Con hẻm vào nhà ông Vũ Thịnh đã mọc lên một vài quán nhỏ phía ngoài. Phía trong hẻm, sự im lặng vẫn dâng tràn, ùa ra từ những ngôi nhà trầm tư và từ những vòm cây xanh biếc. Con đường nhỏ ít người đi, lác đác có chỗ rêu xanh, xanh lên cả bờ tường phủ phía trên bằng hàng rào tigôn màu tím. Con hẻm ấy gắn bó với Vũ Hải suốt ba mươi năm, từ khi anh mới lững chững biết đi, mẹ anh thường dắt tay anh men theo bờ tường ra tít ngoài đường cái. Những hàng cây trong các khu vườn hai bên sớm chiều tỏa bóng và Vũ Hải đã lớn lên với con hẻm quen thuộc, biết bao kỷ niệm thân thiết này. Từ ngày nhận quyết định kỷ luật, Vũ Hải lầm lũi đi về như một chiếc bóng. Gần đây, trong một quán nhỏ phía ngoài đã thấy vài người đàn ông không biết từ đâu đến, lè nhè với nhau bên chai rượu làng Vân sủi tăm với vài hạt lạc rang, tán gẫu chuyện trên trời dưới biển. Một người trạc tuổi bốn mưi, tóc để dài, râu mép rậm, dáng nghệ sĩ. Một người trán hói, bụng phệ, đi chiếc Môkik màu đỏ đã cũ, máy hai thì nổ phạch phạch, ống xả xịt đầy khói, trước đi lao động xuất khẩu bên Đức. Một mụ đàn bà ngoài ba mươi mặt mày coi được nhưng quần áo vẻ bụi đời, tóc cắt tém, uống rượu làng Vân cánh mày râu phải kính nể. Họ tụ tập ở quán từ lúc xế chiều. Lúc đầu họ còn ngồi ở quán, về sau thành quen, bà chủ quán mời hắn vào phòng khách, một căn buồng nhỏ ngay dưới tầng một của tòa biệt thự. Ngôi nhà ấy nghe nói của một tay tư sản đi Nam năm năm tư. Bà chủ quán cóc ấy chiếm được chỗ ngon lành ngay từ đầu ngõ, dưới vòm cây vú sữa cành lá sum suê, mở quán bán ba thứ đồ nhậu lai rai. Cũng phải thừa nhận ít có nơi nào trong thành phố lại có một biệt thự đẹp đẽ với mảnh sân thoáng rộng đến vậy. Lầu hai của một gia đình trí thức có tên tuổi. Tầng dưới ba hộ, bà chủ quán ở ngoài cùng. Thành ra quán rượu của bà ở vào nơi đắc địa, chiều chiều thấy rất nhiều khách ngồi trên những chiếc ghế nhỏ lúp xúp quanh chiếc bàn con y như trẻ mẫu giáo ngồi học. Họ đến đây để thưởng thức vị rượu làng Vân, thả mình trong cõi yên lặng hiếm có của con hẻm nội thành, nơi thành phố ồn ã, nhộn nhịp này. Chiếc Môkik phành phạch chạy vào trong sân, gã bụng phệ bước xuống với con cá chép trong bịch nylon. Gã gọi với bà chủ: - Làm giùm tí. Chiều nay thứ bảy! Mụ đàn bà tóc tém đang ngồi dựa lưng trên chiếc ghế salon, bật dậy: - Chị để tôi. Lão này chỉ quen ăn sẵn. Thị cầm con dao và túi nylon đựng cá bước ra góc sân, nơi có chiếc vòi nước công cộng và tấm bê tông phẳng lì kê làm chỗ giặt giũ, hì hục làm cá. Gã béo mập hai tay chống gối, hi hí cười xem thị làm cá, lơi lả: - Trông cô em làm thạo đấy chứ. Lát nữa anh thưởng cho vài