Đèn cao áp sáng trưng ánh vàng trên con đường dẫn vào thành phố. Về đêm, trong giá lạnh của những ngày cuối đông, người ta ngại ra đường, phố xá dường như thưa người hơn. Thảo ngồi trên chiếc xích lô đã cũ kỹ. Loại xe ấy bây giờ phần lớn đã phế bỏ, thay bằng loại xe tươm tất hơn, có đệm ngồi lót bằng lớp chemie giả da, mui xe có tua vàng lóng lánh. Ở ngoại ô, vài gã xế lô nghèo vẫn dùng nó chở hàng, thỉnh thoảng mới chở khách. Gã chạy xe cho Thảo còn trẻ, râu quai nón, đội mũ cối, cúi rạp người xuống, vừa đạp xe vừa tán chuyện với Thảo: - Chứ em về đâu mà đêm nào tầm này mới về? Sao không ở quách trong nhà hàng cho tiện! Thảo không đáp, đưa tay sửa lại cổ áo cho đỡ lạnh. Gã xích lô vẫn lẻo nhẻo: - Em thấy không, hôm nào anh cũng đưa em về. Giá thì bèo. Dưới đó về có ba ngàn bạc. Anh là anh cho nợ, hôm nào đòi một thể. Thảo quay người lại, bốp chát: - Anh nhắm không đi được để tôi đi xe khác. Xích lô cả đống. Tôi không ưa thứ tán tỉnh nhạt như nước ốc! Gã xích lô dịu giọng, thủ thỉ: - Là nói với em vậy. Anh đây cũng hết lòng ưu ái với em. Rồi đột nhiên lên giọng. Mai em cứ đi với người khác xem ba ngàn hay bảy ngàn. Thảo dư sức biết gã lấy ít tiền hơn người khác. Người khác phải năm, sáu ngàn. Thảo nói cho bõ tức, bõ ghét cái thói mè nheo. Mấy cha xích lô, chữ nghĩa thì không, quê một cục mà cứ ưa tán tỉnh. Dân có học ai chạy xích lô? Thấy Thảo lặng thinh, gã lấn tới: - Cho nợ đến trước Tết thôi đấy! Gã cười hì hì, rướn sức đạp vèo vèo, chiếc xích lô đảo qua đảo lại, suýt đâm vào một chiếc xe gắn máy đi ngược chiều. Thảo hốt hoảng: - Anh làm cái trò gì thế. Thôi cho tôi xuống đi. Xuống đi! - À, anh tốc hành để đưa em về với chồng em. Có em trên xe anh cảm thấy như đang chở một khối bông. Nó cứ nhẹ tênh. Thôi cảm phiền. Lỗi cũng vì em xinh đẹp nữa đấy. Gã đạp chậm lại, dừng lại ngã tư nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ. Thảo thường xuống xe ở đó rồi đi bộ về bệnh viện. Về đêm, khách ăn thích ngồi xì xúp nơi mấy hàng phở ven đường. Khói bốc lên từ những thùng nước phở, mùi béo ngậy, mùi gia vị quyện vào nhau thành một hương vị mà có đi qua, có bịt mắt lại mà người ta vẫn biết đó là hàng phở. Thảo lách qua những chiếc bàn nhỏ dã chiến, đêm đêm vắng bóng công an, mấy chủ quán vẫn kê thêm bên vỉa hè cho khách ngồi.Tạt vào hàng bánh bao, Thảo mua hai cái cho chồng và cho mình để hai vợ chồng ăn cho vui. Đêm nay Thảo về hơi trễ vì vì chầu bia cuối cùng trong ngày mãi hơn tám giờ tối khách mới chịu ra về. Đó là lần về trễ nhất. Còn thông thường cỡ bảy tám giờ là cô có mặt bên chồng rồi. Thảo không làm buổi tối. Vì thế, cứ sáu giờ là cô nằng nặc đòi về, mặc cho chủ quán nhiều lần năn nỉ. Bút thấy vợ về muộn đã ra tận cổng đón. Đồng hồ treo tường trong cổng gác đã vang lên tiếng nhạc dạo rồi thong thả điểm mười tiếng. Anh bảo vệ cũng sốt ruột thay cho Bút, gọi với: - Vào đây làm chén nước đã. Mọi hôm tầm này là cô ấy về rồi. Sao hôm nay trễ thế nhỉ? Bút chau mày: - Nói thật với anh, cũng vì túng bấn mà tôi phải cho cô ấy đi làm. Chứ những chỗ ấy, tôi hãi lắm. Anh gác cổng tắc lưỡi: - Thời buổi này đâu cũng thế. Khôn sống, mống chết. Do mình cả ấy chứ. Bút buồn rầu: - Đành vậy. Đôi khi mình vững, hoàn cảnh nó đưa đẩy biết làm sao