Cho đến nay, trong số tất cả những bạn bè quen biết, người ấy đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất. Năm tháng đã trôi qua nhưng có bao giờ tôi quên được nỗi xúc động đã trải qua khi ấy. Chỉ cần ngồi lại một mình là lập tức trước mắt tôi lại hiện lên khuôn mặt chất phác của Raip Êphenđi cùng với ánh mắt đăm chiêu tư lự và nụ cười rụt rè ngượng ngập. Con người ấy không có gì đặc biệt, chỉ là một người bình thường mà ta vẫn hay gặp trên đường và không bao giờ để mắt đến. Có lẽ trong cuộc sống của những người như thế cũng chẳng có điều gì đáng làm cho ta phải bận tâm. Mà nếu tình cờ có gặp những con người như vậy thì trong óc ta sẽ nảy ra câu hỏi: " Họ sống ở trên đời này để làm gì nhỉ? Họ cũng hít thở không khí, đi lại trên mặt đất, nhưng trong sự tồn tại đáng thương ấy liệu họ có tìm thấy một ý nghĩa nào không nhỉ? ". Song trước khi đặt câu hỏi như thế, có lẽ ta cũng nên thử tìm hiểu về họ kỹ càng hơn. Ta sẽ không thể ngờ rằng có những hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho họ phải thu mình lại, che giấu cuộc sống nội tâm của mình trước những người xa lạ. Đáng lý phải lên án tính kín đáo của họ nhưng ta hãy thử cố gắng đi sâu vào thế giới nội tâm đầy bí ẩn ấy, chắc ta sẽ bắt gặp những tâm hồn không kém phần phong phú. Có điều thường là khi người ta đánh mất một cái gì đó thì hay đi tìm ở những nơi mà người ta cho rằng sẽ có thể tìm thấy nó. Chúng ta dễ bắt gặp một dũng sĩ sẵn sàng xông vào chốn hang sâu quen thuộc để giao chiến với con rồng hung dữ hơn là nhìn thấy một người dám chui xuống giếng mà không biết những gì đang đợi anh ta ở trong đó. Nhưng tình cờ tôi đã đánh giá được đúng phẩm chất của Raip êphenđi. Sau khi bị mất việc ở nhà băng, tôi lang thang trong thành phố Ankara để tìm việc. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao mình đã bị thải hồi. Người ta nói là để giảm biên chế, nhưng chỉ một tuần sau đó đã có người khác ngồi vào chỗ của tôi. Với số tiền còn lại trong túi tôi có thể chật vật sống tạm đến cuối hè, nhưng mùa đông khắc nghiệt đã đến gần buộc tôi phải suy nghĩ đến việc trả tiền trọ cho khách sạn nơi tôi đang sống cùng với một người bạn. Và vì túi tiền đã cạn nên cũng không thể tiếp tục đặt cơm tháng trong một quán ăn bình dân được nữa. Tôi đã uổng công gõ hết cửa này đến cửa khác để xin việc làm dù biết trước rằng mình sẽ bị từ chối. Tôi đã giấu bạn bè thử xin một chân bán hàng nhưng rồi cũng không được nhận. Sau thất bại này tôi đã lang thang mấy đêm liền trong thành phố với một nỗi tuyệt vọng chán chường. Ngay cả lúc bạn bè rủ đi uống một vài ly rượu tôi cũng không thể nào dứt bỏ được những ý nghĩ buồn thảm ấy. Lạ thay, càng tuyệt vọng tôi lại càng chán nản và trở nên rụt rè nhút nhát hơn. Tôi lẩn tránh bạn bè quen thuộc, ngay cả với bạn nhậu, cũng như những người trước kia tôi có thể mượn tiền mà không e ngại. Bây giờ để trả lời cho câu hỏi: " Công việc thế nào? " tôi thường lảng tránh bằng một nụ cười gượng gạo: " À, vẫn thế… sống tạm bằng những công việc lặt vặt…" và ngay sau đó tôi tìm cách đánh bài chuồn để khỏi phải trả lời những câu hỏi khác. Có lần vào buổi chiều, tôi lang thang trên đường phố vắng vẻ, đắm mình trong bầu không khí mùa thu tươi mát. Có lẽ người ta không thể no được bằng không khí nhưng dù sao nó cũng làm cho tinh thần sảng khoái hơn. Những tia nắng cuối cùng của mặt trời đang nhảy nhót trên những tấm kính của tòa nhà Hội đồng và nhuốm một màu đỏ thẫm lên những phiến đá trắng. Phía trên những hàng thông non và