hình như có giọt lệ lắng đọng trong bóng tối của đôi mắt khép, sâu hút kỷ niệm. Ôn Thiên nuốt tiếng thở dài, quay vô nhà lần tìm chiếc dù, đưa cho cô gái nhỏ.
- Cháu đói bụng chưa? Che dù cho mạ kẻo mưa ướt. Ra quán, vừa ăn vừa coi mưa, nói chuyện nhà.
Ðứa bé che tay, thầm thì vào tai mẹ. Người đàn bà tát yêu vào má con, méc với ôn Thiên.
- Bé Thu vừa nói với cháu là ông Hai nên nói là nghe mưa thì mới đúng. Con bé này lí lắc thiệt mà...!
Bàn tay chai sạn ôn Thiên ngại ngần run rẩy xoa lên mái tóc mịn màng của đứa bé. Ôn nhớ tới đứa con chưa kịp ra đời đã phải đành cuộc vĩnh ly.
- Cha mi! Ôn ni coi mưa bằng hai lổ tai mấy chục năm ni không sót một giọt.
Người đàn bà nhìn mưa giăng sa mù lên mặt sông, biệt tăm dáng núi. Những con đò mong manh như lá co ro nép vào nhau nhỏ nhoi tội nghiệp trên giòng nước bất chợt mênh mông. Bà bỗng nhớ quay quắt người mẹ hẩm hiu vắn số, nhớ tới người cha cam chịu sống đời cô đơn, trải lòng hy sinh cho con gái. Số phận nào đã khiến mẹ cha tất tả qua đây, tình cờ nào đẩy đưa họ gặp nhau nơi bến giang đầu rồi dắt díu nhau theo giòng mệnh hệ nổi trôi? Trong cơn mưa chiều từ một đầu sông xa lạ, quá khứ đời người trở về bồi hồi gỏ nhịp như tiếng mưa đang thánh thót rơi đều trên mái lá. Lướt thướt theo làn mưa bay là hình ảnh từng chặng đời thương khổ của mẹ cha. Tháng ngày con thơ dại trong lòng quê nội, êm đềm như cây trái sông nước miền Nam. Năm tháng long đong cơ cầu mẹ vất vã nuôi con, nuôi chồng, trong trại cải tạo. Cái chết oan khiên của mẹ trên đường vượt biển. Cuộc sống trầm lặng của cha trong suốt quãng kiều cư, chấm dứt bằng căn bệnh trầm kha đã hành hạ đớn đau thân xác ông năm cuối đời. Hình ảnh kỷ niệm như khúc phim quay chậm trong sướt mướt mưa chiều, bật thành tiếng nấc kêu thương nghẹn chìm câu chuyện kể.
Người đàn bà ôm con vào lòng, cất tiếng cười nhẹ, cố dằn cơn xúc động.
- Trời nước ở đây buồn quá, có lẽ con người cũng đa cảm đa sầu lắm, phải không bác Hai?
- Thì lúc buồn, khi vui. Như tiếng khóc, tiếng cười, tui vẫn nghe vẫn nhớ tới mỗi ngày. Mãi rồi quen đi. Như O thấy tui cứ lần rãi đi ra đi vô mỗi sáng mỗi chiều, rứa mà đã sáu mươi năm trên bãi sông quạnh quẽ ni.
Mưa vẫn rơi. Ôn Thiên ngồi lặng hồn nghĩ tới sự lỡ làng của thời gian, nơi chốn. Cũng chiếc ghế kia, chỉ vài ngày trước đây, người họasĩ đã ngồi thương tiếc đời mình qua men rượu. Thôi thì cái chi rồi cũng có nguồn cơn. Cho dù là tiếng con khóc nhớ cha mẹ hôm ni hay tiếng người thương khóc số phần nhơn duyên mình ba bốn mươi năm trước. Tội nghiệp là mỗi con người phải đành theo ngã rẽ không vừa ý. Ôn Thiên nghĩ tới mười mấy năm luân lạc của người mẹ. Ôn cảm kích mối tình cao thượng của người sĩ quan miền Nam. Ôn không thể làm chi khác hơn là trân qúi mối tình phụ tử của người cha đã suốt đời hi sinh cho con, tình cảm mà suốt đời ôn chỉ là tưởng mơ vô vọng.
- Thôi, mẹ con O đói thì kêu cơm ăn đi nghe. Ðể tui về gói bức hình tự họa của ôn họa sĩ Lê tặng lại O đem về Mỹ treo kế bên bức tranh con gái bên sông cho vui.

*

Lúc nhóm đàn bà đi chợ chiều ngang qua bến sông phác giác ôn Thiên nằm mê man, nửa người chìm trong nước sông, thì đã quá muộn. Ôn tắt thở trên đường chở tới bệnh xá. Người bến Tuần đưa ôn Thiên về làng quê Ngọc Hồ. Trời đang giữa mùa hè. Ðò chèo theo con sông Bạch Yến lừng hương mùi mít chín. Giòng sông lung linh bóng nắng của hàng phượng nở bông đỏ rực. Ôn Thiên chết rồi.
Tháng Tư, 2005
Phan Thái Yên
 

Xem Tiếp: ----