cái “hòm”! - Nỡm, thứ anh không đến phần. Gã cười gằn: - Cao giá nhỉ. Đây nếm đủ mùi con gái năm châu, cô em là cái sá gì. Thị không vừa: - Rượu chưa vào đâu đấy. Đừng có lằng nhằng. Thị vặn to vòi nước, đưa tay bịt vòi lại làm bắn tung tóe những tia nước sang phía gã. Gã cười khanh khách: - Được nhá, chút nữa biết tay anh! Vũ Hải lững thững trong con hẻm bước ra, thất thần như một người thua trận. Khuôn mặt thư sinh, dáng bộ kiểu cách hàng ngày đã biến mất, nhường chỗ cho một Vũ Hải râu mọc tua tủa, quần áo xộc xệch đi đứng thất thểu. Nhìn thấy Hải dáng bộ buồn rầu đang bước đi, chị chủ quán tưi cười, khoát tay gọi Hải: - Chú Hải, chú Hải! Hải đứng lại, ng ngác nhìn rồi bước lại trước quán. Vẫn giọng chị chủ quán: - Chú đi đâu vậy. Tối thứ bảy không bồ không bịch, chán bỏ mẹ đi được. Vào đây, vào đây chị đãi chén rượu. Vũ Hải: - Cảm ơn, em không quen uống rượu. Chị chủ quán vốn là người về đây ở cùng bố mẹ từ ngày Vũ Hải mới sinh. Chị hơn Vũ Hải vài tuổi nhưng gia đình bố mẹ là công nhân, không đủ tiền cho con cái học lên. Chị lấy chồng rồi ở lì với cha mẹ trong căn phòng hai mươi bốn mét vuông này. Bố mẹ mất, chồng bỏ, chị ở vậy một mình làm lụng kiếm sống qua ngày. Thuở nhỏ chị đã nhiều lần bế Hải ra tận đường phố chính, dạy cho Hải cách chơi ô ăn quan ngay trong sân nhà chị. Với Vũ Hải, chị vừa có vẻ thân thuộc của một người hàng xóm, vừa có cái tình của người lớn tuổi đã có cả thời thơ ấu đẹp đẽ cùng anh, giọng có chút suồng sã: - Chị khuyên, chả cần buồn bực gì với đời cả. Có buồn chỉ rượu mới giải được. Các cụ ngày xưa chả lấy thơ lấy rượu giải sầu là gì. Vũ Hải không nói gì, bước theo người đàn bà đang cầm lấy vạt áo anh bước đi như một cái máy. Chị dẫn Hải vào trong phòng khách nhà mình, nơi gã đầu hói đang ngồi ghếch chân lên bàn, mở to tờ báo trước mặt. Chị vui vẻ giới thiệu với khách rồi ấn Vũ Hải ngồi xuống ghế. - Đây là chú Hải, bác sĩ con giáo sư Thịnh trong hẻm. Chú ấy đang buồn vì vụ xì-căng-đan, cả thành phố đều biết. Gã đầu hói buông tờ báo, đưa tay bắt tay Vũ Hải: - Biết rồi, biết rồi. Chuyện vặt. Tình ngay lý gian. Buồn hả. Việc chó gì mà buồn. ở đây làm chén rượu với chúng tớ. Gã tóc dài cũng đưa tay ngang tai, chào Vũ Hải dáng quân sự: - Nói cho chú biết, thời buổi nhiễu nhương, chú phải làm theo luật. Chú để cho nó làm mưa làm gió trên mảnh bằng của mình là hỏng rồi. Thẻ vàng là may, thẻ đỏ chú vào gỡ lịch trong nhà đá mới nhục. Phải tự tay làm lấy, chú hiểu chứ? Như tôi đây này, một mình tôi một cơ ngơi. Chủ cũng tôi mà tớ cũng tôi. Tôi đếch tin đứa nào cả. Làm ăn tư nhân, nhà nước cho phép nhưng không biết cách lại