phượng vĩ, những đám sương mù bồng bềnh như những làn khói. Mặt đường nhựa sáng loáng, lấp lánh những vệt bánh xe. Những người công nhân lặng lẽ rảo bước trên các vỉa hè. Có lẽ họ từ công trường nào đó trở về. Có vẻ họ hài lòng với cuộc sống của họ. Nhìn cảnh đó không thể suy luận khác được, nhất là ở một người đang có tâm trạng như tôi. Vào đúng lúc ấy một chiếc xe du lịch phóng ngang qua và tôi kịp nhận thấy sau kính xe thấp thoáng một khuôn mặt quen quen. Chạy được khoảng hơn chục mét chiếc xe dừng lại. Từ trong xe một người bạn học cũ của tôi là Hamđi mở cửa ra vẫy tôi lại. Tôi bước đến gần. - Cậu đi đâu đấy? - Hamđi hỏi. - Chẳng đi đâu cả. Dạo loanh quanh vậy thôi. - Nếu vậy thì đến chỗ tớ đi. Và không đợi tôi đồng ý, Hamđi kéo tuột tôi lên xe, để tôi ngồi ngay bên cạnh anh. Hóa ra là Hamđi đang trên đường về nhà sau một chuyến đi thanh tra các nhà máy của công ty nơi anh ta đang làm việc. - Tớ đã điện cho nhà tớ là hôm nay tớ về, vì vậy có lẽ ở nhà đã chuẩn bị đón. Nếu không thì tớ đã chẳng mời cậu. Tôi bật cười. Trước kia chúng tôi vẫn thường gặp nhau, nhưng từ ngày tôi rời khỏi nhà băng đến nay hai đứa chưa có lần nào gặp lại. Hamđi là phó giám đốc công ty buôn bán máy móc và đồ gỗ, do vậy thu nhập cũng khá. Nhưng tôi đã không đến nhờ Hamđi giúp đỡ, hơn nữa tôi còn cố tình lánh mặt vì chỉ sợ anh ta nghĩ rằng tôi đến để cầu cạnh hoặc để vay tiền. - Thế nào, cậu vẫn làm ở nhà băng đấy chứ? - Không, đi rồi… - Đi đâu? - Hiện nay thì chưa đi đâu hết… Hamđi chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân như đang cân nhắc xem có nên mời tôi đến nhà nữa hay không. Nhưng ngay sau đó, anh ta mỉm cười kẻ cả rồi thân mật vỗ vai tôi: - Cũng chưa phải là tai vạ gì đâu… Tối chúng ta sẽ bàn thêm và sẽ nghĩ ra cách thoát. Rõ ràng là Hamđi rất hài lòng với bản thân và với địa vị hiện nay của mình. Còn sao nữa! Anh ta có thể cho phép mình xài sang một chút bằng cách ra tay cứu giúp một người bạn đang gặp cơn hoạn nạn. Những lời nói của Hamđi khơi dậy trong lòng tôi một tia hy vọng. Hamđi sống trong một căn nhà không lớn lắm nhưng đầy đủ tiện nghi. Vợ anh ta là một người đàn bà không đẹp nhưng cũng dễ coi, bước ra đón. Hai vợ chồng thản nhiên hôn nhau trước mặt tôi. Sau đó Hamđi vào nhà tắm bỏ mặc tôi và vợ anh ta ngoài phòng khách. Anh ta cũng chẳng giới thiệu tôi với vợ và vì vậy tôi cảm thấy lúng lúng không biết phải xử sự ra sao. Vợ Hamđi đứng gần cửa thỉnh thoảng liếc nhìn tôi. Hình như cô ta cũng định mời tôi ngồi nhưng có lẽ cho rằng tôi là một nhân vật chẳng quan trọng cho lắm nên để đứng vậy cũng được. Một lát sau cô ta chậm rãi bỏ đi. Thật là thú vị! - Tôi thầm nghĩ - Không hiểu tại sao những người như Hamđi, không bao giờ xem thường những quy tắc lễ nghi, hơn nữa có thể còn rất coi trọng chuyện đó, đã đạt được những địa vị cao trong xã hội, thành đạt trong cuộc sống lại có thể cẩu thả bỏ tôi đứng ở giữa phòng như thế này. Có lẽ đó là sự đãng trí của những kẻ mau thành đạt trong khi cư xử với bạn cũ nhất là đối với những người nghèo chăng? Với họ chẳng có gì khó khăn cho lắm khi chuyển sang cách xưng hô trịch thượng, suồng sã " cậu cậu, tớ tớ " hoặc là đột ngột ngắt lời người mình đang tiếp chuyện bằng một câu chẳng ăn nhập vào câu chuyện và ném về phía họ một cái nhìn đầy thương hại… Thời gian gần đây tôi đã quen với chuyện ấy nên cũng không phật lòng nữa. Bỗng nhiên tôi muốn lặng lẽ rời khỏi nơi đây để thoát khỏi tình trạng lúng túng này. Nhưng đúng lúc ấy một người đàn bà có tuổi, dáng dấp quê