được! Nhác thấy bóng Thảo lướt qua, anh thường trực gọi tướng lên: - Này, trả cho đây này. Cô muốn để thằng Bút nó xỉu à? - Ôi, hai anh. Em đâu dám. Cô bước hẳn vào trong trạm gác, đặt hai chiếc bánh lên bàn, niềm nở: - Mời hai anh ăn đi, bánh còn nóng đấy. Bút cũng giục: - Thôi mời bác, ta ăn đi. Hai người đàn ông vừa ăn vừa gật đầu, tấm tắc khen ngon. Bút nhìn vợ rồi đột ngột nhìn ra ngoài đường. Hình như có điều gì đó không bình thường trên khuôn mặt hơi có da có thịt của người vợ trẻ. Thảo bắt gặp cặp mắt sắc, lạnh của chồng, vội vã nhìn đi chỗ khác, rót nước ra đầy hai ly: - Nhanh lên rồi còn về. Khuya rồi! Bút cười nhưng không được tươi: - Em đi thêm một lúc nữa rồi về luôn thể. Tho cúi xuống vai chồng, âu yếm: - Em có chút việc bận. Hôm nay mới muộn một hôm là một. Thế mà cũng lẫy. Bút ngừng nhai, miệng đầy bánh, âm thanh phát ra bị méo đi: - Ai lẫy? Hai vợ chồng chia tay người thường trực lúc ấy đã mười một giờ. Bệnh viện về đêm vắng lặng. Thường Thảo vẫn trải chiếc chiếu con trên sàn nhà trong buồng bệnh của Bút. Phòng bệnh chưa đầy mười tám mét vuông, vừa kê đủ bốn chiếc giường bốn góc. Đầu mỗi giường là một tủ nhỏ đựng đồ dùng của người bệnh. Loại phòng đó tương đối rộng rãi, mấy người bệnh cũng diện điều trị ung thư gan tiên phát được giáo sư Vũ Thịnh quan tâm, thuộc diện bệnh nhân tình nguyện thực hiện phương pháp điều trị mới trong công trình nghiên cứu của giáo sư. Thảo lom khom dùng giẻ lau nhà, chép miệng nói khẽ với Bút: - Tiền đâu mà họ tiêu như nước. Bia uống cứ gọi rồi đổ đi. Thức ăn bỏ thừa mứa. Mấy con lợn sau chuồng nhà bà chủ cứ núc na núc ních. Thảo trải xong chiếu, chưa kịp ngả lưng đã nghe tiếng mở cửa rất khẽ, một bóng người mặc blouse trắng bước vào vỗ nhẹ lên cô: - Mày sang bên tao mà ngủ. Hôm nay tao trực. Đi đâu mà biến dạng cả ngày thế, con ranh? Bút lúc ấy chưa ngủ, nhận ra tiếng của Tấm: - Chị Tấm đấy à. Thôi để nhà em ngủ đây cũng được. - Được là thế nào. Giọng Tấm hơi gắt. Tao trực thì nó mới ngủ được. Sang đây! Tấm kéo Thảo xồng xộc, tiện tay cúi xuống cuốn chiếc chiếu, khẽ khàng với Bút: - Thôi chú ngủ đi. Hai chị em nằm trên chiếc giường một, úp mặt vào nhau. Tấm ngửi thấy mùi rượu nồng nặc từ miệng Thảo. Chị lấy tay dí vào trán Thảo: - Mày uống rượu? - Đâu. - Tho chối. - Lại còn không. Sặc mùi rượu. Thấy không thể dối Tấm, Thảo khai thật: - Chiều em có uống tí bia. Mấy ông khách cứ ép, em chối mãi mà không được. Thành ra... Tấm nằm ngửa vắt tay lên trán, không nói gì thêm. Thảo nằm một chút đã cất tiếng ngáy đều đều. Tấm ngồi dậy lấy chăn đắp kín ngực cho Thảo rồi rót nước sôi trong phích cho vào ấm trà. Chị nhìn Thảo ngủ ngon lành, trong lòng dấy lên một niềm thương cảm không bờ bến. Biết Thảo uống rượu, uống bia lúc đầu chị té tát mắng cho một trận. Ấy là chị thương Thảo, chị không muốn việc uống rượu, uống bia mãi rồi sẽ thành thói quen để rồi rơi vào những cạm bẫy tiếp theo. Nhưng chị đã kìm lại được. Bản thân chị biết Thảo làm việc cho một quán nhậu là điều không nên. Lành ít, dữ nhiều. Nhưng rồi chị tặc lưỡi, mình đã giúp được gì cho nó đâu. Mình chưa lo nổi mình. Hơn ba mươi năm làm hộ lý chị đã gặp bao cảnh thương tâm. Lúc đầu trái tim chị quặn lên đau nỗi đau thật sự như người bệnh phải