khốn khổ hơn làm nhà nước. Người đàn bà từ phía sau tay cầm đĩa cá hấp có rắc mấy cọng hành phía trên, rón rén đặt trên bàn: - Mời quý anh, hơi đâu mà nghĩ chuyện đời. Thị rót rượu ra ly nhỏ, nhoáng một cái đã hết ly, khà một tiếng kéo dài: - Tôi theo luật, đàn bà uống trước, giờ đến đốc tờ Hải, khách mới, nào, cạn ly, anh Hải. Hải hết nhìn người đàn bà rồi lại nhìn ly rượu trên tay thị. Thường ngày, Hải vẫn đi uống nhưng thường đến chỗ sang trọng, ít khi la cà nơi quán xá bình dân. Lần đầu tiếp xúc với ngôn ngữ bỗ bã của lớp người ít học, Hải hơi khó chịu. Nhưng trong một hoàn cảnh kinh tế đã bắt đầu co lại với đồng lương hàng tháng, Hải không thể vung tay quá trán, chấp nhận lời mời của người phụ nữ. Hải nâng ly rượu bằng hai tay lên trước mặt, cúi đầu ba lần lễ độ: - Mời chị, mời các anh. Gã đầu hói cười hể hả, gã tóc dài khoái chí vỗ đùi đánh đét: - Phải thế chứ! Vũ Hải về tới nhà đã mười hai giờ đêm. Ông Vũ Thịnh vẫn chong đèn đợi con. Qua cửa sổ, một vệt ánh sáng nhỏ chiếu chếch hắt xuống con đường nhỏ đầu hè, ông nhìn thấy Vũ Hải lảo đảo bước vào dãy nhà sau. Lòng ông se lại. Cảnh gà trống nuôi con, ông thấm thía những mất mát mà ông phải gánh chịu. Ông nhớ lại, thuở tuổi ba mươi như con ông bây giờ, ông đang ba lô khoác vai, đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Lúc bấy giờ, cái tâm của con người lớn lắm. Cái tâm vì nghĩa lớn của một dân tộc, cái tâm vì đồng đội, vì bạn bè. Sao có một thời đẹp thế. Ông lắc đầu và tự lý giải, không phải bây giờ cuộc đời bỗng nhiên xấu đi. Con ông lớn lên không biết một ngày cầm súng, con đường khoa học cứ trải dài, rộng mở trước mặt. Có lẽ vì quá thuận lợi, lớp trẻ bây giờ quên đi rằng, để có con đường đi rộng mở hôm nay, ông và bạn bè ông đã khổ công khai phá. Ông Vũ Thịnh chợt ngước nhìn lên tượng Hippocrate, ông lẩm nhẩm lại lời thề khi ông cùng đồng nghiệp vung tay trong bộ áo chùng bằng satin đỏ, trong giảng đường lớn của trường đại học, cũng ngay trước tượng Hippocrate. Đó là lời thề thiêng liêng, hàng ngày trước lúc đi ngủ ông vẫn nhẩm đọc y như người sùng đạo đọc kinh mỗi đêm. Vũ Hải dậy muộn. Ông Vũ Thịnh đã vắng nhà. Cô cháu gái đi chợ. Đầu anh mọng nhức với những ly rượu sủi tăm đêm qua. Anh đã có một đêm ngủ ngon không trằn trọc. Đúng, chị chủ quán nói đúng, chỉ có rượu mới giải được sầu. Từ đó, không kể thứ bảy hay chủ nhật, Vũ Hải đều ra quán. Ông Vũ Thịnh biết điều đó. Có lần trong bữa cơm, ông khuyên: - Con không nên uống nhiều rượu. Con thừa biết, rượu là chất độc. Hải ậm ừ cho qua chuyện. Từ khi đoạn tuyệt với Bích Hạnh và bà Hoàng Cúc, Hải tưởng mình đã trút được một