mùa, đeo tạp dề trắng, đội mũ trùm, đi đôi tất đen cũ bước vào phòng và lặng lẽ đặt lên bàn nhỏ một khay với hai ly cà phê. Tôi chẳng biết làm gì hơn, đành ngồi xuống ghế bành lớn bọc bằng vải màu xanh thẫm có thêu hoa vàng và đợi chủ nhân ra. Tôi nhìn quanh phòng. Trên tường treo đầy những bức ảnh gia đình và chân dung các nghệ sĩ. Trong góc phòng, trên chiếc xích đông lăn lóc một vài cuốn sách rẻ tiền, loại sách đó chỉ 25 kurus (1) một cuốn. Có lẽ bà chủ thỉnh thoảng đọc để giải buồn. Cạnh đấy là một chồng tạp chí mốt quần áo. Trên kệ nhỏ kê dưới bàn có mấy cuốn album cũ. Không biết làm gì hơn tôi cầm lên một cuốn nhưng chưa kịp giở ra thì Hamđi bước vào. Một tay anh ta chải mớ tóc còn ướt, tay kia đang gài khuy chiếc áo thể thao màu trắng. - Nào, kể xem cậu sống ra sao? - Có gì mà kể. Mình đã kể hết rồi… - Tôi trả lời. Nhìn thái độ Hamđi có thể thấy rõ anh ta thích thú cuộc gặp gỡ với tôi. Ai mà chẳng thích khi có dịp được khoe khoang những thành đạt của mình trước bạn cũ, nhất là đối với những kẻ không gặp may và lại càng cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận thấy những nỗi bất hạnh đang ụp lên đầu những người quen lại không rơi vào mình. Lẽ dĩ nhiên là khi ấy người ta sẽ cảm thấy một sự thương hại đối với những kẻ xấu số. Rõ ràng là trong lúc ấy Hamđi đang trải qua những cảm nghĩ như thế. - À, thế còn việc viết lách ra sao? Vẫn viết đấy chứ? - Thỉnh thoảng cũng có viết tí chút… Thơ và truyện ngắn. - Nhưng có đem lại kết quả gì không? Tôi mỉm cười đoán biết thế nào anh ta cũng hỏi câu ấy. Sau khi đã chỉnh cho tôi một trận là không có đầu óc thực tế, Hamđi khuyên tôi nên bỏ cái trò vô ích ấy đi. Văn học theo anh ta chỉ nên ham mê lúc còn ở trường phổ thông chứ khi đã trưởng thành thì nó hoàn toàn vô ích và đôi khi còn có hại nữa. Hamđi quở trách tôi như đối với một đứa trẻ, không cho phép thanh minh phản đối. Trong những câu nói của mình, anh ta cũng không hề dấu những ưu thế của anh so với tôi. Với một nụ cười có lẽ là rất đần độn trên môi, tôi im lặng nghe anh ta, không hề phản đối và còn cố tỏ vẻ rất thán phục. Điều đó lại càng làm cho Hamđi nói hăng hơn. - Thôi được rồi. - Hamđi kết luận - Ngày mai cậu đến chỗ tớ. Chúng ta sẽ nghĩ ra cách gì đó. Tớ biết, cậu là một tay cũng thông minh nhưng hồi ở trường lại là một tên chúa lười biếng. Nhưng nói chung điều ấy cũng chẳng quan trọng gì. Khi cần thiết cuộc sống sẽ dạy cho chúng ta biết chăm chỉ. Ngày mai đến tớ sớm nhé! Có lẽ Hamđi đã nhầm lẫn về việc chính anh ta chứ không phải tôi là lười biếng, lêu lổng hồi còn đi học. Hoặc có thể anh ta vẫn nhớ điều ấy nhưng tin chắc rằng tôi sẽ không phản đối. Hamđi đứng lên cho thấy là đã đến lúc tôi phải ra về. Tôi cũng đứng ngay dậy, chìa tay về phía anh ta nói: - Cảm ơn sự tiếp đãi nồng hậu! - Cậu đi đấy à? Ngồi chơi tí đã… Còn sớm mà… Mà thôi, tuỳ cậu… Trong lúc nói chuyện tôi cũng quên mất rằng anh ta mời tôi đến để dùng bữa tối. Nhưng có lẽ bây giờ đã muộn. Chính Hamđi hình như không muốn nhắc lại lời mời. Anh ta tiễn tôi ra cửa. - Cho mình gửi lời chào phu nhân - Tôi vừa nói vừa đội mũ. - Được rồi, được rồi… Nhớ đừng quên đấy! Ngày mai chúng ta sẽ bàn chuyện của cậu. Đừng có rầu rĩ như thế! - Vừa nói Hamđi vừa vỗ vỗ vào lưng tôi. Khi tôi bước ra ngoài đường trời đã tối. Phố xá đã lên đèn. Hít một hơi thật sâu không khí đầy bụi nhưng lại có cảm giác như nó vô cùng trong sạch, tươi mát, tôi chậm rãi bước về nhà. Chú thích: (1): kurus: đơn vị tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