chịu. Chị nhớ lại lần đầu tiên chị gặp một thằng bé bị chết vì bệnh uốn ván. Bà mẹ cháu lăn xuống đường, vật vã níu chặt lấy chân người hộ lý đang khiêng cháu xuống nhà xác. Nhưng rồi những cnh chết chóc trở nên chuyện thường tình ở bệnh viện. Cảm xúc của chị trước thương đau của người khác ít đi, vơi đi. Khi gặp Thảo lên chăm sóc chồng, chồng Thảo chưa phải diện thập tử nhất sinh nhưng Tấm có mối cảm thương như những ngày mới bước vào nghề. Cái thân phận nghèo hèn nhưng lại hết lòng với chồng của Thảo làm Tấm mủi lòng, cảm động. Thiếu gì người có thân nhân, thậm chí sắp lìa đời đã dửng dưng quăng tiền ra nhờ Tấm chăm sóc. Còn Thảo, Thảo vừa nuôi chồng vừa kiếm sống. Đồng tiền kiếm được ở nơi nhà hàng, quán nhậu, nhiều khi phải trả giá. Thảo quờ tay không thấy Tấm nằm bên cạnh, giật mình tỉnh dậy. Cô nhìn sang vầng sáng của ngọn đèn, Tấm ngồi một mình bên chiếc bàn con, không biết Tấm đang nghĩ gì, bèn giục: - Thôi, ngủ đi chị. Em mệt quá. Tấm nói như ra lệnh: - Thảo, mày dậy tao bảo! - Có gì thì mai - Thảo dụi mắt - ngủ cái đã! - Dậy tao bảo! Tấm giật giọng. Thảo miễn cưỡng ngồi dậy, che miệng ngáp, uể oải ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Tấm. - Chị bảo em? - Phải, tao hỏi thật, chỗ chị em. Tao thấy từ hai tuần nay, mày làm được đồng tiền tao mừng. Nhưng tao hỏi, mà mày phải nói thật, ngoài tiền công, mày có tiền gì nữa không...? Thảo chợt hiểu, vỗ vai kéo Tấm sang bên giường: - Rõ u già lẩn thẩn. Thằng nào mà sờ được vào em? Thôi, ngủ đi bà già, em mệt lắm! - Thế tại sao mày uống bia? - Ô, khách mời thì uống, mình có xin họ đâu? Mời mà em chối, chối không được thì uống. Em cũng phải giữ cái thân em nữa chứ chị! - Thế nó cho mày uống bia, nó có làm gì mày không? - Không. Tấm đứng dậy túm lấy áo Thảo: - Mày nhìn thẳng vào mặt con này đi, trả lời tao có hay không? Thảo quay mặt không dám nhìn vào đôi mắt giận dữ của Tấm, úp mặt vào vai chị, nức nở: - Chị ơi, sao chị lại nghi ngờ em như vậy. Em trả lời không, chị không tin. Trả lời có chị cũng không tin vì chị biết em không phải hạng đốn mạt. Chị ơi em khổ tâm quá...! Mãi sau hai chị em mới nằm lại trên giường ngủ. Thảo kể cho Tấm nghe về những ánh mắt khác lạ của Bút hồi hôm. Không nói ra nhưng chắc Bút có chung tâm trạng như Tấm. Tâm trạng buồn và lo lắng cho Thảo. Có hôm, cầm tờ bạc của vợ, giục buổi sáng phải ra bồi dưỡng tô phở, Bút đã ngần ngại không dám ăn, cuối cùng đồng bạc vẫn còn nguyên trong túi. Những đêm nằm trên sàn nhà cạnh giường của Bút, có hôm Bút lẻn xuống bên Thảo. Tưởng Thảo ngủ thiếp, Bút hôn lên má, lên tóc Thảo rồi nói một mình: “Vì anh mà em vất vả...!” Tấm thì thào vào tai Thảo: - Tao thương mày, tao mới nói vậy. Thằng Bút nó cũng thương nhưng nó không nói gì vì nó chịu ơn mày. Mày có theo trai nó cũng không nói gì, em ạ. - Vâng, em biết chị cũng lo, nhà em cũng lo. Nhưng tuần sau nhà em ra viện rồi, sáu tháng sau mới quay lại. Em mừng là nhà em đã khỏe. Em nói thật với chị cũng may có bác Thịnh. Chứ mất nhiều tiền mà cứu được nhà em, làm gì em cũng liều! Tấm ngẫm nghĩ một lúc rồi buột miệng: - Ít người nghĩ được như mày. Thôi đi ngủ, mai mày còn phải đi làm sớm. Hai chị em ôm nhau thiếp đi, để mặc những giọt mưa tí tách gõ đều đều trên mái ngói.