gánh nặng. Nhưng không. Sáu tháng đi lại với Bích Hạnh, Vũ Hải đã quen với cách sống của tầng lớp xài tiền như nước. Cái phòng mạch của anh đã giúp anh hái ra tiền để ném vào những cuộc du chơi không khi nào kết thúc. Nay Bãi Cháy, mai Tam Đảo. Thế mà bây giờ... Vũ Hải đang đưa ly trăm phần trăm với gã đầu hói chợt nghe tiếng của cô em họ léo nhéo từ ngoài cổng: - Anh Hải ơi, anh có khách. Hải bực mình: - Đàn ông hay đàn bà. Đàn ông thì bảo ra đây, đàn bà thì bảo về đi. Đây không tiếp giới quần đen. Cô em họ vẫn nằng nặc, giẫm chân: - Anh về đi, người ta tha thiết muốn gặp anh. - Đàn ông hay đàn bà, quen hay lạ mới được chứ. Vũ Hải gắt lên. - Con gái. Lạ hoắc à! - Con gái đây lại càng không tiếp. Kìa uống đi chứ, các vị. Ly của bà chị còn vơi. Nam nữ bình đẳng. Nào, vào đi! Cô em gái thấy không ổn, ghé miệng vào sát tai Vũ Hải: - Anh về đi. Cô này trông sang và đẹp lắm. Thiết tha gặp anh. Hỏi có nhắn lại gì, cứ nhất định không nói. Mắt Vũ Hải chợt sáng lên như mèo vồ được chuột: - Ờ, thế thì tôi về. Cáo lỗi bà chị và các đại ca! Vũ Hải ngồi đối diện với người con gái. Cô còn trẻ, tóc để xõa ngang vai, hai tay lúng túng cứ vân vê chiếc quai túi xách. Cô ấp úng không nói được câu gì. Vũ Hải vào chuyện: Nào, tôi có thể giúp em gì không? Cô gái quay đi, hai tay bưng mặt, thút thít khóc. Vũ Hải nhìn cô gái lạ, ít nhiều đã đoán ra được câu chuyện. Anh hỏi với giọng tỉnh khô: - “Dính” rồi phải không? Thôi được, ngày mai xuống bệnh viện. Cô gái bỗng nức nở: - Không... em xin bác sĩ giúp em...! Vũ Hải đứng dậy đi đi lại lại trong phòng khách: - Ơ hay, tôi có từ chối đâu. Ngày mai xuống bệnh viện. Mà em chưa tự giới thiệu với tôi. Em tên gì? Nhà cửa ở đâu? Cô gái lau nước mắt, nhìn vào khuôn mặt đỏ bầm do rượu của Vũ Hải, nói rất nhỏ: - Em được mấy đứa bạn giới thiệu, đến gặp riêng bác sĩ. Em xin bác sĩ giúp. Mọi việc em xin sòng phẳng. Em không muốn đến bệnh viện. Vũ Hải lắc đầu: - Biết rồi. Phòng mạch của tôi đã đóng cửa. Thủ thuật đó tuy đơn giản nhưng không được làm ở nhà. - Em không để bác sĩ thiệt thòi. Vũ Hải cười: - Thế nào là không thiệt thòi? Thứ làm chui này không có giá. Kể cả khi em đưa cho tôi bạc tỉ, tôi cũng không dám. Tôi chưa bao giờ làm việc đó một cách lén lút. Em thông cảm, về đi, tôi xin lỗi, tôi đang dở cuộc vui. Cô gái lại bưng mặt khóc. Vũ Hải đã bước xuống tam cấp thềm nhà, định đi ra đầu hẻm. Nghe tiếng nức nở của cô gái, anh quay lại: - Nhưng em tên là gì? Em bao nhiêu tuổi? Bố mẹ em làm gì? Nhỡ tôi giúp em, cha mẹ em lại đến ăn vạ thì sao? - Em tên là Tuyết. Bố mẹ em ở trên phố. Tiệm vàng “Đồng Tâm”. Vũ Hải lạnh lùng: - Thôi, em về đi đã, mai tính. Nói xong, Vũ Hải bước đi, cô gái chạy vội ra nhưng không kịp nói câu gì. Vũ Hải lững thững đi vào quán, ngoảnh lại nhìn cô gái đi chiếc Dream màu mận chín ra khỏi con hẻm. Cô gái tên Tuyết có nước da trắng, khuôn mặt trái xoan, dáng vẻ u buồn tìm đến nhà Vũ Hải buổi chiều hôm sau như Hải đã hẹn. Cô ngồi bên chiếc ghế gỗ kê đầu nhà, sát lối đi vào bếp, cạnh mấy chậu cảnh. Cô buồn rười rượi, vẻ lo lắng và tuyệt vọng. Chị uống tạm chén nước. - Cô em họ Vũ Hải trao cô cốc nước. - Tầm này, đáng lẽ anh ấy đã phải về rồi. Bác Thịnh dạo này nằm điều dưỡng, ăn cơm tối xong bác ấy mới về. Có hôm về, hôm không. Tuyết chờ không lâu, Vũ Hải đã phóng xe vào, đỗ ngay trước mặt cô, Hải lắc đầu: - Thế này em bé ạ. Chuyện của em, tôi chịu! Thôi đành xin lỗi! Hải bước vội theo đường luồn, vào phòng của mình, gieo mình lên chiếc giường phủ drap màu trắng, tay buông thõng, ngước mắt nhìn lơ đãng lên trần nhà. Tuyết bước theo, ngần ngại đứng ở cửa, len lén nhìn Vũ Hải. Cô nói như van lơn: - Anh mà không giúp được em, em chỉ còn đường uống thuốc tự tử! Vũ Hải vẫn không ngồi dậy, nói vọng ra: - Em muốn làm gì thì làm, quyền của em. Tôi đã trả lời rồi, tôi không thể. Tuyết đứng ngay cửa, nức nở khóc. Tiếng khóc của một cô gái mới lớn lên đã phải chịu cảnh cay đắng của cuộc đời nghe thật thảm thiết. Cô khóc như tiếng con mất mẹ khiến Vũ Hải phải ngồi dậy, đi lại vỗ lên vai cô: - Thôi, em nín đi. Em khóc thế người ngoài nghe được tưởng tôi với em có chuyện gì rồi giờ em đến bắt đền tôi. Vũ Hải dìu Tuyết ngồi tạm trên chiếc ghế bên bàn làm việc của mình. Anh ngồi bên ghế đối diện, nhìn cô trong trạng thái buồn thảm. Lúc ấy vẻ đẹp buồn bã của cô tập trung sự chú ý của Hải. Tự nhiên, Hải đưa tay vuốt nhẹ tóc cô rồi cầm chặt lấy tay cô. Ý định chiếm đoạt cô gái mới lớn bừng cháy trong thân hình vạm vỡ của chàng trai từng trải. Hải thấy toàn thân nóng ran, người như lên cơn sốt. Không thấy Tuyết phản ứng gì, Vũ Hải ghì chặt cô vào lòng, hôn tới tấp như mưa lên khuôn mặt mọng sữa của cô. Mấy ngày sau đó, chiều nào Vũ Hải cũng ở nhà đợi Tuyết. Đó cũng là khoảng thời gian ông Vũ Thịnh vắng nhà đi điều dưỡng. Cô em họ ở phía sau nhà bếp, không quan tâm chuyện gì đang xảy ra ở nhà trên. Tuyết trở thành người tình của Vũ Hải trong suốt tuần lễ. Đến ngày thứ bảy, một chiếc taxi đỗ sẵn ngoài ngõ. Vũ Hải dìu Tuyết mềm nhũn như tàu lá bước ra xe. Cô em họ giặt một chậu đầy những tấm vải trắng thấm máu. Trước khi đi ra quán rượu, Vũ Hải còn quay lại dặn: - Em nhớ đừng nói gì với bác đấy nhé! Ngoài kia, tiếng xe máy hai thì phành phạch vọng lại mỗi lúc một gần.